Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 7 / Còn vương tơ lòng

Còn vương tơ lòng

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 08/09/2009 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:41
 
 

Còn vương tơ lòng
hay
Xây dựng một nhà nước pháp quyền

 

Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Dựa trên điều 2 của “Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1980”, ( “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” l), tôi đã đi đến kết luận là Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chuyên chính vô sản. Với nỗi vui mừng xen lẫn hồ nghi. Vui mừng vì nghĩ rằng đó là điều kiện không có không được (condition sine qua non) để dân chủ hoá đời sống chính trị ở Việt Nam: dân chủ và chuyên chính (dictature) cũng như ngày và đêm không thể đi đôi với nhau được. Còn hồ nghi là vì nhận thấy các nhà viết dự thảo đã không đi đến tận cùng lô gích của mình khi vẫn duy trì vai trò “ lãnh đạo nhà nước và xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù đây chỉ là hệ luận của quan niệm chuyên chính vô sản. Ngay trong hiến pháp 1977 của Liên Xô được ban hành dưới thời cố Tổng bí thư Brejnev, Đảng Cộng sản Liên Xô lần đầu tiên được đưa vào luật cơ bản, cũng chỉ tự khẳng định mình như là “lực lượng lãnh đạo và định hướng xã hội xô viết” (điều 6) chứ không phải nhà nước. Dĩ nhiên về thực chất thì cũng thế mà thôi, nhưng sự thận trọng trong cách viết nói lên được đôi chút ý muốn tránh lẫn lộn đảng và nhà nước.

Cách đây vài ngày, một anh bạn có cho tôi bản chụp bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười trước hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương khoá VII (29.11.1991) mang tựa đề “Cải cách một bước bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với nhà nước”. Sau khi đọc kỹ văn kiện này, trình bày rõ quan niệm và chủ trương của đảng về việc sửa đổi hiến pháp, sự hồ nghi của tôi đã biến thành sự hoang mang: theo Tổng bí thư Đỗ Mười, “ sửa đổi hiến pháp, cải cách bộ máy nhà nước không phải là thay đổi bản chất của hệ thống chính trị của nhà nước ta”.

Tôi hoang mang vì không biết nên tin theo điều 2 của bản dự thảo hay câu nói của Tổng bí thư Đỗ Mười. Mà cả hai đều bất cập cả.

Tin theo “dự thảo” thì hoá ra không quan tâm đúng mức đến “bài nói”.

Nhưng tin theo “bài nói” thì lại phạm lỗi coi thường hiến pháp, luật cơ bản của nhà nước.

Có lẽ tôi sẽ bớt hoang mang nếu Tổng bí thư Đỗ Mười nói rõ ra rằng đảng vẫn kiên quyết duy trì bản chất của nhà nước Việt Nam là chuyên chính vô sản.

Phải chăng câu nói trên, có phần mâu thuẫn với điều 2 của dự thảo, phản ánh những cuộc tranh luận trong nội bộ đảng – nếu nói một cách khá giản đơn –, giữa những người bảo thủ muốn duy trì nguyên trạng (statu quo) và những người tiến bộ muốn bỏ chuyên chính vô sản cho phù hợp với tình hình thế giới và nhất là với thực tế đất nước, một xã hội không thuần nhất (homogène) nhưng cũng không có đối kháng giai cấp gay gắt, với “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường” có khả năng tồn tại lâu dài (điều 15 của dự thảo)?

Cũng có thể là hiện nay trong Đảng Cộng sản Việt Nam có cái tâm trạng gần giống như của nàng Kiều khi nghĩ đến chàng Kim sau hơn 15 năm gian truân ba chìm bảy nổi:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Tóm lại nên xem việc từ bỏ chuyên chính vô sản như là một vấn đề tồn nghi, chờ hạ hồi phân giải mà càng sớm thì càng hay cho sự khai thông đời sống chính trị ở Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng hơn cả trong “bài nói” của Tổng bí thư Đỗ Mười là ông đã gióng lên những tiếng chuông báo động xót xa về “ tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ, thiếu trật tự, kỷ cương, không chấp hà nh đầy đủ các đạo luật đã ban hành”.

Theo ông, “chính sự quản lý yếu kém của nhà nước đã tạo cơ hội phát triển nhiều hiện tượng tiêu cực như buôn lậu, đầu cơ tham nhũng, xâm phạm tài sản và vốn của nhà nước và của nhân dân, làm rối loạn hoạt động kinh tế xã hội”. Ông nhấn mạnh đến hiện tượng “ thả nổi thị trường, buông trôi quản lý nhà nước”.

Trong bài báo cáo trước Quốc hội mang tựa đề “Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 1991-1995”, chủ tịch Võ Văn Kiệt đưa ra những nhận xét còn bi quan hơn nữa: “ai cũng thấy rõ tình trạng mất trật tự, kỷ cương, coi thường phép nước trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội đã nghiêm trọng đến mức nguy hiểm”, “tệ quan liêu, cửa quyền gắn với tệ tham nhũng rất phổ biến và nghiêm trọng trong các cơ quan nhà nước hiện nay”.

Theo ước tính của Tổng thanh tra nhà nước Việt Nam, chỉ riêng nạn tham nhũng đã làm thất thoát tài sản của nhà nước đến hơn 25.000 tỷ đồng tức gần gấp 3 lần dự thu cho ngân sách nhà nước 1991 (8.630 tỷ). (Tuổi Trẻ 28.9 và 8.10.1991)!

Nhưng do đâu mà nhà nước Việt Nam lại rệu rã đến mức báo động như vậy?

Tổng bí thư Đỗ Mười đã nêu ra một loạt nguyên nhân mà cái nào cũng xác đáng cả.

Trước hết đó là sự thiếu dân chủ: “ nhược điểm lớn nhất là bộ máy đảng, nhà nước và các đoàn thể nhân dân chưa thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.

Tiếp theo là “ sự lẫn lộn chức năng của đảng và chức năng của nhà nước”: “ đảng bao biện làm thay công việc nhà nước, thậm chí có nơi, có lúc có cả hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, làm cho cơ quan nhà nước mang tính hình thức”

Ngoài ra ông còn kể đến “ chế độ trách nhiệm không rõ ràng, tổ chức rất cồng kềnh, cách làm việc thủ công, thiếu trật tự kỷ cương và kém hiệu quả”.

Rõ ràng là Tổng bí thư Đỗ Mười đã chẩn đúng các căn bệnh trầm kha của nhà nước và hệ thống chính trị Việt Nam!

Liều thần dược mà ông cũng như chủ tịch Võ Văn Kiệt đề nghị là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền (Etat de droit).

Với đề nghị đúng đắn và sáng suốt này, tư duy chính trị ở Việt Nam đã tiến một bước khổng lồ!

Thật vậy, vấn đề hàng đầu hiện nay của đất nước là sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường giữa khi nhà nước và xã hội có nhiều dấu hiệu rệu rã. Sự bùng nổ kinh hoàng của tham nhũng, buôn lậu, hiện tượng vô chính phủ, mất trật tự, kỷ cương... đều bắt nguồn từ tình trạng đó.

Nếu không cấp tốc xây dựng một nhà nước vững mạnh dựa trên một hệ thống pháp luật được mọi người tôn trọng thì những cơ chế thị trường, tự chúng vốn vô hại, sẽ tạo ra những quan hệ xã hội mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé..., phi nhân.

Cùng với dân chủ và phát triển, nhà nước pháp quyền cần trở thành một mục tiêu chính yếu trong sinh hoạt chính trị ở Việt Nam.

Tất cả vấn đề là liệu chủ trương nhà nước pháp quyền có thể đi đôi với một quan niệm độc đoán, chuyên chính về nhà nước!

28.2.1992

 

(l) Câu này có lẽ lấy ý từ nguyên tắc “gouvernement du peuple, par le peuple et pour le peuple” ghi trong điều 2 của các Hiến pháp 1946 và 1958 của Pháp, mà nhiều người thường dịch là “chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Nếu tôi không lầm thì từ “gouvernement” ở đây có nghĩa là hành động cai trị (action de gouverner ) chứ không phải là chính quyền (pouvoir politique) hay “chính phủ” như là định chế (institution).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss