Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Tết Maubert Truyền thống và Đổi mới

Tết Maubert Truyền thống và Đổi mới

- Hoài Văn — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38


Tết Maubert
Truyền thống và Đổi mới



Hoài Văn



Nhiều người đi xem Tết Maubert năm nay rất thích phần văn nghệ ở phòng A. Đây là một sự kiện khá hiếm, vì ít khi nào mà trong chương trình văn nghệ Tết lại không có một cái gì trục trặc, hoặc về mặt tổ chức, hoặc về mặt kỹ thuật, hoặc về chương trình, tiết mục.

Người ta cho rằng chương trình văn nghệ năm nay như thế là hay, vừa. Vừa đây có nghĩa là cân đối, không quá thế này, không quá thế kia, hợp với sở thích của khán giả. Vừa còn có nghĩa là vừa sức, vừa đối với điều kiện, khả năng của những người làm Tết.

Chỉ cần nhìn những nét mặt tươi tỉnh của khán giả lúc màn hạ là cũng có thể đoán được sự hài lòng của bà con. Nhiều người hơi ngạc nhiên thấy phần văn nghệ năm nay kết thúc tương đối sớm sủa và trong một bầu không khí tươi vui, chứ không kéo dài lê thê như nhiều năm với hoặc một màn cải lương, hoặc một màn kịch và như thế là cả phòng A chìm ngập trong bóng tối cho đến phút cuối cùng. Đi Tết, nhiều khi xem hát xong ra, chẳng ai còn hơi sức để đi chào hỏi bà con, chúc mừng nhau năm mới nữa. Lần này thì người ta thấy trong người khoẻ khoắn, nhẹ nhõm khác hẳn.

Vậy thử xem, so với những năm trước, Tết năm nay hay như thế nào và vừa ra sao?

Nhìn chung các tiết mục, từ những màn múa dân tộc, đánh trống, hoà nhạc cổ điển của các thanh thiếu niên thế hệ hai, cho đến những màn hát Quan Họ, trích đoạn cải lương, hay đơn ca của các cô, các chú, mỗi tiết mục một vẻ, đều chinh phục được cảm tình của khán giả do chất lượng nghệ thuật một phần, nhưng cũng do cả tính trẻ trung, sinh động và ngắn gọn của chúng.

Ngay cả bài “diễn văn” chúc Tết năm nay cũng phá kỷ lục về ngắn gọn, một điều mà ai nấy đều vui mừng ghi nhận như một sự đổi mới!

Rõ ràng là đã xa rồi một thời kỳ văn nghệ Tết với những “truyền thống”, mà trên thực tế chỉ là những nếp cũ, trong nhiều năm đã không đáp ứng tâm lý, sở thích của khán giả, cũng như đã gây nhiều khó khăn cho ban văn nghệ về mặt thực hiện. Đã xa rồi, những màn cải lương công phu, nhưng nhiều khi quá nặng nề và quá dài, những bản hợp xướng đồ sộ nhưng thường cũng hơi quá trang nghiêm và như rập theo một khuôn mẫu cứng nhắc, bất di bất dịch.

Một thời đã qua vì nhiều điều kiện đã thay đổi. Cộng đồng người Việt ở Pháp từ hơn mươi năm nay đã đổi khác. Đồng thời, lớp thanh thiếu niên thế hệ hai đã lớn lên và họ làm Tết theo điều kiện và quan điểm của mình. Bây giờ, người ta đi Tết, hay làm Tết, mục đích chính trị không còn quan trọng như gặp gỡ bạn bè, gìn giữ một truyền thống văn hoá.

Nhìn các em gái lứa tuổi 14, 15 dịu dàng, khoan thai trong các điệu múa quạt, múa cà om, với những bộ y phục dân tộc xinh xắn, nhiều người không khỏi cảm động nghĩ đến thế hệ cha mẹ chúng trước đây đã từng múa trên cùng sân khấu này. Nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật thì đây quả là hình ảnh đẹp của một sự tiếp nối, tuy nhiên thực tế của vấn đề tiếp nối giữa hai thế hệ dĩ nhiên còn nhiều mặt phức tạp khác.

 Một trong những sáng kiến mới ở Tết năm nay là đã đưa nhạc thính phòng cổ điển vào chương trình văn nghệ phòng A. Trio Phạm, với Phạm Việt Dũng (alto), Phạm Minh Quyên (violoncelle) và Vinh Phạm (violon) đã trình diễn chương đầu của bản Divertimento – trio en Si bémol, một tác phẩm nổi tiếng của Mozart sáng tác năm 1788. Mặc dầu phòng Maubert không phải là một nơi để nghe nhạc thính phòng cổ điển và hệ thống âm thanh lại không đủ tốt, song nhạc Mozart vang lên lần đầu tiên ở phòng A, giữa không khí Tết và giữa những tiết mục hoàn toàn Á đông, tự nó cũng đã là một sự kiện mới mẻ!

Tiết mục Tiếng trống của một nhóm các em thế hệ hai, do cách trình diễn độc đáo, đã gây được một ấn tượng mạnh nơi khán giả. Các em đã dàn dựng lên tiết mục này với một quan niệm thẩm mỹ vững vàng. Mặc dầu mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật Nhật Bản trong cách dàn cảnh và trong trang phục, cũng như ảnh hưởng của đoàn Phù Đổng trong cách đánh trống, các tác giả và diễn viên của tiết mục này, do biết kết hợp cả hai mặt nhãn quan và thính quan, biết khai thác sự dồn dập, thôi thúc của tiếng trống, tiếng mõ, cũng như sự lạnh lùng, quả quyết của những khuôn mặt, đã tạo nên được cho tiết mục của mình một kích thước, một không khí bi kịch giàu ý nghĩa tượng trưng.

Trong các tiết mục múa và hát, nổi bật nhất có lẽ là tiết mục Trẩy hội mùa xuân. Đây là một nhạc cảnh dựa trên dân ca Quan Họ Bắc Ninh, với những bộ y phục đầy màu sắc vui tươi, với những giọng hát bên nam, bên nữ khá uyển chuyển, duyên dáng. Nhiều người thích tiết mục này hơn cả tiết mục trích đoạn cải lương Sau mùa khói lửa mặc dầu sự có mặt của nghệ sĩ Kim Chính và tài năng của các diễn viên Việt Thanh và Đan Nam. Ai lơ đãng không nghe kịp lời giới thiệu lúc đầu, chắc không hiểu được hết ý nghĩa của trích đoạn cải lương này.

Một chỗ xứng đáng đã được dành cho hai giọng đơn ca nữ: Hoàng Lan và Lê Dung, hai nghệ sĩ có tầm cỡ được bà con mến chuộng.

Hoàng Lan năm nay hát hai bài, một bài có âm hưởng dân ca miền Nam và một bài là nhạc cổ điển Âu Tây, bản Serenade của Schubert, lời tiếng Đức. Cả hai bài đều đạt và đã được thính giả hoan nghênh nhiệt liệt. Mặc dầu hệ thống âm thanh không được hoàn hảo, song người ta cũng có thể ghi nhận được một bước tiến mới của Hoàng Lan trong những ca khúc cổ điển Âu Tây. Trước kia, sở trường của chị là ca vọng cổ bây giờ thì có thể coi như Hoàng Lan có tới ba sở trường: vọng cổ, tân nhạc và nhạc cổ điển!

Lê Dung trình bày tất cả ba bài, bài thứ ba là do sự thỉnh cầu của bà con. Bài đầu là bài Tình yêu trên dòng sông Quan Họ của Phan Lạc Hoa, bài thứ nhì là Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi và bài thứ ba là bài Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh. Bài đầu mang đậm nét dân ca Quan Họ, nội dung lời ca cũng như làn điệu dân gian của bài hát phù hợp với giọng ca nồng nàn, có duyên và cách luyến láy điêu luyện của chị. Bài Người Hà Nội lần này chị hát với một phong cách khắc hẳn, nhiều chỗ cố ý nhanh. Đứng về mặt nghệ thuật, đây có thể là một cách diễn đạt mới, nhưng theo tôi không lột tả được tính chất lãng mạn và tình cảm sâu đậm của bài hát. Tuy nhiên cũng có người lại thích chị hát như vậy vì cho rằng bài Người Hà Nội là một bài “hùng”.

Sự thành công của đêm văn nghệ Tết Nhâm Thân năm nay ở Maubert là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Nó chứng tỏ tiềm năng dồi dào của những thế hệ tiếp nối nhau “làm Tết” và tình cảm gắn bó cộng đồng Việt kiều với một truyền thống văn hoá tốt đẹp. Sự tham gia ngày càng đông đảo của lớp thanh thiếu niên thế hệ hai vào nhiều khâu của đêm Tết là một điều đáng mừng. Nó nói lên ý thức ngày càng rõ rệt của họ về sự có mặt của mình trong ngày Tết truyền thống và sự kế tục mà họ đang gánh vác một phần trách nhiệm.

Chương trình văn nghệ Tết năm nay có thể được coi như một mẫu mực của sự cân đối và cởi mở về mặt chọn lựa các tiết mục, cũng như về sự linh hoạt, ngắn gọn trong cách tổ chức, sắp xếp.

Trong giai đoạn khủng hoảng mà Hội NVNTP đang trải qua, sự thành công của đêm Tết Nhâm Thân cho phép người ta nghĩ rằng cũng may mà sự thành bại, hay dở của một đêm văn nghệ, nhất là đêm Tết, chủ yếu vẫn tùy thuộc vào những điều kiện, quy luật đặc thù của văn hoá, văn nghệ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss