Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Hoá giá nhà “tháo chạy chính trị”?

Hoá giá nhà “tháo chạy chính trị”?

- Hải Vân — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Hoá giá nhà hoá ra
“tháo chạy chính trị”?


Cuộc chạy đua ở các cấp chính quyền để bán nhà, bán đất nhà nước – một hiện tượng tăng tốc từ một năm nay ở Việt Nam – đang gây công phẫn trong người dân, đặc biệt trong dư luận cán bộ đảng viên cộng sản sinh sống lương thiện. Vấn đề được nêu ra ở kỳ họp quốc hội tháng 12.1991, buộc thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 9.3 vừa qua, phải đưa ra một số biện pháp cấp bách để “ ngăn chặn việc mua bán đất trái luật pháp” và tuyên bố “không công nhận giá trị pháp lý của quyết định uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bán hoá giá nhà cấp 1, 2 và biệt thự” là loại nhà ở có giá trị trao đổi cao.

Thật ra, trong điều kiện quỹ nhà ở do nhà nước quản lý xuống cấp nhanh chóng, tổn thất về tài sản ngày càng trầm trọng, chủ trương tư hữu hoá là một giải pháp hợp lý nếu Nhà nước dành toàn bộ vốn thu được vào những chương trình xây cất nhà cho người hiện nay không có. Mặt khác, bán hoá giá nhà (với giá thấp hơn giá thị trường) cho người đang sử dụng (chủ yếu là cán bộ viên chức nhà nước) cũng là điều chính đáng. Đặc biệt, đối với những người đã hy sinh một phần đời mình cho đất nước được độc lập, đó không chỉ là hành động tình nghĩa: nó còn tạo nên yếu tố ổn định tâm lý cần thiết trước một viễn cảnh chính trị bấp bênh.

Song, với một chính quyền chuyên chính mà bản thân lại mất kỷ cương, như ở ta hiện nay, mọi chính sách dù chính đáng và hợp lý đến đâu đi nữa đều có thể biến dạng, đưa tới kết quả ngược lại với mục tiêu đề ra. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói lên lo ngại này, và trong lãnh vực nhà đất nó đã là thực tế. Nghiêm trọng nhất là những gì xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi lãnh đạo thành phố đã cố tình ém đi trong nhiều ngày lệnh của chính phủ đình chỉ việc hoá giá nhà. Trong những ngày đó, Sở nhà đất thành phố đã bán hoá giá, một cách trái phép, gần một ngàn ngôi nhà mà hơn một phần tư là biệt thự! Trong dư luận cán bộ đảng viên, nhiều người đã cho rằng hành động chiếm đoạt của công trong sáu ngày đêm đó – từ 13 đến 19.9 – bởi bộ phận có quyền thế ở thành phố là biểu hiện của một cuộc “tháo chạy chính trị” trước viễn cảnh mất chính quyền. Sau khi có quyết định sửa sai của chính phủ, người duy nhất đến nay bị mất chức là giám đốc Sở nhà đất, tức là cấp thừa hành. Dư luận vẫn chờ bước xử lý tiếp theo đó đối với cấp lãnh đạo, tức là thường vụ thành uỷ Đảng cộng sản.

Điều đáng chú ý là dấu hiệu “tháo chạy chính trị” đầu tiên đó đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, từ một chính quyền địa phương có những thái độ chính trị lên gân và cực đoan hơn chính quyền trung ương. Vừa qua, đảng bộ thành phố đã nổi bật với một kiến nghị đưa nguyên tắc chuyên chính vô sản vào trở lại bản dự thảo hiến pháp mới! Song người ta không thể không tự hỏi: thái độ chính trị đao to búa lớn thường nghe thấy ở Thành phố Hồ Chí Minh có tác dụng gì, hay chỉ nhằm mắt, che lấp thực tiễn không mấy gì cách mạng trong nhiều lãnh vực mà nhà đất là điển hình.

Hải Vân

Những việc làm sai trái

Bản báo cáo của chính phủ trình bày ở kỳ họp quốc hội tháng 3 vừa qua nêu rõ những việc làm sai trái của uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành hoá giá nhà cấp 1, 2 và biệt thự:

– Uỷ ban nhân dân thành phố đã vượt quá thẩm quyền khi tự quyết định bán hoá giá nhà cấp 1, 2 và biệt thự; quyết định này vi phạm pháp lệnh về nhà ở, theo đó Hội đồng bộ trưởng là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trong phạm vi cả nước. Đến nay Hội đồng bộ trưởng chỉ có chủ trương bán hoá giá nhà cấp 3 và 4 (thực hiện từ năm 1986) và chưa có quyết định đối với nhà cấp 1, 2 và biệt thự. Loại nhà này chỉ giao cho cán bộ, công nhân viên ở, chưa phải là được cấp theo tiêu chuẩn: bán hoá giá do đó sẽ gây bất công lớn.

– Uỷ ban nhân dân thành phố, sau một thời gian thí điểm, đã ra quyết định, ngày 30.7.1991, bán đại trà nhà cấp 1, 2 và biệt thự. Phải đợi đến giữa tháng 9, thủ tướng Võ Văn Kiệt mới ra lệnh đình chỉ quyết định này. Tính từ khi có chủ trương thí điểm (tháng 1.1991) đến ngày 13.9, ngày uỷ ban nhận được lệnh của chính phủ, thì Sở nhà đất thành phố đã bán hoá giá 465 nhà trong đó có 115 biệt thự.

– Uỷ ban nhân dân thành phố đã đợi bốn ngày (17.9) trước khi thông báo lệnh đình chỉ của chính phủ, và mãi đến hai ngày sau (19.9) các cấp thi hành mới nhận được lệnh đó. Chỉ trong sáu ngày, Sở nhà đất đã hoá giá 991 nhà ở, trong đó có 265 biệt thự, tức hai lần số nhà đã hoá giá trước khi có lệnh đình chỉ.

– Uỷ ban nhân dân thành phố đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tràn lan trong việc bán hoá giá nhà: kể cả sửa số liệu góc, sửa ngày tháng, sửa giá, định giá bán thấp hơn hai, ba lần giá trị thật sự, có khi thấp hơn đến mười lần. Đó là trường hợp của một biệt thự 130m2 bán cho một cán bộ lão thành với giá 94 triệu đồng (khoảng 10.400 đôla): nhà này được bán lại mười ngày sau đó với giá 120 triệu đồng, vả bán đi một lần thứ ba, ba tháng sau, với giá 1,43 tỷ đồng (khoảng 130.000 đôla)

– Uỷ ban nhân dân thành phố đã không nộp tổng số tiền bán nhà thu được vào ngân sách nhà nước, và đã dùng tiền đó vào những mục đích không liên quan đến chương trình phát triển nhà ở.

Hội đồng bộ trưởng, ngày 9.3.1992, đã ra quyết định huỷ bỏ quyết định bán hoá giá nhà cấp 1, 2 và biệt thự của uỷ ban nhân dân thành phố, thu hồi toàn bộ số nhà đã bán, hoàn lại số tiền cho người mua, và tiếp tục kiểm tra những việc làm tiêu cực để xử lý.

Sóc Trăng bán cả trụ sở cơ quan

Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, thị xã Sóc Trăng cũng là một địa phương đã tiến hành bán hoá giá nhà một cách sai trái. Vụ việc chỉ được tỉnh Hậu Giang đưa ra ánh sáng khi Sóc Trăng tách ra thành tỉnh riêng. Theo báo cáo của đoàn thanh tra, thị xã Sóc Trăng đã hoá giá 116 căn nhà trong đó có 45 trụ sở cơ quan, và số nhà bán sai chủ trương lên đến 63 trường hợp.

Có trường hợp trụ sở của một đảng uỷ phường bán cho chính bí thư phường đó (trong khi ông này đã có nhà) với khoản chênh lệch 40 lạng vàng giữa giá mua và giá trị thực sự. Một số trường hợp khác, dựa vào thân thế, được “miễn giảm” đến hơn 90% giá bán.

Ngày 3.4.1992, uỷ ban nhân dân Hậu Giang đã ra quyết định không công nhận việc bán hoá giá nhà của thị xã Sóc Trăng. Tuy nhiên đã nhiều lần trong quá khứ, lãnh đạo thị xã có thái độ không tuân thủ quyết định của cấp trên.

Giá nhà đất ở Hà Nội và Sài Gòn

 

Trên thị trường mua bán nhà hiện nay, giá cả chênh lệch chủ yếu tuỳ theo vị trí và khả năng sử dụng nhà vào mục đích kinh doanh. Tại Hà Nội, giá trung bình 1m2 nhà mặt tiền ở Hàng Ngang, Hàng Đào khoảng 1,2 lạng vàng; ở các khu buôn bán khác trong nội thành giá từ 0,5 đến 1 lạng vàng/m2. Các biệt thự xây thời Pháp thuộc ở nội thành giá từ 4 đến 6 chỉ vàng/m2. Giá nhà cấp 4 (thực chất là giá mua đất, giá nhà không đáng kể) ở nội thành, trung bình 1,5 chỉ/m2; ở ven nội là 0,5 chỉ/m2.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá trung bình nhà biệt thự ở các quận 1 và 3 là 7 đến 8 chỉ vàng/m2. Các cửa hàng ở khu buôn bán sầm uất có giá trị 1,5 lạng vàng/m2.

Nhiều người cho rằng năm 1992 giá nhà ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ còn tăng do chính sách mở cửa của Nhà nước. Song theo Thời báo kinh tế Sài Gòn (12.3.92), cần tính đến một số dự báo như sau:

– năm 1992, sẽ có 83.000 người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài, lượng nhà cần bán tương đối nhiều, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

– có thể lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn lâu dài sẽ tăng gấp đôi so với năm 1991, nhưng họ vẫn chưa được phép mua đất, mua nhà mà chỉ được thuê để ở và làm việc.

– chỉ số giá cả thị trường năm 1992 có thể giảm đi từ 20 đến 30% so với năm 1991, sẽ tác động đến giá nhà bởi vì lạm phát giảm thường làm giảm nhu cầu mua và đầu cơ nhà đất.

– nhà nước sẽ có chính sách mới về nhà đất và có thể sẽ bán một khối lượng nhà gấp hai, ba lần so với năm 1990, chủ yếu là nhà cấp 3, 4 và khu chung cư mới xây.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss