Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Riêng Chung...

Riêng Chung...

- Trần Cung — published 10/12/2010 09:50, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:32

Thư từ bờ sông Danube

Riêng Chung...

Trần Cung

Tròn như lời hứa chung tình,
chưa tròn nhân quả
Tái sinh còn nhiều
                      (Phạm Duy)

Thấm thoát thế là tụi mình đã định cư ở thôn “Diêm tuyền - Hồng lĩnh” (Suối muối - Núi hồng) được 10 năm chẵn. Cũng không ngờ tụi mình lại có tình cảm gắn bó, thân thiết với cái quê hương thứ hai đèo heo hút gió, “ chó ăn đá, gà ăn muối” này. Nghe người già kể lại, ngày xưa vùng này vẫn thiếu sông nước, ruộng nương lại lắm đá vôi (do cấu tạo Jura), thật hợp với câu hát “làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá” Có lẽ cũng vì nó đèo heo hút gió cho nên người dân ở đây thật thà, chất phác và giản dị. Đa số xuất phất từ gốc nhà nông hoặc thợ mỏ, thợ nấu sắt thép, suốt đời vật lộn với đất đá, bụi than, khói lửa lò gang, lò thép. Tay chân, tướng tá do đó thô kệch, không được thanh như dân phố chợ. Ăn uống thì chẳng có gì là sơn hào hải vị, đến nay họ vẫn chưa bỏ được thói quen ăn món “phổi nấu chua”, mình từng làm gan ăn thử một lần để tỏ “tinh thần hội nhập cao độ”, ngậm vô một miếng, “nuốt cũng khổ... mà nhổ cũng phiền”. Thế là đành phải gồng mình, giả mặt tươi tỉnh làm hết một đĩa và một lát bánh mì đen cũng chua lét! Nhờ vậy mà Her Tran, Frau Tran được mọi người thương mến. Ông Me (thị trưởng) mỗi lần gặp tụi mình ở đâu đều vồn vã bắt tay chào thân thiết. Hôm cuối tháng chạp, đoàn Hướng đạo Sulzbach-Rosenberg tổ chức một buổi biểu tình tuần hành với những ngọn nến lý trí nhằm chống lại bọn Tân Quốc xã và bọn cực hữu thù địch người ngoại quốc, Her Tran cũng được mời lên đọc diễn văn ngay sau phần phát biểu của ông thị trưởng. Cho đến nay, ở xứ “Suối muối - Núi hồng” vẫn chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, trại tị nạn vẫn bình yên vô sự. Nhớ có lần đến thăm “phe ta”, dặn dò bà con phải cảnh giác đề phòng, trong trường hợp bị tấn công bất ngờ phải biết cách đối phó, như giập lửa làm sao, hoặc chạy ngõ nào, phe ta tỉnh queo trả lời: – Tụi em cóc có sợ. Mình bèn nói: – Sợ cũng chết mà không sợ cũng chết, biết cách đối phó, biết cách chạy là sống. Phe ta chẳng nói gì thêm.

Hai mươi bốn năm sống ở Đức, thật chưa thấy năm nào tình thế quái đản như năm nay. Về kinh tế, năm 1992 là năm có nhiều dấu hiệu suy thoái, nhiều xí nghiệp rơi vào tình trạng lỗ lã, không bán được hàng, đơn đặt hàng giảm rõ rệt dẫn đến tình trạng đóng cửa xí nghiệp, sa thải công nhân, kể cả ở một số ngành công nghiệp mạnh chủ chốt như điện tử, xe hơi, cơ khí... Lý do thật ra cũng rất dễ hiểu, một phần do bị cạnh tranh bởi các nước Đông Âu và Á châu, nơi lương công nhân còn rẻ, nhưng chủ yếu là do bế tắc toàn diện ở các nước “cựu xã hội chủ nghĩa” sau khi phá bỏ mọi cơ cấu cũ của mình trước khi xây dựng cơ cấu mới của nền kinh tế thị trường. Những nước Đông Âu, trước đây tuy về thể chế chính trị độc tài, thiếu dân chủ, yếu kém về kinh tế, nhưng chính nhờ đó các nước phương Tây mới dễ dàng làm ăn, buôn bán hàng hoá. Nay, những bạn hàng dễ dãi đó không còn nữa, họ tất cả đều lâm vào tình trạng khánh kiệt. Nền kinh tế thị trường vẫn chưa xuất hiện như mọi người trông đợi. Các nhà chính trị Đông Âu (điển hình là cụ Jeltsin) hình như đã bị cho ăn bánh vẽ hoặc bị choá mắt trước các quầy hàng đầy ăm ắp trong các lần đi thăm nước Mỹ và các nước Tây Âu, hình như mọi người đều đã tin rằng cứ “úm ba la... thị trường hiện ra” tức thì Tư bản ở Tây Âu sẽ ào ạt nhảy vào đầu tư và tình hình khó khăn kinh tế sẽ được giải quyết trong vòng vài năm. Bản thân nước Đức, về kinh tế lực lưỡng là thế, số dân gần gấp 4 lần Đông Đức, vậy mà mới cõng chàng Đông Đức có ba năm cũng còn muốn “sụm ba chè”. Về chính trị, bọn Tân quốc xã thừa cơ đục nước thả câu điên cuồng đánh phá, chém giết người ngoại quốc và người tị nạn (chừng mực nào cũng do khối bảo thủ trong đảng cầm quyền chơi trò “tháu cấy” để ép đảng Xã hội về việc sửa đổi điều 16 hiến pháp về vấn đề quyền tị nạn, gián tiếp khích lệ bọn nazis). Thậm chí chúng còn đánh giết cả những người Đức bệnh tật, không nhà cửa và những người thiên tả. Phải nói là nếu không “nhờ” có vụ thảm sát ba người Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Molln, không có công luận thế giới và chính phủ Ankara lên án mạnh mẽ, có lẽ tình hình đã không thay đổi bao nhiêu. Đến nay không biết nhà nước Việt Nam có hề gởi một công hàm nào để phản đối và lên án trước bao vụ người Việt Nam mình ở Đông Đức bị đánh giết và suýt bị hãm hiếp hay không?

Trong khi tình hình ở Đức ngột ngạt, trên thế giới cũng chẳng có gì khả quan, con người vẫn nhẹ dạ và nông nổi, nhanh chóng cầm lấy vũ khí tàn sát nhau một cách dã man, không biết họ nhân danh cái gì, mình lấy làm lạ chẳng biết súng ống ở đâu ra mà sẵn thế? Bosnien, Somalia dân tình chết đói thảm thương, hạt gạo, mẩu bánh mì không có, vậy mà súng ống vẫn thừa, dư luận phương Tây lúc bênh bên nọ, lúc trách bên kia, nhưng chẳng có ai lên án bọn lái súng!! Nghĩ lại cũng thấy mừng cho quê hương Việt Nam đã thoát khỏi nạn đao binh, còn giữ được tình hình hoà bình, ổn định, có thể do chính quyền cũng đã biết rút ra vài điều từ những kinh nghiệm đau thương, cũng có thể do nhân dân Việt Nam vốn đã quá cực khổ và chán ngấy tình trạng bất ổn định và bất an, mà chỉ thiết tha được sống, được làm ăn buôn bán lương thiện. Có lẽ cả hai! Hy vọng, từng bước, những người trí thức có trình độ, khả năng và các ngành khoa học kỹ thuật được đánh giá đúng mức để có một vị trí tương xứng trong một xã hội lành mạnh, no ấm. Hy vọng chính quyền và các cấp lãnh đạo bớt chơi trò “Ba Giai - Tú Xuất” với nhân dân, mà “tử tế” với nhau mỗi năm hơn một chút. Lúc đó chúng ta mới dám ngẩng mặt lên nhìn bàn quan thiên hạ chung quanh. Người Việt Nam hiện tại, trước con mắt thế giới không còn là người Việt Nam của trước đây hai, ba mươi năm. Mình thắc mắc không hiểu tại sao bọn tân phát xít hay nhắm vào tấn công người Việt Nam ở Đông Đức và Đông Âu? Tại sao người Nhật bảo nhau, khi ra đường ở Đức phải mặc com-plê cà vạt chỉnh tề để khỏi bị tưởng lầm là người Việt Nam !!!

Chuyện đời nói vậy đủ rồi, thôi để trở lại chuyện nhà.

Năm nay tình hình gia đình CTT còn ổn định và êm đềm. Cậu con cưng VT, mười lăm đã tỏ vẻ “người lớn”, bắt đầu biết chưng diện, biết sắm sửa quần áo thời trang, bạn thì nhiều nhưng bồ thì chưa [Lời bàn của người đánh máy: “ Các ông bố chủ quan bỏ mẹ!”]. Năm qua là năm Tây du ký của chàng, hồi tháng 5 đi Pháp hai tuần, hè lại đi Mỹ hơn tháng. Về nhà hỏi con qua đó có học được mớ tiếng Anh nào không, cu cậu trả lời là học thêm được một ít “slang” và một “bồ” tiếng... Việt . Năm nay ngoài việc học, Vini còn học thêm cả khiêu vũ, xem chừng có vẻ ham mê...[thấy chưa!]

TC năm nay diện mạo xuống sắc thấy rõ, đi đàng xa ai cũng dễ lầm với thượng toạ... Thích Ten-ni. Mắt đã bắt đầu “có vấn đề”, nhìn xa không còn rõ như xưa, mà nhìn gần cũng... nhoà nốt. Cuộc sống buồn phiền, tinh thần thiếu hăng hái, sinh lực hao mòn, chẳng thuốc nào chữa được. Bắt chước cụ Tú Xương, mình bỏ thuốc, bỏ bia (nhưng uống rượu vang), bỏ cà-phê, tập ăn cơm gạo lức, bánh mì đen, thêm rau, giảm thịt, giảm gia vị, vậy mà cũng chẳng ăn thua. Không chừng mình sẽ bỏ thêm cái mà chính cụ Tú Xương cũng không bỏ được!

Cuối cùng là một chút chuyện chúng mình:

Cuối năm ngoái, lúc bàn về việc giải thể Hội người Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức, có một số ý đề nghị là trong tương lai nếu còn nhu cầu và sở thích hoạt động, mình có thể thành lập một hội gì đó mang tính chất khoa học kỹ thuật, vốn hợp với khả năng và trình độ của anh em. Trong năm qua mình cũng suy nghĩ sơ về vấn đề này và có trao đổi ý kiến với một vài bạn khắp bốn vùng chiến thuật. Nói chung chưa ai “bàn ra” nhưng đa số đều đặt câu hỏi rất chính đáng như: mình có dự định làm gì cụ thể chưa? Chương trình, phương án ra sao? Ai làm? Tài chánh đâu? v.v. và v.v... Thú thật mình có suy nghĩ sơ, biết những gì mình muốn và có thể làm được tuy chưa thật thấu đáo nhưng có điều chắc chắn là muốn làm một cái gì đó cho quê hương, đồng bào. Chúng mình hưởng nhàn sớm quá, hoặc giữ thế thụ động quá cũng không hay. Cuộc đời còn lại chẳng bao nhiêu, công danh sự nghiệp, bổng lộc chắc sẽ không còn thay đổi gì nhiều, trong khi quê hương, đất nước, đồng bào còn đó. Sở học, khả năng, kinh nghiệm của mình bỏ phí sao đành. Cụ Công Trứ ngày xưa có nói “không công danh thà nát với cỏ cây”, mình tuy không sợ “nát với cỏ cây” nhưng mỗi lần nghĩ về Việt Nam là mỗi lần nửa đêm trăn trở. Tại sao mình không còn có thể bỏ một ít công sức, thì giờ làm một số việc vừa hợp khả năng, vừa có ý nghĩa? Tại sao mình không dám ngồi lại với nhau một lần nữa, hở các bạn? Ý mình thô thiển, lời mình đơn sơ. Xin được đặt nhẹ một vấn đề như thế, anh chị em ơi giúp mình giải đáp!

Đầu năm con gà, chúng mình ba đứa, thương mến chúc tất cả anh chị em, bạn bè gần xa, một năm mới nhiều sức khoẻ, bình an. Chúc các đấng đàn ông sung sức như gà trống, chúc các bà các cô duyên dáng mỹ miều, xinh tươi như gà mái tơ...

Trần Cung

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss