Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 9 / Thư bạn đọc

Thư bạn đọc

- Nguyễn Huy Bảo & Vũ Hồng Nam — published 08/06/2010 08:25, cập nhật lần cuối 07/10/2010 21:50
Nguyễn Huy Bảo : Lại bàn về trí thức ; Vũ Hồng Nam : Nền kinh tế tham nhũng

Bạn đọc viết


Lại bàn về trí thức


Mỗi lần tôi nhận được tờ Diễn Đàn Forum là tôi phải bỏ công việc đang làm dở. Phải đọc qua báo đã, xem có tin gì mới lạ về Việt Nam không, có bài nào hay?

 Tôi thấy báo Diễn Đàn viết rất công phu, nhiều ý kiến hay. Tôi ưa nhất là cách ấn loát, giản dị và tân thời. Tôi có lời khen riêng các bác xếp chữ, dàn bài. Phải có một ê-kíp nhất tâm, nhất trí mới được cái kết quả như thế.

Trong số 6 có ba bài về trí thức. Vì tôi cũng quan tâm về trí thức nên tôi đọc ngay và có mấy cảm tưởng sau đây.

Bài Trí tuệ và phát triển, kể lại cuộc họp bàn tròn ngày 30 tháng chạp năm Tân Mùi vừa qua. Bài này phác lại cho ta một chương trình hoạt động, suy nghĩ về trí thức cho ban biên tập và bạn đọc khá đầy đủ. Nếu thực hiện được chương trình này thì cũng phải mấy năm.

Bài Trí thức và Dân tộc của bạn Tôn Thất Nguyễn Khắc Thiêm thì tôi thú thật không hiểu gì cả. Tôi xin trích một đoạn để độc giả đọc lại xem có đồng ý với tôi không:

Luận đề : Nhờ ý thức và tính tổ chức mà một thành phần xã hội từ trạng thái “tự mình” hoán chuyển sang trạng thái “ vì mình”. Và chỉ dưới hình trạng “tự mình và vì mình” – nói cách khác là “tự thân và tự giác” – mà thành phần đó mới có thể góp phần tích cực nhất của mình vào lịch sử chuyển hóa xã hội trong một chiều hướng tiến bộ.

Dĩ nhiên, đấy chẳng phải là do người viết nghĩ ra. Nó phát xuất từ một luận đề mác xít (từ khái niệm “ vật thể tự nó” – noumène – của Kant sang đến tư tưởng như là một dạng thể “tự nó vì nó” hình thành thông qua một vận động biện chứng giữa phủ định của phủ định để trở về với “ chính nó” của Hégel): Đối với một đảng cầm quyền vẫn luôn luôn tuyên bố vững chắc rằng bản thân mình là một thành trì của chủ nghĩa vừa Mác vừa Lê thì luận đề này nhất thiết phải được chiêm nghiệm trong vấn đề trí thức / thành phần xã hội nêu ra ở đây.

Nếu bạn Nguyễn Khắc Thiêm dám tự suy nghĩ lấy mình, không để ý tới Kant hay Mác-Lênin, nếu bạn cho chúng ta cái suy tưởng của chính bạn thì may chúng ta hiểu được. Còn cho được hiểu Kant thì phải hiểu suốt 23 thế kỷ sử ký, triết lý của Âu Tây, cho được hiểu Hegel thì phải hiểu thêm thế kỷ 19, cho được hiểu Karl Marx thì không những phải hiểu Hegel mà lại còn phải hiểu thêm các nhà kinh tế học của thế kỷ 19.

Tôi nói hiểu đây không phải hiểu qua loa vì đã đọc ABC du Communisme hay một tiểu luận về Hegel – hiểu tới nguồn, hiểu đến nơi đến chốn. Cả nước ta may có 1, 2 người như ông Trần Đức Thảo mới hiểu nổi.

Khi tôi đọc tới đoạn thứ 13 thì tôi hiểu hơn, nhưng lại không đồng ý với bạn hay với nhà sử học kia mà bạn nhắc tới. Tôi đọc:

Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở chỗ nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuels) chứ không có giới trí thức (in telligentsia). Do đó... ở Vi ệ t Nam chỉ có bè phái, phe nhóm chứ không có trường phái.

Tôi tra quyển “Nouveau Petit Larousse”:

Intelligentsia : mot russe. Classe des intellectuels.

Như vậy Intelligentsia không phải là trường phái trí thức mà chỉ là bè phái, phe nhóm, giới trí thức mà thôi.

Nhưng có phải dân ta không có giới trí thức, bè phái, trường phái không?

Tôi thưa là có cả.

Các cụ nhà nho của ta không phải là trí thức, hợp thành một nhóm trí thức, một phái, một trường phái trí thức sao? Phe nhóm của họ không nhỏ. Nó gồm hết các thư sinh, các khoa bảng. Các cụ tú đơn, tú kép, các cụ cử nhơn, phó bảng, tấn sĩ, vv... Nghĩa là toàn quốc, hầu hết tất cả các người biết đọc biết viết. Họ là một trường phái, có quy củ hẳn hoi, có thuyết lý rõ rệt (đạo Khổng Mạnh), có đẳng đệ, có người lĩnh đạo, cầm đầu. Người cầm đầu là vua quan. Vua ra bài thi, làm chủ khảo và có khi chấm bài nữa.

Trường phái này là cốt tủy của nhà nước. Vì có trường phái này mà dân ta mới đánh được Chiêm Thành, chiếm được phần nam bán đảo Đông Dương. Nhưng cũng vì trường phái này mà ta mất nước. Tại vì cái văn hoá Tàu mà ông cha ta không hiểu thời thế, cứ bám chặt vào văn hoá Tàu, một văn hoá cổ đã 25 thế kỷ nay, không cởi mở, không trừu tượng, không khoa học, tĩnh.

Ta trách ông cha ta, nhưng ta cũng tự hỏi: chúng ta đang sống trong năm 1992, đã đủ sức, đủ ý muốn, đủ học lực để vượt cái văn hoá cổ đó không? Ta học chữ Tây, chữ Mỹ, chữ Nga nhưng óc ta đã cải tổ chưa?

Tôi không dám làm chạnh lòng ai nhưng cứ xét cách cư xử, việc làm, cách suy tưởng của mấy chính quyền cận đại đây, từ nam chí bắc, tôi thấy các ông dẫn đầu dân ta vẫn suy tưởng, vẫn hành động như hồi Tự Đức, Minh Mạng.


Nguyễn Huy Bảo




Nền kinh tế tham nhũng



So sánh với sự sụp đổ chính trị và kinh tế ở các nước Liên Xô cũ, tình hình Việt Nam có phần ổn định và phát triển khả quan hơn 1, nhưng liệu chính sách “mở rộng trên mặt trận kinh tế và ngoại giao, nhưng khép chặt trên mặt trận chính trị có phải là con đường cho tương lai không? Chính sách này mang tên “thuyết Đặng Tiểu Bình”, hay “kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường” (écnonomie socialiste de marché), “thuyết thị trường Lênin” (léninisme de marché) hay gì gì đi nữa, cơ bản vẫn là một chế độ độc đảng, lãnh đạo toàn bộ các mặt của xã hội, không chấp nhận đối lập và sự cạnh tranh chính trị. Trong lúc ấy thì được thừa nhận hai điểm quan trọng của kinh tế thị trường là nhiều thành phần kinh tế và sự cạnh tranh giữa nhau tiến tới luật thị trường.

Đường lối kinh tế chính trị này thực sự không mới mẻ gì. Cái mới là được Đặng Tiểu Bình áp dụng lần đầu tiên trong một nước xã hội chủ nghĩa tập trung và bao cấp. Trên thực chất, chế độ độc đảng cộng với kinh tế thị trường đã được áp dụng từ những năm 1950, đặc biệt ở các nước Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Nền kinh tế này mang tên “kinh tế tham nhũng” (économie de corruption), và kết quả ngày nay ở các nước ấy không lấy gì làm phấn khởi. Một đảng độc quyền, không chấp nhận đối lập và bầu cử dân chủ, trên thực tế hoàn toàn nắm bộ máy chính trị, kinh tế và luật pháp. Nền kinh tế tuy có nhiều thành phần nhưng không có luật lệ bình thường, vì nạn hối lộ và tham nhũng 2. Số lớn xí nghiệp, to, nhỏ, thuộc Nhà nước hay tư nhân, đều nằm trong tay đảng viên hoặc gia đình, bè bạn họ. Không có đối lập, không có bầu cử, đảng cầm quyền không có khả năng đấu tranh hữu hiệu chống nạn tham nhũng. Không có đối lập và không được dân chúng bầu ra, đảng cầm quyền làm mất uy tín của Nhà nước. Dù có chủ trương “tách rời Nhà nước và đảng”, chính thể độc đảng làm suy yếu Nhà nước. Một bài học của tình hình Liên Xô cũ là sự giải tán đảng cộng sản Liên Xô làm cho Nhà nước (và nền kinh tế) sụp đổ nhanh chóng một cách khủng khiếp.

Một đặc điểm của nền kinh tế này là Nhà nước, yếu mòn vì nạn tham nhũng, không bảo đảm thực hành được những luật lệ đề ra. Bao nhiêu lần chúng ta được nghe “đường lối chính phủ đúng, nhưng thực hành không được tốt”, như câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng” thuở xưa!

Một đặc điểm nữa của “kinh tế tham nhũng” là sự mở rộng đầu tư với ngoại quốc không thông qua một sự kiểm soát dân chủ nào. Tiền vay nợ không ai rõ được ứng dụng ra sao. Hậu quả, như ở các nước châu Phi, Mỹ Latinh, là các nước ấy nợ ngày càng nhiều, hàng năm riêng tiền trả lãi cũng khủng khiếp xiết cổ. Ngày nào chưa giải quyết vấn đề chính trị, vay nợ tư bản ngoại quốc là hy sinh một phần tương lai.

“Kinh tế tham nhũng”, với sự hiện diện của nhiều thành phần kinh tế, với một số cạnh tranh nào đó, có thể là một bước phát triển, nhưng không phải là một đường lối phát triển vững bền và tiên tiến. Tuy rằng tình trạng ở một số nước châu Phi cho thấy nền kinh tế này có thể kéo dài 40 năm hay hơn nữa, nhưng họ không thoát khỏi nạn nghèo đói và kém mở mang. Muốn biến “kinh tế tham nhũng” thành một nền kinh tế thị trường tiên tiến, không sao thoát khỏi một chế độ đa đảng, có bầu cử thật sự dân chủ, chấp nhận đối lập, chấp nhận tự do ngôn luận, tự do thành lập các hội đoàn (kể cả các hội bảo vệ môi trường hay bảo vệ các khách hàng!)... Một Nhà nước vững mạnh và tiên tiến khó thoát khỏi luật bầu cử thật sự dân chủ với nhiều đảng. Hạnh phúc của người dân là ấm no và được cầm lá phiếu.


Vũ Hồng Nam (Lyon)




1 Vũ Quang: “Tình hình đòi hỏi biện pháp đối với kinh tế quốc doanh”. Đoàn Kết số 436 (bộ mới), tháng 1.1992.

2 Grjebine André: “Ni plan ni marché. Economie de Corruption”. Le Débat noo67, Novembre-Décembre 91.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss