Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Người chị Việt Nam

Người chị Việt Nam

- Trịnh Phong — published 16/03/2016 22:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Người chị Việt Nam


Trịnh Phong


Xin tặng bài này tới những gia đình có người tử nạn trong chiến tranh nhưng không có tiền đi tìm mộ.


Tôi lang thang những đồi cát miền Trung
Tìm mộ người em trai tử trận,
Mười bẩy tuối, trái tim bụi đời chưa vẩn
Để lại bóng hình trong tim mấy cô nữ sinh
Khẩu súng Nga lạnh lẽo vô tình,
Đôi giày vải Tàu buốt chân rừng núi gập ghềnh đất lạ
Chỉ ba lít máu, bốn mươi cân, nào có gì quý giá!
Từng đoàn các em áo xanh màu cỏ như trót hẹn ước cùng cỏ xanh.


Em đi, hình bóng nhỏ khuất dần cùng chuỗi ngày nặng nề,
Vất lại sau mình những tháng năm đói nghèo dai dẳng.
Chiều chiều dõi nhìn phương nam, tưởng đạn bom vang rền trong vắng lặng,
Đêm xóm nghèo thao thức bao mẹ già.

***

Tôi cũng ra đi một mùa hè ấy,
Thầm mong gặp đứa em non nớt những đêm quân hành.
Trăng núi, mưa rừng, bom đạn vây quanh
Vốc nước suối, không vợi nỗi lòng man mác.
Khói bom nhuộm suối tóc đen ngả bạc,
Viên ký ninh vàng thẫm sắc da chì…
Rồi mấy chục năm cũng qua đi.
Những vết thương trên mình một thuở chiến trường vẫn còn nhức nhối.
Và đêm đêm trong giấc mơ hãi hùng đạn bom vang dội
Đồng đội cũ của tôi, những cô gái trẻ từ lâu không còn trên cõi đời,
Lại trở về, tay trong tay hớn hở tươi vui...

***

Mấy chục năm đã ra đi!
Biết bao chuyện đời đã thành vô nghĩa!
Cây cỏ lại xanh đất xưa chiến địa,
Xương trắng đã thành đồi cát,
Máu đỏ đã thành lá hoa...
Mà lòng thương nhớ người thân không bao giờ phai nhạt.
Tôi bán con lợn, dành dụm ít tiền,
Gói ghém chút hành trang trong cái ba lô thời chiến tranh đã sờn vải bạt
Thắp nén hương, đặt chén nước cúi đầu xin phép mẹ
Lên đường tìm mộ em trai... 

***

Tôi đã qua bao nhiêu nghĩa trang
Đã đọc tên biết bao nhiêu bia mộ.
Ôi những cái tên trẻ trung nào khác tên em tôi!
Em ơi, em ở đâu? Tôi thường gọi nhỏ
Trong những đêm dài ngủ nhờ trong các làng.
Nhiều ngày rồi tôi tập tễnh lang thang
Qua bao chiến trường một thời khói lửa.
Bàng hoàng tưởng những ngày thanh xuân còn đây, những đồi cây nắng chiều vàng úa.
Xõa mái tóc bạc cho gió đùa như một thời trẻ trung.

***

Một chiều, trên con đường cát trắng dài lê thê,
Những rặng phi lao thì thầm trong gió.
Ngày sắp hết, tôi tìm vào xóm nhỏ
Như một xóm nghèo ngày xưa hành quân từng dừng chân.
Chị chủ tịch xã nhìn tôi ân cần:
-“Bác ngủ tạm đêm nay phòng khách,
Nhà ủy ban gần đây, tuy đêm nay sương nhiều e lạnh.
Nhưng có đủ giường màn, có trà nước dùng đêm.”
Chị đưa tôi đến tận nơi, trao chìa khoá rồi dừng lại trước thềm:
- “Có thể đêm nay ngoài kia ồn ào, nhưng bác yên tâm đừng ngại.”
- “Tôi kề bên cái chết đã nhiều, chắc không còn sợ hãi.
Nhưng trảng cát mênh mông, đêm vì đâu có thể ồn ào?”
- “Bác ơi, đây là đất chiến tranh, những năm sáu bảy mươi la liệt chiến hào.
Quân Bắc, quân Nam, lính Mỹ, lính Đại Hàn, lính Cộng Hòa dành đi chiếm lại.
Bom đạn tơi bời, thịt xương vung vãi.
Đến nay trong cát vẫn thấy xương người.
Những đêm trăng lu sương lạnh gió khơi,
Những linh hồn xưa dàn quân đánh trận.
Bao tiếng hò reo, tiếng rên rỉ, tiếng thét gào oán hận
Gió đưa về tận xóm xa...
Đêm nay trăng lu, trời nhiều sương, chắc họ lại ra ...
Bác đừng ngại, chưa có hồn nào vào đây quấy rối.”

***

Tôi lặng lẽ bỏ màn, duỗi đôi chân nhức mỏi,
Xoa bóp vết thương thời chiến tranh còn đau buốt bên sườn
Rồi mơ màng trong giấc ngủ chập chờn,
Gặp lại đồng đội xưa, tươi cười, trẻ trung một thời con gái...
Bỗng có tiếng hô xung phong từ xa vẳng lại,
Tôi bàng hoàng nhỏm dậy,
Tưởng vẫn còn những ngày trên đường mòn Trường sơn,
Vội vung tay tìm cây súng đầu giường.
Rồi tỉnh hẳn khi vết thương xưa bên sườn đau rát.
Tôi ngồi dậy - qua cửa sổ thấy một trời bàng bạc
Những ngọn bạch đàn như ẩn hiện trong sương…
Nào có chi, đêm yên tĩnh khác thường
Như những phút giây chiến trường xưa trước giờ bom rải...
Bỗng tiếng súng liên hồi từ xa vẳng lại
Rồi ầm vang trên khắp ngọn đồi
Lẫn trong tiếng người, như xé lòng tôi,
Những tiếng thét gào, tiếng hò reo, tiếng rên hấp hối...
Gạt nước mắt, tôi lục tìm trong túi
Một bao diêm, một bó hương lúc nào cũng mang theo bên mình,
Rồi mở cửa bước ra thềm nhìn trời sương mông mênh
Những tiếng súng, tiếng kêu gào hòa trong sương đêm, quyện vào mái tóc.
Tôi rẽ sương tìm lên đỉnh đồi rồi sụp ngồi trên cỏ ướt.
Bao tháng ngày xót đau, thương cảm ngập tràn
Về chất nặng trong tim, tôi nức nở khóc than ...
Thương những mảnh đời hoa niên tan nát!
Rồi run run đánh diêm, cắm nén hương vào gốc bạch đàn khô trong cát
Nghe tiếng mình run run thì thầm cùng màn sương:

***

- “Hỡi các em, những linh hồn bất tử
Xin hãy nghe một người chị của chiến trường, một người chị Việt Nam.
Dù các em là người Mỹ, người Úc, người Việt, người Đại Hàn
Đã nằm lại trên đất này trong những trận mưa lửa thép.
Hỡi các em, những thanh niên dũng cường, đầy ước mơ tươi đẹp,
Tim trắng trong chưa từng vẩn thù hằn,
Chưa từng gặp nhau để làm bạn, kết thân
Đã cầm súng đối đầu trên chiến tuyến.
Chiến tranh đã qua lâu, máu đã thành sông biển
Xương trắng đã thành đồi bạch đàn, thù bạn đã đổi thay.
Sao vẫn còn cố thủ nơi này
Trút oán hận đêm đêm vào cuộc chiến.
Tim con người tối tăm nham hiểm
Và lòng tham chiếm hữu vô cùng
Danh vọng, tiền tài, quyền lực, non sông,
Gieo giắc những mầm oán thù độc địa …
Nhưng chết rồi, tất cả cấp bậc, nhiệm vụ, quyền lợi vật chất cõi đời đều vô nghĩa!
Sao còn vô minh, cúi đầu tuân lệnh, bám chặt quả đồi, đêm đêm hành quân,
Tiêu diệt lẫn nhau trong một trò chơi lặp lại muôn lần.
Như nạn nhân một lời nguyền truyền kiếp!”

***

Những ngọn bạch đàn ngả nghiêng trong muôn lớp sương trùng điệp
Bao mảnh người tơi tả rẽ sương tìm lại, nhìn tôi tươi cười.
Những bàn tay nào vuốt nhẹ vai tôi
Âu yếm, dịu dàng, xót xa, trìu mến.
Như gặp lại người thân thương một thời trăng hẹn,
Tôi bỗng thấy trái tim mình rộng mở mênh mông
Cho nỗi đau tan với cõi vô cùng…

***

- “Hỡi các em, hãy quên đi những tháng ngày chinh chiến
Hãy nhớ về một thuở hoa niên,
Về mái nhà xưa, con đường cũ, ánh trăng đêm
Nghe tiếng chuông chiều, nhìn sông xưa bến cũ.
Lại trầm ngâm dưới ánh đèn xanh soi trên hè phố,
Lắng nghe tiếng chim ngân một buổi trưa vàng,
Nhớ dáng người thương trong sáng, dịu dàng,
Nhớ nụ hôn đầu ngập ngừng run rẩy...
Và nỗi nhớ thương sẽ làm thức dậy
Trong trái tim khô những khung trời xanh
Và muôn cỏ hoa sẽ trỗi dậy vươn cành
Trong hộp sọ đang chìm trong bụi cát,
Và muôn đàn chim xưa thân yêu lại trở về ca hát
Trong những linh hồn tràn ngập luyến thương...”

***

- “Hỡi các em, hãy nắm tay nhau, theo ánh sáng thiên đường
Đừng phân biệt da nâu, da vàng, da đen, da trắng,
Vì máu người chỉ một màu đỏ thắm
Có dòng máu nào không hồng tươi như dòng máu Việt Nam.
Đừng phân biệt huân chương, học lực, cấp bậc, quân hàm,
Binh nhất, binh nhì, đại tá, đại tướng...
Chút hợm hĩnh vụn vặt cõi người mang theo thêm vướng:
Đã chết rồi, sọ rỗng tuếch như nhau!“

***

- „Hỡi các em, hãy trở về với ấu thơ trong lòng mẹ ngọt ngào
Để thấy trái tim vốn muôn đời ngập tràn niềm yêu thương cao cả.
Dòng nước mắt tưởng từ lâu hóa đá,
Sẽ tràn dâng rửa sạch hết hận thù.
Nước mắt tình thương đẫm ướt trái tim khô
Để muôn sắc hào quang sáng bừng sọ rỗng.
Hồn sẽ hòa đồng với thiên nhiên cao rộng
Nắm xương khô vươn dậy cánh thiên thần.
Đừng phân biệt quốc gia, dù Mỹ, Úc, Việt, Đại Hàn
Vì trái đất này vốn tự không chia cắt.
Những biên giới kia là hậu quả lòng tham lam vụn vặt
Những mưu đồ chiếm hữu của con người.
Hỡi các em, hãy ra đi tìm đến những chân trời
Nơi ánh sáng của Thương Yêu ngập tràn vĩnh cửu.”

***

- „Hỡi những người mẹ mất con trên chiến trường tàn bạo
Dù người ở Việt Nam, ở Mỹ, ở Phi Châu...
Xin hãy lau khô giòng nước mắt đau sầu,
Khi những đứa con chưa bao giờ ngủ yên trong tiếng ru mẹ Đất,
Đã bừng tỉnh từ thế giới ngập căm thù oán hận
Để đi vào ánh sáng vĩnh hằng.
Đất Mẹ Việt Nam thương khóc tự ngàn năm
Mỗi mạng sống khi đi vào lòng đất,
Vì lòng mẹ không giới hạn, không bao giờ chia cắt
Như những tấm bản đồ chắp vá của lòng người.
Mẹ phủ lá cờ xanh thần kỳ lên muôn nấm mồ vô danh, muôn lớp máu tươi,
Lá cờ của biển xanh, trời xanh bao la,
của rừng xanh, cánh đồng xanh và những dòng sông xanh vời vợi…
Và Đất Mẹ mãi nâng niu mong đợi
Những đứa con bước lên trong đôi cánh thiên thần.“

***

Bầu trời sương bỗng ngân vang tiếng nhạc,
Rừng bạch đàn ngập ánh sáng chan hòa.
Những em tôi trẻ trung tươi vui chung một lời ca,
Lớp lớp người phất phới trên vai đôi cánh trắng.
Họ tươi cười vây quanh tôi với thân hình rực sáng
Rồi nắm tay nhau bước vào từng không còn quay lại vẫy chào.
Nền trời rực hào quang, nhộn nhịp ánh sao.
Mắt đẫm ướt, tôi gục xuống thấy con tim đau thắt,
Hạnh phúc tuôn trào từ nỗi đau sâu lắng
Ngọt ngào, xót xa tràn ngập cõi lòng...

***

Tôi tỉnh dậy khi tiếng chim gọi nắng
Thấy mình gục đầu trên gốc bạch đàn khô suốt đêm qua.
Mái tóc đầm sương nhưng cõi lòng sao hân hoan thanh thản,
Rừng bạch đàn như vang vọng tiếng reo ca.
Tôi đứng dậy, ngạc nhiên thấy vết thương bên sườn không còn nhức nhối,
Chân bước đi như lướt trên cát êm.
- „Bác ngủ có ngon không?“, chị chủ tịch nhìn tôi ngạc nhiên,
„Đêm qua sáng rực trên đồi, tôi nghe tiếng đàn ca đến sáng.“

***

Chị dừng lại ven đồi vẫy tay chào tiễn biệt.
Tôi bước đi nhìn trời xanh mênh mang
Và tự hỏi, đâu rồi những ngôi sao đêm qua rực rỡ ánh thiên đường
Có quanh quất đâu đây trong bao la ngày nắng?
Bỗng từ nền trời xanh xa xôi bay vút về một đôi cánh trắng.
Tôi ngỡ ngàng nhận ra đứa em nhớ thương.
Em tươi cười ôm tôi như buổi xa nhà ra chiến trường,
Rồi vút lên, bóng hình long lanh hòa trong nắng mới.
Tôi hân hoan nhìn theo, nghe cõi lòng thanh bình diệu vợi,
Nỗi buồn thương như đã tan vào nắng vàng tươi.
Tôi bước lại bên sông, thả cái ba lô cũ rỗng cho sóng đưa về tận cuối trời
Mặc dĩ vãng cuốn đi theo làn nước biếc.
Không ba lô, không tiền, không buồn thương, không luyến tiếc
Tôi say sưa bước đi trên đường nắng chan hòa …

***

- “Lên xe đi bác ơi, trời nắng lắm, đường xa!”
Chiếc xe tải bỗng dừng, chú lái xe tươi cười chờ đó.
Tôi cảm ơn, ngạc nhiên đến sững sờ - rồi bỗng dưng sáng tỏ:
Có thanh niên nào không mang dáng em tôi.

Trịnh Phong

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss