Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ghi dọc đường đi, mùa hạ...

Ghi dọc đường đi, mùa hạ...

- Lê Minh Hà — published 01/12/2011 06:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Ghi dọc đường đi, mùa hạ


Lê Minh Hà



t,


bây giờ Berlin mùa thu. Mưa.


Bây giờ Paris ?


Và nước Pháp ?


h. chưa đi hết dọc dài nước Pháp, cũng như chưa đi qua hết xứ sở mình. Nhưng nước Pháp với chúng ta cũng như nước Việt, nói đến địa danh nào cũng thấy quen quen, thương thương, mãi. Nói gì Paris. Paris. Paris. Paris.


Lứa tuổi chúng mình quen, rất quen, có thể nói là chịu ảnh hưởng nặng văn học Pháp và văn học Nga – Xô viết đã được tuyển dịch một cách hệ thống. May. Nếu không thế thì thời thơ ấu thổ tả vì chiến tranh rồi lại chiến tranh, thời tuổi trẻ nhọc nhằn vì hậu chiến là một khái niệm thời gian mở về phía ngày chưa tới sẽ vô cùng ảm đạm.


Nhưng liệu có là không phải với nước Pháp, với Paris, khi chúng ta biết rằng với chúng ta, hình bóng của quốc gia này thành phố này bề thế, tráng lệ, tế vi không phải chỉ vì một Victor Hugo, Honoré de Balzac, Guy de Maupassant, Stendhal và bao nhiêu người Pháp vĩ đại khác mà mỗi tác phẩm của mỗi con người đó đều là một khảo cứu về lịch sử, về kiến trúc, là một khảo nghiệm tâm hồn con người, của đất nước mà thế gian này suốt bao thế kỉ nay phải hướng tới. Như là một bước để tiến gần tới điểm xác định mình là văn minh con người.


Sông Loire, sông Rhône, sông Rhin… những con đường đi qua xứ Flandre, đi qua các thành phố. Toulouse… Paris… Nantes… Avignon… h. đã gặp thằng bé Rémy mồ côi dọc đường chiến tranh, đã mua được Không Gia Đình, thật không thể tin nổi, trong một hiệu sách nhà quê dọc đường đi sơ tán, đã theo chân thằng Rémy dọc ngang nước Pháp suốt thời ấu thơ, đã cố hình dung mà không thể tiếng đàn mảnh mai tội nghiệp của hai thằng bé con con giữa ồn ào phố xá, bên sông nước buồn. Hai thằng bé không gia đình giữa nước Pháp loay hoay thế nào lại thành hai đứa bạn gần gũi nhất của h. tuổi thiếu thời bom đạn bầu bạn toàn với những bờ rào cúc dại nơi xóm vắng. Kể cũng kì quặc nếu làm những đường nối từ tác giả của cuốn sách dành cho trẻ con ấy tới các đại danh hào Pháp mà sau này chúng ta nghiền và kính ngưỡng. Nhưng nước Pháp thành hình trong h. bắt đầu từ đó. Còn t. ? Từ những hoài nhớ của người ông t. chưa bao giờ biết mặt về đất nước mà ông tới rồi trở về, như là một trong những trí thức Tây học đầu tiên của thế hệ vàng mà Tổ Quốc mình đã có ? Những hoài nhớ mà t. đã nghe qua người cha từng phải gánh chịu một số phận bùn lầy khi còn tuổi trẻ chỉ vì đã có một người cha nổi tiếng đến thế, người chết trẻ, không kịp đi cùng dân tộc cả một cuộc chiến tranh dài bằng bước chân riêng, nên cũng không kịp minh oan cho mình ? Hay với t. nước Pháp thành hình từ âm nhạc, thứ âm nhạc thuần khiết, cao sang, lấp lánh trên những góc phố ngày mất điện, buộc ta phải dừng xe, lắng nghe.


Và Paris.


Cũng thật kì cục, nhưng Paris của riêng h. luôn xao xuyến những tuyệt vọng và hoài vọng của hai nhà văn nước ngoài đối với dân Pháp. Dĩ nhiên là cả với chúng ta. Remarque. Ilya Ehrenburg. Nỗi buồn bã của loài người không còn đất sống thăng hoa trong Remarque còn ám ảnh hơn cả là tuyệt vọng cảm giác tuyệt vọng mà con người thời ông phải gánh chịu, nhưng nhận chịu và phơi mở là định mệnh của dường như chỉ riêng một đôi kẻ giời đày. Remarque dẫn chúng ta đi, qua bao miền tâm cảm, qua nước Pháp, tới Paris, huy hoàng trong hồi quang khai sáng của một thời buổi điên dại nhất với con người. Và Ilya Ehrenburg … Cô gái thượng lưu Paris chạy tới với người yêu, người sẽ trở về quê hương để trở thành một sĩ quan xô viết trước ngày Paris sụp đổ. Champs Élysées. Mưa. Hàng cây dẻ. Bóng tối và ánh sáng. Giản dị và diễm ảo. Nếu không có những hồi nhớ Paris ngay trong những ngày tàn khốc nhất của chiến tranh thế giới lần hai, bất chấp cái chết, bất chấp tình yêu dịu dàng đầy trách nhiệm của anh với người vợ sẽ gặp sau này ở quê nhà, chàng sĩ quan Hồng quân của Ehrenburg sẽ không gây ấn tượng cho h. nhiều đến thế. Với R, I, Paris tráng lệ, huy hoàng, tinh tế có một phiên bản khác, mờ dịu hơn, nhưng ám ảnh khôn cùng.


h. trở lại Paris vào mùa hạ. Đi trong một ngày mưa nhão Berlin. Suốt chuyến tàu xuyên qua đất Đức mưa rù rì rơi, rồi ngừng phắc khi tàu đâm qua nước Pháp. Chỉ là một ngẫu nhiên thôi, nhưng sắc xám của bầu trời đất Đức và màu xanh mây phơi phới bên kia biên giới bất chợt gọi về năm tháng và những cuộc chiến tranh xưa, náo động lòng người đi đâu xa cũng chỉ để tới được với yên bình.


Chiều muộn và Paris thật là nóng khi tàu tới. Nắng đầm đìa trên những mái nhà, những gờ tường, những bao lơn, những vỉa hè rối rít người qua lại. Hơi nóng quánh lại trong nhà ga ngốt ngát hơi người. Sống ở Berlin, chẳng lạ gì với nơi khởi những gặp gỡ chia lìa, thế mà vẫn cuống chỉ sợ nhãng đi lạc mất thằng cu bé khi chờ tàu ở Paris. Khiếp. Rầm rập. Nườm nượp. Mà đấy là mùa hè, mùa người Paris để Paris lại cho kẻ lạ để đi nhởn đó đây trên thế giới.


Paris thờ ơ. Mà lòng cứ bừng bừng đến lạ. Chắc ai xuôi ngược tới đây cũng quen với cảm giác này.


Phải thế không, với bao nhiêu người trong chúng ta, Paris giống như một tình chung, không hẹn nhưng vẫn biết mình sẽ lại về, sẽ tới.


Paris quen thuộc quá. Không có nơi nào ngoài xứ sở ta gặp lại mình nhiều như ở nơi đây. Nói thực lòng, tháp Eiffel, dòng Seine, vòm mái Invalides óng ánh vàng dưới nắng, hay Louvre, không còn làm h. choáng váng. Bất chợt lại thấy mình đang trong một tưởng tượng. Paris mây thấp, cô thợ khâu hững hờ khăn váy mỏng, chàng trẻ dở dang đường chữ nghĩa u uất và sôi nổi, mùi cà phê và mùi bánh mì mới ra lò, và nỗi tuyệt vọng khủng khiếp đã ngấm dần thành nỗi bất an buồn bã của những con người biết đất nước này thành phố này đã là một phần con người mình, nhưng mình không làm cách nào để có thể thuộc về nó lại như ngày cũ, để mà sống, theo nghĩa giản đơn nhất. Dùng dằng rưng rưng khi qua mỗi sân ga. Những tên đất tên người chở nặng tuổi h. con gái chẳng có nỗi bấn bíu gì ngoài sách. Không phải vì vô tư lự vì sung sướng. Sách, đơn giản chỉ như một ô cửa sổ đục về phía trời, để thở. Cái ngày Hà Nội hết chiến tranh rồi, hố tăng xê thành nơi đổ rác, hầm tránh bom thù lù như quả đồi giả ngay vườn hoa hè phố và trở thành nơi cho các cô gái được gọi là phò hành nghề cùng bọn đàn ông nắng cực. Cái ngày thừa nhiều thứ và thiếu những cái thiết thân nhất để nhét bụng, che thân. Bữa cơm vài sợi rau gầy, giọt mỡ đánh lừa mắt đói, mà tuổi trẻ vẫn rất đỗi thiên thần, vẫn ăm ắp niềm tin và khát khao vào một ngày chưa tới. Chỉ có điều, khi đó, h. không nghĩ có một ngày chính mình sẽ viết cho nhau từ bên ngoài quê hương.


Cũng không nghĩ gặp lại quê hương ngay ở nơi đây. t. hãy pha một tách cà phê, hãy nhìn giọt đen huyền bí lừng khừng rơi, nhắm mắt lại và hình dung : ở lưng chừng thời gian, những ngôi nhà Paris kín đáo ẩn mình đằng sau hàng rào, những cửa sổ lá sách, khép hờ dưới nắng, có cái gì thiết thân, như những ngôi nhà ta vẫn thường trầm trồ ước ao khi qua đôi ba phố cũ ngày xưa Hà Nội : xóm Hạ Hồi, phố Quang Trung, Nguyễn Du, Bà Triệu. Có phải những ngôi nhà nơi đó gần gũi với chúng ta hơn những ngôi nhà cũng tuyệt diệu như thế ở Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… t.?


Và đây, một ngôi nhà ngoại ô Paris thấp thoáng đằng sau khóm trúc. Lá trúc rụng vàng ỉu ỉu rơi đầy trên lối, tự dạt vào góc cửa chính ngôi nhà, theo bước chân người lại qua. Viên ngói vỡ chủ nhà vứt hờ hững từ năm nảo năm nào bên lối lên rêu sau mấy ngày mưa. Chòm trúc trĩu lá dưới cơn mưa sẽ lại hát ca cùng gió khô khô khi hửng nắng. h. tới Paris, mà không hiểu sao chỉ muốn gieo mình xuống võng giăng gần bụi trúc, thi thoảng đập con muỗi mắt, thở đầy ngực mùi đất, mùi rau cỏ, thích thú dõi theo con chuột nhắt đang hăm hở kiếm tìm gì dưới đống củi giăng đầy mạng nhện, uể oải dịch chuyển né bóng nắng xuyên qua khóm lá… Không nghĩ gì, không nghĩ gì. Đừng cười, đừng cười, t. ! t. biết bạn mình quá phải không ? Chẳng phải là đang trong trạng thái có cái tên rất gợi là tư lự gì đâu. Chỉ là ý muốn giữ chặt lấy đời sống không cho trôi chảy, để có thể nghỉ phút chốc, rồi tiếp tục chấp nhận cho đời hành.


Phải chấp nhận chứ. Đời có nghiệt với mình thế nào thì nó vẫn đáng sống, vì những khoảng khắc mà ở đó chúng ta dường như được sống qua rất nhiều số phận. Không, không, h. không nói tới những nhân vật từng lấy bàn tay lạnh ủ hơi thở trong xóm học latin. Cũng không định nói gì tới chàng gù nhà thờ Đức Bà và cô gái Esmeralda, hay những người phá ngục, hay những người khốn khổ, hay những người đàn ông của văn chương Pháp một thời chấp nhận mọi điều tiếng để làm người lịch lãm bên cạnh những người đàn bà đáng yêu vì ham sống và nông nổi… trong một tấn trò đời diễn tới muôn đời… Không, ở nước Pháp, ở Paris mùa hạ, h. gặp nước mình, người mình.


Hiện hình qua một thân dáng đàn bà Pháp. Những bữa ăn Việt qua tay nấu nướng của chị không thể nói là thật đặc sắc, nhưng đặc biệt bởi mấy chục năm ròng chị đã nấu hàng ngày như thế cho người chồng Việt của mình. Vườn chị có vô số loài rau cỏ Việt, cũng gần đủ để món nào gia vị ấy. Vui nhất là tới bếp nhà này, h. mới nghĩ ra cái củ hành khô Việt Nam bé mà thơm nức khi phi h. cất công gói ghém cho vào va li mang qua đây chắc chắn phải có xuất xứ từ nước Pháp. Người đàn bà Pháp giản dị và xởi lởi với thứ tiếng Việt ngọng nghịu “ đúng đúng cái cùi dìa… bà nội gọi là cái cùi dìa đã cho h. hiểu thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc là chọn đúng cách thức thực hiện cái người ta cứ nống lên là quyền đàn bà, là sống đúng với thiên chức chung và bản tính riêng của mình. Hạnh phúc là làm người ở bên ta hạnh phúc. Đi qua hai phần ba đời người h. mới ngộ ra điều này, t. thấy không, còn may.


Nhưng đó là nói thứ hạnh phúc nhỏ, lớn lao hơn là phải xét trong định mệnh làm người, với bao nhiêu là nghĩa vụ. h. đã gặp ở nơi này những người đã sống gần như trọn đời cùng xứ sở ai cũng mong một lần tới này, vẫn đau đáu một niềm con dân Việt và cái lẽ dấn thân của người trí thức.


Ông dịch Bông Hồng Vàng của Paustowski mười mấy năm rồi h. không gặp, mới đây có tới chơi nhà. Biết bọn h. mới ở Paris và gặp những người Việt tre trúc ấy, đã nói rằng tới Paris mà gặp họ thì coi như đã gặp tinh túy Việt ở Phú Lãng Sa rồi. Ô, không hẳn. Con người như những thiên hà, hút và đẩy như một dĩ nhiên, mà cũng ngẫu nhiên nhiều lắm. Ở kinh thành nước ấy, người tài bốn phương tụ và tán. Gặp nhau mà gần nhau nhiều lúc cũng không hiểu hết vì sao. Cuối cùng cứ nghĩ là duyên. Nhưng với những ông bà Việt kiều này, chưa bao giờ h. có cảm giác kính thì xa. Họ đã già rồi. Họ thuộc lớp trí thức Tây học ưa dùng tẩu, kiểu cụ ông nhà t. ấy, nếu ông ngày xa xưa không phải cúi mặt bốc vác tre nứa bến Phà Đen mà mơ tới Debussy, Bach hay Mozart…, như là một cách để nguôi nỗi đau không được theo nghiệp nhà.


Họ già rồi. Và còn cũ nữa. Đến bà già ở làng giờ còn biết nói hô theo, nhà hàng, khi kể về con cháu đang hăm hở làm ăn ngoài phố, còn cái ông giáo sư về hưu đưa nhà h. đi chơi Rouen lại gọi đó là “ quán trọ, hàng cơm ”. Nghe rồi âm thầm vui, niềm vui làm nên phong vị mới cho một chuyến đi. Phải chăng sau những lồng ngực thất thập kia vẫn là trái tim học trò ngày xa nước của nửa thế kỉ về trước ? Thế nhưng họ trẻ lắm t., trẻ hơn cả bọn mình là những đứa lúc nào cũng thấy như chưa lớn đủ. Trong cách đón nhận cái mới. Và dĩ nhiên họ từng trải hơn mình, chẳng phải vì sống dai hơn, mà vì định mệnh của dân tộc mình đã túm lấy họ, đặt vào những khúc quanh đặc biệt và vì thế, trong rất nhiều vấn đề của người Việt chúng ta, họ có một tầm nhìn, một góc nhìn phải chăng hơn và dễ thuyết phục hơn, ít nhất là với kẻ như h., người t. bảo là quái dị, người vốn sợ mọi biểu hiện tình cảm giống như sóng thần. Nhưng quan trọng hơn cả cái tạng cảm xúc của h., là cái mà h. thấy trong tình yêu họ dành cho Tổ Quốc từ xa, nồng cháy và lí trí, cho phép sẻ chia và cùng nghĩ. t, cứ đọc họ mà xem !


Vậy đấy t, ấn tượng của h. về Paris và nước Pháp. Là người mình và tấm tình của người mình, không hẳn với gia đình h., mà là với đất nước chúng ta có đi đến đâu vẫn biết mình thuộc về, ngay cả khi nó cứ dần lạ hóa với chúng ta, kẻ ở gần cũng như kẻ ở xa. Là Champs Élysées, là Khải Hoàn Môn mà bên cạnh nó thì cổng thành Brandenburg nơi h. sống trở thành lũn cũn. Là người đàn ông già nhìn đã biết là nghèo tay nắm chặt cái túi vải đựng đồ ăn mua từ siêu thị, tay giơ cao chào lá cờ Tổ Quốc của ông, trang nghiêm hát quốc ca nước Pháp. h. vô tình đứng bên ông khi tới Khải Hoàn Môn và được chứng kiến một cuộc lễ tiến hành ở đó. Nhìn người đàn ông Pháp và nhìn những bức phù điêu mặt sau Khải Hoàn Môn, nơi có rất nhiều gương mặt Nhân Dân, người lính, bà mẹ, ông lão, đứa bé học trò… nước bỗng dâng ngập mắt. Vừa quý phục vừa đau đớn, khi nghĩ tới những đời đời dân Việt, dường như trong lịch sử chưa bao giờ được tôn vinh đến thế, sau những hi sinh. Cái màu mây xám trang nghiêm cuồn cuộn trên Khải Hoàn Môn, trên sông Seine, sông Rhin, sà thấp hơn vấn vít trên màu oải hương đang mùa nơi quê hương Monet, chao ôi là ấn tượng. Nó làm cho những câu chuyện được nghe bằng tiếng Việt giữa nước Pháp trĩu nặng hơn. h. đã muốn những người Việt đáng kính và có tuổi kia ngồi xuống, viết lại những gì họ đã trải mà h. tin rằng sẽ trở thành những cứ liệu quan trọng để soi rọi lại một đoạn đường lịch sử của chúng ta ngày bị một cường quốc đe dùng bom đưa về lại thời đồ đá, hay ít nhất là giúp ta hiểu thêm về khúc ruột ngàn dặm của dân tộc Việt trên nước Pháp. Nhưng giờ h. nghĩ h. đã lầm rồi. Trong cuộc dấn thân không ngừng nghỉ kia, viết về mình với họ có lẽ là điều xa xỉ thời gian, cái mà họ theo lẽ tự nhiên của trời đất không có nhiều như chúng mình.


Mây trên đầu ta thì vẫn sẽ đổi màu. Champs Élysées vẫn lộng lẫy với những gờ tường vòm mái. Khải Hoàn Môn sẽ như hôm nay ta đến. Những dòng sông vẫn chảy như tự ngàn xưa. Nhà thờ Đức Bà chắc chắn không bị sụp bởi khủng bố thời nay. Các thành phố khác ở đất nước ấy cũng thế thôi, đổi mới và vững bền trong ổn định. Còn những người đã gặp, sẽ có một ngày ta nhớ họ, nhớ những thao thức băn khoăn, ngay cả tới băn khoăn về tài sản riêng như sách cũng là băn khoăn về đất nước rũ bùn đứng dậy sáng lòa một cái rồi dậm chân tại chỗ, hay những toan tính chọn một chỗ làm cũng là để không bị ngắt mình khỏi cái chung lớn lao, từng bước một, không mỏi, trên hành trình thác sinh của nhận thức mà họ đeo đuổi.


Thế nên thôi, t., sẽ không trầm trồ cùng t., nữa, về vẻ đẹp đường bệ và thanh thoát của nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel, hay nhà thờ, mái vòm tòa án nơi nọ nơi kia ở đất nước ấy, hay những đại lộ vừa giục ta đi cho đến hết mà sững sờ vừa vờn gọi ta ngồi lại dưới một tán dù, uể oải cùng hương cà phê bạn cũ, nơi mà t. từng đi qua hết cả rồi và đã đi tới một nhận định ngày đó nghe không biết làm cách nào cãi lại : Không một xứ sở nào sang như nước Pháp, sang đến độ giản dị tột cùng.


Nhưng h. đã kể cho t. nghe, về một nước Pháp khác. t. biết bao giờ chưa ?


Có một nước Pháp bọn h. cũng chưa biết : nước Pháp mùa sương mù. Ông chồng h., kẻ t. từng nói nếu cần phải có một ông bạn thân thì sẽ chọn y đang mong trở lại nơi đó vào một mùa như thế, không bận thê noa. Kiến trúc ở xứ đó thanh thoát lạ lùng, trong sương mù liệu chúng có bay lên ?


8. 2011 – Paris
12. 2011 – Berlin


Mùa Giáng sinh


Lê Minh Hà




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss