Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Thu nhập năm 2000

Thu nhập năm 2000

- Vũ Quang — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

Chiến lược kinh tế



VIỆT NAM CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC
THU NHẬP ĐẦU NGƯỜI 400 USD
VÀO NĂM 2000 KHÔNG?


 

Vũ Quang


Từ đây đến năm 2000 (mười năm), tăng gấp đôi thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Việt Nam (từ 200 đôla đến 400 đôla): đó là mục tiêu chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra trong đại hội vừa qua. Hầu hết những ý kiến được phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều cho rằng chỉ tiêu đề ra có tính khả thi (faisabilité). Thậm chí có người đề nghị nâng chỉ tiêu lên 1000 đôla. Trong những ý kiến cho rằng con số 400 đôla / người là một chỉ tiêu không thể đạt được, có Vũ Quang, chuyên gia kinh tế Việt Nam, làm việc ở Liên Hiệp Quốc. Ông giải thích tại sao trong bài viết dưới đây (đã được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 12, 1991) .

 

1. Để đạt được thu nhập bình quân đầu người 400 USD vào năm 2000, tức là tăng gấp đôi so với thời điểm 1990 có thu nhập bình quân đầu người là 200 USD, thu nhập quốc dân (GDP) phải tăng ít nhất là 9,3 % một năm nếu dân số tăng bình quân 2,0% một năm (hiện nay là 2,4% một năm). Nhiều người cho rằng khả năng phát triển như trên là không hiện thực và cho rằng 5-6% là khả năng tối ưu. Để tìm hiểu xem Việt Nam có thể đạt được tốc độ trên không, hãy phân tích vấn đề bằng cách tính mức đầu tư cần thiết và xét khả năng thực hiện được mức đầu tư trên.


Tốc độ tăng trưởng 9-10%

2. Ở tốc độ tăng trưởng 9-10%, nếu dựa vào mức đầu tư của các nước đã đạt được tỷ lệ trên ở Á Châu thì tỷ lệ đầu tư trên thu nhập quốc dân phải khoảng 27% như ở Thái Lan, 35% như ở Trung Quốc, 30% như ở Malaysia. Nếu lấy tỷ lệ 27% thì Việt Nam cần đầu tư khoảng 64 tỷ USD trong 10 năm tới. Hoặc nếu tính theo tỷ lệ tài sản trên thu nhập quốc dân (khoảng 3,5 lần tính gồm cả khấu hao), số vốn đầu tư cần thiết sẽ là 67 tỷ USD1. Hai cách tính đều cho một con số tương tự. Như vậy để đạt tốc độ tăng trưởng 9-10%, ta cần đầu tư khoảng 6,4 - 6,7 tỷ USD một năm.


Tốc độ tăng trưởng 5-6%

3. Theo như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để đạt được mức tăng thu nhập quốc dân 5-6% một năm, quỹ tích lũy hàng năm phải khoảng 22% thu nhập quốc dân. Ở mức thấp nhất như Pakistan quỹ tích lũy cũng phải bằng 17% thu nhập quốc dân. Nếu lấy mức 17% thì chỉ để đạt được mức tăng thu nhập quốc dân 5-6% một năm, tổng số đầu tư trong 10 năm phải đạt được 34 tỷ USD. Nếu tính bằng cách sử dụng tỷ lệ tài sản trên thu nhập quốc dân thì mức vốn cần thiết là 36 tỷ USD. Con số này cũng không khác cách tính trên là bao. Như vậy ta cần đầu tư khoảng 3,4 - 3,6 tỷ USD một năm để có được tốc độ tăng trường 5-6%.


Khả năng thực hiện.

4. Theo tài liệu thống kê của Việt Nam, năm 1989 là năm đầu tiên Việt Nam có để dành, tỷ lệ để dành tuy nhiên chỉ có 18%2, khoảng 240 triệu USD. Vốn đầu tư những năm gần đây chỉ khoảng 8-9% thu nhập quốc dân (TNQD tính theo lối xã hội chủ nghĩa, nếu theo GDP thì sẽ còn thấp hơn nữa). Hầu hết số vốn trên là từ vay mượn nước ngoài. Như vậy đạt được mức đầu tư 17% thu nhập quốc dân để có tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm 5-6% cũng đã là khó khăn và đòi hỏi chính sách kinh tế thích đáng.

5. Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác ở Á Châu, tổng số mức đầu tư và cho vay của nước ngoài vào một nước không hơn 5% thu nhập quốc dân, trung bình chỉ khoảng 2-3%. (Đầu tư dựa vào vốn vay mượn của nước ngoài ở Phi Châu lớn hơn nhiều, có thể trên 10%). Nếu là 5% thì đầu tư của nước ngoài hoặc vay mượn từ nước ngoài để đầu tư phải lên tới bình quân 1,2 tỷ USD một năm, phần còn lại phải dựa vào sức để dành ở trong nước. Mức đầu tư và vay mượn của nước ngoài như trên trong một vài năm tới khó có thể đạt được vì như Thái Lan là một nước thành công về lôi kéo vốn nước ngoài trong 6 năm qua trung bình cũng chỉ đạt được 1,3 tỷ USD một năm, với năm cao nhất là 2,5 tỷ USD.

6. Cũng cần phải nhấn mạnh là vốn nước ngoài không nhất thiết được sử dụng vào đầu tư. Như ta cũng rõ là số vốn vay mượn của Liên Xô trong thời gian qua, một phần lớn (như xăng dầu, phân bón, sắt, bông) là để tiêu dùng hoặc để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Vay mượn từ nước ngoài để thay thế vốn của Liên Xô cũng không nhất thiết dẫn đến nâng cao mức đầu tư, hoặc làm hàng xuất khẩu để trả nợ, trái lại vốn đó có thể được dùng để tiếp tục chính sách tiêu dùng và bù lỗ quốc doanh như hiện nay.

7. Có thể kết luận khả năng vốn của nước ngoài khó có thể hơn được 5% thu nhập quốc dân trong những năm tới. Tuy vậy còn khả năng tự gây vốn thì sao? Kinh nghiệm phát triển của các nước cho thấy là thu nhập trên đầu người thấp thì mức để dành cũng thấp. Bangladesh có mức thu nhập đầu người 170 USD một năm thì tỷ lệ để dành chỉ là 6,5%, Pakistan có mức thu nhập 350 USD một năm thì tỷ lệ để dành là 14,5%, Ấn độ có mức thu nhập 330 USD thì tỷ lệ để dành là 20%. Ở Phi Châu các nước có thu nhập như Việt Nam, tỷ lệ để dành thường không đáng kể, cao nhất cũng  dưới 7%. Hiện nay mức để dành của Việt Nam chỉ có 1,8% thu nhập quốc dân. Để nâng mức để dành này lên 12% nhằm đạt mức tăng trưởng 5-6% đòi hỏi ta phải ổn định được tình hình kinh tế (giả dụ rằng ta đã có đầu tư hoặc vay mượn được nước ngoài bình quân khoảng 1,2 tỷ USD một năm). Người Việt Nam cũng như những người dân Á Châu khác cần cù, chịu khó, nếu mở rộng cơ chế làm ăn thì mức để dành sẽ không như hiện nay. Tuy nhiên với mức thu nhập như ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ để dành được nâng lên tới 12% nhằm có được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5-6% một năm sẽ đòi hỏi những cố gắng đáng kể. Tăng mức để dành lên ít nhất 27% thu nhập quốc dân để có mức tăng trưởng kinh tế 9-10% một năm là điều hầu như không thể thực hiện được.


Biện pháp thực hiện.

8. Làm thế nào để tăng mức để dành từ nội bộ nền kinh tế? Có hai biện pháp cơ bản để tăng mức để dành từ nội bộ nhân dân. Đối với những người không làm ăn, cần ổn định tình hình kinh tế để khuyến khích tiết kiệm. Như ta đã biết, kinh tế có tốc độ lạm phát cao và lãi suất thấp sẽ biến những người này thành những người tiêu thụ thuần túy, họ phải mua vàng, đôla, đồ dùng lâu bền (xe đạp, T.V., v.v...) hoặc tương đối lâu bền (gạo, đường, v.v...) để bảo tồn sức mua của đồng bạc. Nếu tăng lãi suất cao hơn tốc độ lạm phát mà không có những biện pháp nhanh chóng chấm dứt nguyên nhân của lạm phát, kinh tế sẽ suy thoái. Còn đối với người làm ăn, cần tạo mọi điều kiện dễ dãi khuyến khích họ đầu tư, đặc biệt cần có chính sách khuyến khích cho tư nhân vay vốn đầu tư. Cả hai biện pháp cơ bản này đều chưa được thực hiện. Số vốn cho tư nhân vay mượn hiện nay chỉ khoảng 5% tổng mức tín dụng của Nhà nước, còn lãi suất thì hiện nay lại thấp hơn tốc độ lạm phát, và nền kinh tế vẫn tiếp tục không ổn định.

9. Thời kỳ 81-85, kinh tế ta tăng trưởng trung bình 6,4% một năm, nhưng đây là so với thời kỳ khủng hoảng trầm trọng 76-80. Thời kỳ 86-89, tốc độ tăng trường chỉ còn 3,5% một năm. Đây cũng là khoảng thời gian Việt Nam vay mượn và nhận viện trợ rất lớn của Liên Xô để tiêu dùng và để sản xuất hàng tiêu dùng (một năm lên tới trên 3 tỷ roubles), và để lại món nợ rất lớn, trên 14 tỷ USD cho con cháu trong tương lai. Kinh nghiệm này khó có thể lập lại. Có thể kết luận là ít nhất trong 5 năm tới, chính sách cơ bản vẫn phải nhằm vào việc ổn định tình hình kinh tế, xây dựng và củng cố cơ chế thị trường. Trong năm năm này, đạt được mức tăng trường trung bình 5% đã là một thành công rực rỡ.



Chú thích.

1. Mức tăng GDP của năm 2000 so với 1990 là 19 tỷ USD. Với số vốn đầu tư gấp 3,5 lần tổng số vốn cần thiết là 19 x 3,5 = 66,5 tỷ USD. Cách tính này và cách tính theo tỷ lệ để dành cần thiết chỉ là phương pháp đơn giản, trên thực tế cần tính chi li đầu tư cần thiết cho từng ngành kinh tế, chẳng hạn xây dựng hạ tầng cơ sở đòi hỏi nhiều vốn hơn đầu tư vào sản xuất hàng tiêu dùng: đầu tư vào điện và truyền thông, vốn cần bằng 5-6 lần sản lượng (không phải TNQD) so với sản xuất quần áo vốn chỉ bằng 0,44 lần sản lượng.

2. Tài liệu thống kê của Việt Nam cũng cần xét lại. Theo thống kê, quỹ tích lũy (vốn đầu tư) năm 1989 là 1.950 tỷ đồng. Con số này có thể là ít vì có thể chưa tính hết đầu tư của tư nhân. Chỉ lấy ngành xây dựng mà hầu hết sản lượng được tính vào đầu tư, sản lượng đã là 2.082 tỷ. Nếu nhìn vào giá trị máy móc, sản lượng trong nước đã là 2.082 tỷ và giá trị nhập thiết bị toàn bộ là 2.232 tỷ. Như vậy tổng số thiết bị, máy móc (tài sản cố định) đã là 4.314 tỷ. Nếu cộng thêm với phần xây dựng, tổng số giá trị tăng tài sản cố định có thể là 6.396 tỷ, gấp 3 lần quỹ tích lũy. Dù có gấp 3 lần thì tỷ lệ để dành cũng vẫn còn quá nhỏ, dưới 6% thu nhập quốc dân. Tuy nhiên 6% là hợp lý so với mức thu nhập trên đầu người thấp như Việt Nam.

 

Phụ lục I

Hai phương án phát triển Việt Nam 1990-2000

Tăng trưởng 9,3%

Tăng trưởng 6%

Năm

GDP

Đầu tư

GDP

Đầu tư

1990

13,2

3,6

13,2

2,2

1991

14,4

3,9

14,0

2,4

1992

15,8

4,3

14,8

2,5

1993

17,2

4,6

15,7

2,7

1994

18,9

5,1

16,7

2,8

1995

20,6

5,6

17,7

3,0

1996

22,5

6,1

18,7

3,2

1997

24,6

6,6

19,8

3,4

1998

26,9

7,3

21,0

3,6

1999

29,4

7,9

22,3

3,8

2000

32,2

8,7

23,6

4,0

Tổng số

235,7

63,6

197,5

33,6

Phụ lục II

Kinh nghiệm phát triển của một số nước trên thế giới 1973-1988

 

Thu nhập đầu người 1988 (USD)

Đầu tư

/GDP

Để dành

/GDP

Phát triển 73-80 (%)

Phát triển 83-88 (%)

Singapore

9100

41,6

38,2

7,2

7,0

Thái Lan

1000

26,7

23,3

7,7

6,2

Nam Dương

470

22,7

22,9

7,1

6,0

Ấn Độ

330

22,3

20,0

3,8

5,6

Trung Quốc

330

35,1

34,3

5,1

9,5

Bangladesh

170

12,0

6,5

5,6

3,7

Pakistan

350

17,2

14,5

5,4

6,5

Egypt

650

22,6

19,5

 

3,6

Gambia

220

17,1

4,0

4,8

3,7

Burundi

230

14,9

1,6

3,8

4,8

Burkina Faso

300

22,3

11,0

4,1

5,3


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss