Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Di sản của lớp người bất hạnh

Di sản của lớp người bất hạnh

- Phùng Gia Lộc — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44
Truyện ngắn


Di sản của lớp người bất hạnh


Phùng Gia Lộc

 

Tưởng nhớ nhà văn Phùng Gia Lộc
(1942-1992)

 

Bản thảo truyện ngắn (chưa in) này đến tay chúng tôi đầu tháng 3, thì vài ngày sau được tin tác giả từ trần ngày 25.2.1992, sau gần hai năm ốm đau liệt giường, thọ 50 tuổi.

Cách đây 4 năm, bài ký “Cái đêm hôm ấy...đêm gì?” (Đoàn Kết số 401, tháng 4.1988) đã gây xúc động lớn ở nước ngoài, sau khi làm chấn động dư luận trong nước. Tác giả đã viết bài ký này vào cuối năm 1987, lúc anh phải rời Thanh Hoá ra tị nạn ở Hà Nội, sau khi cho đăng truyện ngắn “Được vật báu”.

Bài ký ấy cho thấy một phần thực trạng của một địa phương (dưới triều đại của ông “trời con” Hà Trọng Hoà, bí thư tỉnh uỷ) và qua đó, của các địa phương. Chính vì vậy, mà nó sẽ đi vào lịch sử báo chí Việt Nam, cũng như sự dũng cảm bình thường mà ghê gớm của tác giả đã khắc sâu vào trí nhớ của một thế hệ.

Bác nghệ sĩ cao niên nhất đoàn tuồng ngắm nhìn cái tủ khảm xà cừ óng ánh của gia đình bác đang lưu trú biểu diễn tối:

– Cái tủ này là của quan công sứ Pháp. Chính mắt tớ đã thấy nó được bày ở hội chợ đấu xảo năm xưa. Gần nửa thế kỷ, nay lại thấy nó ở đây. Tớ thuộc nó như thuộc vai mình đóng mà.

Chủ nhân cái tủ chẳng rõ lai lịch kiệt tác đó ra mô tê gì, ngoài việc người bần cố ở xã bên được chia quả thực, đã bán lại cho ông sau cải cách ruộng đất.

Tôi ngẫu nhiên gặp người nghệ sĩ, mới có điều kiện lần ra manh mối câu chuyện...

Trong đám tù nhân can tội cộng sản bị bắt ở lành Kềnh, có một tay kỳ dị tên gọi Phạm Đắc Vinh tức Cả Vinh, thợ chạm khắc có biệt tài. Cả Vinh đang làm tủ khảm xà cừ cho phó tổng ở làng Kềnh, đêm mò đến đánh bạc, “ đám bạc trá hình do cộng sản tụ tập” – như hồ sơ sở cẩm nói – và đã bị bắt. Sở cẩm đã dùng mọi cực hình nhưng Cả Vinh vẫn không nhận mình làm cộng sản, mà chỉ một lời cung rằng đến đó đánh bạc bị bắt lây. Án của Vinh rất khó làm, vì không có bằng chứng gì xác đáng. Trong người anh ta chỉ có tấm thẻ thuế thân. Người của sở cẩm về tận nhà Cả Vinh ở nguyên quán khám xét, cũng không tìm ra được thứ gì khả nghi, ngoài những mẫu chạm trổ cầm thú bằng gỗ cực tinh xảo. Tổng đốc Tôn Thất Dương được xem những thứ chạm khắc ấy thì nảy ra ý định riêng. Dùng ảnh hưởng của mình, quan lớn tỉnh đã can thiệp sang sở cẩm đưa Cả Vinh tay bị xiềng, chân bị xích, giam ở một phòng kín trong dinh tổng đốc.

Một bữa tổng đốc Dương cho gọi Cả Vinh đến đại sảnh đường phán hỏi. Vinh đi trước hai tên lính mang súng dài ngoẵng. Cách xa mươi thước lại có Tào Thiết một võ sĩ tàu cầm mã tấu áp hậu. Ngồi trong sảnh đường của vị tổng đốc quyền uy, không thiếu gì của sang vật quý nhưng con mắt của Cả Vinh vẫn dửng dưng khôn xiết.

Tổng đốc trở đuôi cái quạt đồi mồi, nhìn bao trùm kẻ bất trị một lượt rồi hỏi:

– Anh có biết can tội thế nào không?

Im lặng một lúc, tổng đốc cật vấn:

– Hả? Nói đi! trả lời ta đi? Anh có biết anh can tội gì không?

Cả Vinh nhìn quanh nhà sảnh, rồi bỗng ngửa mặt cười:

– Bác thằng Bần! Bác thằng Bần!

Tổng đốc Tôn Thất Dương quắc mắt trấn áp:

– Điên rồ rồi à? Tội gì? Trả lời cho nghiêm!

– Tôi đánh bạc, thưa ngài! cờ bạc là bác thằng bần. Ban ngày làm nhọc nhằn, đêm buồn rầu tìm đám bạc đánh vài ván cho khuây, không may bị bắt. Tội là thế!

Quan lớn tỉnh lắc đầu chế nhạo:

– Nếu chỉ thế, thì vài thằng tuần phu gô cổ các anh là ổn, cần gì sở cẩm nhọc lòng bài binh bố trận vây bắt. Tội của anh lớn hơn nhiều. Các anh dám nhen nhóm cộng sản.

Cả Vinh nhếch mép đầy vẻ thách thức:

– Bẩm quan lớn! Đã bao ngày sở cẩm cũng không có bằng chứng kết tội tôi là cộng sản...

Quan tổng đốc muốn đổi hướng câu chuyện, nên dịu giọng:

– Nhưng thôi! Anh cộng sản hay không cộng sản bây giờ đối với ta không hệ trọng. Ta đưa anh về dinh với chủ định khác. Rồi anh sẽ biết thiện ý của ta. Ở đây anh sẽ được biệt đãi nếu anh quả có kỳ tài. Dưới trướng ta, anh sẽ được an toàn, không ai đụng đến lông chân, miễn là anh thực lòng giúp ta.

Cả Vinh nghe vậy thì lưỡng lự:

– Nhưng kẻ dân đen này thì giúp được gì cho quan lớn?

Tổng đốc vỗ về:

– Ta biết anh làm được! Phó tổng làng Kềnh đã nói về tay nghề của anh. Lý trưởng nguyên quán cũng đã trình ta về ngón nghề chạm khắc truyền tộc của ông cha anh và bản thân anh. Vả chăng ta đã được xem những điêu phẩm của anh bên sở cẩm. Anh sẵn lòng giúp ta chăng?

Cả Vinh không đáp. Anh vặn mình, cử động chân tay làm những dây xích xủng xoảng. Tổng đốc biết ý bảo mấy tên lính gọi Tào Thiết mang chìa khoá vào. Tên võ sĩ tàu chạy vào rập đầu xá mấy xá. Quan tổng đốc phán:

– Mở hết khoá ra. Từ nay không cần canh giữ. Anh Vinh này được xem như người trong dinh.

Gian nhà kho phụ gần bếp được dọn dẹp làm quan xuởng để Cả Vinh thực thi sản phẩm cho quan tổng đốc. Trong gian ấy anh lại ngăn làm đôi, một nửa làm xưởng một nửa làm buya-rô kê giường ngủ và bàn ghế. Phần xưởng xếp nhiều chủng loại gỗ quí và đồ nghề thợ mộc, dụng cụ chạm khắc. Để đủ độ sáng, ông quản gia đã cho gọi thợ trổ thêm cửa sổ và đặt tấm kính cỡ mặt bàn trên mái nhà, thay chỗ hai chục viên ngói.

Ngày ngày Cả Vinh cặm cụi cưa, bào, đục, chạm trổ tuỳ hứng, không ai câu thúc thời gian, không bị ai lui tới quấy rầy, vì anh chốt cửa bên trong. Quan tổng đốc cho anh độc quyền hùng cứ nơi ấy, vừa để làm việc, vừa để bảo vệ sản phẩm. Ngày hai bữa, người ở nhà bếp thay nhau mang cơm đến cho Cả Vinh. Bữa cơm nói chung khá thịnh soạn, có thịt, cá, trứng rán, có bữa thay nem chả, giá đỗ hoặc quả đậu xào. Mồng một hoặc mười rằm âm lịch lại có be rượu Ty 1. Cả Vinh làm mau lẹ, việc chạy vù vù. Hơn ba tháng, cái khung tủ bán lục lăng theo ý quan tổng đốc đã được dựng lên, với những đường nét chạm khắc tinh xảo, hoạ tiết độc đáo, ai nhìn cũng mê. Cả Vinh hăm hở bước sang phần khảm cánh và chạm khắc các bức lèo.

Một bữa nhà bếp đưa cơm đến có be rượu nhỏ. Cả Vinh mở nút be bằng lá chuối khô cuộn tròn. Nút lá bung ra để lộ mảnh giấy quấn trong đó. Anh thấy lạ mở hẳn ra, thì thấy trong giấy viết: “Cố moi thêm những tin cơ mật trong dinh mật báo ra ngoài”. Trong giấy không ký tên, không có mật hiệu gì khác. Cả Vinh nhét vào túi không lộ một vẻ gì. Ăn cơm xong, anh thấy người vào thu dọn mâm bát là người khác, không phải là cô Sen ban nãy mang vào. Chiều tối hôm ấy, Cả Vinh lên yết kiến quan tổng đốc, kể lại sự việc và đưa mảnh giấy ra. Tôn Thất Dương ngây người như thấy thích khách vào giữa dinh mình hành thích. Tổng đốc bảo Vinh về, rồi ngài sẽ liệu. Những ngày tháng sau đó cũng không có sự việc gì xảy ra. Cả Vinh lại khảm xong mảng bầu dục ở cánh tủ mặt cầu cảnh tiên nữ dâng đào. Những mảnh khảm phát xạ lấp lánh ngũ sắc càng làm tăng thêm phần hư ảo của chốn non bồng.

Một buổi tối, Cả Vinh đang ngồi uống nước, chợt có tiếng gõ cửa gấp gáp. Anh ra mở cửa, thì Tào Thiết lẻn vào. Anh võ sĩ tàu gài chốt cửa lại rồi xua tay ra hiệu cho Vinh yên lặng. Anh ta nói thứ tiếng lơ lớ nửa Việt nửa Tàu:

– Lại pàng ti, tôi môống nói tiệng với tồng chí!

Hai người lại bàn, Tào Thiết vặn nhỏ ngọn đèn hoa kỳ còn bằng hạt đỗ xanh. Lâu nay biết Tào Thiết là vệ sĩ đắc lực trong dinh, được tổng đốc Tôn Thất Dương trọng dụng trong việc canh giữ dinh thự, giám sát gia nhân, bảo vệ gia đình vợ con vị quan đầu tỉnh. Gia nhân đầy tớ đều kiêng sợ vì nghe đâu gã là một trong Quảng Đông bát kiếm được quan tổng đốc mua về sau chuyến công du Lưỡng Quảng năm trước. Mấy tháng nay thấy Cả Vinh được quan tổng đốc thả lỏng, Tào Thiết chẳng để tâm gì đến. Thỉnh thoảng gã đến quan xưởng chẳng qua để hút thuốc, xem chạm trổ. Bây giờ thấy Tào Thiết đến, chưa biết gã định làm gì?... Vinh nói:

– Anh muốn gì?

Tào Thiết khép cửa sổ chặt hơn rồi ngồi xuống nói, vẫn với cái giọng dở ngô dở ngọng. Đại ý là:

– Anh chưa biết rõ tôi. Vệ sĩ cho quan tổng đốc chỉ là cái vỏ thôi. Bên kia tôi cũng là đảng viên cộng sản. Tôi có quen biết vài người đồng chí Việt Nam từ hồi Thanh niên cách mạng đồng chí hội Tâm Tâm xã. Tôi sang đây là do tổ chức gài. Tôi đã bắt được liên lạc với các đồng chí bên đây rồi. Từ nay anh sẽ liên lạc với bên ngoài qua tôi.

Cả Vinh nhìn Tào Thiết chòng chọc như ngắm một quái vật trời sai xuống. Anh ta nói tiếp như rặn từng lời:

– Tổ chức giao nhiệm vụ cho tồng chí đánh bom trong dinh quan tổng đốc, giết cả nhà ông ấy.

Cả Vinh trố mắt hỏi:

– Bao giờ thì thi hành nhiệm vụ ấy?

Tào Thiết ngừng một lát mới đáp:

– Khi nào có thời cơ tốt; tôi giao vũ khí, tồng chí phải làm ngay.

Giữa lúc ấy bên ngoài có tiếng chân bước, Tào Thiết đứng lên nói:

– Thôi tôi đi! Ở đây lâu sẽ bị theo dõi.

Anh ta còn dặn thêm:

Tồng chí sẵn sàng lớ...

Con quái vật ấy đi rồi, Cả Vinh suy tính gần trọn đêm. Sáng mai anh đến xin yết kiến tổng đốc Tôn Thất Dương khi ông vừa mãn giấc hoè. Anh trình lại chuyện Tào Thiết và yêu cầu bắt ngay “ong tay áo”, vì chính hắn là “cộng sản gốc”. Anh nói:

– Cụ lớn bắt hắn đưa sang sở cẩm tra khảo ắt sẽ lần ra manh mối cộng sản...

Tôn Thất Dương cười mũi:

– Tào Thiết không phải là cộng sản. Hẳn thế! anh cũng không phải là cộng sản nốt. Điều ấy chỉ làm cho sự kính trọng ngầm của ta đối với anh trở nên đổ vỡ mà thôi. Hoá ra anh cũng chỉ là anh thợ chạm thực thụ mà thôi. Thôi, từ nay hãy cứ chuyên tâm với nghề nghiệp. Dẫu sao đối với anh, ta vẫn giữ lại lòng luyến mộ tài hoa...

Cả Vinh rời sảnh đường quan tổng đốc với tâm trạng khoái chá. Tay võ sĩ Quảng Đông bát kiếm lánh mặt anh nhiều ngày. Rồi một hôm gã mò đến xem chạm trổ nói cười lớt chớt:

Mơờng cho inh đấy. Inh mà là cộng thảng thực thì chết cả ngộ, chết cả nị...

Ngắm bức khảm có cảnh nước tú non kỳ, mái chùa thấp thoáng thuyền ngư ông ẩn hiện, từng cặp thiên nga vẫy vùng bơi lượn, gã luôn miệng khen đẹp.

– Ngoặc hồ păng...

Nghe Tào Thiết lẩm nhẩm đọc mấy chữ trong bức khảm, Cả Vinh hỏi:

– Ngọc hồ băng là gì, hở anh Tào?

– Là...là hồ Động Đình. Ngộ được đến đó rồi. Ở đó có món thịt ngỗng hầm nhân sâm thích lắm.

– Ngọc hồ băng nguồn gốc ở đâu? Chữ của ai?

– À à... Ngài Tôn Văn. Tôn tiên sinh nổi tiếng lớ...

Cả Vinh phì cười trước một anh tàu dốt.

– Anh mà cũng không biết câu thơ “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” thì đáng buồn – Tào Thiết ậm à chữa thẹn rồi xéo.

Cả Vinh xếp các bức chạm lại một chỗ chờ ngày lắp tủ. Anh chuyển công việc sang chạm trổ các bức lèo, lắp trên các diềm. Việc này khó và mất nhiều thời gian hơn khắc chìm các hoạ tiết để khảm. Nhưng với tài hoa và đồ nghề tuyệt vời của Cả Vinh, những hình chim thú hoa và cây cảnh nổi, hiện ra như có phép thần. Chúng không chỉ đẹp về dáng hình mà còn như có hồn nữa.

Bà tổng đốc phu nhân cùng chồng đến quan xưởng xem những bức khảm, những mảng lèo chạm khắc đã khen ngợi ra mặt. Bà rất khoái những con hươu, những chú sóc vừa bằng ngón tay trẻ con chạm khắc tinh tế, linh hoạt. Bà hỏi chồng:

– Tuyệt xảo thế này có thể sánh với thợ khéo kinh kỳ được chăng?

Tổng đốc nhìn Cả Vinh:

– Ta muốn tiến cử anh về kinh sư để anh được trọng dụng nơi cung thất, anh nghĩ sao?

Cả Vinh trả lời thật bất ngờ:

– Thưa đại nhân, tôi làm cái kỷ vật này cho ngài là để đền đáp ơn tri ngộ. Tài nghệ chỉ sinh tồn khi tâm thái người ta được cởi mở. Nếu ngài lại dâng tôi về kinh thì tài hoa lại hoá tai hoạ dẫn tôi đến cảnh chim lồng cá chậu. Đến nước ấy thì thà tôi quyên sinh còn hơn.

Tổng đốc không nói gì thêm, cùng phu nhân rời quan xưởng. Cả Vinh miệt mài công việc quên ngày tháng. Khi anh sắp hoàn thành sản phẩm, tổng đốc Tôn Thất Dương thân đến gặp Vinh phán bảo:

– Anh được tự do, kể từ giờ phút này, anh Vinh ạ!

Cả Vinh chưa thủng ý quan đốc nên đáp:

– Bẩm quan lớn, lâu nay tôi vẫn được tự do, cởi bỏ xiềng xích...

Tổng đốc nhún vai mỉn cười:

– Tự do ta nói đây là tự do tuyệt đỉnh kia. Anh được ra khỏi dinh ta, muốn đi đâu ở đâu tuỳ ý, muốn làm gì thì làm, không bị ai câu thúc, ràng buộc.

Cả Vinh nửa tin nửa ngờ nói:

– Nếu hiểu tự do theo nghĩa đó, thì trên đất nước người tây đang cai trị này làm gì có. Tôi ra khỏi dinh này thì lại rơi vào sở cẩm, vào nhà ngục, khác nào dời hang hổ, lại vào ổ sói...

Tổng đốc chau mày:

– Anh ngốc lạ! Ta mến tiếc tài hoa của anh mới tháo cũi sổ lồng cho anh về đây thoát khỏi nanh vuốt sở cẩm. Ta đã giải thoát anh thì ta ra tay đến cùng.Ta sẽ cấp cho anh tấm thiếp “thân nhân quan tổng đốc, bất khả xâm phạm” làm bùa hộ mệnh, hiểu chưa?

Cả Vinh vẫn chưa hết băn khoăn:

– Bỗng nhiên quan lớn đưa tôi ra khỏi dinh, hay là...

Tổng đốc ngắt lời:

– Ta có chỉ dụ triệu hồi về kinh nhận trọng trách mới, quan án sẽ thay quyền tổng đốc. Ta sắp sửa bàn giao cho ngài...

– Bao giờ thì quan lớn và quí quyến hồi kinh?

– Nội tháng sau...

Khoé mắt vị tổng đốc tự nhiên nhuốm đầy hoàng hôn. Ai biết được ông này đang có điều u uẩn riêng tư. Đương triều hoàng đế Bảo Đại trong dịp kinh lý tỉnh này thấy phu nhân tổng đốc rực rỡ như tiên nữ giáng trần, có phần quyến rũ hơn cả Nam Phương hoàng hậu, thì động lòng tiếc ngọc thương hoa. Việc triệu hồi tổng đốc về kinh trọng nhậm chức mới chẳng qua để đức vua đa tình thoả lòng quan chiêm người ngọc.

Cả Vinh nghe thời gian gấp ngặt bèn thưa:

– Tôi xin giốc tâm lực hoàn thiện công trình của quan lớn rồi làm gì mới làm.

– Thôi được, tuỳ anh.

Tổng đốc thở dài lui gót. Cả Vinh dồn công việc của một tháng vào hơn một tuần lễ. Hơn một tuần không nghỉ trưa, không đi dạo, nửa đêm còn kỳ cạch gõ đóng. Khi cái tủ hoàn thành, anh nhẹ người như vừa sinh nở mẹ tròn con vuông. Tủ đánh bóng sáng như gương, rực rỡ như một kỳ quan đặt ở nơi trang trọng trong dinh tổng đốc. Cả Vinh được thưởng một lượng vàng và tấm lụa Hà Đông thượng hảo. Nếu không có việc cải nhậm, ngài tất mời đồng liêu thân hữu xa gần đến dinh ăn yến chiêm ngưỡng kiệt tác. Ông nói:

– Kỳ quan này ta biếu quan công sứ, hẳn ngài thích lắm.

Phu nhân nói:

– Quan công sứ mang về mẫu quốc thì hoài mất.

Tổng đốc phật ý bảo:

– Phu nhân nghĩ thế không phải. Mình không dùng, thì người khác dùng, có mất đi đâu mà hoài. Ngài mang về nước thì người bên đó mới biết được tài hoa của người Nam mình càng hay. Đã là kiệt tác, là kỳ quan thì thành của chung nhân loại, ắt sẽ trường tồn.

Tổng đốc Tôn Thất Dương cùng bầu đoàn thê tử về kinh. Công sứ Đờloa nhận cái tủ biếu thì mừng rỡ, xem như vật gia bảo. Quả nhiên viên công sứ này đã đem nó ra phô bày ở hội chợ đấu xảo hàng tỉnh cho công chúng xem và lấy giải thưởng “sản phẩm tuyệt mỹ”. Công sứ Đờloa không thực hiện được ý định đem kỷ vật này về nước vì người Nhật đã hạ thủ lão trong biến cố 9-3.

Cả Vinh biệt tăm tích khá lâu. Mãi về sau người ta lại thấy anh xuất hiện chỉ huy đánh chiếm các dinh tỉnh đường như toà công sứ, sở cẩm, các dinh luỹ của tổng đốc, án sát, bố chính.

Cách mạng tháng tám thắng lợi, Phạm Đắc Vinh tức Cả Vinh, người thợ chạm khắc kỳ tài trở thành một lãnh đạo có năng lực và uy tín lớn trong tỉnh. Ông làm chủ tịch uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính một huyện lớn mấy năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, ông chuyển đi làm bí thư huyện uỷ một huyện lớn khác. Không hiểu sao, lúc cải cách ruộng đất, ông bị địa phương gọi về kết tội chui luồn vào Đảng, chống phá cách mạng và lĩnh án tù chung thân.

Cả Vinh đi tù thật sự. Trong nhà ngục của chế độ mới mà ông hết lòng mến yêu, góp phần tạo dựng, Cả Vinh viết lá thư tuyệt mệnh dài để lại rồi lấy mảnh chai rạch bụng moi hết ruột gan ra tự vẫn; ông nói mấy lời lúc hấp hối:

– Ruột gan tao sạch sẽ tươi thắm nhường này, sao chúng nó dám phao vu kết tội là tao đen tối, phản động chống phá cách mạng...

Cái chết của ông Phạm Đắc Vinh đã gây đau nhức dư luận trong và ngoài Đảng một thời. Nửa thế kỷ vật đổi sao dời, công sứ Đờloa hồi hương dưới dạng hài cốt, tổng đốc Tôn Thất Dương đã mồ yên mả đẹp ở Tua-ran, án sát Khiếu Hữu Kiên cũng đã thịt nát xương tan, Phạm Đắc Vinh tất tần tật đã trở thành người thiên cổ.

Tôi đến gia đình nọ xem lại cái tủ lần nữa, cùng mấy người bạn làm bảo tàng tỉnh. Được phân tích, chỉ dẫn thêm các mặt, tôi càng thấy giá trị của nó, có thể xem đó là di sản của lớp người bất hạnh.

1990, ngày con cuốc gọi vào hè

 

1 Ty rượu độc quyền của nhà nước thực dân (Régie d’alcool)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss