Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Kỷ niệm về thày Đang ở trường Phan Chu Trinh

Kỷ niệm về thày Đang ở trường Phan Chu Trinh

- Văn Ngọc — published 08/02/2007 23:18, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Điều kỳ diệu, là một con người hiếu động như Nguyễn Hữu Đang vào thời kỳ đó, với những trách nhiệm rất đa dạng và bận rộn trong chính phủ lâm thời, mà đã dành được thời giờ, và giữ được tâm trí đủ thanh thản, rảnh rang, để đến giảng thơ cho bầy trẻ chúng tôi nghe.

     
Kỷ niệm về thầy Đang ở trường Phan Chu Trinh

     

Văn Ngọc

 

Tựu trường năm đó, ngay sau những ngày tháng sôi nổi của Cách mạng tháng Tám – đã cuốn hút chúng tôi vào những sinh hoạt chẳng mấy dính dáng đến chuyện học hành – tôi từ trường tiểu học Hàm Long bước lên trung học. Lẽ ra, nếu đi theo con đường chính quy, thì tôi đã vào học Chu Văn An từ hồi ấy – tôi đã đệ đơn và hồ sơ xin vào học ở đây từ trước hè – nhưng không hiểu sao, do ai mách bảo, mà gia đình nhà tôi lại cho tôi ghi tên vào học trường Phan Chu Trinh, một trường trung học vừa mới được nhà nước khai trương, và được nhiều người nói đến lúc ấy.

Kỷ niệm của tôi về trường Phan Chu Trinh không có nhiều, bởi một lẽ đơn giản là trường đã chỉ hoạt động được trong có mấy tháng, thì đánh nhau. Tuy nhiên, đó là những kỷ niệm đã ghi khắc vào trí nhớ của tôi, để rồi không bao giờ phai nhạt. Tôi cũng không ngờ rằng ngày đó tôi đã được học ông Nguyễn Hữu Đang ở đó, ông Đang, một nhân vật mà đúng 10 năm sau tôi đã gặp lại trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, khi tôi đã hơi hiểu biết hơn về cuộc đời, và đã biết đánh giá con người của ông hơn.

Tôi còn nhớ mãi buổi chia tay với trường, ông Đặng Thai Mai, hiệu trưởng, rất xúc động, đến từng lớp giải thích tình hình cho chúng tôi nghe, và đề nghị bắt đầu từ hôm sau, chúng tôi không đến trường nữa, vì chiến tranh có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, và nhà trường e rằng lúc đó chúng tôi sẽ không về kịp được với gia đình.

Hồi đó, tôi còn nhỏ lắm, mới 11 tuổi, chưa hiểu biết gì mấy về những vấn đề lớn của tình hình đất nước, nhưng nhiệt tình và lòng tin tưởng của chúng tôi đối với cách mạng thì gần như là tuyệt đối. Điều đó cũng dễ hiểu : thế hệ chúng tôi đã từng nếm đủ mùi tủi nhục của những người dân bị trị, đã từng thấy những đau khổ, bất công, đầy dãy trong xã hội và ngay cả trong gia đình nhà mình trong xã hội cũ, mà cái nền phông là giáo lý phong kiến, cho nên khi cách mạng lên, và nước nhà giành được độc lập rồi, thì chúng tôi cảm thấy như được giải thoát, và lòng tràn ngập hy vọng.

Ngày ấy quả thật, chúng tôi chỉ nghĩ có một điều : làm được gì trong khả năng của mình mà có ích lợi được cho đất nước lúc ấy, là chúng tôi sẵn sàng làm. Việc học hành vẫn là quan trọng, nhưng trong bối cảnh tình hình căng thẳng, sắp đánh nhau đến nơi rồi, chúng tôi cũng có phần nào hơi sao lãng, mặc dầu ở cái tuổi đó, đi học bao giờ cũng có những điều thú vị để... học hỏi, ít ra là để đùa nghịch với chúng bạn.
     

Ngay từ ngày đầu , tôi đã mê ngay cái không khí của ngôi trường mới. Lần đầu tiên, tôi được giáp mặt với những con người mà bấy lâu nay, tôi chỉ mới được nghe các anh chị lớn ở trong nhà nói đến : ông Đặng Thai Mai, ông Hoài Thanh, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, ông Phan Kế An, v.v. Ngay hôm đầu tiên, ông Đặng Thai Mai, hiệu trưởng, đến lớp nói mấy lời về mục đích của trường. Chúng tôi không ngạc nhiên bởi giọng Nghệ Tĩnh rất nặng của ông, nhưng đã rất ngạc nhiên vì ông ăn nói nhỏ nhẹ, hiền từ, như một người cha già, lại gọi chúng tôi bằng "em". Nghe ông giải thích, chúng tôi hiểu rằng một thời kỳ mới đang mở ra cho mọi người : bây giờ, chúng tôi biết mình học để làm gì, và ai nấy đều thấy vô cùng tin tưởng và phấn khởi.

Tuy nhiên, khi vào lớp học, chạm trán với thực tế, tôi thấy sao mà ngày ấy chúng tôi dốt thế ! Đặc biệt là về Việt văn và Pháp văn ! Tôi được học cụ Hoài Thanh về các tác phẩm cổ điển, được cụ giảng Lục Vân Tiên cho nghe. Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng Lục Vân Tiên dễ, dè đâu khi đi vào từng câu, từng chữ, cụ hỏi, chẳng đứa nào hiểu nghĩa chính xác là gì cả. Nhưng cụ rất hiền, nên không bao giờ nói gì cả, chỉ mỉm cười. Ngày đó, chúng tôi gọi cụ Hoài Thanh bằng "cụ", mặc dầu cụ cũng chưa già gì cho lắm, ngay cả bà chị tôi học cụ, cũng gọi cụ bằng cụ. Ngày đó, ai nấy đều nhiệt tình cả, cả thày giáo lẫn học trò. Tôi cảm thấy điều đó, khi thấy một hôm cụ Hoài Thanh đang cơn sốt nặng, mặt mũi đỏ gay, người rét run, mà vẫn đến lớp dạy, làm chúng tôi rất cảm động.

Thế rồi một hôm, cũng vào giờ giảng văn, nhưng là văn chương hiện đại, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Đang giảng cho nghe bài thơ "Tựu trường", của Huy Cận.

Tôi còn nhớ mãi dáng vẻ rất trẻ trung, năng động, của ông ngày ấy, trong bộ quần áo kaki, với nét mặt nghiêm nghị, hơi khắc khổ, nhưng dù sao cũng khác xa với tấm hình chụp vào những năm 70, sau thời gian dài bị tù đày. 

Thơ mới, câu chữ đơn giản, lại không có điển tích gì rắc rối, nên ông chỉ đọc đi đọc lại nhiều lần cho chúng tôi nghe, dường như để cho chúng tôi tâm đắc và cảm nhận được thấm thía cái đẹp của ngôn từ, và của nhịp điệu bài thơ. Tôi còn nhớ mãi những câu :

 [...]
Tựu trường đó lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ...

                                              Huy Cận, Tựu trường

Điều kỳ diệu, là một con người hiếu động như Nguyễn Hữu Đang vào thời kỳ đó, với những trách nhiệm rất đa dạng và bận rộn trong chính phủ lâm thời, mà đã dành được thì giờ và giữ được tâm trí đủ rảnh rang để đến giảng thơ cho bầy trẻ chúng tôi nghe !

      

Văn Ngọc

   

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss