Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 8 / Việt Nam... đã qua... sắp tới...

Việt Nam... đã qua... sắp tới...

- Diễn Đàn — published 08/12/2007 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:44


Việt Nam... đã qua... sắp tới...

 

Hiến Pháp

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam khoá 8, khai mạc ngày 24.3, đã kết thúc ngày 15.4, dài hơn dự tính gần một tuần lễ, với sự thông qua Hiến Pháp mới. Tuy nhiên, khi tờ báo này lên khuôn, chúng tôi chưa nhận được bản Hiến Pháp được thông qua, để biết cuối cùng nó khác những gì so với những dự thảo đã đưa ra. Theo các nguồn tin quốc tế có mặt ở Hà Nội, cuộc thảo luận trong kỳ họp đã căng thẳng hơn chờ đợi, đặc biệt về sự xác định vai trò “lãnh đạo” của đảng cộng sản so với vai trò quản lý của chính phủ. Việc thiết lập chế độ thủ tướng (thay cho chủ tịch hội đồng bộ trưởng), với quyền hạn gia tăng (quyền thành lập nội các, quyền bổ nhiệm tỉnh trưởng...), tuy đã được thoả thuận từ trước kỳ họp, nhưng hình như đã không được thông qua “suôn sẻ” lắm. Các lực lượng bảo thủ tập trung đề kháng chung quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, cuối cùng đã thắng thế: quân đội vẫn sẽ được đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của đảng. Về người đứng đầu Nhà nước, trái với bản dự thảo, chế độ Chủ tịch nước đã được thông qua thay cho Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Quốc hội mới sẽ được bầu ra trong kỳ tuyển cử được ấn định vào tháng 7 tới.

Về kinh tế, như đã dự trù, bản Hiến Pháp xác định việc thể chế hoá cơ cấu kinh tế thị trường, với sự thừa nhận những quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu của người dân (trừ đất đai, vẫn được coi là sở hữu công, nhưng người nông dân được quyền chuyển nhượng, thừa kế trên mảnh đất mình khai thác). Hiến Pháp bảo đảm các cơ sở kinh tế tư nhân không bị quốc hữu hoá...

Ngoài Hiến Pháp, kỳ họp Quốc hội còn thông qua luật bầu cử (sửa đổi), luật tổ chức toà án nhân dân (sủa đổi) v.v...

[AFP, Reuter 25.3, 16.4.92]

Ngân sách nhà nước 1992

Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 1992, tổng số thu sẽ trên 18 ngàn tỷ đồng, tổng số chi 20 ngàn tỷ đồng, bội chi 1.600 tỷ đồng.

Khoản chi dành cho giáo dục là 1.700 tỷ đồng và cho y tế là 1.000 tỷ đồng. Khoản chi để trợ cấp tiền lương và bù giá vào lương là 850 tỷ đồng. Hai chương trình đầu tư phát triển lớn nhất ghi vào ngân sách năm 1992 là công trình xây dựng đường giây siêu cao áp xuyên Việt và công trình đường ống dẫn khí đốt từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền.

[Tuổi Trẻ 2.4.92]

Cắt giảm biên chế trong năm 92

Trong năm 1991, bộ máy nhà nước đã giảm biên chế gần 7 vạn người, bằng khoảng 5,6% tổng biên chế trong khi quốc hội đã đề ra chỉ tiêu 20%. Chỉ tiêu đề ra cho năm 1992 là cho thôi việc 17,5 vạn người (15% tổng biên chế hiện nay) và khoản chi ngân sách dự trù từ 280 đến 300 tỷ đồng (bình quân mỗi suất cho người thôi việc là 1,6 đến 1,8 triệu đồng).

[Tuổi Trẻ 2.4 và 4.4.92]

Kinh tế tư doanh

Hiện nay Việt nam có gần một vạn xí nghiệp ngoài quốc doanh (tư doanh và hợp tác xã) với hơn hai triệu người lao động. Trong số này có chín trăm xí nghiệp tư nhân mới thành lập gần đây, đã thu hút hơn một triệu người lao động.

Hàng năm, sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 40-45% giá trị tổng sản lượng công nghiệp cả nước, 60-70% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương, trên 50% khối lượng vận chuyển, 60% tổng khối lượng hàng hoá buôn bán, 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Doanh nghiệp tư nhân phát triển nhưng vốn đầu tư còn nhỏ: tại thành phố Hồ Chí Minh có 2,5 vạn xí nghiệp nhưng chỉ có 235 đơn vị có vốn đầu tư trên 100 triệu đồng.

Trong khi đó, kinh tế tập thể bị đình đốn, nhiều hợp tác xã bị giải thể: so với năm 1988, hiện nay số lượng hợp tác xã đã giảm 3.300 đơn vị và hai phần ba số hợp tác xã không hoạt động được.

[Tuổi Trẻ 10.3.92]

May mặc xuất khẩu

Chỉ tính riêng 15 xí nghiệp thuộc Liên hiệp may mặc CONFECTIMEX, trong năm 1991 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 20 triệu sản phẩm. Cho năm 1992, các xí nghiệp này đã ký hợp đồng gia công 30 triệu sản phẩm với giá trị gia công khoảng 35 triệu đôla.

Theo chuyên gia Pháp, Marc Mouterde, số nhân công trong các xí nghiệp gia công may mặc ở Việt Nam là khoảng 100.000 người. Song Việt Nam dự kiến nhân số lao động này lên gấp mười trong vòng bốn hay năm năm.

Lương trung bình hiện nay trong các xí nghiệp này không vượt quá 1,30 FF/giờ, và chi phí lao động của một áo sơ mi là 2 FF. Đối với những tập đoàn nước ngoài, chi phí gia công một áo sơ mi ở Việt Nam là từ 2,40 đến 4 FF. Với tiền vải, giá thành một chiếc áo là từ 14,40 đến 18,70 FF, công nghiệp Đài Loan và cả Thái Lan cũng không thể địch lại!

Song vấn đề lớn của công nghiệp may mặc Việt Nam là thị trường, nhất là sau khi những quan hệ mậu dịch với Đông Âu và Liên Xô cũ bị đảo lộn. Ở Tây Âu, một nước như là Pháp qui định cô-ta nhập hàng may mặc Việt Nam hàng năm không quá 53.000 sơ mi và 20.000 quần. Và như bộ trưởng ngoại thương Lê Văn Triết đã nêu lên với đồng nghiệp Pháp, Jean Noel Jeanneney: “tổng cộng như vậy không bằng sản lượng của một xí nghiệp may mặc nhỏ của chúng tôi”. Được biết tổ chức của ngành may mặc châu Âu ECLA (European Clothing Association) đã có kiến nghị với uỷ ban Bruxelles của Cộng đồng kinh tế châu Âu sớm tiến tới một hiệp định song phương với Việt Nam.

[Sài gòn Giải phóng 30.3.92 và Le Monde 23.3.92]

Lúa gạo thừa mứa?

Vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã gặt xong, với sản lượng ước tính đạt 4,6 triệu tấn, là vụ đông xuân trúng mùa nhất từ trước đến nay. Nhưng hai triệu tấn lúa hàng hoá, đọng từ nhà dân ra tới ruộng, đang là một vấn đề làm đau đầu nhà nông. Để mua hết hai triệu tấn lúa này, cần cả nghìn tỉ đồng, nhưng đến ngày 20.3, các công ty lương thực (quốc doanh, độc quyền thu mua) mới được cấp 65 tỉ đồng. Do đó, dù phải bán lỗ (650 - 700 đồng/kg thay vì từ 1000 đến 1100 đồng/kg, so với 800 đồng/kg thuế nông nghiệp), nhiều nơi không bán được lúa! Hiện tượng nông dân được mùa - lỗ nặng đã xẩy ra với cây mía trước Tết, đậu phộng sau Tết, nay đến lúa!

(Tuổi Trẻ 19.3, 38.3.1992)

Đình chỉ khai thác gỗ

Ngày 19 tháng 3 vừa qua, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu gỗ, khai thác gỗ và chỉ thị đóng cửa rừng ở những khu vực cần thiết.

Từ một tổng diện tích 14 triệu ha và một tỉ lệ che phủ trên cả nước được 43% năm 1943, rừng Việt Nam sau 30 năm chiến tranh đã giảm còn 9,5 triệu ha, tỉ lệ che phủ 29% năm 1975. Đến năm 1983, Việt Nam lại mất thêm 1,7 triệu ha rừng. Bình quân mỗi năm có tới 200 ngàn ha rừng bị phá trong khi chỉ trồng lại được 20 ngàn ha. Do đó đến nay diện tích đồi trọc đã tăng lên đến 14 triệu ha.

Theo giáo sư Thái Văn Trừng, với nhịp độ phá rừng như trên, cả nước chỉ còn 6,4 triệu ha rừng, diện tích che phủ ở dưới 20%, trong khi tỉ lệ an toàn sinh thái là 33% diện tích. Trong điều kiện đó, rừng Việt Nam không còn đủ sức bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.

[SGGP 19.2. Thời báo Kinh tế Sài gòn 2.4.92]

Siêu... cao thế?

Chuyện thiếu điện thường xuyên ở miền nam trong mùa khô (trong những tháng “cao điểm”, tình hình cắt điện ở thành phố Hồ Chí Minh là từ bốn tới năm ngày mỗi tuần!) vừa rồi đã dẫn tới một quyết định của “Bộ chính trị và Hội đồng bộ trưởng”: sẽ khởi công từ ngày 30.4.1992 xây dựng một đường dây cao thế 500 kV dùng điện xoay chiều, dài 1500 km, để dẫn điện từ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình về thành phố Hồ Chí Minh. Tổng vốn đầu tư, theo báo cáo của thứ trưởng bộ Năng lượng Lê Liêm tại một buổi họp của Công ty Điện lực 2 đầu tháng 2 năm nay, là 2.600 tỉ đồng (xấp xỉ 250 triệu đô la, theo tỉ giá hiện nay), nhưng theo những chuyên viên của Ngân hàng thế giới phí xây dựng đường dây lên tới khoảng 560 triệu đô la, tức hơn gấp đôi báo cáo của chính phủ. Thời gian xây dựng đường dây được tính là hai năm. Nhiều công ty Pháp, Nhật, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Úc đã tỏ ý muốn tham dự công trình này.

[AFP 11.4, Reuter 16.4, Lao động chủ nhật 16.2. 1992]

* Theo lời của Chủ tịch Võ Văn Kiệt, trong buổi họp nói trên ở công ty Điện lực 2, như báo Lao động chủ nhật đưa lại, “ Công trình đường dây xuyên Việt này phải mang tính quyết liệt thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh”. Lời nói này cũng phù hợp với thông tin đưa trên, rằng đây là một quyết định, không phải của Hội đồng bộ trưởng, mà là của “ Bộ chính trị và Hội đồng bộ trưởng”. Tóm lại, một quyết định chính trị. Một quyết định chiếm một ngân sách hết sức lớn đối với khả năng của Việt Nam hiện nay (một ví dụ để so sánh: ngân sách giáo dục của cả nước năm nay là 1.700 tỉ đồng), đã được đưa ra như một phép màu để giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam mà không tính tới những hệ quả rất nghiêm trọng của nó, làm như chỉ cần một ý chí là đủ để giải quyết những khó khăn kinh tế, kỹ thuật rất lớn nó đặt ra. Về kinh tế, một câu hỏi đơn giản: tập trung sức người sức của vào công trình này, nhà nước còn sức làm những gì khác (những nhà máy nhiệt điện chẳng hạn, cỡ vừa và nhỏ, gần nơi tiêu thụ hơn, ma u xây dựng hơn)? Về kỹ thuật, chưa kể khó khăn vượt rừng núi, nhiều nơi địa chất chưa được khảo sát, người ta không khỏi không nghĩ tới những cơn bão lớn ở miền Trung sẽ làm cho việc bảo quản, khai thác đường dây vô cùng phức tạp. Trong những điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi hơn nhiều, với những phương tiện kinh tế kỹ thuật   hàng trăm lần giàu mạnh hơn, một đường dây như trên ở Pháp người ta phải bỏ ra ít ra 4, 5 năm mới xây xong. Không hiểu với phép màu nào các uỷ viên bộ chính trị có thể biến rừng núi ở Việt Nam và gió bão ở biển Đông thành những Thiệu Kỳ năm 1975; có thể đánh một trận là xong?

(Hoà Vân)

Việt - Pháp

Hội đồng quốc gia những nhà kinh doanh Pháp (CNPF) tích cực chuẩn bị thời “hậu cấm vận” Mỹ ở Việt Nam. Một nhân vật trong CNPF đã tuyên bố như trên, nhân chuyến đi thăm Việt Nam đầu tháng 4 vừa qua của một đoàn đại diện 34 công ty Pháp thuộc các lĩnh vực ngân hàng, công nghiệp, giao thông, năng lượng, thương mại và dịch vụ. Ông André Ross, dẫn đầu phái đoàn, nói rằng “thời điểm này là thuận tiện”, vì những chính sách kinh tế tư nhân hoá của Việt Nam, và cũng là lúc Việt Nam cần thay thế người bạn hàng gần như duy nhất trước kia là Liên Xô cũ. Các nhà kinh doanh Pháp trông chờ Mỹ sẽ bãi bỏ một phần cấm vận trong năm nay, và bỏ hoàn toàn trong 6 tháng đầu năm tới. Pháp hiện là bạn hàng thương mãi thứ tư của Việt Nam, sau Liên Xô, Nhật và Hồng Kông. Năm 1991, Pháp xuất sang Việt Nam khoảng 1 tỷ FF và nhập từ Việt Nam 280 triệu FF. Đồng thời Pháp cũng là nước đứng thứ ba (sau Đài Loan, Hồng Kông) trong các nước có đầu tư vào Việt Nam, với 27 dự án, tổng số vốn 280 triệu FF.

Nhà băng Pháp Indosuez là ngân hàng ngoại quốc đầu tiên vừa mở chi nhánh ở Việt Nam, với quyền tiến hành các nghiệp vụ thương mại. Trước đó, các ngân hàng BNP, Crédit Lyonnais, BFCE, Société Générale, đã được Ngân hàng nhà nước Việt Nam đồng ý về nguyên tắc cho phép hoạt động, nhưng đại diện của họ đã có mặt ở Việt Nam vẫn chưa được quyền tiến hành các nghiệp vụ thương mại.

[AFP 5 và 10.4, Reuter 9.4]

Mỹ - Việt.

Theo tin AFP từ Hà Nội ngày 16.4, người Việt ở Mỹ có thể gọi điện thoại trực tiếp về Việt Nam trong một tương lai gần (“vài ngày tới”, nói theo một nhân viên cao cấp của hãng AT&T). Ông James Hansen, phó Chủ tịch AT&T đã tới Hà Nội tiến hành ký kết thoả ước với bưu điện Việt Nam về vấn đề này, sau khi được phép của bộ ngoại giao Hoa Kỳ.

Việc mở ra đường điện thoại trực tiếp này đáp ứng một đòi hỏi của AT&T trong một hai năm gần đây, khi có nhiều công ty điện thoại nhỏ đã được mở ra ở Mỹ chỉ để khai thác yêu cầu của gần một triệu “người Mỹ gốc Việt” được nói chuyện điện thoại với thân nhân. Nó cũng phù hợp với chính sách của Hoa Thịnh Đốn tiến dần tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, “tuỳ theo sự tiến triển của việc giải quyết vấn đề MIA/POW”: tiếp theo chuyến đi Việt Nam đầu tháng 3 vừa qua của Richard Solomon, trợ tá ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam vừa trao trả cho phía Mỹ hài cốt vừa được tìm thấy của 6 quân nhân phi công đã bị bắn rơi trong chiến tranh.

Theo bà Mathilda Genovese, chủ tịch Hội đồng các phòng thương mại Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, chính ông Solomon đã cho bà biết, các công ty Mỹ sẽ được phép mở văn phòng đại diện ở Việt Nam từ tháng 5, tháng 6 này, tuy họ chưa được trực tiếp ký kết hợp đồng.

[AFP 16.4, 27.3 và UPI 9.3.1992]

Các công ty nước ngoài thâm nhập ngành địa ốc

Cuối tháng 3 vừa qua, công ty Hồng Kông Hamon properties đã ký hợp đồng đầu tư liên doanh 25 triệu đô la với thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng một khu nhà ở mới cho người nước ngoài nằm trên đường Nguyễn Du (đối diện mặt sau vườn Tao Đàn). Trong khi ấy, công ty Singapore Thái Hưng Long cũng đã thỏa thuận đầu tư và xây dựng một khu dân cư mới ở khu vực ngã tư Bảy Hiền.

Trước đấy công ty Đài Loan Pan Viêt đã đầu tư xây dựng một khu nhà mới ở đường Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, khu nhà An Khánh (quận Thủ Đức) gồm biệt thự, cao ốc, nhà phố trên một diện tích 250 ha cũng sẽ được xây dựng với vốn của Singapore và Hồng Kông.

Dựa trên số giấy phép xây dựng được cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ xây dựng nhà mới tăng 10% mỗi năm từ năm 1987, khi nhà nước có chính sách mới về nhà ở. Năm 1991, thành phố đã cấp 3100 giấy phép.

[Tuổi Trẻ ngày 28.3 và 3.4.92]

Tổ chức Cousteau quay phim đồng bằng sông Cửu Long

Đầu tháng tư vừa qua, tàu Calypso của tổ chức sinh thái toàn cầu Cousteau Society, do Jacques-Yves Cousteau làm chủ tịch, đã đến Việt Nam thực hiện bộ phim “Môi trường đồng bằng sông Cửu Long”. Trong vòng ba tháng, một đoàn 17 người (hầu hết là Pháp) do thuyền trưởng Christophe Jouet-Pastre chỉ huy, sẽ quay thiên nhiên và mọi khía cạnh đời sống trên sông Cửu Long. Khi hoàn thành bộ phim sẽ dài một tiếng đồng hồ.

Tổ chức Cousteau hiện có 350 nghìn hội viên (90 nghìn hội viên ở Pháp) và đã thực hiện 70 bộ phim bảo vệ môi trường ở khắp thế giới.

[Tuổi Trẻ 7.4.92)

Liên hoan văn hóa Việt Pháp tại Huế

Thành phố Huế, từ 1 đến 8 tháng 4 vừa qua, đã đón tiếp liên hoan văn hóa Việt Pháp đầu tiên với sự cộng tác về phía Pháp của tổ chức CODEV (Câu lạc bộ hợp tác và phát triển của công ty điện lực Pháp EDF). Hơn 40 buổi sinh hoạt văn hóa đã được tổ chức, trong đó có những triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, biểu diễn múa, hát, nhạc cung đình và lễ hội dân gian.

Phía Pháp, có khoảng 40 người vừa nghệ sĩ vừa chuyên viên kỹ thuật, bao gồm một nhóm kịch, một đoàn múa rối, một ban nhạc rock và một nghệ sĩ kể chuyện. Có mặt ở Việt Nam vào thời gian đó, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và họa sĩ Lê Bá Đảng đã đến tham gia cuộc “Gặp gỡ tại Huế 1992” này.

[Tuổi Trẻ 5.4.92, Lao Động chủ nhật 12.4.92]

Triển lãm Lê Bá Đảng ở quê nhà

Làng Bích La đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong hai ngày 25 và 26 tháng ba vừa qua, đã đón tiếp cuộc triển lãm của đứa con nổi tiếng mấy mươi năm sống xa xứ: họa sĩ Lê Bá Đảng. Gần 20 tác phẩm, thực hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau, đã được trình bày lần đầu tiên ở Việt Nam. Các tác phẩm được bày giữa thiên nhiên, trước khu thờ phượng của giòng họ Lê, trên một khoảng đất rộng mấy trăm mét vuông với hồ nước và cây cỏ.

Họa sĩ Lê Bá Đảng dự tính có những cuộc triển lãm tiếp theo đó tại Huế, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

[Tuổi Trẻ 2.4.92]

Tin ngắn

* Chính phủ Úc đã quyết định viện trợ cho Việt Nam 100 triệu đô la Úc (75 triệu đô la Mỹ), trên 4 năm. Tin này được công bố ngày 13.4.1992, nhân chuyến đi thăm Việt Nam của các bộ trưởng Ngân khố và bộ trưởng Công nghiệp, kỹ thuật và thương mại Úc.

* Việt Nam đã thu hoạch 90.000 tấn cà phê trong năm 1991-92, và dự trù xuất khẩu 40.000 tấn trong số này, tăng gấp đôi số xuất khẩu năm 1990.

* Theo báo Nhân Dân ngày 13.4, sản lượng cao su của Việt Nam năm 1991 đã tăng 22,8% so với năm 1990, và đạt gần 60.000 tấn trong đó 13,7 ngàn tấn được xuất khẩu.

* Nhà tù nổi tiếng Hoả Lò sẽ được phá hủy để giải phóng đất cho yêu cầu xây dựng ở trung tâm Hà Nội.

* Xí nghiệp xi măng Hà Tiên và tập đoàn Thuỵ Sĩ Holder Bank đã ký kết thoả ước xây dựng một nhà máy liên doanh sản xuất xi măng có công suất trên 1 triệu tấn/năm. Mặt khác nhà máy xi măng hiện nay, có công suất 850 ngàn tấn/năm, sẽ được hiện đại hoá để nâng công suất lên 1,5 triệu tấn/năm.

* Công ty Hồng Kông Stella L. Marise sẽ khai thác nước khoáng thiên nhiên Bình Châu, suối Nghệ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để xuất khẩu. Vốn đầu tư: 1,6 triệu đô la, công suất: 30 triệu chai nước khoáng loại 1,5 lít mỗi năm.

* Nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm POSVINA, công suất 30 ngàn tấn/năm, đã đi vào hoạt động từ đầu tháng tư tại Thủ Đức. Xí nghiệp liên doanh đầu tiên trong ngành luyện kim này, với số vốn đầu tư 3,9 triệu đô la, được thành lập với công ty Nam Triều Tiên Pochang.

* Tỉnh Khánh Hoà đã ký hợp đồng khai thác và xuất khẩu cát trắng Cam Ranh với công ty Úc Potiman.Vốn của Potiman: 10 ,5 triệu đô la. Công suất ban đầu: 500 ngàn tấn/năm.

* Liên doanh bia Tiền Giang & BGI, vốn 43 triệu đô la, 70% do BGI mang lại.

* Tỉnh Thanh Hoá đã giải thể 164 xí nghiệp quốc doanh làm ăn không rõ ràng hoặc thua lỗ. Toàn tỉnh hiện còn 306 xí nghiệp quốc doanh đang được xem xét lại.

* Mỗi ngày 254 nghìn mét khối nước của nhà máy nước Thủ Đức bị thoát trên đường dẫn, tức 38% trên tổng số 670 nghìn mét khối bơm được. Và trong số 232 nghìn đồng hồ nước thì có đến 70 nghìn không chạy.

* Hàng năm hệ thống y tế ngoài nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh cho trên 10 triệu lượt người. Theo số liệu sở Y tế, hệ thống này gồm có 1850 phòng khám tư, 33 phòng khám tập thể, 22 phòng khám y học dân tộc, 219 tổ chẩn trị lương y, 4 dưỡng đường, 8 phòng giải phẫu thẩm mỹ, 16 nhà hộ sinh, 465 phòng trồng răng.

* Đến đầu tháng ba vừa qua, có 55 trường hợp người bị nhiễm siêu vi khuẩn HIV (bệnh SIDA) được phát hiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Ba trường hợp gần đây nhất đều là người ở nước ngoài đến thành phố: một người Đài Loan và hai người Việt sống tại Mỹ và Úc. Được biết uỷ ban phòng chống SIDA thành phố trong năm 1991 chỉ đủ phương tiện xét nghiệm 2468 mẫu máu.

* Pháp và Việt Nam đã quyết định hợp tác mở một trường đào tạo quản lý kinh tế tại Hà Nội, với chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm giảng viên Việt Nam đang tu nghiệp hiện nay ở Pháp sẽ về giảng dạy tại trường này.

* Trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp Alliance Française đã chính thức khai giảng các lớp học tiếng Pháp, tại Hà Nội, với 15 giáo viên trong đó có 7 người Pháp. Hiện đã có 700 người đăng ký đi học.

* Đầu tháng 3.1992 tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã khánh thành trường học tiếng Anh do trường đại học British Columbia (Canada) tài trợ, cung cấp trang thiết bị và giáo viên. Mục đích của chương trình hợp tác này là đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ nghiên cứu và thông tin tư liệu.

* Từ cuối tháng ba vừa qua, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bắt đầu một chuyến đi du lịch và thăm gia đình ở Canada.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss