Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Truyện Ryoma

Truyện Ryoma

- Trương Văn Tân — published 22/03/2013 21:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bút ký


Truyện Ryoma


Trương Văn Tân



Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK từ hơn bốn thập niên qua mỗi năm sản xuất một bộ phim lịch sử nhiều tập để phát hình cho cả năm. Nhân vật trong phim thường là những võ tướng samurai, những phi tần, những anh hùng có thật trong thời chiến quốc Nhật Bản (thế kỷ 16) và thời kỳ thống nhất Mạc phủ dưới quyền cai trị của dòng dõi Tokugawa (âm Hán Việt: Đức Xuyên) (thế kỷ 17 -19). Những bộ phim trường thiên này vừa có giá trị giáo dục vừa có giá trị tiêu khiển. Nó không xơ cứng như những bài giảng lịch sử tại trường khiến cho người xem phải lim dim ngủ gật. Cũng không phải là những "soft drama" ướt át làm rưng rưng nước mắt hay như phim chưởng Hong Kong xoay quanh chuyện tình anh hùng người đẹp với những màn trả thù đánh nhau loạn xị. Những chi tiết lịch sử trong những bộ phim được tái hiện chính xác với một chút hư cấu nhưng không "xạo" quá đà. Nó cũng hấp dẫn không kém truyện phim võ sĩ đạo nhiều tập "Người mù nghe gió kiếm" đã có thời làm say mê khán giả Việt Nam (miền Nam) hay "Bảy người samurai" của đạo diễn thiên tài Kurosawa Akira nổi tiếng thế giới. Phim trường thiên lịch sử của đài NHK đã tạo nên một thể loại mới trong nghệ thuật thứ bảy cũng cờ xí binh đao, phi tiêu ám khí, anh hùng thục nữ, hỷ nộ ái ố, mưu mô quan trường, ghen tuông hậu trường, nhưng đằng sau là cách học lịch sử nhẹ nhàng được lồng trong niềm tự hào dân tộc.

Vài tháng trước, tôi tình cờ xem được bộ phim "Truyện Ryoma" (Ryoma-den) dài 45 tiếng của đài NHK. Ryoma (âm Hán Việt: Long Mã) là tên một nhân vật lịch sử có họ là Sakamoto. Ông thuộc giai cấp võ sĩ (samurai) vốn người Tosa - han (phiên Tosa, tỉnh Kochi ngày nay) [1]. Ông sinh vào mạt thời của chính quyền Mạc Phủ (giữa thế kỷ 19) [2], một thời kỳ nhiễu nhương chín muồi cho một cuộc cách mạng được gọi là "Minh Trị Duy Tân" mà ông là một trong những nhân vật chủ chốt. Thời phong kiến Nhật cũng tồn tại giai cấp "sĩ nông công thương". "Sĩ" của Nhật không phải nho sĩ như ta mà là võ sĩ (samurai). Trong giai cấp "sĩ" lại có nhiều thứ lớp. "Sĩ" cấp trên được cha truyền con nối có dòng dõi lâu đời trong khi "sĩ" cấp dưới là những "sĩ" bị thất thế không tiền đi lang thang hay là những người thuộc giai cấp khác có chút công lao được đề bạt làm "sĩ" hay có tiền mua danh chuyển cấp biến thành "sĩ". Ryoma mồ côi mẹ xuất thân từ một gia đình "sĩ" bậc trung nói theo thời đại bây giờ là giai cấp trí thức trung lưu. Người chị thay vai trò người mẹ nuôi nấng ông. Từ nhỏ ông học chữ thánh hiền không giỏi nên bà chị gởi ông lên Edo (Tokyo) học kiếm. Sau này ông trở nên một tay kiếm sĩ tài ba.

Lịch sử Việt Nam và lịch sử Nhật Bản có nhiều trùng hợp ngẫu nhiên. Trong cùng một thời kỳ khi ta có vua Lê chúa Trịnh thì tại Nhật có Tướng quân (Shogun) Tokugawa và Thiên hoàng. Quyền bính nằm trong Tướng quân trong khi Thiên hoàng chỉ làm bù nhìn ngồi chơi xơi nước. Khi chiến hạm Mỹ của Đề đốc Matthew Perry cặp bến Uraga năm 1853 đòi hỏi chính quyền Mạc phủ Tokugawa mở cửa thông thương thì năm năm sau (1858) chiến hạm Pháp nã pháo vào thành Đà Nẵng mở màn cho việc xâm lược Việt Nam. Nền văn minh cơ khí phương Tây bất thần xuất hiện trên sóng biển phương Đông vốn an bình hằng trăm năm đã làm thay đổi hoàn cảnh xã hội và chính trị tại các nước châu Á. Tại Việt Nam phong trào Cần Vương đã dấy lên những cuộc khởi nghĩa từ Bắc chí Nam với những anh hùng như Đề Thám, Phan Đình Phùng, Thiên hộ Dương. Giống như Việt Nam, tại Nhật Bản các samurai địa phương cũng tổ chức phong trào Cần Vương phò vua khai chiến với những thế lực "man di". Nhưng Ryoma có cái nhìn khác. Ryoma bảo rằng "cây kiếm dài Nhật không bằng khẩu súng ngắn Tây" và khuyên các samurai ở quê nhà Tosa nên gác kiếm một bên mà "học kỹ thuật man di nếu muốn diệt bọn man di có hiệu quả". Các samurai ở Tosa không nghe theo ông lập hội "Cần Vương Nhương Di" (Kin-o Jo- I, 勤王攘夷) (phò vua đuổi bọn man di) cương quyết một sống một chết với bọn "man di". Khi ở Edo học kiếm Ryoma tạo một mạng lưới thân hữu với các samurai ở các phiên khác tụ tập về Edo. Tại đây ông nhận ra rằng việc đầu tiên cho duy tân là phải làm cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa. Ông chủ trương học hỏi khoa học kỹ thuật và tư tưởng phương Tây tạo ra một chính phủ hiện đại theo mô hình phương Tây để khôi phục thực quyền lại cho Thiên hoàng. Muốn thực hiện điều này cần phải có binh lực hùng mạnh để ép Tokugawa rời khỏi chính trường. Trên toàn nước Nhật chỉ có phiên Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) và phiên Choshu (tỉnh Yamaguchi) là có binh hùng tướng mạnh. Nhưng hai thế lực này lại thù địch nhau. Ông bôn ba nhiều năm liền đi bộ đi tàu hằng ngàn cây số từ Tosa đến Edo vượt biển đến Satsuma rồi đến Choshu, Nagasaki, kinh đô Kyoto để liên kết hai thế lực quân sự này. Với tài hùng biện, ông thành công trong việc hòa giải. Trong lúc chuẩn bị cho cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân và lật đổ chính quyền Mạc phủ thì ông bị ám sát ở tuổi 33. Ai đã ám sát Ryoma? Mật vụ của chính quyền Mạc phủ hay là những người đồng minh ghen tỵ với ông? Câu trả lời đến bây giờ vẫn nằm trong bóng tối.

Tôi đã từng đặt chân đến tỉnh Kochi quê hương của Ryoma, đã lãng du ở đảo Kyushu đi đến tỉnh Kagoshima của người hùng Saigo Takamori, một trong những nhân vật quan trọng của Minh Trị Duy Tân mà Ryoma đã nhiều lần gặp gỡ. Phim "Truyện Ryoma" đã thúc dục tôi tìm về Trường Châu (Choshu-han) theo bước chân của Ryoma đến thành phố Shimonoseki và thị xã Hagi. Chốn này là nơi ươm mầm cuộc Minh Trị Duy Tân và cũng là quê hương của những bậc hào kiệt sớm thức tỉnh trước nền văn minh cơ khí phương Tây có lòng quyết tâm học hỏi những khái niệm chính trị, văn hoá cũng như khoa học kỹ thuật chưa từng biết trong kinh điển Nho học.

*

hinh-0 Mùa đông năm nay ở Nhật lạnh hơn mọi năm. Dù chỉ là những ngày giáp Tết dương lịch bờ Tây Nhật Bản đã phải hứng chịu những trận bão tuyết mù mịt thổi từ đại lục Siberia. Đến từ châu Úc trong những ngày hè oi bức gần 40 độ C lại phải đối mặt với cái lạnh đầu đông Nhật Bản thì quả là một cú "sốc" nhiệt như từ lò thiêu bước vào phòng lạnh. Chuyến xe lửa siêu tốc Shinkansen đưa tôi đến Shimonoseki thành phố lớn nhất của tỉnh Yamaguchi nằm ở mũi đất cực nam của đảo Honshu. Tỉnh Yamaguchi có tên cũ là Choshu - han (phiên Trường Châu) và Shimonoseki là trung tâm quyền lực của Choshu. Ngày nay, tỉnh Yamaguchi nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều chính trị gia và võ tướng lỗi lạc. Từ thời Minh Trị đến nay đã có 7 người làm Thủ tướng. Ông Thủ tướng hiện tại Abe Shinzo đắc cử cuối năm 2012 là người thứ 8 có nguyên quán tỉnh Yamaguchi.

Từ Shimonoseki người ta có thể nhìn thấy đảo Kyushu qua eo biển Tsushima (eo Đối mã) trải dài về phía Tây của thành phố. Shimonoseki cũng như thành phố Nagasaki còn mang ảnh hưởng đậm nét của phương Tây qua những giáo đường Ki-Tô và nhũng dấu ấn văn hoá của sự giao lưu với Trung Quốc và Triều Tiên trong nhiều thế kỷ. Shimonoseki cũng là nơi ký hòa ước Mã Quan (1895) giữa nhà Thanh và Nhật Bản sau chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895) buộc nhà Thanh phải nhượng Đài Loan, quần đảo Bành hồ, cảng Đại liên (Port Arthur) và bồi thường hơn 7 triệu kí-lô kim loại bạc cho Nhật. Sau chiến tranh Nha phiến hòa ước Mã quan tròng vào cổ dân tộc Trung Hoa thêm một tầng sỉ nhục và đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc quân sự nhập bọn với phương Tây. Mười năm sau đó (1905) Shimonoseki lại chứng kiến chiến thắng lừng danh làm nức lòng dân châu Á của Đề đốc Togo Heihachiro trong trận hải chiến Nhật - Nga. Lừng danh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, người da vàng đánh bại người da trắng.

Từ nhà ga Shimonoseki chiếc xe bus đưa tôi đến khu Chofu một danh thắng với nhiều di tích lịch sử vốn là thôn làng sinh sống của giai cấp samurai thời Mạc phủ. Những "tiểu lộ" đủ rộng để ngựa xe lưu thông vẫn còn giữ vẻ nguyên thủy vài trăm năm trước. Tôi đi dọc theo đường "Cổ Giang tiểu lộ" song song với một con suối dẫn đến một căn nhà nhỏ từng là nhà họp hành chính của các samurai trong thôn (Hình 1). Thỉnh thoảng dọc hai bên tiểu lộ là những căn nhà kín cống cao tường của các samurai thượng lưu.

hinh-1

Hình 1: Nhà họp hành chính của thôn Chofu

Dọc theo những bờ tường sơn trắng cao cao dẫn đến cổng vào dinh thự của phiên chủ Mori (Hình 2). Gọi là dinh thự nhưng thực ra chỉ là một ngôi nhà trệt lớn hơn những ngôi nhà bình thường làm bằng gỗ lợp ngói có nhiều phòng. So với tiêu chuẩn “dinh thự” thì tư gia của phiên chủ Mori ẩm thấp và lạnh lẽo không có gì ấn tượng nhưng nó cho thấy cuộc sống đơn giản của một lãnh chúa chỉ huy những samurai tài giỏi và một trong những quân đội hùng mạnh nhất đương thời. Sau này Minh Trị Thiên Hoàng thường chọn dinh thự Mori làm nơi tạm trú mỗi lần đi kinh lý xuống miền nam.


hinh2a
(a)

hinh2b
(b)

Hình 2: (a) Cổng ra vào của dinh thự Mori và (b) nội thất của một căn phòng.


Một con đường nhỏ khác đưa tôi đến một nơi um tùm cây lá, trong ánh nắng chiều dìu dịu ẩn hiện một ngôi chùa cổ kính (Hình 3) không một bóng người. Những cây cột gỗ của cổng chùa nứt nẻ giống như cái cổng trong phim Rashomon của Kurosawa Akira như không còn chịu đựng được thêm sức nặng của thời gian. Trong một khu vực không hơn 15 km2, Chofu có năm ngôi chùa và hai thần xã (đình thần). Trong lịch sử Nhật Bản, những ngôi chùa thường là hậu trường của những diễn biến chính trị. Có thể đó là nơi ẩn náu của một phi tần sống lén lút nuôi con khi chủ tướng của mình đã bại trận hy sinh, hay là nơi bàn bạc bí mật chuẩn bị một cuộc chính biến, thậm chí là nơi dấy binh chống lại thế lực cầm quyền. Gần ngôi chùa là một đình thần (Thần xã) thờ tướng Nogi Maresuke [3]. Cổng chùa và cổng đình có sự phân biệt rõ rệt. Cổng đình gọi là torii trong tiếng Nhật là một biểu tượng của Thần đạo Nhật Bản. Các đình thần Nhật Bản thường giàu có vì biết kinh doanh nhờ vào việc bán bùa hộ mạng, giao thông an toàn nên hốt bạc vào những ngày đầu năm. Đình thần Nogi cũng bán bùa, ngoài cổng đình người ta thoải mái treo bảng quảng cáo bán bùa thi đậu cho sĩ tử gần xa dù rằng danh tướng Nogi không liên quan chi đến việc thi cử.


hinh3a
(a)

hinh3b
(b)

Hình 3: (a) Cổng chùa và (b) cổng đình thần Nogi với bảng quảng cáo bán bùa thi đậu.


Ngày hôm sau, từ Shimonoseki tôi tìm đường đến thị trấn Hagi nơi đã sản sinh ra những bậc hào kiệt làm nên cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân (1868). Chiếc xe lửa một toa đã đưa tôi từ Shimonoseki đến Hagi (Hình 4). Lâu lắm rồi tôi mới có dịp bước lên lại chiếc xe lửa một toa của vùng quê heo hút. Ở đây, những người trẻ thanh lịch, điệu đàng trở thành "loài quý hiếm" vì phần lớn họ đã rời làng quê lên thành phố lớn lập nghiệp. Hành khách chỉ là những cô cậu học sinh trung học hay những ông bà luống tuổi về hưu. Nhưng bù lại tinh thần làng xã vẫn còn đậm đà trong cuộc sống người dân. Gặp trong xe họ chào hỏi nhau hết người này đến người kia, xe di động thì mặc xe nhưng họ vẫn cung kính cúi đầu nói chuyện răm ran như lâu ngày không được gặp.


hinh4a
(a)

hinh4b
(b)

Hình 4: (a) Xe lửa một toa và (b) trong toa xe: cặp vợ chồng luống tuổi vẫn "tương kính như tân".


Chiếc xe lửa chạy qua nhiều cánh đồng nhỏ và hẹp, những ngôi làng lưa thưa nhà cửa, thỉnh thoảng ngừng lại ở nhà ga hai mái không người kiểm soát tuềnh toàng như trạm xe bus. Xe chầm chậm tiến về phía biển Nhật Bản, bờ Tây nước Nhật. Từ xưa, bờ Đông với những đô thị lớn như Tokyo, Nagoya, Kyoto, Osaka, Kobe, Hiroshima lúc nào cũng náo nhiệt phồn thịnh. Ngược lại bờ Tây tiếp giáp biển Nhật Bản (Sea of Japan) mang một hình ảnh trầm lặng của một xã hội nông nghiệp nơi mà thời gian dường như không hiện hữu. Người Nhật khi nói nói đến bờ Tây ai cũng buột miệng bảo "Buồn lắm!". Thậm chí, hệ thống đường sắt bờ Đông được đặt tên là San-yo (Sơn dương: bề sáng của núi), trong khi bên bờ Tây gọi là San-in (Sơn âm: bề tối của núi), cái tên khi đọc lên cũng đủ làm lòng người chùn xuống. Con đường sắt San-in lọt thõm vào một dải đất một bên là núi còn bên kia là biển. Thỉnh thoảng dọc theo đường ray những khóm nhà cũ kỹ lụp xụp với vài khoảnh ruộng cằn cỗi bị cắt đoạn bởi những ngọn đồi cây cối rậm rạp vươn dài ra tới biển. Bây giờ như vậy, lúc xưa chắc nghèo hơn. Vùng đất nghèo như có một quy luật tự nhiên là thường xuất hiện nhiều anh hùng hào kiệt đứng lên làm rung chuyển hay lật đổ một chế độ. Bất giác tôi cảm thấy rất thích cái êm đềm đáng yêu của vùng đất quê mùa này nơi chỉ thấy hoàng hôn trên biển của đất nước "mặt trời mọc". Cuối cùng thì xe cũng đến Hagi. Thị trấn này cho tôi cảm giác trở về với văn minh mặc dù ở đây dân số chỉ có vài chục ngàn người. Hagi từng là thủ phủ của Choshu và là cái nôi của Minh Trị Duy Tân mà qua bao thế hệ người dân tỉnh Yamguchi rất đỗi tự hào.

Như mọi khi, tôi lân la tìm hiểu thông tin qua những tờ rơi có bản đồ chỉ dẫn. Ở nhà ga Hagi có một văn phòng chỉ dẫn khách sạn, lữ quán, suối nước nóng và khu tham quan lịch sử cho khách thập phương. Nói là văn phòng nhưng nó chỉ là một quầy nhỏ được trông coi bởi một người quản lý. Gió bên ngoài thỉnh thoảng luồn vào khe cửa nhà ga, lạnh căm căm. "Chào cô. Hôm ngay trời lạnh quá!" tôi ngỏ lời chào không quên kèm theo một câu thòng kiểu Nhật bâng quơ nói chuyện thời tiết. Cô quản lý thanh lịch ngước mắt nhìn tôi và đứng dậy cúi đầu chào. Với chất giọng tiếng Nhật của tôi cô ta hơi ngạc nhiên về sự tò mò của một người nước ngoài về lịch sử Nhật Bản. Khi giải thích nguyên nhân là từ bộ phim "Truyện Ryoma" của đài NHK thì cô ta gật gù thông cảm và giảng cho tôi nghe một bài lịch sử ngắn gọn về thị trấn Hagi, sau đó tận tình chỉ dẫn những khu di tích và cũng không quên kể những nơi mà Ryoma đã nhiều lần đến Hagi gặp các các samurai lãnh đạo của Choshu bàn chiến lược để lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa.

Hagi nằm trong vùng đất nghèo nhưng nhờ địa thế gần Triều Tiên và Trung Quốc nên từ xưa đã chịu ảnh hưởng của nền văn minh đại lục. Cho đến bây gìờ phần lớn dân Hagi vẫn sống bằng nghề nông và thủ công nghệ gốm sứ. Cô quản lý nhắc đến dòng họ Mori làm phiên chủ Choshu trong một thời gian dài hơn 200 năm và có những đóng góp rất lớn vào sự hùng mạnh của Choshu. Trước khi di chuyển quyền lực về Shimonoseki dòng họ Mori chọn Hagi làm nơi đóng đô và xây thành Hagi, biểu tượng trung tâm quyền lực của Choshu vào thế kỷ thứ 17. Trong thời kỳ chiến quốc, Mori là bại tướng trước thế lực của Tokugawa nên phải cắn răng làm thân phận bề tôi cắt đất dâng cho kẻ chiến thắng rồi rút về Hagi. Con cháu dòng Mori đến mãi 250 năm sau vẫn còn ấm ức không quên mối hận xưa, chiêu binh mãi mã chờ ngày phục hận. Vì vậy, Choshu-han là một trong những phiên hùng mạnh có lắm samurai tài giỏi chỉ huy những đoàn quân thiện chiến nhất nhì trong thời kỳ Mạc phủ. Ngoài dòng họ Mori, trong câu chuyện có một nhân vật đặc biệt được nhắc đến là Yoshida Shoin mà cô quản lý trân trọng gọi là "Shoin Sensei" (Shoin tiên sinh). Ông là người gieo mầm cách mạng và cũng là người thầy tạo dựng nên những chí sĩ yêu nước làm nên Minh Trị Duy Tân.

Nền văn minh chói loà Trung Hoa đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của tầng lớp samurai. Như ở Việt Nam và Trung Hoa, Tướng quân (Shogun) Togugawa dùng Tống Nho của Chu Hy để củng cố quyền hành. Samurai của thời Tokugawa vốn là võ sĩ nhưng cũng được khuyến khích học văn, một tay cầm kiếm một tay cầm sách, văn võ song toàn [4]. Các bậc đại trí samurai từ đầu đã bài bác thậm chí chế diễu tư tuởng Tống Nho, nhưng họ chấp nhận tư tưởng "thực học" của Vương Dương Minh thuộc trường phái tân Nho học đời Minh. "Dương Minh Học" chủ trương "tri hành hợp nhất"; "tri là khởi đầu của hành, hành là kết quả của tri". Yoshida Shoin cũng như các sĩ phu Nhật Bản lúc bấy giờ là môn đồ của "Dương Minh Học". Ông vừa là một samurai vừa là một học giả và cũng là một nhà giáo. Theo ông, nước Nhật trải qua một thời gian hòa bình hơn 250 năm nên thanh kiếm của người võ sĩ đã rỉ sét, tinh thần võ sĩ đạo bị thui chột, còn giai cấp thượng lưu, quan quyền thì ngày ngày thân xác sống trên nhung lụa, miệng thích sơn hào hải vị, tay thích ôm gái đẹp. Xã hội ngày càng phân cực giàu nghèo, lòng dân hoang mang vì nghèo đói và thiên tai. Từ lúc còn rất trẻ (18 tuổi) Shoin đã nhận ra sự thối nát của chế độ đi đôi với sự tụt hậu của giáo dục và đề xướng những cải cách giáo dục để canh tân đất nước.

Khi những chiếc tàu hơi nước phương Tây xuất hiện trên sóng biển phương Đông và tin tức nhà Thanh đại bại trong hai cuộc chiến tranh Nha phiến bay đến xứ sở Phù Tang thì tầng lớp samurai bắt đầu hoài nghi sức mạnh của Nho học. Mãi đến đầu thế kỷ 20 khi Tú Xương còn trong nỗi niềm luyến tiếc Nho học thốt lên "Cái học nhà nho đã hỏng rồi. Mười người đi học chín người thôi" thì người Nhật đã thức tỉnh sớm hơn 100 năm và tiếp thu văn hóa phương Tây một cách tích cực và tự nguyện. Trước khi tàu của Perry đến Nhật (1853) Nagasaki đã là một trung tâm Lan học; cái học của nước Hà Lan mà bây giờ người ta gọi là Khoa học. Trường tư (juku) dạy Lan học lan rộng cả nước. Những chí sĩ không phân biệt giai cấp "sĩ nông công thương" đến Nagasaki tiếp thu Lan học khi trở về quê quán họ mở trường thu nhận học trò cũng không phân biệt giai cấp. "Juku" Lan học đã thổi vào xã hội phong kiến Nhật Bản một luồng gió mới làm lay chuyển tận gốc nền giáo dục Khổng Mạnh đã thống trị tư duy người Nhật hơn một ngàn năm.

Khi chiếc tàu hơi nước của đề đốc Perry cặp bến Uraga (1853) gần Edo (Tokyo) nó trở thành một nguy cơ làm rúng động toàn nước Nhật. Nhưng trong cái "nguy cơ" lại tiềm tàng "cơ hội" và "thời cơ". Như một giọt nước tràn, nó đặt tầng lớp samurai trước hai lựa chọn "canh tân" hay "tụt hậu". Lúc đó Shoin 23 tuổi và Ryoma vừa 17. Perry yêu cầu Tướng quân Tokugawa mở cửa thông thương và ép buộc chính quyền Mạc phủ ký hiệp ước bất bình đẳng mà không có sự đồng ý của Thiên hoàng. Điều này làm cho tầng lớp samurai, nhất là các samurai cấp dưới, căm phẫn. Họ vừa căm phẫn vừa hoảng sợ nhưng lại cực kỳ tò mò muốn tìm hiểu và mô phỏng công nghệ phương Tây. Bản thân Shoin, Ryoma cũng như các samurai thức thời khác đã nghe được nhiều tin đồn về cái học phương Tây có sức mạnh thực dụng hơn cả "thực học" Vương Dương Minh. Chiếc tàu đen chạy bằng hơi nước của Perry và sau này những chiếc tàu khác của Anh, Pháp, Nga quả là những con thủy quái đáng sợ. "Truyện Ryoma" diễn tả lòng nhiệt huyết của người thanh niên Ryoma chưa quá đôi mươi nhưng khi thấy chiếc tàu đen của bọn "hồng mao man di" thì ngày đêm bị ám ảnh bởi chiếc tàu chạy sầm sập phun khói phì phì từ cái ống khói khổng lồ và mơ được đóng tàu hơi nước giống phương Tây. Sau này Ryoma thực hiện được ước mơ của mình, thiết lập hải quân và làm công ty thương thuyền.

Shoin cũng cuồng nhiệt không kém. Khi chiếc tàu đen của Perry cập bến Ugawa (1853) Shoin đang ở Edo vượt đường xa chứng kiến tận mắt chiếc tàu đen của Perry. Ông bơi thuyền leo lên tàu Perry định "vượt biên" sang Mỹ thì bị đuổi về. Chính quyền Mạc Phủ bắt ông bỏ tù vì tội vượt biên phản quốc, sau đó được thả. Ông trở về Hagi dạy học tại trường Tùng Hạ, gieo mầm cách mạng, đào tạo những môn sinh xuất sắc cho cuộc duy tân. Ông bị bắt và bị chém đầu ở tuổi 29 vì tội mưu sát một viên chức cao cấp và tổ chức lật đổ chính quyền Mạc phủ.

Chiếc tàu đen của Perry không những đã làm các samurai kinh ngạc về khoa học kỹ thuật mà còn khiến họ ngẩn ngơ về khái niệm xã hội và chính trị phương Tây. Lần đầu tiên các samurai mới biết ở nửa vòng kia thế giới có một nước có tên là "Á Mễ Lợi Á" (America). Ở cái nước "Mễ Quốc" đó ai cũng có thể trở thành tổng thống không cần phải thuộc giai cấp nào miễn là tài giỏi và ai cũng có thể làm giàu miễn là có tài kinh doanh. Ơ … cái bọn "thương" hạ cấp kia lại được tôn vinh tại "Mễ Quốc" à? Họ nhìn nhau gãi đầu bối rối. Các samurai lại cùng nhau tranh luận cái khái niệm "đê-mô-ku-ra-chi" (democracy) mà sau này họ dịch ra là minshu shugi (dân chủ chủ nghĩa). Bản thân Ryoma rất ngạc nhiên khi đọc được dòng chữ "mọi người sinh ra đều bình đẳng" trong Hiến pháp Hoa Kỳ, một tư tưởng đầy mới lạ khiến ông mơ tưởng một xã hội Nhật Bản bình đẳng dân chủ không còn "sĩ nông công thương". Hoạt động chính trị của ông còn lấn qua ngành "thương". Thật đơn giản, vì muốn làm chính trị thì trước nhất phải có tiền. Ông bỏ qua những lời dèm pha, dấn thân làm "con buôn" cùng đàn em thành lập công ty doanh thương (trading company) mướn tàu chở hàng hoá từ quê hương Tosa bán cho Nagasaki. Trong nhóm này có một nhân vật tên là Iwasaki Yataro. Yataro, một samurai cùng quê hương Tosa và đồng hành với Ryoma, cùng hợp tác với Ryoma làm công ty thương thuyền. Sau khi Ryoma bị ám sát Yataro tiếp tục làm ăn và trở thành người sáng lập công ty Mitsubishi nổi tiếng thế giới. Yataro được diễn tả trong phim là một samurai nghèo khổ, nông nổi nhưng ham học. Mặt mũi ông ta lúc nào cũng lem luốc, đầu tóc rối bời với hai hàm răng bựa. Nghe đâu công ty Mistubishi viết thư than phiền đài NHK xuyên tạc sự thật, rằng ông chủ Yataro vốn là người ăn ở sạch sẽ không đến nỗi bê bối đến vậy!

*

Hagi là "phố dưới chân thành" (joka machi: towns below castles) mặc dù thành của phiên chủ Mori giờ đây chỉ là phế tích. Phố núi, phố sông, phố quê, phố chợ là những chốn thường nghe nhưng "phố dưới chân thành" hiển nhiên chỉ có ở Nhật. Cụm từ này khi được lăng xê trở thành tít quảng cáo du lịch thì ăn khách thập phần. Nó mang đến người Nhật một niềm hoài cổ bồi hồi, một tình cảm lãng mạn lâng lâng giống như người Việt ta mỗi lần rung rung cất giọng ngâm: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…". Tôi theo lời của cô quản lý đến viếng cựu cư của các samurai thuộc khu joka machi. Tôi đi dọc theo con đường dài và hẹp hai bên có những bức tường cao quá đầu người được sơn trắng xây trên nền đá xanh (Hình 5). Ở đây, những ngôi nhà xưa của các samurai thượng lưu rộng và lâu đời hơn Chofu. Mái ngói màu xám, tường trắng và gỗ tự nhiên tạo nên gam màu đặc thù của lối kiến trúc Nhật từ những căn nhà nhỏ đến những thành quách vĩ đại. Cũng như ở Chofu, "tiểu lộ" ở đây là những con đường cho xe kéo xe ngựa vài trăm năm trước. Bây giờ nó quá rộng cho người đi bộ nhưng quá hẹp cho một chiếc xe hơi hiện đại. "Lối xưa xe ngựa" đã từng ồn ào tiếng bánh xe lăn, lao xao tiếng người giờ đây vắng ngắt khiến cho khách lãng du cũng trầm mặc nhớ về một thuở xa xưa.


hinh5a
(a)

hinh5b
(b)

Hình 5: (a) Bức tuờng trắng trên nền đá dọc theo con đường dài và hẹp và
(b) kiến trúc mang sắc thái Hagi với cửa sổ được đặt ở góc nhà.


Ngôi trường Tùng Hạ (Shoka son-juku: Tùng Hạ thôn thục) của thầy Shoin nằm ở trung tâm của khu vực. Trước cửa trường người ta dựng tấm bia đá to với dòng chữ "Minh Trị Duy Tân thai động chi địa" (nơi thai nghén Minh Trị Duy Tân) (Hình 6). Phải nói rằng đến Hagi mà không viếng Tùng Hạ là chưa đến Hagi. Trường chỉ là một ngôi nhà hai gian (Hình 7) không to hơn những căn nhà lá ở miệt vườn miền Tây Nam bộ nhưng nó là cái lò tạo ra những nhân tài xuất chúng của xứ Phù Tang. Nơi giảng bài là một căn phòng rộng không quá 20 m2. Trường Tùng Hạ cũng như bao trường tư khác mọc lên khắp nước Nhật theo luồng khai minh của Lan học. Môn sinh được nhận vào Tùng Hạ không phân biệt lý lịch sang hèn, giai cấp "sĩ nông công thương" miễn là có nhiệt tình học tập. Khác những trường Lan học chú trọng đến khoa học kỹ thuật, Tùng Hạ là một trường chính trị chuyên về cơ chế, tư tưởng và quân sự. Thầy Shoin là tấm gương sáng cho các môn sinh vì sự hiểu biết và tầm nhìn sâu sắc của ông dù sự chênh lệch tuổi tác giữa thầy trò không là bao. Shoin lớn nhất không quá 25 làm thầy, học trò trẻ nhất vào tuổi 16. Ông ham đọc sách đủ mọi thể loại, đọc bất kỳ ở đâu, ở trong tù, ở quán nước ven đường, ở lữ quán mỗi khi ông đi lại từ phiên này đến phiên kia.


hinh-6

Hình 6: Tấm bia



hinh7a
(a)

hinh7b
(b)

Hình 7: (a) Bên ngoài trường Tùng Hạ và (b) lớp học.


Lớp học ở Tùng Hạ không có giáo trình nhất định, không có thời gian nhất định, mỗi buổi học chỉ cần đông đủ học trò là thầy bắt đầu giảng bài. Bài giảng khi ngắn khi dài liên quan đến chính trị thời sự. Shoin thích giảng quyển "Mạnh tử" vì nó đề cao thực học, nhưng ông không dừng ở chỗ giải thích từ cú trong "Mạnh tử" mà triển khai nó để giải thích diễn biến thời sự. Ông đòi hỏi học trò phải có "phi nhĩ trường mục" (tai biết bay xa, mắt biết nhìn rộng) để thu thập thông tin hiểu rõ vận nước và thế giới bên ngoài. Ông đặt vấn đề với học trò là "học để làm gì?" và chủ trương "không nên học để trở thành học giả ngâm thơ vịnh cú mà trên hết học là để thực hành". Thầy trò Shoin đều là những người nhiệt tình học hỏi, có những đề tài họ cùng nhau tranh luận, bàn thảo cả ngày có khi thâu đêm suốt sáng. Shoin là một nhà giáo dục tài ba vô cùng nhạy cảm với thời thế, biết đem tầm nhìn và tri thức của mình truyền đạt đến thế hệ đàn em. Cuộc sống trần thế của Shoin chỉ vỏn vẹn 29 năm nhưng ảnh hưởng của ông kéo dài trăm năm. Ông để lại 92 môn sinh trong đó có hai người làm Thủ tướng (Ito Hirofumi và Yamagata Aritomo), bốn người làm bộ trưởng và nhiều người khác trở thành nhà ngoại giao, thẩm phán, sĩ quan cao cấp và chuyên gia kỹ thuật trong chính phủ Minh Trị.

Ryoma không liên hệ trực tiếp với trường Tùng Hạ vì có lẽ khi ông đến Hagi thì Shoin đã bị bắt giam và hay đã qua đời. Ryoma đặt chân đến Choshu-han nhiều lần để thăm viếng những người bạn cũ gặp tại Edo và giao du thân thiết với môn sinh của Shoin là Takasugi Shinsaku. Shinsaku là một môn đồ xuất sắc của Shoin chịu ảnh hưỏng của Shoin trong những bài giảng binh lược của quyển "Tây dương bộ binh học". Sau này Shinsaku là một samurai cao cấp của Choshu được phiên chủ Mori tin dùng. Ông áp dụng "Tây dương bộ binh học" thành lập đội "dân quân" bao gồm mọi giai cấp theo mô hình phương Tây với súng ống phương Tây tiếp sức cho quân chính quy samurai. Ông dùng đội dân quân du kích dấy binh tại một ngôi chùa tại Chofu chống lại đại binh của Tokugawa cử đến trừng phạt Choshu. Ông đã nhiều lần "nhương di" đánh nhau với các hạm đội Anh, Pháp. Shinsaku từng đi sang Thượng Hải nhìn thấy tận mắt các thế lực phương Tây dày xéo nước Đại Thanh. Trở về Nhật với cái gương của nước Đại Thanh sờ sờ ông thắm thía sự phá sản toàn diện của cái học nhà Nho. Với sự thuyết phục của Ryoma, ông đồng ý liên minh quân sự với Satsuma chuẩn bị cuộc bắc tiến hỏi tội Tokugawa. Ryoma và Shinsaku trở thành đôi bạn chí thân. Cũng như Shoin và Ryoma, Shinsaku không nhìn thấy ngày thành công của cuộc duy tân. Ông không may chết vì bịnh lao ở tuổi 29.

Từ trường Tùng Hạ đi bộ một quãng đường thì đến nhà của Shinsaku nơi ông đã ra đời và lớn lên. Một căn nhà dù đã được trùng tu tươm tất nhưng vẫn còn lụp xụp toát ra cái nghèo (Hình 8). Nhà của Ito Hirofumi và Shoin cũng ở một khu gần đó. Ito Hirofumi (âm Hán Việt: Y-Đằng Bác-Văn) là đàn em của Shinsaku và cũng là môn sinh trẻ và xuất sắc của trường Tùng Hạ. Ông đã đi vào lịch sử Nhật Bản và thế giới như một nhà chính trị xuất chúng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong bài học lịch sử thế giới lớp 9 vài mươi năm trước thầy cô dạy về một anh hùng Nhật Bản mang cái tên là lạ "Y-Đằng Bác-Văn" làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Ông là vị Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Minh Trị và sau này là Toàn Quyền thuộc địa Triều Tiên. Chủ trương "thoát Á nhập Âu" là một hành trình kéo dài của Minh Trị Duy Tân đã biến Nhật trở thành một đế quốc tìm kiếm đất đai và tài nguyên của lân bang mà Trung Hoa và Triều Tiên là hai nạn nhân đầu tiên. Hirofumi bị An Jung-geun (An Trọng Căn) một nhà ái quốc Triều Tiên ám sát trong một cuộc họp tại Harbin (Mãn Châu, Trung Quốc). An là Phạm Hồng Thái của Triều Tiên. An bị treo cổ như một tội đồ và Phạm tự tử trên dòng sông Châu giang (Quảng Châu). Cả hai đều lưu danh hậu thế vì thành bại không luận anh hùng.


hinh-8

Hình 8: Nhà của samurai Takasugi Shinsaku


Choshu là nơi chí lớn gặp nhau. Những chí lớn này bỏ qua hận thù địa phương, ganh ghét cá nhân để cùng nhau tìm con đường cách tân đất nước. Cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân xuất phát từ miền nam nước Nhật được ươm mầm trong một thời gian dài với nỗ lực của nhiều cá nhân trác việt trong đó có Shoin, Ryoma và Shinsaku. "Truyện Ryoma" cho thấy cái rào cản lớn nhất trong xã hội phong kiến Nhật là giai cấp. Nhưng các chí sĩ duy tân trước hết đã tự cải biến tư duy của chính mình biểu hiện qua những hành xử cá nhân như việc xóa bỏ giai cấp trong giáo dục và trong quân đội để tạo dựng một xã hội công bằng văn minh có sự nhất trí của lòng dân. Họ cải cách quân sự, văn hoá, triết học theo phương Tây nhưng vẫn giữ tâm hồn võ sĩ đạo trong ý thức "biết người biết ta" và triết lý của chữ "hòa". Sau cuộc duy tân, thành viên của dòng họ Tokugawa và những quan chức trong chế độ cũ được đối xử tử tế trở về quê quán làm ăn hay tham gia chính quyền mới, không có biển máu trả thù cũng không có học tập cải tạo để hiểu sự ưu việt của "duy tân"! Cuộc đời của anh hùng Shoin, Ryoma và Shinsaku rất ngẫu nhiên chỉ vỏn vẹn 30 năm. Tổng cộng ba cuộc đời trên dưới 90 năm nhưng ước mơ của họ đã được đàn em kế tục và hạt giống của họ đã làm Nhật Bản trở thành đại thụ về kinh tế, quân sự, chính trị và khoa học kỹ thuật ở đầu thế kỷ 20.

*

Ở những ngày giáp Tết Hagi thật vắng lặng. Thị trấn chìm trong bầu không khí lành lạnh đầu đông hoà với ánh nắng nhè nhẹ chênh chếch hoàng hôn. Tôi chầm chậm đi dọc theo những con đường nhỏ đến trạm xe bus trở lại nhà ga Hagi. Tôi không quên ghé ngang phòng chỉ dẫn để cảm ơn cô quản lý. Thời gian còn nhiều cho đến giờ khởi hành của chuyến xe lửa đi thành phố Okayama nên tôi tiếp tục cuộc trò chuyện ban sáng, thắc mắc hỏi cô, "Tại sao đất Hagi lại lắm hào kiệt?", cô ta thoáng vẻ tự hào nhưng chỉ nhoẻn miệng cười trừ. Tôi nói đùa tự trả lời, "Chắc là tại phong thủy đấy. À… mà cô có biết phong thủy không?" "Umm … phong thủy? Chưa nghe bao giờ". Tôi ra vẻ hiểu biết chỉ vào bản đồ thị xã Hagi "Cô không thấy sao? Này nhé, Hagi có hình tam giác, hai cạnh mặt sau Hagi có núi có sông, thanh long bạch hổ đứng chầu, cạnh còn lại phía trước giáp biển Nhật Bản. Chốn này đắc địa, trong khoa phong thủy gọi là "sơn hoành thủy bảo" nên lắm nhân tài …". Cô ấy nhìn tôi bán tín bán nghi, tôi lại cười cười nói tiếp, "Nói cho vui thôi, đừng tin nhé", rồi cúi đầu từ giã cô quản lý tử tế và nhiệt tình.

Tôi vội bước lên chiếc xe lửa một toa của tuyến đường San-in kịp đi đến thành phố Okayama trên tuyến đường San-yo để đón xe siêu tốc trở lại Tokyo. Hai tuyến đường, hai cảnh quan. Chiếc xe lửa một toa ồn ào chạy cành cạch hết tốc lực vẫn không hơn 60 km/h trong khi xe siêu tốc êm ái chạy 300 km/h mà chỉ nghe tiếng vi vu của gió lướt qua thành tàu. San-in như vỏ bọc đóng băng thời gian cho thấy một Nhật Bản nghèo nàn nông nghiệp của vài trăm năm trước và San-yo biểu hiện nền văn minh điện tử đi qua những thành phố cực kỳ hiện đại. Hai khung cảnh tương phản khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến công lao, tầm nhìn và trí tuệ của những chí sĩ duy tân. Từ chiếc tàu đen của Perry cập bến Uraga (1853) đến cuộc duy tân chỉ có 15 năm. Nếu không có lòng ái quốc và sự nhiệt tình gần như cuồng nhiệt của các chí sĩ duy tân thì có lẽ cuộc cách mạng Minh Trị sẽ không xảy ra nhanh chóng và chắc không có một Nhật Bản ngày nay.

Tiếc rằng chỉ vài thập niên sau khi được "văn minh khai hóa" chính phủ duy tân "thoát Á nhập Âu" một cách quá tích cực đeo đuổi chủ trương "phú quốc cường binh", bắt chước thế lực đế quốc phương Tây xâm lược các nước lân bang, gieo thù chuốc oán, và cuối cùng đưa đến thảm họa hạt nhân. Các samurai yêu nước đã không chấp nhận những hiệp ước bất bình đẳng mà Tokugawa ký với đề đốc Perry nên đã nổi dậy làm nên phong trào "nhương di" và lật đổ chính quyền Tokugawa hèn kém. Vài mươi năm sau hậu duệ và môn sinh của những samurai yêu nước này lại làm giống những điều mà các thế lực phương Tây đã ép buộc họ, thậm chí tồi tệ hơn đối với Trung Hoa, Triều Tiên và một số nước châu Á kể cả Việt Nam. Tôi suy nghĩ lan man nếu những nhân vật đầy tính nhân bản như Ryoma, Shoin và Shinsaku còn sống để tham chính thì liệu họ có thể biến Nhật Bản trở thành một nước châu Á văn minh nhân đạo thay cho một Nhật Bản "cường binh"? Hay sự lớn mạnh kinh tế và quân sự của một quốc gia chẳng qua là một tiền đề bất biến của chủ nghĩa bành trướng "cá lớn nuốt cá bé" kể từ khi loài người xuất hiện trên hành tinh nhỏ bé này?

Phim "Truyện Ryoma" được mở đầu bằng cuộc phỏng vấn của một phóng viên với Yataro về cuộc đời sóng gió ngắn ngủi của Ryoma. Yataro lúc đó đã là đường đường chủ tịch tập đoàn Mitsubishi áo quần tươm tất, oai phong lẫm liệt và hai hàm răng bựa cũng được kỳ cọ trắng tinh. Yataro là một nhân vật điển hình của giai cấp "sĩ" sớm thức thời chịu "tụt hạng" để hành nghề "thương" trở nên giàu có. Chuyện phim được kết thúc trong một ngôi nhà tráng lệ của Yataro với nhiều kẻ hầu người hạ và khi phóng viên hỏi ông câu hỏi cuối cùng cho cuộc phỏng vấn thì ông ngã xuống thổ huyết qua đời ở tuổi 50.


Mùa hè Melbourne, March 2013

T.V.T.



Ghi chú


  1. Trong thời Mạc phủ, Nhật Bản được chia thành "han" (âm Hán Việt: phiên) tương đương với tỉnh, đứng đầu bởi một phiên chủ (lãnh chúa) tương đương với tỉnh trưởng, có quân đội riêng nhưng phải phục tùng chính quyền trung ương Mạc phủ ở Edo (Tokyo).

  2. Mạc phủ là tên gọi của chính quyền của giai cấp samurai đứng đầu bởi một Tướng quân (Shogun). Giữa thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, nước Nhật trải qua thời kỳ chiến quốc giữa các sứ quân địa phương tranh bá. Tokugawa Ieyasu bình định thiên hạ thống nhất đất nước chấm dứt thời kỳ chiến quốc trở thành Tướng quân mở ra thời đại Mạc phủ Tokugawa đóng đô tại Edo (Tokyo). Thực quyền nằm trong tay Tướng quân Tokugawa và Thiên hoàng chỉ là bù nhìn. Thời đại này kéo dài hơn 260 năm (1600 - 1868) và chấm dứt bằng cuộc Minh Trị Duy Tân. Trong thời gian này dân chúng sống trong hòa bình, văn hóa Nhật Bản được phát huy triệt để. Để thống trị các phiên chủ một cách hiệu quả Tokugawa ra lệnh mỗi phiên chủ phải cho vợ con của mình sống tại Edo như một con tin dưới quyền quản trị của Tokugawa và hằng năm các phiên chủ phải đích thân đến chầu hầu tại Edo. Mỗi lần đi chầu, phiên chủ phải mang theo hàng trăm, hàng ngàn quan quân theo đường bộ, nơi nào không có đường bộ thì theo đường thủy, đi cả tháng ròng đến Edo rồi lại quay về. Tokugawa cố ý tạo ra chính sách này để kiểm soát lòng trung thành của phiên chủ đồng thời làm các phiên chủ kiệt quệ tài chính vì mỗi lần đi chầu chi phí cho việc ăn uống, đi lại của quan quân rất tốn kém. Vì vậy, những phiên ở phiá nam xa trung ương như Satsuma-han, Choshu-han rất bất mãn và tìm cơ hội để lật đổ chế độ Mạc phủ.

  3. Nogi Maresuke là danh tướng người Choshu tham gia chiến tranh Nhật-Thanh (1894-95) và chiến tranh Nhật - Nga (1905) có những chiến công to lớn. Ông được bổ nhiệm làm Toàn Quyền thuộc địa Đài Loan và cùng vợ mổ bụng tuẫn tiết khi Minh Trị Thiên Hoàng qua đời.

  4. Nguyễn Xuân Xanh, "Tại sao người Nhật mê đọc sách",

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss