Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hũ tỏi chiên

Hũ tỏi chiên

- Ninh Kiều — published 08/09/2010 14:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
truyện ngắn


Hũ tỏi chiên


Ninh Kiều


Tôi chú ý ngay tới hũ tỏi chiên, đội cái nắp nửa trong nửa ngoài cheo leo trên cửa miệng. Qua lớp mỡ trong veo, tỏi bầm nát được chiên vàng, không một chút bợn đen tỏi khét.


Ông chủ của cái nhà bếp có hũ tỏi chiên chưa đậy kín nắp này là một người tử tế chưa từng thấy. Bị tôi chặn hỏi lúc đang vội vã băng qua đường, không những ông dừng chân ngay mà còn theo tôi vô lề chăm chú đọc mảnh giấy màu xanh da trời tôi đưa, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi điềm tĩnh nói “Muốn tìm địa chỉ này, tôi phải về nhà nhìn bản đồ khu phố. Nhưng bây giờ tôi có việc gấp phải đi”. Và có lẽ cảm nhận trong dáng vẻ của tôi nỗi thất vọng của một người lạc trong sa mạc, đến ảo tưởng thấy ốc đảo cũng không còn nên nói tiếp “Đây là chìa khoá nhà tôi đằng kia kìa, chị cứ mở cửa mà vô, một chút nữa tôi quay về rồi tôi sẽ lo cho chị”. Đến nông nỗi này, không chút khách sáo, tôi siết trong lòng bàn tay chiếc chìa khóa cứu tinh để tra vào ổ khoá của một ngôi biệt thự đá ong thuộc ngoại ô Paris. Ngỡ ngàng bước vào nhà người lạ, tôi nhìn quanh quẩn và rụt rè lên tiếng “có ai không ?” mà chợt thấy mình vô lý. Bên phải tôi là phòng khách có hai cửa kính ra vào không treo màn và bên trái là một cánh cửa khép hờ có dán ảnh hai mông đít của một cậu bé đang xoay lưng tuột quần, kế bên là cầu thang và cách đó một khoảng trống có cánh cửa đóng kín. Tôi đã đi thẳng vào vùng sáng trước mặt để vào… nhà bếp và chú ý ngay hũ tỏi chiên chưa đậy kín nắp nằm trên bàn cạnh bếp nấu ăn.


Sau khi tự tiện rót cho mình một ly nước mát, tôi thấy đói cồn cào vì đã hơn hai giờ trưa. Không ngờ Paris tháng bảy nóng không thua gì Sydney tháng giêng. “Tôi sẽ lo cho chị”, ông mới quen đã nói với tôi như vậy, lại còn giao cả biệt thự bằng đá ong này cho tôi. Lạ thật, lỡ tôi lục lạo bưng hết đồ quý của ông ta đi mất thì sao ? Thế là tôi mạnh dạn mở tủ lạnh để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Hay nấu luôn chút cơm cho ông chủ nhà, biết đâu ông ấy chưa ăn ? Nghĩ sao làm vậy, tôi hăm hở nấu nướng, tạm quên mình đang ở nhà người lạ, trong xứ lạ, với ngôn ngữ lạ.


Khi ông chủ nhà trở về nhìn thấy dĩa xôi lạp xưởng to tướng nằm chình ình giữa bàn nhà bếp thì reo lên “ Hay quá, tôi cũng chưa ăn ”. Và đề nghị một cách tự nhiên “ Chỉ có hai người, ăn chung một dĩa cho đỡ rửa chén. Có một mình, tôi để nguyên, mai ăn tiếp ” và cởi mở trả lời luôn thắc mắc mới thoáng qua trong đầu của tôi “ Vợ tôi mê cháu hơn mê tôi, biết làm sao bây giờ ! ”.


Vừa ăn tôi vừa nghe ông chủ nhà rôm rả kể chuyện như quen nhau từ lâu. Đời tôi nếu có ai chịu khó viết lại dùm, nhiều lắm được vài trang trong khi chuyện đời của ông chủ nhà thì chắc phải nhiều tập nếu thành phim hay nhiều cuốn nếu thành tiểu thuyết. Kể đến chỗ bị bà già bắt cưới vợ trước khi đi Tây thì ông đứng dậy bật đèn và nhìn đồng hồ trên tường phía sau lưng tôi “ Chị coi, Paris mùa hè mười giờ trời chưa tối, tôi cứ tưởng còn sớm ” và sực nhớ “ Chuyện địa chỉ có gấp không chị, có gì tối nay tôi xem bản đồ tìm đường trước, sáng mai tôi đưa chị đi ” rồi đề nghị luôn “ Dù sao cũng đã muộn. Hay là chị gọi điện thoại về nhà trong lúc tôi bắc nồi cơm ”.


Trong khi chính tôi bắc nồi cơm và luộc ba trứng hột gà còn sót trong tủ lạnh thì ông chủ nhà lại mải nói trong điện thoại bằng tiếng Tây và khi đặt nó xuống thì trời đã tối hù “ Được rồi, chị yên tâm, sáng mai chị đợi tôi ở nhà cô em chị, tôi sẽ ghé lên vì em rể của chị muốn mượn tôi mấy cuốn sách về Lao Sư* ”. Lao Sư, tên nghe quen quen giống như Lảo Tử nhưng tôi ngại hỏi vì đã gần 11 giờ khuya. Tôi nhận thấy mỗi khi rơi vào chỗ lạ, tôi trở nên rụt rè, kiên nhẫn, ít nói, dễ bảo và gì cũng cười.


Chưa xong bữa thì trời đổ mưa lớn, sét đánh kéo ông chủ nhà đang nói say sưa trở về với thực tại “ Mưa kiểu này chắc tới sáng, thôi để tôi ăn nhanh rồi lái xe đưa chị về ”. Nói xong, ông lùa vội nửa chén cơm còn lại và từ chối ăn thêm chén thứ hai.


Khi thấy được tấm bảng đề tên đường nhà em tôi, định rẽ vào thì ông mới nhận ra là một chiều. Tôi chưa kịp mở miệng thì ông nói “ Trời mưa lớn quá, để tôi tìm đường đưa chị về tận trước cửa nhà cô em, đây về tới đó còn xa lắm. Khuya rồi, lỡ mất chị biết lấy gì đền cho mấy nhóc của chị ”. Người đâu ăn nói ngọt ngào, chẳng bù với ba tụi nhỏ bên Sydney, thỉnh thoảng mới có một câu. Nghe nhắc đến các con tôi đâm mủi lòng, ngó mông ra ngoài thấy mịt mù, kiếng xe mờ căm, que gạt nước lắc qua lắc lại nhưng không kịp.


Không ngờ vì muốn tránh cho tôi lội bộ dưới mưa mà ông phải mất thêm nửa tiếng đồng hồ mới dừng được xe ngay trước nhà em gái tôi, sau mấy lần đậu ẩu mở đèn xem bản đồ, bị xe sau bóp còi. Còi inh ỏi nghe sốt cả ruột mà ông vẫn bình tĩnh “ Chị đừng lo, thây kệ nó ” nhưng lại nổi giận sừng sộ “ bộ lỗi tại tôi hả ” khi nghe tôi lắp bắp “ Phải chi…”. Đó là hai chữ đầu của một câu dài đã thành hình trong bộ não mà tôi chưa kịp phát âm hết “ Phải chi ngừng xe ở đầu đường thì đâu đến nỗi ! ”.


Đã quá nửa đêm, tôi chỉ kịp kể sơ sơ chuyện phiêu lưu của tôi cho em gái tôi nghe và thấy nó bụm miệng cười “ Đúng là chuyện hi hữu, để sáng mai em coi mặt mũi ông hi hữu của chị ra sao, được thì gả phứt cho chị để khỏi nghe chị than phiền chồng ít nói ! ”.


Bao nhiêu sự việc đã xảy ra trong ngày mà đêm đó, trước khi ngủ thiếp đi vì quá mệt, tôi chỉ nhớ khi sắp bước xuống xe thì có bàn tay ấm siết nhẹ tay mình kèm theo giọng nói dịu dàng không mang chút dấu vết sừng sộ trước đó mấy muơi giây “ Chị không cần phải cảm ơn tôi, người khác xứ tôi còn giúp, huống gì chị là người đồng hương, từ xa tới ”. Chưa hết, lúc đội mưa chạy ù vào trước cửa chung cư, đang lúi húi đánh mã số thì nghe nói bên lỗ tai “ Số mấy, tôi đánh cho ” trong khi tôi tưởng ông đã lái xe đi mất rồi. Vào bên trong, tôi ngoái đầu lại khoát tay bảo đi nhưng ông cứ đứng đó khiến tôi không dám đợi thang máy, bước trái qua cầu thang bên cạnh vừa lúc đèn tự động tắt. Đứng trên bậc thang thứ nhất, tôi len lén ló đầu nhìn ra phía cửa để thấy ông chỉ còn là một bóng đen sừng sững trong ánh sáng đèn đường có những giọt mưa tầm tã phía sau. Bóng đen còn đứng đó một lúc rồi mới quay lưng đi như thể an tâm vì tất cả đều yên ắng trong tiếng mưa rơi.


Ông chủ nhà giữ đúng lời hứa, sáng sớm hôm sau bấm chuông lên nhà uống cà phê với Jean, là em rể của tôi, nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp vì khi bắt tay từ giã thì đã quá mười hai giờ trưa. Em gái tôi muốn giữ ông ở lại dùng cơm nhưng ông từ chối “ Muốn lắm nhưng tôi có hẹn ba giờ chiều để nộp hồ sơ dùm người bạn, hôm nay thời hạn chót, thứ bảy, sợ họ đóng cửa sớm ”.


Ra tới xe, bị một giấy phạt và sau đó kẹt xe vì đang cuối tháng bảy, dân Paris ùn ùn đổ xô ra xa lộ đi nghỉ hè bất chấp dự báo khả năng giao thông bị nghẽn. Nhờ vậy mà ông chủ nhà có đủ thời giờ diễn tả nỗi bất bình của mình về cái giấy phạt và phác hoạ nội dung lá thư phản đối rồi kết luận. “ Nói vậy chứ chưa vội. Tôi còn hai lá thư gấp phải viết, một cho tôi, một cho chị bạn ” xong ông nhờ “ Chị nhét dùm cái giấy phạt này vào chung một chỗ để dễ tìm ”. Tôi mở hộp găng trước mặt thấy đầy ắp nhiều thứ, nùi giẻ, bao ni lông, ly nhựa, bản đồ đủ cỡ song cũng dễ tìm ra xấp giấy phạt dầy cộm có bó sợi dây thun. Cũng như trưa hôm qua, tôi đói bụng và khát nước vì đã gần hai giờ trưa nhưng chưa kịp than thở thì đã nghe “ Chị chịu khó một chút, sắp tới nơi rồi ”.


Tới nơi là tới chỗ ông nộp giấy tờ dùm người bạn. Ôm chồng hồ sơ xuống xe, ông còn quay lại dặn dò “ Chìa khoá để lại phòng khi chị cần, tôi đã cố ý tìm chỗ đậu có bóng mát nhưng không tìm ra chị ạ ”. Tôi ngồi đợi trong xe, không có chai nước, không có gì ăn ngoài các giấy quảng cáo nằm la liệt trên sàn xe, trước và sau. Người đẫm mồi hôi như tắm nhưng tôi không dám nghĩ tới cho máy chạy ngay cả nếu xe có máy lạnh vì chỉ nhìn thấy cách ông rồ máy “ Chịu khó nương nhẹ một chút ” như ông nói, tôi đủ nản. Nói về chiếc « xe khổ », tên ông đặt cho nó, mà tôi có cảm tưởng ông đang nói về một người tình chung thuỷ. “ Chị coi, nó đã chạy trên hơn hai trăm ngàn cây số mà giữa mùa đông, sáng sớm tôi mở máy một cái là nó dạ thấy thương. Nhiều khi tôi quên đèn cả đêm, rồ máy một cái nó cũng dạ. Muốn bỏ nó mà bỏ không đành. Nó còn hơn cả con người ! ». Câu cuối cùng « Nó còn hơn cả con người » nghe có chút gì cay đắng, tôi mơ hồ cảm nhận như vậy.


Để xua đi những ý nghĩ u ám về các tình huống rất có thể xảy ra trong mấy tiếng đồng hồ phải sống một mình với chiếc «xe khổ», tôi lui cui lượm hết các giấy quảng cáo vung vãi khắp nơi trong xe. Ban đầu tôi sắp chúng cho có thứ tự. Sau đó tôi lựa riêng ra các giấy quảng cáo đã quá đát. Rồi tôi để tất cả vào mấy túi ni lông. Nhờ vậy không những tôi quên đói khát mà còn vui vẻ khoe “ Đã gôm hết các giấy quảng cáo trong xe của anh rồi, chút nữa bỏ mấy cái quá đát vô thùng rác ” để thấy ông giận dữ quát thật to “ Chị không được vứt bất cứ thứ gì trong xe tôi, nghe chưa ? ”. Rồi dường như cảm thấy mình quá đáng, ông hơi xuống giọng “ Tôi chưa có thời giờ đọc tới. Từ mấy năm nay tôi tính làm lại cho vợ tôi cái nhà bếp ”.


Hoá ra là vậy, hèn chi tôi thấy nhiều hình ảnh về bếp trong mớ quảng cáo. Rồi như không có chuyện gì xảy ra, ông chủ nhà thổ lộ thêm với giọng bình thường những dự án khác như treo tấm gương đứng thật to trong phòng tắm “ Đã mua sẵn đinh ốc rồi mà bây giờ không biết để ở đâu, kiếm chưa ra ”. Ông còn thêm “ Năm ngoái, trước khi về Sài Gòn giúp thằng em xây lại nhà cho vợ chồng nó, tôi đã nói hết lời với vợ tôi, em đừng sửa sang, mua sắm lắt nhắt, làm cái gì cũng phải tính toán kỹ, mua đồng bộ, làm đúng kỹ thuật. Vậy mà vợ tôi lợi dụng lúc tôi đi vắng, lén làm lại cái nhà bếp, mua toàn đồ mới, có thứ cũ còn xài được cũng vứt đi. Chút nữa về nhà, tôi sẽ chỉ cho chị những chỗ sai lầm của vợ tôi ”.


Rồi trong lúc tôi lúi húi nấu cơm tối với vài thứ mua được ở tiệm A Rập* thì ông phân tích những chỗ không ổn trong cái bếp do vợ ông tự làm “ Nếu như tôi thì tôi không đặt bồn rửa chén ở đây, dưới cửa sổ. Thôi coi như chuyện nhỏ, cái sai lầm lớn nhất của vợ tôi là bếp không có ống khói. Có máy hút nhưng không đủ, phải thông ống khói. Mà muốn vậy, phải đục tường, đục trần nhà. Không biết gì mà cứ làm, không cần đếm xỉa gì đến hậu quả, bây giờ muốn sửa lại cũng đâu phải dễ ”.


Tuy có vẻ bực mình khi nhắc đến hậu quả các sai lầm của « vợ tôi », song ông không quên chuyện trước mắt “ Tối nay tôi đưa chị về sớm để còn có thời giờ coi bản đồ cho chị. Sáng mai, tôi gọi chị để cho biết mình hẹn nhau ở đâu thì tiện. Không khéo có việc ra Paris, tôi sẽ ghé qua ”.


Trên đường về nhà tối nay, ông không kể chuyện riêng na mà nói chuyện đời chung chung, đượm màu triết học phương Đông nhiều hơn phương Tây, khiến tôi không còn có thể mở mắt ra được nữa mặc dù tâm trí cố gắng tỉnh táo tiếp thu “…mình vì người, người vì mình...” để sau đó ngủ tiếp trên giường nhà em tôi và thức dậy lúc 10 giờ sáng nghe em gái tôi bảo “ Không thấy ông hi hữu gọi chị ”.


Ăn cơm trưa xong, cũng chưa thấy ông gọi. Em gái tôi bắt đầu than phiền “ Chuyện chị thì chị tự lo, việc gì phải chờ ông ấy ”. Tự nhiên tôi nghe trong đầu “ …có lý có tình…”. Lạ quá, ngủ say như chết trong xe trên đường về tối qua mà bộ óc của tôi dường như vẫn tiếp tục bảo lưu những lời nói của ông chủ nhà để phát thanh ra lúc này. Đang thiên về tình cảm nên tôi không cãi lý với em mình mà kiên nhẫn đợi để sau bữa cơm tối, được nghe ông chủ nhà kể dông dài trong điện thoại “ Vừa sắp dập cửa ra chị thì điện thoại reo. Nhà thương gọi. Nói đúng hơn là nhà xác gọi. Có người cùng họ La với tôi đứng tim chết ngoài đường mà nhà xác không liên lạc được với thân nhân. Họ kiếm được tên tôi trong danh bạ điện thoại và nhờ tôi giúp họ. Mấy lần tôi muốn gọi chị mà không biết tôi để số điện thoại của chị ở đâu ”. Rồi tôi nghe tiếng ông cười “ Có cái điện thoại di động cũng tiện, ai liên lạc với mình cũng dễ nhưng vợ tôi không bằng lòng, mà tôi cũng thấy tốn tiền và cũng nhiều việc quá, già rồi…”.


Ông La lại phải bỏ ra thêm một ngày nữa để tìm cho ra thân nhân của ông Việt kiều đứng tim bất tử ngoài đường và gọi tôi ngay sáng hôm sau để tả cảnh người thân của người đã khuất ôm chầm lấy ông mà khóc. Và sau đó ông thuyết phục tôi cứ yên tâm đi xuống Nice một tuần với gia đình em gái tôi vì khi trở lên Paris, vẫn còn ba ngày để tìm địa chỉ trước khi cuốn gói về Sydney. “ Tôi sẽ lo cho chị ”, nghe mát cả ruột !


Bởi không thể liên lạc với ông chủ nhà bằng điện thoại di động, tôi mất thêm một ngày trong số ba ngày còn lại trước khi lên máy bay. Thật ra chỉ còn ngày thứ nhì vì ngày cuối tôi phải ra sân bay từ sớm, lấy Vietnam Airlines về Sài gòn rồi mới bay qua Úc.


Tuy rất bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp gặp ông La dưới đường vì ông không tìm được chỗ đậu. Xe để ở chỗ ra vào của bãi xe chung cư nên vừa nói chuyện với tôi, ông vừa để mắt canh chừng ôtô của mình còn bật đèn xi nhan nhấp nháy. Phải ba lần dời nó đi vì có xe thiên hạ ra vào nên ông không thể kể hết những bận bịu chuyện người trong một tuần tôi ở dưới Nice. Song dù có bịn rịn tới đâu, cũng có lúc phải chia tay, nhất là khi em gái tôi sốt ruột ló đầu hét xuống đường cái gì đó nghe không rõ.


Tuy gấp rút giã từ, nhưng tôi vẫn còn đủ thời giờ nắm níu bàn tay ấm và thu vào lòng câu nói nghe mãi không chán “ Tôi sẽ lo cho chị ”. Tôi còn lén núp sau gốc cây nhìn vô xe ngó thấy ông La nhét tấm giấy màu xanh da trời tôi để lại vào trong một xấp giấy đủ loại, đủ cỡ rồi lúi húi nhét nó ở đâu đó trong xe. Rồ máy xong, để máy chạy một mình, ông bước xuống lau kiếng trước kiếng sau, rồi lại leo lên, sửa kiếng chiếu hậu, thái độ ung dung. Xong ông rời chỗ đậu trên chiếc « xe khổ » kêu rù rù như con ngựa già lên cơn suyễn.


Tưởng rằng hình ảnh cuối cùng là bóng dáng ông La ra đi trong chiếc « xe khổ » thì nào ngờ trong lúc một mình sắp hàng làm thủ tục và cân hành lý trước khi lên máy bay thì thấy ông La tươi cười từ xa đi tới “ Có việc đi ngang Roissy, nhớ sực sáng nay chị đi nên ghé chào ”. Tôi chưa kịp để lộ niềm vui bất ngờ, ông La đã nhận xét “ Hành lý chị như thế này không tiện, để tôi sắp lại cho ”.


Phút chốc trên người tôi chỉ còn cái bóp xách nhỏ máng vai, trong khi bao nhiêu hành lý của tôi biến mất với ông La. Lúc đầu tôi còn thấy lưng ông lúi húi đằng xa, nhưng khi càng tiến gần quầy làm thủ tục, càng khó nhìn thấy ông và khi chỉ còn ba người nữa đến phiên mình, thì không còn thấy ông và tôi bắt đầu có cảm giác lạnh bụng.


Lạnh bụng như muốn đi tiêu chảy. Đau quặn ruột, không đứng thẳng được. Tôi nhìn quanh, không biết nhà vệ sinh ở đâu ? Cũng may lén xoa dầu trắng vô lỗ rún nên cơn đau bụng dịu dần. Nhưng khi chỉ còn có một người xếp hàng trước tôi, tự nhiên tôi toát mồ hôi và mắc tiểu ; mắc tiểu đến độ có thể đái trong quần. Lệnh trên óc phán xuống phần dưới là không thể làm tầm bậy và phần dưới cố gắng thi hành mệnh lệnh khiến toàn thân tôi có cảm giác lả người khó diễn tả. Cũng may người đứng trước tôi có vấn đề gì rắc rối nên tôi thấy thời gian kéo dài, chậm rì như thể chờ ông La trở lại.


Một mình, không hành lý, tôi sợ, sợ đến nỗi tôi đứng quay lưng lại với cô nhân viên tóc vàng xinh đẹp. Tới nước này nếu không đủ lời diễn đạt thì ra dấu như người câm vậy ! Hạ xong quyết tâm, tôi mạnh dạn xoay người nhìn về phía cô nhân viên tóc vàng thì tay chân tự nhiên bớt bủn rủn vì nghe giọng nói quen thuộc “ pardon, pardon ”, vui vẻ như tiếng chuông rung.


Ông La xuất hiện sau lưng tôi như không có chuyện gì xảy ra “ Đây là cái xắc cầm tay của chị đầy nhóc lúc nãy. Tôi chỉ để lại cho chị cái áo len, cuốn sách, còn mấy thứ khác tôi dồn hết vô hai cái vali cho lên máy bay ”. Chưa kịp hoàn hồn thì đến lượt tôi : thủ tục, cân hàng lý và… tranh cãi trong đó dĩ nhiên không có tôi tham gia song tôi cũng đoán được là nguyên nhân xuất phát từ hai cái vali quá kilô vì nhiều lần tôi thấy ông La quay lại hất hàm về phía ông khổng lồ đứng sau lưng tôi. Chắc chắn là ông này dễ tính và vốn liếng tiếng Pháp còn ít hơn tôi vì không thấy ông ta nổi giận. Những cái nhìn hướng về ông mang thông điệp rõ mồn một : cái bà nhỏ thó này chỉ bằng một phần ba cái ông to mập kia ; vậy thì hành lý của bà ấy có dư ra vài ki lô cũng không nghĩa lý gì. Không biết vì đứng trước một đối phương có lập trường không bao giờ lay chuyển hay vì mệt, cô nhân viên tóc vàng nhượng bộ cho qua và tắt mất nụ cười trong khi ông La nở nụ cười chiến thắng thật tươi “ Xong xuôi hết rồi. Chị cứ thong thả lên máy bay ”.


Tôi thong thả lên máy bay sớm vì thấy trong người mệt rã rượi, bước đi nặng nề trong khi cái xắc có áo lạnh và cuốn sách nhẹ tênh. Sau khi vội vã giã từ ông La, tôi qua kiểm soát hải quan rồi đi thẳng vào trong không một lần quay lại vẫy tay. Vì tôi sợ, thật sự sợ ông La kêu tôi để lo cho tôi một cái gì nữa và chợt hớn hở nhận thấy mình đã lấy lại quyền tự chủ.


Ở Paris, tôi như người bận quay phim, quay đã rồi bây giờ mới bình tĩnh xem lại ở Sydney. Bởi phải đi làm việc ban ngày nên tôi chỉ nhớ Paris về đêm, trong giấc ngủ, thường chiêm bao, sáng thức dậy còn nhớ, kể chi tiết cho « người ít nói » nghe.


Tôi chiêm bao thấy lại buổi gặp mặt đầu tiên, ngồi ăn dĩa xôi lạp xưởng, nghe ông La kể chuyện đời, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi chuông reo. Thường khi ông La bận điện thoại, tôi vào phòng khách tò mò xem các ảnh gia đình hay vào ngồi sau cánh cửa có dán ảnh thằng bé xoay lưng cởi quần đưa hai mông đít. Tôi có tật thích ngồi lâu đọc sách trong nơi chốn đặc biệt này, nên khi không có gì trong tay, tôi nhìn quanh quẩn : bóng đèn trên tường trước mặt thiếu cái chụp, dây điện bò ra ngoài xem sơn tróc lở lói sắp rơi ; trong góc tường, có nhiều mạng nhện rách nát không có con nhện. Ngồi một lúc tôi cảm thấy cổ cùng hai cánh tay bị ươn ướt. Đưa tay sờ thì đúng là nước. Có nước rơi thật nhưng từ đâu ? Ngẩng đầu lên tôi thấy trần nhà có đục một lỗ lớn đen ngòm ẩn hiện nhiều ống chạy lên tầng trên. Và thỉnh thoảng, lại có một giọt nước rơi trên nắp bình chứa nước sau lưng tôi, làm bắn lên những tia nước nhỏ. Đó là tôi kể dài dòng cho « người ít nói » hiểu chứ trong giấc chiêm bao, tôi chỉ thấy mình ngồi sau cánh cửa có cái bóng đèn thiếu chụp, có mạng nhện vắng nhện và chờ giọt nước… thỉnh thoảng rơi, lặng lẽ, không ngừng.


Tôi cũng chiêm bao thấy lại lần gặp thứ nhì. Nói là đưa tôi về sớm để có thời giờ nghiên cứu đường đi nhưng khi bước ra khỏi nhà bếp thì trời đã tối vì tôi thấy ông La lên cầu thang tranh tối tranh sáng. Vừa thoăn thoắt leo lầu, ông vừa nói “ Chị đợi tôi một chút ” và khi xuống thì giải thích như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi “ Tôi đã thay bóng đèn mới rồi mà nó vẫn không sáng. Nhà xưa, hệ thống điện cũ rồi, chắc phải làm lại toàn bộ nhưng tôi chưa có thời giờ. Chị biết không, trong bóng tối, thí dụ như từ trong phòng ngủ tắt đèn đi ra hành lang không đèn, chị vẫn thấy đường như thường. Lúc đầu vợ tôi không tin, cằn nhằn, bây giờ ban đêm vợ tôi xuống lầu đi tiểu tỉnh khô ”. Ông La còn bỏ thời giờ chứng minh cho tôi thấy bằng cách tắt đèn nhà bếp khiến cả không gian chìm trong bóng tối. Lúc đầu tôi không thấy gì rồi dần dần nhìn thấy hai mông đít của thằng bé xoay người cởi quần, thấy các bậc cầu thang… Trong chiêm bao, thật sự tôi chỉ thấy mình đứng trong hành lang chìm vào đêm tối sáng mờ mờ và nghe tiếng bước chân dò dẫm đi chầm chậm xuống cầu thang. Bước chân càng lúc càng tiến gần về phía mình song tôi không thấy người đang đi xuống nên chiêm bao trở thành ác mộng. Tôi ú ớ khiến « người ít nói » phải lay tôi dậy để nghe tôi kể đầu đuôi rồi thở dài “ Chỉ ở nhà quê hồi xưa mới có đêm tối ngửa bàn tay không thấy chứ bây giờ, nhất là ở thành phố, tắt đèn hết vẫn còn ánh sáng. Cũng may là chỉ có một người chấp nhận nhìn thấy trong bóng đêm chứ thử tưởng tượng hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người phải chấp nhận nó như chân lý thì…”. Chân lý ? Tôi há hốc mồm nhìn « người ít nói » song không thể bàn về chân lý lúc ba giờ sáng.


Tôi định cuối tuần thì gọi qua Paris thăm ông La để cảm ơn vì tôi vẫn nhớ bàn tay ấm và câu nói mát ruột “ Tôi sẽ lo cho chị ”, nhưng càng gần cuối tuần, tôi càng chiêm bao. Như đêm qua tôi chiêm bao mình đứng nhìn vào nhà bếp có hũ tỏi chiên chưa đậy kín nắp thấy có người đàn bà đứng xây lưng, mặc áo dài trắng, tóc xõa ngang vai. Không nghe tiếng động nhưng nhà có vẻ chộn rộn đông vui, người lớn con nít ra vào tấp nập, càng lúc càng đông. Song tôi như bóng ma, không ai nhìn thấy tôi và có va chạm vào người tôi cũng chả sao. Rồi người đàn bà tóc thề xoay người lại, để một muỗng súp tỏi chiên vào cái tô to nghi ngút khói. Vía tôi bảo đó là tô canh chua và người đàn bà thì có gương mặt giống hệt thiếu nữ có tấm ảnh trắng đen to tướng treo giữa phòng khách. Mỗi khi có người bưng tô canh nghi ngút khói đến trước mặt, người đàn bà tóc thề mau mắn múc một muỗng tỏi chiên để vào. Múc mãi, múc mãi mà hũ tỏi vẫn đầy. Nhà nhộn nhịp một lúc lâu rồi từ từ thưa dần cho đến khi không còn ai thì đột nhiên người đàn bà quay phắt lại xăm xăm đi ra cửa nhà bếp, ngang sát mặt tôi : không phải là thiếu nữ trong ảnh trắng đen to tướng treo giữa phòng khách mà là người đàn bà trong vô số ảnh màu đặt trên các kệ sách. Đó là gương mặt người già mà ít ai quan tâm xem đời họ đã có gì buồn và còn gì để vui. Song vía tôi bảo là người đàn bà này có nội tâm rất dầy song không lộ ra bên ngoài vì như người Pháp thường nói, « những nỗi đau lớn nhất đều câm lặng ».


Rồi cứ mỗi lần hạ quyết tâm chúa nhật gọi ông La ở Paris thì y như tối đêm đó tôi chiêm bao. Thấy người đông đảo đi lên đi xuống cầu thang một cách bình thường, trong bóng tối. Vía tôi bảo có tới mấy triệu người. Rồi thấy mình ngồi trước bóng đèn thiếu chụp, mạng nhện thiếu nhện đợi giọt nước rơi làm bắn ra những tia nước nhỏ trên lưng và trên hai cánh tay trần. Lâu lâu mới có một giọt, lặng lẽ, vô tận…


Có điều lạ lùng là tôi chỉ chiêm bao một lần, thấy người đàn bà đi ra cửa như một cơn gió lốc, mang theo hết ánh sáng khiến trời tối sầm, chỉ còn tôi đứng bơ vơ một mình trong bóng đêm mờ ảo với cái hũ tỏi chiên chưa đậy kín nắp.


Paris ngày 22 tháng tám 2010


Ninh Kiều




* Tại vùng Paris, nhiều tiệm tạp hoá A Rập mở cửa rất khuya.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss