Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Trí thức và Dân tộc

Trí thức và Dân tộc

- Tôn Thất Nguyễn Khắc Thiêm — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38

 

Vấn đề hôm nay

 

Trí thức và Dân tộc

 
Tôn Thất Nguyễn Khắc Thiêm
 

Trên văn bản chính thức của Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện một liên minh mới: “công - nông - trí” đặt dưới sự “lãnh đạo của Đảng”. Và Đảng lại phất ngọn cờ “tiên phong của dân tộc”. Ngôi vị rõ ràng. Còn thiếu rõ ràng chăng là nội dung và tính chất của mỗi thành viên.

Thừa biết sức mình, người viết không dám lạm bàn mọi khía cạnh. Chỉ muốn đưa ra vài nhận xét sơ lược về vấn đề trí thức và dân tộc.

1. Trí thức đánh thuê: tiền lệ lịch sử

Trong hành trình đấu tranh và dấn thân, sẽ chẳng hàm hồ lắm khi nói rằng trí thức Việt Nam đã trọng trấn vai trò lịch sử của người đánh thuê. Kể từ làn ranh bên này đến giới tuyến bên kia. Từ Quốc gia đến Cộng sản. Từ tả sang hữu.

Đánh thuê hiểu ở đây theo nghĩa cao đẹp nhất là nhân danh cái gì khác mình, ngoài mình, không phải mình. Cái gì đó khi diễn đạt thành ngôn từ, thành tư tưởng, đương nhiên phải ở trên mình, cao hơn mình (nếu không, tự mình đã hạ thấp mình). Người trí thức đánh thuê vì thế có thể gọi là người cao thượng, người có lý tưởng, người đã quên mình. Cũng vì thế đánh thuê là một hành xử chứa đầy sức nặng của lịch sử và sức đè của xã hội. Nhưng đã đánh thuê thì thế nào rồi cũng phải bị trói buộc bởi những khắt khe của một thân phận đã phục mệnh. Do đó, người đánh thuê là người tự mình phần nào tha hoá lấy mình. Và người trí thức đánh thuê rốt cuộc là người đánh mất đi – nhiều hay ít – căn tính và tiết tháo của việc trí tri.

Thử nhìn gọn lại: kể từ khi dư linh của những tiếng hô “Việt Nam muôn năm” đã vọng vào khoảng không cùng với tiếng súng công đồn Yên Bái, trí thức Việt Nam trong hàng ngũ quốc gia, dù đã có một thời hào hùng kháng Pháp, nhưng với những xung đột của “lý tưởng chống Cộng”, những so đo trong tương quan lực lượng và quyền thế, cuối cùng đã đi đến những thoả hiệp và cấu kết với các thế lực ngoại bang. Do thực trạng xã hội miền Nam thời ấy, không ít trí thức quốc gia, khi xuất chinh, khi tham nghị, đã đóng trọn vẹn vai trò đánh thuê của mình. Đến độ tính trí thức biến mất, còn trơ lại những thân danh, khoa bảng vọng ngoại, lăm le “chực cửa hầu môn” những mong tiến thân được hàng “phẩm tước văn giai” hầu túi cơm giá áo. Số khác, còn chút sĩ khí, song “gặp thời thế thế thời phải thế”, lui về những tháp ngà, chuyên môn của mình, chép miệng mà rời xa thế sự, trí có thức cũng như ngủ. Thảng hoặc giựt mình, vẫn cố mong làm một hành động gì đó, nhưng rồi lại sợ đem muối bỏ biển. Có dấn thân thì ý chí cũng như sóng gợn hồ thu: lúc có lúc không! Như sương buổi sớm: thấy đó rồi tan! Số còn lại, cũng chẳng ít, tiến bộ hơn, tỉnh thức hơn, không còn đường nào khác là đồng hành hoặc đồng chí với những người cộng sản. Để rồi vài năm sau ngày thống nhất, có người lại ra đi, vượt biên hoặc chính thức với đầy đủ những ngậm ngùi và chua xót.

So với những hành trình trên, nhìn từ một góc độ nào đó, người ta thấy những trí thức dấn thân bên kia giới tuyến có lẽ đã chịu cùng một trọng thương, để cuối cùng nhận lãnh vai trò đánh thuê không tránh khỏi. Mục đích, lý tưởng, tính toán dù có khác nhau, nhưng đã khởi đi từ cùng một xuất phát điểm lịch sử: Từ tiếng trống gọi hồn Văn Thân đến tiếng chuông Thiên Mụ u sầu của ông già Bến Ngự, từ Đông Kinh nghĩa thục đến những giọt lệ chảy thành máu của Phan Tây Hồ, vua chúa đã trần truồng, đất nước đã vong thân, sĩ phu đã lơ láo! Trí thức tiến bộ không còn con đường nào khác là tiếp cận trào lưu tư tưởng nhân đạo và khai phóng nhất của thời đại đó, để nhìn lại dân tộc, nhìn lại hàng ngũ mà tự nguyện qui thuận Cách mạng vô sản, hầu mong hoán vị cho những giai tầng vô sản, cho một đất nước của không ít những con người mà đầu óc cũng vô sản nốt.

Những ngọn cờ cũ rũ xuống. Những ngọn cờ mới được trương lên. Những thần tượng cũ quá vãng. Những tượng đài mới được dựng lên. Tôn nghiêm chẳng kém. Thần thánh chẳng kém. Rồi “vô sản hoá”, rồi “xô-viết hoá”, rồi “xtalin hoá”, rồi “mao hoá”, rồi rất nhiều thứ khác được chủ nghĩa hoá. Kể cả những giao cảm của con người và trầm mặc của khối óc. Trí có thức cũng dần dà như mê.

Một cách nào đó, có thể nói rằng khi người trí thức Việt Nam, từ cái nhân bản của mình, xung phong trấn nhậm vai trò đánh thuê, đã tạo ra những thành lũy tự nhốt mình: từ “chọn lựa ý thức hệ lịch sử” đến “đầu hàng giai cấp” và cuối cùng là “đầu hàng cơ chế”, con đường đã được chứng minh là chẳng dài.

Ngày nay, tiếp tục vai trò đánh thuê theo những cách ấy thì trí thức có còn giữ được hào khí gì của kẻ sĩ? Thậm chí có còn thật sự là trí thức? Hay rồi lại như ai trong bài “Ai điếu” ở đoạn chót của đời, khi đã miệt mài suốt một quãng đường dài hơn hai mươi năm trong “khắc khoải nhân sinh”, trong “lầm lùi cát bụi”, một con người còn nặng nghĩa với con Người đã phải thở hắt ra: “chúng ta thiếu vắng những cây thông đứng sừng sững” (l).

Nói cho tận ý – dù biết là chủ quan, vội vàng, chưa hoàn chỉnh –, phải chăng trí thức Việt Nam, cả bên này lẫn bên kia, khi đã dấn thân vào lịch sử để đảm nhận vai trò đánh thuê cho mãi đến ngày hôm nay, và dù rằng vai trò ấy nhỏ bé đến đâu chăng nữa, rốt lại là tự mình đã ít nhiều suy vi lấy mình, vong bản lấy mình, tha hoá lấy mình?!

2. “Tự mình và vì mình”: hoà giải trí thức và hoà hợp dân tộc

Luận đề: Như ý thức và tính tổ chức mà một thành phần xã hội từ trạng thái “tự mình” hoán chuyển sang trạng thái “vì mình”. Và chỉ dưới hình trạng “tự mình và vì mình” – nói cách khác là “tự thân và tự giác” – mà thành phần đó mới có thể góp phần tích cực nhất của mình vào lịch sử chuyển hoá xã hội trong một chiều hướng tiến bộ.

Dĩ nhiên, đấy chẳng phải là do người viết nghĩ ra. Nó phát xuất từ một luận đề mác xít (từ khái niệm “vật thể tự nó” – noumène – của Kant sang đến tư tưởng như là một dạng thể “tự nó vì nó” hình thành thông qua một vận động biện chứng giữa phủ định của phủ định để trở về với “chính nó” của Hegel): Đối với một đảng cầm quyền vẫn luôn luôn tuyên bố vững chắc rằng bản thân mình là một thành trì của chủ nghĩa vừa Mác vừa Lê thì luận đề này nhất thiết phải được chiêm nghiệm trong vấn đề trí thức / thành phần xã hội nêu ra ở đây. Cũng xin nói rằng bài này chẳng dám “đánh trống qua cửa nhà sấm” mà lạm bàn về tính tổ chức. Chỉ mong góp đôi điều về chuyện ý thức.

Trước tiên, cần rõ ràng một điểm: Từ đây đến mai hậu, mãi mãi vẫn có và vẫn còn những người trí thức đánh thuê. Nhưng nếu đánh thuê là một lựa chọn thì thật là chẳng có gì để nói: Mỗi lựa chọn là một tự do. Mỗi tự do là một hoàn cảnh. Mỗi hoàn cảnh là một con người. Mỗi con người là một ý thức. Và mỗi một bản thân tự gánh trách nhiệm sự dấn thân của đời mình trên đôi vai của chính mình!

Nhưng vấn đề chính là ở chỗ lựa chọn và tự do, nghĩa là ở chỗ ý thức và hoàn cảnh lịch sử: Cho đến gần đây thôi, lịch sử cay nghiệt đã chẳng để cho những con người có ý thức về tiền đồ dân tộc một sự tự do lựa chọn nào khác ngoài con đường đánh thuê. Đã hơn hai thế hệ xung phong nhận lãnh. Ngày hôm nay, lịch sử sang trang mới, mở ra những lựa chọn mới, đòi hỏi những tự do mới, những ý thức mới. Thật sự đã qua rồi cái thời, mà rất nhiều thành phần xã hội – nhất là thành phần trí thức / tiểu tư sản – khi muốn làm nên lịch sử là phải tự mình chối bỏ lấy mình. Đó chính là điều đầu tiên cần ý thức.

Tiếp đó là ý thức về hệ quả của tiến trình trí thức đánh thuê: tha hoá trí thức! Tha hoá là vong thân. Tức là chẳng thể tự thân hay tự mình. Nói chi đến tự giác hay vì mình. Thử nghĩ với một thành phần xã hội chưa có được một hình trạng tự thân thì thành phần đó sẽ đóng góp được gì thật sự tiến bộ cho việc chuyển hoá lịch sử?! Đâu phải ngẫu nhiên mà một nhà sử học đã nhận định: “ Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở chỗ nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuels) chứ không có giới trí thức (intelligentsia) (2). Do đó cũng dễ hiểu vì sao có người đã ghi nhận rằng “trong học thuật” ở Việt Nam chỉ có “bè phái, phe nhóm” chứ không có “trường phái” (3).

Rõ ràng là phải chấm dứt tình trạng vong thân. Trí thức Việt Nam dấn thân bên này và bên kia không còn có thể tiếp tục mãi nhân danh cái khác mình, cái ngoài mình. Hãy nhân danh chính mình, chính cái mình có, chính cái mình biết, chính cái mình ngậm ngùi, chính cái mình chua xót. Bất kỳ lúc nào cũng nhân danh cái khác mình là kéo dài những nhập nhằng, chồng chéo, những tình trạng đảo điên, những thế sự tương tàn. Nhân danh chính mình là đòi hỏi mọi thứ phải được trả về đúng vị thế của nó: chính trị ra chính trị, kinh tế ra kinh tế, văn hoá ra văn hoá, khoa học ra khoa học. Khoa học không còn nhân danh chính trị. Chính trị không còn nhân danh trí tuệ loài người. Cứ thế, chính danh sẽ dần dần sáng tỏ: Kinh tế không thể nhân danh hạnh phúc. Văn hoá không thể nhân danh kinh điển. Cơ chế không thể nhân danh đạo lý. Chủ thuyết không thể nhân danh con người để cuối cùng đè bẹp con người.

Bỏ cái thời tham lam, hồ đồ, bao biện của những con đại bàng vạn năng sợ cả cái bóng mình che khuất lấy mình là đến thời khoa học thực thụ. Bước qua cái thời của những trí thức đánh thuê hăm hăm hở hở “nhất kiếm hành thiên hạ” là sang thời của những thức giả đem thực học ra thi thố với đời. Bởi một khi khoa học nhân danh chính mình thì trí thức mới nhận diện ra mình và nhận chân ra vai trò của mình trong xã hội, trong lịch sử. Những sở học, kiến thức, tài năng, uyên bác phải đóng góp thế nào để đạt kiến hiệu nhất trong việc góp sức dựng xây quê hương thoát ra khỏi nghèo nàn, thua thiệt, thấp kém? Những hoài bão và những giới hạn của mỗi ngành, mỗi nghề và ngay cả của mỗi người cũng sẽ dần dần mà rõ nét.

Đó cũng chính là lúc mà vấn đề hoà giải những trí thức Việt Nam trước nay đánh thuê bên này và bên kia có thêm nhân tố giải toả: trở về với chức năng thật sự của mình trong xã hội, đặt những mục đích mà một đất nước nghèo nàn đang đòi hỏi ở những người có học như là những thách thức chung và những thử thách chung. Dĩ nhiên sẽ rất là huyễn hoặc khi nghĩ rằng như thế sẽ bớt phân cách giữa tả và hữu, giữa những dòng tư tưởng, những nhân sinh quan, xã hội quan và sử quan khác nhau. Vẫn còn và nhất thiết phải còn: thực tiễn đòi hỏi đối chiếu, đối chất, cọ xát, tranh luận. Thậm chí đụng chạm và đụng độ. Nhưng nếu cơ sở là một sự đồng thuận tối thiểu trên một số giá trị nhân bản cần phải được tôn trọng (4), không phải chỉ bằng ngôn từ mà bằng cả cách hành xử, thì con đường đi đến hoà giải đã được bắt đầu khai thông. Trí thức, người quen sống với khái niệm, nếu tự mình chưa định hình được một con đường để hoà giải với chính mình, thì dựa vào đâu mà đòi hỏi hoà giải hoà hợp ở người khác?!

Ngày nay, trí thức Việt Nam phải khẳng định rõ vị thế và trách nhiệm của mình. Chờ đợi những “cơ chế thoáng”, mong có được những “chính sách trí thức rộng mở” là đòi hỏi ở người. Tự mình phân định vai trò của mình là đòi hỏi ở mình. Có tự mình thì trí thức Việt Nam mới mong hợp lưu thành “giới trí thức” có trọng lượng. Lúc ấy mới mong tính đến việc đối trọng lại sức đè của lịch sử, của cơ chế. Nếu không, dù có dứt bỏ thân phận đánh thuê thì rồi tiếng nói của trí thức cũng sẽ bị quán tính lịch sử đè bẹp, ú ớ như bị bóng đè!

Tự mình hay tự thân đã tương đối rõ. Nhưng thế nào là vì mình hoặc tự giác. Tự giác ở đây dùng để chỉ trạng thái của một thành phần xã hội đã nhận thức rõ lực lượng và nhiệm vụ của nó trước lịch sử. Vì mình, đúng là vì nhiệm vụ lịch sử của mình, vì vai trò xã hội của mình chứ không phải duy nhất vì những quyền lợi của tập thể và của bản thân mình. Và chỉ thông qua những quan hệ gắn bó giữa thành phần xã hội đó với cộng đồng dân tộc mà tính tự giác của nó được phát huy. Gramsci có một nhận định sâu sắc: “Thành phần bình dân cảm nhận nhưng lắm khi không hiểu và nhiều khi không biết; thành phần trí thức biết nhưng đôi khi không hiểu và nhất là đôi khi không cảm nhận một chút gì cả" (L'élément populaire sent, mais ne comprend pas ou ne sait pas toujours; l'élément intellectuel sait, mais ne comprend pas et surtout ne sent pas toujours) (5). Chính là thông qua những mối liên hệ giữa hiểu/ biết/ cảm nhận mà thành phần trí thức mới xác định rõ được tính chất vì mình: khi trí tuệ được hoà quyện với những cảm xúc thật sự của cái đau, cái khổ, cái nghèo, cái hèn, cái nhục... thì trí thức mới vừa có óc vừa có tim, mới hiểu thật sự những cái mình cần biết, mới biết những cái mình cần làm, mới làm những việc nhất thiết mình phải làm. Nếu không, trí thức chỉ còn là những khoa bảng, lẫn lộn tư duy là tự kỷ, đã tự mình chia lìa với dân tộc, với đất nước, với con người!

Từ đánh thuê đến tự mình và vì mình, con đường quả là chẳng ngắn. Nhưng nhất thiết phải đi. Có thế, trí thức mới nhận diện ra chính mình, từ đấy mà cố gắng trung thực với mình và trung chính với người, hoà giải với chính mình và hoà hợp với dân tộc. Mỗi ý thức là một niềm đau. “ Savoir c’est souffrir”, Pablo Neruda đã từng kêu lên. Nhưng có những nỗi đau vô cùng cần thiết: chính nó đã thôi thúc chúng ta đi từ vùng tối của đêm ra ánh sáng của ngày. “ Et nous sûmes: chaque nouvelle sortie de l’ombre nous donna la souffrance nécessaire” (6).

Hẳn nhiên, trong hiện tình Việt Nam, trên con đường phân định vai trò của mình, trí thức phải đối đầu với nhiều câu hỏi. Thử điểm sơ qua: Trong sự xô bồ của một cơ chế thị trường được dịp bung ra, nếu “chất xám là hàng hoá” thì trí thức là cái gì? Vào thời buổi mà vấn đề cấp bách là “phát triển kinh tế” vậy thì trong khoa học, trí thức nào có thể bị xem là “phi kinh tế” nhất? Trong chiều hướng đó, phải chăng, chủ nghĩa thực dụng là chị em song sinh của chủ nghĩa “mác xít thông tục” (marxisme vulgaire)? Và dưới cái nhìn của hai quan niệm sinh đôi đó, đã có những đòi hỏi gì về những “đóng góp cụ thể và quan trọng hàng đầu” của trí thức? Cái sinh lợi tức thời đã che đi cái nhìn về hậu sự? Cái đòi hỏi về những thành quả trông thấy ngay được đã dẫn đến việc xem thường những kiến thức tưởng như là trừu tượng? Vậy đâu là những chuẩn mực xã hội để định giá trị của người trí thức, để đánh giá những công trình khoa học? Trong bối cảnh đó, trí thức, một thành phần vẫn được xem như là tiểu tư sản, cần có những khẳng định gì để góp phần vào việc phát triển kinh tế đồng thời với phát triển dân chủ? Trong phần hai, xin sơ lược vài suy nghĩ với bài “Trí thức, hàng hoá và dân chủ”.

T.T.N.K.T.

 

(l) Nguyễn Minh Châu, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, Đoàn Kết số 399, tháng 2.1988.

(2) Trần Quốc Vượng, Nỗi ám ảnh của quá khứ, Đất Mới, bộ 3, số 5-6.1991.

(3) Phong Lê. Đổi mới để có độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ và dân chủ trong tranh luận, Đoàn Kết số 419, tháng 12.1989.

(4) Xem Lê Hùng, Vấn đề hoà giải hoà hợp, Diễn Đàn số 3, tháng 12.1991.

(5) Gramsci dans le texte, éd. Sociales, Paris 1975, tr. 301.

(6) Pablo Neruda, Mémorial de l’Ile Noire, éd. Gallimard, Paris 1983, tr. 251.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss