Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Dân chủ là điều kiện của phát triển

Dân chủ là điều kiện của phát triển

- Nguyễn Ngọc Giao — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44


Dân chủ là điều kiện của phát triển


Nguyễn Ngọc Giao

 

Khi tôi viết dòng này (24.4.1992), cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đang đi thăm Việt Nam, và được tiếp đón trọng vọng như một quốc khách, lại có tin đồn ông được mời làm quốc sư. Đây không chỉ là một nghi thức ngoại giao: nó bộc lộ một quan niệm khá phổ biến hiện nay trong giới cầm quyền nước ta. Và không chỉ ở nước ta: ở Trung Quốc, trong chuyến du Giang Nam đầu năm cũng như trong cuộc đấu tranh chống phe bảo thủ, ông Đặng Tiểu Bình đã chẳng nói lên ước mơ là những tỉnh như Quảng Đông sẽ bắt kịp Singapore đó sao?

Sự ngưỡng mộ của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đối với mô hình Singapore không giới hạn vào trường hợp quá đặc biệt của quốc gia thành phố này: nó hướng tới bốn con rồng châu Á, và cả Thái Lan, Indonesia, Malaysia...Mô hình đó là: trong khoảng thời gian chừng hai mươi năm, xây dựng kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới một chế độ chính trị chuyên chế (quân phiệt hoặc/và độc đảng). Ở Liên Xô cũ, giới bảo thủ trong Đảng cộng sản (mà đại diện là Ligatchev, được Ban văn hoá tư tưởng trung ương ở Hà Nội coi là người đồng chí kiên trung) cũng đã từng mơ ước một hình Chilê (của thời Pinochet). Từ sau sự sụp đổ của khối Đông Âu, nhất là từ sau sự tan vỡ của Liên bang Xô viết, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc càng củng cố quan niệm của mình, là kiên quyết duy trì sự chuyên quyền của đảng cộng sản (cho dù phải tránh dùng bốn chữ “ chuyên chính vô sản”, như đã xoá trong Hiến pháp vừa được tân trang), và tiếp tục cải tổ kinh tế theo chiều hướng “kinh tế thị trường”, lối dùng chữ huý kỵ để khỏi phải nói toạc là kinh tế bản chủ nghĩa.

Khách quan mà nói, quan niệm trên chừng nào cũng được một bộ phận trí thức và chuyên viên chia sẻ – dù là miễn cưỡng: “các cụ” nhất quyết bám chặt, các lực lượng dân chủ chỉ có tay không, lại chưa được tổ chức, dân chúng thì mãi làm ăn để mưu sống. Mà bây giờ thì làm ăn thoải mái, ai giỏi thì được cải tổ kinh tế sẽ tiếp tục, đó là điều tất yếu. Và cũng tất yếu là hạ tầng cơ sở (kinh tế) thay đổi sẽ dẫn tới thay đổi thượng tầng kiến trúc (chính trị), lúc đó mới nói chuyện dân chủ được. Vả lại ở phương Đông, đơn vị thời gian là thập niên, cái gì Đông Âu làm trong hai ba năm, Đông Á phải hai ba chục năm... Tóm lại một thứ chủ nghĩa Mác máy móc “kinh tế quyết định chính trị” bàng bạc sự nhẫn nhục Đông phương đang thay thế cho thứ học-thuyết-mác-xít-lên-gân “ chính trị quyết định kinh tế” đã phá sản. Không ít Việt kiều Âu Mỹ, và không chỉ trong giới doanh nhân, tuy không viện dẫn kinh điển cũng đi tới kết luận tương tự: Đảng cộng sản thực ra không còn kiểm soát gì được nền kinh tế và đời sống xã hội nữa, chỉ còn bám lấy chính quyền, một bộ máy không còn nguyên khối, mà chia năm xẻ bảy giữa mấy chục sứ quân (tỉnh, thành, ban, ngành), thế thì cứ để cho họ nắm, rồi tự nhiên nền kinh tế đi lên sẽ là cái hố chôn chủ nghĩa cộng sản. Lênin đã từng nói mỉa: chủ nghĩa tư bản mà được giá thì sẵn sàng bán luôn cả chiếc dây thòng lọng sẽ thắt cổ nó. Ngày nay, tất có người tin rằng Đảng cộng sản, để mua thời gian, sẵn sàng đào sáu tấc đất kinh tế thị trường để tự chôn mình.

Luận điểm nói trên của nhà cầm quyền và một bộ phận dư luận (trong và ngoài nước), một thứ luận điểm đồng sàng dị mộng, dựa trên một số căn cứ xác thực: mọi công cuộc phát triển đòi hỏi phải có sự ổn định chính trị và xã hội, và trong tình hình Việt Nam, một chính quyền mạnh. Song, nhược điểm cơ bản của luận điểm ấy là nó giả định rằng: mô hình của các con rồng châu Á (áp dụng trong hai thập niên 70 và 80) có thể áp dụng được một cách hiệu quả ở Việt Nam trong hai thập niên tới đây.

Giả thiết ấy, tiếc thay (hay may thay, tuỳ ý kiến mỗi người), không có giá trị. Có hai lẽ chính:

  • Sự cất cánh của các nước nói trên diễn ra vào đúng thời cơ kinh tế thế giới: các nước công nghiệp hoá Âu-Mỹ bước sang cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai và tiếp đó nổ ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu, nên họ đã chuyển sang các ngành công nghệ “hậu cơ giới”, và chuyển công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hàng tiêu dùng cấp thấp cho các nước “ngoại vi”, là nơi nhân công rẻ, chưa cần tay nghề cao, và có bộ máy trấn áp đủ sức ức chế các cuộc đấu tranh dân quyền, dân sinh, dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà ngoại trừ Singapore là nước không có phong trào cộng sản hay tiến bộ mạnh, tất cả các nước khác như Đài Loan, Nam Triều Tiên... đều có chính quyền quân phiệt được trả thù lao bằng những cổ phần công ty (khoảng 10-15 phần trăm), nhưng không can dự vào công việc quản lý kinh tế. Đó là không nói tới sự đầu tư khá lớn của các nước Tây phương, đặc biệt là Mỹ (một phần vì lý do chiến lược của chiến tranh Việt Nam) và Nhật Bản.
  • Thời cơ đó đã dứt khoát qua rồi. Trong điều kiện hiện nay của trật tự kinh tế thế giới, nếu Việt Nam không hội đủ những điều kiện nội trị và quốc tế cần thiết để triển khai một chiến lược phát triển, thì khả năng duy nhất còn dành cho đất nước này là: trở thành một thị trường tiêu thụ, một nguồn tài nguyên để vơ vét bất chấp các nguyên tắc môi trường, và một nền kinh tế chuyên làm gia công cấp thấp cho nền công nghiệp của Thái Lan, Indonesia và các con rồng châu Á. Khoảng cách, đã quá lớn, giữa Việt Nam và các nước lân bang, trong viễn tượng này sẽ không có mảy may hy vọng rút ngắn lại, mà ngày càng dài ra.

Đứng về mặt cơ cấu xã hội, tình hình này sẽ làm trầm trọng hơn một xu hướng đang phát triển. Đó là sự hình thành một tầng lớp sản mới kết hợp hai thành phần: những người có chức có quyền, hoặc con em họ, và những nhà tư sản áp phe. Đẳng cấp này đang chiếm hữu của công, chụp giật những dịch vụ buôn đi bán lại. Vì không đủ khả năng hoặc vì thiếu tin tưởng ở tương lai, nó không tích luỹ và mở rộng sản xuất, mà chỉ vơ vét để tiêu xài hoặc chuyển của ra nước ngoài (bất động sản ở Paris, chương mục có số ở Genève). Nói nôm na, đẳng cấp ấy vơ vét chụp giật như giai cấp tư sản trong thời kỳ phát triển hoang dại thế kỷ thứ 19, nhưng không hề có sức sống và không hề đảm đương vai trò lịch sử của giai cấp tư sản là làm đầu tàu cho cuộc phát triển kinh tế hàng hoá. Tư sản mà không có thực chất của giai cấp tư sản: một thứ tư sản Canada Dry (có mùi rượu, có vị rượu, mà không phải rượu). Nó không có tương lai, hay thê thảm hơn: tương lai của nó là quá khứ của những nước cộng-hoà-đồn-điền-chuối của Nam Mỹ (nếu không nói châu Phi), và chỉ có thể là đại hoạ cho đất nước.

Công thức chuyên chế + kinh tế tư bản, ở thập niên cuối thế kỷ 20 này, không thể dẫn tới cất cánh và phát triển, vì một lẽ cơ bản: mọi sự tích luỹ vốn ngày nay chỉ có thể dựa trên năng suất cao, mà nói năng suất cao trong quy trình sản xuất hiện nay là nói tới vai trò ngày càng quyết định của chất xám, của trí tuệ. Xin đơn cử một thí dụ: để phát triển công nghiệp tin học ở Việt Nam, tất nhiên, dù muốn hay không, trước mắt, ta phải lắp ráp linh kiện, làm thuê cho những công ty điện tử (như cách đây 10 năm hàng ngàn phụ nữ Singapore đã phải làm, với kết quả là ngày nay họ mờ mắt). Nhưng như thế chưa đủ, điều cốt yếu là nhờ vào sự gia công đó mà tìm vốn để phát huy tối đa lực lượng trí thức đã có và đào tạo đội ngũ chuyên viên có trình độ để giành chỗ đứng trong khu vực sản xuất phần mềm (software): phần mềm (tức là các chương trình, sản phẩm tinh thần của bộ óc, đối lập với phần cứng, tức là phần máy móc) hiện nay tạo ra ít nhất 80% giá trị sản phẩm tin học. Vấn đề mấu chốt, trong tin học cũng như trong mọi ngành sản xuất hiện đại: năng suất cao gắn liền với khả năng sáng tạo, và sự tự do của người lao động (cho dù, trong một xí nghiệp ở các nước dân chủ nhất, khó tìm ra một bầu không khí dân chủ). Nói khác đi, dân chủ không chỉ còn là một lý tưởng phải đạt tới, càng không phải là một thứ tiền thưởng (mà đảng cầm quyền ban phát và ... mở rộng): nó là điều kiện cần thiết của sự phát triển trong thời đại ngày nay.

Trong hoàn cảnh Việt Nam, dân chủ còn là chìa khoá tâm lý để hoá giải những oán thù và bất công tích luỹ trong mấy chục năm chiến tranh và gần hai chục năm “chuyên chính vô sản” mà lắm người trong nước gọi đùa là “chuyên chính vô học”. Quan trọng hơn nữa, nó là thể chế duy nhất cho phép tạo ra một sự đồng thuận quốc gia mới, một sức bật mới cho dân tộc, và qua đó, xây dựng được một chính quyền mà sức mạnh bắt nguồn ở sự tín nhiệm của nhân dân. Đó là khả năng duy nhất để xây dựng một chính quyền mạnh đúng nghĩa của nó, lập lại kỷ cương cần thiết cho một xã hội đã quá rệu rã vì một quan niệm lỗi thời về chính quyền mạnh chỉ có thể dẫn tới bất lực và vô chính phủ.

Điều kiện ắt phải có, dân chủ không phải là điều kiện đủ. Và dân chủ, nhất là ở một nước thiếu truyền thống dân chủ, hàm chứa những nguy cơ gì, các nước Đông Âu hàng ngày vẫn cung cấp cho thế giới những bài học chua chát. Nhưng bất luận thế nào, đó không thể là cái cớ để lẩn tránh hoặc trì hoãn vấn đề then chốt của Việt Nam: dân chủ hoá để phát triển, phát triển để củng cố dân chủ. Ngược lại, bài học Đông Âu đòi hỏi dân tộc ta khai phá cho mình con đường dân chủ hoá. Chìa khoá nhưng không phải phép lạ, dân chủ cũng không phải là một cái nút bấm, bật lên là xua tan mọi não trạng phong kiến và cơ chế độc tài. Đó là cả một quá trình phức tạp mà bước đầu vừa rất đơn giản vừa rất khó khăn: ý muốn bắt đầu quyết tâm lên đường.

N.N.G.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss