Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Từ sĩ phu đến trí thức

Từ sĩ phu đến trí thức

- Bùi Mộng Hùng — published 08/01/1999 22:30, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:36
Thế là đã đến lúc không còn tránh né câu hỏi : " Trí thức anh là ai ? " được nữa !

 

Từ sĩ phu đến trí thức

 
Bùi Mộng Hùng *

  

Lạc Dương thân hữu như tương vấn (...)
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (1)

   

" Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp nhau ! "

Thế mà Đông và Tây đã gặp nhau trên đất nước ta. Đông bị Tây cưỡng bức thuở ban đầu, nhưng từ ấy dù muốn dù không Đông Tây vẫn chung sống trong xã hội, trong đời sống hàng ngày, trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến nay. Cho là câu nói dí dỏm của Rudyard Kipling chỉ đúng một phần cỏn con nào đó mà thôi, thì cũng đủ biện minh lý do tại sao cuộc hôn phối cưỡng ép đó là khởi thuỷ cho lối hiểu nhập nhằng của ta về chữ "Học " suốt các thế hệ nối tiếp nhau từ đó nhẫn nay.

Xưa kia, ta " học " là học đạo lý của thánh hiền. "Nhân bất học bất tri lý ", người đã được đèn sách nơi cửa Khổng sân Trình là người đã học được con đường đến Chân lý. Xã hội nghĩ như vậy và kẻ có học cũng đinh ninh như vậy. Kẻ sĩ tùy thời mà xuất, xử, nhưng hoàn cảnh nào cũng hành Đạo, vì thế có thể nghiễm nhiên " làm cây thông đứng giữa trời mà reo " sừng sững như hiện thân của Chân lý. Thiên hạ trông vào mà noi theo.

Phong trào văn thân kháng chiến thất bại, lối học cử nghiệp bế tắc, xu hướng duy tân nhen nhúm trước đó từ Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) rõ là lối thoát cho dân tộc. Các nhà khoa bảng Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926) đề xướng đưa thanh niên du học nước ngoài, phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907) hô hào tân học, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm phương thức giải phóng dân tộc ở phương Tây (1911)... Học cho được cái hay cái mới của người là cấp bách, nào phải lúc cần bận tâm đến những điểm khác biệt căn bản giữa hai cái "học " Đông phương và Tây phương.

Bài này đã đăng trên Diễn Đàn số 8 (tháng 5.92), cách đây đúng bảy năm. Bảy năm qua, bao nhiêu biến cố bấy nhiêu nghĩ suy. Song, những vấn đề cơ bản anh nêu ra ở đây vẫn và càng nóng hổi tính thời sư. Hơn bao giờ hết, xã hội công dân cần được triển khai và củng cố ở Việt Nam. Trong đó, người trí thức, ngoài công việc chuyên môn và nhiệm vụ công dân của mình, phải đảm nhiệm chức năng " trí thức tập thể ", góp phần hiện đại hoá đất nước, hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc, xây dưng nền móng tinh thần cho nền dân chủ.

Những tháng cuối đời, Bùi Mộng Hùng tập trung nhìn lại và tìm hiểu tiến trình của dân tộc trong thiên kỷ và thế kỷ đang kết thúc. Với bản tính cẩn trọng và khiêm tốn, anh chưa chấp bút, để lại cho chúng ta một niềm tiếc nuối và thôi thúc chúng ta đóng góp vào cuộc thảo luận cần thiết này.(lời toà soạn, số 86)

Lớp người tây học tấn lên. Có người tự học, có người chỉ cắp sách đến trường cho tới cấp trung học, có người giựt được những bằng đại học cao quý nhất của phương Tây, nhưng sở học của những kẻ tâm huyết đều do tự mình đào luyện mà nên. Những lớp người tâm huyết ấy, dù là quan niệm chính trị cá nhân có khi khác biệt nhau rất xa, ý thức được những điểm thiếu sót trong văn hóa dân tộc.Và các nhóm như Nam Phong tạp chí ( 1917-1934), những cá nhân như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn, v.v... trong một khoảng thời gian thật ngắn ngủi đã gieo rắc được những khái niệm xưa kia ta chưa từng có, tôi luyện nên từ ngữ để phát biểu những khái niệm mới đang và sẽ xuất hiện ; phong trào Thơ mới, các nhóm như Tự Lực văn đoàn (1932-1942) trau chuốt quốc ngữ thành ngôn ngữ văn học diễn tả tinh tế các cảm xúc mới lạ trong một xã hội đang dao động tận gốc rễ. Bình tâm xét lại, trong xã hội nước ta thời Pháp thuộc, trí thức có tâm huyết – trí thức theo nghĩa giản đơn là người tân học – đã thay được từng lớp sĩ phu xưa, đóng vai trò mà xã hội khao khát đợi chờ : đem lại lối nhìn mới, tư tưởng mới trong nhiều lĩnh vực, từ văn hóa đến chính trị. Phần nào tương tự vai trò của intelligentsia nước Nga thời Nga hoàng. Trong tiềm thức công cộng, trí thức là sĩ phu. Và những trí thức dấn thân thời đó hẳn cũng phải ít nhiều cảm thấy " mặt trời chân lý chói qua tim " (chân lý đó có thể là cách mạng vô sản, lòng yêu nước hoặc cả hai) mới có thể đem tâm huyết đeo đuổi làm văn hoá, làm chính trị, thường khi là cả hai cùng một lúc. Tinh thần của họ là tinh thần của các thế hệ sĩ phu cha anh, tin chắc nịch việc mình làm là đúng theo đạo lý là phù hợp với Chân lý. Mặc dù họ chịu ảnh hưởng tinh thần khoa học, trên nguyên tắc là phải hoài nghi, hoài nghi mọi sự việc. Thật ra – họ những người bắt buộc phải miệt mài hoạt động – không dễ gì mà xét lại những điều liên quan đến giá trị căn bản của mình, nhất là khi những điều đó lại quan hệ đến sự mất còn của dân tộc. Là trí thức nước thuộc địa, nước chậm tiến, họ nào có được hoàn cảnh của trí thức các nước phát triển, thảnh thơi mà hoài nghi, mà xét lại tất cả ! Vả lại nói cho cùng, sự tin tưởng vào sức vạn năng của khoa học tiềm tàng trong ý thức hệ thế kỷ thứ 19 còn chiếm ưu thế vào thời đó.

Thử thách khó khăn nhất cho người " trí thức " nửa nước phía Bắc – trí thức đặt trong dấu ngoặc kép để hiểu theo nghĩa hẹp sẽ trình bày rõ trong đoạn sau – xuất hiện sau chiến thắng Điện Biên, khi hoà bình vừa trở lại : đó là câu hỏi có nên nhân danh những giá trị dân chủ tự do để nghiêm khắc phê bình những việc làm phạm đến tự do dân chủ của chế độ mà mình xả thân ủng hộ suốt bao năm trường, phê bình những người bạn đồng hành, đồng chí vừa cùng chia sẻ gian lao ngọt bùi với mình trong cuộc chiến một mất một còn để thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc hay chăng ? Từ tháng hai 1955 nghĩa là hơn một năm trước khi phong trào Trăm hoa đua nở được phát động bên Trung quốc, Trần Dần đã khởi xướng một đợt phê bình đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản trong văn học, chạm đến cốt lõi vấn đề tự do tư tưởng (2) và tiếp sau đó là vụ Nhân văn Giai phẩm. Lần đầu tiên " trí thức" giành lấy cái quyền thẩm định, phê bình đối với một chính quyền do chính tay mình nâng niu tham gia tạo dựng nên.

Rồi lại chiến tranh tàn khốc, đất nước chia đôi. Miền Bắc, người công dân có tinh thần trách nhiệm không thể làm gì khác hơn là tạm dẹp qua mọi ý kiến bất đồng để dồn hết sức vào cuộc chiến cho sống còn của đất nước với một đế quốc cường thịnh xưa nay chưa từng thấy. " Trí thức " thành thị miền Nam, nghe theo lương tâm của chính mình không ngại hiểm nguy cho bản thân, cho vợ con không ngừng lên án những chính quyền độc tài, tham nhũng, và nhất là lệ thuộc ngoại bang.

Đất nước thống nhất. Muốn tìm ra thái độ của " trí thức " dưới chế độ toàn trị xã hội chủ nghĩa, ta nên theo nhà sử học Liên XÔ Iouri Afanassiev : "Mọi tranh luận về lịch sử hiện đại phải bắt đầu bằng văn học hiện đại. Vì chính văn học, một lần nữa, tỏ ra là " máy ghi địa chấn " nhạy nhất của thời đại chúng ta. " (3). Nhìn như thế thì những dấu hiệu địa chấn làm rung rinh nền văn học " phải đạo " xuất hiện từ 1978-79 trên mặt báo chí (4), Và đại hội VI Đảng cộng sản Việt Nam vừa hé mở cho một chút tự do thì rõ ràng là chính quyền đã bắt đầu thấy khó bẻ cong lại nổi ngòi bút một số nhà văn trong nước.

Kẻ viết những hàng này không muốn đi vào một cuộc tranh luận – theo thiển ý trong lúc này là phù hoa – xem có một giới trí thức ở Việt Nam hay chăng, chỉ biết chắc là từ trước tới nay thời nào cũng có không ít " trí thức " bất chấp mọi áp lực, đe doạ, lên tiếng thẩm định các giá trị, gieo rắc tư tưởng mói, phê bình chính quyền đương thời.

Dù muốn dù không, ngày nay không ít người Việt Nam trông chờ " trí thức " đảm nhận vai trò của mình trong hiện tại và trong tương lai.

Thế là đã đến lúc không còn tránh né câu hỏi : " Trí thức anh là ai ? " được nữa !

Mới nhìn tưởng đâu đơn giản, trí thức là người làm việc bằng trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Nhưng xét kỹ lại một chút, trong xã hội ngày nay lớp người ta gọi là trí thức là một nhóm thật lờ mờ. Tiêu chuẩn nghề nghiệp, dùng trí óc hoặc tay chân, thật quá thô sơ, nhà điêu khắc, bác sĩ giải phẫu, nhà hoá học làm việc tay chân hay trí óc ? Còn tri thức thì biết đặt ở mức độ nào, khi mà ngày nay tri thức được phổ biến đến mọi người trong xã hội ?

Thật ra điều mà người ta chờ đợi nơi người " trí thức " là một thái độ hơn là vị trí xã hội, hoặc những năm trường bỏ ra để thu thập tri thức. Như ở các nước Tây âu thái độ của những nhóm người tự xưng là " trí thức " trong những năm 1934-35 đấu tranh chống những chế độ đàn áp các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ không chịu cúi đầu tùng phục, ví dụ các " trí thức " Pháp như André Gide, Jacques Soustelle,v.v... đã gián tiếp góp phần vào sự hình thành Mặt trận bình dân. Như gần đây hơn thái độ của một Albert Einstein, hay của Bertrand Russell, Laurent Schwartz ngang nhiên thiết lập tòa án lên án mọi hành vi xâm lược, như những nhà được giải thưởng Nobel tập họp nhau thành nhóm Pugwash xuất bản một tạp chí phân tích những thảm hoạ đe doạ nhân loại nếu không biết điều tiết việc sử dụng khoa học...

Là " trí thức " đã đành phải có vốn liếng văn hóa, nhưng chưa đủ, mà còn phải có thái độ trách nhiệm, trách nhiệm đây không chỉ vì lý do có ít nhiều hiểu biết, có ít nhiều thẩm quyền trong một lĩnh vực nào đó mà chính là vì ý chí. Ý chí dấn thân cho tự do dân chủ, cho con người được quyền ngửng mặt làm người, cho một xã hội trong suốt trong đó mỗi cá nhân thực sự được hưởng toàn vẹn quyền một công dân. Dấn thân, chọn lựa, thẩm định những giá trị làm cơ sở cho xã hội là những hành động hết sức chính trị. Nhưng hành động người " trí thức " có khác với hành động của người làm chính trị. Nghệ thuật làm chính trị là nghệ thuật thực hiện mục tiêu cụ thể, con đường thẳng chưa hẳn là con đường gần nhất, mải lèo lái trong sóng gió có khi không kịp xét khắp mọi khía cạnh, xét đến ảnh hưởng có thể không phù hợp với những giá trị căn bản mình lựa chọn lúc ban đầu. Hành động người trí thúc là nhân danh những giá trị căn bản mình chọn lựa mà phán xét. Vì thế trong nhiệt tâm của mình, người " trí thức " dành chỗ cho lạnh lùng hoài nghi, biết lui ra để bình tâm ước lượng, để vạch trần khoảng cách giữa những giá trị được xã hội, được chính quyền, có khi đang trong tay thân hữu của mình, long trọng thừa nhận, với sự thể hiện và thực thi các giá trị đó trong mọi lĩnh vực luật pháp, hành chính, xã hội, v. v... Hành động của người " trí thức " là đả phá mọi huyền thoại, là vạch mặt mọi mưu toan mị dân. Quyết tâm của người " trí thức " không dễ gì lay chuyển. Trước đây Bertrand Russell đã hai phen ngồi tù ở Anh, một nước được tiếng là tự do. Và hiện nay chính quyền trong nước cũng không biết lấy gì mà ép cho được một Dương Thu Hương "ngồi bệt xuống cỏ " thay đổi thái độ ?

Một điểm khác biệt giữa kẻ sĩ xưa với người " trí thức " ngày nay : người xưa học đạo lý, tin rằng Chân lý về mình ; người nay học nơi tinh thần khoa học thái độ khiêm tốn, biết giới hạn của sự thật khoa học, vì rõ giới hạn của khái niệm, của phương pháp, của lối tiếp cận vấn đề mình sử dụng. Trong chuyên môn của mình, người " trí thức " đã ý niệm rõ ràng là chỉ biết được một hình ảnh thể hiện nào đó của thực tại, thế sao lại cả gan lên tiếng phê phán trong những lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình ? Thật ra khi A. Einstein cương quyết chống việc sử dụng vũ khí nguyên tử, quả là nói tiếng nói của một chuyên gia, nhưng những điều ông phát biểu không vượt quá trình độ thông tin báo chí nghiêm túc thời đó. Có công trình khoa học làm " bảo đảm ", nhưng thật ra lập trường của ông đứng trên một bình diện khác : bình diện trí tuệ. Trí tuệ vận hành trong mọi hoạt động phát minh sáng tạo khoa học nghệ thuật, nhưng không chỉ giới hạn ở đó mà vượt ra ngoài. Chính là nhân danh trí tuệ mà người " trí thức " khiêm tốn nhưng đứng sõng lưng nghiêm túc đảm đương lấy trách nhiệm phê phán của mình.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực sụp đổ, ý thức hệ cũng tan tành theo. Nhưng những thực tại đã làm cho hàng trăm triệu con người tin tưởng đi theo vẫn tồn tại y nguyên đấy. Hàng tỷ con người ngày ngày ăn không đủ no, áo không đủ mặc, lóng ngóng thèm khát cảnh tượng giàu có thừa mứa của bảy trăm triệu dân nước phát triển, nhưng cái hố chia cách mỗi ngày cứ mỗi rộng thêm hơn. Trong tình trạng bế tắc ấy giọng kèn tiếng quyển của ảo ảnh hấp dẫn vô cùng. Ảo ảnh của manh động, ảo ảnh sao chép lối làm của những nước đã bước vào cửa ngõ của phát triển. Những công thức chính sách tự do (libéraI) đem áp dụng một cách mù quáng tại một số nước đã và đang loại một phần lớn nhân dân những nơi ấy ra ngoài vòng trù phú của đất nước họ, ta không thể không đặt vấn đề phát triển để làm gì, để cho ai, đồng thời với vấn đề làm thế nào để phát triển. Chắc chắn là không có một giải pháp nhiệm màu nào cả. Giải pháp đúng đắn, cũng như những giải pháp của các vấn đề khoa học, là cả một quá trình. Bắt đầu bằng nhìn thẳng vào thực tại, nhận định thực trạng xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, v.v... và tôn trọng luật chơi dân chủ, thông tin đầy đủ, thảo luận nghiêm túc. Giải pháp sẽ không đến từ một minh chủ hay một vĩ nhân nào mà là một công trình kiến trúc trong đó mọi người đều đem lại viên gạch của mình. Tình huống xã hội đang phân vân trước ngã ba đường chính là thời điểm mà sức nặng của " trí thức " có khả năng xoay chuyển tình thế. Người " trí thức " chỉ biết nguyện đem viên gạch của mình góp vào công trình chung. Với tất cả sự sáng suốt của trí tuệ cùng " một mảnh lòng băng ở ngọc hồ ".

 
Bùi Mộng Hùng

tháng 4. 92

 

* Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu y khoa quốc gia Pháp (INSERM) 

(1) Vương Xương Linh (698-757), Phù Dung lâu tống Tân Tiệm (Lầu Phù Dung đưa Tân Tiệm), Tương Như dịch : Lạc Dương nếu có người thân hỏi, Một mảnh lòng băng ở ngọc hồ

(2) Georges Boudarel, Cent fleurs écloses danh la nuột du Việt Nam (Trăm hoa đua nở trong đêm tối Việt Nam) Ed. Jacques Bertoin Paris 1991 ), xem chương III từ tr. 87. 

(3) Georges Boudarel nêu trên trang đầu sách đã dẫn. 

(4) Hoàng Ngọc Hiến trong bài Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, Văn Nghệ số 23, 09.06.1979, đặt lại vấn đề lý luận văn nghệ, lý luận thẩm mỹ học tức là cốt tủy của tương quan chính trị – nghệ thuật, gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Trước đấy ít tháng Nguyễn Minh Châu đã đặt vấn đề xét lại lối viết truyện về chiến tranh trong bài Viết về chiến tranh trong số Văn nghệ quân đội tháng 11.1978.

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss