Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tôi được gặp Hoa Đà

Tôi được gặp Hoa Đà

- Hồ Bạch Thảo — published 20/02/2015 05:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20





Tôi được gặp Hoa Đà



Hồ Bạch Thảo


Truyện Tam Quốc diễn nghĩa 三国演义 1 chép như sau :

“…Lúc bấy giờ Quan Công bị tên bắn đau tại cánh tay, lo rằng lòng quân trễ biếng, không có gì tiêu khiển, bèn ngồi đánh cờ với Mã Lương 2 ; nghe tin thầy thuốc Hoa Đà đến, cho mời vào. Sau khi chào hỏi giới thiệu xong, bèn mời ngồi uống trà. Đà xin xem cánh tay, Công kéo áo bào xuống, giơ tay cho xem. Đà nói :

– Đây là vết thương do tên bắn, tên có tẩm thuốc độc Ô đầu 3, chất độc đã ngấm vào xương, nếu không trị sớm, cánh tay trở nên vô dụng.

Công hỏi :

– Dùng cái gì để trị ?

Đà nói :

– Tôi có cách trị, chỉ hiềm Quân hầu sợ mà thôi ! 

Công cả cười mà nói :

– Ta xem chết như về trời, có gì mà sợ !

Đà nói thêm :

– Tại nơi yên tĩnh chôn cái cột trụ, trên dùng đinh gắn cái vòng thép lớn, xin Công bỏ tay vào vòng đó, rồi lấy dây thừng buộc chặt cánh tay, dùng khăn che kín mặt Công. Tôi sẽ dùng dao nhọn, cắt thịt thấu đến xương, nạo cho hết nọc độc trong xương, dùng thuốc đắp vào, lấy chỉ may kín lại, mới có thể vô sự ; nhưng chỉ lo Quân hầu sợ mà thôi !

Quan Công nói :

– Như vậy dễ thôi, phải chôn trụ làm gì ?

Rồi cho dọn mâm rượu tiếp đãi. Công uống mấy chén rượu xong, vẫn tiếp tục đánh cờ với Mã Lương, một mặt chìa tay ra cho Đà mổ. Đà cầm dao tại tay, sai một tên lính cầm chậu hứng máu ở dưới. Đà nói :

– Tôi xin ra tay, xin Quân hầu đừng kinh sợ.

Công nói :

– Ngươi cứ chữa đi, ta đâu có sợ đau như người thường !

Đà nhấn dao xuống, cắt da thịt, cho đến xương, thấy xương đã biến sang màu xanh, Đà dùng dao nạo, nghe rõ tiếng kêu kèn kẹt ; mọi người tại chiếu trên, chiếu dưới đều kinh sợ che mặt. Riêng Công uống rượu, gắp thịt, cười nói về việc đánh cờ, coi như không có gì đau đớn cả !

Chẳng bao lâu máu chảy đầy chậu, Đà cạo hết chất độc, lấy thuốc đắp vào, rồi dùng chỉ khâu lại. Công đứng dậy cười vang, và bảo các tướng rằng :

– Tay ta nay duỗi ra, co vào như cũ, không còn đau nữa. Tiên sinh đúng là Thần y.

Đà nói :

– Suốt đời làm thầy thuốc của tôi chưa từng thấy chuyện như ngày hôm nay, Quân hầu đúng là Thiên thần !

Người đời sau có thơ ca tụng như sau :


治病須分內外科,

世間妙藝苦無多。

神威罕及惟關將,

聖手能醫說華佗。

Trị bệnh tu phân nội ngoại khoa,

Thế gian diệu nghệ khổ vô đa.

Thần uy hãn cập duy Quan tướng,

Thánh thủ năng y thuyết Hoa Đà.


Tạm dịch :


Trị bệnh chia làm hai khoa nội, ngoại,

Nhưng trên đời này thầy giỏi rất hiếm.

Ít gặp được kẻ có uy Thần như tướng Quan Công,

Còn người tay nghề vào bực Thánh phải nói đến Hoa Đà.



*


Tôi là bệnh nhân trên bàn mổ, bị chụp thuốc mê như chết, thực không đáng kể vào ; chỉ riêng các vị Bác sĩ giải phẫu của tôi thì có thể sánh vai với Hoa Đà, xin được phép ghi lại như sau :

Vào đầu năm 2015, tôi cảm thấy không khoẻ, thỉnh thoảng bị đau nhói tại ngực, bèn đến Bác sĩ gia đình [Family Doctor] khám bệnh. Sau khi đặt ống nghe vào ngực, Bác sĩ giới thiệu tôi đi chụp quang tuyến. Qua quang tuyến thấy có vết tại ngực, Bác sĩ lại gửi tôi đi chụp C T scan để thấy rõ hơn. Sau khi xem kết quả tại đĩa thu hình [CD], Bác sĩ không còn nghi ngờ gì nữa ; tôi bị bướu trước cổ [Thyroid] dài khoảng 1 cm, và bướu nhỏ tại cuống phổi. Bác sĩ bèn gửi tôi [referral] đến Bác sĩ chuyên môn [Specialist Doctors] gần nhà, một vị chuyên về cổ, một vị chuyên về ngực ; tôi đồng ý như vậy.

Nhưng con trai tôi lại nghĩ khác, cháu bảo việc này hệ trọng, để cháu tìm hiểu thêm trên mạng [Internet research]. Qua tìm hiểu cháu thấy có một Bác sĩ chuyên môn về ngực tại trường Đại học Pennsylvania, Doctor Cooper 4 ; vị này là Giáo sư, tốt nghiệp đại học Harvard, có mấy chục năm kinh nghiệm, có thể đảm đương được. Cháu hỏi kỹ cơ quan bảo hiểm sức khoẻ của tôi [Health Insurance] cũng được cơ quan này chấp thuận. Nhưng tôi rất ái ngại, vì hai vợ chồng cháu đi làm, có 3 con nhỏ ; đứa đi học tiểu học, nhà trẻ, đứa phải nhờ người bà con giữ dùm ; nay lại phải lặn lội chở tôi chữa bệnh, đường xa trên 100 km, đi về không biết bao nhiêu lần, đây là việc làm ngoài sức của cháu. Tôi bảo cháu rằng ba tuổi gần 80, trên tuổi trung bình của con người, nếu có mệnh hệ nào cũng không oán tiếc gì nữa ; vả lại Bác sĩ ở gần nhà cũng có thể lo được rồi.

Cháu nói cháu đã tìm hiểu kỹ, Bác sĩ Cooper còn giới thiệu cho một Bác sĩ khác chuyên về bướu cổ, tên là Doctor Fraker 5, cùng làm việc chung lầu [building] ; Bác sĩ này cũng là Giáo sư có 20 kinh nghiệm, tốt nghiệp tại Harvard. Hai người cùng là bạn, nên Bác sĩ Cooper có thể thu xếp cho cùng khám bệnh chung một ngày, mổ chung một lần, tại bệnh viện của trường gần đó. Như vậy rất thuận tiện, xa hoá thành gần, được Bác sĩ giỏi chữa trị, làm việc có phối hợp, dễ thành công hơn.

Cháu tìm hiểu được đến đâu, thì email cho chị ; con gái tôi cũng rất đồng tình. Con gái tôi là Bác sĩ, hai chục năm trước cũng học tại đại học Pennsylvania, xin về thăm để cùng thu xếp với em. Cuối cùng tôi đồng ý chữa tại đại học này, nhưng không đồng ý con gái về, vì cháu ở San Jose, đường xa 5 giờ máy bay, lại mới về hôm lễ Giáng sinh, cần phải ở lại làm việc. Do đó cháu trai sắp xếp khi khám bệnh, sẽ dùng cell phone mở “ speaker on ”, để chị có thể trực tiếp thảo luận với Bác sĩ, như ngồi trong một nhà.

Ngày khám bệnh, Bác sĩ Cooper cho biết hai Bác sĩ đã xem qua CD, nhất trí làm việc chung với 2 vết mổ, một đường rạch ngang qua cuống họng, một đường rạch dọc xuống ngực, như hình chữ T hoa. Bác sĩ Cooper nhấn mạnh rằng, nếu chỉ có bướu nhọt tại cuống phổi, thì chỉ làm Biopsy 6 thôi, chứ không cần mổ, nhưng nay có bướu tại hai nơi, nên cần mổ lấy ra một lượt luôn. Hình dung công việc 2 Bác sĩ sẽ làm, mổ tại chỗ hiểm ở cổ và ngực, chắc khó hơn việc danh y Hoa Đà mổ ở tay Quan Công thời Tam Quốc.

Một tuần sau, nằm trên giường chờ mổ, lòng đinh ninh rằng nếu mọi người cứ đòi sống lâu, thì trái đất này làm sao có đủ thức ăn, thậm chí không còn không khí để thở. Tuy nhiên khi hình dung về đường mổ cắt ngang cổ, trong lòng tôi không khỏi gợi nên niềm ám ảnh thời niên thiếu.

Bấy giờ tôi mới 15, 16 tuổi ; gia đình bị quy vào thành phần địa chủ phản động, thân phụ tôi bị bắt rồi chết trong tù, thân mẫu chết trong Cải cách ruộng đất, gia sản tịch thu, bị đuổi đến ở tại cái nhà lều như chuồng bò của người làm ruộng mướn. Trong hoàn cảnh đó, tôi cùng ông bác họ, và một người bạn vượt Trường Sơn trốn lên Lào. Vì đường số 8 Việt-Lào, qua huyện Hương Sơn quê tôi, bị bộ đội biên phòng canh giữ, nên chúng tôi phải vượt dãy Trường Sơn. Trải qua 7 ngày trời, trèo non, lặn suối, cứ hướng tây mà đi ; có khi gặp những đàn voi, chụm hai chân trước, từ trên đỉnh cao trượt xuống suối uống nước, cảnh tượng ầm ầm như một đoàn xe tăng hành quân, nếu vô phúc lỡ đi vào dốc đường voi trượt, thì trăm phần tan xác. Cuối cùng chúng tôi đến được Lào, lại phải mất thêm khoảng 7 ngày nữa, qua các bản Lào và Mèo ; lính làng tại Bản Ỏn nơi biên giới giải giao chúng tôi đến đồn Napé. Rồi lính Lào tại Napé tiếp tục giải đến đồn Lak Sao, thị xã Thakhét, cuối cùng đến thị xã Savannakhet ; trên đoạn đường dài mấy trăm cây số, một na phải đi bộ, vì lúc bấy giờ rất ít xe đò.

Đến Savannakhet, chúng tôi bị kết tội nhập cảnh Lào bất hợp pháp, nên bị nhốt tại nhà giam. Nhà giam Lào có một cái khám lớn, khi lính gác mở cửa đưa chúng tôi vào, thì gặp ngay một tên tù lực lưỡng, lông đầy ngực, nửa thân người bên dưới quấn chiếc sà rông. Y nhe răng cười, đưa bàn tay vạm vỡ kéo ngang cổ mấy lần, và nói :

– Tắc kho hạ khôn, tắc kho hạ khôn ! (Cắt cổ 5 người, cắt cổ 5 người !)

như là lời giới thiệu. Được biết y là tên cướp nổi tiếng trên sông Mê Kông, vượt ngục nhiều lần và rất nguy hiểm, nên phải đeo một chiếc xiềng vĩnh viễn dưới chân, mỗi khi cất bước đi thì tiếng kêu reng reng. Ngày hai buổi được giải ra sân ăn cơm, lúc trở vào cửa, lại nghe tiếng y kêu :

– Tắc kho hạ khôn, tắc kho hạ khôn ! (Cắt cổ 5 người, cắt cổ 5 người !)

ý muốn doạ chúng tôi sợ, phải nạp tiền ; nhưng không may cho y, chúng tôi từ đất chết tới, làm gì có tiền mà nạp !

Rồi chúng tôi liên lạc được với anh người bạn ; anh lên lập nghiệp tại Savannakhet trước năm 1945. Gia đình anh rất tốt, ngày hai buổi mang giỏ cơm đến thăm nuôi ; cảm động trước tấm lòng của anh chị và các cháu, lúc từ giã tôi làm bài thơ gửi tặng, có đoạn như sau :

Em đã xa quê hương và đất nước,
Mỗi bước đi, là mỗi bước ngập ngừng.
Trước mắt em, những cảnh tượng lạ lùng,
Không tổ quốc, không cùng chung tiếng nói.
Có những lúc vấn lòng em tự hỏi,
Quê hương ta giờ ở phương nao.
Xung quanh em là cảnh nhà lao,
Em buồn quá lệ trào thấm má…

Ngồi trong tù, có kẻ chỉ cho cách làm đơn lên toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại thủ đô Vientiane. Đơn có hiệu nghiệm, chẳng bao lâu nhân viên toà đại sứ đến Savannakhet can thiệp, đem chúng tôi từ phi trường Xeno đáp máy bay lên thủ đô Vientiane, rồi từ Vientiane về Sài Gòn.

Trên giường mổ, đang miên man với cuộc hành trình thời niên thiếu, và nỗi ám ảnh bị cắt cổ, thì thuốc mê ngấm vào, bất tỉnh lúc nào không hay. Trải qua 5 giờ [theo con tôi cho biết], từ từ tỉnh lại ; dưới ngọn đèn lờ mờ của phòng bệnh tôi nhận ra cô y tá, con trai tôi và vợ tôi. Lại một cảm xúc khác vụt đến ; tôi nghiệm ra rằng trên 50 năm kết nghĩa vợ chồng, trong những phút nguy hiểm của tôi, vợ tôi đều hiện diện chia sẻ.

Hai chúng tôi xuất thân từ trường Quốc gia sư phạm Sài Gòn, nên duyên vợ chồng. Những tưởng sẽ được hưởng cuộc sống thanh bình của nhà giáo, nhưng không ngờ mấy năm sau tôi bị gọi nhập ngũ, vào trường Sĩ quan Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp, có lẽ vì yếu tố lý lịch, nên được xếp vào ngành quân báo, gửi đi học tình báo tác chiến tại trường Quân báo Cây Mai. Qua mấy tháng huấn luyện, được điều đến sư đoàn 25 bộ binh, rồi đưa xuống làm sĩ quan quân báo tiểu đoàn 1/49, thường đóng tại đồn Tân Mỹ gần sông Vàm Cỏ Đông. Từ Sài Gòn đến Tân Mỹ tuy chỉ hơn 1 giờ đáp xe đò, xe lôi ; nhưng đường sá nguy hiểm hay bị mìn ; quận lỵ Củ Chi vào đến Tân Mỹ phải chờ lính mở đường, rà mìn xong mới đi được. Tuy nguy hiểm như vậy, nhưng vợ tôi thường lặn lội đến thăm. Lúc bấy giờ tôi sống trong căn nhà hầm chiến đấu [bunker], trong hầm rất nóng, chỉ có chỗ hở làm lỗ châu mai tác chiến ; nên ăn cơm tối xong vợ chồng chúng tôi trèo lên nóc nhà hầm phủ bằng bao cát, để hóng mát. Chúng tôi tay trong tay, ngồi bên nhau hàng giờ, nhìn ra hàng rào kẻm gai dày đặc, thỉnh thoảng những tràng đạn bên ngoài bắn quấy rối thăm dò, rồi pháo binh bắn hoả châu soi sáng. Tiếng nổ át cả tiếng thì thầm của vợ tôi, cảnh tượng giống như lời ca của Nhạc sĩ Duy Khánh :

“ Ngoài kia súng nổ, đốm lửa đêm đen, tầm đạn thay tiếng em ! ”

từ máy thu băng cassese dưới hầm vọng lên.

Với chức vụ Sĩ quan quân báo, thường một tuần tôi phải đi hành quân với tiểu đoàn 3 lần ; hoặc trong ngày, hoặc qua đêm. Đơn vị tôi nằm trên trục chuyển quân ngắn nhất của Việt cộng, từ Mỏ Vẹt, Căm Bốt, đến Sài Gòn chỉ qua 2 đêm lội bộ ; nên kẻ địch buộc phải băng qua, chúng tôi buộc phải ngăn chặn. Rồi những cuộc giao tranh

“ Vườn cây, ruộng lúa hoá ra chiến trường ” ;

hoặc những trường hợp bị bắn tỉa, mìn bẫy, xẩy ra hàng ngày. Ban đêm phục kích, nằm trên chiếc áo mưa poncho, đầu tôi luôn luôn chọn hướng bắc ; để lỡ lúc chợp mắt, súng nổ choàng tỉnh dậy, có thể biết phương hướng mà gọi pháo đến yểm trợ. Tình trạng như vậy, nếu kéo dài mãi hết năm này đến năm kia, thì chết là cái chắc. Nhưng

“ Anh không chết đâu anh ” [tên một bài hát],

tôi được trở về Sài Gòn an toàn. Lúc bấy giờ, Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một nhà giáo thâm niên và nhiệt tâm ; thấy được tình trạng giáo dục suy vi, nên can thiệp cho tất cả các nhà giáo được biệt phái về trường cũ dạy học.

Trở về Sài Gòn, ngoài mười mấy giờ một tuần dạy học tại trường công, tôi quyết định dùng thì giờ còn lại đi học tiếp. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân ban Văn chương Việt Hán, tôi được Giáo sư Bửu Cầm bảo trợ, cho làm tiểu luận Cao học với đề tài về vua Tự Đức, nhan đề Nỗi lòng Dực Tông Anh Hoàng đế qua Ngự chế văn tam tập. Cặm cụi vất vả mấy năm trời ; bấy giờ giá sinh hoạt cao, lương hai vợ chồng không đủ để tiêu xài, nên vợ tôi phải mang máy may đặt tại tiệm giặt của người bà con trong phi trường Tân Sơn Nhất, để sửa quân phục, hoặc gắn huy hiệu vào tay áo cho lính Mỹ, kiếm tiền thêm. Như vậy ngoài bổn phận của một cô giáo, vợ tôi lại phải gánh thêm việc thứ hai. Vợ tôi tuy không nói ra, nhưng rất chú ý đến việc học của tôi, hàng năm tết Trung Thu đều mang bánh đến biếu gia đình Giáo sư bảo trợ. Giáo sư thường khuyến khích tôi, ráng tốt nghiệp Cao học, để được đưa vào làm Giáo sư phụ khảo ban Việt Hán trường Đại học văn khoa. Rồi tiểu luận của tôi, hai tập đánh máy được duyệt qua, Giáo sư định cho trình hội đồng vào năm 1975, nhưng qua biến cố 30/4, mọi việc đành xếp xó. Công việc tôi làm coi như vứt vào sọt rác, cũng chẳng nói làm gì ; nhưng chỉ tội nghiệp cho vợ tôi lấy phải người chồng luôn luôn thất bại. Hai tập đánh máy hiện nay tôi vẫn còn giữ, nhưng không nỡ giở ra xem để gặm nhấm thêm nỗi buồn.

Rồi tôi đi tù cải tạo, hết Trảng Lớn, đến Phú Quốc, từ Ka Tum [Tây Ninh] cho đến K3 [núi Chứa Chan, Long Khánh], vợ tôi lại lẽo đẽo đi thăm nuôi. Một buổi chiều tôi đang nằm trên chiếu viết mấy câu chữ Nho cho đỡ buồn, bên cạnh anh bạn miền Nam ngâm câu ca dao não nuột :

“ Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại, chịu lời đắng cay.”

Ngâm xong, ghé vào tai tôi anh bảo :

– Mấy ông lớn nay đã ‘dọt’ về trời Tây, trời Mỹ hết rồi. Chỉ để lại ‘rau răm cắc ké’ như chúng mình ở lại, cho bọn họ sỉ vả.

Đang ngẫm nghĩ về điệu buồn trong câu hát và lối giải thích của ảnh, thì anh bạn tù làm thông tin trong trại, đem cho lá thư vợ tôi gửi từ bưu điện. Trong thư ngoài những câu chiếu lệ, nếu không có thì thư không chuyển, như “ Học tập tốt, lao động tốt, cải tạo chóng để được trở về sum họp với gia đình…” ; thì có thêm một câu, mà tôi cảm thấy như vừa trúng số “ cháu Mai đã về ở với em ”. Dù kiểm duyệt tinh vi đến đâu cũng không giải mã ra câu này ; Bạch Mai con gái tôi, chưa bao giờ rời tay mẹ, tại sao lại “ trở về với em ” ? Riêng tôi hiểu rất rõ, vợ tôi tên Tân, “trở về với em”, tức đã đến Phi Luật Tân, hay Tân Gia Ba. Trong lần thăm nuôi trước, vợ tôi rỉ tại cho biết đã đưa con trai vượt biên sang được Phi Luật Tân, và đang dự định cho con gái đi.

Lúc được thả về, tôi viết thơ khuyến khích các cháu chăm học, có đoạn như sau :

“…Thương chồng tháng tháng thăm nuôi,
Nuôi con khoai sắn, đứng ngồi sao yên ?
Con sung sướng mẹ hiền mong ước,
Con thành tài mẹ được thơm lây.
Con là tim của mẹ đây,
Con đi lòng mẹ đắng cay trăm chiều….”


*


Nằm trên giường bệnh, trầm tư hết chuyện nhà, đến chuyện nước. Qua lịch sử Mỹ ai cũng biết từ khi lập quốc đến nay, nước này chỉ có một cuộc nội chiến từ năm 1861-1865, ngoài ra không có cuộc đảo chính nào. Riêng Việt Nam ta, hết triều đại nọ đến triều đại kia, trong mỗi triều đại lại không biết bao nhiêu cuộc nổi dậy đã bị dập tắt. Câu trả lời chung, nước Mỹ được như vậy vì có hiến pháp tốt ; ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp khiên chế lẫn nhau. Điều này không phải đến bây giờ người ta mới thấy ; trên 2 thế kỷ về trước, trong kiệt tác Hải Quốc Ðồ Chí 海國圖志 Học giả Ngụy Nguyên [1774-1857] Trung Quốc đã có nhận xét về chế độ dân chủ tại Mỹ “ đời đời không có mối tệ ” “ 27 bộ [tiểu bang] cộng cử một đại Tù trưởng [Tổng thống] cứ 4 năm thì thay đổi, quan chức tuy thay nhưng lòng người vui vẻ một dạ ” “ Nghị sự, tố tụng, tuyển quan, cử hiền tài, đề bạt từ dưới lên ; cứ dân chấp nhận là được, dân phủ nhận thì bỏ ” …Từ thuở 27 tiểu bang, chính trị nước Mỹ đã được đánh giá tốt như vậy rồi ; huống hồ trãi qua nhiều thử thách cho đến ngày hôm nay !

Riêng cá nhân tôi cảm thấy rằng những yếu tố nêu trên chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ. Nước Mỹ tuy không chấp nhận chủ thuyết Cộng sản, nhưng thực tế lưu ý đến vấn đề xã hội hơn cả những nước từng theo Cộng sản. Liên hệ với thực tế, thực phẩm của tôi và những người Mỹ tầm thường khác dùng : bánh mì, thịt, cá, rau, cũng tương tự như Tổng thống Obama và các tỷ phú khác dùng ; lẽ dĩ nhiên họ có đầu bếp chế biến ngon hơn. Nhà chúng tôi ở mùa hè có máy lạnh, mùa đông có sưởi ấm ; toà Bạch Ốc chắc cũng vậy thôi. Xe hơi của Tổng thống ắt phải đẹp đẽ đắt tiền, nhưng xe tôi cũng 4 bánh, phom phom trên đường, đi đến nơi về đến chốn. Và bây giờ tôi bị bệnh hiểm nghèo, có Bác sĩ tốt nghiệp Harvard chữa trị, Tổng thống Clinton từng vào bệnh viện, chắc các vị lương y phục vụ cho ổng cũng tầm cỡ như vậy mà thôi. Một người dân tầm thường như tôi được đối xử tốt như vậy, thì còn có gì oán đâu ! Giả sử có điều không bằng lòng, thì chờ 4 năm sau bầu cho người khác.

Trở lại Việt Nam, trong các năm 1953-1955 ; nếu đứa học sinh trường huyện Hồ Bạch Thảo tại đất Hương Sơn, Hà Tĩnh ; tuy gia đình bị quy vào thành phần địa chủ nhưng vẫn được cấp một phần ruộng đất và trâu bò để canh tác sinh sống, có cơm ăn, được đi học, và không bị gọi là “ thằng Thảo, tên Thảo ” ; thì làm gì mà nó phải vượt Trường Sơn, chạy tuột vào trong Nam. Rồi với nghiệp chướng của nó, cộng với nghiệp chướng của hàng triệu người khác thuộc hai bên, tuy hoàn cảnh khác nhau ; đã góp phần gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn cả triệu người chết, trải qua 40 năm, hậu quả vẫn chưa hết ! Bài học về vận nước thịnh, suy, định, loạn ; nằm trên giường bệnh, tôi có thể thấy được rồi !

Người Việt Nam ta, nếu một người thì không thua ai, nhưng hai người gặp nhau, thì ít khi dung nhau. Trở lại trường hợp bệnh của tôi, bị nhọt tại ngực và cổ ; được hai Bác Sĩ làm việc tập thể [team work], khám chung một ngày, cùng chia sẻ chung vết mổ, một đường ngang và một đường dọc ; tuy mổ tại chỗ hiểm, nhưng mọi việc đều suôn sẻ, lấy hết nhọt bướu. Về phía bệnh nhân, ít tốn thì giờ, ít tốn sức khoẻ, không bị mổ lăm nhăm nhiều lần, mổ xong tỉnh dậy tôi có thể đi được. Riêng hai vị Bác sĩ có dịp chia sẻ ý kiến với nhau, lãnh vực chuyên môn càng được trau dồi. Không nói đến hai Bác sĩ, hai cô Y tá trực ca trên, ca dưới cũng hợp tác rất sít sao ; trong khi bàn giao bỏ ra mấy phút, trình bày về áp huyết, nhịp thở, nhiệt độ ghi trên màn hình ; quay sang computer chỉ cho nhau biết về thuốc men liều lượng, thứ nào uống rồi thứ nào chưa uống ; rồi lại dùng ống nghe khám người tôi, xem qua vết thương. Với lối làm việc như vậy, nên cô Y tá ca dưới nắm vững mọi việc, tự tin tươi cười với bệnh nhân, tiếp tục nhiệm vụ.

Trong mấy ngày đầu tại bệnh viện, cứ dăm ba phút lại có nhân viên đến thăm, kẻ thì bơm khí oxygen vào miệng, kẻ thì lo chuyền máu, kẻ xem lại vết thương, có kẻ thì coi lại hệ thống thoa bóp tại chân, tại lưng. Ai vào cũng đọc qua áp huyết, đo nhiệt độ và xem các đồ thị khác trên màn hình, rồi lẳng lặng ghi chép những con số vào trang báo cáo trên computer đặt sát bên tường. Nhìn công việc của họ, tôi có thể đoán ra rằng, tại một phòng nào đó trong bệnh viện, sẽ có một vị chỉ huy, tổng kết mọi sự kiện, để quyết định gia, giảm thuốc men, chữa trị cho kịp thời. Giả sử có một kẻ “ làm láo, báo cáo hay ”, thì khi kiểm soát lại [check] phúc trình của những chuyên viên khác, cũng sẽ tìm ra ngay “ con sâu làm rầu nồi canh ”. Phải chăng với lối thao tác khoa học, đã giúp nước Mỹ thành cường quốc số một trên thế giới.

Những người bước vào phòng tôi, từ Bác sĩ đến Y tá đều xoa tay vào hộp dầu vệ sinh [hygiene], rồi xỏ tay vào găng ; những thứ này đặt sẵn bên tường. Làm việc xong, vứt găng vào thùng rác, lại xoa tay vào hộp dầu vệ sinh, rồi đi ra. Mười người như một, kỷ luật trong việc làm, không chừa ai !

Con người ta chắc biết đi bộ từ khi có loài người, với tiến bộ khoa học của thế kỷ 21, bệnh viện trường đại học Pensylvania vẫn công nhận hiệu quả của việc này, nên đặt tiêu chuẩn [set goal] để các y tá khuyến khích bệnh nhân đi bộ. Riêng tôi rất hăng hái, một tay đẩy cái cần treo bình nước biển có bánh xe, ra khỏi phòng ; đi xung quanh đường ô vuông của bệnh viện, hoặc 3 hoặc 5 vòng, có Y tá đi kèm. Tôi từ khi về hưu đến nay, vẫn hàng ngày đi bộ 2 vòng xung quanh hồ chứa nước [reservoir] gần nhà, hồ này rộng hơn hồ Hoàn Kiếm một chút, chu vi 3 km. Tôi hăng đi bộ hàng ngày, tuy mong bồi dưỡng sức khoẻ, nhưng cũng còn chút kỷ niệm. Thuở học trò thời kháng chiến, cả huyện tôi chỉ có vài người có xe đạp, tôi tuy con địa chủ cũng không có chiếc xe đạp mà đi ! Lúc bấy giờ tránh máy bay Pháp oanh tạc, trường học mở ban đêm. Mỗi buổi chiều tôi và các bạn, một tay cầm sách, một tay mang đèn chai [lấy chai cưa ra làm chụp đèn] cùng nhau đến trường. Trường tôi gần nhà cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, thân phụ Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ; cách nhà tôi khoảng 6 km. Vì lý do đó nên hiện nay tôi vẫn cố gắng duy trì đi bộ 2 vòng [6 km.] xung quanh hồ, để tự hào rằng vẫn còn đủ sức đi bộ như thời niên thiếu. Chuyện đi bộ, thấy được rằng việc đánh giá điều hay, dở, cần phải được xét nghiệm cẩn thận ; chớ vội cho cái cũ là dở, chỉ có dụng cụ tối tân mới là hay !

Qua câu chuyện dông dài của một lão già xa xứ, cõi lòng chỉ mong đóng góp một chút thực tế ; chứ không hề muốn vạch lại vết thương xưa, để làm buồn lòng người đọc.


Hồ Bạch Thảo





1  Tam quốc Chí diễn nghĩa của La Quán Trung, hồi thứ 75.

2  Mã Lương : một viên mưu sĩ dưới quyền Quan Công.

3  Ô đầu : một loại lá cây màu đen, có chất độc.

4 Bác sĩ Cooper :


cooper

5 Bác sĩ Fraker :

fraker

6  Biopsy : một cách dùng kim chích, rồi thử nghiệm xem bướu độc hay lành.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue dé Ecoles, Paris 5
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss