Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 14 / Tạm gọi là gặp gỡ...

Tạm gọi là gặp gỡ...

- Thu Trang — published 01/12/2010 01:50, cập nhật lần cuối 01/01/2011 20:52

Bạn đọc viết


Tạm gọi là gặp gỡ...

 

Sở dĩ có mấy trang này vì tôi đã đọc đi đọc lại phần cuối bài của Thế Uyên đã ngỏ lời nhắn những ai đang thao thức về tương lai Việt Nam. Từ lâu tôi cảm thấy cần trân trọng những ý kiến đóng góp để xây dựng đất nước của kiều bào – dù có những bài đọc rồi chỉ thấy buồn và bực, vì có tác giả tự cho quyền mình được thoá mạ, chỉ trích nặng lời, vô trách nhiệm và bất công không phân biệt những người đã góp máu xương cho công cuộc giải phóng Tổ Quốc. Vào thời điểm này muốn chỉ trích thì dễ quá và đã trở nên nhàm chán. Có tinh thần hoà giải, cùng muốn đóng góp gì về với đồng bào, dân tộc, mới là đáng để thảo luận... và để mất thì giờ. Hướng về tương lai là cần thiết.

Với tinh thần ấy, tôi viết những cảm nghĩ sau đây, thành thực góp ý cùng Thế Uyên, tác giả bài “ Cần nhiều tự do và sáng tạo hơn nữa” in trong Diễn Đàn số 13, tháng 11.1992.

Tác giả đề cập đến nhiều vấn đề trong bài này, mà theo sự hiểu biết của tôi có ba điều gửi gấm, xuất phát từ kinh nghiệm sống và các quan niệm của tác giả: nhận thức, giáo dục và dự báo. Tác giả tự nhận là kẻ lang thang giữa các nền văn minh nên cộng với cuộc sống, hành trình của bản thân đã đưa ra những nhận thức về con người và đất nước Việt Nam. Tác giả đã viết: “... tôi đã đi đến một vài kết luận, một số vấn đề, cho dân tộc Việt Nam ở nội địa cũng như ở hải ngoại (Tôi nhấn mạnh – TT)”. Tất nhiên là người có quyền cho và người có quyền từ chối. Vì không phải hoa nào cũng có hương thơm, quà nào cũng phải nhận đâu.

Việt Nam: một dân tộc thiếu sáng tạo. Trong một đôi ý nào đó có lẽ tôi thấy điều trên không phải là thiếu cơ sở. Thí dụ như hiện nay, việc các con rồng châu Á đang... làm cho Tây phương ngạc nhiên về sự vùng dậy của các nước Đông Nam Á, về sự bắt kịp kỹ thuật mới, cách làm ăn khoa học để đưa đến sự cường thịnh, là do ở động cơ gì, sức mạnh nào? Đã có một vài học giả Pháp đề cập đến việc cần nghiên cứu để biết rõ hơn về sự chuyển mình một cách nhanh chóng của những nước này. Họ tìm hiểu cấu trúc xã hội bắt nguồn từ tổ chức chính trị hay một cơ cấu giáo dục và đào tạo, v.v... Họ đã nghiêm túc làm công việc trên và đâu đây đã đưa ra một số kết luận về sự kiện: các nước trên đã biết áp dụng phương pháp hành động và giáo dục rút từ học thuyết Khổng Tử! Nhà học giả Léon Vandermeersch đã viết quyển Le Nouveau Monde Sinisé (Nxb Puf, Paris 1986) để tìm hiểu sự mạnh, yếu của các nước cùng trong khối Hán học (hiểu theo nghĩa cùng một nền văn minh bắt nguồn từ Trung Quốc). Quyển sách của một chuyên gia về Trung quốc học nên có những phần nặng về ngôn ngữ học, nhưng có nhiều trang rất quý, làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Vì dù muốn hay không, Việt Nam đã trải qua chế độ phong kiến kiểu Khổng giáo suốt mấy chục thế kỷ và còn ít nhiều ảnh hưởng. Tôi thấy rất thèm được đọc một học giả hay triết gia người Việt nào đề cập, nghiên cứu sâu đánh giá, ứng dụng và so sánh đề tài này ở Việt Nam...

Về ngôn ngữ, xin trở lại bài của Thế Uyên, tại sao gần như mỗi vài ba câu lại có một tiếng Anh? Tôi thấy không hiểu được thái độ này, trừ phi nhà văn đang muốn đổi phong cách hay cố tình tạo ra một nghệ thuật ngôn từ mới? Trong bất cứ trường hợp nào thì Ban biên tập có lẽ phải chú thích và dịch những chữ nước ngoài vì cần tôn trọng độc giả. Mới đây, trong tờ Thông Luận số 54, tháng 11.92, có một độc giả đã phàn nàn vì có một chữ Pháp thôi trong một bài nào đó và đã yêu cầu Ban biên tập phải dịch, nếu muốn giữ nguyên văn bài của người viết. Tôi thấy ý này rất đúng vì e là vài mươi năm nữa, những cây bút ở nước ngoài sẽ viết một nửa tiếng nước ngoài, một nửa tiếng mẹ đẻ cũng nên. Điều này có liên quan đến sáng tạo không? Ngôn ngữ Việt Nam có đến nỗi thiếu chữ để diễn tả không?

Hoa thơm và trái độc . Đọc những đoạn này thấy nổi bật ý thức giáo dục của tác giả. Điều đáng chú ý là sự đánh giá về quan niệm tiếp thu nhiều ý thức hệ kể từ đầu thế kỷ. Tôi thấy khó đồng ý về nhiều đoạn. Ở đây chỉ xin nêu lên một điểm, về câu “Người Việt khi duy tân, đã tiếp thu luôn các cuộc tranh chấp (ý thức hệ) của Âu châu ...” Tôi không có ý tranh luận, chỉ muốn có thái độ khách quan, công bằng và nhất là đặt ý nghĩa lịch sử của Phong trào Duy Tân cho đúng vị trí. Theo rất nhiều sách vở (đa số là in ở miền nam trước 1975, đặc biệt là các quyển Đông Kinh nghĩa thục của Nguyễn Hiến Lê và Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn) thì Phong trào Duy Tân do các nhà nho yêu nước đã khởi xướng từ thời 1903-1904, mà hành động đầu tiên là thành lập Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội. Trong số các nhà khoa bảng nổi tiếng có hai vị họ Phan: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai vị này đã đi vào lịch sử cận đại với hai khuynh hướng: bạo động, cách mạng vũ trang của Phan Bội Châu và cách mạng văn hoá, với các khẩu hiệu Dân sinh, Dân trí, Dân quyền và đi đến Dân chủ của Phan Châu Trinh. Riêng tôi thấy sự nhìn xa của nhà nho này thật rất đáng cho hậu thế học hỏi. Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn đả phá óc vọng ngoại... Trên những nền tảng chính trị và lịch sử như vậy, tôi e rằng nhà văn Thế Uyên dùng hai chữ duy tân trong đoạn văn kể trên là không đúng. Các từ ghép đã trở nên thành ngữ như Cần Vương, Duy Tân, Việt Minh, Việt Cộng, Tự Lực, hay các địa danh như Yên Thế, Yên Bái, Điện Biên, đều mang nặng nội dung lịch sử, nội dung văn hoá, chính trị một thời, chúng ta không được làm sai sự thật. Vì tôn trọng tâm huyết, tinh thần yêu nước, sự hy sinh của bao nhiêu người đã chết chóc, tù đày vì những phong trào trên. Bạn nào thích đọc tiếng Pháp về giai đoạn này, nhất là về phong trào chống thực dân Pháp của các nhà nho Duy Tân theo khuynh hướng cách mạng vũ trang của Phan Bội Châu, nên tìm đọc cuốn Tự Phán của cụ Phan, đã được nhà Việt học Georges Boudarel dịch và chú thích, in trong tạp chí France - Asie số đôi 194-195, Paris 1968. Đây là một quyển sách sử cận đại rất đáng đọc và suy gẫm. Mỗi trang sách là những huyết lệ của nhà nho trên đường cứu nước, nỗi đau quằn quại và sự tủi nhục của người dân bị đô hộ được thể hiện sinh động... Đọc quyển sách này để mà hiểu rõ hơn về lịch sử Phong trào Duy Tân, để biết ơn sâu sắc tất cả những ai đã chiến đấu cho chúng ta thoát cái nhục của dân bị trị.

Kẻ lang thang bị chọi đá . Là người Việt, chúng ta thấm thía những bi hài kịch của hàng triệu người đang sống trong thời đại hôm nay. Trong sự thay đổi và chao đảo của cả thế giới, nhân dân bao nước, kể cả Việt Nam đã và đang sống trong những thảm trạng vô cùng phi lý, bất công, đen trắng lẫn lộn, đạo lý đảo ngược, thì người cầm bút chúng ta – nhất là những ai muốn hay “bị” làm kẻ sĩ của thời đại – làm sao tránh được những sự va chạm, những nỗi oan khiên, ngậm ngùi, đau nhức, buồn phiền... Cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả một câu, vâng chỉ một câu thôi, như vậy cũng tạm gọi là gặp gỡ nhau trên một tinh thần đồng điệu nào đó.

“Đã đến lúc phải tìm kiếm cho dân tộc Việt một thời gian dài sống trong hoà bình để phục hồi năng lực và xây dựng lại đất nước.”

Làm người Việt, có lẽ không ai lại chối từ điều này. Vậy nên, về phần dự báo ở trong bài của Thế Uyên, tôi hy vọng là sẽ không đến nỗi như tác giả tưởng. Nhân dân Việt Nam đã trưởng thành và có quyền được hưởng tự do, cơm no áo ấm và được học hành để tự lực tiến tới hạnh phúc và thịnh vượng. Và chỉ có dân tộc là trường tồn vĩnh cửu. Những gì đáng đào thải sẽ phải biến đi, không ai cản mãi được sự tiến hoá.


Thu Trang

Paris, mùa thu 92.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss