Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Lê Ngọc Trà, Văn học & dân chủ

Lê Ngọc Trà, Văn học & dân chủ

- Đặng Tiến — published 14/10/2010 00:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 22:48


Lê Ngọc Trà
Văn học & dân chủ



Đặng Tiến



Lý luận và văn học 1 của Lê Ngọc Trà là một tập tiểu luận về văn học, được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991 cùng một lúc với ba cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng; ba tiểu thuyết này đã thấy tái bản trong nước, có cuốn được in lại tại nước ngoài 2, và được các cơ quan truyền thông giới thiệu đầy đủ 3. Riêng cuốn Lý luận và văn học ít được nhắc nhở: điều đó dễ hiểu vì sách lý luận nói chung thường kén người đọc và ít gây sôi nổi; nhưng theo chúng tôi tác phẩm của Lê Ngọc Trà là một bước ngoặt, một tiến bộ quan trọng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam. Dù rằng thực chất những bài tiểu luận của Lê Ngọc Trà không đưa ra quan điểm nào mới, mà chỉ đề cập đến dăm ba nguyên tắc hiển nhiên của văn nghệ, những điều mà giới văn nghệ trên thế giới đã chấp nhận từ lâu. Nhưng nói lên được những hiển nhiên, trong một chế độ văn hoá và chính trị bưng bít và chuyên chế, là một điều mới, một dũng cảm, một tiến bộ. Huống hồ là Lê Ngọc Trà nói hay, khúc chiết, và đặt cuộc thảo luận ở trình độ cao. Có lẽ do đó mà khi sách ra đời, và được giải thưởng, thì không mấy người hưởng ứng và phê phán, mãi đến nay mới gây ra phản ứng 4. Cũng cần nói thêm rằng lý luận văn học tại Việt Nam là một khu rừng cấm, dành riêng cho các vị chức sắc săn bắn, truyền lệnh và phán xử. Thỉnh thoảng cũng có biệt lệ, là một đôi bài báo dũng cảm, như một vài đóm lửa hiu hắt, vừa mới dấy lên là bị dập tắt, như của Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến trước đây, chứ chưa có một cuốn sách lý luận văn học nào đi ra ngoài đường lối Đảng; nói chi đến việc đặt lại vấn đề đường lối do Đảng vạch ra, như Lê Ngọc Trà đã làm.

Lý luận và văn học gồm có 14 tiểu luận. Ngoài một chuyên đề về Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du viết từ 1974, những tổng quan về văn học được viết từ 1981 trở lại đây, kết tinh hơn mười năm suy ngẫm và lao động; nhiều bài được viết những năm 1987, 1988, thời kỳ “đổi mới”. Tác giả chia sách làm ba phần: lý thuyết văn học nói chung; những vấn đề chuyên môn: như ngành phê bình, ngành thi pháp học...; phần ba đi vào những chuyên đề cụ thể qua từng tác giả, như lương tri con nguồn qua Tolstoi, đạo đức qua Hồ Biểu Chánh. Quan trọng nhất là mười bài trong hai phần đầu, tác giả đặt lại những vấn đề lớn của văn học, đã bị giải quyết thiển cận qua đường lối chuyên chế của Đảng: “tình trạng nghèo nàn của văn học cách mạng trong mấy chục năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân: sự lãnh đạo đối với văn nghệ, mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, trình độ tư tưởng và nghề nghiệp của người viết, v.v...” (tr.32) và tác giả lần lượt phân tích những nguyên nhân này.

Bằng giọng văn ôn tồn, điềm đạm, từ chương này qua chương khác, Lê Ngọc Trà nêu lên tính chất lỗi thời của những giáo điều của chủ nghĩa hiện thực xã hội, nhưng ông tránh trực diện đấu tranh với chính quyền. Trong chương Văn nghệ và chính trị viết rất có tình có lý, ông nêu rõ sự khác biệt giữa hai phạm trù, dù rằng trong lịch sử hiện đại, có lúc văn nghệ phải phục vụ chính trị: “ Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như chiến tranh, cách mạng, ý thức chính trị trở thành nội dung cơ bản của ý thức xã hội, bao trùm lên các ý thức khác. Lúc đó tiếng nói văn nghệ trùng với tiếng nói chính trị. Nhưng còn trong những ngày bình thường, chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng, mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống " (tr. 22). Chúng tôi lưu ý đến hành văn của Lê Ngọc Trà: lối dùng chữ, đặt câu, sử dụng hình ảnh đưa đến một biện luận nhuần nhuyễn, khúc chiết, chứng tỏ tác giả đã nghiền ngẫm lâu dài những điều mình viết; một tư duy như vậy, một bút pháp như vậy thật là hiếm có trong ngành lý luận văn học mấy mươi năm gần đây.

Vì không muốn trực diện đấu tranh chống Đảng, và cũng không muốn rơi vào những tranh luận hiềm khích vô bổ, nên ông không trích dẫn những giáo điều mà ông bác bỏ; nhưng người đọc đã từng theo dõi tình hình văn học nước nhà, thấy rõ mồn một những chỉ thị, nghị quyết, đường lối bị Lê Ngọc Trà ẩn dụ, chung quanh những khẩu hiệu như tính đảng, tính nhân dân, tính hiện thực, tính giai cấp, từ bao nhiêu năm nay đã xiềng xích người cầm bút Việt Nam. Ví dụ Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực, Lê Ngọc Trà viết lớ ngớ thế này: “Từ mấy chục năm nay, không hiểu chính xác là bắt đầu từ lúc nào, chúng ta luôn nghe nhắc đi nhắc lại mệnh đề: văn học là phản ánh hiện thực (...) có lẽ ai đó lúc đầu cũng thấy nói như vậy chưa thật đầy đủ, còn ngờ ngợ, nhưng vì để cho “ tiện” và đỡ phiền phức, cũng cứ nói ào ào theo, rồi lâu ngày quen dần cứ nói dài dài theo kiểu ấy” (tr. 33). Vờ vĩnh, thế thôi, chứ làm sao có chuyện “ai đó... còn ngờ ngợ... từ lúc nào”, và không biết đến những văn kiện chính thức làm cẩm   nang cho chủ nghĩa hiện thực xã hội, từ Đề cương văn hoá 1943, đến diễn văn của Trường Chinh năm 1948, đến thư Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc kỳ II và IV năm 1957 và 1968. Làm gì có chuyện “cứ nói ào ào”. Đây là phong cách của Lê Ngọc Trà, làm cho cuộc thảo luận bớt phần chính thức và gay gắt. Theo Lê Ngọc Trà “ văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm hiện thực” (tr. 41), “nghiền ngẫm là xem xét, đánh giá các sự kiện, hành động trong nhiều chiều khác nhau, trong mối liên hệ với quá khứ và tương lai (...). Nghiền ngẫm như vậy tất yếu sẽ dẫn tới dự báo” (tr. 28), và dự báo trở thành một chức năng của văn học (tr. 99). Quan niệm phản ánh hiện thực, bản thân nó thụ động nên làm nghèo văn học; sử dụng trong một xã hội chậm tiến và chuyên chế như Việt Nam, nó có tác dụng nguy hại. Người viết văn khéo tay một chút, chịu khó chọn chi tiết, mô tả tỉ mỉ, tránh tô hồng, tránh bôi đen, tránh tự nhiên chủ nghĩa, tức là hoàn thành tác phẩm phải đạo, trở thành “nhà văn”. “Còn cái quan trọng là bản thân anh, chính anh, riêng anh nghĩ gì, đau gì thì hoặc là lờ đi, giấu biến đi, hoặc thành thật tin một cách ngây thơ là nó nhỏ bé vô nghĩa, không đáng được thể hiện. Hình như Đảng nghĩ là đủ, Đảng nói rồi thì ta nói lại. Cứ thế, nhà văn thì được “ an toàn” còn văn học thì lại nghèo đi” (tr. 34). Tình trạng này là hậu quả của một đường lối văn nghệ hẹp hòi đã đành rồi, nó còn trầm trọng thêm trong một chế độ công an tàn bạo.

Theo Lê Ngọc Trà, văn học là “lĩnh vực quan sát và khám phá về con người” (tr. 57), vậy con người trong thực tế cá nhân và xã hội phức tạp là đối tượng chính của văn học. Con người ấy, xuất sắc hay hèn mọn, tiêu biểu hay đơn lẻ, có khi nằm ngoài tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, nên từ nhiều năm đã bị văn học – và lịch sử – bỏ quên; có tác giả nào chiếu cố thì bị lên án là cá nhân chủ nghĩa, là tiểu tư sản. “ Văn học là sự thật. Mà sự thật chủ yếu của văn học là sự thật về con người. Nhiều năm qua văn học chúng ta còn mắc nợ cuộc đời về sự thật (...) Các nhà văn ngày nay phải trả món nợ ấy cho đời” (tr. 61). Đúng và hay. Lê Ngọc Trà, trong nhiều bài tiểu luận, trở đi trở lại chủ đề trung tâm này: đối tượng của văn học là số phận con người, trong nỗi buồn riêng lẻ. Ta quen với những lời xã giao như chung vui, chia buồn nên quên rằng nó vô nghĩa. Niềm vui, nỗi buồn, không ai chia sẻ được cho ai. Dù có “đau nỗi đau trái đất – buồn nỗi buồn thiêng của núi sông” như lời một nhà thơ, thì nỗi buồn đau vẫn mỗi người một khác: “quan tâm đến cái riêng là bổn phận của nhà văn. Nghệ sĩ không được phép chỉ nói đến nỗi đau chung, trừu tượng” (tr. 84). “ Nhiều năm qua, văn học ta có công xây đắp hình tượng lịch sử, tổ quốc, nhân dân, quần chúng (...) mà ít chú ý đến việc mô tả các số phận, xây dựng những hình tượng độc đáo về cá nhân con người, về đời người” (tr. 45). Thật ra, trong quá khứ, cũng có những tác giả thử mô tả những số phận cá nhân như Tô Hoài trong Mười năm, Hà Minh Tuân trong Vào đời thì bị búa rìu của giới phê bình chính thức đập tơi tả. Những nhà văn có vai vế cỡ Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi còn bị vùi dập, thì những tác giả trẻ, mới vào nghề làm sao dám đề cập đến số phận con người? Lê Ngọc Trà, trong những bài tổng luận, dừng lại ở lý thuyết và nguyên tắc, ông không đưa ra ví dụ như trên; tác phẩm của ông nhờ vậy mà nhẹ nhàng, hài hoà, nhưng có phần trừu tượng đối với độc giả không sành văn học.

Trong một thời gian dài, người ta chỉ đề cao con người giai cấp và ngờ vực con người nói chung hay nói riêng, ngờ vực đến mọi chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo, xem đó như là những lý thuyết phản động của tư bản hay chủ nghĩa xét lại: “ Cách vận dụng quan điểm giai cấp triệt để đến mức dung tục và đôi khi nghiệt ngã ấy đã làm héo mòn phần nào dòng nhân văn trong văn học ch úng ta . Nó vừa che khuất những giá trị nhân đạo tốt đẹp của văn học quá khứ và văn hoá nước ngoài, vừa cản trở những người sáng tác nói lên những gì thầm kín trong “cõi nhân gian bé tí” của con người” (tr. 56). Khi phục hồi giá trị con người trong văn học, thì mặc nhiên Lê Ngọc Trà đấu tranh cho dân chủ: đó là đóng góp lớn lao của ông, và của bộ môn lý luận văn học, vào cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay. Ông mang lại vinh dự cho những người làm công tác phê bình, nghiên cứu văn học, xưa nay bị đánh giá thấp về mặt tư cách và trí thức vì lắm kẻ xu thời và dốt nát. Lê Ngọc Trà viết:

“Đặc trưng của văn học là cái riêng, là số phận con người. Chính vì vậy nó có ưu thế đặc biệt trong việc giác ngộ về ý thức cá nhân, làm cho xã hội thấy rằng con người không phải là đám đông mù quáng, là công cụ và phương tiện trong tay chính trị mà là chủ thể của lịch sử, rằng hạnh phúc, tự do và sự phát triển của con người là cái đích của mọi cuộc cách mạng. Một nền văn học thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn sẽ góp phần quan trọng cho quá trình dân chủ hoá xã hội (...) Đấu tranh cho một xã hội tốt hơn – cho chủ nghĩa xã hội đích thực, cho dân chủ và công khai, cho đổi mới cũng là một cuộc cách mạng nhân danh con người và vì con người.

Bởi vậy, đứng ở đâu trong cuộc đấu tranh này – đó là cả một thử thách đau đớn, là thước đo cách hiểu về văn chương, quan niệm về con người và chính ngay nhân cách của những ai đang cầm bút hiện nay” (tr. 65).

Đọc Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà, tôi đi tìm một đồng nghiệp.

Bất ngờ tôi gặp được một tâm hồn đồng điệu trong việc thẩm định văn chương; sung sướng hơn nữa, tôi gặp một bạn đồng hành trên con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ. Con đường ấy nhất định phải gian lao cho mọi người, và hiểm nghèo cho bạn. Nhưng cùng đi có bạn, có bạn đồng tình, con đường thành tiếng hát.

Văn nghệ cũng như tình yêu thăng hoa mỗi con đường thành tiếng hát.


Đặng Tiến

14.9.92




1 Lý luận ra văn học, 210 trang, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.

2 Nỗi buồn chiến tranh Mảnh đất lắm người nhiều ma, tái bản tại Hoa Kỳ, Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, 9601 Bolsa Ave, WESTMINSTER, CA 92683 (USA).

3 Nguyễn Trọng Nghĩa đọc Mành đất lắm người nhiều ma, Diễn Đàn số 8 (tháng 5.92), Hoài Văn đọc Nỗi buồn chiến tranh, Diễn Đàn số 9 (tháng 6.92). Thuỵ Khuê đọc hai tác phẩm này, Hợp Lưu số 6 (tháng 7-8.92), P.O. Box 277, GARDEN GROVE, CA 92642 (USA).

4 Trần Đình Sử, Đỗ Văn Khang, Hoàng Nhân (Văn nghệ), Hà Xuân Trường (Nhân dân chủ nhật), bàn tròn của tạp chí Cửa Việt...


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss