Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Đọc Nỗi buồn chiến tranh

Đọc Nỗi buồn chiến tranh

- Hoài Văn — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Đọc

Nỗi buồn chiến tranh
(Thân phận tình yêu)

của Bảo Ninh (NXB Hội Nhà Văn 1991)
Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1991

 

Hoài văn

 

Một năm sau ngày hoà bình, Kiên, một người lính Trường Sơn có dịp trở lại trận địa cũ, nơi có những địa danh không thể nào quên được: truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu, sông Ba Thầy, đèo Thăng Thiên, Ngọc Bơ Rây... Tại đây anh đã từng chiến đấu, đã từng mục kích những cái chết của đồng dội, của bạn bè, và bây giờ, cũng tại đây, anh sẽ bắt đầu một cuộc hành trình trở về quá khứ.

Kỷ niệm sẽ ập đến anh, rồn rập, không theo thứ tự thời gian, đan cài với nhau, kỷ niệm về chiến tranh, về tình yêu, về những con người, những số phận trước và sau chiến tranh.

Thực ra, nỗi buồn chiến tranh đã xâm chiếm lấy tâm hồn anh ngay từ ngày đầu bước vào hoà bình, một nền hoà bình chẳng có gì để hứa hẹn với anh cả:

“Hào quang choáng ngợp buổi đầu sau chiến tranh đã chóng vánh mai một trong từng thân phận. Những người đã chết đã chết cả rồi, người được sống tiếp tục sống song những khát vọng nồng cháy từng là cứu cánh của cả một thời, từng soi rọi cho chúng tôi nội dung lịch sử, thiên chức và vận hội của thế hệ mình, rủi thay đã không thể thành ngay hiện thực cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến như chúng tôi hằng tưởng. Đến bây giờ, đến lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến” (NBCT, tr. 50)

Kiên ngược dòng thời gian để sống lại những kỷ niệm và chỉ thế thôi, anh không triết lý nhiều. Anh cũng như nhiều người khác cùng thế hệ đã lao vào cuộc chiến với một lý tưởng trong trắng, đã mất cả tuổi trẻ, nhưng rồi đã thất vọng. Trở về với cuộc sống trong hoà bình, lẽ ra là một cuộc sống bình thường, anh cũng không nhìn thấy được lối thoát nào hơn là sống lùi lại trong ký vãng.

Nỗi Buồn Chiến Tranh không phải là một bản cáo trạng lên án toàn bộ cuộc chiến tranh. Nó chỉ là một “bài ca kinh hoàng” về chiến tranh, một “tiếng kêu thương”, một nỗi trăn trở của một nạn nhân chiến tranh.

Kiên không phải không có quan niệm gì riêng cho mình về chiến tranh, tuy rằng nó khá đơn giản: khi anh được xếp vào danh sách đi học dài hạn ở Trường sĩ quan lục quân anh đã từ chối, anh “... chắc chắn chẳng bao giờ chịu trở thành hạt giống cho những vụ mùa chiến tranh liên miên. Anh chỉ muốn được yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh... sẵn sàng chịu mọi tai hoạ của chiến tranh...” (NBCT, tr. 20), hoặc “... Bao thằng khốn nạn ung dung hưởng lộc chiến tranh chỉ con các nông dân là phải dứt lòng ra đi bỏ lại đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất...” (NBCT, tr. 22).

Tuy nhiên, ngay cả với những giới hạn của nó do hoàn cảnh bó buộc, hay cố ý, theo tôi Nỗi Buồn Chiến Tranh vẫn là cuốn tiểu thuyết viết hấp dẫn nhất, “ác liệt” nhất từ trước tới nay về chiến tranh tình yêu.

Bảo Ninh có cái nhìn sắc bén của người từng trải đi đôi với một ngôn ngữ diễn đạt tinh tế và chính xác, một giọng văn trữ tình, thiết tha, sôi nổi.

Về cấu trúc hay kỹ thuật kể chuyện, hai chủ đề lớn của tác phẩm: chiến tranh và tình yêu đan cài vào nhau, nhưng tất cả đều xoay chung quanh nhân vật chính là Kiên làm cho dòng kể đỡ tản mạn, rối rắm.

Những câu chuyện và hình ảnh trong truyện để lại cho người đọc những ấn tướng khó quên: hình ảnh ba cô gái ở truông Gọi Hồn và bọn lính thám báo, cái chết của Can, Biền anh lính bị điên, hình ảnh cô Lan ở Nhã Nam, cô gái điên ở hồ Thuyền Quang, cô gái câm ở cùng nhà với Kiên, Hạnh cô hàng xóm, Hiền thương binh... và nhất là những hình ảnh về Phương, người yêu của Kiên.

Thêm vào đó là những câu chuyện quái đản, những chuyện dị đoan mà dân chúng thường say mê. Xu hướng hay phương pháp “hư cấu” này thực ra có trong truyền thống văn học dân gian và không phải chỉ riêng ở Việt Nam mới có mà khá phổ bỉến trong văn học nghệ thuật thế giới.

Hình ảnh các âm hồn lính của tiểu đoàn 27 “tụ họp trên trảng như là để điểm danh” không khác gì mấy với hình ảnh những oan hồn lính xuất hiện ở “ Con đường hầm” trong phim “Những giấc mơ” (Rêves) của Akira Kurosawa (1989).

Tôi chỉ ước mong một ngày kia Nỗi Buồn Chiến Tranh sẽ được dịch sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, để giới thiệu với người nước ngoài một áng văn hay về chiến tranh và về tình yêu.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss