Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 3 / Reflets du Viet Nam

Reflets du Viet Nam

- Hoài Văn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 12:10


Nhân xem triển lãm hội hoạ
Reflets du Viet Nam



Hoài Văn



Từ mồng 5 đến mồng 8.11.91, trong khoảng thời gian bốn ngày ngắn ngủi, lại rơi vào những ngày trong tuần người ta đi làm, một cuộc triển lãm hội hoạ mang tên “Reflets du Viet Nam” “Lưu hương đất Việt” đã được tổ chức tại nhà Bourse du Commerce, cạnh Forum des Halles, ngay trung tâm Paris.

Mục đích đề ra của cuộc triển lãm này là giới thiệu nền hội hoạ Việt Nam với công chúng Pháp và quốc tế. Người đứng ra tổ chức là Phòng Thương mại và Kỹ nghệ của thành phố Paris và Viện Hóa Dầu (ICP).

Hơn 200 tác phẩm của 70 hoạ sĩ Việt Nam, trong đó có một số hoạ sĩ Việt kiều và thực tập sinh, đã được trưng bày trong một sảnh đường rộng rãi, sáng sủa, trên những vách ngăn hình vòng cung xoay tròn theo hai vòng lớn đồng tâm.

Tranh gồm đủ các loại: từ sơn dầu, bột màu, mực, giấy bồi, khắc gỗ, đến lụa và sơn mài, nhiều nhất có lẽ là sơn dầu, rồi đến lụa và khắc gỗ.

Đề tài cũng nhiều: từ phong cảnh, tĩnh vật, chân đung, phụ nữ khoả thân, đến tranh siêu hình, trừu tượng.

Với một số lượng tranh nhiều như thế, lại gồm đủ loại linh tinh và một không gian không phải là để triển lãm mà là một toà đại sảnh lớn, không có vách ngăn thành những khoang nhỏ, đối với người đi xem, thật khó mà có thể tập trung trên một bức tranh, hay trên mỗi tác giả, để mà thưởng thức và so sánh.

Thêm vào đó, tranh lại treo lẫn lộn, không phân biệt thể loại. Người ta thấy những bức tranh trừu tượng của một Nguyễn Cầm, hay của một Lê Tài Điển đứng lạc loài ở giữa những bức tranh tượng hình khác xa hẳn về mặt ngôn ngữ nghệ thuật! Cũng như người ta thấy đứng chơ vơ ở chỗ này, chỗ khác, một cách bất ngờ, một bức tranh của Đinh Cường, của Nguyễn Trung hay của Trịnh Cung, v.v...

Ngược lại, cả một không gian rộng ở trung tâm cuộc triển lãm hầu như đã được dành cho một hai hoạ sĩ có vị thế ưu tiên, mà tác phẩm lại không có gì đáng để đề cao hết cả.

Thật khó mà hiểu được sự sắp xếp của những người tổ chức!

Dù sao, nhìn chung, trừ một vài tác phẩm còn non nớt và một số ít vẫn đi theo lối mòn của những “Clichés” đã cũ, toàn bộ cuộc triển lãm đã gây cho người xem một ấn tượng tốt về nền hội hoạ Việt Nam, ngày càng đa dạng, phong phú và có những cố gắng tìm tòi mới, nhất là về mặt kỹ thuật và phong cách diễn đạt. Về mặt nội dung, người ta cũng không còn thấy nữa những loại tranh ca tụng, hay “lên gân” một cách cường điệu, cứng nhắc, điều mà trong điêu khắc Việt Nam hiện nay vẫn chưa bỏ đi được do ảnh hưởng sâu đậm của nền nghệ thuật “xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu trước đây.

Không kể một số hoạ sĩ đã thành danh có tác phẩm trưng bày tại đây như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Văn Tỵ, v.v..., rải rác đây đó, có những tác phẩm có chất lượng cao, thể hiện những tìm tòi mới trong ngôn ngữ tạo hình. Tôi chỉ xin nêu lên ở đây một hai thí dụ để minh hoạ. Dù sao, đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của người viết bài này và bất quá cũng là một lời giới thiệu, như tôi đã từng giới thiệu tranh của Đình Dũng trên báo Đoàn Kết cách đây vài năm.

Tôi muốn nói đến Lý Sơn và Đỗ Phấn.

Về trường hợp của Lý Sơn, tài năng của anh đã được khẳng định rõ qua cuộc triển lãm ở Nhà Việt Nam tháng 6.1991 vừa qua. Tranh của Lý Sơn chinh phục người xem bằng phong cách thể hiện tế nhị với những chất liệu đậm màu sắc Á đông. Sở trường của anh là bột màu trên giấy dó, nhưng anh cũng có nhiều tìm tòi độc đáo trong sơn mài.

Tranh của Đỗ Phấn đập vào mắt người xem bằng sự đối lập táo bạo của màu sắc theo lối “chấm phá” và nét bút giàu nhịp điệu (rythmes). Do đó tranh của anh toát ra một cái gì vừa rất Á đông, lại vừa rất hiện đại. Về điểm này, tranh của Đỗ Phấn làm cho người ta nghĩ đến tranh của Đình Dũng, mà tôi rất tiếc đã vắng mặt trong cuộc triển lãm này, cũng như tôi rất tiếc sự vắng mặt của nhiều hoạ sĩ tài năng khác của Việt Nam lớp trước và lớp này. Không lẽ đây lại là do một sự xao nhãng của người đứng ra tổ chức? Hay vì điều kiện vật chất đã không cho phép tập hợp kịp những tác phẩm kia.

Dù sao, với tất cả những giới hạn và thiếu sót của nó, cuộc triển lãm hội hoạ “Reflets du Viet Nam” cũng là một sáng kiến tốt và là một dịp hiếm để giới thiệu ít ra một số khía cạnh của nền hội hoạ Việt Nam, mở rộng thị trường tranh cho các nghệ sĩ Việt Nam và góp phần làm phát triển sự giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.    

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss