Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:41
 
 

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

 

Việt - Mỹ: MIA

Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Richard Solomon, dẫn đầu một phái đoàn cao cấp gồm 13 quan chức, đã tới Hà Nội ngày 4.3 để đàm phán với chính phủ Việt Nam về những vấn đề liên quan tới 2.267 quân nhân Mỹ mất tích hoặc bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (MIA/POW). Đây là phái đoàn cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã tới Việt Nam, kể từ chuyến đi năm 1986 của ông Paul Wolfowitz, người tiền nhiệm của ông Solomon.

Cùng đi với ông Solomon, còn có ông Alan Ptak, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề MIA/POW, thiếu tướng Thomas Needham, phụ trách đơn vị đặc biệt “Full Accounting” (Thanh toán toàn bộ) và bà Ann Mills Griffiths, đứng đầu Liên đoàn quốc gia các gia đình MIA/POW. Ngoài ra, còn có các ông George Laudato phó trợ lý giám đốc Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, Frederick Downs, giám đốc chỉnh hình của Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ. Sự có mặt của hai quan chức này liên quan tới lời hứa năm ngoái của chính phủ Hoa Kỳ về việc viện trợ 1,3 triệu Mỹ kim cho một chương trình phẫu thuật chỉnh hình những thương binh Việt Nam. Tuy nhiên, những chi tiết về một khoản viện trợ như vậy chưa được công bố.

Ông Solomon đã làm việc với ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và đã được thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp. Tuy chỉ tập trung trong vấn đề MIA, và một phần nào trong việc viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, chuyến đi của ông Solomon được coi như một bước tiến mới trong quá trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Sau giải pháp hoà bình ở Campuchia, MIA là vấn đề tồn tại chính trong việc thiết lập lại bang giao giữa hai nước.

Sau Việt Nam, phái đoàn đã sang Lào và Campuchia, cũng để làm việc trong vấn đề MIA.

(AFP 4.3, Reuter 5.3.1992)

Thoả thuận ngân hàng Mỹ - Việt

Một thoả thuận cho phép người Việt Nam tại Mỹ chuyển tiền về giúp gia đình qua ngân hàng Mỹ đã được ký kết tại Hà Nội ngày 10.3, giữa các ông Hà Văn Sung, phó tổng giám đốc Vietcombank và Breenborg, phó thống đốc Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America). Thoả thuận bảo đảm việc chuyển tiền được “trực tiếp, nhanh chóng và an toàn”.

Trong 6 tháng đầu năm qua, người Việt ở nước ngoài đã gửi về nước số tiền tương đương với 25 triệu đô la Mỹ.

((AFP 12.3.1992)

Việt - Trung: nối lại giao thông

Báo chí Hà Nội đưa tin ngày thứ bảy 7.3, một đoàn đại biểu chính thức của đảng cộng sản Việt Nam, do ông Lê Phước Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư trung ương phụ trách tổ chức dẫn đầu, đã đi thăm Trung Quốc do lời mời của Ban chấp hành trưng ương đảng cộng sản Trung Quốc, từ ngày 6.3, song không nói rõ trong thời gian bao lâu. Ngày 9.3, đoàn đã được Tổng bí thư Giang Trạch Dân tiếp. Đây là đoàn đại biểu chính thức đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc kể từ khi hai bên nối lại quan hệ.

Cùng trong thời gian này, hai nước đã ký kết 4 hiệp định nối lại các đường hàng không, hàng hải, đường sắt và bưu điện. Phía Trung Quốc thông báo rằng đường sắt đi Việt Nam đã được sửa chữa xong và sẵn sàng hoạt động khi bên Việt Nam cũng sửa xong phần của mình.

(AFP 6 - 8.3.1992)

4 năm đầu tư

Theo tổng kết của uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, sau 4 năm thực hiện luật đầu tư, Việt Nam đã cấp giấy phép cho 363 dự án đầu tư với tổng sổ vốn 2 tỷ 697 triệu đô la của các công ty thuộc 34 nước. Trong đó, riêng năm 1991 có 114 dự án với tổng số vốn 1,2 tỷ đô la.

Các nước dẫn đầu về vốn đầu tư là: Đài Loan (602 triệu đô la, 46 dự án), Hồng Kông (393 triệu đô la, 90 dự án), Úc (280 triệu đô la, 18 dự án), Pháp (216 triệu đô la, 27 dự án). Riêng Việt kiều có 27 dự án với tổng số vốn 49 triệu đô la. Hai lĩnh vực nhận đầu tư nhiều nhất là dầu khí (664 triệu đô la) và du lịch - dịch vụ (500 triệu đô la).

Được biết, 70% các xí nghiệp có vốn nước ngoài đã hoạt động nằm ở các tỉnh miền Nam. Ngoài ra, thành phố HCM đã cấp giấy phép cho 180 công ty nước ngoài mở văn phòng đại diện ở thành phổ (và có khoảng 150 công ty đã mở văn phòng hoạt động mà chưa có giấy phép). Báo Thanh Niên (22.2.1992) cho biết, văn phòng có doanh số lớn nhất là Prima Comexindo của Indonêxia với hơn 17 triệu đô la.

Theo ông Lê Mai, phó chủ nhiệm uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, trong quá trình bốn năm qua, Việt Nam có mắc phải một số sai lầm như trong qui định tiền lương cho công nhân, tiền thuê nhà đất và các thủ tục đi lại, giao nhận hồ sơ, cấp giấy phép... Ông cho rằng năm 1992 sẽ là năm chứng kiến nhiều dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực sản xuất xi-măng, lọc dầu và khai thác quặng sắt.

(Tuổi Trẻ 22.2.1992)

Thêm hai đặc khu kinh tế

Theo Hà Nội Mới ngày 24.2, ông Nguyễn Mai, phó chủ nhiệm uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư vừa thông báo quyết định mở trong năm nay hai đặc khu kinh tế ở Hải Phòng và Đà Nẵng, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất những mặt hàng dành cho xuất khẩu. Khu “chế xuất” đầu tiên, được thiết kế tại Tân Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, cũng vừa được bắt đầu khởi công xây dựng trong tuần lễ trước đó.

Theo ông Mai, những cơ sở công nghiệp hoạt động trong các đặc khu nói trên sẽ được miễn thuế lợi tức trong 4 năm đầu và sau đó chỉ chịu thuế 10% trên tiền lãi làm ra. Các cơ sở phi công nghiệp sẽ chịu tỷ suất thuế 15%.

(AFP 24.2. 1992)

Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp...

Từ ngày 24.3 đến ngày 12.4 này, Quốc hội sẽ họp để thông qua dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, luật bầu cử quốc hội và những luật tổ chức các cơ quan nhà nước. Trong dịp này, đoàn đại biểu thành phố Chí Minh có đề nghị quốc hội bỏ hình thức thảo luận ở tổ và tổ chức việc thảo luận ở hội trường để mỗi đại biểu có thể theo dõi đầy đủ các ý kiến tranh luận. Đồng thời, trên các vấn đề lớn (chủ tịch nước hay hội đồng nhà nước, quyền sở hữu hay quyền sử dụng đất đai...) phải có quyết định đa số bằng cách bỏ phiếu kín.

Tại thành phố HCM, theo “Ban chỉ đạo lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp”, xu hướng xây dựng quốc hội chuyên trách được đa số ý kiến coi là một trong những điểm mấu chốt để giảm tính hình thức của quốc hội. Song việc loại bỏ hoàn toàn sự kiêm nhiệm các chức vụ hành pháp hoặc tư pháp của đại biểu quốc hội chưa được nêu lên rõ ràng. Số đại biểu quốc hội cũng có thể giảm xuống tối đa còn 300 thay vì gần 500 như hiện nay.

Ý kiến đa số còn cho rằng việc lựa chọn ứng cử viên phải được “tiêu chuẩn hoá” thay vì chỉ dựa trên cơ cấu thành phần như hiện nay. Ngoài ra, cần qui định thêm quyền vận động bầu cử cho các ứng cử viên, và bảo đảm có chọn lựa cho cử tri (tối thiểu 5 người ứng cử cho một đơn vị 3 đại biểu).

Đa số ý kiến cũng đề nghị bỏ định chế Hội đồng nhà nước để thay bằng định chế Chủ tịch nước. Qui định như trong dự thảo thì Hội đồng nhà nước trở thành một siêu quốc hội, đứng trên quốc hội chứ không phải chỉ là cơ quan thường trực như tên gọi.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhiều ý kiến cho rằng cần có một chương thể chế hoá những quan hệ giữa đảng và nhà nước. Ghi như hiện nay trong điều 4 thì các cấp đảng dễ tự biến mình thành những cấp nhà nước.

(Tuổi Trẻ 20 và 27.2.1992)

Bắt bớ và xử án người chống đối

Theo tập san Pháp Luật, một quân nhân chế độ miền Nam cũ, ông Đỗ Văn Thạc và 5 người khác đã bị một toà án ở Hà Tây xử tù vì những hoạt động chống đối chế độ. Ông Đỗ Văn Thạc bị buộc tội thành lập một tổ chức chống đối mang tên “Tổ Hạch Tâm”, và bị xử 14 năm tù. Năm người kia bị từ 3 đến 12 năm tù, đều là những cựu đảng viên đảng “Đại Việt Duy Dân” đã bị giải thể năm 1957 ở miền Bắc, trong đó có người con ông Phạm Đình Tiên, một lãnh tụ của Đại Việt Duy Tân. Tờ Pháp luật không nói rõ vụ án đã được xử ngày nào.

Tờ Hà Nội Mới ra ngày 4.3 cũng đưa tin nhiều người bị bắt vì hoạt động thành lập đảng Đại Việt Dân Chủ. Tờ báo kể tên ông Phạm Văn Thục (Thúc?) bị buộc tội đã “gửi 6 bài cho đài BBC kêu gọi phương Tây can thiệp để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

(AFP 4 và 5.3.1992)

Thuyền nhân: vượt biên và hồi hương

Theo số liệu của văn phòng Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc (HCR) ở Hà Nội, trong năm 1991 đã có 22.422 thuyền nhân vượt biên đến Hồng Kông (20.208 người) và các nước khác. Số thuyền nhân ra đi cao nhất là từ tháng giêng đến tháng sáu (13.930 người), sau đó giảm dần và trong tháng 12 chỉ có 43 người đến các trại tị nạn. HCR giải thích sự kiện đó bởi chủ trương không trợ cấp khi hồi hương cho những người vượt biên sau ngày 28.9.1991.

Đến ngày 19.2.1992, số thuyền nhân hồi hương đã lên đến 21.491 người trong đó số trở về từ Hồng Kông là 15.461 người. Việt Nam và Cộng đồng kinh tế châu Âu (CEE) đã thoả thuận về một chương trình giúp người hồi hương “tái hoà nhập”. Chương trình được thực hiện trong 30 tháng với một ngân sách 130 triệu đô la do CEE tài trợ.

(Tuổi Trẻ 22 và 29.2.1992)

Người Việt ở Đông Âu: định cư và hồi hương

Ngày 20.2, Việt Nam đã yêu cầu các đồng minh cũ ở Đông Âu cho phép những người lao động và sinh viên Việt Nam hiện ở các nước đó được phép tiếp tục ở lại, không bị cưỡng bức trở về. Ở Đức, hiện còn 30.000 người lao động Việt Nam trên số 60.000 đã sang đây trong những năm 80. Mười nghìn người đã nộp đơn xin tị nạn chính trị, còn lại 20.000 khác sống bất hợp pháp trong các bang của Cộng hoà Dân chủ Đức cũ (Đông Đức). Chính phủ Đức đã quyết định bỏ ra một ngân khoản 10 triệu Đức mã để giúp số người Việt Nam nói trên trở về nước, nhưng chưa đi đến được thoả thuận với chính phủ Việt Nam về việc này.

(AFP 20.2 và 13.3.1992)

Tin ngắn

* Bắt đầu từ tháng 5.1992, Air France sẽ mở đường bay hàng tuần, mỗi thứ sáu, từ Paris đi Hà Nội, có ghé lại thành phố Chí Minh.

* Theo báo Thanh Niên (16.2.1992), Tết năm nay đã có 45.000 Việt kiều về nước ăn Tết.

* Trong 11 năm qua, 350.000 công dân Việt Nam đã đi định cư ở nước ngoài một cách hợp pháp. Trên phân nửa số người này hiện sống ở Hoa Kỳ.

* Khách sạn Thống nhất - Métropole ở Hà Nội đã mở lại cuối tháng 2 sau hơn một năm sửa chữa, tân trang. Một công ty liên doanh Việt Pháp (phía Pháp là Feal, Accor and Elysee Investments, với vốn của 4 ngân hàng Pháp) đã đứng ra đầu tư sửa chữa và kinh doanh khách sạn 4 sao này, với số vốn 9 triệu đô la.

* Cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 1991 là: xuất 2 tỷ 81 triệu đô la; nhập 2 tỉ 198 triệu đô la. Bạn hàng chính là Xinhgapo.

* Từ đầu năm nay, từ Pháp có thể gọi điện thoại trực tiếp về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cách gọi: làm mã số “quốc tế” (19), đợi đường dây thông suốt, rồi mã số Việt Nam (84), số vùng (Hà Nội: 4, Thành phố: 8), rồi tới số của người nhận điện thoại. Giá một phút nói chuyện: 16,09 F chưa kể thuế TVA.

* Từ ngày 10.2, chương trình tiếng Việt của đài RFI có thể nghe được trong vùng Paris, trên làn sóng vừa 738 kHz, mỗi ngày từ 17 đến 18 giờ (giờ mùa hè).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss