Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 10 / Nghĩ trong mùa xuân

Nghĩ trong mùa xuân

- Thế Uyên — published 10/10/2010 00:10, cập nhật lần cuối 04/12/2010 20:58

Nghĩ trong mùa xuân

Thế Uyên

 

I. 

Mùa đông trên nước Mỹ thường khá dài nên những người dân xứ này, trong những ngày băng tuyết còn phủ đầy hay gió lạnh buốt mỗi sáng chiều, đều mong ngóng mùa xuân trở về qua những tín hiệu mỗi miền một cách. Với khá nhiều người Mỹ bản địa, thì họ nhìn về một tu viện cổ nơi miền California, nơi những đàn chim én đi trốn tuyết ở miền Nam bán cầu trở về nghỉ chân đúng hẹn vào đầu mùa xuân. Tại miền đông của Hoa Kỳ, những con én nhỏ bé coi bộ không được tín nhiệm cho lắm, không hiểu vì sao. Dân miền này tìm tín hiệu báo xuân về qua một sinh vật khác hình dáng không chịu giống ai: vừa giống chuột vừa giống sóc, lại chẳng phải là hải ly. Bạn bè tôi phía đó đặt cho nó một cái tên là con cù lần đất. Theo tin tưởng của dân địa phương, chú cù lần đất này sẽ thò ra khỏi hang khi nào mùa xuân trở lại.

Dân miền tây bắc nơi tôi đang ở chẳng thấy ai nói gì tới những con én con nhạn, và cũng chẳng có những con cù lần đất dễ thương của miền bờ biển phía đông. Điều đó chẳng quan trọng đối với tôi vì tôi có một loạt tín hiệu riêng báo mùa xuân đã về. Đó là những cặp đùi trắng dài, mịn và thon của mấy cô bạn sinh viên đồng học. Các cụ xưa đã nói khá chính xác rằng “đẹp phô ra xấu xa đậy lại”, sau sáu tháng liền lúc nào cũng giấu thân hình trong những bộ quần áo đại hàn dầy cộp, các cô bạn học trẻ tuổi của tôi canh mùa xuân ấm áp về thật chính xác để khoe đôi chân hấp dẫn của mình trong những chiếc váy ngắn căng phồng... Mùa xuân đã về rồi các bạn ơi, giới nam nhi của các đại học miền tôi, trong đó có cả tôi nữa, đã có loại tín hiệu báo xuân chắc chắn, chính xác và bảo đảm là hấp dẫn hơn bất cứ loại tín hiệu nào khác trên thế gian này.

Vậy thì lúc này mùa xuân đang về đây và các lớp học ồn ào hẳn lên. Làm sao không ồn cho được. Nữ giới ồn thì dễ hiểu quá và nam giới ồn lại càng dễ hiểu hơn. Hãy thử nghĩ đùng một cái trong lúc mình lúi húi lôi cuốn sách giáo khoa dầy cộp ra khỏi túi đeo lưng thì bỗng khựng lại trong mấy giây vì một cặp đùi trắng tròn cục cựa, lúc thì ở bên phải, khi thì ở bên trái... Không phấn khởi, không thấy ấm người sao được. Ồn là đương nhiên thôi. Bởi thế ông giáo sư già đang dạy lớp Geology đầy sỏi đá khô khan đã có hôm phải cằn nhằn: “Này các cô cậu và quí ông quí bà (lớp nào cũng có những người tóc tiêu muối, thí dụ như tôi chẳng hạn), đừng để spring fever nó tác động quá mức nghe”.

Spring fever? Biết dịch là gì đây... Không lẽ dịch là cơn sốt mùa xuân chăng? Không biết nó có hay lây như bệnh cúm Á châu chăng – những người bạn Mỹ của tôi không bao giờ chịu cái bệnh cúm là của họ. Bao giờ cũng là cúm Hồng Kông, cúm Singapore hay đâu đó. Bởi thế mùa đông vừa qua, bị xụt xịt, khi một bạn da trắng hỏi thăm sức khoẻ, tôi đã cà chớn tuyên bố tôi đang bị cúm Mỹ. Đến Mỹ đã ba năm rồi, nếu có bị cúm thì phải là cúm Mỹ thôi...

Nhưng dù có bị spring fever của dân bản địa nó hành hay không thì chưa biết, nhưng những đồng bào của tôi, những người Mỹ gốc Việt trên lục địa mênh mông này, cũng đang có cơn sốt mùa xuân riêng. Băng giá đỏ đã tan thật nhanh ở Đông Âu, những cây xanh của dân chủ và tự do đã nhô lên, hoa lá cành đang phát triển sum sê. Thế là bà con ồn lên thôi: không lẽ Việt Nam bên kia biển không tan băng rã tuyết sao? Các đoàn thể các hội đoàn lập hết kiến nghị này, đến quyết tâm thư khác khi thì yêu cầu, khi thì ra lệnh cho Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải tán ngay lập tức và tại chỗ, phải đa nguyên đa đảng, khi thì công bố những cương lĩnh dài dặc trong đó tổ chức lại giùm hệ thống chính quyền nội địa.

Ít nhất phần tôi cũng nhận được vài ba cái kiến nghị, vận động dân chủ cho Việt Nam, trong đó có cái xuất phát từ những người trước đây không xa gì còn tán đồng việc ám sát Đoàn Văn Toại chỉ vì nhân vật này đi tiên phong trong việc vận động dân chủ cho quê hương bên kia biển. Tôi đọc tất cả những loại bản văn đó và không ký tên vào bất cứ cái gì, từ đã lâu tôi đã hiểu rằng không thể làm chính trị, phục quốc hay quang phục chi đó bằng mấy cái kiến nghị hay quyết nghị kiểu đó được. Đâu có thứ đấu tranh nào dễ dàng như thế. Đâu có thể ngồi trong những căn nhà tiện nghi nơi hải ngoại, đi về bằng xe hơi ấm áp, ăn uống dư thừa cao lương mỹ vị, rượu và bia chảy như suối, các người đẹp khoả thân mỹ miều nhẩy múa khoe đến cả lạch Đào nguyên có cỏ cây hoa lá cắt tỉa rất khéo... mà đòi tác động đến tình hình của nội địa Việt Nam xa vời.

Trong một chuyến đi chơi cuối tuần đến một tỉnh đông người Việt phía Bắc, trong một buổi ra mắt một tạp chí địa phương, tôi đã đưa ra những ý nghĩ kể trên ra nói với vài bạn trẻ ngồi cùng bàn. Và bất ngờ cho tôi là mấy người bạn này hăng hái tuyên bố: “Có đa nguyên đa đảng thì tụi ta về đấu tranh chính trị văn hoá ở quê nhà chứ”.

Bình thường ra, trong những trường hợp tương tự, tôi thường tránh né đôi co bằng cách im lặng rồi chuyển sang đề tài khác Nhưng lần này thì không. Các đài truyền hình đã cho thấy đàn én đã về đậu đầy tu viện cổ nơi miền Cali Hạ, các con cù lần đất miền bờ biển phía đông đã lon ton ra khỏi hang, mấy cô bạn đồng môn xinh xắn của tôi đã thò đôi chân hấp dẫn của mình ra sưởi những tia nắng mùa xuân và những tia nhìn ngưỡng mộ của giới râu ria, thì tôi, tôi cũng bị spring fever nó hành thôi. Bởi thế tôi đã tham gia ý kiến với mấy ông bạn này một cách hăng hái khác thường.

Trước hết tôi không tán thành cho lắm chuyện bắt đảng Cộng sản Việt Nam phải giải tán – tạm khoan bàn đến chuyện dân hải ngoại lấy quyền gì sức mạnh nào đây để bắt gần hai triệu đảng viên nội địa tuân lời mình một cách ngoan ngoãn như thế. Dân chủ rất tốt, đa nguyên đa đảng dĩ nhiên càng tốt hơn. Nhưng đã gọi là dân chủ thì đảng Cộng sản cũng có quyền hoạt động như mọi đảng phái khác. Tại Mỹ, Pháp, Ý cũng như Nhật đều có đảng cộng sản hoạt động công khai, có sao đâu. Chủ nghĩa của họ đã lỗi thời, đảng của họ đã mất hết uy tín thì dân đâu thèm vô đảng và bầu cho các đảng viên ấy vào bất cứ chức vụ gì. Hơn nữa, đã gọi là dân chủ thì chính những đoàn thể quốc gia phải tự chứng tỏ rằng mình có khả năng hay hơn tốt hơn đảng Cộng sản. Dân chủ là tự do, từ tự do cá nhân lẫn tự do cạnh tranh, cạnh tranh trong những địa hạt kinh tế, lẫn cạnh tranh trong địa hạt chính trị. Tất cả những điều đó phải được thực hiện tại chiến trường chính là nội địa Việt Nam. Thắng được hay thua thêm một lần nữa cũng tại phần đất này mà thôi. Đâu có thể ngồi ở hải ngoại mà mơ màng một ngày đẹp trời, nhân dân nội địa vùng lên được thay đổi chế độ, mình chỉ việc đáp phi cơ tiện nghi, quần áo đẹp, tiền đầy túi, bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất để làm Tỉnh Trưởng, Bộ Trưởng, Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ được.

Mấy ông bạn trẻ ồn ào liền: Bọn tôi về để đấu tranh chứ. Bọn tôi đâu có phải là quí ông Thiệu, Kỳ, Khiêm, Viên, Bình, v.v... Về để đấu tranh? Điều đó hiểu được lắm, nhưng...

Nhưng với tư cách gì đây? Tôi hỏi mấy người bạn đó rằng mỗi năm có gần bốn chục triệu người ngoại quốc đến đất nước Hoa Kỳ này, để du lịch, để thăm bà con, để học để làm việc hay để buôn bán. Những người đó đều là ngoại kiều và chỉ là ngoại kiều thôi, dù họ đến từ Pháp, Đức, Nhật hay Trung Quốc hoặc Iran. Nếu những người này tự dưng đòi gia nhập đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, đòi ra ứng cử những chức vụ của county của city, đòi ra tranh cử Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ hay Thống Đốc, thì các cơ quan chính quyền Mỹ sẽ nghĩ sao? Chắc chắn những FBI những INS sẽ lễ độ nhưng cương quyết nhắc nhở các ngoại kiều đó là ngày nào quí vị chưa thủ đắc quyền công dân Mỹ, thì xin quí vị miễn làm chính trị cho. Nếu quí vị cứ làm tới, thì chúng tôi đành theo quốc tế công pháp, tuyên bố quí vị là Persona Non Grata để tiễn quí vị (có cảnh sát hộ tống) ra phi trường quốc tế hoặc hải cảng nào gần nhất.

Chính quyền quốc nội của Việt Nam trong tương lai, dù là phe bảo thủ giáo điều hay phe xét lại đổi mới, hay là do những Walesa, Havel nắm giữ thì cũng thế thôi. Tất cả đều có cùng phản ứng, cùng lập trường như Mỹ, như tất cả những nước bình thường khác trên thế giới: Chỉ những công dân Việt Nam mới có quyền đấu tranh và hoạt động chính trị, bầu cử và ứng cử ở nội địa Việt Nam mà thôi...

Nói đến đây, tôi đưa tay chỉ một vòng phòng ăn lúc đó đông cả trăm người rồi hỏi: Tất cả những người có mặt nơi đây có ai không có quyền công dân Mỹ không, hay chỉ có tôi và một người mới tới đang đứng trên bục kể chuyện quê nhà kia thôi. Tôi cũng ngay thẳng nói thêm: ngày nào tôi hội đủ thời gian luật định, tôi cũng nạp đơn xin làm công dân Mỹ. Và đã làm công dân Mỹ rồi, chúng ta đâu còn quyền hoạt động đấu tranh gì về chính trị nữa trong khuôn khổ một chế độ dân chủ đa nguyên mà chúng ta mong ước sẽ có ở Việt Nam.

Như thế hiển nhiên điều kiện tiên quyết để có thể đấu tranh hoạt động chính trị công khai ở quê nhà là chúng ta phải xin hồi lại quốc tịch Việt Nam mà thôi. Về vấn đề này, không thể hàm hồ mơ màng hỗn độn được, và cũng chẳng chính quyền nào, dù là Mỹ, Úc, Canada, Pháp hay Cộng Sản Việt Nam chịu để cho chúng ta đi một đường càn khôn hỗn độn. Lấy thí dụ như trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ than với các báo chí miền tây bắc Hoa Kỳ là từ mười lăm năm nay, chỉ vì ông không xin vào quốc tịch Hoa Kỳ mà bị các cơ quan di trú nước này xếp vào loại stateless, nghĩa là vô tổ quốc. Mà stateless vô tổ quốc là đúng vì ông thuộc thành phần di tản 75, đến nước Mỹ với tư cách công dân Việt Nam Cộng Hoà đi tị nạn. Nhưng nước Việt Nam Cộng hoà đã bị xoá tên trên bản đồ thế giới, tư cách công dân Việt Nam Cộng Hoà đương nhiên bị triệt tiêu theo. Rồi quốc tịch Mỹ không chịu xin, chẳng stateless vô tổ quốc thì biết xếp vào loại gì đây. Những người Việt Nam đi sau, dù là đi chính thức (đoàn tụ gia đình, con lai hay cải tạo HO) hay vượt biên, họ đều là đã được đương nhiên thủ đắc quyền công dân của nước có cái tên dài dễ sợ là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dù họ ghét nhiều hay ít chế độ Cộng Sản Việt Nam, họ cũng vẫn cứ có gốc là công dân của nước này. Nhưng dù là ở trường hợp nào chăng nữa, stateless hay không, nếu muốn sống và hoạt động hợp pháp về chính trị nội địa, cũng phải làm đơn xin quốc tịch hoặc phục hồi tư cách công dân Việt Nam mà mình đã vì ly do này hay khác mà từ bỏ trước đây.

Tới đây tôi quay sang hỏi ông bạn trẻ ngồi cạnh một câu trực tiếp: “Theo anh, anh tin có bao nhiêu người Việt trên đất này chấp nhận trả quốc tịch Mỹ, Canada... cùng tất cả nhà đẹp, xe hơi mới, kim cương và trương mục tiết kiệm để trở về làm dân một trong bốn nước nghèo đói nhất trên hành tinh này?” Dĩ nhiên là cũng sẽ có một số người, một thiểu số rất thiểu số, chấp nhận trả cái giá cao như vậy để trở về quê hương cũ. Đó là những người yêu nước cực kỳ (chắc chắn là yêu nước yêu dân hơn tôi rồi đó), có tinh thần một hiệp sĩ hay một nhà truyền giáo – bởi vì chỉ có những loại người này mới có thể hy sinh như vậy mà thôi. Và tôi không biết những người hiệp sĩ, truyền giáo này có thể đóng góp được nhiều cho quê hương và dân tộc hay không – họ xa Việt Nam quá lâu năm rồi, đâu hiểu được dễ dàng, đâu có thể hoà nhập nhanh chóng quê hương cũ nữa. Cuộc đấu tranh của họ sẽ tràn đầy khó khăn, bởi thế tôi thành thực chúc họ muôn vàn, muôn vàn may mắn.

 

II. 

Khi nói câu chót trên, tôi thành thực cầu chúc cho những người hùng đáng kính trong tương lai ấy thật sự, nhưng cách nói của tôi không hiểu tại sao lại bị hiểu như có ý mỉa mai những người đang cùng đối thoại. Không khí nặng nề hẳn lên. Tôi bỗng dưng thấy thèm ra ngoài để hưởng nắng và gió mùa xuân đang tưng bừng ngoài kia. Tôi bỗng dưng thấy hiu hắt buồn vì nhận ra một lần nữa nhà truyền giáo Dominixi Đỗ Minh Trí, kẻ đã từ mười lăm năm nay dùng đời mình lo cho các dân tị nạn vượt biển, đã nói đúng một lần nữa: “Đa số các nỗi khổ của dân tị nạn là do những người tị nạn khác gây ra...” Mùa xuân đang đến vui tươi như thế kia, tại sao chúng ta lại ngồi đây bàn những điều làm cho buồn lòng nhau, đóng những vai trò giả tạo này nọ để có cớ hành hạ xỉ vả người khác.

Tôi định nhẹ nhàng đứng dậy kiếm một cớ để biến êm ái khỏi buổi họp, đi tìm lại mùa xuân ngoài kia. Nhưng rút cục tôi vẫn ngồi lại bàn tiếp. Tôi rời quê hương Việt Nam đến đất nước Mỹ này đâu phải để thực hiện giấc mơ làm nhà giàu, làm một ông chủ tịch hội đoàn hay một ông phục quốc đặt chiến khu ở những nước ngoài đầy an toàn và tiện nghi. Tôi đến đây đất nước của dân chủ tự do, ngoài để tìm an ninh cho bản thân và tương lai cho con cái, còn để làm nhà văn một lần nữa cho dân tộc mình, nếu tôi không ngay thẳng nói ra những điều tôi nghĩ, thì thà ở lại mà chết già nơi quê hương cũ còn hơn. Bởi thế tôi đã ngồi lại và nói tiếp.

Ngay cho dù tình hình ở nội địa có thay đổi được đến như Ba Lan hay Hungary hoặc Tiệp Khắc, thì chỉ những người đã sống chết nơi quê hương và dân tộc mình như Walesa, Havel mới lên cầm quyền được mà thôi. Cộng đồng Ba Lan tị nạn Cộng Sản từ sau thế chiến II ở Hoa Kỳ đâu phải là ít, nhưng có thấy một ai được mời về nước để tham gia hàng ngũ lãnh đạo mới đâu. Mà có được mời vì lý do chính trị giai đoạn thí dụ như tạo sự đoàn kết nối liền nội địa với hải ngoại, hoặc để trình diễn quốc tế, nhất là với Mỹ, thì số người này không nhiều, chỉ được dùng để trình diễn chính trị, nặng về ngồi chơi xơi nước mà thôi.

Hơn nữa, nói cho cùng thì Việt Nam, dù thành phần nào lên cầm quyền, cũng phải giải cùng một số bài toán như nhau mà thôi. Đất nước nghèo đói và lạc hậu – nghèo đói thì vào hàng thứ nhất trong bốn nước nghèo nhất, nhưng lạc hậu thì hẳn là tụt lui so với thế giới nói chung cả thế kỷ – đang cần những gì đây?

Điều đầu tiên là cần khoa học kỹ thuật. Về điểm này thì cộng đồng hải ngoại có vốn rất khá, nhưng vốn này lại bao gồm đa số là những người trẻ đi sau hoặc thuộc thế hệ di dân đời thứ hai. Lớp người này nếu có sinh ra ở Việt Nam chăng nữa thì cũng rời quê nhà hơi sớm, đâu còn nhớ rõ để tha thiết như lớp cha chú. Bảo họ bỏ cái job kỹ sư điện toán lương từ 30 đến 40 ngàn dollar một năm để về Việt Nam phục vụ với số lương hàng tháng chỉ đủ một bữa nhậu với bạn bè nơi Đường Sơn Quán hay sao? Đó là chuyện khoa học giả tưởng hoặc “đẹp như truyện thần tiên” mà thôi... Về Việt Nam phục vụ với tư cách công dân Mỹ ăn lương Mỹ, thì họ mới về. Không thì họ cũng có thể về một thời gian ngắn, để du lịch, để thăm gia đình, hoặc để lấy một cô vợ xinh đẹp và bảo đảm là ngoan và chịu đựng giỏi mọi thăng trầm của cuộc đời. Dĩ nhiên sẽ cũng có những thanh niên đầy lý tưởng từ khắp các nơi trên thế giới trở về sống bằng dollar đã dành dụm được trước đây để truyền bá kiến thức mới về quản trị về kinh tế, về khoa học kỹ thuật nhất là về điện toán cho lớp trẻ nội địa. Gọi là chút đền đáp cho dân tộc Việt Nam và quê hương cũ. Nhưng rồi họ sẽ ra đi. Bởi vì  một con người lớn lên ở nơi nào thì nơi đó mới là quê hương đích thực để mà thiết tha tưởng nhớ.

Ngoài khoa học kỹ thuật, nội địa cũng rất cần vốn ngoại quốc để đầu tư kinh tế. Nhưng dĩ nhiên, vì lý do đã trình bày ở trên, chính quyền nội địa nào cũng hoan hỉ đón nhận mọi đầu tư của nước ngoài. Nhưng xin lỗi, anh cứ việc lo chuyện business thôi nghe, chuyện chính trị là việc của chúng tôi...

Tôi mới được đọc một bài phóng sự trên tờ báo địa phương của người bản địa nói về một thành phố của những người già Mỹ tít dưới mãi Mexico. Đông tới 60 000 ông bà già Mỹ. Lý do thời tiết quanh năm nắng ấm là một lý do quyến rũ, nhưng còn một lý do khác quyến rũ hơn. Một bà già đã nói với phóng viên: “Với cái check hàng tháng ấy, ở Mỹ tôi sống không nổi. Còn ở xứ Mễ này, tôi ở một biệt thự có vườn rộng bao quanh. Đã thế tôi còn dư tiền để thuê được một anh làm vườn và một cô người làm nữa..” Ấy là Mexico có nghèo là nghèo so với Mỹ, Canada thôi mà đồng dollar còn có giá như vậy. Ở Việt Nam nghèo thực sự, đồng dollar có giá hơn nhiều lắm. Và về khí hậu thì cũng nhiệt đới ấm áp, thoải mái cho những người già. Vậy trong tương lai tại sao những người già gốc Việt lại không trở về đất nước để an hưởng tuổi già nhỉ?

Đa số những người già gốc Việt là những người di tản buồn, nếu đi sau 75 thì cũng vẫn là những người tị nạn sầu bi. Óc đa số đã khép kín với mọi biến chuyển bên ngoài, từ chối tiếp thu kiến thức mới, thậm chí đến cả sinh ngữ Anh Pháp Đức... cũng không còn học nổi. Con cháu đi học đi làm bận bịu tối ngày, những người già đi ra đi vào cô quạnh trong các căn nhà rộng đầy tiện nghi nhưng vắng lặng, để hiểu rằng hạnh phúc của con người rất tương đối, rất phù du và thay đổi tuỳ theo từng người.

Dĩ nhiên có những người già hiện nay và sắp già trong mười năm tới rất ghét Cộng Sản và có huyết hải thâm cừu với chế độ này. Thành phần này thà làm một người di tản buồn, người tị nạn sầu bi, chết già nơi quê người còn hơn là đội trời chung với Cộng Sản. Nhưng đó là lúc này, và lúc này không phải là tương lai. Các hiền triết của Đông phương thời xưa thật có lý khi cho rằng tất cả đều là Dịch, là biến chuyển, không có gì là bất biến, trường tồn với thời gian vô thuỷ vô chung cả, kể cả chủ nghĩa Mác Lênin lẫn các chế độ Cộng Sản khắp trên thế gian.

Mới ngày nào đây tôi được đọc trên tạp chí Paris Match của Pháp một bài phỏng vấn Krouchev Tổng bí thư đảng Cộng Sản Nga sau khi ông này hạ bệ Staline và đưa ra chủ nghĩa xét lại. Khi được hỏi có phải như vậy là người Nga đã hết là con người Cộng Sản chăng, Krouchev trả lời rất ngang ngược là: “Điều đó chỉ xảy ra khi tôm biết huýt sáo kia!” Thực tế đã cho chúng ta thấy tôm Mỹ vẫn không biết huýt sáo nhưng tôm Đông Âu đã huýt sáo um xùm, ồn cả thế giới lên. Tôm Nga Gorbachev cũng coi bộ không kém, tôm Trung Quốc cũng vậy, dù tiếng huýt sáo còn nhỏ lắm... như tôm Việt nội địa vậy.

Bởi thế chúng ta có quyền chờ đợi xẩy ra cái mà chúng ta thích là chế độ ở nội địa Việt Nam thay đổi và cái mà chúng ta không thích cũng vẫn cứ đến là sự bình thường hoá bang giao Mỹ Việt. Hơn nữa đa số chúng ta chống Cộng Sản bởi vì đảng này đã theo một chủ nghĩa ngoại lai sai lầm làm khổ chúng ta, làm khổ làm chết làm lạc hậu dân tộc Việt Nam. Nhưng trong tương lai, nếu những đảng viên Cộng Sản hiểu lỗi lầm của họ, từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, cố gắng đổi hoặc bỏ chế độ vô sản chuyên chính lỗi thời, xoá luôn danh xưng Cộng Sản, thì liệu chúng ta còn chống nữa hay không? Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có lỗi lầm vô cùng lớn là đã cho rằng ai là nguỵ, địa chủ tư sản, thì sẽ là nguỵ, địa chủ tư sản không những suốt đời mình mà còn đến đời con cháu. Không lẽ chúng ta lại đi bắt chước cái xấu xa, cái cực đoan sai lầm của công sản bằng cách tuyên bố đại khái rằng: Tôi vẫn cứ chống anh tới chiều, tới tối, giăng mùng chống tới sáng hôm sau luôn chỉ vì trước kia anh đã từng là Cộng Sản...”

 

III. 

Một người bạn trẻ liền hỏi tôi: Nếu Việt Nam thay đổi như Đông Âu, anh có về không? Tôi chưa kịp trả lời câu hỏi này thì bà vợ cưng của tôi cùng ba đứa con trai lớn đã đến đón. Ngoài trời có gió lồng lộng từ dưới vịnh thổi lên, nhưng nắng vẫn vàng tươi và ấm áp. Bọn tôi cất chiếc xe cũ vào một góc đường, cả nhà dàn hàng ngang đi trên vỉa hè như một đám sinh viên da trắng đang ồn ào từ bên kia lộ tiến sang. Hai vợ chồng cùng ba đứa con cũng là sinh viên như họ, có lý do gì sau một tuần vừa học vừa làm căng thẳng và mệt mỏi, lại không vui chơi như họ vào một ngày thứ bảy đẹp trời như thế này đâu.

Khi đám sinh viên kia tiến lại gần, tôi nhận ra hai cô gái tóc vàng và nâu đã mặc một thứ váy kín đến mắt cá chân. Tôi ngạc nhiên: Mùa xuân tới rồi sao lại mặc kín mít như thế? Nhưng khi hai cô gái đi qua trong những tiếng cười hồn nhiên, bà vợ cưng kéo tay tôi ra dấu. Tôi nhìn theo thì thấy váy của hai cô kín phía trước nhưng xẻ phía sau, đi một đường sường sám chính giữa và tít lên cao. Dĩ nhiên với một váy kiểu này thì những tín hiệu của mùa   xuân lần này được báo từ phía sau. “Mùa xuân đang ở phía sau chúng tôi nè...”

Tôi nhìn theo những tín hiệu báo xuân về ấy một chút nữa rồi tiếp tục cùng gia đình lang thang. Ghé tiệm bánh mì Ba Lẹ mua mấy ổ bánh mì thịt, ghé tiệm Quốc Hương mua bánh đậu xanh, ghé chợ Chánh Hưng mua giò thủ và nem chua, và sau cùng kéo vào quán có cái tên rất hoài hương là A little bit of Saigon. Tên thì đặt như vậy, Một chút của Sài Gòn thôi, nhưng món bò bảy món nơi này không hề thua sút Pagolac hay Ánh Hồng. Tôi gấp lia chia món ưa thích là bò lá lốt và đột nhiên tuyên bố với ba con trai lớn một câu lãng nhách: “Về Việt Nam thì bố có cái thú được ngắm các cô gái mặc áo dài trắng...”

Ba thanh niên con tôi tán thành ồn ào câu nói của bố. Áo dài Việt Nam, nhất là đồng phục của nữ sinh là đẹp nhất rồi. Mấy cậu đâu có biết là ông bố là tôi đang loay hoay trả lời câu hỏi của người bạn trẻ trong buổi họp vừa rồi. Mà trả lời chưa xong, không ra đâu vào đâu cả. Có lẽ tôi vẫn đang bị mắc cái spring fever mà ông giáo sư già đang dạy tôi về các loại sỏi đá nói tới chăng...

 

Thế Uyên

 

Bài này đã in trong tác phẩm Nghĩ trong mùa xuân của Thế Uyên, nxb Xuân Thu, USA, 1992. Tác giả giữ bản quyền và cho phép đăng lại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss