Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Viếng bạn Nguyễn Văn Cổn

Viếng bạn Nguyễn Văn Cổn

- Hoàng Xuân Hãn — published 08/03/2008 00:00, cập nhật lần cuối 12/03/2008 10:28
Trước ngày tết Nhâmthân, tôi bèn gửi biếu Cổn một tập đặcsan kỉniệm kèm thư chúc tết. Tôi đang mảimong thư Cổn nhắc lại các chuyện trường Vinh, thì được tin bạn đã qua đời ngày 24.1.1992, nghĩa là trước Tết mươi ngày. Tuy linhtính tôi đã động, vì không khi nào bạn Cổn đã chậm đáp thư tôi, nhưng trước tin dữ, tôi rất đỗi bùingùi cảmxúc, cho nên thuận bút, tôi đã thảo vài lời Điếu bạn.


Viếng bạn Nguyễn Văn Cổn



Hoàng Xuân Hãn


Năm 1990 là năm kỉniệm bảy mươi năm sánglập trường " Quốchọc " Vinh, mà sau lầnlượt mang những tên Nguyễn Công Trứ, Huỳnh Thúc Kháng. Tổchức trường ngày nay và ban liênlạc cựuhọcsinh đã ấnxuất một đặcsan kỉniệm. Trong năm ngoái, Nguyễn Xiên, khoá 1921-1925, bantrưởng liênlạc, và nhiều bàcon, bạnhữu đã gửi biếu tôi số đặcsan ấy. Tôi liền nghĩ đến Nguyễn Văn Cổn, một bạn đồngkhoá nay còn sống sót, qua lại cùng nhau tại Paris trong bốn mươi năm nay ; xưa hay gặpgỡ ở nhà xuấtbản Minh Tân với bạn Nguyễn Ngọc Bích để bàntán việc nướcnhà tranhgiành độclập, và nhất là sửasoạn in tập đầu Thi Văn Víệt Nam mà Cổn mới soạn xong năm 1952. Trước ngày tết Nhâm Thân, tôi bèn gửi biếu Cổn một tập đặcsan kỉniệm kèm thư chúc tết. Tôi đang mảimong thư Cổn nhắc lại các chuyện trường Vinh, thì được tin bạn đã qua đời ngày 24.1.1992, nghĩa là trước Tết mươi ngày. Tuy linhtính tôi đã động, vì không khi nào bạn Cổn đã chậm đáp thư tôi, nhưng trước tin dữ, tôi rất đỗi bùingùi cảmxúc, cho nên thuận bút, tôi đã thảo vài lời Điếu bạn.


Điếu bạn


Bạn Cổn ra đi quá vội vàng !
Thânbằng chưa kịp tỏ lòng thương
Tuổi già chân yếu khôn qua lại
Thư viết tay rung gửi trễ tràng.

Nhớ lại bảy mươi năm về trước
Trường Vinh ta kết bạn vănchương
Đóng tuồng để cứu dân bị lụt
Vọngcổ nghe ca rậy cả trường

Bốn chục năm sau gặp lại Bạn
Đất nước, xót người chịu tangthương
«Mùa đông chiếnsĩ» lời thơ bạn
Thấmthiết lâmli đến đoạntrường

Tham dựng nước nhà thành mộngảo
Mà lòng ưu ái vốn đa mang
Ra đi imlặng vào vôtận
Hồn nước, hồn thơ, Bạn vẫn vương

Hoàng Xuân-Hãn

                      (Tết Nhâmthân 1992)

Độc giả có thể trách tôi chỉ đăng những bài cảmcựu : hết « tưởng nhớ Phan Anh » rồi « Văn tế Bác Hoán », nay thêm « Viếng bạn Nguyễn Văn Cổn ». Tuổi già, tôi hơn người trẻ, có nhiều bạn caoniên, vậy chịu nhiều tangtóc về bạn lứa. Viết văn viếng bạn, là bởi cảmtình, nhưng cũng là cách để ghi lại dấu xưa người cũ mà chẳng bao lâu nữa, thời gian sẽ che lấp xoá nhoà.

Nguyễn Văn Cổn quê thịxã Thanh Hoá. Giấy căncước khi nhậphọc khai sinh ngày mồng một tháng giêng năm 1909. Năm lên chín tuổi, Cổn vào trường « Sơhọc Pháp-việt » tỉnh Thanh Hoá. Bấygiờ, đó là trường tốicao quốclập duynhất trong một tỉnh để nhận chừng bốn mươi họctrò. Chuơngtrình để học tiếng Tây. Tuy các giáoviên là Việt, nhưng giáongữ là tiếng Pháp. Cổn thôngminh, nhanhnhẹn, cuối khoá đậu bằng tiểuhọc, đồngkhoa với bácsĩ Phạm Ngọc Thạch là con Phạm Ngọc Thọ đốchọc trường Thanh bấy giờ.

Trên cấp tiểuhọc, chínhquyền Đông Dương có đặt cấp caođẳng tiểuhọc dài bốn năm. Tất cả nước ta, bấygiờ chỉ có sáu trường như vậy. Trungkì có hai, ở Huế và ở Vinh.

Trường Huế là hậu thân của một trường tiểuhọc lập ra năm 1896 để dạy chữ quốcngữ và chữ tây cho sĩ tử caocấp, được coi là tươngđương với trường Quốctửgiám dạy cho các sĩtử đi thi Hội. Vì lẽ ấy triều đình bảohộ đã đặt cho cái tên khoekhoang là quốchọc. Rồi tên ấy được giữ về sau. Trường caođẳng tiêủhọc Vinh lập năm 1920, cửng được gọi bằng tên ấy. Cổn và tôi đều thi đậu vào khoá thứ ba trường quốchọc Vinh, năm 1922, và cùng ở nộitrú. Phần lớn họctrò trường Vinh thuộc giađình có ít nhiều khoabảng cũ. Tuy chưa thuộc Hánvăn lắm, nhưng đã biết thơ phú nôm nhiều. Đã thoát lốt nhiđồng, đến đợt thanhniên, đời sống chung đã có nhiều líthú. Có khi chúng tôi họp bạn ngâm thơ. Có khi vì thầy dạy quổcvăn bảo dịch Ngụngôn La Fontaine, Cổn và tôi đã mầnmo dịch ra văn lụcbát. Một hôm, Cổn làm một điều gì bị bạnhữu chê. Tôi trao cho Cổn một mảnh giấy mang ý tôi khuyên. Trong lớp học nộitrú cuối ngày, Cổn cũng chuyền lại cho tôi mảnh giấy mang hai dòng, rằng « Trong lòng tôi giữ một nơi, Để dành quí báu những lời anh khuyên ». Khiếu làm thơ dễdàng của Cổn đã thấy từ khi ấy. 

Trong giaiđoạn này, một việc to đã xảy ra ở trường Vinh đối với chúng tôi : tự họctrò dám đóng một vở kịch, Chén thuốc độc của Vũ Đình-long, để thu tiền giúp đồngbào Nghệ Tĩnh bị nạn lụt. Không những khángiả thành Vinh hoanhô, mà gánh hát họctrò này cũng được tándương ở những thịxã lớn hơn, như Thanhhoá và Namđịnh. Trong tuồng, Cổn được chọn đóng một vai đào trẻ.

Bởi lẽ gia đình, Cổn phải từgiã trường Vinh để học ở Nam Định. Từ ấy, chúng tôi mỗi người đuổi theo một con đường học khác nhau, và hình như cùng nhau vĩnh biệt. Tôi xoay ra đường trunghọc Pháp để có thể sang Pháp học các trường khoahọc ngànhnghề. Cuối cùng về nước lại phải đảm nghề dạy học. Gặp lại anh em bạn cũ trường Vinh, quê Thanhhoá, tôi mới hay rằng bạn Cổn cũng thi nghề giáodục và đã vào Nam.

Thế rồi, thếgiới chiếntranh bùngnổ, quyềnhành trong nước cũng đổithay. Chỉ trong vài ba năm từ 1945, mà trên đất nước ta thay đổi ba bốn chínhquyền, từ chếđộ thựcdân đến bánbinhquyền, bánđộclập, rồi lại quay về tânthựcdân, tânbảohộ. Tôi quyếtchí bảotồn và khuếchtrương vănhoá nướcnhà đợi ngày độclập. 

Tháng 3 năm 1951, để tránh một sự bứcbách khẩncấp, tôi lánh sang Paris. Tôi liền hợptác với bạn Nguyễn Ngọc Bích, chủnhiệm nhà xuấtbản Minh Tân, số 7 phổ Guénégaud, để một mặt gâydựng một tủ sách nhỏ cho Việtnam độclập, và một mặt, riêng tôi, đềxướng và thihành sự khảocứu chữ nôm, mong tìm ditích vănhoá ta xưa. Với Bích, tôi được biết rằng Cổn từ Sài gòn đã sang Paris mấy năm trước, và cùng bạn Trần Văn-khê học bổ túc ở nhiều lớp tại Sorbonne. Từ đó chúng tôi gặp nhau trở lại Tôi không lấy làm lạ rằng bạn Cổn đã trở thành một nhà báochí, nhà vănsĩ, thisĩ có tiếng trong Nam. Tôi được nghe bạn đọc. hay bạn Khê ngâm những bài Cổn sáng tác trong suốt thờikì chống ngoạixâm. Lời thơ Cổn vẫn nhẹnhàng mà hùnghồn, uyểnchuyển, hình như vì âmđiệu nảy ra lời. Thivăn Nguyễn Văn Cổn còn tảnmát trong nhiều báochí Sàigòn, và mong bạn còn để lại cho giađình những cảobản gần đây. Tậpthơ của Cổn nay còn thấy là Hồn sông núi do một nhà xuấtbản đoảnmệnh B.V.T. đem in tại Pháp, tháng 8.1954. Nhờ tựa của tácgiả, ta biết rằng Cổn đã có tập thơ Nước tôi xuấtbản tại Sàigòn năm 1944. Tập Hồn sông núi gồm 24 bài thơ chọnlọc viết trước 1953. Tưtưởng chọn lọc là như bạn đã viết trong lời tựa :

« Riêng ý tôi, trong lúc trúngụ tại xứ người, thơ còn làm phấnkhởi lòng tôi theo dòng cảmhứng nhớ tin, nhớ những xóm làng, những luỹ tre xanh, những cầu cây nhỏ, những ruộng vàng, đồi đỏ, nhớ những giọng nói tiếng cười, những câu hò, lời hát, nhớ những chuyện vuibuồn qua các thờiđại, nhớ tất cả những gì đã gây nên dân và nước Việt ; tin ở tươnglai xánlạn của dântộc ta mà lịchsử không phải là một lịchsử hènyếu. . .

Muốn các bạn của Nguyễn Văn Cổn trựctiếp thấy tâmtrạng và văntừ của Cổn, tôi sẽ trích một số câu, từ một vài bài chép trong tập Hồn sông núi mách trên, xếp theo thứtụ thờigian :




ThơNguyễn Văn Cổn




Tỉnh Châu-đốc

(trích)


Mấy bữa nay tôi người Châu-đốc,
Xa cuộc đời lăn lóc bụi dơ.
Sống trong yên lặng như tờ,
Hồn tôi còn thấy chút thơ của đời.
Bạn là cả muôn người họp mặt,
Bạn là cùng vạn vật sống chung,
Vui thăm rừng núi kiên trung,
Mây hồng nhẹ kéo qua đòng lúa xanh...

(Châu-đốc,1938)


Nàng Vọng phu

(trích)


...Chớp nhấp nhoáng bốn phương nổi hiệu
Sấm vang lừng nhịp điệu nghiêm trang
Sét xen tiếng sắt hào quang
Núi cao uốn khúc dội vang giứt hồi ;
Đó nhạc điệu muôn đời bất tử
Của nghìn trùng vũ trụ hiên ngang,
Linh thiêng trong cảnh chiều vàng
Thân nàng hoá đá, hồn nàng cao bay...


(Thanh-hoá, 5.6.1942)


Đứa bé mồ côi

(trích)


...Áo đen rách lớn phía tà sau,
Quần vá nhiều mảnh vải khác màu,
Bụng lép, tay rung, đi chẳng vững,
Nhà đâu, cha mẹ ở nơi đâu ?
Cha nó xa rồi, hỡi bạn ơi !
Từ ngày khói lửa bặt tăm hơi,
Mẹ đà chết thảm hôm oanh tạc,
Nên để bây giờ nó lẻ loi.

(Sàigòn,1946)


Nhớ quê hương

(trích)


...Đâu là bạn mấy năm trời chiến đấu ?
Để ngày mai tươi sáng đẹp như hoa ?
Nhạc chiều đương trỗi dậy giữa rừng xa,
Cùng gió lốc tung ngọn cờ oang liệt.
Nay xa quá hỡi tình thiêng nước Việt !
Trong lòng ta như chết cả niềm vui,
Trong cười say ca hát lệ thầm rơi,
Hình dĩ vãng vẫn chưa mờ trong dạ...

(Paris, 1948)



Tiếng đàn khuya

(trích)


Đêm nay trăng kéo tơ vàng,
Bàn tay ngọc bỗng nhẹ nhàng nắn cung,
Tiếng đàn uyển chuyển trên không,
Lướt qua ánh sáng chạm vùng lặng im.
Vườn hoa động giấc êm đềm
Làm cho những cánh hồng mềm mại rơi,
Vuốt ve tơ liễu buông dài,
Qua lùm cây tối nghe hơi lạnh lùng...
Tiên nga tóc xoã ngang lưng
Tinh vi tượng ngọc tắm trăng nõn nà.
Tiếng xa gọi nhớ ngày xa,
Tiếng gần đầm ấm hồn hoa thêm gần,
Thẹn như ân ái ngại ngần,
Đẹp như đôi má giai nhân ửng hồng
Nở hoa trên sóng không trung,
Muôn hình sắc điệu bay trong đêm vàng.

(Paris, 1952)




Hoàng Xuân Hãn


(bài đã đăng Diễn Đàn số 8, 05.1992)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss