Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Thư từ một chuyến đi

Thư từ một chuyến đi

- Thế Uyên — published 12/10/2010 01:00, cập nhật lần cuối 18/12/2010 11:02


Thư từ một chuyến đi


Thế Uyên


Trong khuôn khổ một chương trình nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1864-1929 dưới sự bảo trợ của Hội đồng sưu khảo khoa học xã hội (Hoa Kỳ), nhà văn Thế Uyên đã trở về Việt Nam mùa hè vừa qua (tháng 7 và 8.92). Đặt chân đến Sài Gòn, Thế Uyên gặp những trở ngại nhỏ. Ngay khi đó, anh quyết định viết những bức thư kể chuyện sinh hoạt hàng ngày gửi sang Paris với mục đích vừa tường thuật, vừa nhân chứng, vừa để đề phòng trường hợp “lâm nạn”.

Quả nhiên, chương trình nghiên cứu văn học bị công an làm khó dễ. Phái đoàn Mỹ phải gián đoạn công việc và Thế Uyên phải gấp rút trở lại Hoa Kỳ trong những điều kiện không mấy tốt đẹp.

Hôm nay, chúng tôi công bố những lá thư anh viết, như những chứng từ có giá trị tư liệu, gói ghém những nhận xét chân thật và tỷ mỷ của một nhà văn sống 46 ngày trong không khí Sài Gòn - Huế- Hà Nội “cởi mở” dưới sự bảo trợ chặt chẽ của màng lưới công an, một nhà nước thứ nhì trong guồng máy nhà nước.

Thuỵ Khuê


Sài Gòn ngày 3 tháng 7, 92

Thân gửi chị Thuỵ Khuê,

Chắc chị đã biết tôi và gs John Schafer được một grant của Social Science Research Council ( New York) để nghiên cứu về văn học Nam Kỳ 1864-1929. Grant này đã đưa bọn tôi về Việt Nam để kiếm và sao những cuốn sách cũ của thời kỳ văn học ấy trong hè này. Và hiện bọn tôi đang là khách (và ở Nhà khách) của Viện Khoa học xã hội. Và sẽ đi Hà Nội / Huế trong 15 ngày.

Mới lang thang vài ngày trên các đường phố cũ, gặp lại một số bạn bè, tôi đã gặp một vài trở ngại nho nhỏ. Sự đổi mới còn hạn chế về phương diện tư duy, văn hoá. Do đó, tôi thấy nên thận trọng hơn, nhất là tôi về Việt Nam với tư cách Việt kiều Nguyễn Kim Dũng, Assistant Researcher, chứ không phải tư cách Thế Uyên. Bởi thế nếu chị chưa cho phổ biến bài phỏng vấn xin chị lui lại sau ngày 28 tháng 8.

Nếu chị, khi nhận được thư này, đã phổ biến bài phỏng vấn ấy rồi thì cũng chả sao – tôi tin là thế. Cùng lắm là bị hỏi thăm hơi kỹ một chút.

Khi nhận được lộ phí, vé máy bay và visa, bà vợ tôi đã nước mắt ướt mi rồi. Vợ chồng không xa nhau 14 năm liền, đi học cùng trường nữa. Tôi phải hứa khi về Mỹ, sẽ đưa “nàng” đi Paris, nàng mới cười tươi lên được một chút. Vậy thì hẹn gặp chị ở phi trường Paris (chị thấy tôi lạc quan chưa?)


Sài Gòn 16 tháng 7, 92.

Chắc chị đã nhận được thư trước của tôi. Phái đoàn sưu khảo của bọn tôi vẫn ở nhà khách phía sau Viện KHXH Sài Gòn, nơi ngã tư Hồng Thập Tự / Pasteur cũ. Phòng có máy lạnh, giá hữu nghị USD 15.00 / ngày, lại an toàn, không lo mục ban đêm Công An đến xét hộ khẩu. Giả thử CA địa phương làm vậy thì kẹt to vì phía Bộ nội vụ giữ toàn bộ giấy tờ của phái đoàn hơn 10 ngày rồi – Nghĩ lại hồi được anh Nhật Tiến về, bị giữ giấy tờ có một đêm, đã rên rồi.

Dĩ nhiên chương trình làm việc bị xáo trộn hết. Sau cùng CA cũng cho phái đoàn đi Huế / Hà Nội trong 8 ngày với điều kiện phải để một nhân viên của Viện đi kèm (theo thoả thuận Mỹ-việt cách đây 6 tháng, thì phái đoàn làm việc 2 tuần ở Hà Nội / Huế – bây giờ chỉ được ghé Huế 3 ngày để anh John Schafer thăm bố mẹ vợ đã trên 80 tuổi, còn lại thì ngoạn cảnh cố đô thôi).

Về thành phố cũ hơn nửa tháng rồi, tôi vẫn chưa hội nhập được quê hương cũ. Khí hậu quá nóng với tôi – thật lạ phải không chị. Lối suy nghĩ của dân địa phương, kể cả bạn văn cũ, làm tôi ngỡ ngàng. Và ngược lại. Hoá ra tôi đã bị Mỹ hoá nhiều hơn tôi tưởng. Gần 5 năm trong Đại học Mỹ, sống trong khu da trắng, tôi đã thành Vietnamese American!

Tôi có tổ chức một bữa ăn mời bạn văn: Nguyễn Quang Sáng, Trần Mạnh Hảo, Sơn Nam, Nguyễn Quốc Thái etc ở một quán quốc tế nhất là quán Thanh Niên. Khi nâng ly khai mạc, tôi đã yêu cầu mọi người hãy tạm quên quá khứ, để chỉ là nhà văn thôi trong một đêm. Dĩ nhiên là sau đó thật vui. Còn Dương Thu Hương đã về Hà Nội, tôi sẽ gặp ở đó trong chuyến đi ngày kia. Dĩ nhiên sẽ chụp chung một tấm hình, gửi chị coi cho vui. Và cũng dĩ nhiên tôi đã đến thăm vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan. Khoẻ mạnh cả. Còn cha Chân Tín, chỉ nói chuyện qua điện thoại.

Cô cháu gái lớn (con em gái lớn nhất của tôi) về Sài Gòn đại diện cho một ngân hàng từ 3 tháng nay. Tên là Thảo Chu. Nó đỗ MS về banking. Bây giờ nàng đi yêu và đòi lấy ông Gary F., cameraman của NBC News (USA). Bấy nhiêu đủ bố mẹ nó ở USA nhăn rồi. Ông này còn thêm chi tiết là người Úc nữa. Tình hình gay như thế nên chàng Sơn Tinh xứ kangourou o bế ông chú già Thế Uyên khỏi chê để nhờ chú thuyết phục vua Hùng Vương thứ 160...

Tối nay đôi trẻ mời bọn tôi ăn tối rồi leo lên sân thượng Majestic uống café. Đã hơn 20 năm tôi mới trở lại chỗ này để nhìn Thủ Thiêm lấp lánh ánh đèn. Sức khoẻ của tôi hiện nay đang không tốt cho lắm1. Vậy khi nhận được thư này ơn vọng nửa tháng đã tới chị), nếu có thể, chị điện thoại cho cháu Thảo Chu, hoặc cho ông viện trưởng Viện Khoa học xã hội, yêu cầu cho nói chuyện với tôi (ông Dũng, phái đoàn Mỹ). Nếu chị muốn tôi gặp ngườì thân nào, hay thăm cảnh nào, có thể cho biết trong dịp này. Điều nhờ chị là thông báo tình trạng sức khoẻ của tôi cho nàng Thi, vợ tôi. Và dặn bả hãy tự ý quyết định mọi chuyện khi tôi chưa về2.

Tôi mở to mắt dễ sợ ở Sài Gòn, nghe đủ mọi âm thanh. Khi tới thăm chị ở Paris, chị tha hồ hỏi. Sài Gòn 92 y hệt Sài Gòn trước 75 nếu xét ngoài đường phố.

Nói giùm anh Đặng Tiến là bà con Sài Gòn và Huế... hơi nhiều kẻ đã nghe bài phỏng vấn ảnh của RFI, cũng đỡ khổ cho tôi lắm3.


Hà Nội, 22.7

Bọn tôi đã ở Huế 4 ngày. Chỉ để ngoạn cảnh và thăm thân nhân bè bạn. Nóng tối đa làm tôi mệt lử. Đi thăm Thành Nội (thu dọn sạch sẽ, welcome du khách), chùa Thiên Mụ. Đến vào lúc có khoá lễ tôi ngồi xếp bằng toan nghe tụng kinh thì bị một chú học tăng bắt đứng đậy. Tôi bèn đi ra ngoài, dựa cột, nghe văng vẳng kinh Phật vậy. Tôi đúng là Phật tử không thuần thành.

Buổi tối hai bố con ngồi lai rai ở quán Hương Sen làm giữa một ao sen đang nở hoa trong Thành Nội. Cậu con tôi vốn đào hoa chiếu mệnh, hai cô bé bán quán sà xuống bàn nói chuyện trời đất, đòi chụp hình. Điều đó thì dễ thôi...Thế là một ông kẹ địa phương xông ra đòi tịch thu phim và ném máy ảnh xuống ao sen (dám đám đó định ném cả tôi xuống ao sen lắm...). Chị biết quá khứ của tôi: mọi sự sau cùng giải quyết êm đẹp thôi. Nhưng khi phi cơ Tupolev đưa bọn tôi (và ông baby-sitter) rời Phú Bài, tôi cũng thở ra nhẹ nhàng. Huế đẹp mơ và Huế nặng nề, nhiều sát khí rất có hại cho sức khoẻ Mỹ kiều.

Hà Nội gần mặt trời dĩ nhiên dễ thở hơn. Ôi, my hometown, đứa con đi lang thang 38 năm là tôi bây giờ mới trở lại, giữa một mùa hè.

Tôi lại ở nhà khách của Viện khoa học xã hội. Cũng tiện nghi, máy lạnh (thỉnh thoảng mới có một chú gián lang thang). Truyện chàng Thế Uyên dế mèn phiêu lưu ký thì phải đợi gặp chị, tôi bi bô vài ngày mới hết được. Sức khoẻ của tôi coi bộ đỡ hơn (...)

TB. Tôi “sợ” Huế đến độ ra tới Hà Nội mới dám gửi thư này cho chị.

 

Sài Gòn, 28 tháng 7, 92.

Trong 4 ngày ở Hà Nội, tôi có đến kiếm Dương Thu Hương, mang theo thư giới thiệu của một bạn chung. Cô bạn này tránh mặt không gặp, dù tôi ở nhà khách của Viện KHXH Hà Nội. Chắc là cô nghĩ mình4 đã đi giữa hai làn đạn, nay đi gặp một chàng cũng đi giữa hai làn đạn bên kia đại dương, cộng chung lại là 4 làn đạn... thì sống gì nổi!

Khi trở về Sài Gòn thì bọn tôi nhận được thư của cụ Bằng Giang, một nhà biên khảo miền Nam, mời phái đoàn lại chơi vì cụ đã xin phép và được sự chấp thuận của công an địa phương. Bọn tôi tới và bị CA Bình Thạnh giữ hai giờ liền (ba lần đòi bắt đi) cho tới khi có người của Viện KHCXH tới cứu nguy. Khi được phép ra về, anh John, trưởng phái đoàn, không còn cả giầy để đi, phải đi tạm đôi dép của chủ nhà.

3g là phái đoàn Mỹ tới thăm chính thức ông Trần Bạch Đằng thì 2g30 có lệnh CA là phái đoàn kể từ nay muốn đến thăm, làm việc với ai, phải báo cho Viện, Viện trình với CA, CA duyệt, cho phép, lúc đó mới được đi. Với lệnh mới đó, phái đoàn đành chính thức cáo lỗi với ông Trần Bạch Đằng là lỡ hẹn với lý do bất khả kháng.

Anh J., với tư cách team leader, quyết định là với những chỉ thị CA mới, phái đoàn ngưng ngay mọi công tác sưu khảo, và rời Việt Nam càng sớm càng tốt. Với anh J thì dễ thôi vì anh đã giữ vé máy bay từ lâu để về trước lo khai trương niên học mới. Anh chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Nghĩa là những tài liệu văn học cổ đã sưu tập được, nếu CA Tân Sơn Nhất gây khó khăn, thì sẽ bỏ lại hết. Miễn là về Mỹ an toàn.

Tôi nghĩ là anh J sẽ rời VN bình yên. Còn tôi mới là vấn đề. Vé máy bay trở về của tôi là 27 tháng 8. Làm sao đổi vé về sớm, gay go lắm... Bà con đi, về Việt Nam quá đông (...)

Một vài người bạn Sài Gòn khách quan nhận xét là tôi đã phạm lỗi lầm lớn khi nhận lời mời của Viện văn học Hà Nội, làm một seminar (dân Hà Nội gọi là toạ đàm) về đề tài “văn học Việt Nam hải ngoại” tại trụ sở viện này (đề tài là do viện đề nghị). Đó là một buổi rất vui. Giới sĩ phu Bắc Hà vẫn còn hiện hữu và mong ước vô cùng được hiểu biết về thế giới phương Tây. Họ giỏi và tốt, và yêu thương dân, họ muốn học hỏi hơn nữa để mở rộng mọi sự... Tôi thương và kính trọng họ. Bởi thế bây giờ lãnh đủ mọi khó khăn.

Bây giờ là 12:30 đêm, tôi ngồi một mình trong phòng của nhà khách Viện khoa học xã hội – nơi mà tôi kể như đã bị chính thức yêu cầu rời bỏ để đến ở một số hotel cỡ vài ba sao do CA làm chủ ở trung tâm thành phố. Nghĩ lại mọi điều, tôi thấy bài RFI phỏng vấn anh Đặng Tiến quả thực đã cứu nguy tôi. Không có bài này, những khó khăn tôi phải gặp và sẽ gặp, không phải là nhẹ nhàng như thế. Xin nhờ chị cảm ơn anh Đặng Tiến hộ tôi.

Chị có biết tôi đã bắt đầu nói ở Viện văn học Hà Nội bằng câu nào không? “ Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Đó là một đứa con của Hà Nội một sớm nọ quyết định đi giang hồ và hắn đã đi nhiều, trong không gian và thời gian... 38 năm sau mới trở lại thành phố quê hương để kể những gì hắn đã thấy, nghe và sống qua. 38 năm, hắn đã thay đổi – là điều dĩ nhíên. Vậy hắn có nói điều gì khó thương, dùng từ ngữ nghe lạ tai thì xin bỏ qua cho đương sự...”.


Sài Gòn 31 tháng 7, 92

Anh John Schafer đã rời Việt Nam suôn sẻ chiều 27 (...) Các cháu hi vọng đổi được vé máy bay cho tôi đi Phi Luật Tân vào ngày 6 tháng 8 tới. Vé cũ của tôi là 27.8 và Bộ nội vụ VN cho phép (trước đây) phái đoàn làm việc tới 10.8 – còn chiếu khán nhập nội thì tới tận tháng 9 kìa... Vậy thì đúng là một sự cúp cua về sớm thôi.

Trong những ngày còn lại, tôi chỉ còn một công việc để làm: làm một tourist trên thành phố cũ. Sáng nay cùng con cháu đi lang thang và chụp hình dinh Độc Lập (nay là Thống Nhất), Vương cung Thánh đường, Nhà hát lớn, Continental, Givral (tôi thỉnh thoảng vẫn ghé ăn nơi này, còn Continental bít bùng, lại mất phần terrace vỉa hè nên chẳng muốn ngồi)... Trời thật nóng – dĩ nhiên dù có thế vẫn mát hơn Huế trong những hôm tôi ở đó.

Tôi đang khá cô đơn. Bạn bè nghe tin phái đoàn Mỹ gặp rắc rối với CA, đa số tránh xa. Trạm bảo vệ nhà khách tôi ở khó hẳn lên, ai vô thăm phải trình giấy tờ biên tên vào sổ. Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn bè: tôi về rồi tôi lại đi, còn họ ở lại với bao nhiêu phiền luỵ (...)


Sài Gòn ngày 4 tháng 8, 92

Sáng nay, theo lời nhắn, 10g, tôi đến Câu lạc bộ văn nghệ Thành phố để gặp Trịnh Công Sơn mới ở Canada về và một vài bạn cũ như Lữ Quỳnh, Sâm Thương...

Tôi đến đúng giờ và chọn một bàn ngoài hiên. Trịnh Công Sơn và hoạ sĩ Trịnh Cung ở bàn bên cạnh chỉ tiến đến bàn tôi, leo lên thành ghế tôi để chụp một tấm hình kỷ niệm, rồi sau đó xin đi vì có hẹn khác. Tôi nhớ bao nhiêu năm về trước đã chia tay Trịnh Công Sơn ở khoảng sân ngay đó, nên đề nghị hai đứa thôi, ra đó, chụp một bức hình nữa. Lần này Sơn vòng tay ôm tôi thân thiết, làm tôi cũng phải ôm lại – dù trời sinh tôi có bàn tay chỉ thích ôm con trẻ và phụ nữ thôi (...)

Đêm khuya fiancée của con tôi mang lại hai bức thư của vợ tôi gửi từ USA. Đọc xong, tôi buồn. Thân tôi lúc này, như chị biết, đâu khá gì. Vậy mà vợ tôi báo tin đám hội đoàn quân phiệt bảo thủ ấy đã thành công trong chiến dịch thư nặc danh, vu cáo bọn tôi với chính quyền tiểu bang. Đọc những thư, công văn gây khó ấy tôi ngậm ngùi (...) Chưa bao giờ tôi thấm thía từ ngữ “đi giữa hai làn đạn” như lúc này. Hoả lực bên nào cũng mạnh cả. (...) Nghĩ cho cùng, những kẻ nghèo, tay trắng như bọn tôi, đâu có gì nhiều để mất... Chế độ nào định bắt nạt, áp bức nhà văn, đều thành công dễ dàng. Nhưng rồi mọi chế độ rồi sẽ qua đi, văn chương vẫn còn lại. Thật may cho nhân loại, phải không chị?


Ngày 5 tháng 8, 92.

Đi từ nửa bên kia trái đất sang nửa phía bên này, ở đâu tôi cũng thấy hận thù chồng chất và những người nuôi dưỡng hận thù ấy thật đông đảo, dù họ mặc những sắc áo và mang những màu cờ khác nhau.

Mở báo chí hải ngoại, thấy đầy dẫy những bài ôn lại những trận đánh oai hùng cũ. Đọc báo chí nội địa, những loại bài như thế còn nhiều, dầy đặc hơn. Cộng với những khó khăn riêng phái đoàn và tôi đã gặp nơi CA quận Bình Thạnh và gia đình tôi đang phải đối phó ở Mỹ, đã có những lúc tôi nản lòng và buồn.

Tôi là ai, là gì để mà mơ tới chuyện giẹp bớt, san bằng những núi đồi căm thù ấy? Tôi chỉ là một nhà văn tóc đã bạc, sức khoẻ thể xác không còn nhiều. Tôi chỉ còn một góc phòng, một chiếc ghế trước một computer cũ kỹ. Ở nơi đó tôi viết. Thế thôi. Nhìn lại những điều đã viết nơi góc nhỏ khiêm tốn trong căn nhà gỗ nằm ven đồi tùng bách của tây bắc Hoa Kỳ, có lúc tôi đã tự hỏi tôi đã viết gì để gợi lên từng ấy hận thù – bên này bên kia Thái Bình Dương đều có những người muốn sử dụng tới bạo lực và luật pháp để mong triệt tôi. Bắt tôi im lặng vĩnh viễn.

Tôi mong chị không phải là người Huế để khỏi buồn phiền khi đọc tiếp: Buổi tối ngồi trên nhà hàng nổi neo không xa cầu Tràng Tiền đang sửa chữa, tôi uống bia, nhìn những đốm đèn leo lét bên kia bờ sông Hương, và có lúc tưởng như nhìn thấy hai người đang vật lộn với nhau trong giòng sông êm ấm này. Hai người ấy nắm tóc nhau, thay phiên nhau dìm đầu nhau xuống giòng sông, mắng nhau “Tao đỏ vậy là tao đúng!” “Tao xanh vậy tao đúng hơn!”. Với tôi ngồi đó, trên sàn con tàu nhỏ neo ven sông... Tôi lên tiếng can ngăn thì cả hai ngưng vật lộn, hầm hầm rẽ nước tiến về phía tôi...

Liệu tôi có bị cả hai túm lấy ném xuống nước hay không, xin chị đợi, nói theo kiểu phương đông ngày xưa, là “hồi sau phân giải” – cũng may là tôi biết bơi?


Ngày 6 tháng 8, 92

(...) Đọc thư chót của vợ tôi, nàng than: “Với những khó khăn đang tới như thế, em tự hỏi khi anh về, liệu bọn mình còn đi Paris được nữa hay không...”5

Rất thân,

Thế Uyên

 
 

1 Thế Uyên muốn nói về tình trạng an ninh của bản thân, bởi thế nhờ Thuỵ Khuê liên lạc thường xuyên, để nếu có bị công an bắt, hải ngoại sẽ biết liền để can thiệp.

2 Trước khi lên máy bay, Thế Uyên đã bàn với vợ về những biện pháp đấu tranh phải làm trong trường hợp bị phe hardliner nội địa vu cáo bắt giam.

3 Trong cuộc phỏng vấn này, Đặng Tiến đã giới thiệu trước tác và thái độ Thế Uyên ở hải ngoại, như nội dung bài đăng trên Diễn Đàn số 9 (tháng 6. 92)

4 Theo chúng tôi biết, lúc này nhà văn Dương Thu Hương bận đối đáp với Bộ nội vụ. Xem bài trong số này (chú thích của Diễn Đàn).

5 Cuối cùng, nhà văn Thế Uyên đã về tới Mỹ. Trung tuần tháng 9, anh đã cùng “nàng Thi” sang thăm Paris, gặp gỡ bạn bè.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss