Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trên đỉnh Thình Thình ...

Trên đỉnh Thình Thình ...

- Trần Tuấn — published 06/02/2008 15:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Ký của Trần Tuấn


Trên đỉnh Thình Thình ...


Ký của Trần Tuấn


congchua

Cổng tam quan chùa Thình Thình


Ngôi chùa vắng ngắt nằm hút trên mỏm núi vô danh của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ấy, không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh khi một lần nghe ai đó kể bâng quơ. Rằng trên ấy có cội mai già trăm tuổi. Có vị sư ngoại bát tuần một mình sớm hôm kinh kệ cùng mai cúc chim muông. Là nơi thờ danh tăng Thích Hạnh Đức đã tự thiêu năm 1967 để phản đối sự bạo tàn của chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt là trên đỉnh ngọn núi nhỏ ấy, mỗi bước chân người bước mạnh sẽ phát ra những tiếng vang rất lạ, bởi vậy hòn núi có tên là Thình Thình, chùa dù có tên là Viên Giác cũng được gọi là chùa Thình Thình theo cách gọi dân gian, hay là Thanh Thanh Viên Giác tự theo tên chữ.

Lối nhỏ xẻ giữa lòng đá quanh co khúc khuỷu, nhiều chỗ dốc dựng, cộng thêm nạn đào núi lấy đá, chặt cây khiến đường lên chùa lở lói hoang tàn. Tiết tháng 10 miền Trung từng đợt mưa lầy, lành lạnh, trời lại mau tối, khiến hai anh em chúng tôi hối hả lên kịp để tranh thủ chút nắng đầu chiều. Ông anh họ người dưới Tịnh Hòa sát bên chân núi, trên đường đưa tôi lên chùa, thú thực : “Tui cả đời ở đây, mà chưa một lần lên chùa, chỉ nghe sắp nhỏ đi về kể lại ...”. Mải miết băng núi, cuối cùng ngôi chùa cũng thấp thoáng hiện ra. Bỗng liên tưởng tới câu thơ của Tiên Điền Nguyễn Du vịnh cảnh chùa Thiên Thai ở Huế thửa nào:

“Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung”

(Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng/ vị sư triều trước già đi giữa mây trắng).

Sư thầy Thích Hạnh Diên đang mải việc chi đó phía sau chùa, lại nặng tai, hỏi mãi thầy cũng chỉ phất tay chỉ lên chánh điện, hàm ý vãn khách cứ việc thắp hương. Thắp hương Phật điện xong, tôi mới giật mình khi nhìn ra xung quanh : nõn biếc những thềm rêu phủ khắp mọi lối, mọi chốn, rêu như dải khăn xanh khổng lồ mềm mại ai đó tung nhẹ rồi phủ hờ dưới ngôi cổ tự nơi đỉnh núi hoang vu này. Tôi quen với rêu Hội An, phủ ơ hờ trên những mái ngói cổ kính, lắm khi chực tràn xuống gần những mắt cửa gỗ, rêu rậm rì xanh bên những bức tường quanh co ngõ nhỏ, nhất là sau dịp tơi bời mưa lũ, khi mùa Đông chầm chậm len về ... Còn đây, rêu lại phủ đầy mặt đất. Trái đất ngoài kia dày đặc dấu chân người, chồng lấn lên nhau, giành giật với nhau, có biết một nơi như thế này, hoang vu tịch lặng đến nỗi rêu kịp phủ xanh dấu chân người mới bước hôm qua ?


themreu

Thềm rêu cửa Phật


Thầy Hạnh Diên đã già lắm rồi, tám mươi lăm tuổi, mắt đã mờ chân đã chậm, lưng đã còng, nhưng ngó vóc dáng với đôi bàn tay nở rộng ngăm nâu và rắn đanh đang nắm cây gậy trúc ấy, thuở tráng niên chắc hẳn là một trang sức vóc đạp núi băng sông nhẹ như bỡn. Thầy quê Tịnh Khê – Sơn Tịnh bên núi ấn sông Trà, thuộc dòng họ Trương nổi tiếng với danh tướng Trương Định, một đời tu tập và bôn ba khắp nhiều cửa thiền, từng tham gia đấu tranh chống lại hà khắc của chính quyền cũ và chịu cảnh tù tội. Tôi thưa, rằng có quen sư thầy Hạnh Pháp trụ trì tổ đình Thiên Ấn bên kia, một hôm nào đã đội mưa gió lên tìm cây ngô đồng. Thầy Hạnh Diên nghiêng tai có lẽ nghe chưa thủng, khẽ gật đầu :

- “ờ, ờ ... đồng, ở chùa có chuông đồng, đúc từ gần trăm năm nay”

Thơ thẩn chuyện một hồi lâu, thầy có vẻ như quen với giọng nói miền xa của vị khách trẻ không mời, cười mém mém :

- “Từ bên này qua bên Thiên Ấn có lối đi theo núi rất gần, nhưng hoang vắng và khó đi lắm. Nếu tu sửa, người qua lại nhiều, chùa này đỡ tịch mịch hơn ...”.

Tôi khẽ giật mình khi có tiếng chuông điện thoại di động vang lên từ đâu đó. Thầy Hạnh Diên chậm rãi với tay tựa vào cây gậy trúc đứng dậy lấy từ đâu đó bên kệ sách ra một chiếc điện thoại áp vào tai. Cuộc điện kết thúc chóng vánh sau nhiều a lố a lồ của sư thầy. Điện thoại dây chưa lên tới đây, và công nghệ thông tin không dây đã mượn sóng trời để dẫn vào cửa thiền tịch vắng. Sực nhớ từ lúc vào tới giờ, cả ngôi chùa mênh mông rêu lá này, tôi chỉ gặp mỗi vị lão tăng tám lăm tuổi này, tạnh chẳng thấy bóng ai khác. Sau mới hay rằng vẫn có người lên đưa góp gạo củi cơm nước, giúp nấu nướng, nhưng mấy bữa nay có lẽ mưa lầy nên vãn. Thầy Hạnh Diên bảo đã quá quen cảnh quạnh vắng thế này từ bao lâu rồi cũng chẳng nhớ ... Quanh quẩn sớm tối bên cạnh có lẽ chỉ là hình bóng của những gì đã qua, như phút giây chứng kiến thầy lặng lặng vuốt bụi trên khuôn hình lồng kiếng trên gian thờ phía sau chánh điện. Nhìn ra từ khuôn kính là một gương mặt tuấn tú với ánh nhìn đầy quả quyết mà sư Hạnh Diên kể đó là thầy Thích Hạnh Đức, năm 19 tuổi đã noi gương thầy Thích Quảng Đức biến tấm thân trai trẻ của mình thành ngọn đuốc hồng ngay tại sân chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi để chống lại sự đàn áp của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đó là một buổi sáng chớm đông 31/10/1967. Chùa Thình Thình là nơi đầu tiên thầy Hạnh Đức xuất gia tu học khi mới tròn 10 tuổi, rồi nhanh chóng lĩnh hội được kiến thức, hiểu biết sâu xa về Phật pháp cũng như tình yêu nước thương nòi, trở thành liên lạc viên xuất sắc của phong trào Phật giáo yêu nước buổi ấy. Sau cuộc tự thiêu lừng lẫy, tro bụi của nhà sư trẻ được gửi về Thiên Ấn tự, và thờ vọng nơi thầy đã trưởng thành, ra đi. Nhưng trong những hàng cổ thụ đang rì rào tỏa bóng quanh ngôi chùa nhỏ này, có nhiều cây do tự tay thầy trồng tự ngót bốn năm mươi năm trước ...


tiengkeu

Sư thầy Thích Hạnh Diên, gậy trúc vỗ xuống đất phát những tiếng kêu kỳ lạ


Thanh Thanh Viên Giác tự do thiền sư Diệu Quang – tổ thứ 6 của Tổ đình sắc tứ Thiên Ấn khai sơn năm Bảo Đại thứ 13 Đinh Sửu (1937), đã qua mấy lần tu bổ. Chùa tọa lạc trên diện đất bằng phẳng rộng 4 héc ta nơi đỉnh núi thấp thoải chỉ cao non 170 mét ngó xuống vùng đồng bằng. Không rõ thiền sư Diệu Quang ngẫu nhiên hay chọn lựa, hay đức Phật tổ có ý gì chăng mà làm sao Viên Giác tự lại tọa lạc ngay giữa mảnh đất núi vang lên những tiếng thình thình theo mỗi bước chân này ? Hay ngọn núi buồn quá, muốn cất lên tiếng kêu xua đi heo hút ?. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi tên cũ của núi là Sâm Hội, vì nguyên đất núi trồng được thổ sâm. Sách viết : “trên núi gò chòm đứng sững, người ta lên núi giậm châm hoặc đẵn cây đều nghe có tiếng ầm ầm như sấm, nên tục gọi núi Thanh Thanh”. Nhiều người già địa phương còn gọi bằng tên chữ “cổ sơn”, theo nghĩa “cổ” là cái trống, và khẳng định hiện tượng lạ này chỉ duy nhất nơi đây mới có. Có nhiều truyền thuyết về tiếng trống trong lòng núi liên quan đến hình thế hình con cá sấu khổng lồ của cổ sơn, phủ nét huyền bí lên nơi này.

Sư thầy Hạnh Diên chiều lòng vãn khách, chống gậy bước sân chùa. Đầu gậy trúc vỗ mạnh xuống mặt đất vang lên những tiếng “binh binh”, và mỗi lúc một rõ một vang khi bước dần ra phía tam quan, bên hàng mộc thụ xùm xòa và chiếc giếng đá cổ. Khách cũng thử giậm mạnh gót giày, vẫn lại vang lên những âm thanh tương tự tuy có hơi trầm đục. “Tâm vô vọng động”, Phật đã dạy. Có lẽ chiều nay tôi mang theo cái nghiệp, cái tâm vọng động lên theo, không hòa được với chân động chốn này. Một ngôi chùa nhỏ miền sâu xa thế mà cũng trải qua nhiều sự biến, với tiếng va đập của đời sống nhiều lúc bi thương. Như chỗ thầy Hạnh Pháp và tôi đang đứng đây, từng ầm vang máu đổ giữa một chiều hè mới cách đây chừng 6 năm khi một quả đạn sót lại nơi vườn chùa phát nổ trong đám lá khô mà thầy Thông Sanh pháp danh Đồng Độ vun quét để đốt dọn ...

Chiều đã sẩm, anh em tôi mới bước ra khỏi khuôn viên của chùa. Nhìn làng mạc thấp thoáng lên đèn dưới xa, cảnh trí đầm ấm dưới mưa lạnh, tôi chợt dừng lại, thử giậm mạnh chân xuống nền núi. Không một tiếng vang nào cả. Quả nhiên, như lời kể của mọi người, là chỉ trong khuôn viên chùa mới phát ra âm thanh lạ từ lòng đất, còn ra ngoài rồi thì tịch không. Đi một hồi, ngôi chùa dần khuất lịm phía sau những rặng cây đang dần sậm tối. Bất giác, tôi chợt nghĩ, giống như chuyện kể của một nhà văn được đọc đâu đó, rằng, có một hòn núi huyền bí luôn ảo mờ trong sương khói tuổi thơ nơi cố hương, sau một đời lưu lạc, quay về thì kinh hãi nhận ra ngọn núi ấy đã biến mất không dấu vết, và người già trong làng cũng nói chưa từng có ngọn núi ấy bao giờ...

Tôi sợ, tôi chỉ thêm vài bước nữa thôi, ngọn núi lạ lùng, ngôi chùa phủ rêu với lão tăng đang chống gậy trúc nhìn theo ấy cũng sẽ biến mất, như chưa từng có trên đời ...


Trần Tuấn

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss