Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 6 / Vườn mộ Việt Nam

Vườn mộ Việt Nam

- Lê Bá Đảng — published 08/09/2008 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:38
 
 

Vườn mộ Việt Nam

  

Lê Bá Đảng

 

Dưới đây là một đề xuất độc đáo của hoạ Lê Bá Đảng mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu với bạn đọc (xem Đoàn Kết bộ cũ, số 420, tháng giêng 1990), m ột đề xuất cụ thể minh hoạ quan niệm tổng hợp của anh về nghệ thuật không gian. Rất mong độc giả góp thêm ý kiến.

 

Dân tộc Việt Nam ai ai cũng bùi ngùi, cảm động khi nhớ đến ông bà, tổ tiên. Ai ai cũng muốn tìm lại những cái gì độc đáo có tính cách và nguồn gốc dân tộc.

Nước ngoài đã mang lại cho ta cái văn hoá lẫn cái không văn hoá của họ. Nhiều cái đã ăn sâu vào ta, nhưng sự thực những cái đó vẫn là của nước ngoài.

Ngày nay, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại từng cái một và chọn lọc, chữa đổi để kiêu hãnh là một dân tộc không chịu lệ thuộc. Cái hố chia rẽ giữa Việt Nam chúng ta không sâu lắm. Nhìn kỹ lại ở giữa người Việt Nam, dù có khác đạo giáo, khuynh hướng, chính trị, giàu nghèo, có học thức hay thất học, Nam hay Bắc hay Trung, vẫn có những cái rất giống nhau, rất thuần tuý Việt Nam.

Cái đầu tiên giống nhau và in sâu vào đầu óc của mọi người Việt Nam là kính trọng, thờ phụng cha mẹ, ông bà tổ tiên và gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn.

Vậy vì sao chúng ta không dựa vào cái đó để làm sợi dây thắt chặt tình nghĩa của giống nòi. Làm thành một cá tính mà ít dân tộc nào có. Làm cho nó thuần tuý, thơm tho và ý nghĩa hơn cả Vạn lý trường thành và thật là đặc sắc Việt Nam. Vạn lý trường thành to tát, đồ sộ về bề dài, về khối lượng, còn bề sâu của nó tôi chưa thấy.

Về phần chúng ta, tôi đề nghị: mỗi làng chúng ta, từ Nam chí Bắc, miền núi hay miền biển và cho đến ở các nước khác có nhiều người Việt Nam ở thì chúng ta cùng nhau mỗi làng, mỗi nơi xây một mẫu mộ chung có tính cách nòi giống cho tất cả ông bà tổ tiên đã qua cũng như người sắp chết, không phân biệt gia đình giàu nghèo, tôn giáo.

Chúng ta con cháu vua Hùng. Ai cũng nghe đến thành Ốc1 đời Hùng Vương.

Tôi có ý và đề nghị mộ địa sẽ lấy mẫu gốc từ thành Ốc đời Hùng Vương và làm thành một tác phẩm nghệ thuật giữa vườn cây cối hoa trái. Mộ địa xây từ thấp đến cao theo hình xoáy trôn ốc thể hiện bề dày lịch sử và trong đó nền mỹ thuật Hùng Vương đóng một vai trò quan trọng đối với mỹ thuật của cả dân tộc.

Tất cả các thi hài đều đặt chung cạnh nhau từ thấp đến cao, ở chính giữa và trên cao chỉ có một nơi hương khói, cúng vái, tặng vật làm lễ chung. Cho nên lúc nào cũng có người đến viếng và hương khói, dâng vật lễ. Cúng vái, hương khói cho ông bà mình cũng như cho tất cả. Thành thử ra nơi đây không ai lẻ loi, hiu quạnh.

Nơi đây cũng là vườn hoa, là mộ địa, là tác phẩm nghệ thuật, là tình nghĩa, là văn hoá, vui vẻ, thân mật, tụ họp, quên cả hận thù, kẻ sống cùng kẻ chết giữa thiên nhiên tạo hoá.

Vườn mộ là nơi quan trọng, nơi lui tới của mọi người lúc rảnh rỗi. Tượng trưng cái ân nghĩa, cái gắn bó một khối liên kết từ người chết đến người sống; ông bà tổ tiên chứng kiến, tạo hoá và thiên nhiên đùm bọc.

Tinh thần đoàn kết, một bọc mà ra, trăm người như một, không chia rẽ, riêng biệt nhỏ nhen, xoá bỏ tánh ích kỷ, ai của nấy.

Thế mới là đặc sắc Việt Nam.

Mỗi làng Việt Nam đều có vườn mộ, nơi nào có người Việt Nam sống và chết đều có vườn mộ.

Mỗi năm sẽ có nhiều ngày lễ, lễ tảo mộ, lễ giỗ tổ (10.3).

Ai ơi đi ngược về xuôi ,
Nhớ ngày giỗ tổ mồng
mười tháng ba.

Rồi hàng năm, cả nước định trước một giờ, một ngày nào, cả nước từ vườn mộ này qua vườn mộ kia, đứng bắt tay nhau tỏ tình đoàn kết, một lý tưởng. Tình đoàn kết này nhờ công ơn của tổ tiên đã quá vãng mà con cháu còn sống phải vun quén và đoàn kết mãi. Giờ phút này quên hết hận thù, nhỏ nhen và lo xây dựng ngày mai với lòng bác ái của tổ tiên.

“Bây giờ ta lại là ta”.

Rồi bây giờ chúng ta nhìn lại xưa nay, mạnh ai làm mộ nấy, người giàu mộ to, người nghèo mộ nhỏ, rải rác khắp đồng ruộng, choán đất đai làm ăn, chia rẽ đủ mọi mặt.

Giàu có, đầy đủ hôm nay – rồi một ngày nào đó – không may bị tai nạn, giặc giã, gia đình tản mác, không một ai chăm sóc hương khói, mồ mả lạnh tanh đến lúc lùa bỏ đi để có đủ ruộng đất làm ăn. Mộ địa của ta đến bây giờ dù có to tát đến đâu cũng rất buồn tẻ, không kiểu cách, khi giống Tây, khi giống Tàu chứ không có một tính cách gì đặc biệt là Việt Nam. Nếu mỗi chúng ta chịu khó tìm hiểu để mỗi làng có một vườn mộ như ý kiến trên đây là một bước đầu tìm lại cá tính Việt Nam. Dù trong lĩnh vực mồ mả hay trong đời sống của con người Việt Nam cũng phải từ đây không chịu một tí lệ thuộc nào của người ngoài mang đến.

“Ta về ta tắm ao ta”.

Còn ở các nước khác, có rất nhiều người Việt Nam ở đó, lúc chết chôn mỗi người một nơi, ít ai đi lại thăm viếng và có nhiều khi bạn bè gia đình muốn đến thăm cũng chẳng biết đâu mà tìm. Vậy cho nên các nhóm Việt kiều nên tổ chức làm chung một vườn mộ như ý trên để hòng có người lui tới khỏi bị mất xác như tro như rác.

Tác phẩm vườn mộ Việt Nam kéo dài và quanh co cả nước, lại vượt biển qua các nước theo con người Việt Nam nên tôi tin rằng nó sẽ dài hơn Vạn lý trường thành và ý nghĩa, tình nghĩa lại sâu xa.

Paris 1991
 

1 Chú thích của toà soạn: tác giả muốn nói tới thành Cổ Loa đời An Dương Vương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss