Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Bàn tròn với Lê Ngọc Trà

Bàn tròn với Lê Ngọc Trà

- Lê Ngọc Trà & all — published 10/12/2010 01:05, cập nhật lần cuối 07/01/2011 14:05
Người cộng tác: Lê Bình - Tuyết Lộc (thực hiện)


Bàn tròn
với Lê Ngọc Trà


Lê Bình - Tuyết Lộc
thực hiện

 

Một trời cuối tháng bảy, trời mưa. Ảnh hưởng cơn bão số 4 ở phía Bắc nên trời Sài Gòn cũng mưa “lai rai” như mưa Huế. Mấy anh em văn nghệ và bạn hữu quây quần bên chén rượu bàn chuyện văn, chuyện đời. Câu chuyện văn chương đang hứng, bỗng đâu xuất hiện một chàng kẻ sĩ xứ “bãi cát dài”: Hoàng Phủ Ngọc Tường, tổng biên tập Cửa Việt. Nâng chén rượu chào bàn, lướt qua những gương mặt quen và chưa quen: Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà, Trần Mạnh Hảo, Trần Hữu Tá, Hoàng Thiệu Khang, Hồ Quốc Hùng, Xuân Đài, Thu Bồn, Lê Tiến Dũng, Lữ Phương, Lâm Vinh, Phan Đắc Lập, Nguyễn Tiến Toàn, Lê Minh Ngọc..., chàng kẻ sĩ bỗng nảy ra một sáng kiến: phỏng vấn. Anh nâng chén rượu ngang mày mà rằng:

– Thưa các anh, vừa rồi Cửa Việt có nhận được nhiều thư bạn đọc hỏi về cuốn Lý luận và Văn học của Lê Ngọc Trà. Bạn đọc hỏi có phải cuốn sách này là “Lý luận lạc hướng” không? Tại sao cuốn sách Lê Ngọc Trà lại sặc mùi Gorbachốp? Một cuốn sách như thế tại sao Cửa Việt lại đăng bài khen, v.v... Nhân có đông các anh ở đây, (nhìn một lượt) gần hết lại toàn là giáo sư, nhà lý luận, nhà phê bình văn học uy tín đầy mình, Cửa Việt muốn xin  nghe ý kiến các anh để về thông báo lại với bạn đọc. Thế là một “hội thảo bàn tròn” chung quanh cuốn sách Lý luận và Văn học của Lê Ngọc Trà nghiễm nhiên hình thành.


Ý tưởng đã sẵn trong đầu mỗi người, chỉ cần bật máy ghi âm.

 

Hoàng Thiệu Khang: Tôi thấy anh Lê Ngọc Trà là một người có tư tưởng lý luận. Nhưng xem ra số phận tư tưởng của Lê Ngọc Trà cũng long đong. ( Chắc Hoàng Thiệu Khang muốn nói tới những bài báo cấp tập nã vào cuốn sách của Lê Ngọc Trà). Đó cũng là long đong của cái mới. Anh Nguyễn Văn Hạnh, anh Lê Đình Kỵ, những tiền thân của anh Trà cũng đã được cái long đong vinh hạnh này. Tôi sẵn sàng đổi tất cả những gì mình đã có, mười lần cái mình đã có để đổi lấv cái “long dong” của anh Trà.

Anh Trà đăng ký tư tưởng văn học của mình vào lúc giao thời. Lực luợng cái cũ tuy đã lay động nhưng vẫn còn chống trả theo đà quán tính. Tôi thấy những người phê phán anh Trà thường là những người bảo thủ, hoặc là cơ hội. Còn lực lượng cổ xuý đều là những tư tưởng mới, mới theo kiểu ý thức thì Lữ Phương, Huỳnh Như Phương, mới theo kiểu thành tâm thì là Vu Gia...

Tôi muốn nói trường hợp ngoại lệ, đó là bài anh Trần Đình Sử đăng trên tờ Văn Nghệ. Tôi ngạc nhiên về bài của anh Sử. Trần Đình Sử là người thông minh, có học vấn, không hiểu sao vừa rồi lại nói năng như vậy. Tôi e rằng ở đây có quy luật “hoa ghen thua thắm...” Khi cái tâm mù loà thì cái trí cũng mù loà theo. Anh Sử muốn phê phán tư tưởng lý luận của anh Trà, nhưng bài rào đón quá, dài quá. (Anh Phan Đình Diệu có nói với tôi anh quý cuốn sách của anh Trà ở chỗ không rào đón). Trong tổng quát tôi thấy bài anh Sử không có nội dung. Anh Sử khẳng định anh Trà không hiểu Mác-Lênin, anh đưa ra những chỉ trích cũ như trái đất, phê bình trên những điều mà sinh viên năm thứ nhất cũng biết rồi. Anh Sử muốn tỏ rằng mình “Tử viết” hơn anh Trà, chứng tỏ rằng mình hiểu Mác-Lênin hơn anh Trà. Anh Sử cho rằng anh Trà quan niệm những gì mình viết ra là “chơi”, tôi cho là không đúng. Anh Trà nêu vấn đề rất nghiêm túc. Anh Lữ Phương đã đánh giá anh Trà công bằng, tôi không muốn nói lại nữa.

 

Nguyễn Văn Hạnh: Tôi rất ủng hộ cách đặt vấn đề của anh Tường. Tờ Cửa Việt là một tờ báo có uy tín. Trong những dịp gặp gỡ như thế này mà đặt vấn đề trao đổi là rất hay, tôi xin hưởng ứng.

Trong việc trao đổi về cuốn sách của anh Trà tôi băn khoăn không phải vấn đề khoa học, vì vấn đề khoa học có thể đúng, có thể sai, nhưng cái làm băn khoăn hơn: có phải đúng không khí khoa học thật không? Nhận xét, nhận định thậm chí phê phán gay gắt về một công trình nghiên cứu đã được dư luận rộng rãi chú ý, cho là “không đáng tin cậy”, là “lạc hướng”, mà lại chỉ dựa vào một bài phỏng vấn, một bài viết trong cả tập sách, thậm chí một vài ý, một vài câu tách rời chỉnh thể, cắt xén, gắn kết hết sức tuỳ tiện thì không thể nói là trung thực và nghiêm túc trong công tác lý luận và khoa học được.

Quyển sách của Lê Ngọc Trà chưa phải là một công trình chuyên sâu. Nhiều vấn đề mới được nêu lên mà chưa được trình bày có hệ thống lý giải cặn kẽ. Những nhược điểm này cũng khó tránh khỏi, do sự phong phú và tính chất phức tạp của các vấn đề được nêu ra. Nhưng điều đáng quý là Lê Ngọc Trà đã viết một tập sách hết sức trung thực và nghiêm túc, đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với sự nghiệp văn học và sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đã khá lâu, tôi mới được đọc một cuốn sách về lý luận văn học có nhiều phát hiện mới mẻ, có một nhận thức tinh tế như vậy về văn học. Một cuốn sách trình bày các vấn đề lý luận văn học phức tạp một cách uyển chuyển, hấp dẫn và được viết có “chất văn” như trong giới chúng ta thường nói. Hội Nhà văn quả đã không lầm khi tặng giải thưởng cho cuốn sách của Lê Ngọc Trà. Và bất chấp những lời đả kích hung hăng, ác ý của một vài người nào đó, đông đảo những người nghiên cứu và sáng tác cũng như đông đảo bạn đọc bình thường, vô tư thông cảm và trân trọng thiện chí của anh, công phu của anh, tâm huyết của anh.

Trong những bài viết về anh Trà tôi rất thích bài anh Lữ Phương. Các bài của anh Đỗ Văn Khang, Hoàng Nhân viết rất cẩu thả. Anh Trà là người nhạy cảm, cái anh nêu “bệnh suy tư tưởng” là rất đúng. Anh Nguyễn Minh Châu nói văn học ta nặng về minh hoạ cũng là nói bệnh suy tư tưởng này. Anh Trà khẳng định văn học cần phải có tư tưởng, và đó chính là chỗ đóng góp của các nhà văn, của người nghệ sĩ.

Tôi rất tiếc là qua mấy bài phê bình anh Trà của anh Trần Đình Sử, tôi thấy anh Sử thiếu sự nhạy cảm và tinh tường trong văn học. Tôi rất quý anh Sử nên lại càng tiếc. Anh Sử hoá ra nghĩ rất cũ. Người làm khoa học phải biết quý trọng những tìm tòi của người khác chứ.

 

Trần Mạnh Hảo: Đọc cuốn sách này tôi thấy anh Trà đúng là một người làm lý luận. Anh viết lý luận như chúng tôi sáng tác chứ không phải theo kiểu hàn lâm. Lâu lắm rồi tôi mới được đọc những trang lý luận phê bình có ấm lạnh của trái tim con người như thế.

Hệ thống hoá những vấn đề lý luận mà anh Trà nêu ra so với thiên hạ chưa có gì thật mới. Nhưng với ta là mới. Anh Trà đã làm một việc là chinh phục độc giả không phải bằng lý luận mà bằng hơi ấm của bàn tay sáng tạo, bằng trang giấy sột soạt rất đời và có cả sự sợ hãi trong ngòi bút. Sự sáng tạo bao giờ cũng sợ hãi và non nớt như chiếc lá non dễ bị “sâu bọ” quấy phá. Trong cuốn sách của anh Trà có những lầm lẫn, nhưng đó là những lầm lẫn đúng của người sáng tạo.

Đọc sách anh Trà người ta có thể bắt bẻ anh nhiều điều, chẳng hạn cho anh phủ nhận “chức năng” phản ánh hiện thực của văn học. Tôi thì tôi thấy anh Trà nói “nghiền ngẫm” hiện thực là đúng. Nghiền ngẫm là mồ hôi, là máu, là gan ruột, là cuộc đời. Lý luận ta cứ loay hoay tranh cãi về mấy “chức năng” này thì làm sao phát triển được. Tranh cãi những điều vỡ lòng. Người ta tìm đến văn học không phải để mong nhà văn dạy cho một điều gì mà mong được chia sẻ. Anh không nghiền ngẫm về đời thì còn mong chia sẻ được với ai. Tôi và chúng ta tìm đọc hàng vạn trang sách chỉ để tìm chìa khoá mở được cuốn sách vĩ đại nhất, chính là bản thân mình. Anh Trà đã tìm được chiếc chìa khoá này nhưng không biết là đã mở được cuốn sách của anh chưa. Hình như anh đang loay hoay mở.

Tôi đọc bài của anh Sử phê bình anh Trà, chẳng hiểu gì cả. Hình như anh Sử cố diễn đạt những điều giản dị thành khó hiểu.

 

Trần Hữu Tá: Ý kiến anh Hoàng Thiệu Khang và anh Nguyễn Văn Hạnh là sâu sắc. Với tư cách người làm văn học sử tôi xin phát biểu mấy ý:

Có thể nói tình hình văn học mấy năm gần đây rất đáng mừng. Lý luận, phê bình văn học đã đi kịp với sáng tác. Bên cạnh những người sáng tác như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, các bài về lý luận phê bình của anh Trà, anh Lữ Phương, anh Hạnh và nhiều anh chị khác có tác động đến sáng tác văn học cũng như đông đảo quần chúng bạn đọc. Đó là điều rất đáng mừng.

Một điều nữa là mặc dù chúng ta cứ tranh cãi, bàn luận nhưng khi tiếp xúc với nhiều anh chị em giáo viên văn tôi thấy họ rất tán thưởng những quan niệm mới mẻ của anh Trà.

Cuối cùng tôi thấy qua việc tranh luận về cuốn sách của anh Trà, ta nhận chân ra được phẩm chất đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp của từng người viết.

 

Hồ Quốc Hùng: Xung quanh việc tranh luận về cuốn sách của anh Trà vừa qua, tôi thấy có mấy điểm đáng ngại. Khen chê trong đánh giá là chuyện thường tình. Nhưng để có hiệu quả cần phải có tính khoa học. Tính khoa học trong phát biểu ở đây ngoài phương pháp luận, sự trung thực như nhiều người đã nói, tôi thấy cần lưu ý thêm về trình độ. Hình như từ chỗ hiểu biết chưa thật thấu đáo về học thuật cũng dẫn đến chỗ không thông cảm và tranh cãi. Rút cục, đã chẳng hiểu nhau được mà còn gây nên không khí ảm đạm không đáng có. Tôi lấy trường hợp anh Trần Đình Sử với bài thứ hai trên báo Văn Nghệ vừa rồi để nói. Bài viết thì dài nhưng chung quy lại bài anh Sử cãi nhau với anh Trà chỉ có mỗi chữ “nghiền ngẫm” ( Hình như Hồ Quốc Hùng nói trúng ý Lữ Phương, Lữ Phương đứng dậy bắt tay). Ở đây bắt bẻ chữ nghĩa là chính. Tranh luận học thuật mà anh Sử lại đi tra từ điển dùng cho học sinh! Tôi xem cuốn sách của anh Trà và tranh thủ ý kiến nhiều người chẳng thấy ai hiểu như anh Sử cả. “Nghiền ngẫm” không chỉ là tính toán, cân nhắc, chọn lựa mà để cho nó lắng xuống, để thăng hoa thành tư tưởng. Đó là thứ phản ánh “siêu”, chứ không phải thô thiển như sao chép. Chỗ này thì anh Trà đúng.

 

Lê Tiến Dũng: ( mải ghi chép, chợt thấy yên lặng, nhận ra là đã đến phiên mình) Về cuốn sách của anh Trà tôi đã có một bài trên báo Người Lao động (TPHCM). Trong bài này tôi khẳng định những đóng góp rất đáng kể của anh Trà, trong đó có hai điểm rất đáng chú ý:

Thứ nhất, anh Trà cùng với nhiều người, góp phần đổi mới quan niệm về văn học. Quan niệm về văn học ở ta chủ yếu vẫn xem văn học như một thứ vũ khí (Trần Mạnh Hảo xen vào: như một phương tiện). Phải, như một phương tiện. Quan niệm như vậy trong một điều kiện nào đó là phù hợp và có thể chấp nhận. Nhưng rõ ràng là chưa đầy đủ. Cuốn sách của anh Trà đã góp phần xác định bản thể của văn học là gì? Nó không phải là chính trị, cũng không phải là đạo đức... mà nó là nó. Tôi cho đây là tư tưởng quan trọng vì nó sẽ cho chúng ta một cách đối xử khác đối với văn học nghệ thuật (vỗ tay, Hoàng Thiệu Khang: phát hiện đó rất đúng).

Thứ hai, tôi cho rằng trong cuốn sách của anh Trà, anh Trà đã nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của người sáng tạo. Anh Trà cho rằng chủ thể trong văn học ta còn thụ động, dẫn đến bệnh suy tư tưởng. Khắc phục được điều này thì văn học ta sẽ cường tráng hơn.

Cuốn sách của anh Trà còn có nhiều đóng góp khác, cũng như không thể tránh khỏi những sai sót nhất định. Nhưng tôi nghĩ rằng trong khi những quan niệm xã hội dung tục về văn học vẫn đang tồn tại dai dẳng thì một cuốn sách như cuốn Lý Luận và Văn học thật cần thiết (Trần Mạnh Hảo đế thêm: Lênin cũng nói cuốn “Người mẹ” của Gorky là một cuốn sách cần thiết và kịp thời).

 

Lâm Vinh: Những vấn đề anh Trà đặt ra đã được thảo luận một lần rồi, khi còn là những bài báo chưa in thành sách. Cuộc tranh luận lần này là lần thứ hai. Khơi mào là bài “Lời bình” của anh Hà Xuân Trường đăng trên tờ Nhân dân Chủ nhật. Bài đáp lại đầu tiên là bài của anh Đỗ Văn Khang, Hoàng Nhân. Rồi một loạt những bài khác đăng trên báo Văn Nghệ. Trên báo Người Lao động tôi cũng có một bài. Trong đó tôi khẳng định rằng vấn đề chủ yếu trong cuốn sách của anh Trà “là góp phần dân chủ hoá, nhân đạo hoá nền văn học”. Tiếc rằng đoạn này đã bị cắt.

Không phải tôi đồng tình với những gì Lê Ngọc Trà đã viết trong cuốn sách. Nhưng tôi không đồng tình về cơ bản cách phê phán cuốn sách của anh Trà. Nói sách anh Trà “sặc mùi Gorbachốp” là không đúng. Chúng ta nhớ lại báo chí thời đó, cả nghị quyết đảng nữa, những từ như “công khai”, “cải tổ”, “perextrôika” dùng rất nhiều. Tôi cho cách phê phán anh Trà như vậy là rất cũ, cũ về cách, kiểu, phương pháp và nội dung phê phán. Mấy cái cũ đó là:

1. Tư duy phê bình rất cũ, có thể nói “ngựa quen đường cũ” biến các cuộc tranh luận học thuật thành vấn đề của đường lối của tư tưởng (Hoàng Phủ Ngọc Tường giơ tay: Xin anh Lâm Vinh nói rõ là “ngựa” hay “roi ngựa”? Nhiều tiếng cười). Và mục đích không vì khoa học, vì văn học mà nhằm quy chụp về triết học và chính trị.

2. Những bài phê phán anh Trà đều nhân danh bảo vệ chủ nghĩa Mác. Nhưng như mọi người đều biết: Chủ nghĩa Mác và nhân danh chủ nghĩa Mác là hai cấp độ khác nhau, hai cái khác nhau. Người ta có quyền đặt dấu hỏi, thậm chí cảnh giác khi nghe ai nhân danh Mác, trong lúc này.

3. Nội dung các bài phê phán có dấu hiệu phục hồi những quan niệm cũ thời bao cấp, có dấu hiệu bác bỏ những thành tựu đổi mới trong văn nghệ mà đại hội VI, Nghị quyết bộ chính trị về văn nghệ... đã nhận định và khẳng định.

4. Nội dung các bài phê phán có lối nhìn rất cũ đối với những thành tựu văn hoá gọi là tư sản, ngược với chính sách mở cửa của đảng và nhà nước, như việc phủ định, bài xích triết học Căng, Bécxông, Phơrớt, bài xích văn học hiện sinh một cách hẹp hòi, phiến diện và thô thiển. Lênin và các nhà mác xít chân chính đã từng lên án hiện tượng “Prôlêcum” (văn hoá vô sản), nhưng xem ra nó vẫn còn sống, vẫn dai dẳng bám vào xã hội mới, thậm chí có thể gọi là “hội chứng Prôlêcum”. Đó là óc kỳ thị hẹp hòi, sự dị ứng với những thành tựu văn hoá của giai cấp khác, dân tộc khác trong quá khứ cũng như trong hiện tại, mà hậu quả của nó là sẽ tạo nên một nền văn hoá đóng cửa, khép kín, và tự nó quay lại phủ nhận chính ý niệm “văn hoá”.

 

Thu Bồn: Tôi nhớ hồi chiến tranh tôi đi đọc thơ. Đọc xong bài “Trên đỉnh Chư Pông” thì được mọi người góp ý. Có người cho bài thơ viết đúng nhưng còn thiếu nói về chiến tranh du kích, có người bảo chưa nói đến việc bắn máy bay, v.v... Bây giờ chúng ta thấy là ấu trĩ, chớ hồi đó người ta góp ý rất thành thật, và tôi cũng thành thật ghi chép tiếp thu. Cuốn sách anh Trà ai góp ý thành thật, dù đúng, dù sai, cứ nghe. Còn ai đó góp ý vì một động cơ khác thì mặc họ. Chỉ xin các vị đừng có ngây thơ quá. Uống vô một ly rượu là ngây thơ rồi. Thiếu gì người bơi sắp tới bờ rồi thì buông tay. Với những người này thì chúng ta thương xót họ thôi (Chắc là ý Thu Bồn muốn nói tới những người đổi mới nửa vời).

Lữ Phương: Tôi cho rằng cuộc tranh luận về cuốn sách của anh Trà cũng giống như nhiều cuộc tranh luận trước kia. Nhưng lần này những người “đánh” thảm hại hơn nhiều. Anh Vu Gia chưa bao giờ xuất hiện trên phương diện phê bình, thế mà chỉ mới một bài báo đã chôn vùi một cung cách.

Về vấn đề văn nghệ phản ánh hiện thực tôi xin đưa ra hình ảnh: đây là những cái cây, cây xoài, cây ổi, cây mít... văn nghệ là một cái cây. Phản ánh hiện thực là mẫu số chung cho mọi cái cây (nhiều người gật đầu). Nói vậy thì tôi OK cái cây. Văn nghệ là một cái cây, nó là nó chứ không phải cái cây khác. Anh Trà nói đúng. Tôi sẽ bảo vệ đến cùng cái đúng của anh Trà (vỗ tay). Nói cho cùng văn nghệ là tiếng nói nội tâm của con người. Khi sáng tác là tôi muốn nói một điều gì đó với cuộc đời chứ không phải đi “ghi” cái này, cái nọ. Nói văn nghệ là cái tâm của người nghệ sĩ là như vậy.

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nói văn học phản ánh hiện thực là thừa. Không có cái chi lại không phản ánh qua ý thức. Nguyễn Trãi có câu thơ “ Ai ai cũng có hai con mắt”. Con người ta ai cũng nhìn thấy, trừ người mù. Đó là tự nhiên. Tôi chấp nhận phản ánh ngang đó. Nhưng thần thoại Hy Lạp kể rằng Saturne đã nuốt tất cả con mình khi mới sinh ra. Và sau đó lại nhả ra những thần linh. Hành động sáng tạo là như thế. Để tiếp thu thế giới, anh phải “nuốt” nó, tiêu hoá nó, làm cho nó thành nhũ tương trong lòng, thành chất sống tâm linh rồi mới “nhả” ra như Saturne nhả con.

Cái đó, Ôn Như Hầu gọi là “Lò cừ nung nấu sự đời”. Dù giải thích dài dòng cách nào đi nữa thì ý niệm “phản ánh” – từ nghĩa gốc của nó – cũng không diễn đạt nổi quá trình “luyện kim bên trong” này của chủ thể sáng tạo. Tôi cho rằng anh Lê Ngọc Trà dùng chữ “nghiền ngẫm” là hay, và mới.

 

Xuân Đài: Tôi đọc sách anh Trà rất kỹ và nghiêm túc. Đọc kỹ thấy anh Trà đổi mới và ủng hộ đổi mới. Sách anh Trà có ý nghĩa chính trị. Anh Trà không chỉ viết bằng lý luận mà bằng sự xúc động của trái tim. Đọc anh Trà dễ xúc động, trong đó có tôi.

 

Lê Ngọc Trà: Từ nãy đến giờ tôi lắng nghe rất kỹ ý kiến các anh, cũng như tôi đã đọc khá kỹ mấy chục bài báo viết về cuốn sách của tôi. Tôi cố tìm đằng sau các ý kiến ấy, kể cả khen và chê, những gì giúp mình nghĩ lại, nghĩ thêm. Nghe khen thì vui, nghe chê thì bực, buồn. Đó là chuyện thường tình. Nhưng với tôi, quan trọng không phải là khen chê mà là sự hiểu biết, tri âm, là nhân cách, thái độ sống, sự lựa chọn, chỗ đứng trong thời buổi hiện nay. Ở đây khoa học và cách sống đều quan trọng như nhau. Tôi nghĩ không nên vì đổi mới mà coi thường khoa học, nhưng cũng không nên, dù cố ý hay vô tình nhân danh khoa học mà đẩy lùi đổi mới.

Quả thật, về phương diện khoa học, tôi thấy mình chưa phát hiện được điều gì mới. Những bài viết của tôi trước hết là cảm hứng về sự nhận ra hay là “ngộ” nói theo ngôn ngữ của Thiền. Đó không phải là phát hiện chân lý mới mà là tự phát hiện mình, phát hiện ra sự hiểu sai chân lý – những chân lý cũ và phổ biến bị vùi lấp, bị hiểu lầm. Trong nhận thức, nghĩ lại thường khó khăn và đau đớn hơn là nghĩ đi. Bởi vậy nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và trí lực, thậm chí cả đau khổ nữa. Đôxtôiepxky có câu: “Đừng sợ đau khổ, trong đau khổ có tư tưởng”. Những suy nghĩ của tôi đã được viết ra từ cảm hứng ấy.

Trong cuộc tranh luận hiện nay có một điều làm tôi hơi buồn. Đó không phải là những sự bắt bẻ, chê bai hay quy chụp chính trị đối với cá nhân tôi. Cái chính là tôi nghĩ: lẽ ra những thứ phê bình kiểu ấy phải mất đi lâu rồi chứ, sao bây giờ vẫn còn ngang nhiên như vậy. Lẽ ra những vấn đề tôi nêu ra phải được xem là cũ rồi chứ. Dĩ nhiên tôi hiểu khi vấn đề nào còn được bàn thì nghĩa là nó vẫn còn cần thiết. Nhưng chính buồn là chỗ đó – buồn về sự chậm trễ của xã hội, của lý luận văn học nước nhà.

Vậy thì bao giờ chúng ta mới có thể nói được những điều thật mới?

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Cuốn sách anh Trà là đổi mới. Lý luận văn học không có nghĩa là mặc áo đại cán vào rồi đứng phán cho các nhà văn biết cách làm. (chắc ý Hoàng Phủ Ngọc Tường nói là đạo mạo”?). Đó từng là một cách. Còn nhiều cách khác, thí dụ cách dùng roi ngựa. Đã đổi mới thì bao giờ cũng chịu sự phản kích của đương thời. Không ai phản ứng thì chưa đổi mới đâu, không có sự đổi mới nào mà không nhọc nhằn và những con người đổi mới càng tâm huyết thì càng chịu nhọc nhằn như Chúa Giêsu chịu đóng đinh (dừng lại một chút, chờ cho xúc động qua đi rồi nói tiếp).

Tôi xin nhắc lại một ít lịch sử. Không phải bây giờ mới đổi mới mà đầu thế kỷ cũng đã có. Chúng ta có cuộc Duy Tân thời Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh mà kết thúc là một con tàu chở toàn trí thức khoa bảng, hoàng giáp tiến sĩ, cử nhân đi đày ra Côn Đảo; Huỳnh Thúc Kháng nói rằng từ thuở Hồng Bàng đến nay chưa từng có. Ngày xưa, đổi mới phải trả giá đắt như thế. Hơn nữa, đổi mới thời đó không chỉ có tư tưởng, mà cả cách ăn mặc, râu tóc, nghĩa là rất triệt để. Thế rồi cũng có người đầu đội mũ Tây, chân đi giầy Tây, nhưng lại mặc áo đen quần dài, cũng tự coi là “Duy Tân”. Vậy cho nên Tú Xương mới có thơ rằng:

Gặp ba ông táo dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần,
Trời hỏi vì sao ăn vận thế
Thưa rằng hạ giới nó
“duy tân”

Sau này sợ có người hiểu lầm Tú Xương, ông Nguyễn Văn Hiếu đã làm một bài thơ nói rõ ý Tú Xương. Tôi xin đọc để xem như kết thúc cuộc gặp mặt này:

Thưa rằng hạ giới nó “duy tân”
Chỉ có trên đầu với dưới chân
Trong bụng chứa nguyên điều hủ bại
Xin trời đại xá bọn ngu dân

Chuyện cũ nhắc lại, giai thoại cho vui mà thôi, thành thật nói là tôi không có ám chỉ ai hết. Xin cảm ơn các giáo sư, các thầy và các bạn.

(Cuộc gặp mặt kết thúc. Trời đã tối. Vẫn mưa. Không biết trời có nghe hai bài thơ “duy tân” ấy không . Nhưn g chúng tôi biết đêm nay, kẻ sĩ xứ “ bãi cát dài” kia chắc lại không ngủ, như đêm nào đối thoại với Trần Dần ở Huế).


Tháng 7 năm 92
LB-TL

 
 
 

Hoài công

 

Sau khi ra số 17 (tháng 10.92), tạp chí Cửa Việt đã bị đóng cửa dường như vì một lý do hành chính rất lạ đời: Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị không đủ số hội viên (như quy định của Bộ Văn hoá thông tin) để được quyền ra một tờ tạp chí mà bất cứ ai quan tâm đến văn nghệ đều thừa nhận là phong phú và đặt được nhiều vấn đề. Theo một thông cáo của Ban Văn hoá tư tưởng của đảng, lý do đóng cửa tờ báo có hơi khác: Cửa Việt đã đăng những bài đi ngược lại với mục tiêu, tôn chỉ của tờ báo! Còn theo Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (số đề ngày 3.2.1992), Cửa Việt bị đóng cửa vì đã đăng trong số 16 ba bài sau đây; Phỏng vấn Nguyên Ngọc, “Kim mộc thuỷ hoả thổ”, thơ Nguyễn Duy và “ Cỏ Dại”, truyện ngắn của Bảo Ninh (hai bài sau đã được đăng lại trong Diễn Đàn, số 12).

Theo chúng tôi, bài báo “Bàn tròn với Lê Ngọc Trà” mới chính là một hiện tượng văn học và chính trị đáng chú ý: đây là lần đầu tiên vài mươi nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình “quây quần quanh chén rượu bàn chuyện văn, chuyện đời”, vào một chiều mưa cuối tháng 7, ngay giữa Sài Gòn, không phải để nói cho hả theo lối AQ mà để rồi được công bố trên báo. Điều làm người đọc kinh ngạc và thích thú, đó là cái tinh thần hào sảng, cái phong thái xin được gọi là “tráng sĩ” toát lên từ những lời phát biểu. Phải chăng hiện nay “nỗi sợ không rời” đã lùi một bước khá dài? Chính vì thế mà có chuyện đóng cửa... nhằm cố duy trì cái sợ như một phương tiện cai trị. Nhưng dường như là chỉ hoài công thôi!


Diễn Đàn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss