Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / CHUYỆN MẮC... DỊCH

CHUYỆN MẮC... DỊCH

- Tú Sụn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

Những điều trông thấy



CHUYỆN MẮC... DỊCH



Dọn dẹp nhà cửa trong dịp nghỉ hè, Tú Sụn tôi lần giở đống báo cũ, bỗng thấy trên trang báo Tiền Phong (1) bài giới thiệu một tác phẩm mới của nhà văn Châu Mỹ La tinh Gabriel García Márquez “Tình yêu nổi giận”. Vốn mê tác giả “Trăm năm cô đơn”, lại vừa được đọc “L'Amour aux temps du choléra” (Tình yêu thời dịch tả) nên Tú Sụn rất chú ý. Cái ông GGM này ghê thật, yêu tùm lum tà la, hết “dịch tả” lại “nổi giận”. Quái, sao chưa thấy tác phẩm này được dịch ra tiếng Pháp vậy cà? Độc giả Pháp rất mê García Márquez, chẳng lẽ tác phẩm ra hơn một năm rồi vẫn chưa được dịch? Biết đâu được, cuốn “Innocence perdue” của Neil Sheehan hay như vậy, được giải Pulitzer, mà rồi phải mấy năm, nếu Tú Sụn nhớ không lầm, đến tháng 5 năm ngoái, bản dịch tiếng Pháp mới được phát hành, gần như cùng lúc với bản dịch tiếng Việt. Nhưng mà cũng bán tín bán nghi, Tú Sụn tôi đọc kỹ cả bài báo. May thay, tác giả bài báo chua thêm cả đầu đề nguyên tác của cuốn tiểu thuyết “Tình yêu nổi giận”: El amor en los tiempos del cólera. Tiếng Tây Ban Nha báo hại, cólera thực ra là hai từ đồng âm: (1) cólera giống cái có nghĩa là sự giận dữ (giống tiếng Pháp la colère), (2) cólera giống đực bệnh dịch tả (tiếng Pháp le choléra). Tóm lại, “El amor en los tiempos del cólera” chính là cuốn “Tình yêu thời dịch tả” (L’amour aux temps du choléra) chớ chẳng phải tình yêu nổi giận nổi lành gì ráo. Chữ tác đánh chữ tộ, tiếng Pháp có câu “traduire, c’est trahir”, (dịch là phản) nay có thể “mắc dịch” là “dịch là... tả”.

Nói đùa cho vui, chứ nghĩ cũng tội cho ông bạn dịch giả nói trên. Dịch sai có khi chỉ vì dịch vội, có thể gọi là dịch sô, như ca sĩ chạy đi hát sô mỗi tối nhiều nơi vậy. Thật thế, sách báo nước ngoài khan hiếm, báo mới của nước ngoài ở Hà Nội hay Sài Gòn thường thường là do công an biên phòng lấy từ máy bay đem bán những thứ đồ “quốc cấm đồi truỵ phản động” này cho mấy tay “đầu nậu”, rồi mấy tay này lại cho thuê. Vớ được tờ báo mới, dịch giả thuê một ngày, phải dịch một loạt bài để bán cho các báo, tất nhiên phải dịch nhanh dịch vội, một là để trả cho kịp, hai là phỗng tay trên những dịch giả khác. Mà đã dịch vội dịch sô thì tất nhiên có ngày dịch...tả.

 Tội cho nhà văn García Márquez vốn có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Giải thưởng Nobel văn chương này là một người bạn thuỷ chung của Việt Nam. Thời chống Mỹ, ông là một trong những trí thức nổi tiếng của châu Mỹ La tinh đã nhiều lần xuống đường ủng hộ Việt Nam. Những năm 1978-90, Việt Nam trở thành mục tiêu của cả một chiến dịch tuyên truyền từ Bắc Kinh tới Washington, Gabriel García Márquez đã đi Việt Nam và viết một loạt bài bênh vực Việt Nam, bênh vực một cách có tình có lý, cái gì sai thì bảo sai, cái gì đúng thì bảo đúng, chứ không phải “bênh vực vì nguyên tắc”, bênh lấy được. Ấy vậy mà ở Việt Nam, người ta chỉ biết đến tên ông, chứ trong mấy thập niên, chẳng ai được đọc tác phẩm của ông. Picasso thì người ta còn được thấy con chim bồ câu hoà bình, mặc dầu khó có thể coi con chim bồ câu là tác phẩm tiêu biểu nhất của họa sĩ. García Márquez thì chỉ được coi là “bạn đường”, chớ tác phẩm của ông thuộc loại “huyền ảo”, không đáng được dịch và phát hành trong một nước đã lấy “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” làm phương pháp sáng tác chủ yếu (có lẽ vì chủ mà thành yếu). Cho đến ngày người ta tạo ra được thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (réalisme fantastique) – xem Từ điển văn học của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2 tập, Hà Nội 1983 và 1984 – thì García Márquez mới được “nâng cấp”, và mấy năm gần đây, tác phẩm của ông mới ra mắt bạn đọc Việt Nam (Trăm năm cô đơn, và hình như cả Mùa thu của trưởng lão). Tuy nhiên, ông vẫn còn bị nhiều nỗi oan trái. Đầu tiên từ cái tên cúng cơm. Theo lối xưng danh truyền thống của châu Mỹ La tinh, Gabriel là tên (prénom) của nhà văn García Márquez là họ (kép), cũng như García Lorca là họ kép của nhà thơ Tây Ban Nha mà tên cúng cơm là Federico. Ấy vậy mà Từ điển văn học xếp nhà thơ Federico García Lorca vào vần G (Gacxia Lorca), còn García Márquez lại đưa xuống vần M (Mackex), khác gì Đặng-Trần Côn xếp vần T, Tư-Mã Thiên xếp vần M.

Lại nói về “Tình yêu thời dịch tả”. Cho đến ngày nay, tác phẩm này vẫn chưa đến tay độc giả Việt Nam, mặc dầu nó đã được dịch và in xong. Mấy ngàn bản dịch nằm ở nhà in, rồi bị thủ tiêu, vì quan chức “tư tưởng văn hoá” cho rằng “Tình yêu thời dịch tả” là một tác phẩm “khiêu dâm đồi truỵ”. Cẩn thận hơn, các vị quan chức còn cấm báo chí nói tới việc này. Không rõ đây là một “bí mật quốc gia”, tiết lộ ra sẽ “phương hại an ninh”, đáng bỏ tù như Dương Thu Hương, hay chỉ vì ngại việc này đến tai Gabriel García Márquez. Có thể lắm, GGM biết được chuyện này, chắc ông sẽ viết một tác phẩm mới, “El amor de la cólera”: Tình yêu nổi giận.


Tú Sụn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss