Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Pyjama colocataire

Pyjama colocataire

- Mai Ninh — published 06/02/2008 15:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn

Pyjama Colocataire


Mai Ninh




Năm Lise bảy tuổi và Olivier lên mười, hai anh em đã nhờ cô sinh viên thường đến nhà trông chúng mỗi khi ba mẹ đi dự tiệc đêm, dẫn xuống phố mua quà Giáng Sinh lần đầu tiên cho ba mẹ. Hai đứa vừa hiểu ra ông già Noël chui từ ống khói lò sưởi xuống với bao nhiêu quà cáp chỉ là huyền thoại, biểu tượng thánh Nicolas. Lise vui sướng cầm trong tay đôi hoa tai thủy tinh, ở giữa có điểm một giọt màu hồng hạt lựu long lanh. Chắc mẹ sẽ bằng lòng với món quà ấy, cũng như ba với bàn cờ tướng mà Oliver đã tìm ra trong một hiệu bán sách vở và vật dụng. Nhưng món quà đầu tiên mẹ mở cho chính mình lúc mười hai giờ đêm Giáng Sinh chẳng những làm mẹ ngẩn ngơ mà cả Lise cũng thế. Lise và thằng anh chăm chú chờ xem vật gì trong chiếc hộp bọc giấy màu thắt nơ đỏ khá lớn, chắc là hấp dẫn lắm. Thế mà khi tháo ra, là cái máy nướng bánh mì.

Nhiều năm trôi qua, mỗi sáng 25 tháng 12, Lise đều nhớ đến gương mặt lặng lờ của mẹ cùng ngày ấy khi bước vào bếp để sửa soạn buổi điểm tâm. Ba đã ngồi ở bàn với cốc cà-phê sớm như thường lệ, ông ngước lên hỏi vợ sao không dùng cái máy mới được tặng đêm qua. Mẹ trả lời rất gọn :

- Cái cũ vẫn còn dùng được.

Năm Lise lên mười và Olivier bắt đầu nói cái giọng ồ ồ khàn khàn thì cả gia đình dọn khỏi căn nhà ba mẹ đã xây lúc mẹ có thai Lise. Mẹ về ở gần bệnh viện bà làm việc. Ba kiếm một căn nhà nhỏ không xa đại học nơi ông dậy toán. Hai đứa trẻ đã phải tự chọn lựa, sắp xếp quần áo đồ chơi, vật nào để nhà ba, cái nào đem về nhà mẹ. Hai người lớn cũng thế, nhưng Lise không để ý mấy đến chuyện phân chia đồ đạc của họ. Lise chỉ nhận ra mẹ đem theo cái máy nướng bánh mì cũ xì, cái mới kia vẫn còn nguyên trong hộp để lại cho ba. Ngực nhói lên, Lise đã đủ nhận thức để biết ít nhất có một vết thương mẹ để lộ, và vết thương ấy từ đêm Giáng Sinh năm nào không có cơ hội khép lành. Nhưng mãi khi trưởng thành, Lise mới thực hiểu là vệt nứt đã thành hình từ trước đó, lâu hơn nữa, và mỗi ngày ba mẹ sống chung là một cơ hội banh dần vết rạn.

- Tưởng tượng xem, quà tặng cho vợ là cái nướng bánh mì! Mẹ đã buông thõng như thế với cô em gái ghé thăm mấy hôm sau.



Ba mẹ vẫn gọi tắt tên con trai là Ol, con gái là Li như cách phát âm tên Lee của cô Đại Hàn mà mẹ từng tiếp cận. Mẹ đã làm tường trình cho bệnh viện và toà án về tinh thần, tính cách của cô Lee, trong thời gian cô ấy phải vào điều trị ở viện tâm thần. Cô Lee mười bảy tuổi sang đây du học, yêu say đắm một thanh niên Pháp. Một tối, ghé thăm trong lúc anh ta đang chè chén với bạn bè, cô và người yêu gây gổ vì một chuyện nhỏ rồi cô bực bội bỏ về ký túc xá. Gần nửa đêm, hối hận nên Lee trở lại tìm gã con trai. Không ngờ cả bọn thanh niên ở đấy đã say mèm và tất cả đè cô xuống. Khi tỉnh dậy cô đi cớ cảnh sát, họ làm biên bản, nhưng bọn con trai và cả tên người yêu khai rằng chính Lee đã khiêu khích họ và đồng tình. Cô gái vô cùng tủi hổ, đơn phương, cắt mạch máu tự vẫn. Sau khi được cứu tỉnh, cô như người câm, không nói chuyện với ai, chỉ ngồi ngó ra cửa sổ và đếm những con bướm lượn lờ trên giậu tường vi. Cứ như thế cho đến khi mẹ của Li lãnh nhiệm vụ theo dõi tình trạng cô. Mấy tháng sau lúc Lee lấy lại được chút tin yêu vào con người và đời sống, toà tuyên án gắt gao bọn thanh niên. Trước ngày lên đường trở về quê hương, cô đến thăm gia đình Li để cám ơn mẹ. Cô cầm hai bàn tay mũm mĩm của đứa bé gái, cẩn trọng cúi xuống hôn và chúc phúc. Cô chúc Li sau này càng xinh đẹp, có chồng tốt và hạnh phúc. Mẹ kể lại như thế trong đêm đầu tiên hai mẹ con ở trong căn nhà mới.

- Ê, có nghe mẹ nói không hay ngủ rồi? Chẳng bao năm nữa con bằng tuổi Lee đấy.

- Ơ.. có. Mà mẹ này, cái cầu thang liệu sẽ kêu răng rắc ban đêm không ? Nếu cứ như có ai bước lên thì con sợ lắm.

- Nhảm, đừng sợ. Mình hai người mà.

- Giá có Ol mẹ nhỉ, mình ba người mới phải.

- Cuối tuần Ol sẽ về.

- Nhưng cuối tuần thì con lại đến nhà ba, thành lúc nào cũng chỉ có hai.

- Ừ... thôi, con ngủ đi.

- Vâng, à mẹ này, chỉ có con và mẹ trong nhà, mẹ mặc pyjama làm chi cho vướng víu, nóng nực.

Li chẳng nhớ rõ từ bao giờ mẹ không mặc áo ngủ lụa mỏng nữa. Hình như từ bữa ba chợt bảo thằng Ol đang lớn vụt, chẳng mấy chốc sẽ phải mua dao cạo râu cho anh ta.

Tuy thế, ít lâu sau đã có ba người trong căn nhà ấy. Một ngày chủ nhật mẹ sửa soạn bữa trà bánh bốn giờ chiều thường lệ, nhưng lần này mẹ trải khăn bàn thêu và làm bánh táo lẫn bánh kem, lại trang điểm nhiều hơn các chủ nhật khác. Mẹ bảo có khách, và khách đã bấm chuông đúng 4 giờ. Người bác sĩ chữa bệnh tâm thần ấy cùng làm ở bệnh viện với mẹ không ngồi lâu bữa đó, nhưng sau dần ông ta ở lại ăn tối, đi xinê với mẹ. Sự có mặt của người đàn ông trở nên thường xuyên và kéo dài hơn, cho đến lúc căn nhà thực sự có ba người cư ngụ. Sáng hôm đầu tiên ông ta ngủ lại, Li ăn điểm tâm rất mau, đáp lời mẹ rất lừng khừng trên con đường đến trường. Và khi đóng ập cửa xe trước cổng trường, Li nói thật nhanh:

- Mẹ mua ngay cho con bộ pyjama, cái cũ chắc chật rồi.

Li đã đi vào lớp mà mẹ vẫn còn ngồi thừ trong xe, không rồ máy.

Nhưng lâu dần rồi Li cũng quen, nhất là thỉnh thoảng ông ta đưa con gái 5 tuổi đến chơi. Con bé Mundi có cặp mắt mơ màng tuyệt đẹp làm Li không thể chối từ sự hiện diện của nó. Vả chăng thằng Ol cũng chẳng tỏ ra bất bình gì lắm. Ol thường nói không nên quan trọng hoá vấn đề. Có lần, Ol còn nhún vai bảo con em :

- Thì cũng cần chút dương khí trong nhà chứ !

Li vặn ngay :

- Thế nhà ba có âm khí không ?

Ol cười :

- Đừng lo, ta đang cặp bồ, sắp thành rồi. Chỉ sợ ba không cho nó đến ở chung.

Lúc ấy Li bĩu môi, Ol mới vừa lún phún râu lại lẩm cẩm, tán được ai. Tính Ol hiền và lúc nào cũng lơ lơ lửng lửng trên mây. Ngày hai đứa bị gọi tới văn phòng luật sư, ngồi đối diện với cái nhìn soi xoáy của người đàn bà ấy Ol đã không chịu nổi, mắt cứ cúi xuống đôi giầy tennis đong đưa. Còn Li thì thẳng lưng trên ghế bành, dáng ngồi chắc nịch. Đây chẳng phải là lúc lắc đầu hay lưỡng lự nữa, phải quyết định thôi, cuộc tranh chấp giữa ba mẹ kéo dài quá lâu. Li biết họ đã mỏi mệt. Nếu để Ol trả lời bà luật sư về chọn lựa ở với ba hay mẹ thì chắc chắn thằng anh này sẽ bảo là muốn cả hai, như ngày xưa. Li biết ngày xưa ấy bây giờ đã bốc hơi, đã là những giọt tuyết tan vội vàng dưới nắng. Lấy quyết định luôn cho thằng anh, Li đáp với một giọng nói rõ ràng khẳng định, hết sức người lớn so với một đứa trẻ lên mười, khiến bà luật sư ngạc nhiên. Bà ta im lặng một hồi rồi mới ghi chép vào hồ sơ. Li nhớ lúc ấy mình đã ngước mắt qua cửa sổ, bắt gặp hai con chim mỏ nâu cổ đỏ đang đậu sát bên nhau, gục gục gù gù trên cành tử đinh hương đã đến mùa nở tím.



Khi bằng tuổi cô Lee và đậu xong tú tài, Li đã xin mẹ thuê cho mình một căn phòng gần trường học. Mẹ ngạc nhiên nhìn con gái, hỏi tại sao. Li đáp :

- Bạn con đều thế cả, lên đại học là ra ở riêng. Nếu mẹ ngại tốn tiền quá, con sẽ xin ba bù vào. Vả chăng...

- Vả chăng sao ?

Li ngần ngừ, nói trớ :

- Con...ngán quá rồi, buổi tối và sáng sớm đi ra đi vào trong nhà mình mà cứ phải mặc pyjama, cả quần lẫn áo kín mít. Chẳng thảnh thơi chút nào.

- ...

Li không ngạc nhiên lúc ba càu nhàu chuyện Li muốn thuê phòng ở riêng, một đòi hỏi quá nhiều cho điều chẳng thật sự cần thiết. Ba thường nói tới chuyện tiền nong, ngay cả khi đề cập đến hai người đàn bà ba quen sau này. Một là bạn hồi đại học, người kia ba quen trong một vụ hè ngoài biển. Sự có mặt của họ không để lại gì trong căn nhà ba, Ol bảo đấy là ngọn gió thổi ngang, không chút khí hương nào đọng được để điều hoà ying với yang. Vô tư như Ol mà còn lắc đầu khi ba buột miệng than là cô bồ chưa hoàn trả số tiền ba đi mua gỗ và vật dụng làm lại hàng rào nhà cô ấy, đó là chưa kể công sức của ba trong nhiều ngày lui cui cưa, đóng và sơn phết. Lúc nhắc lại, Ol đã bật cười nhưng Li thì không. Hình ảnh ba cặm cụi tính toán ghi chép những chi tiêu luôn làm Li ngao ngán, nó gợi nhớ món quà Giáng Sinh mang tính cách thực dụng mà ba đã tặng mẹ năm nào. Ba có dáng người cao mảnh, lòng mắt xanh và mái tóc vàng sáng mềm mại, nhưng sao tâm hồn lãng mạn của ba mà mẹ bảo từng phải lòng khi còn trẻ đã bay vụt ra khỏi con người ấy tự bao giờ ? Chẳng lẽ đời sống chỉ là chuyện thực tiễn, cái ăn cái mặc, chỉ là những con số để cộng trừ, định đoạt tương lai. Thằng Ol vốn hơi dốt toán trả lời con em :

- Ba dạy và nghiên cứu về toán mà lại, nhưng ba không biết giải các phương trình của đời sống. Cô đơn vẫn cô đơn. Một mình vẫn một mình. Giá ba giỏi viết thư tình thì hơn.

Li bật miệng khen :

- Ai cha, lâu lâu mới thấy Ol nói một câu nghe ngộ, nhưng mẹ là nhà tâm lý học mà cũng chẳng hiểu đủ tâm lý ‘‘ông ta’’ để tránh được cái khổ cho chính mình.

Hai đứa thường dùng hai chữ ‘‘ông ta’’ khi nói về người đàn ông sống chung với mẹ. Không thấy Ol đáp, Li liền bảo :

- Ông ta trở về rồi đấy, mẹ lại thòng mình vào cái vòng ghen tương đau khổ. Thật là chán.

- Ừ, lần thứ mấy ông ta bỏ đi - trở lại rồi hả. Đến bao giờ họ chấm dứt tình trạng colocataire ?

- Ol muốn nói họ làm đám cưới ? Không phải là người thuê chung nhà nữa?

Ol nhún nhún hai vai như thói quen, rồi bỗng nghĩ ra điều gì thích ý, nói to :

- Này Li, ta có sáng kiến, nếu muốn bớt tiền thuê nhà, mi hãy tìm một đứa chia phòng. Như thế cả hai ông bà bô sẽ OK cho mi ra ở riêng.

Li trợn mắt trách thằng anh :

- Sao bỗng dưng Ol lanh lợi tính toán quá vậy ? Ở mãi với ba nên bị ảnh hưởng ?

Trong khi Li ngẫm nghĩ, Ol trêu :

- Được đấy, như thế ta sẽ tặng mi bộ pyjama colocataire vào lúc Giáng Sinh. Thực dụng!

- Không, không bao giờ!...mà người ở cùng là con gái thì đâu cần.

Ol hào hứng:

- Phải đó, mi chọn một con bạn đi, thằng anh này sẽ tới thăm em gái thường xuyên, nhưng cô nào đèm đẹp nghe.

- Đồ quỷ.



Ol đậu xong cử nhân thì về Paris kiếm việc làm. Từ đấy đến nay đã gần mười năm, suốt khoảng thời gian đó, gia đình Li bốn người bốn căn nhà lớn nhỏ khác nhau. Ba vẫn lui cui ngồi trước máy vi tính gõ gõ mỗi đêm hay viết chằng chịt những phương trình, dấu hiệu toán học trên vở. Mấy sợi tóc vàng dường như mỗi ngày một thưa trên vầng trán cao, nhưng chúng lại dài ra đến chạm vào mặt giấy. Càng nhiều tuổi cha càng âm thầm hơn, dù lắm lần về thăm, Li thấy cha vừa soạn bài vừa lẩm nhẩm như đang nói chuyện với học trò hay với cái đề tài nghiên cứu gì đó. Thỉnh thoảng ba đi mua sắm, đem về chiếc quần mới, nhờ Li lên gấu. Li bảo sao không để hiệu làm luôn. Ba đáp:

- Quần áo bán hạ giá, lên gấu phải trả thêm tiền. Phí !

Mẹ cũng kiên trì ở căn nhà thuê từ ngày li dị, nhưng mẹ năng động và chịu khó trang hoàng nên ấm cúng hơn. Dù tinh thần mẹ như con diều chao lên gục xuống liền liền, làm Li vừa thương vừa bực. Không có hai ba người đi qua đời vùn vụt kiểu của ba, mẹ chung tình với ông bác sĩ thần kinh đến không thể nào hiểu nổi. Mẹ bảo họ hợp ý, có những trao đổi trong nhiều lãnh vực, trong công việc và chuyện bệnh nhân. Phải công nhận là ông ta biết ăn nói, quan tâm và thông thạo văn hoá, hấp dẫn phụ nữ. Nhưng đấy là loại người mê chạy theo cái đẹp, nhất là cái mới. Khi có ông ta, mẹ chăm lo sắc đẹp, tươi tắn hẳn lên. Lúc ông ta bỏ đi mẹ héo gầy, y như cái bong bóng cao su được thổi khí căng lên mơn mởn rồi xẹp xuống nhăn nhúm lúc xì hơi. Từng ấy năm, người đàn ông đi theo một tình nhân khác bao nhiêu lần thì Li đã phải bỏ nhà thuê về làm bạn với mẹ ngần ấy thời gian.

Tuy vậy Li không bao giờ về ở hẳn, dù có những lúc tiền thuê nhà và tiêu pha lên quá mức, Li phải chấp nhận cho chia phòng. Lần đầu là một con bạn từ tỉnh khác đến, hai đứa con gái ở với nhau thong thả. Con bạn cao lớn vững vàng hơn, hay kể chuyện tiếu lâm và làm bếp giỏi. Li được bạn nấu cho ăn nhiều món ngon, lại không phải bận tâm lúc mặc áo ngủ hai dây thênh thang vai, mỏng tanh vải. Nhưng chỉ được nửa năm. Một buổi tối Li đang ngồi chăm chú xem một vở múa trên truyền hình thì giật thót người khi cô ta đến đứng đằng sau, đặt tay lên bờ vai trần của Li. Hoảng hốt, Li ngồi chết trâng, không cựa quậy. Thế là cô bạn colocataire tiến tới bước nữa, cô vén tóc Li lên và cúi môi mơn man từ gáy đến vành tai.

Sau đấy, ba và mẹ đã phải tăng trợ giúp cho Li tiền nhà, sau khi Li mời cô ta ra khỏi cửa. Ol lại có dịp chế :

- Tại mi tênh hênh, không mặc pyjama. Với con gái thời nay càng phải đề phòng.

Chỉ có thời gian Li cặp bồ với tên bạn cùng làm việc quản lý ngoại giao cho nhà hát là yên thân, ít nhất so với Ol và ba lẫn mẹ, mỗi người họ dập dềnh trên một con thuyền không phương hướng. Còn Li, bay bổng trong tình yêu. Nhưng hai năm sau, Li cũng lại lênh đênh như ba thành phần thân thiết ấy, đúng vào lúc thuê được một căn nhà mới, chín chục mét vuông với giá rẻ. Mỗi tối mỗi sáng Li tha hồ vào ra trong một không gian thoáng. Phía trước, khu vườn cây cao, sau lưng là mấy căn nhà cổ. Tuy thế, đang đau khổ vì tình, chẳng mấy ngày các căn phòng mà Li chưa có nhiều đồ đạc để bày biện càng trở nên trống trải thênh thang. Từng cơn gió mùa đông hút vi vu trên những cành cây đen khẳn. Tâm hồn Li ủng theo lá vàng tan vữa, ngập lối đi trên mảnh vườn sũng mưa trước mặt. Không có ai ở cùng nhưng Li cũng mặc pyjama cho bớt lạnh dù cái lạnh ấy toát ra từ bên trong, như mẹ đã than thở với Li vào mỗi đợt ‘‘ông ta’’ có tình nhân khác. Thằng Ol ghé qua bắt gặp Li thu mình nhỏ nhít trong ghế bành, khuyên em nên tìm một người thuê nhà chung.

Colocataire mới là một anh chàng trẻ tuổi vừa nhận chức kỹ sư âm thanh ánh sáng ở nhà hát. Chàng này có đủ đức tính sạch sẽ, ngăn nắp, không làm ồn, không vặn tivi to, nhất là buổi tối anh ta cũng đóng bộ quần áo ngủ cẩn thận, như Li. Chẳng ai thua thiệt. Có bận Ol nửa đùa nửa thật :

- Này, hai bộ pyjama sột soạt nằm cạnh nhau thì nó thành cái gì?

Đôi lần Li ngẫm nghĩ, ừ, tại sao hắn không tán mình, mình già và khô quá rồi chăng? Rồi tự trấn an, không đâu, chưa hai mươi lăm mà, chắc chỉ vì hắn nhát. Hay hắn giống Ol? lăng quăng vài cô bồ như bố, chẳng dám gắn bó với ai. Thật là lạ bọn đàn ông. Trong khi Li thấy mình như đã leo lên đỉnh dốc, chỉ muốn tìm ra một thảm cỏ xanh mướt để dừng chân, ngồi xuống an định nghỉ ngơi, mơ màng xây dựng một mái nhà có những vòng tay quấn quít, có nụ hôn, tiếng cười và tiếng khóc trẻ con. Quả thật Li thấy mình già cỗi.


Chiều nay, chiều cuối một năm. Ba vừa điện thoại than phiền trên núi năm nay không nhiều người đến trượt tuyết, ba định lấy xe lửa trở về thành phố trước nửa đêm. Thà ở trong buồng khách sạn giữa phố phường, nghe tiếng pháo đì đùng, tiếng người cười nói, tiếng còi xe inh tai để chúc tụng nhau lúc giao thừa vẫn hơn giữa núi đồi hiu quạnh. Từ cửa sổ Li nhìn xuống các dây đèn màu nhấp nháy trên ngọn cây, và dưới hơn nữa là những con người vội vã mua bán vào giờ phút sắp tàn năm. Mấy căn nhà cổ phía sau đã lên đèn, một thứ ánh sáng nhẹ, ua úa vàng, chưa tỏ hẳn, như thể thắp lên chỉ để chờ đợi, sửa soạn cho cái sáng loé sẽ nhoá bùng vào đúng phút chuyển năm. Trong các căn phòng ấy người ta đang làm gì, bày biện bữa tiệc nửa đêm? Mỗi lần ngước lên ngó một căn nhà nào đấy về khuya, Li thường tự hỏi vẩn vơ những con người đang sống trong đó ra sao. Họ bao nhiêu người. Họ cùng nuôi đời sống với nhau, hay chỉ là chia chung một nơi cư ngụ. Có ai mang hình ảnh của ba, của mẹ hay của Ol không?

Tự dưng Li nghĩ mình nên xuống phố, vào ngồi trong một quán cà-phê hơn là đứng đây. Quán cà-phê bao giờ cũng ấm áp. Ngồi ở đấy, và bấm điện thoại gọi cho Paul, nghe tiếng anh ta một lần nữa dù chỉ một câu chào. Ngày này năm ngoái, Paul còn đứng ở góc phòng đó, ủi lại chiếc áo ren đen phủ gót cho Li diện trong bữa tiệc với bạn bè đón năm mới. Gặp Paul rồi Li mới hiểu được phần nào cái sự chung tình quái đản của mẹ. Paul cũng là người có tài nói hay nói ngọt như ‘‘ông ta’’. Paul có rất nhiều ưu điểm mà ba hài lòng, học Henri IV ở Paris, đậu thạc sĩ và chuyển về dạy văn học hiện đại ở tỉnh này. Paul có sức hấp dẫn của một người đàn ông ba mươi lãng mạn và học thức, đến nỗi đôi khi Li tự hỏi tại sao Paul chịu sống với một cô gái tỉnh lẻ như mình. Ol dặn con em đừng thắc mắc tìm hiểu, tình yêu là thế, cứ hưởng đi bận tâm làm gì.

Trước đây sáu tháng, Paul giới thiệu cô học trò có hai vành môi chúm chím mận hồng như búp bê Nhật Bản, có dòng tóc đen mun ấp tận đáy lưng của người Trung Quốc. Chẳng lâu sau, Paul khuân về từng mớ sách nói về văn học văn hoá xứ ấy, lại khen ngợi hết lời các món ăn. Paul không che dấu, bảo là cô Shu đã nấu cho thưởng thức. Lúc đầu Li âm thầm chịu đựng, cho tới khi biết mình không được án binh bất động, Li vớ lấy vài cuốn sách đó của Paul, đọc ngày đêm để góp lời góp ý. Tìm các cách dậy nấu ăn, đến tiệm Á châu mua nào chén nào đũa, nào gạo và xì dầu, mua những thứ rau cỏ mắm muối gia vị mà Li chưa từng biết mùi mẽ chúng ra sao, rồi chăm chỉ xào nấu thực hành. Bõ công tập tành nhưng Paul chỉ ăn cầm chừng, Li đành lấy ngày nghỉ lái xe chạy về Paris khuân một lũ thức ăn Á châu đông lạnh, lăm le từng tối đợi Paul về dọn bữa ăn. Nhưng cuối cùng cũng đến cái ngày đoán trước, trong khi Paul quơ quấn áo quần vất vào vali thì Li cũng khua tống tất cả kệ thức ăn mùi vị oi nồng kia vào thùng giấy. Hai người lấy cùng thang máy xuống tầng trệt. Paul mở cửa chính đi ra thì Li đẩy cánh cửa đưa xuống nơi bỏ rác.

Cái mũ kỳ quái bằng cói vàng gắn ren xanh Li tự làm để đội cách đây hai năm, trong bữa tiệc Sainte Catherine của những cô gái 25 tuổi chưa chồng, vẫn máng trên mắc áo. Ngày ấy Li gặp Paul lần đầu tiên. Paul đã rót vào tai Li một giọng nói ấm cả tim tỉnh cả người, như tách cà-phê buổi sáng :

- Hãy vất cái nón này đi, cho những sợi tóc tha hồ bay trong gió.

Li bỡ ngỡ chưa kịp phản ứng, Paul đã tiếp:

- Tôi tự nguyện làm gió.

Làm sao Li quên được Paul ! Li đã lây, đã thấm cái si tình ngu xuẩn của mẹ từ lúc nào không hay. Nhưng Paul không như ‘‘ông ta’’ dầy mặt, cứ đi theo tình nhân khác rồi quay trở lại với mẹ tỉnh bơ. Mẹ bị quần như thế, già đi thấy rõ. Và chiều nay Li chắc mẹ đang còn ở bệnh viện, lấp thời gian và nỗi trống vắng trong những loay hoay với các con bệnh tâm thần ngơ ngáo. Li chợt thấy mình phải từ chối buổi tiệc với nhóm bạn đêm nay, rồi đi mua mấy chiếc bánh mặn, con tôm hùm, chai champagne, cái bánh ngọt có vẽ hoa lời chúc mừng năm mới, xong đến nhà thương rủ mẹ về. Hai mẹ con sẽ cùng thắp lên các ngọn nến.

Chút khoảnh trời đỏ cam cuối khu vườn đã tái lịm, mây rủ nhau đọng thành mảng tối, và mưa đá bắt đầu rớt từng hòn long não. Một đám mấy gã con trai đi qua dưới đường ồn ào cười nói. Li bấm điện thoại tìm thằng anh.

- Ol sẽ làm gì khuya nay ?

- Chưa biết, chắc ra khu Marais.

- Điên à, sao lại ra đó, đâu phải chỗ của Ol. Không đi với bọn bạn nào ư ? Còn Laure đâu ?

- Dọn đi rồi, chia tay hôm kia.

- Tại sao ?

- Cô ta đòi đám cưới, đòi đổi nhà rộng hơn.

- ...Thì sao không cưới ?

Ol lặng thinh một chút :

- ...Chẳng cần thiết. Mà thôi, réveillon vui nhé. Tí nữa sẽ gọi chúc mi năm mới. Mẹ OK không ?

- Cũng vầy vậy. Ol à, tìm việc về ở gần đây đi.

- ...

- Thật đấy, mình xa nhau quá. Mẹ một mình, ba một mình, Ol và em...

- Ê Li, lại túng tiền hay sao thế. Muốn ta thành colocataire thì cứ nói.


Li bật cười thành tiếng. Chuông nhà thờ thành phố đang róng rả đổ hồi, mưa đá càng tưng bừng rộn rã đập. Ol đã cúp máy mà Li còn cầm điện thoại trong tay. Phải đấy, tưởng tượng xem, trong căn nhà này Li sẽ lại lôi ra bộ pyjama áo quần cẩn thận, còn Ol tha hồ đi ra đi vào với đám lông vàng mướt trên ngực. Ol bao giờ cũng thế, khi sửa soạn đi ngủ hay tắm xong là cứ long tong đứng ngồi với độc một chiếc quần xà-lỏn sọc xanh, in hình con thỏ hồng play-boy dưới gấu.


Mai Ninh


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss