Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Xanh mơ

Xanh mơ

- Cổ Ngư — published 02/12/2011 19:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Xanh Mơ


Cổ Ngư


May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbour is a friend

Happy New Year - ABBA


Chiếc lược cắm ngập răng vào mái tóc, kéo dài thành những đường thẳng song song. Những đường cày trên thửa ruộng đen mượt. Tóc chảy ngàn hàng, đất cát xuôi dòng tràn ra sông suối, óng ả tuôn xuống vai, cuộn sóng đổ vào lưng. Tôi chải gỡ lần cuối mái tóc, rồi ngồi im. Nhìn mình trong gương. Cái thói quen từ tấm bé, lập lại mỗi ngày, thành nếp, và đâm ghiền. Không thực hiện được, sẽ bứt rứt, trằn trọc cả đêm. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại mất cả tiếng đồng hồ ngồi o bế mái tóc, để, chỉ với vài cái trở mình trong đêm, những sợi tóc sẽ rối xuôi rối ngược, đan cuốn lấy nhau thành những nút thắt bực-cả-mình. Có thể vì đây chính là lúc tôi làm đẹp cho riêng tôi ngắm, không phải bận tâm với những câu hỏi đại loại: mình bới tóc kiểu này có hợp với bộ áo đang mặc không; màu son có đậm quá so với màu phấn trên má không; người ngoài đường có ngoái cổ lại nhìn mình không; đồng nghiệp, ai sẽ khen, có ai chê mà không dám nói... Và anh ấy... Cũng có thể chính là lúc mà tôi nhìn rõ mình nhất trong một ngày, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một ngày, tán loạn với chào hỏi xã giao, trương mục, chi thu, số, chữ, cà phê, tán gẫu, thời sự, mốt, chiến tranh, bạo lực, khủng bố, sex, ô nhiễm, nhà, xe, tiền, tình... Một ngày, múa may giữa những vai tuồng khác nhau, khi phải tiếp đãi khách hàng, khi gặp đồng nghiệp, khi bị xếp dũa, khi hạch sách cấp dưới, khi cau có, khi tươi cười, khi muốn ba đầu sáu tay mười hai con mắt mà giương ra đối đầu đối địch với cuộc đời. Bây giờ, dưới ánh đèn vàng, là cái tôi trần trụi ngồi nhìn mình trong gương, tay đưa đều những đường lược. Màu mascara chảy nhoè vào màu phấn. Son bệt một vết bầm trên môi. Chiếc mụn bọc rách toạc, tôi gần tìm được sự an bình cuối ngày để dọn mình bước vào giấc ngủ. Vẫn thường tự nhủ: ngày mai, sẽ cố gắng đối xử bớt cà chớn với mọi người, để đổi lại, được mọi người đối xử ít cà chớn hơn, cho đến một ngày, sự cà chớn sẽ triệt tiêu, trái đất thành vườn địa đàng và lão hàng xóm hói đầu sẽ ôm chầm lấy tôi mà nhận là ruột rà máu mủ. Nhưng rồi ''sự cố'' cứ đều đều xảy ra, cà chớn đang từ vô cực âm nhu mì đùng đùng nhảy dựng sang vô cực dương phùng mang trợn má hò la cách mạng, để chờ đến lúc bị bịt mắt trói tay dẫn độ về điểm khởi đầu, cột mốc zéro! Ðã nhiều lần tôi chán nản, muốn bỏ cuộc chơi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy cõi đời này rốt cuộc cũng chỉ là một cái vòng luẩn quẩn của muôn vạn vòng luân hồi. Vậy chẳng lẽ cứ hài lòng làm con chuột bạch thông minh mê mải đánh mãi những vòng tròn? Sao không làm chim xổ lồng, cá rời chậu một phen? Sao không thoát ra bằng một đường tiệm cận, rồi đi thẳng, đi xa, đi mãi? Tôi cúi xuống, đầu ngực bỗng dưng căng cứng thèm muốn. Thèm một bàn tay vuốt ve, một đôi môi mơn trớn, một lời thầm thì gọi yêu. Kêu thành tiếng một cái tên, thảng thốt. Không ai trả lời. Ðứa tôi trước mặt mở to mắt nhìn kinh ngạc. Ừ, có còn ai đâu mà trả lời. Cuốn phim buồn đã kết thúc. Quyển truyện buồn với dấu chấm hết to tướng. Một người ở lại, một người ra đi, cả hai cùng đau khổ. Xưa hơn trái đất, ai cũng biết trước, có gì đáng kể lể đâu? Nỗi buồn. Gặm, cắn, nhai, xé, ngấu nghiến, nuốt cho trôi nó đi. Cho tiêu nó đi, giữa chất dịch vị chua loét của dạ dày ...


ooOoo


Rướn nhìn. Mỗi đêm, dưới ánh đèn nhàn nhạt, cô gái lại mở bung từng lớp cánh áo, phơi nhuỵ ngọc muốt trắng. Nín thở, thân đột ngột nóng bừng dù trời đang giá. Những đêm lập xuân, không gian trong trẻo lạ lùng, bao nhiêu bụi bẩn và khí nóng còn sót lại trong chiều rủ nhau bốc bay, tản bạt đi đâu hết cả. Giữa bầu trời đen chi chít những đốm lấp lánh sáng và căn phòng dìu dịu đèn của cô gái, loằng ngoằng vài cành khẳng khiu lớt phớt lá. Cong ngực hít một hơi dài. Có cảm tưởng từng đường gân căng gồ lực lưỡng. Không hiểu cô gái biết có kẻ đang lén nhìn hay không? Những tay lược vẫn đưa đều, mái tóc đổ dài, chắc hẳn mịn mướt lắm. Như lớp lông tơ trên phiến lá dậy thì. Mỉm cười vì sự so sánh...


ooOoo


Năm ngoái, có lần anh đã nhắc tôi về sự rạn vỡ, về những vết nứt trong toà lâu đài bằng pha lê của hai đứa, tuyệt đẹp nhưng lại lỡ xây trên nền cát ẩm chông chênh. Riêng tôi lại nghĩ, đó chỉ là những vết xước ngoài da, chỉ cần một chút thuốc đỏ là liền ngay miệng, cần gì tổn hơi phí sức lo lắng phải tìm cho ra mấy thứ keo hồ vôi vữa quý giá mà trám lấp vào, để hàn gắn lại. Tôi còn thầm kết tội sao anh đàn bà quá với những lo nghĩ tằn mằn, tủn mủn như vậy. Thế mà, dần dà, tôi mới hiểu cái góc đàn bà cẩn trọng nơi anh lại có lý vạn lần hơn cái phần đàn ông đoảng vị trong tôi. Có gì mà không cần tu sửa, tân trang trước sức tàn phá chậm chạp nhưng vô cùng bền bỉ của thời gian? Bây giờ, có hối cũng đã muộn, cuộc tình sập tiệm, anh bỏ đi xứ khác làm ăn, tôi ngồi lại với một đống đổ nát và chút kinh nghiệm thu nhặt được. Ðể dành. Cho những tình yêu sẽ đến. Nếu có?


Tóc đã chải xong, son phấn đã lau sạch. Tôi tắt đèn, chui vào chăn ấm với ý nghĩ, nếu đây là giấc ngủ sau cùng, thì sự khác biệt rõ rệt nhất của thân thể tôi khi sinh ra và lúc chết đi, có lẽ chỉ là cuống nhau nối liền vào lòng mẹ. Tôi chưa và sẽ không bao giờ mơ ước được làm mẹ, để đem máu thịt của mình ra san sẻ cho một hình hài khác, rồi sau chín tháng, nó sẽ dứt rời và xa dần từng bước. Lũ anh em chúng tôi lớn lên không thấy mặt cha. Ông cứ bay nhảy từ hết thửa đất màu mỡ này đến bến bờ tươi tốt khác để gieo giống, nhưng không bao giờ chịu đổ một giọt mồ hôi cho những vun trồng và chăm bón. Mùa thu hoạch, ông cũng chẳng cần. Những người đàn bà mê muội xiêu đổ trước dáng vóc và miệng lưỡi của ông, trong đó có mẹ chúng tôi, cam phận thui thủi nuôi con trong những tháng ngày mỏi mòn chờ đợi, và đôi khi, trút hết nỗi căm phẫn uất ức lên đầu lũ bé thơ. Tôi không muốn như mẹ, có những nắm ruột vừa thương vừa thù mình, nên nhất định không muốn có con. Anh thì, ngược lại. Và đó, có vẻ, có thể, có lẽ, cũng là một nguyên nhân dẫn đến chia tay. Từ đấy, tôi đâm ra căm thù chính bản thân. Và khi người ta không còn yêu mình nữa, người ta thường hay lẩn thẩn nghĩ đến cái chết. Như tôi, lúc này. Chết, với ngủ, chắc chỉ cách nhau vài bước. Khi ngủ, người ta không kiểm soát được những suy nghĩ và hành động của mình nữa, hơi thở chậm, cơ thể yếu đuối, chỉ cần một bàn tay đặt quên trên ngực cũng tạo cảm giác ma đè, đá chặn. Rồi nếu hơi thở chậm dần và ngưng hẳn, những hình ảnh, âm thanh, màu sắc trong giấc mơ chuyển sang âm bản, từ từ rơi rụng từng mảng, mọi cơ bắp thôi hoạt động, tất cả xôn xao cuả lũ vi ti tế bào yên ắng dần rồi im hẳn. Bặt. Hình như đã bắt đầu ...


ooOoo


Thế nào là một người đàn bà đẹp? Cô gái ngồi chải tóc mỗi tối ở lầu trên hay cô gái chơi cello mỗi chiều ở lầu dưới? Ở mỗi người là một khuôn dáng riêng biệt. Nếu vẻ buông thả chán chường từ những làn tóc rũ dường như đẩy nét khêu gợi của màu da ngà lên cao độ, thì tia nhìn chăm chú khoan hoà kia quyện với dòng nhạc trầm lại gọi buổi chiều thanh tịnh đậu xuống bọn chồi mầm vừa nhú. Từng cành xương thôi rung mình ớn lạnh. Nhựa ngọt từ tốn chuyển theo chuỗi âm thanh chậm rền. Nhưng hình như, những ngón tay vuốt tóc vẫn níu kéo niềm đam mê hơn bàn tay đưa đẩy cung dây. Hình như thần trí vẫn mê muội, thân vẫn run lên bần bật trước cảnh khoả thân dưới ánh đèn nhạt mỗi đêm. Hình như ao ước được vuốt ve, mơn trớn ngày càng trở nên mãnh liệt, thành nỗi thèm muốn điên dại của cơn chiêm bao ngập đầy dưỡng khí.


ooOoo


Tôi bắt đầu chú ý đến hắn. Một hôm cuối tuần nắng đẹp, ngồi nghiêng người trên băng ghế công viên trước nhà với quyển sách cầm lơi trong tay, thấy từ phía đối diện, hắn đẩy cửa bước ra, dáng tự tín trong áo quần thể thao thẳng thớm, túi vợt tennis khoác ngang người, phom phom bước về phía chiếc Porsche, nhảy phóc vào rồ máy phóng vọt đi. Không điệu bộ, không trình diễn, tự nhiên như-là-như-thế. Phải chăng sức sống căng tràn tươi trẻ của hắn làm tôi xao động? Phải chăng những làn gió mỏng manh gây gây lạnh của ngày thứ bảy mùa thu ấy khiến tôi bỗng thèm một hơi thở nóng ập đến sau lưng, phà vào gáy, cùng lúc với vòng tay ôm quấn ngang eo? Phải chăng tôi thấy mình vẫn còn thu hút tia nhìn của bao gã đàn ông qua lại, vẫn còn đẹp, vẫn còn tươi phơi phới? Cứ cho là như vậy đi, nhưng từ lề đường bên này bước qua được tới phía bên kia đã là vượt quá một khoảng cách, biết hắn ở căn nhà trước mặt đó, biết hắn trẻ, khoẻ, ngon lành đó, rồi sao, làm được gì nào? Hay chỉ loay hoay gồng gánh những khát khao theo vào giấc ngủ? Ngủ một mình, khi đã quen, đã ghiền với những động cựa, xoay trở, với tiếng ngáy, nhịp thở của người bên cạnh, quạnh quẽ lắm, cô, đơn lắm! Tôi cắn răng ngủ một mình như thế đã hơn nửa năm, thắc thỏm đợi chờ một cú phôn, một tiếng gõ cửa, tra chìa trong đêm báo tin anh trở lại. Nhưng không, đã tàn rồi mùa đông, những ngày lễ đã đi qua, kéo vỡ hết mọi hy vọng đoàn tụ, và hắn, từ căn nhà đối diện, vẫn thỉnh thoảng bị tôi bắt gặp bước ra đường, một mình, vui, trẻ, khoẻ, ngon lành, và ngang nhiên khuấy động, xáo tung lên những suy nghĩ vẩn vơ, quầng quầng đảo lộn trong đầu liền suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó.


ooOoo


Có con chim nhỏ vừa đậu xuống cạnh bên. Nó ngúng nguẩy đuôi, nghiêng ngó kiếm tìm. Con chim nhỏ cánh lông xơ xác, sống gầy guộc qua suốt mùa đông, đang hy vọng có thể moi ra được một gã sâu non, một tên bọ nhỏ ẩn trú đâu đó dưới lớp lá tươi vừa nhú. Chưa đến lúc đâu chim ơi, hãy gắng thêm ít ngày với những mẩu bánh khô, những hạt thóc vụn bên đường. Tuần tới, tháng sau, khi ấy... Con chim nhỏ thôi kiếm tìm. Nó đứng đực ra, hướng về phía phòng cô gái. Sau lớp kính trong, là bức màn cửa rực rỡ hoa cỏ mùa xuân. Những sắc màu thôi miên tầm nhìn. Như ánh đèn vàng và cô gái trần truồng ngồi trước gương chải tóc mỗi đêm ma mị ý nghĩ, gọi cồn cào khát khao… Thoắt, con chim nhỏ nhún chân, đâm vụt về thảm hoa cỏ đủ màu, vừa khi đến gần, chợt nhận ra bóng mình phản chiếu trong kính, nó xấu hổ bay ngoắt đi. Nhưng ở chỗ chim vừa bỏ trống, nắng mai bỗng ùa đến lấp đầy. Nắng mùa mới, tươi lạ thường. Nắng ngọc.


ooOoo


Tôi ngã vật ra giường. Cứ để nguyên áo váy mũ giày. Cứ để nguyên tóc cuộn rối trong khăn choàng cổ, tóc đổ ra che khuất cả mặt mày, che tối tăm mờ mịt năm tháng. Đêm ba mươi. Đêm á châu của những xum họp, hương hoa, cúng bái, chúc tụng. Đêm ấu thời thơm mùi tiền mới, áo đẹp, mứt ngon. Đêm năm ngoái còn nồng nàn. Đêm hôm nay một mình. Thui thủi. Mệt, rã ra vì mệt, hay nẫu ra vì buồn? Có chút gì hy vọng ở tương lai, cho ngày mai, năm tới? Mùa xuân vẫn về, bình thường hay bất thường, với người hay với tôi? Nhắm mắt lại, muốn quên hết, muốn xoá nhoà, muốn quét gọn, muốn làm lại từ đầu. Từ đâu? Từ lúc lọt lòng mẹ hay khi lóng ngóng rời mái ấm gia đình chập chững bước vào đời? Từ lúc anh mân mê những ngón tay thon trong bóng tối rạp ciné hay khi anh lặng lẽ kéo lê chiếc valise ra khỏi cửa? Từ ngày thứ bảy mùa thu ngẫu nhiên bắt gặp hay khi mê mẩn đổi trao những nụ hôn trong căn phòng ở ngôi nhà đối diện, bên kia đường, tuần trước? Phải rồi, từ đó, từ hắn, chiếc phao trên biển, ngọn đèn trong đêm, và những nụ hôn, nỗi rạo rực của mùa xuân, năm mới sắp đến, dọn mình, tẩy rửa cho sạch quá khứ, quên đi, quên đi...


ooOoo


Cô gái nhoài người ra cửa sổ, vói bẻ một cành chìa ngang nhiều chồi xanh, có chiếc lá đầu đàn, xoè bàn tay lắc lư trong gió, lúc nào cũng như muốn vẫy gọi cô. Cô cắm cành lộc vào chiếc bình thủy tinh trong biếc, đổ đầy nước ấm, vừa hát nho nhỏ vừa trút bỏ áo váy. Chiếc lá non sướng điên lên. Nó đã được toại ý. Bàn tay cô gái khi nãy đã khẽ khàng vuốt ve phiến lá mịn. Và giờ đây, chiếc lá hít phồng ngực mùi thơm của da thịt, nó nhìn tận mặt dòng mượt của mái tóc. Ở ngay sát cạnh bên, không phải ngoài cửa sổ, sau lớp kính trong. Và nó biết, lẫn trong đám chồi xanh kia, có vài nụ hoa đã chớm, sẽ kịp nở tặng cô gái đúng sáng ngày mai, ngày đầu năm mới. Mùa xuân vẫn về, bình thường, với mọi người, mọi vật. Chiếc lá non hài lòng, yên tâm say giấc trong ánh đèn dìu dịu. Nó còn loáng thoáng thấy những đường lược đưa đều, đưa đều, nhịp nhàng, thảnh thơi, thong thả...


Cổ Ngư

Choisy-le-Roi 11.2001


* Tóc chảy ngàn hàng, trích từ lời ca khúc ''Khối tình Trương Chi" của nhạc sĩ Phạm Duy.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss