Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Tin văn học nghệ thuật

Tin văn học nghệ thuật

- T.Đ. & K.V. — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03

Thiên Sứ Version Française



Phạm Thị Hoài sang Pháp



Tối thứ sáu 18.10.1991, khán giả đài truyền hình FR3 đã được thấy nhà văn Phạm Thị Hoài, khách mời giờ chót của  Bernard Rapp, trong chương trình văn học Caractères (thay thế chương trình Apostrophes của Bernard Pivot). 

Tác giả Thiên sứ (bản dịch tiếng Pháp La Messagère de cristal của Phan Huy Đường, nhà xuất bản Des Femmes, 1991) và Mê lộ (tập truyện ngắn) vừa tới Pháp ngày 15.10, theo lời mời của bộ trưởng văn hoá Pháp Jack Lang, để tham gia sinh hoạt Version Française (Bản tiếng Pháp) mở đầu chương trình Fureur de Lire (Say cuồng đọc sách). Đây là sáng  kiến độc đáo của bộ văn hoá Pháp, một dịp để các nhà văn thế giới gặp gỡ và trao đổi ý kiến với người dịch tác phẩm của họ ra tiếng Pháp. 

Ngày 17.10, tổng thống François Mitterrand đã chào mừng  hơn 40 nhà văn (từ hơn 30 nước) và dịch giả của họ tại điện   Elysée. 

Cùng ngày, ông Jack Lang đã đón tiếp các tác giả, dịch giả và nhà xuất bản cùng báo chí tại bộ văn hoá. Sinh hoạt Bản tiếng Pháp được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế  Kléber, nơi ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam cách đây hơn 18 năm, cũng là nơi, một tuần sau, sẽ ký Hiệp định về Campuchia. Trong diễn văn khai mạc, bà Evelyne Pisier, giám đốc Trung tâm quốc gia sách in (C.N.L.), đã ngỏ ý tiếc  rằng có hai nước đã không cho phép nhà văn sang tham gia  sinh hoạt này: Syrie và Việt Nam – Phạm Thị Hoài là người   duy nhất trong ba nhà văn Việt Nam được phép xuất ngoại:  Nguyễn Huy Thiệp bị từ chối, Dương Thu Hương vẫn bị giam tù.

Dẫn nhập cuộc thảo luận, nhà văn Cornélius Castoriadis phát biểu về đề tài Thế nào là một nền văn hoá dân chủ? Ông Luc Ferry trình bày và bình luận về ba khuynh  hướng trong văn học, ý nghĩa và sự nguy hiểm của chúng: biến tác phẩm văn học thành hàng hoá, bám rễ cục bộ (enracinement local) và bứt rễ (arrachement). Sau đó, có cuộc thảo luận trên đề tài: Tác giả và cái bóng (son   double) của mình, suy nghĩ về vấn đề biên dịch phổ cập. 

Ngày 18.10.1991, có ba bàn tròn phân chia theo ngôn ngữ (Anh, Tây Ban Nha, Đức) trên hai đề tài: dịch thuật văn học và sự ra đời của một nền văn học toàn cầu. 

Phạm Thị Hoài, tên thật là Phạm Hoài Nam, sinh năm 1960. Tốt nghiệp khoa lưu trữ văn khố tại trường Đại học Humboldt, về Hà Nội làm việc tại Viện sử học, rồi Viện khoa   học xã hội. Những sáng tác đầu tiên được đăng trên tuần báo Văn Nghệ năm 1988 là hai truyện ngắn: Hành trình của   những con số, Năm ngày, đã được bạn đọc chú ý ngay, riêng truyện ngắn Năm ngày (đã đăng lại trên báo Đoàn Kết) đã gây tranh luận, và bị Ban chấp hành Hội nhà văn lên án là hạ thấp nhân phẩm (tháng 9.1988), từ đó cách chức nhà văn Nguyên Ngọc (tháng 12.1988), mở đầu cuộc uốn nắn giới văn  học nghệ thuật. 

Sau Thiên sứ (tiểu thuyết đầu tay) và tập truyện ngắn Mê lộ, một số truyện ngắn của Phạm Thị Hoài được đăng trên một vài tạp chí, đặc biệt là Sông Hương, một số khác còn nằm trong ngăn kéo toà soạn. Dư luận cũng rất chú ý tới những bài lý luận văn học của Phạm Thị Hoài. Ngoài ra, chị còn là dịch giả những tác phẩm của Kafka, Grass và Tanizaki. 

Trả lời câu hỏi của B. Rapp trên đài FR3, Phạm Thị Hoài nói chị hy vọng cuốn tiểu thuyết thứ nhì của chị sẽ được xuất  bản trong năm 1992. 

T.Đ và K.V.

Giải văn học 1990 của hội nhà văn Việt Nam  


Hội nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng văn học cho:

– ba cuốn tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (Nxb. Hội nhà văn), Bến   không chồng của Dương Hướng (Nxb. Hội nhà văn) và   Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh (Nxb. Hội nhà  văn).   

- hai tập thơ Tặng riêng một người của Lê Thị Mây   (Nxb. Văn học) và Khúc hát người xa xứ của Trương Nam Hương (Nxb. Trẻ)  

- một cuốn lý luận phê bình: Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà (Nxb. Trẻ). 

Hội đồng chung khảo gồm có 9 nhà văn Vũ Tú Nam,  Nguyên Ngọc, Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Nguyễn  Kiên, Vũ Quần Phương, Hữu Mai và Lê Ngọc Trà.

Điều đáng chú ý là các tác giả được giải đều ở lứa tuổi trên dưới 40 và đã trực tiếp tham gia chiến tranh. Riêng về tiểu thuyết, hai trên ba tác phẩm được giải là tiểu thuyết đầu tay (Dương Hướng và Bảo Ninh). Ngay cả đối với Nguyễn Khắc Trường cũng là tác phẩm đầu tiên ký tên thật. 

Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường có lẽ là tiểu thuyết đầu tiên nêu lên vấn đề cố cựu của  nông thôn miền Bắc: vấn đề dòng họ. Bến không chồng của Dương Hướng nói về một người thương binh trẻ về làng: cuộc chiến tranh không tiếng súng tiếp diễn sau luỹ tre xanh. Thân   phận của tình yêu của Bảo Ninh viết về cuộc khủng hoảng thời hậu chiến: cuộc chiến tranh trở lại trong nội tâm của một cựu chiến binh. Trong ba tiểu thuyết được giải, tác phẩm của  Bảo Ninh được Nguyễn Khải và Lê Ngọc Trà đánh giá là xuất sắc nhất (theo Tuổi Trẻ chủ nhật, 1.9 và Thanh Niên, 8.9.91). 


Phim Việt Nam tại các liên hoan quốc tế 


Tháng 9 vừa qua, Bao giờ cho đến tháng mười gái trên sông, hai bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh,  đã tham gia Liên hoan phim châu Á Fukuoka và Liên hoan   phim quốc tế Tokyo. Đến Nhật Bản với Đặng Nhật Minh còn có hai nữ diễn viên Lê Vân (Bao giờ cho đến tháng mười) và  Minh Châu (Cô gái trên sông).

 Tại châu Âu, các liên hoan phim Uppsala (tháng 10) ở  Thuỵ Điển, Madrid (tháng 11) ở Tây Ban Nha, Fribourg (tháng giêng 92) ở Thuỵ Sĩ, đã mời phim Gánh xiếc rong   (tức Trò ảo thuật) và nữ đạo diễn Việt Linh tham dự.

Tại Paris, Tuần lễ của những đạo diễn phim thuộc các nước sử dụng tiếng Pháp, tổ chức vào tháng 11 nhân Hội nghị những  nguyên thủ quốc gia sử dụng tiếng Pháp – trong đó có Việt   Nam – đã chọn giới thiệu Gánh xiếc rong của Việt Linh và   Chuyện tử tế của Trần Văn Thuỷ (xem chi tiết trong mục Paris tháng 11).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss