Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nhớ Nội ngày tết

Nhớ Nội ngày tết

- Ninh Kiều — published 01/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


NHỚ NỘI NGÀY TẾT

Ninh Kiều


Cứ mỗi khi Tết đến trên đất Pháp, tôi lại nhớ Tết ở Việt Nam…

Những năm đầu mới qua thì ít nhớ Tết vì tương lai còn dài, réo gọi phía trước, và quá khứ còn ngắn, nằm im lìm phía sau.

Mới chớp mắt mấy cái mà tương lai ngắn lại, hết có gì hồ hởi réo gọi mà có réo cũng làm biếng ơi, và quá khứ thì dài nhằng, ngập nhớ thương.

Rồi càng tiến về phía… mức sẽ không thể không đến, lại càng nhớ Nội ngày Tết, Tết hồi chưa xa xứ. Nhất là giận mình đã không nghĩ đến Nội đúng mức lúc Nội còn sống.

Thật ra là Ngoại chứ không phải Nội nhưng tôi ưng kêu Nội giống y như các anh chị ở chung nhà với tôi và Ngoại trở thành Nội cho tất cả cháu ngoại trong nhà.

Mấy tuần trước Tết, tôi theo Nội leo lên xích lô đến nhà người quen chủ vườn cây ăn trái ở Phú Nhuận đặt mua trước vú sữa đang chín cây, trắng và tím than. Đứng dưới tàn cây râm mát, tôi ngẩng đầu nhìn lên : lá vú sữa xanh sậm một mặt và nâu sẫm mặt kia, lấp lánh dưới ánh nắng, đung đưa theo gió, che nửa kín nửa hở vú sữa hườm hườm bóng da. “ Của mình hết hả Nội ”, tôi háo hức hỏi và Nội trả lời “ Mua bao nhiêu hái bấy nhiêu ”.

Sau đó tôi theo Nội ra chợ Bà Chiểu mua nếp, đậu xanh, bột, đường, dừa khô.... để được Nội cho ngồi chồm hổm ăn một chén chè khoai môn và căn dặn ngồi yên đó đợi Nội ghé trả tiền thiếu chịu chú Tiều tiệm chạp phô đầu chợ.

Nội hay nói răng, rứa, nớ, chừ, mô, hỉ… vì Nội là người làng Vân Dương huyện Hoà Vang tỉnh Quảng Nam. Tuy là con gái Cần Thơ nhưng từ nhỏ tôi đã hiểu ngôn ngữ của Nội : răng rứa là sao vậy, chỗ nớ là chỗ đó, chừ là bây giờ, không răng mô là không sao đâu, hỉ là nhé, là nghen, là nha… Nội nói rặt giọng Quảng Nôm. Khi Nội hỏi “ Ăn chưa ? ” nghe như “ En chưa ? ”. Và “ hắn ” thành “ hén ”.

Giờ nghĩ lại mới nhận thấy hồi sống với Nội, tôi ở Sài Gòn mà ăn Tết… Quảng Nôm, rồi sau đó tôi ở Paris mà ăn Tết… Sài gòn. Hoá ra Nội cũng xa xứ như tôi bây giờ. Nội đã từng sống ở Huế, rồi ra Bắc sống ở Hà Nội, lộn về miền Trung, vô Nam sống ở Cần Thơ, rồi trở lên sống ở Sài gòn nhưng ở đâu, dường như Nội cũng ăn Tết y như bà Cố Bá, tức mẹ ruột của Nội, tức bà Cố Ngoại của tôi. Bà Cố Bá có ruộng đất, có vựa chứa lúa nên Nội hay kể hồi mới ra riêng, vì lấy chồng nghèo nên Tết đến Nội cắp thúng về nhà mạ đong nếp, đậu xanh về gói bánh tét.

Gói bánh tét, không gói bánh chưng. Khoanh bánh tét bằng lòng bàn tay của Nội, toàn nếp, chỉ có chút đậu xanh tròn tròn bằng ngón cái làm cục nhưn nằm chính giữa. Nội không trộn thịt mỡ, trộn dừa như miền Nam. Nội chê bánh tét miền Nam dễ thiu trong khi bánh tét của Nội còn ăn được cả tháng sau Tết tuy cứng như đá, liệng chó kêu ăng ẳng nhưng lấy dao bén cắt khoanh đem chiên thì còn ngon hơn cả bánh mới.

Mấy ngày trước khi đưa ông Táo, Nội đi rảo trong xóm coi vườn nhà nào trồng chuối, có lá ít tưa, Nội xin rồi lựa chặt từng tàu để cho tôi vác trên vai và dặn tôi coi chừng mủ chuối dính áo giặt không ra. Về nhà Nội tước tàu lá chuối, lấy khăn lau kỹ lưỡng khiến lá bóng mượt trong khi tôi tước bẹ chuối đem phơi khô làm dây gói bánh. Lá chuối Nội xếp chồng như xếp vải may áo, đi ngang qua nghe mùi lá thơm thoang thoảng. Chắc vì vậy mà chiếc áo dài đầu tiên của tôi xanh màu đọt chuối, cái màu kỵ nước da ngăm đen. Cái nước da mà tôi hết lòng kỳ cọ ở tuổi dậy thì song chỉ lợt bớt nhờ vô số mùa đông Paris.

Ngày Nội gói bánh tét, thức dậy tôi đã thấy Nội ngồi trên tấm phản lớn trong nhà bếp, chung quanh bày đầy thúng mủng.

Nội đong nếp trong chén cơm, rải đều chừng hai gang tay trên lá chuối rồi vắt trong lòng bàn tay đậu xanh đã nấu chín thành đòn nhỏ bằng ngón tay cái để đặt dài dài trong lòng nếp. Nội phủ lên thêm một chén nếp nữa rồi gói. Nội cắn dây chuối bằng hàm răng đen, giữa đôi môi đỏ trầu để siết dây bó chặt thành đòn.

Sau khi tôi ăn xong chén cơm nguội chiên tép mỡ khử tỏi thơm mùi nước mắm Nam Ô, nước mắm ngon nhất trần gian của Nội thì Nội cho tôi vắt đậu xanh làm nhưn. Chị tôi được Nội cho thắt thêm dây vào các đòn bánh Nội gói vì chị tôi đã thành thiếu nữ giỏi dang, khéo tay. Đám cháu trai chạy lăng xăng phá đám, không được Nội sai bảo, còn bị Nội rầy “ Con trai đi lên nhà trên, không léo hánh dưới bếp ”. Nội tôi gói đến đứng ngọ - như cách Nội nói - thì xong phần Nội nhưng còn phần gói bánh của đám con nít nữa.

Nội chừa một ít lá, nếp, đậu để cho bọn con nít, đám con trai với mỗi tôi là gái, mỗi đứa gói một đòn, làm dấu riêng để sau nầy biết là bánh của mình. Trong khi bọn trẻ méo miệng o bế đòn bánh của mình thì Nội và chị tôi đi nấu cơm trưa, “ En qua loa, hỉ ”, Nội nói.

Trong lúc chị tôi dọn cơm thì Nội gói dùm đòn bánh tét cho thằng cháu cưng của Nội vì nó nhỏ nhất nhà và đang hát bài ca khóc nhè mà chỉ có bóng dáng thấp thoáng đâu đó của cậu tôi mới làm nó hạ giọng. Rồi Nội kêu hai anh lớn sáng giờ ngồi chồm hổm chùi mấy bộ lư ngoài hàng ba vô rửa tay chuẩn bị ăn cơm. Rồi Nội sai một đứa ra mời cậu tôi đang tỉa cây mai trồng kế bên hòn non bộ gần cửa ngõ và sai một đứa khác mời tất cả người lớn trong nhà xuống nhà bếp ăn cơm trưa. Đây là những người lớn cũng rất bận rộn nhiều việc trong nhà nhưng tôi không để ý thành ra không nhớ họ đã làm gì.

Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi lúc bấy giờ, Nội tôi là nhứt. Nội đi chợ và nấu ăn cho cả nhà. Nội không làm ra tiền nhưng xin Nội tiền là có, không nhiều, năm cắc, một đồng. Đủ kêu cà lem leng keng hay chạy ù đi mua ổi ngâm cam thảo. Nội mặc áo cánh trắng hai túi, túi găm kim phồng to, có nhiều giấy bạc lớn, túi không găm kim thì có bạc cắc và vài đồng lẻ. Nội cho ăn, Nội binh vực. Có Nội là có ăn, có Nội thì không có roi nào đụng được vào đít. Vậy mà có người trong nhà than phiền Nội ngự trị độc đoán, thiên vị, cục bộ, nói Nội giống Võ Hậu !

Rồi trong khi bọn trẻ lo đánh tù tì coi đứa nào rửa chén thì Nội đội nón lá dang nắng chan chan chất bánh vô ba cái thùng thiếc đựng dầu hôi đã được Nội phơi phóng, rửa sạch, đặt trên ba cái lò xây tạm mỗi cái bằng ba cục gạch cao ngay trên mặt đất, giữa sân. Tôi chọn thùng giữa, để đòn bánh của mình vô rồi còn kêu Nội làm chứng.

Khi ba thùng bánh tét sôi sùng sục thì Nội ngồi nghỉ trên chiếc ghế dài ngoài hiên nhà bếp, sai đứa nào đem ra cho Nội ấm nước trà và ô trầu. Nội ực một hơi ly nước trà nóng, mở ô trầu, têm trầu và ăn trầu. Cử chỉ Nội chậm rãi, khoan thai, nhìn Nội tôi thấy bình yên trong khi Sài Gòn đảo chánh mấy lần, dinh Độc Lập bị máy bay dội bom có tôi nhìn thấy và người lớn hay xì xầm chuyện đánh nhau, chuyện bắt bớ.

Trong khi chị tôi ngào dừa trên chảo để làm mứt dừa thì tôi in bánh phục linh. Dừa khô gọt vỏ cắt sợi và bột bánh phục linh chuẩn bị từ lúc nào tôi không hay, chỉ biết tôi được chị sai in bánh, như chơi đất sét. Bỏ bột vào khuôn bánh bằng cây, ém cho thật chặt rồi gõ nhè nhẹ trên khuôn thì bánh rơi ra. Sau đó còn đặt bánh vô lò để nướng, có lửa than dưới và trên, nhưng đó không phải là việc của tôi.

Nội tôi giống nữ tướng Phàn Lê Huê trong truyện Tàu, tả xông hữu đột giữa chốn ba quân, song toàn quân vô tích sự, lẩn quẩn dưới chân Nội. Nội bực mình rầy la bao nhiêu cũng không sợ, chỉ sợ Nội đạp chân. Nội đạp chân đứa nào thì dù có la làng Nội cũng không rút chân ra được liền. Cái bàn chân nhỏ xíu phải chịu đựng toàn bộ sức nặng của Nội trước khi Nội chuyển được trọng lượng của Nội qua chân kia. Nội lại mang guốc, nạn nhân hay đi chân không. Thường là dịp tốt cho nạn nhân khóc la thoải mái mà không sợ bị rầy. Cũng như mọi người lớn trong nhà, Nội không nhận lỗi mà còn rầy “Răng mi để chân chỗ nớ ”. Miệng tuy nói vậy mà tay Nội rút chai dầu Nhị Thiên Đường trong túi áo rồi ngồi xuống xoa bóp và an ủi “Không răng mô” cái chân đau đóng đất đen sì và thế nào cuối cùng cũng có màn Nội xuống nước năn nỉ “Muốn ăn chi, Nội cho” rồi Nội móc túi áo không gài kim dúi cho nạn nhân, quên khóc vì lo ngó, mấy đồng.

Khi trời tắt nắng thì ba ông Táo được Nội canh củi, canh nước từ trưa đến giờ, tiếp tục đội ba thùng thiếc sôi sùng sục, hắt ánh lửa vui trên chiếc chiếu thiệt to được trải ra tự bao giờ, sau bữa cơm tối cũng “En qua loa, hỉ ”.

Thế rồi trên chiếc chiếu đã trải lần lượt diễn ra màn đặt bầu cua cá cọp, sát phạt bài cào, dì dách vì đây là dịp duy nhất trong năm con nít được cờ bạc hợp pháp. Nhưng không khí chưa hào hứng lắm, mới chơi búng lỗ tai hay quẹt lọ nghẹ bởi chưa đứa nào có tiền lì xì. Có tiền lì xì rồi thì rậm đám từ sáng mồng một và sát phạt ăn thua đủ đến hết mồng ba.

Nội và chị tôi không biết lục đục cái gì trong bếp, khuya khuya mới ra. Mấy người lớn khác nãy giờ nằm ghế bố nói chuyện, thấy Nội ra có người đứng dậy nhường ghế bố cho Nội nằm nhưng Nội lại sà xuống chiếu đề nghị bọn con nít chơi trò “đi bắt Tào Tháo” bởi Nội rành truyện Tam Quốc. Trừ thằng khóc nhè, đứa nào cũng đã có đọc Tam Quốc mướn ngoài tiệm sách ở Tân Định cho Nội nghe. Nội nghe từ khi xóm còn thắp đèn dầu, nhờ vậy mới có ba thùng thiếc sôi bánh tét kia, cho đến khi có đèn neon.

Trong ánh lửa củi nổ lách tách, người rút nhằm thẻ Lưu Bị dõng dạc hạ lệnh cho kẻ có thẻ Khổng Minh chọn một tướng đi bắt Tào Tháo. Khổng Minh xưng danh “Ta là Khổng Minh đây” rồi đặt ngửa thẻ xuống chiếu.

Nhà trên nhà dưới đều tắt đèn để cho cả khoảng sân tắm ánh lửa bập bùng trong tiếng nước sôi bốc mùi bánh đang chín thơm lá chuối, tăng thêm không khí Tết, góp phần hồi hộp trong cuộc lùng bắt tên đại gian hùng nổi tiếng nầy.

Có lúc Khổng Minh ngần ngừ chưa biết chọn tướng nào thì Nội nhắc “Triệu Vân, nãy chừ chưa ai sai hén”. Nhưng Triệu Vân, trước khi xuất đầu lộ diện, ngồi yên kín đáo thăm dò tìm kiếm một dấu hiệu gì đó trên các gương mặt có vẻ bình tĩnh kia. Vấn đề là phải phát hiện cho ra một cái mặt tai tái trong ánh lửa hồng. Tái vì xui xẻo bắt phải thẻ Tào Tháo, nhưng phải tái thiệt chứ không phải tái giả vì có lắm trung thần ra vẻ lơ láo để được khoái chí bị bắt lầm. Khi có người đập thẻ xuống chiếu dõng dạc tự xưng “Ta là Triệu Vân đây, tuân lệnh Khổng Minh, ta đi bắt Tào Tháo” thì trò chơi mới bước vào giai đoạn thật sự hào hứng. Thẻ là những que tre dầy, dài chừng một gang tay, chuốt giống nhau, trên có viết nắn nót Lưu Bị, Tào Tháo, Khổng Minh, Quan Công, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Lã Bố… tuy bảo là giống hệt nhau nhưng thực ra thì mỗi thẻ có mỗi dấu hiệu đặc thù, do vậy người tham dự trò chơi rút xong thẻ rồi thì vừa phải đọc để biết mình là ai vừa phải giấu thẻ như mèo giấu…cứt.

Hào hứng, hồi hộp truy lùng Tào Tháo được một lúc lâu thì thằng khóc nhè nằm lăn ra ngủ trong lòng Nội khiến Nội đỡ nó ngồi dậy “Khuya rồi, đứa mô bồng em vô giường bây” trong khi đứa bị Nội đạp chân hồi chiều lui cui tìm guốc cho Nội. “Bây thức canh bánh tét hỉ. Ba giờ sáng nhớ kêu Nội dậy”, Nội dặn.

Không đứa nào thức nổi đến ba giờ sáng để kêu Nội trừ cái Tết Sài gòn cuối cùng của tôi năm 1964, có anh tôi thức để lén ôm hôn con bạn thân của tôi vì lúc bấy giờ bọn con nít có đứa đã lớn, đang bước vào tuổi yêu đương. Thường Nội vớt bánh hồi nào không đứa nào hay, sáng ra thấy bánh tét nằm sắp lớp trong nhiều cái sàng. Nội cẩn thận để riêng mấy đòn bánh nhỏ xíu của bọn nhỏ trong một rổ rá. Sáu đòn bánh nhỏ không được bó thật chặt, bèo nhèo, chẹp nhẹp trong đó có một cái banh ruột không đứa nào thèm nhìn. Thế là cãi nhau. Nội lại phải đứng ra làm Bao Công. Đứa nào cũng muốn được Nội binh. Cãi đến độ Nội phải đầu hàng “Tau để bây cãi cho no… ”. Còn tôi thì nhất định bắt đền Nội cái bánh Nội để vô cái thùng chính giữa, con đã dặn Nội rồi, Nội ừ, bây giờ nó ở đâu !

Đêm giao thừa, trong tiếng pháo nổ liên tu bất tận, Nội kêu tôi thức dậy như lời tôi dặn đi dặn lại để xem Nội xẻ dưa hấu. Năm nào Nội cũng nhắc cái năm ruột dưa bọng nước đổ ra cái xoà, vậy là ba tôi đau thương hàn tưởng chết. Vì vậy mà năm nay Nội chịu khó lặn lội khắp chợ Bà Chiểu đi tìm bà bán dưa năm ngoái, đã lựa cho Nội trái dưa đỏ tươi.

Nội tôi giống bà tiên có đũa thần. Nội gõ đũa thần hồi nào mà trên bàn có đủ thứ, ngoài các thứ tôi đã thấy Nội làm còn có thêm dưa món, trữi, bánh tổ, chè đậu xanh đánh, toàn những thức ăn không bao giờ thiu, kể cả thịt kho, không kho nước dừa, càng hâm càng mặn, ăn đến bữa đưa Ông Bà vẫn còn.

Tôi bận o bế mấy bộ đồ mới mặc ba ngày Tết, lo đếm tiền lì xì, lo ăn thua cờ bạc, lo đặt bầu cua cá cọp rồi lớn hơn một chút thì lo ngồi nhớ tình cờ gặp anh ấy trên đường Lê Lợi hôm mồng hai Tết, được anh ấy bao uống nước chanh soda rồi còn cùng anh ấy lên xe buýt về chung. Do vậy chỉ nhớ Nội, ngày mồng một Tết tươi cười lì xì đám giặc, dặn tôi không được mặt chù ụ và không được nhắc khách có anh có em vắng nhà để khách để lại tiền lì xì. Tuy không bước ra chợ, không nấu ăn mà ăn suốt ba ngày. Ai tới nhà Nội cũng mời ăn bánh tét của Nội, ai cũng khen ngon nhưng không mấy ai ăn thêm khoanh nữa.

Qua Tết rất lâu, tôi còn được ăn bánh tét chiên, bánh tổ chiên của Nội vì Nội cất giấu đâu đó, lâu lâu ló ra vài bánh.

Năm 1978, tôi trở về ăn Tết với Nội nhưng tôi đã là con dâu của nhà người khác, có nhiều chuyện để lo và không mấy gì có tiền. Nội không còn là Phàn Lê Huê nữa, đám quân vô dụng đã lớn lên đi tứ tán và Nội không còn đạp chân đứa nào được nữa vì Nội ngồi xe lăn.

Giờ thì Nội hết theo kịp thời sự sau khi đã đi gần trọn thế kỷ 20 nên Nội không hiểu tại sao không có chi cúng bà Cố Bá, Tết nhất mà nhà lạnh tanh.

Ngày xưa con cháu dành ngủ với Nội để được Nội quạt. Giờ thì Nội ngủ một mình một phòng. Thỉnh thoảng có đứa thiếu kinh nghiệm xung phong vô ngủ trên đi văng cạnh Nội. Thế là Nội vui lắm, kể chuyện bà Cố Bá đến khuya, rồi khi bắt đầu thiu thiu ngủ thì Nội bảo thấy cây đèn chong ngọn to quá sợ hao dầu, Nội kêu vặn nhỏ lại, rồi một lúc sau Nội lại bảo tại sao đèn lu câm, Nội kêu vặn lớn lên một chút... Cứ như vậy, cả đêm. Chẳng lẽ Nội không ngủ, nằm nhìn cây đèn chong ?

Bây giờ ngồi nhớ Nội trong những ngày qua, ngoài vô số ưu điểm và vài khuyết điểm như độc đoán, cục bộ, thiên vị (với thằng khóc nhè chẳng hạn), tôi nhận thấy ưu điểm nổi bật của Nội tôi là giỏi nhìn mặt.

Nhìn mặt không phải để biết Cộng Sản hay Quốc gia mà để coi “En chưa ? ”. Khi Nội hỏi “En chưa ? ” y như là “Chưa en”, rồi Nội cho ăn.

Không những vậy, Nội lại không chịu nổi tiếng kêu “Đói”, ngay cả với chó mèo. Khi Nội hỏi “Bây cho chó mèo en chưa ?” thì thế nào cũng có đứa trả lời “không phải phiên con” trong khi chó mèo kêu đói rối rít dưới chân Nội. Rồi con cháu dòng họ nhà Đỗ Thừa rống lên cãi nhau trong khi Nội lui cui đi lục cơm nguội chan chút nước cá để trong hai cái thau nhỏ rồi cuối xuống đặt gần bụi trúc.

Nhờ Nội không chịu được tiếng kêu đói nên tôi mới khảo được tiền túi của Nội, mới ăn phần xoài của Nội, xứng đáng làm con nít vô tâm và vô tình ! Chỉ cần “Con đói quá ! ” thì thế nào Nội cũng có cái gì đó nhét vô miệng, một trái chuối, một chén chè để phần… Lúc nào cũng đói và ăn cái gì cũng ngon vậy mà đứa nào đứa nấy ốm nhom như cây tăm, mới lạ chớ ! Cứ ăn rồi cãi và leo cây ổi thì lấy chi “En” cho phỉ, đó là phê phán của Nội về bọn con nít.

Bởi Nội không còn theo sát thời sự nên Nội không hay thiên hạ có người vượt biên, lao ra biển khơi, sống chết giao cho số mạng. Không hẳn vì sợ đói mà chắc vì sợ bị nhìn mặt. Bởi không phải ai cũng như Nội, nhìn mặt để coi “En chưa ?”.

Mấy ngày trước Tết năm 1980, tuy đã vô cảm với chuyện vui buồn đang xảy ra trên đất nước mình, vậy mà trong những giờ phút cuối cùng, Nội lại mê sảng thấy người ta tràn vào nhà, bò lổn ngổn quanh chỗ Nội nằm, kêu đói… năm 1945 ở miền Bắc. Lúc đó đang đêm, nằm trên giường mà Nội gượng ngồi dậy, nói đi nói lại “Hén đói, có chút chi cho hén”. Gặp con vợ của thằng khóc nhè là đứa sợ ma, sau nầy nó hay kể lại cho tôi nghe mà vẫn còn rùng mình “Nội chỉ tay như Nội thấy có người trước mặt, làm em tưởng thiệt…”.

Sáng hôm sau thằng khóc nhè từ Hà Nội chạy về, gặp Nội xong thì Nội nhắm mắt như thể chỉ còn nuối mỗi một mình nó.

Sau nầy tôi nghe kể lại là hôm đám tang Nội có một người không là con cháu ruột thịt mà nhất định quấn khăn trắng khóc “Nội ơi Nội…”. Đó là anh bán vé số mù loà trong xóm mà tôi biết từ hồi nhỏ, đi biệt kích trước 75, là một trong những người mà Nội đã nhiều nhìn mặt cho ăn.

Tôi không rõ khuynh hướng chính trị của Nội vì là điều không thể bộc bạch ở cái xứ Việt Nam của tôi, từ trước tới giờ. Song tôi nghi Nội tôi thiên Cộng. Vì không hiểu sao tôi lại nhớ hồi nhỏ có lần tôi dẫn Nội đi bầu Quốc hội, Nội tôi nhất định bầu cho một ông tên Vân - lạ chưa tôi còn nhớ cả tên - chỉ vì trên tấm áp phích vận động tranh cử có hình cây búa trong khi thiên hạ đồn ông nầy bê bối. Về điểm nầy, dường như Nội may mắn hơn tôi vì Nội tôi thuộc thế hệ có lý tưởng.

Khi từ giã Nội, tôi muốn ôm hôn Nội mà không dám, muốn nói “Nội ơi con đi…” mà không ra lời vì tôi e Nội không còn sức để dỗ nín tôi nữa…

Ra khỏi ngõ, tôi quay lại nhìn Nội qua hàng rào râm bụt lúc ấy còn xơ xác để thấy Nội ngồi yên trên xe lăn, mắt ngó xuống. Lần cuối.


Paris ngày 12 tháng giêng 2009

Ninh Kiều

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss