Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 15 / Tin Việt Nam

Tin Việt Nam

- Diễn Đàn — published 10/12/2010 01:35, cập nhật lần cuối 07/01/2011 14:40


Tin Việt Nam


Quốc hội sửa đổi luật đầu tư

Quốc hội Việt Nam đã thông qua một số điều khoản sửa đổi luật đầu tư, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của các nhà tư bản nước ngoài muốn được những điều kiện đầu tư thuận tiện hơn luật hiện nay (thông qua năm 1987). Trong những điều sửa đổi, người ta chú ý tới thời hạn tối đa của những hợp đồng liên doanh được nâng từ 20 năm lên 50 năm, và “trong một số trường hợp” có thể kéo dài tới 70 năm. Các xí nghiệp liên doanh có thể mở tài khoản ở các ngân hàng ở nước ngoài. Những xí nghiệp do người nước ngoài làm chủ 100% sẽ được hưởng những điều kiện thuế khoá ưu đãi mà luật cũ dành cho các xí nghiệp liên doanh, v.v...

Trong một cuộc thảo luận khác, nhiều đại biểu quốc hội tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của các đề nghị của chính phủ nhằm tăng cường các điều khoản luật chống tham nhũng, trong khi những điều khoản đã có không được nghiêm khắc thi hành. Một đại biểu cho biết, trong các vụ xử về tham nhũng hai năm qua, 70% bị can đã được hưởng những án treo, chưa kể rất nhiều vụ báo chí đã lôi ra ánh sáng nhưng không hề bị truy tố trước toà.

Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng thông qua đề nghị của chính phủ cử ông Nguyễn Quang Hà, 55 tuổi, viện trưởng viện quy hoạch rừng, làm bộ trưởng lâm nghiệp. Chức vụ này bị bỏ trống từ kỳ họp Quốc hội lần trước, khi ông Phan Xuân Đợt, bộ trưởng cũ không được cử lại vì dính líu tới nhiều vụ tham nhũng.


Đường dây siêu cao thế

Chuyện đường dây siêu cao thế 1500 km mang điện từ nhà máy thuỷ điện sông Đà vào nam (xem DĐ số 8, tháng 5.92) lại được nêu ra trong kỳ họp quốc hội tháng 12 vừa qua. Ông Lê Quang Đạo, nguyên chủ tịch quốc hội, lên tiếng chỉ trích chính phủ đã quyết định vội vàng trong đề án khổng lồ này, với ngân sách dự trù ban đầu là 300 triệu đô la nhưng nay đã lên đến gần 500 triệu, và tỏ ý nghi ngờ khả năng hoàn thành công trình trong hai năm như dự tính. Theo nhiều nguồn tin, quyết định xây dựng đường dây là một quyết định chính trị do ông Võ Văn Kiệt khởi xướng, đã được bộ chính trị thông qua hồi đầu năm và sự tấn công đề án này ngày nay cũng là một sự tấn công chính trị do phe ông Lê Đức Anh giật dây, nhắm vào ông Kiệt. Việc ông Vũ Ngọc Hải mất chức bộ trưởng Năng lượng hồi tháng 10.92 cũng một phần liên quan đến việc này.

Nhiều công ty quốc tế như Merlin-Gerin, Sediver và Cegelec (Pháp), Huyndai (Nam Triều Tiên) đã ký kết với chính phủ Hà Nội những hợp đồng lớn trong đề án đường dây này.

(AFP 17.12, và tin riêng của Diễn Đàn)

SIDA (AIDS):Bùng nổ khó tránh khỏi

Cho tới nay, mới phát hiện 79 trường hợp nhiễm vi khuẩn HIV (gây ra bệnh sida) ở Việt Nam. Đó là con số do ông Nguyễn Trọng Nhân, bộ trưởng y tế Việt Nam đưa ra tại Hà Nội trong ngày thế giới chống sida lần thứ 6, 1.12 vừa qua. Tuy nhiên, ông Nhân cũng nói thêm rằng con số đó chắc chắn là dưới sự thật rất nhiều, vì mới chỉ có 140.000 người được kiểm tra. Các nhà hữu trách Việt Nam không đưa ra thêm một con số thống kê nào khác, nhưng tỏ ra rất lo ngại rằng một cuộc bùng nổ căn bệnh hiểm nghèo này là không tránh khỏi được. Theo ông Lê Diên Hồng, phó chủ nhiệm uỷ ban quốc gia chống sida, “ Tất cả những yếu tố cần thiết cho sự bùng nổ đã được hội đủ”. Sự tiếp xúc với bên ngoài tăng gia, nạn đĩ điếm và ma tuý phát triển tới mức không còn kiểm soát được, phương tiện y tế không có đủ để ngăn chặn sự truyền bệnh qua đường tiếp máu... Ông Hồng cũng cho biết, trong số 79 người có phản ứng dương tính trong kiểm tra về vi khuẩn HIV, 71 là người nước ngoài, chủ yếu là những ngư dân Thái, và 8 người còn lại là người Việt Nam.

Một chuyên gia của Tổ chức Thế giới về Sức khoẻ, ông Bernard Monière, một mặt hoan nghênh nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu ý thức được sự đe doạ của bệnh sida, mặt khác đã lên tiếng khuyến cáo, ngăn chặn khuynh hướng muốn coi “ sida chỉ là một hiện tượng ngoại nhập”. Bình luận về kịch bản của một vidéo clip chống sida vẽ lên trường hợp một phụ nữ trong nước do có quan hệ tình dục với một Việt kiều mà mắc bệnh (!), ông Monière cho rằng (điều đó) dạy cho người ta trách móc người khác”, “Đây là một sự đánh lạc mục tiêu, và khi người ta nhận ra rằng những yếu tố hiểm nguy có ngay trong chính họ thì đã quá trễ”.

Trong cuộc vận động phòng chống Sida ở Việt Nam, người ta chú ý đến sự xuất hiện lần đầu tiên của những panô, áp phích tuyên truyền cho bao cao su với khẩu hiệu “bao cao su, áo giáp ngăn chặn sida”. Tuy vậy, báo Sài Gòn giải phóng ngày 1.12 khi dành nửa trang báo đăng những bài nhân ngày thế giới chống sida, đã không một lần nhắc tới các từ “bao cao su”.

(AFP, Reuter 1.12 và tin Diễn Đàn)

Đình công

Theo tuần báo Lao Động ra ngày 16.12, mười bảy công nhân Việt Nam làm việc trong xí nghiệp giày Luitech-Lesgo của một công ty Đài Loan đầu tư xây dựng tại thành phố HCM đã đình công một tuần lễ từ ngày 7.12 để phản đối chủ hãng không trả tiền công giờ làm thêm trong tháng 11. Tờ báo kể trường hợp một công nhân tên Phạm Anh Tuấn chỉ được trả 293.000 đồng (28 đô la) cho 23 ngày làm việc, với 37 giờ làm thêm trong tháng. Chủ hãng hứa sẽ trả thêm 40.000 đồng (4 đô la) cho mỗi công nhân với điều kiện họ ký vào một biên bản nhận lỗi về phần mình, nếu không sẽ bị sa thải. Đây là lần đầu tiên báo chí Việt Nam đưa tin công nhân đấu tranh trong một xí nghiệp do người nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.

(AFP 16.12)

Việt-Trung: Lý Bằng thăm Hà Nội, Đoàn Khuê viếng Bắc Kinh

Tháng 12.1992, quan hệ Việt-Trung được đánh dấu bằng hai cuộc viếng thăm chính thức: bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê thăm Trung Quốc (theo lời mời của Tần Cơ Vi – Qin Jiwei – bộ trưởng quốc phòng) ngày 7, và trước đó một tuần, cuộc đi thăm Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng.

Thủ tướng Trung Quốc đã ở Hà Nội từ ngày 30.11 đến 3.12.1992, ở thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3.12 đến ngày 5.12.1992. Ngoài những cuộc hội kiến chủ tịch nước Lê Đức Anh và tổng bí thư Đảng cộng sản Đỗ Mười, ông Lý đã hội đàm 3 buổi (trên 6 giờ) với thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ngày 3.12, hai bên đã ký kết những hiệp định về bảo đảm đầu tư, hiệp định về hợp tác văn hoá, khoa học và kĩ thuật, thoả thuận mở lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu. Nhân dịp này, Trung Quốc tuyên bố cho Việt Nam vay không lấy lời một số tiền “tượng trưng” là 14,5 triệu đôla. Hà Nội và Bắc Kinh cũng thoả thuận tiến hành thương lượng nhằm giải quyết nạn buôn lậu dọc theo biên giới Việt-Trung.

Đó là kết quả duy nhất đạt được trong cuộc viếng thăm của ông Lý Bằng, cuộc viếng thăm đầu tiên của thủ tướng Trung Quốc từ 21 năm nay. Lần chót, năm 1971, thủ tướng Chu Ân Lai (cha nuôi của ông Lý Bằng) sang Hà Nội để phân bua về cuộc đi đêm giữa Mao và Nixon (bắt đầu bằng cuộc đi thăm bí mật của Kissinger ở Bắc Kinh, tháng 7.71).

Các nhà quan sát đều nhất trí cho rằng các cuộc hội đàm không dẫn tới một kết quả cụ thể nào nhằm giải quyết sự tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa, cốt lõi của sự bất đồng giữa hai nước, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và toàn bộ các nước Đông Nam Á.

Trước khi lên đường từ Bắc Kinh, ông Lý Bằng đã nhấn mạnh “ chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với toàn bộ các hải đảo và lãnh hải Biển Đông [xem bản đồ trang 10, Diễn Đàn số 11]. Tới Hà Nội, thủ tướng Trung Quốc dịu giọng đề nghị “ trong khi chờ đợi đạt được giải pháp qua thương lượng, thì hai bên cùng nhau khai thác vùng biển tranh chấp”. Nhưng theo những nguồn tin Việt Nam, tại bàn hội đàm, “ vùng biển” ấy được ông Lý khoanh gọn vào khu vực mà Bắc Kinh đã ký hợp đồng khai thác với công ty Mỹ Creston Energy Co. (tháng 5), nghĩa là một vùng biển nằm trên thềm lục địa Việt Nam, ở phía tây Trường Sa [xem bản đồ nói trên] . Phía Việt Nam tất nhiên không thể chấp nhận nguyên tắc thương lượng kiểu Trung Quốc ấy (cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh thì ta thương lượng cùng khai thác), đề nghị Việt Nam, Trung Quốc và tất cả các bên hữu quan (Philippin, Malaysia, Indonesia, Brunei, Đài Loan) thương lượng để tìm giải pháp chung cho vấn đề chủ quyền. Phía Trung Quốc từ chối “ quốc tế hoá vấn đề” và đòi “ thương lượng tay đôi”.

Sự cứng rắn của Trung Quốc, xét cho cùng, đã mang lại một kết quả tích cực: nó làm suy yếu ý muốn “giải quyết nội bộ” mà những người như các ông Lê Đức Anh và Đoàn Khuê chủ trương trong năm 1992, với hy vọng thiết lập một sự liên minh tư tưởng với Bắc Kinh.


Mỹ bãi bỏ một phần cấm vận

Ngày 14.12, Nhà Trắng ra thông cáo bãi bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Theo quyết định này, ngay từ bây giờ các công ty được phép ký hợp đồng, mở văn phòng và tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam, nhưng chỉ được quyền thực hiện hợp đồng khi nào lệnh cấm vận được bãi bỏ hoàn toàn. Bộ ngoại giao Việt Nam coi quyết định này là một “bước tích cực” trong quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. Bà Virginia Foote, giám đốc Hội đồng thương mại Mỹ-Việt, chào mừng “quyết định tuyệt vời” này và cho biết, trong năm 1992, hơn 1.000 xí nghiệp Mỹ (trong đó có những công ty lớn như Boeing, United Technologies, Chevron, Exxon, Caterpillar...) đã hỏi tin về cung cách làm ăn ở thị trường Việt Nam [về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ, xem bài bình luận của Diễn Đàn, số 14].

Trước quyết định này, nhiều phái đoàn doanh nhân Mỹ đã tới tìm hiểu thị trường ở Việt Nam và ngược lại, nhiều đoàn Việt Nam cũng đã có dịp sang Mỹ.

Mới đây, theo Việt Nam thông tấn xã, ông Hồ Sĩ Thoảng, tổng giám đốc công ty PetroVietnam, đã gặp gỡ nhiều nhà kinh doanh và chính khách cao cấp của Hoa Kỳ trong một chuyến đi thăm nước Mỹ hai tuần trong tháng 11 vừa qua. Ông đã gặp cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, các thượng nghị sĩ John Mccain và Bob Kerry, đã “nói chuyện thân mật” với Clayton Yeutter, phụ trách nhân sự ở Nhà Trắng trong một bữa ăn do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Tại thủ đô Washington và tại Dallas, tiểu bang Texas, ông Thoảng đã gặp đại diện các hãng dầu Phillips Petroleum, Chevron, ARCO Oil và IPCO Group. Theo nhiều nguồn tin, phía Việt Nam còn hoãn các quyết định về đấu thầu thăm dò và khai thác dầu ở vùng Đại Hùng một hai tháng nữa để chờ các công ty Mỹ có thể tham gia nếu tổng thống Bush bãi bỏ cấm vận.

Ngoài ra, phái đoàn của ông Thoảng còn gặp đại diện của công ty điện tử Motorola, công ty chế tạo thiết bị nặng Carterpillar, v.v...

(AFP 1.12)

Nhật - Việt

Nhật tỏ ý sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng lại nền kinh tế và sẽ gửi một phái đoàn kinh tế đi Hà Nội vào tháng hai tới để thảo luận về việc cải thiện các điều kiện đầu tư vào Việt Nam.

Đó là những nội dung được phía Nhật công bố về các cuộc hội đàm giữa ông Đỗ Quốc Sâm, chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch nhà nước Việt Nam, với các ông Michio Watanabe và Kozo Watanabe, bộ trưởng bộ Ngoại giao và bộ Thương mại quốc tế và kỹ nghệ, khi ông Sâm tới Tokyo trong một tuần lễ viếng thăm nước Nhật từ cuối tháng 11. Trước đó, như Diễn Đàn đã đưa tin, ngày 6.11, Nhật đã quyết định nối lại viện trợ kinh tế cho Việt Nam.

(AFP, 1 và 2.12).

Người Việt tại Đức biểu tình chống kỳ thị chủng tộc

Khoảng 800 người Việt Nam đã tham gia một cuộc biểu tình ở Frankfurt ngày thứ bảy 5.12 để phản đối những vụ bạo động kỳ thị chủng tộc của bọn cực hữu Đức. Trong một buổi họp báo nhân cuộc biểu tình, ông Dương Hồng Ân, chủ tịch Phòng Thông tin - Văn hoá Việt Nam ở Stuttgart, đã tố cáo những vụ đốt phá trại tị nạn, dùng võ khí tấn công người Việt Nam đi đường, đánh chết người (như ở Berlin)..., khởi đầu từ vụ Rostock hè vừa qua. Ngay cả bên Tây Đức, nhiều người Việt Nam hiện nay rất sợ đi đường gặp bọn Nazi có thể bị đánh bất cứ lúc nào.

(Reuter 5.12)

Giải bóng bàn thế giới tại TPHCM

Trừ các cây vợt châu Âu mắc dự giải Liên đoàn bóng bàn châu Âu, những cây vợt đứng đầu làng bóng bàn thế giới như Ma Wenge (Trung Quốc), Kim Taek Soo và Yoo Nam Kyu (Nam Triều Tiên), Sean O’Neil (Hoa Kỳ) đã tham dự Giải bóng bàn thế giới (World Cup) do Liên đoàn bóng bàn quốc tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày thứ sáu 10.12.1992. Đây là giải thể thao thế giới đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Cây vợt Trung Quốc Ma Wenge đã đoạt giải.

(AFP 10.12)

Khmer đỏ tiếp tục giết hại người Việt

Ngày 27.12, mười bốn người Việt Nam sinh sống ở xã Phum Taches (trên sông Tonle Sap) lại vừa bị Khmer đỏ giết hại, 14 người khác bị thương.

Trước đó, theo ông Eric Falt, người phát ngôn của UNTAC, lực lượng Liên hiệp quốc ở Cam Bốt, một nhóm người Khmer chưa rõ thuộc phe phái nào đã từ Kratié vượt biên giới vào ngày 2.11 sang Lộc Ninh (Sông Bé) cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc và giết người. Ông Falt cho biết nhóm người Khmer trên đã cướp vàng và tiền của một số gia đình nông dân Việt Nam rồi bắt 9 người đưa qua xã Tra Teng Xré (tỉnh Kratié). Trong số người bị bắt đi, bốn người đàn ông đã bị giết, hai người khác bị thương, và hai phụ nữ bị hãm hiếp. Tiếp sau những vụ tàn sát Việt kiều ở Cam Bốt, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc gọi đây là “một vụ nghiêm trọng” và cho biết UNTAC đang tiến hành điều tra.

(AFP 29.12, Tuổi Trẻ 28.11)

Tam giác Bermuda Việt Nam

Hành khách duy nhất sống sót trong tai nạn ngày 14.11 của máy bay Hàng Không Việt Nam là cô Henryette Herskns, 31 tuổi, người Hà Lan. Lực lượng cứu nạn đã tìm thấy cô 8 ngày sau khi chiếc Yak 40 rơi xuống núi Ô Kha (tỉnh Khánh Hoà) với 24 hành khách và 6 người của tổ lái. Một chiếc trực thăng chở 7 người thuộc lực lượng cứu nạn cũng bị mất tích khi bay vào vùng thung lũng Ô Kha, không có ai sống sót. Thung lũng này còn được gọi là “Tam giác Bermuda” của Việt Nam vì những máy bay và trực thăng của không quân Hoa Kỳ và Sài Gòn đã rơi ở vùng này một cách bí hiểm trong chiến tranh.


Tin nhanh

* Việt Nam và Nam Triều Tiên đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ ngày 22.12.92.

* UOB (United Overseas Bank), một trong 4 ngân hàng lớn nhất của Singapore, mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh.

* Ngày 20.12, Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonavan đi thăm Việt Nam, dẫn đầu một đoàn 30 quan chức và doanh nhân.

* Tổng sản lượng dầu mỏ của Việt Nam năm 1992 lên đến 5,5 triệu tấn, so với 3,95 triệu tấn năm trước. Theo dự trù của Quốc hội, sản lượng cho năm 1993 sẽ tăng khoảng 8,5 tới 9% so với năm nay.

* Theo một tin từ Paris ngày 24.12 của Uỷ ban bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, hai hoà thượng Thích Nhật Liên và Thích Trí Tựu đã viết thư cho Phật tử tố cáo chính quyền đàn áp Phật giáo và hăm doạ tự thiêu để phản kháng. Ngày 28.12, một phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ những lời tố cáo nói trên.

* Công ty kế toán Anh Ernst & Young đã được phép hoạt động ở Việt Nam từ đầu tháng 11.92. Công ty sẽ thực hiện thẩm kế (audit) các xí nghiệp do nước ngoài đầu tư xây dựng ở Việt Nam và các công ty liên doanh, quốc doanh của Việt Nam.

* Ngày 29.12, các công ty Úc BHP Petroleum Ltd. và công ty Malaixia Petronas đã ký kết với PetroVietnam một hợp đồng liên doanh khai thác khu Đại Hùng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss