Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 13 / Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa

Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa

- Thế Uyên — published 10/11/2010 00:05, cập nhật lần cuối 25/12/2010 22:02


Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa


Thế Uyên


Kẻ lang thang giữa các nền văn minh

Trong những năm trung học, tôi không phải là một học sinh chăm chỉ. Học chỉ đủ lên lớp và đỗ những bằng cấp nằm dài trên học trình, tương tự như những chướng ngại vật nằm trên đường ngựa đua: Tiểu học, Trung học phổ thông, Tú tài I và II. Khả năng đọc sách, ham học chỉ đến với tôi khi đã trưởng thành. Lòng tò mò muốn biết rõ tất cả những hệ tư tưởng lớn, những lý thuyết, những nền văn hoá văn minh lớn của nhân loại, đã thúc đẩy tôi học những lớp lịch sử triết học đông phương tây phương và đọc nhiều sách về khoa học xã hội, bằng Việt ngữ và Pháp ngữ.

Sau tháng 4.1975, trong những năm tháng dài dặc cực nhọc trên rừng núi Việt Nam, lòng ham học của tôi vẫn cứ tồn tại. Trong khi nhiều đồng đội của tôi hằn học với những bài học tập bắt buộc, tôi quan sát những bài đó một cách khách quan, tìm hiểu xem những triết lý, những ý thức hệ nào đã sản xuất ra chúng. Trong sinh hoạt hàng ngày, tôi quan sát quân phong quân kỷ của quân đội chính qui miền Bắc, nghiên cứu cuộc sống của họ – để biết rõ tại sao họ đã chiến thắng trên chiến trường, và cũng để tiên liệu rằng họ sẽ thất bại trong xây dựng kinh tế trong hoà bình. Và dĩ nhiên sau khi được tha về và được cử đi học khoá Văn sử cùng toàn bộ giáo sư Văn sử của Việt Nam cộng hoà ở Sài Gòn, tôi vẫn giữ được tác phong học hỏi ấy. Tôi lắng nghe những lời diễn giảng, học cho biết một lần dứt khoát mọi lý thuyết thặng dư giá trị, duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, và rất là chú ý tới thẩm mỹ học xã hội chủ nghĩa – là nhà văn, tôi không thể không quan tâm tới những luận cứ đã đưa Đảng cộng sản đến độ cấm và đốt toàn bộ sách tôi đã viết.

Thời gian qua đều và đến năm 1987, khi đã vượt qua cái tuổi mà người xưa có lần đã gọi là “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi nhận thấy phần tôi chỉ có mục “ngũ thập” còn thiên mệnh thì chẳng biết gì nên lại vui vẻ đeo túi sách lên vai – không thể dùng từ “cắp sách” được vì sách đại học quá nhiều và nặng – vô một trường đại học cộng đồng của Hoa kỳ. Ngoài những lớp về kỹ thuật sử dụng computer, những lớp do chương trình BA đòi hỏi phải vượt qua, tôi chọn những lớp về lịch sử văn minh Tây phương, văn hoá cổ Hy La, văn hoá Âu châu thời trung cổ và cận đại và dĩ nhiên không thiếu một số lớp về chính trị, xã hội học, lao vào cả micro lẫn macroeconomy. Và trong mùa thu vừa qua, tôi ghi danh học anthropology mà người thì dịch là nhân loại học, người thì dịch là dân tộc học. Trong một thời gian đủ để lá vàng rụng và rơi rồi mục nát trong những cơn mưa đầu mùa đông, tôi đã phải học và phê phán những nền văn hoá, những nếp sống dân da đen cùng đinh thành thị, những người già của cộng đồng Do Thái, những cư dân của thành phố phim ảnh Hollywood, những dân một hải đảo tít mù nam Thái bình dương, những nông dân xứ Irak của ông Saddam Hussein, những biến chuyển của một làng Nhật bản điển hình từ thời Minh trị thiên hoàng đến hiện nay, sự tiếp thu văn minh Âu châu của trí thức xứ Soudan...

Khi làm một kẻ lang thang giữa các nền văn minh văn hoá như thế, tôi vẫn cứ mang theo hành trang văn hoá Việt Nam cũ trên người, và luôn luôn đi một đường đối chiếu giữa “người ta và mình”. Và với một quá khứ và một vị trí quan sát như vậy, tôi đã đi đến một vài kết luận, một số vấn đề, cho dân tộc Việt Nam ở nội địa cũng như hải ngoại.


Việt Nam: một dân tộc thiếu sáng tạo

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm, tôi không tìm thấy một tư tưởng gia nào cả. Chúng ta tiếp thu nền văn hoá Hán tộc phương Bắc, lấy ý thức hệ Khổng giáo làm ý thức hệ của mình sau khi sửa đổi cho phù hợp với đặc tính cố hữu của dân Giao Chỉ. Chúng ta tiếp thu Phật giáo từ cả hai phía, từ phương bắc với Đại thừa, từ phương tây với Tiểu thừa. Và cũng như đối với Khổng giáo, người Việt cũng chỉ Việt hoá Phật giáo mà thôi, không đưa ra một sáng tạo nào đáng kể. Các kẻ sĩ, các thiền sư nổi danh trong sử sách, chỉ là những người hiểu đạt ý thức hệ mình tin tưởng và vận dụng khéo léo để giúp ích cho dân tộc mà thôi – nhất là trong việc bảo vệ sự độc lập và tồn tại của quốc gia nhỏ bé mang tên Việt Nam.

Rồi đến khi phải đụng độ và thất trận trước những đạo quân viễn chinh Tây phương phát xuất từ một nền văn minh kỹ nghệ hoá cao, người Việt mới cương quyết đặt ra vấn đề duy tân, dù là rất trễ và trả giá bằng sự mất chủ quyền quốc gia trong gần một thế kỷ.

Ở đầu thế kỷ 20, từ ngữ “duy tân” được sử dụng đồng nghĩa với “Âu hoá” bởi vì chúng ta ở vị trí chỉ được tiếp nhận nền văn hoá văn minh của nước thống trị chúng ta là Pháp mà thôi. Và sau một vài thập niên ngập ngừng, đến thập niên 30 thì cả một thế hệ trẻ lớn lên đã coi văn minh Tây phương (hiểu như nền văn minh Âu châu) là khuôn vàng thước ngọc, là tột đỉnh của văn minh nhân loại. Vấn đề duy tân từ đó được hiểu là chỉ có học cho nhanh cho nhiều tiếp thu cho lẹ mà thôi, việc phê phán để rồi sáng tạo ít được đặt ra. Giống hệt như các thế kỷ trước chúng ta đã tiếp thu trọn vẹn không sáng tạo ý thức hệ Khổng giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo kiểu Pháp/Tây Ban Nha.

Khi tiếp thu văn minh Âu châu như thế, chúng ta đã tiếp nhận luôn cả trái ngon lẫn trái độc.

Công giáo Pháp Tây Ban Nha thời trung cổ rất bảo thủ và cuồng tín. Hãy nhìn lại cuộc thánh chiến do Công giáo Pháp phát động để chống lại Tin Lành thì thấy. Đúng là đại nội chiến, máu dân Pháp chảy thành sông, xương dân Pháp chất thành núi được – mặc dù Tin Lành vẫn là Thiên Chúa giáo nhưng cải cách (bây giờ gọi là đổi mới) để phù hợp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất của Tây phương. (Tại Đức, nội chiến tôn giáo này còn làm chết dân không kém vụ Killing Fields do Khmer đỏ gây ra ở Cao Miên gần đây. Ở Tây Ban Nha, tòa án Công giáo Inquisition còn tra tấn độc ác vô vàn rồi mới chịu cho những người bị coi là heretic, là tà đạo được chết.).

Nhưng cũng may cho dân tộc chúng ta là Tây Ban Nha đã rút chân ra khỏi vùng bán đảo Đông Dương rất sớm, và Công giáo Pháp đã thay đổi nhiều sau cuộc cách mạng 1789 và sự thay đổi này đã mang lại cho Việt Nam một hàng giáo phái ít đòi hỏi máu và lửa hơn xưa. Trong nhiều thế hệ, hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam đã dạy được cho giáo dân một tinh thần bao dung tương đối, biết chấp nhận sống chung hoà bình với những người khác đạo. Nhưng về văn hoá và tư tưởng, ngoài việc mở thêm cánh cửa tạo thêm một cây cầu nối liền nội địa với Âu châu, Công giáo chỉ có một công trình sáng tạo đáng kể cho Việt Nam là chữ quốc ngữ và một tinh thần biết quan tâm một cách thiết thực tới những người cùng khổ trong xã hội như những trẻ mồ côi và những người mắc bệnh nan y... Còn đứng về mặt quan điểm văn hoá văn minh mà nhìn lại mấy trăm năm hiện diện của Công giáo, chúng ta không thấy có sự đóng góp có tính cách sáng tạo nào đáng kể hơn.


Hoa thơm và trái độc

Ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, từng thế hệ trẻ đã kế tiếp nhau quay lưng vào quá khứ, chỉ duy tân, hiểu theo nghĩa là “Âu hoá” tối đa. Những thế hệ ấy đã tiếp thu, nói theo kiểu Mỹ hiện nay, là “trọn gói” các hệ tư tưởng của Âu châu, kể cả hoa thơm lẫn trái độc.

Âu châu hồi đầu thế kỷ đã phân hoá làm hai ý thức hệ đối chọi quyết liệt: ý thức hệ dân chủ Thiên Chúa giáo và ý thức hệ Mác-xít. Người Việt khi duy tân, đã tiếp thu luôn các cuộc tranh chấp kiểu ấy của Âu châu. Những người như Tự lực văn đoàn tiếp thu trọn gói ý thức hệ dân chủ – có thể gọi là ý thức hệ dân chủ tư sản hay ý thức hệ dân chủ Thiên Chúa giáo, gọi cách nào là tuỳ lập trường chính trị của mọi người, nhưng về bản chất vẫn là một thực thể ấy thôi. Những người như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... tiếp thu ý thức hệ Mác Lê-nin. Nhưng dù là theo hệ nào chăng nữa, nhược điểm của dân tộc Việt là thiếu tinh thần sáng tạo vẫn bộc lộ rõ ràng.

Do sự thiếu tinh thần sáng tạo này, chúng ta (phía cộng sản cũng như quốc gia trong đó bao gồm luôn cả Công giáo) ít hay nhiều đều trở thành cực đoan, cho rằng chỉ phe mình là tuyệt đối đúng. Phía những người quốc gia, do tiếp thu được tư tưởng dân chủ tự do, không đến nỗi trở thành cuồng tín như những người tiếp thu ý thức hệ Mác Lê, nhưng chưa đủ sáng suốt và khả năng để tránh cho dân tộc và đất nước chia làm hai. Năm 1954, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của phe quốc gia đã khóc ở Genève vì không can được đất nước chia đôi – giọt nước mắt của ông già này báo hiệu nhiều nước mắt, rất nhiều nước mắt sẽ đổ ra tại cả hai miền Nam và Bắc trong cuộc nội chiến khốc liệt xẩy ra không lâu sau đó.


Nội chiến Việt Nam: trái độc của duy tân

Nhìn bằng con mắt của người viết sử, ý thức hệ Mác Lê-nin là một ý thức hệ tấn công. Những đảng viên cộng sản phát động cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới, không phải chỉ ở Việt Nam. Có những dân tộc già nua như Nga, Tây Ban Nha, Hi Lạp ... đã không đủ khôn ngoan để tránh được nội chiến khốc liệt. Nhiều dân tộc khác, có nhiều tính sáng tạo hơn, như Anh, Pháp, Ý, Đức mặc dù sự hiện diện mạnh mẽ của các đảng cộng sản, đã cố gắng tránh và tránh được những cuộc nội chiến tàn phá đất nước một cách vô ích.

Hãy nhìn lại lịch sử điềm tĩnh một chút, thì cuộc đấu tranh của Đảng cộng sản Việt Nam đâu có gì là thần thánh. Những người lãnh đạo cộng sản chẳng qua là những người thi hành những policy của Moscow, và sau này, thêm một chút của Bắc Kinh thời Mao. Xét về một phương diện nào đó, họ là những thứ robot, những người bị cấy sinh tử phù vào não, chỉ biết thi hành máy móc những chính sách đã được soạn thảo bởi người ngoài mà thôi. Không một lúc nào đủ bình tâm mà xét những policy mình bắt dân theo đuổi ấy, có hợp có hữu ích cho dân tộc mình hay không. Cho đến tận đầu thập niên 80, chúng ta không tìm thấy một dấu vết sáng tạo nào của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Về phương diện này họ còn thua xa các đạo Khổng giáo, Phật giáo, Công giáo. Ít nhất những người lãnh đạo của các tôn giáo này còn biết Việt Nam hoá ít hay nhiều đạo mình tin tưởng.

Những người lãnh đạo phía quốc gia không có tâm thức tấn công kiểu như người cộng sản, nhưng cũng không đủ sáng suốt, thực tế và mềm dẻo để tránh cho dân tộc mình cuộc nội chiến, như Anh, Pháp, Đức, Ý... đã làm được. Khi Mỹ muốn sử dụng miền Nam như một thứ đê ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía Đông Nam Á, hết lòng võ trang cho Việt Nam cộng hoà, tấn phong cho miền này là “tiền đồn của thế giới tự do”, rất nhiều người quốc gia thời đó đã lấy làm hãnh diện. Không ý thức được là “làm lính tiền đồn” thì bảo đảm là không chết cũng bị thương, và khi ông boss ở toà Bạch Ốc mà thoả hiệp được với ông boss ở Moscow và Bắc Kinh, thì tiền đồn bị rút bỏ dễ dàng. Có thương lính tiền đồn còn sống sót sau khi tiền đồn rút bỏ thì ra lệnh cho quân đội Mỹ cứu vớt những người chạy theo bám sát mình, và rồi cho mở chiến dịch nhân đạo (Humanitarian Operation) cho những lính tiền đồn bị địch bắt cầm tù nhiều năm mang vợ con đến Mỹ làm lại cuộc đời, an hưởng chút tuổi trời còn lại. Cho đẹp một thời đã từng làm chiến hữu với nhau mà thôi.

Còn có thể có gì và là gì khác nữa đâu một khi kẻ thù chính là Soviet Union đã không còn nữa, lá cờ đỏ búa liềm đã hạ xuống và những lá cờ khác đã được kéo lên.


Kẻ lang thang bị chọi đá

Nhiều người đảng viên cộng sản Việt Nam đã bắt đầu hối hận, nhận thấy mình đã ngu khi tin theo chủ nghĩa ngoại lai Mác Lê-nin để làm dốt, làm khổ, làm đói dân tộc Việt. Họ đã biết thiên đường họ theo đuổi chỉ là một thứ “thiên đường mù” (Dương Thu Hương), đòi “ly thân” với thứ chủ nghĩa này (Trần Mạnh Hảo), và cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ và miền Nam chỉ là một thứ “tiểu thuyết vô đề” (Dương Thu Hương). Họ đã bắt đầu hiểu họ đã có lỗi lầm lớn là hi sinh quyền lợi của dân tộc mình để phục vụ cho một chủ nghĩa ngoại lai của mấy ông râu xồm da trắng mắt xanh.

Còn tại hải ngoại thì sao? Nếu nhà văn Võ Phiến đã có lần viết đùa là trong tương lai vẫn có thể có một thành phần thờ Mác Lê nin như một bộ lạc Phi châu thờ con bò tót, thì cũng có thể thêm rằng trong cộng đồng Việt hải ngoại vẫn còn một thành phần thờ “người lính tiền đồn”. Mỗi năm tụ họp nhau thờ cúng hình tượng này, chỉ hướng về quá khứ Việt Nam cộng hoà mà thôi, khóc than một quốc gia đã không còn nữa.

Tôi cũng làm lính tiền đồn trong nhiều năm nhưng trong ý thức là mình làm điều phải làm của người đàn ông trong một đất nước có chiến tranh, chứ chẳng lấy chuyện đi lính xưa kia của mình là thần thánh gì để đến nỗi bây giờ mỗi năm mặc áo lính cũ lên để chào lẫn nhau và thờ kính một quốc gia đã bạc mệnh từ lâu. Hơn nữa tôi thường nghĩ rằng làm người lính thì bổn phận đầu tiên là phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ dân tộc minh. Tôi và các đồng đội năm 1975 đã không hoàn tất được nhiệm vụ ấy để cả một dân tộc phải sống trong một chế độ hà khắc và đói khổ. Rồi sau đó trong nhiều năm, rất nhiều năm sau đó, tôi đã thử tìm xem có cách gì làm thay đổi tình hình nội địa hay không. Và tôi đã không tìm thấy, có tìm thấy cũng không đủ tài sức để làm, tôi đã thấy mình bất tài bất đức để sau cùng chọn giải pháp bỏ quê hương dân tộc sau lưng, đi theo vợ con sang Hoa Kỳ làm lại cuộc đời. Tôi không hề làm cái điều tự đánh lừa mình bằng cách sử dụng chiêu bài “ta ra đi để chống cộng ở hải ngoại” bởi vì trẻ con trên mười tuổi cũng biết được rằng Đảng cộng sản, lực lượng công an và quân đội, đều ở trên đất nước Việt Nam. Muốn chống Cộng thật, phải ở lại Việt Nam mà chống. Không thể đã ra hải ngoại rồi mà còn chơi trò ảo giác và ác độc bằng cách đi chụp mũ bừa bãi những người nghĩ khác mình, rình rập đánh lén bắn lén kẻ khác chính kiến, rồi đêm khuya khui rượu khui bia ra uống và tự tấn phong là “anh hùng chống Cộng”.

Tôi đã thấy khi tôi bỏ quê hương ra đi, tôi đã thất bại tới hai lần trong việc bảo vệ và giúp ích cho dân tộc Việt. Lắm lúc tôi ngậm ngùi: phải chi mình còn khoẻ hơn, trẻ hơn và can đảm hơn thì chỗ của tôi phải là ở lại Việt Nam mà chiến đấu cùng dân tộc mình cho một chế độ mới tốt đẹp hơn. Chứ đâu có thể bỏ đi như thế. Chính vì lòng ngậm ngùi ấy đã thúc đẩy tôi rất nhiều trong việc đeo túi sách vào đại học từ bao năm và viết lách được nhiều.

Tôi hiểu rằng từ nhiều năm Đảng cộng sản Việt Nam đã bế quan toả cảng quá kỹ về văn hoá tư tưởng, những đảng viên đã phản tỉnh, muốn đổi mới, muốn chấm dứt sự áp dụng chủ nghĩa Mác Lê-nin lỗi thời như chiếc xe thổ mộ, họ cũng chẳng kiếm đâu ra dễ dàng những sách vở tài liệu cần thiết phải đọc. Bởi thế dù không nói ra, họ vẫn hướng về cộng đồng hải ngoại, đặc biệt là cộng đồng Bắc Mỹ, nơi giàu có và khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới. Những người trong nước chờ đợi một ngày kia người hải ngoại sẽ mang về cho dân tộc những ý thức mới, kiến thức mới, quản trị mới, khoa học kỹ thuật mới. Và những người hải ngoại chỉ có thể đáp ứng nhu cầu này của dân tộc mình trong nội địa (tôi viết DÂN TỘC, chứ không phải CHẾ ĐỘ cộng sản đâu) nếu mình chịu khó đọc và chịu khó học.

Nhưng một con người chỉ có thể đọc điều mới, học được cái mới nếu mình có tâm hồn rộng mở, gạt bỏ những tiền đề xưa cũ để tiếp thu những điều mới mẻ, và nói kiểu người Mỹ, những issue, những option mới cho mọi vấn đề của dân tộc. Và tôi nghĩ rằng cái bộ lạc thờ con bò tót đỏ Mác-xít của ông Võ Phiến, hay một số đồng đội cũ của tôi đang thờ cúng “người lính tiền đồn” đều giống nhau ở một điểm là đều khó tiếp thu được những cái gì là mới mẻ, là hiện đại của thế gian này.

Tôi đã mở rộng tâm hồn làm kẻ lang thang giữa các nền văn hoá văn minh để tìm kiếm những cái gì là hay là tốt cho dân tộc mình. Tôi như con tằm đã ăn nhiều dâu thì phải nhả ra tơ thôi. Tôi đã viết được nhiều và những điều viết ra ấy, nếu được đa số tán đồng thì vẫn có một số khác chọi đá về tôi. Tôi không ngạc nhiên về hiện tượng chọi đá ấy và cũng chẳng để những viên đá ngăn cản việc học hỏi tư duy và viết văn của tôi, nhưng cũng có lúc không khỏi ngậm ngùi một cách nhẹ nhàng.

Mùa đông năm vừa qua tất cả năm giáo sư dạy tôi đều ít hay nhiều còn tin tưởng ở chủ nghĩa Mác. Tôi đã tranh luận và đụng độ thật nhiều với họ, đến độ đã có lúc tôi phản đối bằng cách ngồi lỳ im lặng trong mọi buổi seminar, để rồi sau cùng lãnh một lời phê rất xấu – cũng may là nhờ học hành chăm chỉ bài làm đầy đủ nên không bị đánh rớt. Và ông thầy mới nhất của tôi trong Anthropology of Human Communities mới buông bút phê tôi là “ considered as conservative...” (được coi như có lập trường bảo thủ). Trong khi đó thì một số đồng bào của tôi lại tìm cách chụp nón cối, kết án tôi là thân cộng hay này nọ.

Tôi đúng là anh chàng lang thang quanh các nền văn minh và các hệ tư tưởng xanh đỏ của loài người, mải mê tìm những điều tốt đẹp cho dân tộc mình, nên đã loạng quạng đứng ngay vào giữa hai làn lửa, và lãnh đá của cả hai bên.


Nội chiến và nội chiến

Tôi đã ý thức cuộc Việt Nam nội chiến vừa qua chẳng có gì là thần thánh cho bất cứ bên nào, bên thắng cũng như bên bại, bên xanh cũng như bên đỏ. (Nghĩ cho cùng thì cuộc nội chiến giữa Trịnh và Nguyễn, giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ cũng có gì là thần thánh đâu xét theo quan điểm của chúng ta bây giờ). Tôi cũng đọc nhiều về các sự hình thành và tiêu tan của các nền văn hoá văn minh khác nhau trên thế giới. Tôi được dạy rằng mỗi một dân tộc đều cũng như một con người, chỉ có một khả năng, một số năng lượng dự trữ nhất định mà thôi. Khi một người hay một tập đoàn lãnh đạo tiêu hao quá nhiều năng lượng của dân tộc mình vào những công trình quá lớn, thí dụ như xây Vạn lý trường thành hay Đế thiên Đế thích, hay nội chiến khốc liệt, thì chân khí của dân tộc hao mòn đến mức độ báo động, dễ dẫn toàn thể dân tộc đến tiêu tan, đất nước suy tàn.

Cuộc nội chiến Việt nam đã quá dài và hậu quả để lại một dân tộc vừa lạc hậu vừa nghèo xác nghèo xơ. Đã đến lúc phải tìm kiếm cho dân tộc Việt một thời gian dài sống trong hoà bình để phục hồi năng lực và xây dựng lại đất nước. Bởi thế tôi không hề muốn kéo dài cuộc nội chiến lâu hơn nữa dưới bất cứ hình thức nào. Và giả thử tôi có muốn chăng nữa cũng chẳng còn có thể làm được. Những đồng đội cũ của tôi và cả tôi nữa đều đã già. Những người đi từ 1975 đều đã quá mập mạp, ít nhiều cũng có bụng tròn vo, bảo chạy tay không một mile thôi chưa chắc mấy ai làm nổi chứ đừng nói vai mang ba-lô 20 kí với súng cầm tay. Những người đi sau cũng không khá gì, sức đã kiệt sau nhiều năm khốn khó ở quê nhà. Chưa kể tất cả những cựu chiến binh ấy, khi đêm khuya thanh vắng đối diện với chính mình, không biết còn tin là bản thân còn đủ tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm cần thiết để lao vào cuộc chiến máu lửa một lần nữa hay là không. Những Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn... là có thật, nhưng Trần Văn Bá chưa làm được gì đã bị xử bắn, Võ Đại Tôn bị bắt khi mới vượt dòng Cửu Long bên Lào. Không ai phủ nhận lòng can đảm của những con người này, nhưng lẻ tẻ dăm bảy người như thế trong hơn mười lăm năm, liệu có thay đổi được tình hình nội địa hay là không. Vậy có muốn nội chiến, cũng không còn có thể làm nổi.

Hơn nữa đâu có phải lòng mình mong muốn ra sao là mọi sự sẽ xẩy ra như thế trên thực tế. Tôi không muốn dân tộc tôi kéo dài nội chiến thêm nữa, nhưng cuộc nội chiến trước chưa tàn lụi hẳn, tôi đã thấp thoáng nhìn thấy nội chiến mới xuất hiện. Nhìn sang châu Âu, ngay khi chính quyền trung ương của các nước cộng sản suy yếu, nội chiến đã bùng nổ. Như đã xẩy ra ở Nam Tư, ở cộng hòa Georgia... Liệu những nội chiến kiểu như thế có thể xẩy ra hay không ở Việt Nam trong những năm tới khi Đảng cộng sản Việt Nam đi đến chỗ tự giải tán?

Tôi đang nghi ngờ là dám có lắm vì dân tộc Việt đang chứa chất bên trong người mình khá nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn. Mâu thuẫn giữa miền Nam và miền Bắc, giữa cộng sản bảo thủ hardliner và đổi mới reformer, của những người của Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ và người của Thanh Nghệ Tĩnh, giữa Bắc Kỳ 54 và Bắc Kỳ 75, giữa Công giáo và Phật giáo, giữa Kinh và Thượng... Chưa kể mâu thuẫn giữa những người ở hải ngoại đã lâu và người nội địa. Nhìn hướng nào cũng thấy hận thù ngút ngàn. Bởi thế nếu tôi đã có viết hay làm những gì cho giảm bớt những hận thù ấy, thì đó cũng là chọn lựa duy nhất tôi có thể làm được

Khi viết những giòng này, thời gian đã ở khoảng khắc năm cùng tháng tận, tôi biết trên khắp hành tinh này đang có những người trí thức, những nhà văn, những nhà tu hành và những người thiện chí khác, cũng đang thao thức về tương lai Việt Nam như tôi. Mỗi người ở không gian cư trú của mình, đều cố tìm những giải pháp mới. Tôi muốn nhắn tới những người bạn đó rằng những cuộc hành trình tư duy loại này đòi hỏi rất nhiều tự do và tinh thần sáng tạo, không quan tâm đến những ý thức hệ, những tiền đề có sẵn xưa cũ nữa. Hãy phóng hết sức về phía trước không một thành kiến nào, không để một giáo lý nào cấm cản, dù là giáo lý đỏ hay giáo lý xanh. Và dĩ nhiên khi làm như thế cũng đôi khi cần tới cả lòng can đảm, tình yêu thương chân thành dân tộc mình và cả tình tự nhân loại không phân biệt màu da sắc tộc và tôn giáo nữa.

Hãy nghĩ từ vị trí Việt Nam, nhưng không phải 1à một Việt Nam tách biệt, không phải là một Việt Nam cộng hoà hay Việt Nam cộng hoà xã hội chủ nghĩa, mà là một Việt Nam trên hành tinh Trái Đất này.


Thế Uyên

cuối năm 1991

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss