Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / “Công học” và “Tư học”

“Công học” và “Tư học”

- Bùi Trọng Liễu — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44

Giáo dục


“Công học” và “Tư học”


Bùi Trọng Liễu *

 

Sau khi bài “ Trung tâm Đại học Thăng Long: Đã 3 năm” đăng trong Diễn Đàn số 6 (1.3.92), một số bạn đọc viết thư, gọi điện thoại hoặc tìm gặp tác giả, đặt câu hỏi và yêu cầu cho biết thêm ý kiến về vấn đề trường công trường tư. Bài đăng dưới đây nhằm giải đáp một phần yêu cầu. Mong sẽ có những bài khác góp ý kiến trên đề tài này.

Lúc này, vấn đề tổ chức việc học theo trường công và/hay trường tư được đặt ra ở Việt Nam một cách cấp bách và trong một tình hình phức tạp. Nhìn từ nước ngoài, vấn đề lại càng phức tạp hơn nữa. Cho nên, tôi nghĩ rằng phải cố gắng tìm hiểu một số khía cạnh, rồi từ đó rút ra một kết luận cho việc góp phần hỗ trợ xây dựng một nền giáo dục - đào tạo phù hợp.

1. Trước hết, tôi có cảm tưởng là có một sự lẫn lộn ở chữ công, song song với một sự lẫn lộn ở chữ . Theo định nghĩa của một cuốn từ điển, công là của chung. Nhưng công còn được hiểu là do Nhà nước tổ chức, do nhà cầm quyền tổ chức. Kèm theo đó là một sự lẫn lộn, vô tình hay hữu ý, giữa chữ nhân (bên ngoài tổ chức của chính quyền) và cá nhân [chủ nghĩa] (chú trọng quyền lợi riêng của mình, đặt quyền lợi ấy trên quyền lợi của đoàn thể, xã hội).

2. Xét thử một thí dụ về việc học thời thượng cổ ở Trung Quốc, theo [l]: khi chưa chế ra mực giấy, chưa viết trên lụa, giấy, khi người ta còn viết bằng cách khắc chữ trên mai rùa hay thẻ tre, việc ghi chép, tàng trữ và di chuyển sách rất là phức tạp, việc học rất đắt, chỉ vua quan và con cháu họ (là những người cầm quyền và nối nghiệp cầm quyền) mới được học. Việc học lúc đó ngoài tầm của người dân thường. Cho nên công học lúc đó thật ra là quan học. Cho đến thời Xuân Thu, điều kiện thuận lợi hơn cho việc tư nhân mở trường dạy học và Khổng Tử (khoảng 500 trước Tây lịch) là người tiêu biểu nhất trong việc mở trường tư. Tư học lúc đó lại mang tính chất tích cực, bởi vì nó đã mở việc học ra cho những người không thuộc quí tộc, nghĩa là trên nguyên tắc, cho những ai có thể học được, và lúc đó cũng đã có những học trò nghèo.

3. Ở Việt Nam, dưới triều Lý, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên, năm 1076 thành lập Quốc tử giám [2]; một nền học vấn có qui củ được bắt đầu. Nhưng, cũng như dưới các triều đại nối tiếp sau đó, việc học mà Nhà nước tổ chức chỉ giới hạn ở một số nhỏ trường. Nói theo ngôn ngữ ngày nay: Nhà nước chỉ độc quyền tổ chức việc thi cử và phát bằng cấp, còn việc mở trường dạy học chủ yếu là do tư nhân. Các ông nghè, ông trạng, ông cử mở trường dạy học như Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp [3]... cũng đều là những tư nhân góp phần đào tạo nên những người trí thức nối tiếp nhau tham gia vào sự tiến triển của xã hội Việt Nam thuở xưa. Họ là những tư nhân, nhưng họ không cá nhân chủ nghĩa, mà còn đóng góp cho lợi ích chung. Thời đó (trừ trường hợp hãn hữu), giàu, nghèo, sang, hèn đều có thể học, nếu như tự tìm được phương tiện sống [4].

4. Khi tân học thay thế cho nho học, ở Việt Nam, trường công và trường tư tồn tại song song, nhưng các gia đình nói chung vẫn trọng trường công hơn trường tư, vì cho rằng trường công có tiếng hơn trường tư. Thậm chí có khi bắt con cái học lại một năm, hai năm, để được vào trường công. Tuy vậy, tổ chức việc học lúc đó vẫn trên nguyên tắc Nhà nước (dù là Nhà nước thực dân bảo hộ, hay Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 1945, 1946...) độc quyền tổ chức thi cử và phát bằng cấp, và để người dân tuỳ tiện học và thi. Thời đó, vấn đề không ở chỗ được tự do học hay không, mà là ở chỗ có được nâng đỡ về tài chính để có phương tiện sống mà học hay không.

Rồi đến những năm cuối thập kỉ 1950 và sau đó, miền Bắc tổ chức lại việc học, có qui mô rộng, trên nguyên tắc nâng đỡ con em các tầng lớp lao động. Thời đó, không còn tư học nữa. Nhưng từ đó, nảy sinh ra vấn đề lý lịch, vấn đề dành (và giành) chỗ cho thành phần này thành phần nọ. Rồi sau 1975, và nhất là những năm gần đây, công học dần dần đã không hoàn toàn là nền học của chung nữa. Cộng thêm vào tình hình kinh tế khó khăn, xã hội suy thoái [5], có những thí dụ cá nhân vì lợi riêng, hoặc vì bất đắc dĩ, sử dụng phương tiện của công mà đồng thời không chắc bảo đảm việc học cho đến nơi đến chốn. Trong những thí dụ đó, công học không những đã lạc mất chữ công mà còn có nguy cơ mất thêm cả chữ học nữa.

5. Hiện nay, ngân quĩ Nhà nước có còn sức để bảo đảm một nền học hoàn toàn công học không? Lấy tiền đâu để tăng ngân quĩ, và tăng ngân quĩ giáo dục - đào tạo lên được bao nhiêu để vực các trường công dậy, và để bảo đảm điều kiện hành nghề của đội ngũ giảng dạy? Nếu không, thì chỉ còn một giải pháp, và đó là hướng hiện nay: cùng với trường công, mở trường bán công, trường dân lập, tư lập. Tôi không nói rằng trường công là xấu, ngược lại. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này, cần thu hẹp phạm vi của công học lại, sao cho vừa với ngân quĩ mà Nhà nước phải cố gắng bỏ ra, để cho các trường công có thể sinh hoạt một cách đàng hoàng nghiêm chỉnh, giữ vững một nền tảng học vấn có giá trị. Và đồng thời mở ra, khuyến khích và tạo điều kiện cho tư nhân, cho các đoàn thể, cho các tổ chức ngoài chính phủ tham gia vào việc giáo dục - đào tạo.

Trên điểm này, người trong nước cho cảm tưởng là đã thấy rõ hơn một số người ngoài nước.

6. Lúc này, cần gạt ra những nghi kỵ vu vơ, những gán ghép không bằng chứng, đôi khi bất công, đối với vấn đề trường công / trường tư [6], mà cần đề nghị và ủng hộ những biện pháp nhằm – trong chừng mực có thể – bảo đảm được mức độ học hành, sự tự do và sự công bằng cho càng nhiều người càng tốt, nếu chưa phải là cho tất cả.

Đó là một số ý kiến tản mạn, tôi viết ra để nhằm góp phần trả lời những câu hỏi của một số độc giả, lẽ dĩ nhiên với sự dè đặt và khiêm tốn của một người ở xa, với sự hiểu biết có giới hạn về tình hình Việt Nam, đồng thời với lòng ước mơ một ngày nào đây, được thấy lại cái không khí đầy nhiệt tình, thương yêu và đùm bọc nhau trong việc học, của thời mà phong trào Truyền bá quốc ngữ đang lên cao [7]: không phân biệt thành thị, nông thôn, giàu, nghèo, sang, hèn, già, trẻ, trai gái, người biết chữ dạy người mù chữ...

Paris , 30.3.1992

 

[*] Giáo sư đại học.

[1] Bách gia chư tử của Trần Văn Hải Minh, do Hội nghiên cứu và giảng dạy Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1991.

[2] Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.

[3] Trừ thời gian La Sơn phu tử được vua Quang Trung giao cho việc lập Sùng chính thư viện (xem La Sơn phu tử của Hoàng Xuân Hãn).

[4] Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí) của Phan Huy Chú: ông Bùi Xương Trạch, lúc bé, nhà nghèo, theo việc cày cấy lại chăm học, mang sách vừa bừa vừa học. Vì thế việc làm ruộng không bỏ, mà sức học ngày càng tiến. Năm 28 tuổi, ông đỗ tiến sĩ (1478). Hôm treo bảng thi đỗ, ông còn cày ở ruộng.

[5] Xem thêm bài Khủng hoảng giáo dục... của Bùi Mộng Hùng (Diễn Đàn số 4, 1.1.1992).

[6] Xem chú thích số 2 của bài Trung tâm đại học Thăng Long: Đã 3 năm (Diễn Đàn số 6, 1.3.1992).

[7] Nhất là những năm 1944-1945.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss