Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Hội người Việt Nam tại Đức giải thể

Hội người Việt Nam tại Đức giải thể

- C. T. — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/11/2010 11:16
 
 

Hội người Việt Nam tại Đức giải thể


C.T.

(Từ bờ sông Danube)

          LTS. Đầu tháng 2 vừa qua, gần như cùng một lúc, chúng tôi nhận được Thông báo của Hội Người Việt Nam tại Đức tuyên bố tự giải thể “để phong trào đi vào các hình thức hoạt động mới”, và bức thư sau đây của một cộng tác viên của Diễn Đàn tại Đức. Với một giọng văn tình cảm, vừa kể đôi chuyện đời sống riêng tư của mình, vừa đề cập tới những vấn đề chung của cộng đồng người VN tại Đức, bức thư nói lên được những đổi thay trong đời sống, trong suy nghĩ về đất nước của một Việt kiều từng hoạt động lâu năm trong phong trào Việt kiều tại Cộng hoà Liên bang Đức. Được phép tác giả, chúng tôi xin trích đăng dưới đây phần lớn bức thư.

 

Các bạn thân mến,

Lại một năm nữa trôi qua (thời gian sao trôi ngày càng nhanh)... chẳng biết rồi còn “phải” (hay “được”) bao lần nữa viết thăm nhau, gởi cho nhau một chút hơi ấm tình cảm ở chốn quê hương “tạm dung” lạnh lẽo và buồn thiu này... Cứ tưởng đã quên hẳn cái Tết cổ truyền từ lâu, mấy năm sau này tự nhiên sao bỗng lại nhớ, lại thèm được ăn một cái Tết quê hương...

Tổng kết năm 1991, có thể nói gia đình nhỏ bọn mình ở “vùng quê yên tĩnh” này thật không có gì đặc biệt để kể. Nhờ Phật Trời độ mạng (chắc kiếp trước mình có làm nhiều công đức), tụi mình vẫn mạnh khoẻ và bình an, công ăn việc làm ổn định, đều đều “sáng vác ô đi, tối vác về”, may phước chưa biết cái “stress” nó tròn, méo, dài, ngắn, màu mè ra làm sao (có lẽ nhờ đồng lương đạm bạc kiểu công chức)... Hồng nhan tri kỷ TT vẫn đi hoạt động trong đại siêu thị, khu bánh mì bánh ngọt, tuần sáu ngày, ngày nửa buổi, tối mịt mới về đến nhà, nhiều khi mệt lả không ăn nổi cơm mà chỉ ăn... bánh mì cầm hơi. Từ ngày TT đi bán ở đây, mấy ông Đức (còn gọi là ông Tây) rủ nhau sắp hàng đi mua bánh mì mỗi ngày, doanh thu cửa hàng tăng lên mấy chục lượt! Trong năm qua, tính ra hai cha con nhà họ Trần (vì lý đo đoàn kết với cô hàng bánh mì) đã phải ăn trên 200 ổ bánh mì đen đủ loại từ không hột đến nhiều hột, có hột to gần bằng hột ... mít. Trình độ hiểu biết, lý luận về bánh mì do đó tăng vượt bực, đủ sức để viết một luận văn chuyên đề về các loại bánh mì của Đức mà không cần phải trích dẫn kinh điển Mác-Lê gì cả. Nhờ tính tình vui vẻ, duyên dáng và làm ăn chăm chỉ, cuối năm nàng được sếp đề bạt từ khu lương thực thực phẩm tiến thẳng lên khu công nghiệp thuộc phòng đồ chơi và máy móc hiện đại, bỏ qua giai đoạn bán quần áo, giày dép..., chuyển hẳn từ buổi chiều ra buổi sáng, do đó tối tối cha con nhà họ Trần lại được thưởng thức cơm nóng canh sốt... Hoạt động chính của tụi mình trong năm 91 vẫn là hát trong ban hợp xướng làng, chơi thể thao và đọc sách. Từ ngày dọn đến nhà mới tụi mình cắt luôn Tivi, thành ra nhiều khi chẳng biết chuyện gì xẩy ra trên thế giới ta bà này. Nghĩ lại nhiều khi không có Tivi vậy mà hay, tụi mình tìm được thú vui đọc sách, hoặc chơi nhạc, ca hát với nhau buổi tối. Năm nay kỷ niệm 200 năm ngày mất của nhạc sĩ thiên tài Mozart nên ban nhạc và ban hợp xướng của tụi mình trình diễn đến 4 lần Konzert của Mozart. Hôm trình diễn bài Requiem, bán hết vé, chật cả nhà thế mà vẫn còn người xếp hàng chờ mua vé. Không biết là nhờ Mozart hay là nhờ có sự hiện diện của đôi danh ca C.T.???

Căn nhà “ngoại ô” bọn mình dọn vô ở năm ngoái vẫn còn khối việc để làm, tầng hầm chưa gọn ghẽ, tầng nóc cũng chưa xong, còn phải bắt điện, gắn lò sưởi, đóng sàn, đóng trần, sơn phết... Chiếc vườn nho nhỏ bốn chục thước vuông được cuốc vội cuốc vàng vài nhát, cắm đại vài cây xanh xanh vàng vàng che mắt thiên hạ hay đi qua đi lại dòm dòm, chỉ chỉ, trỏ trỏ. Góc vườn mình đào thêm một chiếc hồ bán nguyệt (cho nàng rửa chân), thả một dây súng hồng và vài con cá vàng lơ lửng... mùa hè ngồi ngắm bông súng lại chợt nhớ quê.

Chuyện riêng tư chỉ có bấy nhiêu, còn chuyện đời thì rõ ràng năm qua tình hình chính trị ở Đức căng thẳng ngột ngạt đối với người ngoại quốc, dân Gastabeiter 1 như bọn mình. Bọn cực hữu, được chính quyền nhắm mắt làm ngơ ra sức tung hoành đánh giết người ngoại quốc, trong đó người Việt Nam mình ở Đông Đức phải chịu đựng phần đáng kể. Những mẩu tin nghe được về tội ác của bọn côn đồ phát-xít này vừa gây căm phẫn, lo âu cho đồng bào mình (và cũng cho chính bản thân), đồng thời cũng đau xót và tủi hổ trước thân phận phải tha hương cầu thực của giống nòi “con Lạc cháu Hồng”. Nhiều khi, mình có dịp nói chuyện tâm tình với những anh em trẻ từ Đông Đức, từ Tiệp, Nga, Bungari... sang. Một số vốn đã từng sống trong bộ dội, tham gia nhiều chiến trường, thời chống Mỹ cũng như ở Camphuchia, hiểu rất rõ thế nào là mất mát, hy sinh, để giờ đây phải sống kiếp lang bạt, không tương lai, không niềm tin, hy vọng. Ấy thế mà lại phải xem đó như một sự đãi ngộ, tưởng thưởng cho phần xương máu đã đóng góp, cho hy sinh của cá nhân hoặc của cha, anh, chồng mình đã ngã xuống?

Năm qua cũng là một năm của nhiều mất mát về bạn bè, chúng ta phải chia tay đột ngột với anh Quỳnh Quế, bạn Nguyễn Thanh Vân (Berlin) và bạn Nguyễn Hữu Minh Chí (Mỹ). Cả ba đều là những người bạn chí cốt, đầy tình nghĩa, đã từng chia sẻ với nhau bao kỷ niệm vui buồn của những ngày hồn nhiên, vô tư và lạc quan, tới những ngày đau đớn, khắc khoải, tuyệt vọng. Minh Chí mất đi, Việt Nam và thế giới mất đi một tài năng khoa học có đức độ và lương tâm 2. Một Nguyễn Thanh Vân tính tình khảng khái, bộc trực, sẵn sàng khiêu khích để đối thoại, đấu lý. Cái cao cả nhất của Vân là biết chấp nhận bất đồng chính kiến và biết quý trọng tình nghĩa bạn bè, ngay cả trong những thời điểm gay gắt, trước sau như một, thuỷ chung, tình cảm... Riêng với anh Quế mình có nhiều kỷ niệm, nhất là những năm tháng “lăn lộn” với anh trên vùng Ruhr, anh giỏi nhiều mặt nhưng bao giờ cũng giản dị và thân mật với đám bạn trẻ, anh chẳng bao giờ lên lớp, thuyết giảng. Nhiều hiểu biết, kinh nghiệm sống, anh truyền lại một cách nhẹ nhàng, duy có kỷ niệm buồn thì anh kín đáo, chịu đựng một mình, không muốn phiền đến ai. Nhiều khi nhớ anh, tự trách mình sao nỡ vô tình, hời hợt, bạc bẽo, từ ngày rời vùng Ruhr chẳng một lá thư thăm anh, những giọt nước mắt khóc anh lúc chia tay đâu làm ấm được lòng anh... Chí ơi, Vân ơi, anh Quế ơi, hãy ngủ yên, mộng vẫn bình thường... Các bạn ra đi để lại cho bạn bè, những người hiểu các bạn nhiều nhất, nhiều tiếc thương. Nghĩ về các anh, mình chợt nhớ tới một phương châm về lẽ sống của người Mông Cổ:

“Als du auf die Welt kamst,
weintest du,
und alle um dich herum lachten
und waren heiter.
Lebe so,
daß, wenn du die Welt verläßt,
alle weinen
und nur du alleine heiter lächelst.”
(Asiatische Weisheit) 3

 

Các bạn thân mến,

Năm vừa qua cũng là năm cáo chung của Hội Người Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức được thành lập năm 1973. Một đứa con 19 tuổi mất đi thật ra đó là điều vô cùng đau buồn và đáng tiếc. Với Hội, chúng ta đã có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu tin tưởng và hy vọng. Bao nhiêu công sức trí tuệ đã bỏ ra, không ai là không tiếc, bởi vì Hội chúng ta đã là một tập thể tươi đẹp, lành mạnh và trong sáng rất đáng để chúng ta tự hào, nhưng tiếc rằng qua một cơn bệnh ngặt nghèo, Hội chúng ta mất sức quá nhiều, không có khả năng phục hồi lại được, thế là Hội thân yêu của chúng ta không còn nữa. Khoảng trên dưới 30 anh chị em hôm 26.12.1991 đã chứng kiến những giờ phút đau buồn này. Âu cũng là quy luật cuộc đời, sinh, lão, bệnh, tử. Có gì tồn tại mãi mãi đâu. Tôi nghĩ chắc cũng có một vài anh chị em tỏ ra hối tiếc về sự mất mát này, rất muốn giữ Hội lại. Tôi chỉ không được biết, giữ lại để làm gì? Còn gì nữa đâu? Có giải pháp gì thật tốt đẹp hơn cho một cặp vợ chồng, cho một đôi tình nhân khi họ không còn hiểu nhau, yêu nhau được nữa? Người Đức đã chẳng có câu: “lieber ein Ende mit Schrecken als ein Schrecken ohne Ende” 4 đó sao. Tôi cho rằng chúng ta còn đủ khả năng để làm mọi chuyện, thậm chí hay hơn, có lợi ích hơn cho bản thân và cho đất nước. Vấn đề là phải biết mình muốn gì, có đủ sức thuyết phục và quyết tâm chưa? Nếu có, chúng ta có thể bắt tay cùng làm lại. Có thể sẽ không còn đông người, nhưng chắc chắn là sâu sắc và tích cực. Thí dụ như một “Hội phụ huynh Việt Nam” hoặc một “Hội Khoa học kỹ thuật gia Việt Nam”, theo tôi là cần thiết và đủ bản lãnh để sinh hoạt vì nhiều người Việt Nam ở Đức, bất kể thành phần nào cũng đều quan tâm tới tương lai con cái mình cũng như tương lai đất nước Việt Nam, niềm an ủi và tự hào của tất cả người Việt ở hải ngoại. Dĩ nhiên là muốn xây dựng một tổ chức có chất lượng và được nhiều người tán thành, hỗ trợ, sẽ rất khó, nhưng có thể làm được vì người Việt Nam ở hải ngoại bây giờ khác trước đây 10 năm, bản thân chúng ta cũng khác xưa quá nhiều. Tình hình Việt Nam rồi cũng sẽ khác vì không thể như thế này mãi được. Tuy chậm nhưng rõ ràng là nó có nhúc nhích, có tốt hơn dưới triều “Lê mạt”. Đôi khi tôi có cảm tưởng chẳng thà chậm mà chắc còn hơn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến xuống hố”! Việt Nam cần con đường hoà bình và khoa học, chẳng dại gì đi bắn giết nhau, nửa thế kỷ chiến tranh đói nghèo đã quá đủ. Thật vô lý khi suốt mấy chục năm không có tự do, dân chủ thì còn coi con người ra con người; lúc vừa mới có được chút tự do, dân chủ thì cầm súng tàn sát lẫn nhau chẳng vì cái gì cả...

 

Chú thích

   

1 Người lao động nhập cư (travailleur immigré).

2 . Xem tin về bác sĩ Nguyễn hữu Minh Chí trong Diễn Đàn số 3.

3. 

Thuở ta vừa chào đời,
ta khóc
và mọi người quanh ta vui cười.
Hãy sống,
để khi ta lìa cõi đời này,
Mọi người khóc thương,
Chỉ riêng ta cười vui thanh thản.

4 . Thà chấm dứt một cách đớn đau còn hơn đau đớn không bao giờ dứt.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss