Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Dân chủ, hơn bao giờ hết

Dân chủ, hơn bao giờ hết

- Diễn Đàn — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50


Dân chủ, hơn bao giờ hết



Cuộc đàn áp đẫm máu ở Băng Cốc trong những ngày cuối tháng 5.92 này có lẽ không đủ làm sụp đổ cái “mô hình Thái Lan” trong tâm tưởng của những nhà cầm quyền Hà Nội; cũng như cuộc đàn áp ở Thiên An Môn cách đây gần ba năm đã không ngăn cản họ tiến gần hơn về phía các bậc đàn anh ở Trung Quốc. Song, đối với những ai không quen coi mạng người là rơm rác, đối với những ai không quen đem cái xấu xa của người khác ra để lấp liếm hoặc biện minh cho tội lỗi của bản thân mình, bài học Thái Lan cũng như bài học Thiên An Môn năm xưa cùng mang một ý nghĩa hiển nhiên, khó có thể bôi bác: một chế độ độc tài (đảng trị hay quân phiệt) không thể đáp ứng những đòi hỏi của người dân, và chứa trong bản thân nó những mầm mống đổ vỡ, xáo trộn sớm muộn cũng sẽ nổ ra, gây đau thương, mất mát không dễ gì hàn gắn. Cuộc đàn áp đẫm máu của đám quân nhân cực hữu Thái Lan, (thêm một lần nữa, lại được biện minh bởi chiêu bài “chống cộng sản”, xem tuyên bố của tướng Suchinda Krapayoon ngày 19.5), cho thấy hơn cuộc đấu tranh dân chủ hoá không thể đồng nghĩa với đòi hỏi giản đơn “lật đổ chế độ cộng sản” để thay vào đó một chế độ “chống cộng”, với bất cứ giá nào.

Dân chủ, hơn bao giờ hết, là đòi hỏi của thời đại, của mọi dân tộc. Và, dù không trực tiếp, vẫn là chủ đề xuyên suốt những bài bình luận mà mặt báo này chuyên chở.

Có thể bắt đầu bằng cường quốc số một của thế giới hôm nay, nước vẫn tự hào với nền dân chủ lâu đời của mình. Philip Slater, Giám đốc mỹ thuật của nhà hát Santa Cruz County Actors viết trong tờ Tạp chí Kinh Doanh Harvard (Harvard Business Review) số tháng 9-10.1990 rằng “Điều bất ngờ lớn nhất của một phần tư thế kỷ vừa qua là sự xuống cấp của nền dân chủ ở Hoa Kỳ”. Có thể nào không nghĩ tới nhận định “khác thường” ấy ngày hôm nay, khi sức công phá của cuộc bạo loạn ngắn ngủi, nhưng không kém phần dữ dội ở thành phố Los Angeles, còn chưa dứt. Không hẹn, nhưng Nguyễn Lộc, trong Thư Cali, viết về những ngày nóng bỏng ấy, cũng đi tới một nhận định tương tự.

Một quá trình hai trăm năm chưa hoàn thiện thì ắt hẳn những bước đi ban đầu từ bóng tối của nhiều năm chuyên chính không thể dễ dàng gì. Song, than khóc, trách móc về muôn vàn khó khăn của các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, để trì hoãn cất bước, liệu có góp phần làm nhẹ những xáo trộn của một đổi thay mà mức độ dữ dội chỉ tăng theo những tháng năm chất chồng dồn nén? Những vấn đề kinh tế xã hội hóc búa đang đặt ra cho người dân Đông Âu. Nhưng đó là những vấn đề thực đặt ra cho một xã hội đang tự tìm phương cách gây dựng cuộc sống của mình, không còn (và không còn cần) ai nắm tay dẫn dắt. – Nhất là khi những người tự xưng là “tiên phong” nhất để đòi nắm quyền lãnh đạo cứ lần lượt bộc lộ là những kẻ bất tài, xấu xa, thậm chí trụy lạc, chỉ quen một nghề dùng bạo lực để hòng “dẫn dắt” người khác – Với các bài của Bùi Mộng Hùng, Nguyễn Quang, và đóng góp của Lý Thanh, một bạn đọc từ Ba Lan, Diễn Đàn số này mở lại hồ sơ “Đông Âu”, dĩ nhiên trong hướng suy nghĩ về tương lai của chính Việt Nam. (Và cũng trong mong mỏi gợi hứng cho nhiều cây bút khác!). Một suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề phát triển vẫn là một yêu cầu rất thời sự! Xem bài viết của Nguyễn Trọng Nghĩa về quyển sách của Lê Thành Khôi.

Chẳng ai có thể nói cuộc thảo luận vừa qua ở Quốc hội Việt Nam về bản hiến pháp 1992 là mẫu mực cho những cuộc thảo luận dân chủ của một cơ quan thật sự đại diện cho người dân. Sự kiện thò lò trong việc biểu quyết điều 18 (xem bài của Nguyễn Ngọc Hiền) là một ví dụ của sự áp đặt tùy tiện, thô bạo, ý kiến của thiểu số cầm quyền trong bộ máy đảng cộng sản Việt Nam1 đối với ngay cả những viên chức cần mẫn của mình (dù ý kiến đó đúng hay sai). Nhưng, phải dùng tới biện pháp áp đặt ấy, tại diễn đàn ấy, chỉ chứng tỏ thế yếu của một chính quyền đang vẫy vùng trong những mâu thuẫn chằng chịt giữa những ảo giác “tư tưởng” của nó với đòi hỏi của nền kinh tế, với tình hình hoang mang trầm trọng của cán bộ, đảng viên, mà vụ “hoá giá nhà” ở thành phố Hồ Chí Minh là một “điển hình”. Xin xem bài “Tháo chạy chính trị” của Hải Vân. Và mọi phương pháp đấu tranh chính trị, “hợp pháp” hay “không hợp pháp”, dẫn tới sự lui bước của bộ máy trước những đòi hỏi tự do, dân chủ rất thực tế của người dân – về kinh tế, chính trị – đều góp phần tạo nên năng động đổi thay, làm sụp đổ những bức tường kiên cố nhất. Những điều “lý thú” mà Nguyễn Ngọc Hiền tìm thấy trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, hẳn cũng chưa chấm dứt tác động, dù cho bản hiến pháp đã được thông qua như ý đồ của những phần tử ù lỳ nhất trong bộ máy!

Nhất là, khi nhìn sang hàng xóm, sự thất bại của nhà cầm quyền Thái trong cuộc đàn áp cho thấy rằng dân chủ, hơn bao giờ hết, vừa là một nhu cầu cấp bách, vừa là một khẩu hiệu đấu tranh hữu hiệu.


Diễn Đàn




(1) Người ta cũng có thể đặt câu hỏi, ông tổng bí thư đảng có nằm trong thiểu số đó không, khi chính ông đã lên tiếng ủng hộ cuộc bỏ phiếu điều 18 lần đầu!


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss