Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 1 / Tưởng nhớ Bác Hoán

Tưởng nhớ Bác Hoán

- Hoàng Xuân Hãn — published 08/03/2008 06:00, cập nhật lần cuối 09/03/2008 00:28
Hè năm nay, tôi ra đến Dãthự ; thấy hồng tàn, cây đổ, cỏ umtùm, rào rậmrạp. Trước cảnh đẹpđẽ, thêlương, bỗng nhớ Bác, nên cũng soạn một bài văn, viếng riêng Bác Hoán, nhưng cũng là để nhắc lại các đồngliêu côngbinh với Bác, đã lưu lại Pháp, mà vẫn một lòng trungthành với tổquốc.


Tưởng nhớ Bác Hoán



Hoàng Xuân Hãn


Đôi lời giới thiệu:


Như một thông lệ, mỗi lần đăng bài của học giả Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi tôn trọng chính tả của nguyên tác, đặc biệt là việc dùng gạch nối trong các chữ kép. Đó không phải chỉ vì kính nể ý muốn của một học giả cao niên, mà còn có ý nhấn mạnh một điều mà nhiều nhà ngôn ngữ học vẫn chưa nhận ra : tiếng Việt ngày càng đa âm hoá, và nếu trong lúc viết hoặc in, ta nối liền những chữ kép (nói theo danh từ ngôn ngữ học thông dụng, những từ đa âm) thì người đọc sẽ đọc nhanh hơn, hiểu nhanh hơn. Lần này, đế thể hiện sự nối liền nói trên, và được phép tác giả, chúng tôi sẽ không dùng gạch nối mà sẽ víết liền nhũng chữ kép.

Cách này, tác giả đã thử nghiệm cách đây nửa thế kỷ, khi ông xuất bản cuồn sách nối tiếng Danhtừ khoahọc. Độc giả chưa quen, có thể sẽ ngại rằng viết liền thì một số chữ trở thành khó đọc. Thật ra, tác giả đã trả lời trư­ớc : số chữ kép viết liền có thể đọc hai cách thực ra rất ít, và nội dung câu sẽ cho phép đoán ra cách đọc dúng.

Một thí dụ thường được nêu lên là chữ phát-hành nếu viết liền pháthành có thể đọc sai là phá thành. Thực ra, phá thành không phải là một chữ mà là hai : phá (động từ) và thành (danh từ) ; còn phát-hành là một động từ kép. Tuy nhiên, để ngườí đọc không phải vấp váp, mất thời giờ suy đoán, cũng là chuyện không nên. Vi vậy, trong nhũng trường hợp hiếm hoi này, chúng tôi sẽ không viết
liền, mà dùng gạch nối. Như trong bài đăng dưới đây, chỉ có 4 trường hợp : 2 chữ trong lời chú mở đầu (thực-hành và đồng-âm), 1 chữ trong bài văn tế (tán-hoán) và 1 trong lời chú thích (Na-uy).

Đó là chuyện hình thức. Còn về nội dung, chúng tôi xin để bạn đọc trực tiếp chia sẻ tình cảm của tác giả đối với người bạn đã khuất và tâm tư của tác giả trư­ớc cảnh thêlương của Dã thự Cam Tuyền.


K.V.


Bác Hoán tên là Nguyễn Con Hoán, quê huyện Hương Sơn (xưa thuộc phủ Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1939, chínhquyền Đông Dương tuyển vào chân " lính mộ " sang Pháp dự chiếntranh chống Đức. Khi Bác sang đến nơi thì Pháp đã thua, nhưng không phươngtiện đưa Bác và đồngđội về nước. Trong năm 1945, lầnlượt chínhquyền Pháp bị truất ở Đông Dương bởi Nhậtquân, rồi Nhậtquân đầu hàng Đồngminh. Nước ta có cơhội tuyênbố độclập và thực-hành duytrì độclập. Quânđội Pháp mở cuộc viễnchinh xâmchiếm nước ta. Bác Hoán gianhập phongtrào phảnđối, rồi sau đó, dựphần lập hội Việtkiều yêu nước. Bác đã tậntuỵ phụcvụ hội và tìnhnguyện giữgìn hộiquán đêmngày. Năm 1980, nhóm phảnđộng đốt hộiquán, Bác may được lánggiềng cứu thoát chết.

Sau đó, Bác thường cùng Bác gái ra nghỉ hè cùng một nơi với tôi tại Manoir d’Aubonne, mà tôi đã đặt biệtdanh là Dãthự Camtuyền, ở Normandie. Bác chămlo quảnlí phần lớn Dãthự trong hè. Bác giúp tôi phát gai, cắt cỏ. Có hôm, trước gió biển, về chiều, chúng tôi cắt xén hàng rào, Bác ngoảnh đầu bảo tôi với  giọng Nghệ mà Bác vẫn giữ toànvẹn, rằng: " Cuối cùng chỉ có hai thằng tra (già) Hà Tĩnh ăn cơm nhà vác ngà voi mà thôi ! "

Bác thích nuôi chim, nuôi chó. Mỗi khi đi ra Dãthự, khoảng sau xe con bốn ngựa của Bác bị choán bởi chó xích, chim lồng. Buổi chiều, tại Dãthự, sau khi nghe tintức nước nhà qua đài phátthanh vôtuyến Việt Nam, Bác thủngthỉnh dắt chó đi chơi. Người ta thấy ngoài đường một ông già đi lomkhom, khi thì dắt một con chó cũng già, lẽođẽo theo sau, khi thì bị một con chó choai mạnh lôi đi chếnhchoáng. Bác rất ít nói. Khi nói thì không hề dùng lời chảichuốt. Với giọng nói hoàntoàn Hàtĩnh, dù Bác nói tiếng Việt hay tiếng Pháp, người nghe cũng chỉ đoán ý mà thôi. Nhưng không phải thế mà Bác kém khôihài và hómhỉnh. Một năm, Bác ra Dãthự một mình, vào tháng bảy, để cùng tôi sửa soạn chỗ nghỉ hè cho kiềubào. Bác đi ra tự nhiên với con chó; Bác gái còn bận việc với bưuchánh chưa được nghỉ. Không biết vì việc gì, Bác phải về gấp Paris. Thế là, duới trời nắng changchang, Bác lái xe bốn ngựa về với con chó. Hơn một giờ sau, chuông điệnthoại Dãthự kêu ; nghe tiếng Bác Bà từ Paris báo cho tôi rằng : xe Bác trai bị hỏng dọc đường, được cảnhbinh gọi gara đem về chữa ở một làng nhỏ cạnh Audemer ; nhưng đến ngày sau xe mới chữa xong ; tối ấy, Bác trai không chỗ ngủ ; vậy nhờ tôi tới đón lại làng kia. Tôi liền lái xe chừng năm mươi cây số đến làng nọ. Làng nhỏ nên tìm đến gara liền. Họ nói Bác chắc ở tại nhà cafê phía sau. Tôi quành xe tới, thấy Bác ngồi ngoài sân, limdim mắt, con chó nằm nấp nắng trong bóng Bác. Tiếng xe tôi két bánh dừng, làm Bác tỉnh giậy. Bác rất mừng, bèn dắt chó lên xe, rồi ngồi cạnh tôi. Bác kể chuyện :

«Đang đi trên xalộ, mềnh (tôi) thấy xe bốn ngựa trụctrặc, mềnh lái xe nép vào mép đường, rồi đứng đợi... May có cảnhbinh cỡi môtô chạy qua chộ (thấy). Họ đứng lại hỏi, rồi họ gọi hộ gara đến kéo xe về đây. Thằng gara bảo trụcchuyền xe gãy ; chữa đuợc, nhung đến chiều mai mới xong. Mềnh đành tìm chỗ ngủ đêm. Tới nhà cafê-kháchsạn độcnhất nầy, thì thằng chủ hắn dòm mềnh, lại dòm con chó, rồi bảo nó không có phòng. Mềnh không có số dây nói của Manoa, đành xin nó cho gọi về Paris, nhờ vợ cầu cứu... Mềnh vốn dân đồng ruộng, núi rừng yêu chimchóc, yêu thúvật. Mềnh rất thương chó, thế mà thằng chủ cafê-kháchsạn kia lại nói vì mềnh có chó, nó không cho thuê phòng ngủ ; và lúc mềnh mua nó một cốc giảikhát, nó lại viện cớ con chó, bắt mềnh ngồi ngoài sân nắng chết cha ! Thật là mềnh tức lộn rọt (ruột). Nó thật là đồ chó !...Nghĩ lại cũng buồn cười : mềnh thương chó, nhưng lại rất ghét đồ chó. "

Mùa hè năm 1989, tại Dãthự Aubonne, Bác bị đau bụng. Bácsĩ khám qua, tưởng bệnh chỉ tạmthời. Không ngờ Bác mất, ngày 31 tháng 1 năm 1990, thọ 85 tuổi. Báo ĐOÀNKẾT số 422 (tháng 4-1990) đã có lời cáophó và phúngđiếu.

Hè năm nay, tôi ra đến Dãthự ; thấy hồng tàn, cây đổ, cỏ umtùm, rào rậmrạp. Trước cảnh đẹpđẽ, thêlương, bỗng nhớ Bác, nên cũng soạn một bài văn, viếng riêng Bác Hoán, nhưng cũng là để nhắc lại các đồngliêu côngbinh với Bác, đã lưu lại Pháp, mà vẫn một lòng trungthành với tổquốc.

Bài văn sau là một bài soạn theo thể « Văn tế cũ ». Nay không mấy ai dùng nữa, nhưng thể văn này đã có khá nhiều kiệttác trong quốcvăn. Muốn các bạn trẻ hiểu rõ tínhcách thể này, tôi sẽ bày tỏ một vài thểtính. Văn tế là một lối văn biềnngẫu, nghĩa là gồm nhiều câu, mỗi câu chia làm hai vế đối nhau, đại khái theo phép đối thường : số chữ bằng nhau, chữ thanh bằng đối với chữ thanh trắc (ít ra là những chữ canhệ), về ý thì gắng cho hai chữ đồng một loại. Mỗi vế là một toàncú, nghĩa là có trọn ýnghĩa. Vế có thể gồm nhiều phâncú, nghĩa là ngắn nhưng cũng đủ ý. Phâncú lại gồm nhiều tiểutiết, tự nó không đủ ý nhưng khi đọc, phải tách rời thì mới thành điệu văn biềnngẫu. Chữ vần ở cuối mỗi câu, nghĩa là theo nhịp hai vế một vần. Văn tế chỉ dùng vần trắc (dấu sắc, nặng, hỏi, ngã). Chữ vần có thể đồng-âm, nhưng ý phải khác nhau. Toàn văn chia làm nhiều đoạn : phá, thừa, thực, luận và kết. Trong văn, thường chêm vào một số câu ngắn, chỉ gồm ba bốn chữ, không kể vào luật biềnngẫu nói trên. Nó chỉ để " nghỉ hơi " và chia đoạn. Vì văn tế là văn độcvận (chỉ một vần) cho nên khó làm được dài mà không bị gòbó. Sau đây là một ít lời thửthách mà thôi.

Tôi sẽ chép mỗi vế trên một hàng. Mỗi câu, gồm hai vế, sẽ bắt đầu ở cột khác nhau. Những câu " nghỉ hơi" thì lùi vào giữa và in chữ nghiêng. Cách chấm câu thì : cuối câu có chấm, cuối vế trên có chấmphẩy, cuối phâncú có phẩy, và cuối tiểutiết tôi sẽ dùng dấu *.

(1 ) hay Ắc Ê, phiên âm tử tiếng Pháp un Deux (một hai)

(2) Ba Lan, Na-uy, Áo, Tiệp Khắc

(3) Eo biển Manche giữa nước Pháp và nước Anh. Dãthự Aubonne (Camtuyền) ở trên một mỏm đất cao, nhìn ra biển Manche.



VĂN TẾ BÁC HOÁN


Than ôi !


Người xương thịt * sinh rồi lại hoá, quá tám mươi, không đợi trăm năm ;
Nghĩa tay chân * thắm chẳng hề phai, bỗng nửa phút, chia làm hai đoạn.


Hè nay ra * Dãthự CAMTUYỀN.
Chợt tưởng tới * hươnghồn BáC HOÁN.


Tôi với Bác * cùng chung một phủ, ngụ đất người, thêm nặng * nghĩa quêhương ;
Bác cùng tôi * tuy khác đôi nghề, xót vận nước, nên đặm * tình bầu bạn.



Nhớ Bác xưa :


Khítiết cuơngcường ;
Hành vi quyếtđoán.

Ghét những kẻ * công tâm đầu lưỡi, lời phêbình thẳng thắn * phải đành nghe ;
Quý những người * nhiệt huyết đầy lòng, đường đi lại ân cần * không nỡ đoạn.


Nhắc chuyện cũ :


Lúc tuổi trẻ, nối dòng làm ruộng, bùn, lầy, mưa nắng * không nài ;
Khi lớn lên, theo bố đi rừng, sên, rắn, hùm, beo * chẳng nản.

Quyền Bảohộ, Tây, Quan, Đồn, Bót, một cổ * buộc hai tròng
Nạn Nhật quân, Doanh, Trại, tàu, xe, nhiều phen * lây lắm nạn.


Rồi đến lúc :


Thếgiới hết hoàbình;
Âuchâu cùng rối loạn.

Cờ thậpngoặc * baotrùm trên Đứcđịa, các lânbang * đâu đấy lunglay ;
Đội xe tăng * ngấpnghé dọc biênthuỳ, dẫu cườngquồc * cũng đều tán-hoán.

Chínhphủ Pháp * bèn ra lệnh động binh ;
Quyền Đông Dương * phải tìm người đỡ đạn.

Dân traitráng * mỗi làng một số, chịu lệnh tòngquân ;
Lứa thanhniên * cả nước mấy nghìn, bị người caiquản.

" Ắc Đê " (1) trong đồn trại, từ Bắcbộ đến Namphần ;
Laylắc giữa phongba, lìa Đôngdương sang tâyngạn.


Trong lúc ấy :


Quân fátxít * đã tunghoành khắp mặt, Ba, Na, Áo, Tiệp (2), chịu quihàng ;
Dạo hùng binh * quay rầmrột sang Tây, Pháp, Bỉ, Hoà, Anh, đều tẩután.

Đoàn lính Việt * cặp bờ lên bến, bỗng chơvơ * như vỡ tổ bầy ong ;
Kẻ thammưu * khoá trại khép đồn, khiến lơláo * như lạc đàn lũ nhạn.

Thế rồi * đất người cấm cố, tuỳ bữa đói no ;
Lại thêm * tin nước vắng tanh, suốt ngày tathán.


Trở về sau :


Quân Đức Ý * bị Đồngminh đánh bại, Pháp nhândân * nônức vuivầy ;
Nước Việtnam * mắc quânphiệt lại xâm, đoàn lính mộ * căm hờn aioán.

Nhưng Bác * nhà cửa lập vừa yên ;
Nên Bác * hồihương đành phải hoãn.

Dốc lòng bấttận, phụcvụ Việtkiều ;
Ra sức vôtư, giữgìn Hộiquán.

Phe phảnđộng * vốn mang lòng ghennghét, tìm phương ámhại * kẻ kiêntrinh ;
Kẻ manhtâm * cõng rắn cắn gà nhà, xuýt phải lâm vào * cơn hoảhoạn.


Cũng vì thế :


Bác gặp tôi nơi nghỉ mát, được người trithức, thự Camtuỵền * thêm sức duytrì;
Tôi cùng Bác tính chămlo, gặp kẻ đồngtâm, vườn hoa cỏ * nhiều tay tusoạn.

Khi nhàn rỗi, cùng nhau * nhắc chuyện xóm làng ;
Lúc dạo chơi, thăm hỏi * nhântình quêquán.


Nay thì đã :


Bể Tay-áo (3) trăng mờ ;
Trời Hươngsơn mây tản ;

Trông lên cổthụ, gió phấtphơ, như khêugợi * mối bisầu ;
Ngó xuồng rừng phong, nắng tôđiểm, khôn lấpche * lòng ngaongán.

Trông cảnh thêlương, càng nhớ Bác, hồn thiêng * chắc đoái thự Camtuyền .
Gẫm mình giàcả, chạnh than tôi, lòng thắm * xin dâng lại điềuvãn.



Dãthự Camtuyền giữa hè Tânmùi


Yênhồ Hoàng Xuân Hãn


(bài đã đăng Diễn Đàn số 1, 10.1991)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss