Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Khoan Dung

Khoan Dung

- Cao Huy Thuần — published 19/02/2013 13:02, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Có dân tộc nào khoan dung hơn dân tộc chúng ta? Vậy mà con cháu cứ chiến tranh hoài trong tư tưởng. Có cái “vốn” nào lớn hơn sự hòa hợp dân tộc? Sao vẫn hoài phân ly?


Khoan dung


Cao Huy Thuần



Shechen-800

Tu viện Shechen. Nepal, với những chiếc chuông cầu nguyện bao quanh


Tôi được báo Tia Sáng đề nghị viết bài cho chủ đề “Vốn xã hội ở Việt Nam”. “Vốn xã hội” tự nó đã là một đề tài mênh mang với bao nhiêu lý thuyết khác nhau và bao nhiêu định nghĩa càng ngày càng rắc rối.

“Vốn xã hội ở Việt Nam” lại càng khó quan niệm hơn trên thực tế, vì xã hội chưa thực sự có xã hội dân sự. Thiếu khả năng để đi vào đề tài đề nghị, tôi có thể đứng bên lề góp một bài ngắn mua vui đầu năm ?

Đây là một bài ngắn, rất ngắn và rất đơn giản, tôi vừa đọc trong tạp chí Le Monde des Religions vừa xuất bản, tháng 2 và 3-2013, tôi xin dịch nguyên văn dưới đây. Tác giả của bài viết, Alexandre Jollien, một nhà triết học Thụy Sĩ, thuật lại chuyến thăm viếng tu viện của nhà sư Matthieu Ricard ở Kathmandu, Nepal. Matthieu Ricard quá danh tiếng trên thế giới và quá quen thuộc với độc giả Việt Nam, tôi khỏi phải dài dòng giới thiệu. Chỉ xin nhắc lại rằng ông là nhà khoa học đã từ bỏ Viện nghiên cứu Pasteur ở Pháp để khoác áo thầy tu và trở thành trợ tá cho ngài Đạt Lai Lạt Ma trên thế giới. Dù đứng ở bên lề, tôi cũng sẽ có đôi câu có liên quan đến chuyện “vốn”; tôi sẽ nói ở cuối bài dịch mà nhan đề là “Một bài học về đời sống ở Kathmandu”.

Mùa hè vừa qua, tôi được nhà sư Matthieu Ricard tiếp đón tại tu viện của ông ở Kathmandu. Bước vào tu viện Shechen, tôi thấy chỗ nào cũng là một lời mời gọi của đời sống tịnh khiết. Hôm tôi đến, một bếp lửa nổ tí tách gần lối vào và một làn khói trắng bốc lên cao trên không. Hình ảnh kỳ diệu như muốn mời khách đến thăm hãy xem sự tu hành như nơi chốn rực lên tình thương và tàn lụi dục vọng điên đảo. Matthieu Ricard hướng dẫn tôi gặp các nhà sư đang hăng say biện luận triết lý và mời tôi ngồi ăn cùng bàn với các vị lạt ma. Ở đâu tôi cũng thấy những nụ cười rạng ngời. Không đâu vướng mắc gì với những chuyện phù phiếm của thế sự. Tôi đã được sống những ngày tuyệt đẹp. Và vô cùng thư giãn.

Bây giờ, tôi hiểu rằng hai chất liệu làm nên hạnh phúc, hay khiêm tốn hơn, làm nên niềm vui, đã được tụ họp nơi đây: tu hành với bạn để giải thoát cho mình và làm việc xã hội để giúp người khác. Bên cạnh Matthieu Ricard, tôi hiểu rằng, để sống trong an lành, cần phải biết cả hai, quán tưởng một mình và hành động liên đới. Nơi nhà tu hành văn sĩ này, hai sự cần thiết đó tập trung với nhau trong một cách sống tuyệt vời, đặc biệt, không kiểu cách, rất đơn giản.

Chúng tôi đi thăm một trường học dựng toàn bằng tre. Chỉ với một món tiền chẳng là bao, trẻ em được đi học, được may mắn đổi đời. Chúng tôi đi thăm một bệnh xá hoạt động nhờ nỗ lực của Matthieu Ricard. Tất cả những hoạt động đó nằm trong một tu viện thanh bình. Chúng ta thường hay đối chọi quán tưởng và hành động. Làm như thể hai thái độ ấy đối kháng với nhau, mâu thuẫn nhau. Nhìn các nhà sư trong tu viện, tôi nhận thấy ta có thể tích cực buông xả thực sự ở bên trong và rất uyển chuyển, mở lòng ra ở bên ngoài. Nhưng đâu có cần nhất thiết phải phân biệt bên ngoài và bên trong nhỉ?

Chủ nhân còn ân cần đưa tôi đến gặp một vị sư thầy thuốc đến từ Tây Tạng. Với dáng đi rất yên lặng, mỗi ngày ông đến thăm tôi và đặt vào lưng tôi những ống bầu để xua đuổi những bất quân bình trong cơ thể và mang lại sinh lực cho cuộc sống. Chưa bao giờ tôi gặp một ông thầy thuốc dịu dàng, thanh bình, an lành như thế. Chỉ nhìn ông thôi là đủ lành bệnh rồi. Mỗi lần ông lấy ra một ống bầu đầy hiệu nghiệm ấy, bàn tay ông ngừng lại như thể mỗi cử chỉ của ông đều là thiêng liêng. Một hôm, ông thấy dưới đất cây thánh giá nhỏ mà tôi hằng mang theo trong mình. Bằng một thứ tiếng Anh vừa học, ông nói: “Ông phải kính trọng hơn nữa cái này”. Rồi rất long trọng, ông lượm thánh giá lên, nâng trên hai bàn tay để đặt trên bàn cạnh giường tôi nằm. Ông cắt nghĩa cho tôi rằng sức khỏe của tôi tùy thuộc ít nhất là 50% vào tâm linh của tôi. Và ông khuyến khích tôi cầu nguyện Thượng Đế của tôi sâu lắng hơn nữa. Tấm lòng rộng rãi của ông làm tôi xúc động vô tả. Một tín đồ của một tôn giáo thúc đẩy một tín đồ của một tôn giáo khác cầu nguyện thêm nữa, quả là chứng từ của một đầu óc rộng và một trái tim lớn. Từ đó cho đến nay, không ngày nào tôi không đọc một trang của nhà ẩn tu Thiên Chúa giáo Eckhart mà tôi đã khám phá lại trong chính quê hương của đức Phật. Nhà bí tu ấy mời gọi tôi đến với sự thanh bình, sự buông xả, đến với tự do mà nụ cười của các vị sư ở Nepal và hai cánh tay mở rộng đón chào của họ đã đánh thức dậy trong lòng tôi.

Bên cạnh ông thầy thuốc của tôi, bên cạnh Matthieu Ricard, đời sống vén ra cho tôi thấy tất cả vẻ đơn sơ và dịu dàng. Tranh chấp đã chấm dứt để một đầu óc trẻ thơ được hồi xuân trẻ thơ chứ không phải ấu trĩ một chút nào.”

Tôi nghĩ đây không phải chỉ là “vốn”. Đây là cả gia tài của một dân tộc. Đây là cả một nền văn minh. Nền văn minh ấy, cái “vốn” ấy của cả một dân tộc đang bị một chính sách đồng hóa dần dần hủy diệt. Tổ tiên của chúng ta đã lâm vào cảnh ấy trong suốt lịch sử. Cho nên, hơn ai hết, chúng ta đau lòng.

Chúng ta càng đau lòng thêm khi cái “vốn” ấy cũng cùng một thể với cái “vốn” của chính chúng ta. Có dân tộc nào khoan dung hơn dân tộc chúng ta? Vậy mà con cháu cứ chiến tranh hoài trong tư tưởng. Có cái “vốn” nào lớn hơn sự hòa hợp dân tộc? Sao vẫn hoài phân ly? Dù được định nghĩa dưới dạng văn hóa, kinh tế hay xã hội, không có cái vốn nào vĩ đại hơn nụ cười, sự thanh thản, và hai cánh tay mở rộng.


Cao Huy Thuần

Tia Sáng, 19.02.2013


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss