Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Đặng Tiểu Bình và Dân chủ

Đặng Tiểu Bình và Dân chủ

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 10/12/2010 03:00, cập nhật lần cuối 07/01/2011 14:24



Đặng Tiểu Bình và Dân chủ


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Dù thích hay không, ta cũng phải công nhận rằng hai nhân vật xuất chúng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ ngày thành lập (7-1921) đến nay là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Bằng tài ba và ý chí sắt đá, cả hai đều đã thực hiện được giấc mộng lớn của mình: trở thành nhà lãnh tụ tối cao của dân tộc đông nhất thế giới. Và có lẽ, cũng như Mao, Đặng sẽ cầm quyền – đúng hơn phải nói là sẽ còn thống trị nhân dân Trung Quốc – cho đến hơi thở cuối cùng! Hiện nay khi nhắc đến Đặng Tiểu Bình, người ta liền nghĩ ngay đến vụ đàn áp ở Thiên An Môn (4-6-1989) hoặc đến chủ trương tách rời cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Thực ra vấn đề không quá đơn giản như thế: vào một vài thời điểm, ông Đặng cũng có nói đến cải cách chính trị và ngay cả đến dân chủ hoá, nhưng đáng tiếc đó chỉ là những thủ đoạn dùng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực hoặc chỉ là những ngọn lửa rơm, bùng lên chốc lát rồi tàn lụi ngay!

Sinh năm 1904, Đặng Tiểu Bình nhỏ hơn Mao Trạch Đông (1893-1976) đến 11 tuổi. Ông đã ủng hộ Mao và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Mao từ đầu những năm 30 cho đến khi bị Mao thanh trừng trong những ngày đầu của cuộc đại cách mạng văn hoá (1966). Khác với Mao vừa là nhà hành động vừa là nhà tư tưởng, nuôi cho đến ngày chết, giấc mơ xây dựng với bất cứ giá nào một xã hội lý tưởng, trong đó không còn người bóc lột người, Đặng Tiểu Bình, trái lại, là một nhà chính trị vô cùng thực tế và thực dụng. Triết lý chính trị của ông được phản ánh khá rõ trong câu nói nổi tiếng (theo Nguyễn Minh (1), thực ra là của Lưu Bá Thừa, chiến hữu chí thiết của Đặng): “không cần biết là mèo đen hay xám, miễn là bắt được chuột! ”.

Với một quan điểm như vậy, chắc chắn là Đặng Tiểu Bình (đã giữ chức Tổng bí thư từ năm 1954 và tham gia Uỷ ban thường trực của Bộ Chính trị ĐCSTQ từ năm 1956) không ủng hộ đường lối cách mạng triệt để của Mao, phát xuất từ sự phẫn nộ trước những bất bình đẳng giữa các thành phần xã hội và giữa các địa phương, cũng như trước tình trạng quan liêu hoá của đảng càng ngày càng xa rời quần chúng. Cùng chí hướng với Chu Ân Lai, Đặng chỉ nhằm một mục đích là phát triển và hiện đại hoá Trung Quốc dưới sự lãnh đạo chuyên chính nhưng không giáo điều của Đảng Cộng Sản. Nhưng khác với Chu, vốn nổi tiếng uyển chuyển và tinh tế do gốc gác gia đình quan lại, Đặng rất độc đoán và kiên quyết nên ngay chính Mao cũng phải gờm: theo Nguyễn Minh, trong một cuộc gặp gỡ vào sau khi Đặng được phục chức lần đầu, Mao đã dùng hình ảnh “bàn tay sắt trong chiếc găng nhung, những cây kim trong một cuộn len” để chỉ Đặng và nói thẳng với Đặng: “ Mọi người đều sợ đồng chí” (NM, tr.123). Đúng là Mao có “con mắt tinh đời” vậy!

Tưởng cũng cần nói rõ thêm rằng vào khoảng cuối năm 1973, do bệnh ung thư càng ngày càng nặng, Chu Ân Lai đã đem Đặng Tiểu Bình về làm phụ tá, với ý định tạo điều kiện thuận lợi để Đặng kế vị mình. Nhưng không may cho Đặng là Chu đã chết trước Mao (8-1-1976): chỉ mấy tháng sau đó (7-4-76), Đặng bị Mao thanh trừng lần thứ hai. Sau khi Mao chết (5-9-76), Hoa Quốc Phong, nhờ sự hỗ trợ của Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Ngô Đức, Kỷ Đăng Khuê và nhất là Uông Đông Hưng, lên cầm quyền, tiếp tục thi hành chính sách của Mao nhưng ít quá khích hơn “ tứ nhân bang” (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn) đã bị bắt giam một tháng sau khi Mao từ trần.

Tháng 7-76, Đặng lại được tham gia cầm quyền. Trước mắt của quần chúng và đông đảo đảng viên, ông là hiện thân của đường lối chống lại cuộc đại cách mạng văn hoá và đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo có bản lĩnh, nổi tiếng thực dụng và ít giáo điều. Sau mười năm đầy biến động và đảo lộn, nguyên nhân của biết bao nhiêu tai hoạ và tang tóc, nhân dân Trung Quốc đã trở nên quá mệt mỏi và chán ngấy tình trạng không ổn định, trở lực lớn nhất cho phát triển. Họ khao khát trật tự và một đời sống phú túc hơn. Tâm trạng này, trong một chừng mực nào đó, cũng giống với tâm trạng của nhân dân Việt Nam, vẫn còn chịu sự tác động mãnh liệt của hơn ba mươi năm chiến tranh tàn khốc: ngán sợ mọi sự đảo lộn là một nhân tố chính trị tối quan trọng, không thể quên khi phân tích tình hình Việt Nam cũng như Trung Quốc, những dân tộc “ kinh cung chi điểu”! Nhưng dĩ nhiên cùng với năm tháng trôi qua, nỗi sợ đảo lộn như “chim sợ cành cong” đó cũng sẽ mất đi.

Cho đến hè 78, ngoài mặt Đặng chỉ đóng vai trò quân sư cho Hoa Quốc Phong như Diệp Kiếm Anh, nhưng bên trong ông đã từng bước củng cố thế lực của mình. Và khi thấy là phe cánh mình đã đủ mạnh, Đặng liền khẳng định một lập trường khá tiến bộ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những thành phần cải cách trong đảng cũng như của phong trào dân chủ trong xã hội, vốn không đồng tình với đường lối của Hoa Quốc Phong được phản ánh qua khẩu hiệu: “ ủng hộ vô điều kiện mọi quyết định của Mao Chủ Tịch và tuân theo vô điều kiện mọi chỉ đạo của Người”.

Ngày 28-11-78, Đặng tuyên bố với Sasaki Ryo, người cầm đầu Đảng Xã hội Nhật: “ Việc dân chúng dán đại tự báo là hoàn toàn bình thường. Đó là dấu hiệu cho thấy sự ổn định của tình hình Trung Quốc. Chúng ta không có quyền phủ nhận hay phê bình sự nở rộ của dân chủ và đại tự báo”, ( Nhân Dân nhật báo, 28-11-78). Đúng là ông Đặng đã gãi đúng chỗ ngứa của nhân dân Trung Quốc giữa lúc bức tường dân chủ trở thành trung tâm chính trị của Bắc Kinh; đồng thời ông cũng tranh thủ được cảm tình của dư luận phương Tây và Nhật. Ngày 2-12-76, trong một cuộc nói chuyện với những người viết diễn văn cho ông trong số đó có Nguyễn Minh, Đặng tuyên bố: “Trong mọi trường hợp, chúng ta cần phải thi hành dân chủ (...) Trong rất nhiều năm, chúng ta đã nói đến chủ nghĩa tập trung (centralisme), nhưng lại lãng quên dân chủ. Hiện nay không ai dám nói, mọi người đều ngại ngùng, nên chẳng đề ra được ý kiến nào cả. Cái xấu nhất mà ta nên sợ là quần chúng nín thinh và trở thành thờ ơ”... “ Đừng sợ khi nghe người ta nói, điều khủng khiếp nhất là phải thấy mọi người chán nản. Để phát triển kinh tế, cần phải có tuyển cử dân chủ. Công nhân sẽ có thể kiểm soát những gì xảy ra trong nhà máy. Nông thôn phải được sự kiểm soát của xã hội thường dân. Cần theo đúng pháp luật. Thực tế dân chủ phải được củng cố và bảo đảm bởi một hệ thống pháp luật. Dân luật, hình luật..., đủ mọi thứ luật cần thiết” (NM, tr. 17). (Cái đáng quý ở Đặng Tiểu Bình là ông thường nói toạc móng heo những điều ông nghĩ, không vòng vo Tam Quốc gì cả; lối nói đó tuy đôi lúc có phần thô bạo và thiếu ngoại giao – như khi ông tuyên bố “ trừng phạt” “cho Việt Nam một bài học” – nhưng được cái hay là rất dễ hiểu).

Nếu đây là những câu nói chân thành thì rõ ràng ông Đặng biết khá rõ nội dung dân chủ là gì: ông đã thấy được là phát triển phải đi đôi với dân chủ và với sự hình thành và củng cố xã hội thường dân và nhà nước pháp quyền. Chẳng những thế, ông còn chủ trương là phải tiếp thu những tinh hoa của nền dân chủ tư sản rồi phát huy thêm lên. Theo Nguyễn Minh, ngày 27-1-79, Đặng Tiểu Bình nói với Hồ Diệu Bang như sau về dân chủ: “Sáu mươi năm sau Cách mạng tháng Mười, dân chủ vẫn còn bị tắt máy”... “Từ lịch sử thế giới cũng như từ sự biến hoá của nhân loại và của các xã hội, cần phải nghiên cứu sự xuất hiện và phát triển của dân chủ. Giai cấp tư sản đã dựa vào dân chủ để chống lại bạo quyền phong kiến”... “Nền dân chủ vô sản phải là giai đoạn tột cùng của dân chủ. Cần phải tiếp thu những gì tốt đẹp của nền dân chủ tư sản và làm cho chúng sáng chói thêm lên. Trong quá khứ, giai cấp vô sản đã thất bại về điểm này. Xtalin đã phạm nhiều sai lầm, chúng ta cũng thế”... “Điều quan trọng nhất là biến đổi cương vị của bọn quan liêu: phải làm sao cho những ông chủ của xã hội này trở thành những người đày tớ của xã  hội ”... “ Chúng ta muốn nhân dân làm chủ. Nhưng tất cả vấn đề là phải làm gì để nhân dân cảm thấy mình là chủ nhà nước” (NM, tr. 18, 19).

Theo Nguyễn Minh, chính cuộc chiến tranh “trừng phạt” Việt Nam xảy ra 20 ngày sau đó (từ 17-2-79 đến 16-3-79) đã đảo lộn quá trình dân chủ hoá ở Trung Quốc. Sự thực dường như không phải như vậy: xét cho cùng, trở lực lớn nhất cho việc thiết lập dân chủ vẫn là sự kiện ông Đặng và tất cả những nhà lãnh dạo khác của ĐCSTQ – có lẽ trừ Hồ Diệu Bang? – đều không phải là những nhà dân chủ đích thực, nghĩa là thấm nhuận những giá trị tự do và bình đẳng. Đối với họ, chính quyền vẫn ở đầu ngọn súng, đúng như Mao Trạch Đông đã dạy, trong giai đoạn giành chính quyền cũng như giai đoạn giữ chính quyền. Cũng theo Nguyễn Minh, nếu chiến tranh Trung-Việt một lần nữa đã xảy ra, chính là vì Đặng Tiểu Bình rất say mê quân sự và nhất là rất tự hào về thiên tài quân sự của mình đến độ vào năm 1954, khi Mao đề nghị phong ông làm thống chế, ông đã từ chối: có lẽ ông chỉ kiêng nể có một mình Mao thôi! Khi quyết định “ trừng phạt” Việt Nam, Đặng nhắm ít nhất ba mục đích:

– Làm giảm sức ép quân sự của Việt Nam đối với Khơ me đỏ;

– Chứng tỏ trước dư luận phương Tây, Trung Quốc là địch thủ của Liên Xô về mặt chiến lược;

– Và nhờ thế, chinh phục sự tin cậy của phương Tây (đặc biệt là của Mỹ) hầu mong họ giúp đỡ công cuộc hiện đại hoá Trung Quốc.

Về mặt thuần tuý quân sự, chiến tranh trừng phạt Việt Nam là một thất bại vì chẳng những Trung Quốc không đè bẹp được sự kháng cự của Việt Nam nhằm cứu nguy cho quân đội Pôn Pốt, mà còn làm cho thế giới thấy rõ những yếu kém của TQ trong một cuộc chiến tranh hiện đại.

Nhưng ngược lại về mặt chính trị, Đặng đã thành công: một mặt, ông nghiễm nhiên xuất hiện trước dư luận TQ và thế giới như là nhà lãnh đạo số một của TQ, làm lu mờ hẳn vai trò của Hoa Quốc Phong, và mặt khác, biến TQ thành đồng minh khách quan của Phương Tây lúc đó vẫn xem Liên Xô và “phe xã hội chủ nghĩa” là địch thủ chính. Sau khi chiến tranh xâm lược VN chấm dứt, Đặng tiến hành song song hai chiến dịch: cô lập hoá Hoa Quốc Phong mà ông nghi là muốn khai thác thất bại quân sự của TQ để chống lại ông và đàn áp phong trào dân chủ vì họ đã phản đối chiến tranh xâm lược VN do chính Đặng chủ trương. Bị bắt giam rồi kết án, Nguỵ Kinh Sinh cho đến nay vẫn chưa được trả tự do: điều đó chứng tỏ là ông Đặng sẵn sàng đàn áp thẳng tay những ai dám phạm thượng và dám chống lại ông.

Có thể nói hội nghị toàn thể của Ban CHTƯĐCSTQ từ 23 đến 29-2-80 đã đánh dấu sự toàn thắng của Đặng Tiểu Bình trong cuộc đấu tranh giành quyền bính vào cái tuổi mà người dân Trung Quốc bình thường đã về hưu cả mười mấy năm rồi: 76! Cùng với việc Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương (thuộc phe Đặng) vào Ban Thường trực của Bộ Chính trị, Uông Đông Hưng, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức và Trần Tích Liên (thuộc phe Hoa) đã phải từ chức. Mặc dù còn giữ cả ba chức vụ quan trọng (chủ tịch đảng, thủ tướng và chủ tịch Quân uỷ trung ương), Hoa Quốc Phong đã hoàn toàn bị cô lập. Từ mười hai năm nay, dù chính thức không cầm đầu đảng và nhà nước, trong thực tế Đặng Tiểu Bình đã trở thành một “ hoàng đế không ngai”, vượt xa lên trên tất cả các nhà lãnh đạo khác: điều đó cho thấy cái bản lĩnh phi thường của ông vậy!

Nhưng một khi đã củng cố vững vàng được quyền lực của mình rồi, Đặng Tiểu Bình lại đề cập đến vấn đề dân chủ: có lẽ vì nhà chính trị thực tế và thực dụng ở ông thấy rõ hơn ai hết những khuyết tật, những căn bệnh trầm kha của chế độ chính trị hiện hành. Trong bài diễn văn đọc ngày 31-5-80, Đặng đã dành một đoạn để phê bình ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa phong kiến, nhưng đoạn này sau đó bị kiểm duyệt nên không được đưa vào tuyển tập tác phẩm của Đặng Tiểu Bình: “Nhiệm vụ chính của chúng ta trên mặt trận tư tưởng chưa phải là phê bình tư tưởng tư sản mà là trước hết phải thanh toán ảnh hưởng của chủ nghĩa phong kiến”... “Chủ nghĩa phong kiến là một truyền thống bám sâu vào đời sống xã hội và trong quần chúng. Ảnh hưởng của nó rất đáng kể ngay trong lòng Đảng”... “Nhân dân ta, Đảng ta còn chịu nặng taí hoạ phong kiến, thế mà chúng ta chưa bao giờ xem việc loại bỏ nó như là một trong những nhiệm vụ chính của chúng ta. Tại sao hiện nay trong Đảng một số người vẫn còn chiếm đặc quyền, đặc lợi? Chính là do ảnh hưởng của chủ nghĩa phong kiến”... “Nhưng tệ hại hơn hết, chính là hệ thống gia trưởng gây rối loạn nghiêm trọng cho việc điều hành bình thường của Đảng”... “Chừng nào thế hệ chúng ta còn sống, chúng ta phải tuyệt đối bãi bỏ hệ thống bất khả bãi miễn những nhà lãnh đạo, tức là sự kiện một số người làm thủ trưởng suốt đời” (NM, tr. 93-94). Những nhận định trên đây đều vô cùng sáng suốt và xác đáng, chỉ tiếc một điều là ông Đặng đã không tự áp dụng cho chính mình? Trong bài diễn văn “Về việc cải tổ hệ thống lãnh đạo Đảng và nhà nước” đọc ngày 18-8-80 trước Ban Thường trực của Bộ Chính trị, ông Đặng đã đưa ra những nhận xét còn triệt để hơn nữa:

1. Trước hết theo ông, “ Xtalin đã vi phạm nghiêm trọng pháp chế x ã hội chủ nghĩa; có hôm đồng chí Mao Trạch Đông đã tuyên bố một điều như thế không thể xảy ra ở những nước phương Tây như Anh, Pháp hay Mỹ. Nếu đồng chí Mao Trạch Đông ý thức được điều đó, thì ngược lại trong thực tiễn, đồng chí đã không giải quyết những vấn đề đặt ra cho hệ thống lãnh đạo của chúng ta. Điều đó, cộng với nhiều nguyên nhân khác, đã đưa tới thập kỷ đầy tai hoạ của cuộc Cách mạng văn hoá”... “ Những vấn đề nghiêm trọng đã đặt ra trong quá khứ có thể sẽ lại xảy ra, nếu chúng ta không cương quyết loại bỏ những khuyết tật của chế độ hiện hành” (NM, tr. 102)

2. Tiếp theo, ông cho rằng những khuyết tật của chế độ (bệnh quan liêu, sự tập trung thái quá quyền lực, tinh thần gia trưởng, sự bất khả bãi miễn của các nhà lãnh đạo và các đặc quyền đặc lợi) phát xuất từ ba nguyên nhân chính: truyền thống chuyên chế phong kiến lâu đời ở Trung Quốc, truyền thống tập trung quyền lực vào tay các nhà lãnh đạo cộng sản vào thời Đệ tam Quốc tế, hệ thống tập trung cao độ việc kế hoạch hoá và quản lý kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, được nhập cảng từ Liên Xô vào những năm 50.

3. Ông nêu bật lên rằng mục đích của cải tổ chính trị là dân chủ hoá đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội ở Trung Quốc.

4. Cuối cùng, ông chống lại việc các nhà lãnh đạo cử người kế vị mình vì ông cho đó là một “ phương pháp phong kiến”.

Có thể nói trong bài diễn văn này, tư tưởng cải cách của ông Đặng đã đạt đến tột đỉnh. Nhưng trước sức ép của phe bảo thủ (Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Hồ Kiều Mục, Vương Chấn...) lo sợ tình hình Trung quốc sẽ giống như Ba Lan với sự phát triển của công đoàn Đoàn Kết, Đặng Tiểu Bình đã nghiêng hẳn về phe bảo thủ, sau khi thấy phe này đã liên minh được với cánh Triệu Tử Dương vốn muốn tranh quyền kế vị Đặng với Hồ Diệu Bang. Thêm một lần nữa, sự trở cờ này chứng tỏ rằng, mặc dù thấy rõ được sự cần thiết của một cuộc cải cách chính trị toàn diện theo hướng dân chủ hoá sau nhiều năm nghiền ngẫm về thực tiễn cách mạng Trung Quốc và thế giới với tinh thần thực dụng, ông Đặng luôn luôn sẵn sàng lùi bước khi thấy quá trình dân chủ hoá đụng chạm hoặc đe doạ đến quyền lực của ông. Ngày 25-12-80, Đặng Tiểu Bình đọc diễn văn “ Thi hành chính sách điều chỉnh, bảo đảm ổn định và thống nhất”, ủng hộ đường lối của Trần Vân và Triệu Tử Dương. Ông kêu gọi “phải củng cố bộ máy nhà nước của nền chuyên chính dân chủ nhân dân để đánh không chút xót thương, chia rẽ và làm tan rã những lực lượng phá hoại ổn định và thống nhất”. Trong hơn năm năm (81-85), ông Đặng không nói gì đến dân chủ hoá nữa; ông chỉ tập trung vào chính sách mở cửa và hiện đại hoá kinh tế, mặc dù gặp sự bao vây chống đối của phe bảo thủ (đó là điểm tích cực cần khách quan thừa nhận!). Nhưng do sự phát triển rất nhanh của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở nông thôn, công cuộc cải cách kinh tế ở vào một ngõ cụt mới. Phần lớn giới trí thức và ngay cả một bộ phận những nhà lãnh đạo như Hồ Diệu Bang, Vạn Lý... đều nghĩ rằng, muốn tiếp tục cải cách kinh tế, cần phải thực hiện cải cách chính trị. Và chính ông Đặng cũng sực nhớ đến những luận điểm quan trọng về dân chủ hoá mà bản thân ông đã đề ra vào năm 80. Chỉ trong vòng ba tháng, ông bàn đến vấn đề cải cách chính trị tới bốn lần!

– Ngày 10-6-86, ông tuyên bố: “ Cải cách phải bao gồm cải cách những cơ cấu chính trị, chính là biểu tượng của cải cách”... “Vào năm 80, người ta cũng đã nói đến cải cách những cơ cấu chính trị, nhưng lại không thực hiện điều đó, đã đến lúc phải đưa nó vào nhật thứ” (NM, tr. 178).

– Ngày 28-6-86, ông đề cập đến quan hệ giữa đảng và nhà nước: “Những can thiệp quá thô bạo của Đảng” vào những việc liên quan đến pháp luật “ ngăn cản khái niệm nhà nước pháp quyền tiến tới. Đảng phải lo đến những vấn đề kỷ luật bên trong Đảng, còn những vấn đề thuộc pháp luật thì để cho nhà nước và chính phủ lo. Vấn đề mấu chốt là quan hệ giữa Đảng và nhà nước, đó là vấn đề cơ cấu chính trị”... “Chỉ cải cách các cơ cấu kính tế mà không đụng đến những cơ cấu chính trị chẳng đưa đến đâu cả, vì sẽ gặp những trở lực nhân sự” (NM, tr. 179)

– Ngày 3-9-86, ông tuyên bố với chủ tịch Quang minh đảng (Komeitô) của Nhật: “ Không cải cách cơ cấu chính trị thì không thể nào bảo đảm cho sự thành công của cải cách cơ cấu kinh tế. Trong khi cải cách kinh tế, cứ mỗi bước là ta nhận thấy một cách sâu sắc sự cần thiết của cải cách chính trị. Không cải cách chính trị, sự phát triển của những lực lượng sản xuất sẽ bị cản trở, và bốn hiện đại hoá sẽ thất bại” (NM, tr. 180).

– Ngày 13-9-86, ông xác định rõ nội dung của cải cách chính trị: “Cải cách, trước hết là tách rời Đảng ra khỏi nhà nước và giải quyết vấn đề về cách lãnh đạo cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng. Đây là điểm mấu chốt. Điểm thứ hai của cải cách là phân quyền cho các cấp địa phương”... “ Yếu tố thứ ba của cải cách là giản đơn hoá những cơ cấu hành chính, gắn liền với việc phân quyền cho địa phương. Điểm cuối cùng liên quan đến việc tăng cường sự hiệu quả” (NM, tr. 181).

Qua những đoạn trích dẫn trên đây, ta thấy những ý kiến của ông Đặng về cải cách chính trị khá rõ ràng và mạch lạc; điều đáng để ý là ông tránh nói đến vấn đề dân chủ hoá như vào năm 80. Nhưng chỉ nửa tháng sau đó (28-9-86), trong phiên họp bế mạc của hội nghị toàn thể BCHTƯ đảng, Đặng Tiểu Bình đã đọc một bài diễn văn rất cứng rắn chống lại “chủ nghĩa tự do tư sản”: “Chủ nghĩa tự do tự nó là một sự kháng cự lại chính sách và hệ thống của chúng ta. Cái đó mang tên là đối lập hay chủ nghĩa xét lại”... “Chúng ta còn phải nói đến việc chống lại chủ nghĩa tự do trong mười năm hay hai mươi năm nữa” (NM, tr. 187). Theo Vương Chấn, sau đó Đặng Tiểu Bình còn tuyên bố: “Tôi đã nói ở hội nghị VI là phải chống lại chủ nghĩa tự do trong hai mươi năm, điều đó đã không làm vừa lòng một vài người. Vậy thì tốt lắm, bây giờ tôi nói thêm rằng cần phải đấu tranh bốn mươi năm, sáu mươi năm cả thảy, cho đến nửa thế kỷ tới”. Đúng là lối nói của một cụ già cực kỳ độc đoán và dường như đã có phần lẩm cẩm!

Tưởng cũng cần nhấn mạnh thêm rằng trước hội nghị toàn thể nói trên đây ít lâu, Đặng Tiểu Bình đã ủng hộ dự thảo nghị quyết về “những định hướng cơ bản để phát triển một nền văn hoá mới” được viết dưới sự chủ trì của Diệu Bang, chứa đựng nhiều luận điểm rất tiến bộ như: “ Trong lịch sử nhân loại, sự xuất hiện của những ý niệm dân chủ, tự do, bình đẳng và tương thân tương ái (fraternité) là một giải phóng lớn về tinh thần cho nhân loại”, “ không có dân chủ thì không thể hiện đại hoá”, “cần đẩy mạnh một cách cụ thể việc dân chủ hoá đời sống chính trị của nhà nước và của Đảng, dân chủ hoá quản lý kinh tế và đời sống xã hội”... (NM, tr. 184).

Theo Nguyễn Minh, Đặng đã chuẩn bị sẵn sàng để đàn áp phong trào dân chủ của sinh viên. Ngày 30-12-86, ông tuyên bố: “Cần phải dùng đến những phương pháp chuyên chính. Chỉ nói đến thôi chưa đủ, khi cần còn phải áp dụng chúng” (NM, tr. 192).

Ngày 2-1-87, Hồ Diệu Bang từ chức Tổng bí thư.

Ngày 16-1-87, Triệu Tử Dương lên thay, chủ trương kết hợp kinh tế thị trường với chủ nghĩa độc đoán mới (nouvel autoritarisme), tranh quyền với phe bảo thủ (Trần Vân, Lý Bằng, Kiều Mục, Dương Thượng Côn...). Từ đấy, Đặng không nói đến cải cách chính trị nữa, mặc dù đó là một nhu cầu càng ngày càng trở nên cấp bách trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường mà hậu quả là sự phân hoá sâu sắc của một xã hội khát khao tự do, dân chủ. Tình hình đó đã đưa đến sự bùng nổ của phong trào sinh viên đấu tranh vì dân chủ và cuộc đàn áp ở Thiên An Môn. Đây có lẽ là hậu quả bi thảm của những tính toán chính trị sai lầm của Triệu Tử Dương (muốn lợi dụng phong trào sinh viên để đấu tranh giành quyền lực với phe Lý Bằng) cũng như sự thiếu tổ chức, lãnh đạo, đường lối của phong trào sinh viên (thực ra cũng rất dễ hiểu) nên đã không biết rút lui đúng lúc. Nhưng xét cho cùng. ông Đặng vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Trước hết là vì ông đã không đủ quyết tâm và nghị lực (do đã quá già chăng?) để thực hiện cải cách chính trị. Tiếp theo, là vì chính ông đã trực tiếp ra lệnh đàn áp. Theo Nguyễn Minh (như đã nói trên đây về chiến tranh trừng phạt Việt Nam), mặc dù có khả năng suy nghĩ một cách thuần lý, Đặng Tiểu Bình rất say mê hành động quân sự bạo lực và chuyên chính gia trưởng. Mối đam mê đó đã bám sâu trong ông và trở thành nguồn gốc của nhiều sai lầm nguy hại. Mỗi khi Trung Quốc phải đương đầu với những vấn đề tưởng như không giải quyết được Mao Trạch Đông dùng đến những phong trào chính trị quần chúng; Đặng Tiểu Bình, trái lại, dùng quân đội và bạo lực. Vào cái tuổi đã gần đất xa trời (85!), ông Đặng còn thắng được một trận làm cả thế giới bàng hoàng: loại ra khỏi vòng tranh đấu hàng triệu thanh niên chỉ được vũ trang bằng khát vọng tự do dân chủ. Ông đúng là một Liêm Pha vào cuối thế kỷ XX này vậy!

Tóm lại, Đặng Tiểu Bình không phải là một nhà dân chủ như De Gaulle chẳng hạn. Sau thế chiến thứ hai, mặc dù đã lãnh đạo nhân dân Pháp kháng chiến chống quốc xã Đức cho đến ngày thắng lợi, cứu được danh dự của Pháp trước dư luận thế giới, De Gaulle đã chấp nhận rút lui khỏi chính quyền trong suốt mười mấy năm “đi qua sa mạc”. Trong cuộc đấu tranh khá bạo động của phong trào sinh viên Pháp vào tháng năm 68, De Gaulle cũng đã tránh được đổ máu. Và trong cuộc trưng cầu dân ý 1969, khi bị thiểu số, De Gaulle liền vĩnh viễn từ bỏ chính trường. Thật ra ngay cả so với các nhà lãnh đạo cộng sản ở Đông Âu, ông Đặng cũng khác nhiều lắm: mặc dù còn giữ nguyên bộ máy trấn áp (quân đội và công an), họ đã có đủ sáng suốt và nhất là tình đồng bào để không dùng bạo lực nhằm giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Trái lại, phải công nhận ông Đặng là một nhà hiện đại hoá có bản lĩnh dù rất độc tài. (Đúng như Theodor Adorno đã nhận xét khi nghiên cứu về chủ nghĩa quốc xã, không thể nào hiểu được nó nếu ta không chú ý đúng mức đến nhân cách độc đoán (personnalité autoritaire), gắn liền với nó. Và ngược lại, ta có thể nghĩ rằng không thể nào dân chủ hoá nếu một dân tộc – nhất là những nhà lãnh đạo – chưa có nhân cách và tác phong dân chủ!) Trong một chừng mực nào đó, ta có thể so sánh Đặng Tiểu Bình với Franco của Tây Ban Nha: cả hai đều chủ trương độc tài và bất động (immobilisme) về chính trị và nhất là có khả năng đứng lên trên để làm trọng tài giữa những phe cánh xâu xé nhau nhằm tranh quyền kế vị. Từ hơn ba năm nay, Đặng không còn giữ một chức vụ chính thức nào cả trong hệ thống đảng cũng như nhà nước, thế mà ông vẫn giữ nguyên được uy quyền như một thái thượng hoàng! Ông sẽ còn sống mấy mươi năm nữa để kéo dài tình trạng mâu thuẫn hiện nay (kết hợp chuyên chính vô sản với kinh tế thị trường)? Và, chẳng may, nếu một ngày nào đó ông qua đời (thực tế cho thấy là một số người trong nhóm “bát tiên” đã không trường sinh bất tử!), tình hình chính trị của Trung Quốc sẽ ra sao? Liệu nhân dân Trung Quốc có được chăng cái may của nhân dân Tây Ban Nha: dân chủ hoá thành công chỉ trong vài năm sau khi Franco chết? Đó vẫn là mấy câu hỏi lớn chưa có lời đáp!


Nguyễn Trọng Nghĩa

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss