Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Quốc hội và hiến pháp 1992

Quốc hội và hiến pháp 1992

- Nguyễn Ngọc Hiền — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50

Chính trị



Quốc hội và hiến pháp 1992


Nguyễn Ngọc Hiền(*)



Tôi theo dõi một cách thích thú những buổi thảo luận tại Quốc hội về dự thảo hiến pháp 1992. Tôi thấy đó là đặc điểm của khoá họp lần này, một bước tiến của chính Quốc hội. Ít ra cũng đã có những cuộc thảo luận. Ít ra cũng đã có những ý kiến khác với ý kiến của những tác giả thảo ra hiến pháp. Một chút nước mặn cũng là biển. Một chút tiến bộ cũng là tiến bộ: tôi muốn làm một người quan sát dứt khoát từ bỏ thái độ bi quan.

Vậy thì những vấn đề gì đã đưa đến thảo luận hăng hái nhất trong kỳ họp bàn hiến pháp vừa qua?

 

1. Trước hết là một chuyện bất ngờ: dự thảo 3 1 định đưa ra Quốc hội biểu quyết bị rút lui, nhường chỗ cho dự thảo 4. Bốn dự thảo! Ai muốn tưởng tượng không khí đấu tranh nội bộ chắc là có cơ sở để tưởng tượng. Huống hồ dự thảo 4 có đôi điều có vẻ “đi tới” so với dự thảo 3, nhưng lại có nhiều điểm “đi lui” một cách đáng tiếc, rất đáng tiếc.

Đi tới: giải pháp Hội đồng Nhà nước bị chỉ trích ở trong nước và rốt cuộc bị dẹp bỏ. Báo chí nhận xét một cách đắc thắng: Đảng đã vạch ra dự án, ai cũng tưởng là đã “đóng đinh rồi. Thế mà không phải vậy” 2. Một Chủ tịch nước và một uỷ ban thường vụ Quốc hội được đề nghị thành lập để thay thế cho Hội đồng Nhà nước. Thế nhưng vấn đề được nêu ra là: đây là một thay đổi có thực chất, hay chỉ là chuyện thế tên trong giấy khai sinh? Nếu uỷ ban thường vụ được trao cho nhiều quyền quá, thì phải chăng uỷ ban đó sẽ biến thành “Hội đồng Nhà nước thứ hai”? 3.

Đại biểu Lý Chánh Trung (Thành phố HCM), đại biểu Phạm Văn Lợi (Tây Ninh) lưu ý Quốc hội không nên dựng lại Hội đồng Nhà nước dưới một hình thức khác, lại càng không nên biến uỷ ban thường vụ thành một “Quốc hội mini” 3. Ở thời đại tin học này, không chừng Quốc hội cũng có hai phần như một bộ máy vi tính, phần cứng phần mềm, hard soft, Quốc hội cứng và Quốc hội xốp. Đi sâu hơn vào pháp lý, đại biểu Trương Nghiệp Vũ (Bình Thuận) bác bỏ quyền ra pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ, chỉ công nhận quyền ra sắc lệnh của Chủ tịch nước. Phân biệt như vậy là đúng quá; cho nên một số đại biểu đã “rất băn khoăn về quyền ra pháp lệnh của uỷ ban thường vụ... vì Quốc hội sẽ tiến tới chuyên trách và làm việc thường xuyên, việc duy trì một cơ quan thường trực như vậy dễ sinh lạm quyền” 5. Phóng viên của báo Phụ Nữ TPHCM tường thuật: “Hầu như các ý kiến đều tập trung phân tích sự biến tướng của tổ chức Hội đồng Nhà nước thành uỷ ban thường vụ Quốc hội (quyền hạn, nhiệm vụ giống như Hội đồng Nhà nước trước đây), là một cấp quyền lực bên trên Quốc hội. Nếu không sửa đổi về chi tiết, Chủ tịch nước, và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội chỉ là hình thức. Như vậy, chưa có một tiến bộ nào về thể chế Nhà nước” 6. Đó là lý do khiến các đại biểu Tô Đình Cơ (Bình Định), Ca Lê Thuần, Lý Chánh Trung (TPHCM) đã tích cực đề cao vai trò của Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra, giới hạn quyền lực của uỷ ban thường vụ Quốc hội mà có đại biểu đề nghị hãy gọi thẳng thừng là uỷ ban thường trực 7, chẳng việc gì mà phải vụ.

Rốt cuộc, khi biểu quyết, các đại biểu này không thắng nổi, nhưng đó là chuyện khác. Chuyện đáng nói là các ông đã bênh vực quan điểm của mình một cách thẳng thắn, đã có những lời lẽ rắn chắc để đe chừng chuyện đẻ sinh đôi, chuyện thay tên đổi họ giữa Hội đồng Nhà nước với uỷ ban thường vụ, chuyện thịt lợn với thịt heo.

 

2. Vấn đề quan trọng thứ hai là sự tranh chấp giữa nguyên tắc “tập trung dân chủ” với nguyên tắc “thủ trưởng”. Nói một cách nôm na, tập trung dân chủ ở đây được hiểu theo nghĩa là làm việc tập thể, quyết định gì cũng phải biểu quyết theo đa số. Theo nghĩa đó, ông Thủ tướng cũng chỉ là người có chức mà thôi, không có quyền lực lớn nhất, lớn hơn hội đồng các ông bộ trưởng. Cứ như thông thường mà mọi người đều thấy thì ai có quyền tất phải gánh trách nhiệm. Và ngược lại ai gánh trách nhiệm thì phải có quyền. Quyền và trách nhiệm luôn luôn đi đôi với nhau và cắt nghĩa cho nhau. Nhờ vậy mà làm việc mới có hiệu quả, bởi kẻ có quyền tất nhiên ý thức được trách nhiệm của mình, biết rằng mình làm bậy thì chính mình, chứ không có ai khác, phải chịu hậu quả. Còn như quyền mà không được định rõ, ai cũng có quyền như ai, thì trách nhiệm cũng loãng ra như đường tan trong nước, hễ làm bậy là phủi tay tập thể: “Chúng ta, nói như báo Thanh Niên, đã trả giá đắt cho kiểu làm chủ ‘cha chung không ai khóc'” 8.Cho nên đại biểu Huỳnh Văn Bính (Đồng Nai) chỉ trích tính cách “né tránh sự thật” của dự thảo Hiến Pháp. Ông nói: “Chúng ta đã quá mất thời gian cho việc họp bàn vì cơ chế tập thể” 9. Đại biểu Nguyễn Đông Kinh (Khánh Hoà) tiếp theo: “điều hành bộ máy nhà nước cần phải nhanh chóng, dứt khoát vì công việc diễn biến từng giờ mà lại phải chờ họp bàn vì cơ chế tập thể nên không có hiệu quả, lại mất thì giờ. Cái gì cũng phải bàn, 'chờ bàn'” 10. Ông nói thêm một câu chí lý: “sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì còn được, còn sự điều hành của chính phủ thì dứt khoát phải theo cơ chế thủ trưởng” 11. Ông nói đúng: Đảng với Nhà nước, hai bên không giống nhau về bản chất, về tổ chức, về sinh hoạt, về kỷ luật, về cách điều hành, làm sao đem nguyên tắc bên này sang áp dụng cho bên kia được!

Áp dụng tại Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ, theo lời ông Huỳnh Văn Bính, đưa đến “tình trạng một địa phương có quá nhiều “chủ tịch”, ai cũng lớn cả nên không ai nghe ai, không điều hành được bộ máy nhà nước” 12. Đại biểu Nguyễn Đức Hanh (Thái Bình) tiếp lời: “Chúng ta đã phải trả giá cho cơ chế làm chủ tập thể và cấp dưới không nghe cấp trên, còn cấp trên thì không cách chức được cấp dưới” 13. Trong bao nhiêu năm, nguyên tắc đó đã được áp dụng ở trung ương, trong Hội đồng bộ trưởng và trong mối tương quan giữa trung ương với địa phương, giữa Hội đồng bộ trưởng với uỷ ban nhân dân các cấp. Gần đây, ai cũng thấy cần phải trao quyền lại cho thủ tướng để vị này có quyền quyết định ở cấp chính phủ, và có quyền bổ nhiệm những người cầm đầu ở các cấp địa phương theo hệ thống dọc, có trên có dưới, tránh tình trạng sứ quân, lãnh chúa ở mỗi tỉnh, mỗi huyện. Dự án 3 đưa ra lần trước đã đổi tên uỷ ban nhân dân ra uỷ ban hành chính, chính là để đặt các ông chúa địa phương trong hệ thống hành chính trên dưới, trên bổ nhiệm dưới, dưới chịu trách nhiệm với trên. Để sự việc rõ ràng hơn nữa, có đại biểu đưa ra ý kiến dùng lại danh xưng tỉnh trưởng, huyện trưởng, quận trưởng, xã trưởng thay vì chủ tịch này, chủ tịch nọ 14. Xu thế đó là xu thế đang lên, đang thắng, và đã thắng ở dự án 3. Cớ sao hiến pháp lần này lại đi thụt lùi, tái lập lại cái tên uỷ ban nhân dân, trở về với cái “cơ chế chậm chạp, trì trệ” mà các đại biểu Lê Tài (Quảng Bình), Nguyễn Hồng Phúc (Kiên Giang), Nguyễn Đông Chinh (Khánh Hoà), Nguyễn Đức Hợp (Thái Bình), Lý Chánh Trung (TPHCM) đã lần lượt chỉ trích 15? Trong hiến pháp lần này, thủ tướng không có quyền bổ nhiệm các ông chủ tịch uỷ ban nhân dân, tỉnh và thành phố. Đại biểu Nguyễn Đông Chinh đã hết lời năn nỉ, thậm chí ông cho rằng “nếu thủ tướng được quyền bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố thì đây là cuộc 'cách mạng' thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước” 16. Chỉ có thế! Mà không được! Báo Lao Động đã viết một bài rất nỉ non về bước đi lui này. Việc cải tổ bộ máy hành chính, theo bài báo, “là nguyện vọng thiết tha của toàn dân vì chúng ta đã phải chịu quá nhiều phiền toái trong cơ chế quan liêu bao cấp. Bao cấp thì chúng ta đã xoá bỏ về cơ bản để tiếp cận cơ chế thị trường. Nhưng quan liêu thì vẫn còn đất tồn tại vì hệ thống tổ chức hành chính và chúng ta chưa có sự sửa đổi cơ bản... Dự thảo 3 đã đưa ra những cải cách quan trọng về tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương trong khi, theo tờ trình của chủ tịch uỷ ban sửa đổi hiến pháp, thì dự thảo 4 lại hầu như trở về với cơ chế hiện hành. Nghĩa là vẫn với Hội đồng nhân dân bầu ra uỷ ban nhân dân, là uỷ ban nhân dân là cơ quan hành chính “Nhà nước địa phương” và “quyết định của uỷ ban nhân dân phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số”. Chúng tôi thấy có sự khác nhau cơ bản về phần này giữa Dự thảo 3 và Dự thảo 4. Dự thảo 3 là một bước tiến trong việc cải cách bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền thống nhất từ trung ương đến tận cơ sở, theo đó thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên có đủ quyền hạn cần thiết để điều khiển cơ quan hành chính cấp dưới. Còn theo Dự thảo 4 thì tổ chức chính quyền địa phương cơ bản sẽ vẫn như hiện nay”.

Tác giả bài báo đưa thêm một luận cứ xác đáng: thị trường thì thống nhất mà nhà nước thì chia năm xẻ bảy, chống chọi làm sao nổi! Và kết luận: “Chúng ta đã bỏ vua từ lâu, nhưng lệ làng thì lại còn quá nhiều, nhiều đến nỗi người dân khi phải giải quyết các công việc hành chính thường phải biết cách chiều lụy “ông làng” cho được việc. Quá nhiều cấp địa phương đều có quyền “đại biểu” cho nhân dân nên nhân dân cũng gặp quá nhiều phiền hà khi “đại biểu” cấp này khác ý “đại biểu” cấp kia. Ai cũng có quyền làm chủ, ai cũng dân chủ, rốt cuộc chẳng có ai làm chủ, và người dân cũng khổ sở vì mình có quá nhiều “đầy tớ đổi mới” 17.

Bước đi lui của hiến pháp 1992 đã đưa đến một khái niệm lầm lạc: Khái niệm “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương” (điều 119). Dự thảo 3 không nói như vậy, mà nói đúng hơn “Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương”. Quyền của Quốc hội là do từ dân, bắt nguồn từ dân, không từ một Nhà nước nào cả. Quyền của Hội đồng nhân dân cũng vậy, là do từ dân ở mỗi địa phương. Nói như điều 119 là nhập nhằng năm khái niệm khác nhau: khái niệm quyền lực, khái niệm Nhà nước, khái niệm đại diện (représentation), khái niệm uỷ quyền và khái niệm dân chủ. Cơ quan quyền lực! Tỉnh hay là tiểu bang trong liên bang? Chắc là phải nhờ cậy đến một con trâu. Và một lá cờ lau. Của ông Đinh Tiên Hoàng.

 

3. Vấn đề quan trọng thứ ba liên quan đến một húy kỵ: quyền sở hữu. Đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân; cá nhân chỉ có quyền sử dụng. Rút kinh nghiệm từ những thất bại ngày trước và những thành công gần đây trong việc mở rộng quyền sử dụng đất của nông dân, dự thảo 3 đã công nhận không những quyền sử dụng ổn định lâu dài mà cả quyền để thừa kế của quyền sử dụng đó. Quyền để thừa kế này bị biến mất trong hiến pháp!

Có lẽ đây là vấn đề thảo luận lý thú nhất, ít khi thấy. Đại biểu Mai Thị Lý (TPHCM) phân tích: “ở các lĩnh vực khác, Nhà nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nhưng với nông dân lại không công nhận. Đất đai cũng là tư liệu sản xuất của nông dân, ở đó người nông dân trải qua mấy đời khai phá từ thế hệ này đến thế hệ khác nên họ có quyền để thừa kế cho con cháu” 18. Đại biểu Nguyễn Như Cốc (Hoà Bình) nói thêm: “Có những hoa quả mà đời cha trồng đời con mới được hưởng, tại sao người nông dân không được quyền trao quyền thừa kế những thành quả lao động của mình?” 19. Báo Lao Động xem đây là vấn đề sống chết của nông dân, bởi vì “quyết như thế nào đó sẽ kích thích sức sản xuất của giai cấp nông dân, hoặc sẽ triệt tiêu động lực sản xuất quan trọng này”. Bài báo viết thiết tha: “(Quyền thừa kế) có ý nghĩa rất sâu xa, nó gắn bó và trở thành thuộc tính của người nông dân. Người nông dân tự hào về mảnh đất của ông bà để lại bao nhiêu thì cũng tha thiết muốn để lại cho con cháu toàn bộ sự nghiệp của mình trên mảnh đất mà mình đã tốn bao nhiêu công sức để bồi đắp. Vì thế việc bỏ bớt “quyền để thừa kế” sẽ tạo nên tâm lý bất lợi đối với người nông dân, họ sẽ thấy mình không làm chủ hoàn toàn mảnh đất của mình, và sẽ đi đến thái độ tiêu cực như đã từng xảy ra” 20.

Thảo luận sôi nổi. Biểu quyết. 313/422 đại biểu tán thành ghi thêm nguyên tắc để quyền thừa kế trong điều 18. Thế là đa số tán thành rồi, chứ gì! Không! Nhiều đại biểu lại phản đối và không chờ chủ toạ cho phép cứ tự động phát biểu ý kiến của mình. Ngồi mà tưởng tượng quang cảnh này cũng đã thấy thú vị rồi. Trước tình hình sôi động đó, đại biểu Đỗ Mười, tổng bí thư, xin phát biểu. Ông đọc lại toàn văn đoạn cuối điều 18 đã được biểu quyết và bày tỏ sự ủng hộ của ông với các nội dung đã được ghi trong đó. Vỗ tay. Tôi xin ghi rõ tường thuật của báo chí: “Rất nhiều tiếng vỗ tay vang lên khi đại biểu Đỗ Mười phát biểu xong” 21. Tôi để ý chữ “rất nhiều”. Bạn đọc có để ý như tôi không? Rất nhiều, nghĩa là không phải tất cả. Tôi cho như thế là có dân chủ. Đó là chuyện của ngày 6.4.

Năm ngày sau, chuyện có bỗng thành không. Chiều 11.4, phe thua hôm trước đòi bầu lại điều 18. Quyền thừa kế bay mất như một giấc mơ! Phe thắng hôm trước phản đối. Đại biểu Lê Minh Tùng (An Giang) phàn nàn: “Đây là điều đã biểu quyết rồi, nếu biểu quyết lại là vô tình chúng ta vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” 22. Đại biểu Trần Thị Sửu (Long An), rồi đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Kiên Giang) chất vấn: “Lần trước, Quốc hội đã biểu quyết với số 313/422 đại biểu tán thành quyền thừa kế đất đai, nay biểu quyết lại với số 302/411 đại biểu không tán thành, vậy thì con số nào là chính xác? Có phải tiếp tục bàn nữa hay không?” 23.

Tôi nhấn mạnh hai chữ “rất nhiều” tiếng vỗ tay là vì thế.

 

4. Trong một bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã nhận xét rằng “hiến pháp đã được thông qua trong một không khí cởi mở và dân chủ” 24. Báo Phụ Nữ cũng ghi nhận như vậy: “Có thể có nhiều ý kiến sẽ không được đa số chấp thuận, nhưng ngay sự đề xuất trên diễn đàn này cho thấy con đường dân chủ hoá đã lấy được hơi thở của cuộc sống” 25. Đây là điều có ý nghĩa, và cũng vì điều đó, chỉ vì điều đó thôi mà tôi viết bài này. Như là một người trí thức, tôi đặt tất cả tầm quan trọng trên sự tôn trọng quyền ngôn luận, quyền phát biểu ý kiến, tôi không mong gì nhiều, chỉ mong muốn có thế, bởi vì khả năng của tôi chỉ có thế, và tất cả sự cống hiến của tôi cũng chỉ có thế. Trên đây, tôi chỉ trích dẫn những lời phát biểu tượng trưng cho một xu thế, không trích dẫn những phát biểu ngược lại. Đây không phải là một thái độ thiếu trung thực, mà là một hành động chân thành: chính những ý nghĩ không chính quy mới làm cho tư tưởng nảy nở, xã hội tiến bộ.

Từ đó, tôi động đến điều huyết mạch của hiến pháp mà bất cứ ai có một chút hiểu biết đều thấy rằng nếu không được quan niệm một cách hợp lý thì hiến pháp gì rồi cũng chỉ có một giá trị pháp lý rất tương đối. Tôi muốn nói điều 4 quy định “đảng lãnh đạo”. Không có nguyên tắc gì là bất di bất dịch; cũng không có nguyên tắc nào được áp dụng muôn đời như một, cứ thế là thế! Thế giới đã thay đổi quá nhiều, xã hội Việt Nam đã mang một bộ mặt khác hẳn, “đảng lãnh đạo” ở ngưỡng cửa 2000 không thể nào là “đảng lãnh đạo” như thời 1980, 1959, 1946, 1930, hay như thời tháng mười 1917. Ai chê Nho giáo dở, tôi không chê. Dở; là đã giải thích và áp dụng một cách ù lý, xuẩn ngốc, không thích nghi với thời đại, đưa đến ngu dân, thoái hoá. Cùng một luồng gió Nho giáo, cớ sao Nhật Bản thì Minh Trị, Trung Quốc thì Mao?

Cho nên tôi thấy rất hứng thú khi có đại biểu, mà lại là đại biểu của Nghệ An!, ông Phạm Như Cương, nhận xét chí lý: “Một khi đã đưa vai trò lãnh đạo của Đảng vào trong hiến pháp thì phương thức lãnh đạo của Đảng không chỉ dành cho những đảng viên mà còn cho toàn dân thừa nhận. Đảng lãnh đạo bằng phương thức nào?”. Ông Cương đề nghị nên có hẳn một chương về vai trò lãnh đạo của đảng trong hiến pháp. Đại biểu Phạm Văn Kiết (Kiên Giang) cho rằng làm như vậy là có lợi cho chính Đảng 26.

Tôi cũng đọc lui đọc tới bài phát biểu của tổng bí thư Đỗ Mười trong ngày họp đầu tiên của Quốc hội, mà tôi xin trích ở đây một đoạn dài:

“Đảng luôn luôn đòi hỏi các tổ chức Đảng, mà trước hết là các cấp ủy Đảng, phải tự giác đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Toàn thể đảng viên đều phải sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Đó là những điều đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận, ghi vào Hiến pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam nguyện làm hết sức mình để xứng đáng với điều ghi nhận đó. Khi điều đó đã trở thành một thể chế hiến định thì phải tạo môi trường chính trị, pháp lý thuận lợi để nhân dân thực hiện được quyền giám sát trên thực tế đối với sự lãnh đạo của đảng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm được như vậy, và điều đó chỉ có lợi, có lợi cho chính bản thân Đảng và có lợi chung cho đất nước” 27.

Đọc với thiện chí nghĩ rằng tổng bí thư có hoài bão đổi mới đảng trước tình thế không cưỡng được nữa, tôi không thấy một cánh cửa nào khép lại trong đó cả, tôi chỉ thấy rất nhiều cánh cửa mở ra, chờ đón những ý nghĩ mới. Thế nào là đảng “tự giác đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân”? Nhân dân là cả mấy chục triệu người, giám sát là thế nào, bằng phương cách gì? Thì tổng bí thư trả lời: “phải tạo môi trường chính trị, pháp lý thuận lợi để nhân dân thực hiện được quyền giám sát trên thực tế đối với sự lãnh đạo của đảng”. Thế nào là tạo môi trường chính trị, pháp lý thuận lợi? Từ ngày khởi đầu ý nghĩ dân chủ trên thế giới, dù chỉ là dân chủ tư sản hay dân chủ xô-viết, dân chỉ có một môi trường chính trị, pháp lý thuận lợi mà thôi là phát biểu ý kiến, là bầu phiếu. Tổng bí thư lại nói rất rõ: giám sát sự lãnh đạo. Và không phải là giám sát chung chung, khơi khơi, mà là giám sát trên thực tế. Tức là gì nếu không phải là bầu phiếu trên sự lãnh đạo, cho biết ý kiến của mình về sự lãnh đạo đó, xem lãnh đạo đó có “xứng đáng” hay không? Ý niệm xứng đáng là ý niệm tôi đọc trong phát biểu của tổng bí thư. Tất cả vấn đề là luật pháp hoá, thể chế hoá ý niệm đó.

Càng đọc đoạn văn của tổng bí thư, tôi càng thấy không có cách giải thích nào khác hợp với tiến hoá của xã hội, bảo đảm được tương lai của đất nước và của chính bản thân đảng. Chỉ có cách giải thích đó mới gỡ rối được cái mớ bòng bong luận lý ngôi thứ lẫn lộn, mà ai cũng thấy dù nói ra hay không nói ra: đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ. Chỉ có cách giải thích đó mới phù hợp với châm ngôn dân là gốc, nghĩa là bất cứ chuyện gì, kể cả chuyện lãnh đạo của đảng cũng phải được dân phát biểu, dân bầu. Giải thích như vậy mới thấy đầu thấy đuôi thấy gốc thấy ngọn, thấy lãnh đạo không phải là lãnh đạo sự làm chủ, và làm chủ chính là làm chủ sự lãnh đạo. Tôi không thêm một ý gì mới, tôi chỉ đọc đoạn văn của tổng bí thư với thiện chí chân thành của một người mở cánh cửa sổ đang hé mở để nhìn thẳng tương lai trước mắt.

Đó là ý thứ nhất tôi muốn nói. Ý thứ hai cũng chẳng mới lạ gì, toàn là những chuyện từ lâu. Chính đảng đã nói từ lâu rằng phải tách đảng ra khỏi Nhà nước. Phải công nhận một cách thẳng thắn rằng hiến pháp 1992 chưa làm được điều đó. Trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội, đại biểu và chính quyền đều nhắc đi nhắc lại nhu cầu tạo ra một bộ máy Nhà nước “gọn”, “nhẹ”, “hữu hiệu”, “thích nghi” với kinh tế thị trường. Duy trì hai bộ máy song song, bộ máy đảng và bộ máy Nhà nước, từ đầu não trung ương đến tận móng tay móng chân thôn xã, chắc chắn không gọn, chẳng nhẹ, không hữu hiệu, cũng chẳng thích nghi. Chỉ cồng kềnh. Một bộ máy Nhà nước chỉ gọn, nhẹ, khi nào chính sự lãnh đạo cũng gọn, nhẹ, lãnh đạo từ trung ương là đủ. Tôi không phản đối nguyên tắc “đảng lãnh đạo”, bởi lẽ giản dị là ở đâu cũng thấy đảng lãnh đạo. Ai lãnh đạo Nam Triều Tiên trong suốt thời kỳ tư bản cất cánh nếu không phải là “đảng” quân đội? Nếu không phải là quân đội thì ai lãnh đạo Thái Lan từ 1932 cho tới tận ngày nay? Ai lãnh đạo Inđônêxia trong thực chất nếu không phải là tướng tá? Và Đài Loan, ai nữa, nếu không phải là Quốc Dân Đảng, từ khởi thủy? Không hay hớm gì để bắt chước các ông ấy, nhưng ít ra, đảng các ông vẫn trường tồn lãnh đạo mà không cần đặt bộ máy đảng song song cho đến tận hang cùng ngõ hẻm. Không thấy có việc các người trách nhiệm trong chính quyền ở bộ, ở tỉnh, ở huyện, ở xã cứ nhất nhất phải bẩm báo, “lấy ý kiến” của “đảng” trong từng quyết định, từng hành động. Các ông ấy không hay hớm gì, nhưng chắc chắn chính quyền của các ông ấy gọn, nhẹ, hữu hiệu hơn. Cho nên vấn đề không phải là “đảng lãnh đạo”. Vấn đề là lãnh đạo là gì, lãnh đạo như thế nào. Nếu có ai chỉ trích tôi thiếu dân chủ, về điều này, tôi xin nêu trường hợp nước Nhật: vẫn một đảng lãnh đạo từ 1945 đến nay, liên tục, chẳng hề mất quyền, mà gọn nhẹ, hữu hiệu, thích nghi. Và dân chủ. Mà đâu có cần bộ máy song song!

Việt Nam không phải là Nhật, nhưng Việt Nam của kinh tế thị trường cũng không phải là Việt Nam của thời chiến tranh du kích. Cứ xem Nhà nước như là đứa bé mới tập đi, phải có người dẫn dắt từng bước, thì Nhà nước đó làm sao điều động nổi kinh tế thị trường, trị được thế lực tư bản mạnh như hùm sói? Nhà nước như vậy chỉ có thể là miếng mồi ngon cho các sấu bên ngoài và các sấu bên trong. Cho nên bàn về Nhà nước mà không bàn về sự lãnh đạo thì hiến pháp chỉ mới phơn phớt trên ngọn; chưa động đến gốc. Chỉ khi nào tập trung trí tuệ để bàn về đoạn văn của tổng bí thư Đỗ Mười với một cái trán khác cái trán của họ Mao, họ Đặng, với một cái nhìn trung thực và sáng suốt vào một xã hội mới đang thành hình, khi đó hiến pháp mới hết là hiến pháp của cái vỏ trứng gà đang vỡ để thành hiến pháp của con gà con đang mổ trứng chui ra.

 

Nguyễn Ngọc Hiền

(*) Luật gia, Montréal

 

1 Xem Diễn Đàn số 5, tháng 2.1992.

2 Luật gia Trần Quốc Thuận, thư ký Hội đồng nhân dân thành phố HCM, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ 23.4.1992.

3 Tuổi Trẻ Chủ nhật 5.4.1992.

4 Chữ của ông Lý Chánh Trung, Thanh Niên 5.4.1992.

5 Phụ Nữ, 8.4.1992.

6 Phụ Nữ, 4.4.1992.

7 Tuổi Trẻ, 31.3.1992.

8 , 9, 10, 11, 12, 13, 14 Thanh Niên, 12.4.1992.

15 Phụ Nữ TPHCM, 4.4.1992.

16 Tuổi trẻ, 11.4.1992.

17 Hồng Đăng, Hai điều cần xem lại, Lao Động Chủ nhật, 5.4.1992.

18 , 19 Tuổi Trẻ, 28.3.1992.

20 Hồng Đăng, đã dẫn.

21 Thanh Niên, 5.4.1992.

22 , 23 Tuổi Trẻ, 14.4.1992.

24 Tuổi trẻ, 18.4.1992.

25 Phụ Nữ, 8.4.1992.

26 Tuổi Trẻ, 28.3.1992.

27 Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 29.3.1992.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss