Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Công lao Alexandre de Rhodes

Công lao Alexandre de Rhodes

- Hoài Văn — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44

Công lao Alexandre de Rhodes


Hoài Văn



Nói đến những người đã có công sáng tạo ra chữ “quốc ngữ”, người ta thường chỉ nhắc đến tên của Alexandre de Rhodes, coi ông như là người đã có công đầu trong việc này.

Năm 1991, trong nước kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông. Đây là một sự kiện mới mẻ, nhưng không biết người ta đã cho nó ý nghĩa nào? Con đường trước kia mang tên ông ở Sài Gòn nghe nói sau 75 đã bị đổi tên. Còn cái nhà bia do Nhà nước bảo hộ Pháp cho xây năm 1941 ở Hà Nội, sát bên Hồ Gươm, không biết sau này ra sao, nhưng năm 75 về tôi thấy vẫn còn. Kể cũng lạ, cái nhà bia này đã được viên toàn quyền Decoux, người của Vichy, cho xây vào một lúc mà nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đang ở vào một thế bí: bên ngoài thì Nhật đã vào Lạng Sơn (22.9.1940) và buộc Pháp phải nhượng bộ về mọi mặt quân sự, kinh tế,v.v...; bên trong thì bộ máy cai trị của nhà nước bảo hộ vẫn tiếp tục bóc lột các xứ Đông Dương về mặt kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách ngu dân nhưng cũng không sao ngăn chặn được phong trào “Truyền bá quốc ngữ” đang phát triển mạnh lúc ấy. Việc cho xây nhà bia ghi ơn Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ Dòng Tên người Pháp, được coi là “cha đẻ của chữ quốc ngữ”, trong bối cảnh đó, phải chăng cũng chỉ là một cách nhập nhằng, ghi ơn nhà nước bảo hộ Pháp?

Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết người ta đề cao Alexandre de Rhodes có phải vì công lao của ông đối với chữ quốc ngữ, hay còn vì những lý do nào khác?

Từ khi sưu tầm được những tài liệu còn lưu lại trong các văn khố và thư viện ở châu Âu, bắt đầu từ những năm 50 trở lại đây, các sử gia đã nêu lên một số câu hỏi. Riêng về vấn đề ai là người có công đầu trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ và chữ quốc ngữ xuất hiện vào thời điểm chính xác nào, cho đến nay chưa ai dám khẳng định dứt khoát một điều gì, do tình hình sưu tầm tài liệu còn gặp nhiều khó khăn và một số chứng từ coi như đã bị thất lạc.

Người ta chỉ biết rằng đây là một công trình tập thể, có thể đã được bắt đầu ngay từ khi những giáo sĩ đầu tiên đặt chân đến nước Đại Việt, với sự cộng tác đắc lực của các thày giảng người Việt và của giáo dân.

Theo các tác giả người Âu ở thế kỷ XIX (André-Marie, Missions Dominicaines dans l'Extrême Orient, 1865 và Louvet, La Cochinchine religieuse, l885), mà L.m. Đỗ Quang Chính đã dẫn trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của ông (tr.20), thì ngay từ khoảng đầu thế kỷ XVI đã có những giáo sĩ Dòng Dominicains đến truyền giáo ở vùng Hà Tiên và Thừa Thiên, trong đó có những tên tuổi đã được ghi lại như I-Ni-Khu, Gaspar da Santa Cruz, Luis da Fonseca, G. de la Motte, Diego Advarte. Theo các học giả Lê Thành Khôi trong cuốn Histoire du Vietnam (Sudestadie, 1981) và Jean Lacouture trong cuốn Jésuites (Seuil, 1991), người ta còn được biết một cách chính xác trong sử biên niên có ghi năm 1533 có lệnh cấm đạo Thiên Chúa ở nước Đại Việt, cùng năm đó có một người Việt tử vì đạo và sự có mặt của giáo sĩ I-Ni-Khu cũng được xác định. I-Ni-Khu là tên phiên âm từ Inigo (tiếng Tây Ban Nha) hoặc từ Ignatio (tiếng Ý). Tên này trong sử biên niên chắc hẳn đã được ghi bằng chữ Hán

Mặt khác, người ta biết rằng, vào cuối thế kỷ XVI, các giáo sĩ Dòng Tên (Compagnie des Jésuites) sang truyền đạo ở Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã tìm mọi cách để phiên âm tiếng bản xứ bằng mẫu tự Latinh. nhưng không thành công. Sau khi bị trục xuất hẳn khỏi Nhật Bản (1614), đầu năm 1615 các giáo sĩ Dòng Tên vào truyền giáo ở Đàng Trong và theo L.m. Đỗ Quang Chính, năm 1620 các giáo sĩ Dòng Tên đã phải soạn thảo một cuốn sách giáo lý bằng chữ Nôm (LSCQN. tr.23)!

Xem như vậy, khó mà biết được một cách chính xác chữ quốc ngữ đã xuất hiện vào thời điểm nào trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.

Còn nói về người có công đầu trong công cuộc này, tác giả Đỗ Quang Chính cho rằng trước Alexanclre de Rhodes cũng đã có những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha và Ý như: Francisco de Pina (Bồ), Cristoforo Borri (Ý), Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ), João Roiz (Bồ), Pedro Marques (cha Bồ, mẹ Nhật),v.v... đã biết sử dụng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Thậm chí, có những giáo sĩ Dòng Tên đến Đại Việt cùng một lúc với Alexandre de Rhodes, như Gaspar d’Amaral (Bồ) “có trình độ chữ quốc ngữ giỏi hơn Alexandre de Rhodes nhiều”. Gaspar d’Amaral chính là người đã soạn ra cuốn từ điển Việt-Bồ-Latinh đầu tiên, trước Alexandre de Rhodes hàng mười mấy năm, nhưng cuốn từ điển ấy chưa kịp ấn hành thì ông bị chết vì tàu đắm ở gần đảo Hải Nam khi ông từ Macao đi Đàng Ngoài (23.12.1645). Bản thảo cuốn từ điển này sau đã bị mất, cũng như bản thảo cuốn từ điển Bồ-Việt do L.m. Antonio Barbosa soạn vào những năm 1636-1642. Alexandre de Rhodes, trong lời tựa cuốn Từ điển Việt-Bồ-Latinh do Bộ Truyền giáo Toà thánh La Mã xuất bản năm 1651, đã không quên nói đến hai tác phẩm này mà ông đã được tham khảo mỗi lần ông rời Đàng Trong về Macao trong những năm 1640-45.

Tác giả Đỗ Quang Chính cho rằng Alexandre de Rhodes đã học hỏi được nhiều về cách viết chữ quốc ngữ của Gaspar d'Amaral và có lẽ của cả Antonio Barbosa để soạn ra cuốn từ điển của ông, vì vào những năm 1632-37 ông còn chưa biết “cách ngữ” (viết tách rời từng từ) và chưa biết cách đánh dấu, trong khi Gaspar d'Amaral ngay từ 1632 đã biết cách ngữ và bỏ dấu một cách rõ ràng, đầy đủ.

L.m. Đỗ Quang Chính còn nêu lên nghi vấn, không biết hai cuốn từ điển của Gaspar d'Amaral và Antonio Barbosa có bị thất lạc thật không, hoặc còn nằm đâu đấy, hoặc đã bị “tiêu diệt”? Giả thuyết cuối cùng này có thể làm cho một số người sửng sốt, nhưng không hoàn toàn vô lý. Chắc hẳn tác giả có nhiều lý do, mà ông không muốn nói ra, để nêu lên nghi vấn này.

Dẫu sao, một điều rất mới mà Alexandre de Rhodes đã đem lại với cuốn từ điển của ông là cách nhìn và phương pháp phân tích khoa học. Ông đã dành cả phần đầu cuốn từ điền để phân tích ngữ pháp của tiếng Việt và đặc biệt quan tâm đến các vấn đề thanh và dấu.

Năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ của Alexandre de Rhodes là một điều mà ai nấy đều phải công nhận. Ông viết và nói thạo các tiếng Pháp, Việt, Ý, Latinh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, biết tiếng Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư... Về cuối đời, ông nói thạo tất cả 13 thứ tiếng. Vì thông thạo tiếng Việt và có lẽ còn vì là một người khôn ngoan, mềm mỏng, cho nên năm 1626 các bề trên Dòng Tên đã cử ông từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài để truyền giáo. Trong một chứng từ viết năm 1653, l.m. Saccano cũng xác nhận Alexandre de Rhodes “thành thạo tiếng Việt” khi ông lên tiếng bênh vực “Mô thức rửa tội bằng tiếng Việt” do Alexandre de Rhodes đề ra năm 1645 ở một cuộc hội nghị tại Macao.

Nguyên Alexandre de Rhodes là người gốc Do Thái Tây Ban Nha. Tổ tiên ông làm nghề hàng tơ, sinh cơ lập nghiệp ở vùng Aragon. Có thể sau đạo luật nổi tiếng ban hành năm 1492 cấm người Do Thái và người Ả Rập không được cư ngụ ở xứ này nếu không chịu phép rửa tội, họ đã phải lưu lạc sang đất Pháp và định cư tại Avignon, lúc đó còn là đất của Toà Thánh Vatican, nhưng nhờ sự che chở của đức Giáo hoàng Clément VI, đã trở thành đất dung thân cho những người Do Thái dù đã theo đạo Thiên Chúa hay không. Như vậy, ông vừa là người Pháp, vừa có quốc tịch Toà Thánh Vatican, mẹ ông lại là người Ý. Thời đó muốn đi truyền giáo ở bên Á Đông, tức thuộc vùng Bồ Đào Nha, là phải học tiếng Bồ, cho nên ngay từ lúc còn trẻ, Alexandre de Rhodes đã thông thạo đến 4, 5 thứ tiếng Âu châu và không lấy gì làm lạ là ông đã học được một cách dễ dàng các tiếng Á Đông.

phep-giangNgười ta ghi nhận công lao của Alexandre de Rhodes đối với sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ đặc biệt qua việc xuất bản hai cuốn sách năm 1651 do Bộ Truyền giáo Toà Thánh chủ trì, cuốn Từ điển Việt-Bồ-Latinh (Dictionarium annamiticum, lusitanum, latinum) và cuốn Phép giảng tám ngày (Cathechismus). Đây là cả một công trình to lớn mà tác giả đã phải khổ công coi sóc từ việc đúc chữ, sắp chữ,v.v...

Hai cuốn sách này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng không chỉ riêng cho sự phát triển chữ quốc ngữ và đồng thời của việc truyền giáo, vì đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ được in thành sách và được phổ cập ít ra là trong một phạm vi nào đó, mà còn vì qua hai cuốn sách này, giáo hội La Mã muốn tỏ cho chính quyền Bồ Đào Nha biết: từ nay việc truyền giáo ở Á Đông hoàn toàn thuộc về Toà Thánh La Mã chứ không còn lệ thuộc vào nhà cầm quyền Bồ Đào Nha nữa. Trước kia, trong hơn một thế kỷ, kể từ năm 1493 khi đức giáo hoàng Alexandre VI cho phép vua Bồ Đào Nha được độc quyền “sở hữu” trên các đất đai “ở về phía đông quần đảo Açores” trong đó có các nước Á Đông, thì việc truyền giáo ở các nước này đều phải được sự “đỡ đầu” của Lisbonne. Trên thực tế, nếu không có tàu bè, khí giới và những con buôn của nước này thì các giáo sĩ cũng không vào truyền giáo được ở các nước Á Đông. Song, chính quyền Bồ Đào Nha đã có nhiều lạm dụng nên từ đầu thế kỷ XVII, Toà Thánh La Mã muốn giành lại trách nhiệm này.

Xem như vậy, việc xuất bản hai cuốn sách nói trên là một đóng góp quan trọng không những đối với việc truyền giáo nói chung, mà còn đối với cả việc khôi phục lại uy quyền của Toà Thánh La Mã nói riêng.

Sự gắn liền việc truyền giáo ở các tỉnh đạo vùng Á Đông với những thế lực thuộc địa lúc đó, với những chuyến tàu chở hàng và vũ khí của bọn lái buôn Bồ Đào Nha vẫn làm cho các giáo sĩ chân chính suy nghĩ từ lâu. Bản thân Alexandre de Rhodes đã có dịp nghiền ngẫm về vấn đề này trong cuộc hành trình trở về châu Âu kéo dài bốn năm trời từ sau khi ông bị trục xuất khỏi Đàng Trong (từ tháng 7.1645 đến tháng 6.1649). Từ sự suy nghĩ đã chín mùi này nảy ra ý nghĩ: phải làm sao có một giáo hội bản xứ, có những vị giám mục bản xứ tuân theo lệnh của Toà Thánh để tránh khỏi sự lệ thuộc của các giáo sĩ vào các thế lực nói trên. Alexandre de Rhodes đã viết một bản báo cáo dài về Rome (1650) trình bày ý kiến này.

Xem như vậy, khi xét công lao của Alexandre de Rhodes đối với chữ quốc ngữ, nếu chỉ xét về khía cạnh kỹ thuật không thôi thì không thể nào không ghi nhận công ơn lớn lao của ông, mặc đầu công ơn này không phải chỉ của riêng mình ông. Nhưng nếu xét đến cái mục đích, ý nghĩa sâu xa của công việc này, thì người ta lại không thể nào không nghĩ đến vai trò của chữ quốc ngữ trong việc truyền bá đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, với tất cả những hậu quả tích cực hay tiêu cực của nó, tuỳ theo quan điểm của mỗi người.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss