Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thiên di

Thiên di

- Lê Minh Hà — published 11/01/2008 20:06, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Vậy đó. Cuối cùng thì trên mỗi bước thiên di đời người nào cũng cần một nơi chốn để tìm về, soi tâm tưởng mình vào đó. Luôn luôn, nơi chốn đó là không gian thời gian tuổi trẻ, mỗi người hi vọng thất vọng cùng những khát khao riêng. Đấy có phải mới thực là quê hương của mỗi người không nhỉ ?

 Thiên di

Tản văn

Lê Minh Hà

 

Đất Berlin này cứ kể về cây thì đến là nhiều. Lần đầu tới đây, nước Đức thống nhất rồi, nhưng bộ mặt miền Đông vẫn vô cùng ủ dột so với miền Tây, duy nhất một điều làm tôi mê mẩn: Cây. Cây cao bóng cả. Dân Hà Nội dặt dẹo quê người còn đồng thanh tương ứng đổi tên một con đường Berlin thành Phố Phan Đình Phùng cho tiêu tán bớt hoài nhớ. Nhiều khu vực ở Berlin tính đầu cây còn nhiều hơn đầu dân cư ngụ. Cây, bóng lá đùa trên những khoảng đường trưa rười rượi nắng là một trong những lí do tôi thiết tha với thành phố này đến mức nhất định đề đạt với chồng con nguyện vọng chuyển nhà.

 Có một cái gì rất Hà Nội khi đi trên những con đường như thế. Dĩ nhiên, không phải là Hà Nội bây giờ. Đó là Hà Nội của có lẽ phải hai mươi năm về trước và xa hơn nữa. Hồi đó người Hà Nội có thể vẫn phải mũ sắt trên đầu, chia tay trong đêm Hà Nội thời chiến tranh ôm em thì phải ôm cả khẩu súng trường trên vai em (thơ Nguyễn Đình Thi) rất chi là lỉnh kỉnh, nhưng không cần khẩu trang bịt kín nửa mặt mốt (cảm tử ôm bom tự sát ở Palestin và…) để đi dạo phố như bây giờ. Hồi đó, Hà Nội cứ y như con gái, y như đàn bà, nồng nàn dịu dàng đủ mùi hương hoa lá. Này là huệ, này là sen, này là hoàng lan, và chao ôi: hoa sữa.

 Nơi tôi ở thời gian trước cũng đẹp lắm. Như Đà Lạt vậy. Buổi chiều sông trôi giữa đôi bờ núi thu. Đêm về sông giữ một vầng trăng vắng. Vịt con kêu khắc khoải ngay từ bình minh. Cũng chả ít cây. Vì ngay trước cửa nhà là vườn tiếp vườn, đủ hoang vu cho sóc nhảy nhót nhìn mình ngay ngoài cửa sổ. Đầu thai vào cái thời đồ điện tử này, được hòa cùng thiên nhiên vậy là quý lắm.

 Thế nhưng vẫn thấy bơ vơ. Có lẽ vì phố xá cứ trơ thổ địa. Đẹp thì rõ là đẹp. Có lẽ nước mình chả có nơi nào có một khu phố cổ ngàn năm hoành tráng đến thế. Hà Nội cổ ư ? Về, với con mắt không phải là kiến trúc sư biết soi mói thời gian, thú thật, tôi chả còn thấy gì là cổ. Họa chăng bây giờ phục hồi truyền thống đổ thùng (bạn đọc thân mến có cần tôi giải thích không) có từ thời Pháp thuộc may ra mới có cảm giác là phố cũ. Nói điều này không phải vì ám ảnh nhược tiểu mà là vì tiếc (dĩ nhiên không phải là tiếc sự đổ thùng). Phố cổ điêu tàn ở nước mình chả phải là điều gì mới mẻ, đã là đại nạn gần như là vô phương vớt vát rồi. Mà nói là cổ, thì bao nhiêu năm nhỉ ? Ba sáu phố phường đất Rồng bay một thuở lên 999 tuổi chăng ? Hay là cứ vừa phá vừa xây qua bao nhiêu triều đại thì cũng chả tuổi tác đến thế ? Vừa lang thang trên mạng, tôi tóm được bài về phố cổ Bao Vinh, nhà cửa xập xệ cần bảo tồn mà chính quyền chỉ bảo tồn trên giấy. Chẳng lẽ nước mình cứ đẹp là phải đẹp kiểu hiu hắt, kiểu điêu tàn ?


 Đấy, tôi vừa kể chuyện nơi ở cũ. Đẹp đến thế, cả một khu phố cổ không bị tàn phá trong chiến tranh thế giới lần hai, vài ba năm lại một lần trùng tu, lại còn đặc sản kiến trúc là một nhà thờ lớn, xây trên mỏm núi, từng hiện diện cả trên đồng 1000 D- Mark cũ, thế mà với tôi vẫn cứ còn thiêu thiếu cái gì. Nghĩ mãi, thiếu bóng nắng đùa qua tán lá trên đường như ở đất Berlin này. Nghĩ thêm nữa, thiếu Hà Nội, thiếu cảm giác đang sống cùng quê hương. Kể cũng buồn cười, nhất là trong thời buổi số hóa này, mở máy tính là ở nhà biết gì thì mình cũng biết.

Có điều về đúng Hà Nội nơi cha sinh mẹ đẻ thì lơ ngơ chả khác gì khách ở quê ra. Đường cũ cây không còn tán cũ. Mái ngói thâm nâu tìm đâu thấy nữa. Và bụi, ối chao ôi là bụi. Và ồn, ối chao ôi là ồn. Phải ở lâu lâu, tìm vào những khu dân cư mới xuất hiện sau ngày rời Hà Nội như Định Công tôi mới lại có cảm giác như là đang đi giữa Hà Nội cũ. Nhờ những đường cây bắt đầu tròn bóng lá. Nó làm cho mắt người dịu lại trưa nắng hoang, nó làm cho thanh thản đời sống sùng sục ồn ào này. Có phải lúc nào người ta cũng nhất thiết phải lao vào chốn Bò Tùng Xẻo hay Hải Xồm trấn ngự đâu. Thằng cháu tôi, sinh viên, phấn khởi giới thiệu với tôi đường Hoàng Hậu, một con đường mới mở gần nơi tôi làm việc cũ, nơi có nhiều công trình lớn bây giờ. Hỏi tên đường thật thế à, thằng cháu vô tư: Không, đường đẹp thế này thế nào mấy bác lãnh tụ chả chiếm chỗ trước đặt tên, nhưng chúng cháu thì gọi như thế. Tại sao? Cô xem, có nơi nào ngoài trên lăng (bác) mà vỉa hè rộng rãi, cây cối cao to có thể tụ tập ngồi tán phét với nhau như thế này đâu. Thằng cháu tôi nay tuổi hai mươi. Làm sao biết đã từng có một Hà Nội khác, vườn trong phố, (chữ của Lưu Quang Vũ), nửa đêm thơm nức hương mùa, đã từng có một thời Hà Nội cụ nó chống can dạo Bờ Hồ, ngắm hoa lộc vừng hờ hững đỏ dập dềnh trên mặt nước xanh như nước rau muống luộc nhừ (cụ Nguyễn Tuân so sánh kì quặc mà đúng qúa đi mất), và một thời ông bà nó một ngày về xuôi hát chúng ta ươm đài hoa sắc hương phai ngày xa ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu  (Văn Cao,Tiến về Hà Nội). Rất gần thôi, nhưng thằng cháu sinh viên cũng không biết từng có một Hà Nội bố mẹ cô chú nó mê man lang thang những đêm mưa reo trên tấm nilon che làm phép, môi ướt đầm vẫn nóng bỏng lúc chạm vào nhau.

 

Vậy đó. Cuối cùng thì trên mỗi bước thiên di đời người nào cũng cần một nơi chốn để tìm về, soi tâm tưởng mình vào đó. Luôn luôn, nơi chốn đó là không gian thời gian tuổi trẻ, mỗi người hi vọng thất vọng cùng những khát khao riêng. Đấy có phải mới thực là quê hương của mỗi người không nhỉ ?

Nhưng quê hương… Với tôi đôi khi đơn giản mà vời vợi. Là cái miền kí ức vui buồn đắng đót, ngậm ngùi bao nỗi cơ hàn một thuở cả nước hát đồng ca, một thuở cả dân tộc đồng phục mặc chán ra rồi mốt vẫn là quần áo lính. Mà kì quặc, lại là thứ quân phục hổ lốn : mũ cối của bộ đội miền Bắc, áo rằn ri anh là lính đa tình miền Nam, mùa đông thiếu nắng có thời đàn ông Hà Nội lại ưa cái áo khoác toàn túi may theo kiểu áo chiến Mỹ.

Sao ảm đạm thế mà lòng vẫn nhớ. Nên tuổi sang đầu 4 rồi, mừng cho trai gái bây giờ xả láng hát tình ca thời đại kiểu chiều nay sao anh không meo meo cho em, mà lại tiêng tiếc hộ. Thiếu những không gian lặng im cùng gió nắng, thiếu nỗi nhớ một thời phải chia sớt chịu đựng bớt cho nhau bao nỗi khổ buồn, liệu có đạt đến tận cùng mình không, để hiểu sâu xa hai chữ cảm thông  ?

Nhưng chắc là đã sắp lẩm cẩm lo chuyện đo áo cho voi, sắp gái già lo chuyện toàn cầu hóa. Thư từ với bạn bè cũ mới, với học trò một thời, tôi cứ ngạc nhiên trong khi những giá trị cũ (của tây thì coi như đã được bảo đảm) được người mình vẫn một mực nâng niu thì quá khứ rất gần chả mấy ai muốn một lần ngoái lại. Lớp trẻ trong ngoài tuổi ba mươi, kể cả những anh những chị chữ nghĩa đầy miệng, thì có vẻ còn tàn nhẫn khi hắt quá khứ đó sang một bên, không cần biết đó là đời sống của nói chi thời ông bà cho xa, mà là của chính bố mẹ mình thời trẻ, mà là chính cái tuổi thiếu thời chưa biết nhớ của mình. Và nói cho cùng, có nên coi đó là quá khứ không ? Khi tất cả : cái nghèo, cái tủi, sự bần cùng cơm áo, bần cùng tri thức… còn nguyên. Sẽ có người bảo tôi xa rời đời sống, rằng hôm nay khác lắm. Biết chứ, nhất là khi đi trên phố lạ ngay giữa quê mình, những con phố mới tinh cây còn lẳng khẳng chưa có bóng mát, xây dựng bằng đồng tiền vay nước ngoài, bụi và khói xe mù mịt. Và ở đó, hơn thời bao cấp ở chỗ không còn bị ám ảnh bởi thiếu đói kinh niên, nhưng con người, khi không còn đồng đẳng bởi sổ gạo thì khoảng cách giữa nhau nhiều lúc thành hố thẳm, chia bởi chức vụ và tiền bạc. Hố chia cắt đó, đôi khi hiện hình chỉ qua một chữ, chẳng hạn chữ ôm. Ngày trước, buồn cười, gọi nhau là cán bộ và nhân dân, bây giờ thì là quan chức và nhân dân. Quan chức thì được ôm ( karaoke ôm, tắm ôm, thơ ôm…vân vân ôm), nhân dân thì bị ôm (xe ôm).

 Trong một nghĩa nào đó, tôi biết mình không sung sướng, nhưng mà hạnh phúc. Giản đơn thôi : ngoài kia, một khoảng gió nắng đùa trong tán lá ven đường.

Lê Minh Hà

 

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss