Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Cộng tác xây dựng đất nước

Cộng tác xây dựng đất nước

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:42, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:42
Vâng. Vấn đề giống như là gieo hạt, trồng cây. Tôi cứ nhớ mãi lần về thăm đất nước năm 1987. Mất mùa to. Trời lạnh gắt. Vùng Nghệ Tĩnh mạ gieo ba lần, ba lần đều bị chết lạnh cả. Chỉ thấy người nông dân lẳng lặng gánh đất về nhà, đổ lên bạt ni-lông căng trong phòng, gieo mẻ lúa giống cuối cùng, chờ ngày trời ấm lại.

 

Tản mạn về

Người Việt ở nước ngoài
cộng tác xây dựng đất nước

 
Bùi Mộng Hùng

 
Mấy người bạn, cũ và mới, ở Pháp, ở Đức và ở Mỹ, gặp mặt nhau. Hàn huyên. Lần hồi đến câu chuyện nóng hổi đang đặt ra cho các bạn ở Hoa Kỳ: cộng tác xây dựng đất nước. Câu hỏi đầu tiên cũng do chính những bạn còn đầy nhiệt huyết thuở ban đầu này nêu ra:

– Mình đếch hiểu được! Thế là thế nào? Chương trình TOKTEN, (Chú thích của người đánh máy: Transfer Of Knowledge Through Expatriate Nationals, Chuyển giao tri thức qua kiều dân do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP chủ trương) người thì là chuyên gia gốc Việt đang giảng dạy, nghiên cứu ở các trường, các viện trên thế giới tình nguyện về nước chuyển giao tri thức của mình, tiền thì hoàn toàn do tổ chức quốc tế đài thọ, thế mà sao trong số 130 người Việt ở nước ngoài ghi tên tham gia chương trình, suốt mấy năm nay chỉ có 20 người được mời về? Con số do chính giáo sư Chu Tuấn Nhạ người trách nhiệm chương trình trong nước đưa ra. Cơm dâng đến tận miệng mà còn chê ỏng chê eo, người Việt hiếu học chỉ là huyền thoại à?

– Hiếu học là có thật, ai có dịp về nước giảng dạy cũng phải công nhận là thính giả Việt Nam chăm chú, có trình độ, biết đặt những câu hỏi thích đáng.

– Vậy phải hiểu làm sao lời của ông trưởng ban Việt kiều thành phố Hồ Chí Minh giải thích rằng mới sử dụng 20 chuyên gia trong số trên 100 người đăng ký chương trình TOKTEN chỉ vì nhiều đơn vị khi được thông báo danh sách các chuyên gia xin về nước cộng tác đã trả lời "chưa có nhu cầu", ...? Chừng nào trong nước mới thấy có nhu cầu về tri thức, kỹ thuật hiện đại? Nhu cầu trước mắt là gì?

– Hẳn là sống trước đã! Quỹ nhà nước cung cấp không đủ, ban giám đốc các viện, ban giám hiệu các trường phải chạy vạy lo cho cơ quan mình sống, cho quân của mình có cái ăn hàng ngày. Có thực mới vực được đạo. Ví dụ cụ thể là nếu về Thành phố Hồ Chí Minh thuyết trình cho các bạn trong ngành Y nghe thì phải sắp đặt làm sao để chấm dứt trước bốn giờ rưỡi chiều. Đúng giờ phút tiền định đó mà chưa nói xong, đề tài cho có hấp dẫn đến đâu đi nữa thính giả cũng sẽ ùn ùn đứng dậy bỏ ra chẳng còn sót lại mấy người! Chả là các bác sĩ phải lật đật về khám bệnh ở phòng mạch tư của mình. Để bệnh nhân chờ là vỡ nồi cơm. Đơn giản thế thôi.

Muốn cho người trách nhiệm cơ quan mặn mà cộng tác với chuyên gia nước ngoài thì phải có lợi ích cụ thể cho ban giám đốc, cho cơ quan. Còn nếu chỉ là để cho rộng kiến thức suông mà thôi, đã tốn công tốn của tiếp đón người từ phương xa về mà chẳng thấy đâu là tác dụng "ăn tiền" thì không phải là ưu tiên số một vào cái thời buổi đời sống khó khăn này đâu.

– Tác dụng "ăn tiền" là gì? Mấy bác là kẻ có kinh nghiệm đi trước, nói lóng với nhau, tụi này như vịt nghe sấm chẳng hiểu gì cả!

– Bạn đặt mình vào vị trí của những người trách nhiệm cơ quan trong nước thì hiểu ngay thôi. Phải tự mình chạy vạy tìm cách ký hợp đồng làm ăn với các địa phương, với các xí nghiệp quốc doanh. Gặp được chuyên gia đem kỹ thuật mới, đem dụng cụ ở nước ngoài về cho mà dùng vào công việc làm ăn sinh sống của mình thì khác nào buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Cộng tác sẽ trôi chảy vui vẻ cho cả đôi bên. Cứ xem những trường hợp trong chương trình TOKTEN được đem ra kể làm ví dụ thì hiểu: anh Phạm Văn Ngọc, giám đốc phòng thí nghiệm vật lý địa cầu ứng dụng của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS Pháp, đem một tấn máy móc thiết bị áp dụng phương pháp từ trường TELUA về giúp Viện vật lý địa cầu Việt Nam điều tra cơ bản tài nguyên nước ngầm ở độ sâu từ 100 đến 500 mét tại đồng bằng sông Cửu Long; anh Vũ Ngọc Côn từ Hoa Kỳ về làm với Viện khoa học kỹ thuật xây dựng, chẳng những giúp viện làm đề án nghiên cứu lại còn về Hoa Kỳ tìm nguồn tài trợ tặng cho viện thực hiện đề án; anh Vũ Đức Trinh ở Thụy Sĩ cộng tác với Viện khoa học bảo vệ lao động lại thêm có học bổng mời anh em trong nước sang thực tập ở viện của anh bên châu Âu... Những cộng tác đáng giá như vậy chắc chắn là được hưởng ứng và đánh giá cao.

– Nghe mấy bác nói thì có cảm tưởng rằng chuyển giao tri thức, kỹ thuật về trong nước có bị ách tắc phần nào chỉ là một sự kiện nhất thời. Kinh tế khai thông, đời sống dễ dãi hơn thì sự việc sẽ trôi chảy không còn vướng mắc gì nữa!

– Làm việc với Việt Nam có một điều thuận lợi. Đó là yếu tố con người. Bất cứ ở ngành nào, cấp nào cũng gặp được những con người có lòng, có ý chí, có kiến thức. Không nhiều lắm đâu. Nhưng tìm được người, được nơi đáng tin cậy để cùng làm việc với nhau, cho cộng tác có hiệu năng không phải là chuyện quá khó ở Việt Nam.

– Đã vậy thì mấy bác kêu ca việc gì?

– Một chuyện vướng mắc. Người có đó, liên hệ với các nhà chuyên môn trong nước thoải mái đó, thế mà sao vẫn vấp phải một trở ngại ngấm ngầm làm cho ngay cả những cộng tác thành công nhất cũng không thể phát triển rộng ra nổi! Mà mục đích của mỗi người trong chúng ta khi đem tri thức, kỹ thuật hiện đại về đất nước là mong những kiến thức ấy được phổ biến ra cho tất cả những ai cần đối đáp với thách thức của thời đại thành phương tiện giúp ích cho đời sống hàng ngày của mọi người dân Việt Nam, nào có ai muốn thấy cái vốn tri thức thực dụng chỉ quanh quẩn ở trong tay vài người!

– Xin nói cho cụ thể rõ ràng đi, chớ trừu tượng khái quát như vậy tụi tôi chịu không hình dung ra nổi đâu!

– Một trở ngại lớn làm cho tri thức kỹ thuật hiện đại không phổ biến rộng được là yếu tố tổ chức, là cấu trúc tiếp thu, chẳng riêng gì đối với người Việt ở nước ngoài mà chung cho mọi tri thức. Chúng ta quen với tổ chức ở phương Tây, làm việc với viện, với trường, với phòng thí nghiệm, ở đâu cũng rứa cả. Thông tin khoa học kỹ thuật nhặm lẹ và rộng khắp. Ở nước ta thì khác. Cấu trúc tiếp thu khoa học kỹ thuật rập khuôn theo Liên Xô cũ. Có các trường đại học và có các viện. Nhưng trường là trường, viện là viện, hai thế giới rất ít liên hệ với nhau. Cán bộ làm trong viện là công chức, nghiên cứu kiểu công chức, không giảng dạy, không hướng dẫn sinh viên. Không truyền được kiến thức thực dụng cho người trẻ mà cũng chẳng được cái thú như chúng ta ở phương Tây dìu dắt thế hệ đang lên trong nghiên cứu, được hưởng cái nhìn mới mẻ, các kiến thức căn bản hiện đại, cái hăng say tuổi niên thiếu của họ. Trường thì có sinh viên, nhưng phương tiện lại quá thiếu thốn thầy cũng như trò thường chỉ biết nói lý thuyết suông.

– Như vậy, các ông bạn Phạm Văn Ngọc, Vũ Ngọc Côn, Vũ Đức Trinh cộng tác với các viện thì kỹ thuật hiện đại đem về sẽ nằm chết dí trong các viện ấy sao?

– Cụ thể là đã huấn luyện được cho một số cán bộ của viện. Cũng là quý lắm rồi. Nhưng còn tri thức ấy có được nhân lên, lan rộng ra chăng lại là một vấn đề khác. Hiện nay các viện nắm kỹ thuật, máy móc thiết bị của nhà nước, sử dụng kiến thức, thiết bị của mình như doanh nghiệp tư nhân, bán nghiệp vụ mà nuôi quân của cơ quan mình. Nhiệm vụ chuyển nhượng kỹ thuật cho sản xuất từ trước tới giờ chưa bao giờ được xác định rõ ràng, nay lại hoạt động như xí nghiệp kiếm lợi nhuận là chính, thì giờ đâu, lòng dạ nào mà nghĩ đến vai trò chuyển nhượng kỹ thuật?

– Không phổ biến rộng ra được những kỹ thuật quá đặc biệt của các vị chuyên gia sâu chưa phải là chuyện thật đáng lo ngại. Nguy hiểm cho tương lai dân tộc hơn là tổ chức, cấu trúc nghiên cứu và giảng dạy của Việt Nam làm trở ngại việc phổ biến rộng các tri thức tổng quát. Mà nếu dân ta không được học các kiến thức không thể thiếu ngày nay thì xã hội ta khó mà chen chân vào thế giới hiện đại được!

Ví dụ trước mắt là kỹ thuật quản lý và luật học, hai trọng điểm cộng tác hiện nay giữa Pháp và Việt Nam. Về mặt tổ chức Việt Nam sẽ tập trung viện trợ của Pháp vào Viện quản lý (Institut de gestion) và vào Nhà luật pháp (Maison du droit). Mọi phương tiện lại nằm gọn trong tay viện, trong tay bộ tư pháp. Mà chức năng của Viện quản lý, của Nhà luật pháp chắc chắn sẽ không phải là để phổ biến cho đông đảo sinh viên các kiến thức cần thiết ngày nay về kỹ thuật quản lý, về luật pháp. Một vị thứ trưởng qua công cán ở Paris đã nói rõ ý định của bộ tư pháp chỉ đào tạo một số người rất giới hạn, nói rõ ý chí nắm quyền đào tạo từ quan toà, thẩm phán cho đến luật sư. Những lớp luật học mở cho sinh viên ở trường Đại học tổng hợp phương tiện chẳng có thì chẳng xơ múi được gì! Về khoa học quản lý, một số ít người có tiền còn có thể ghi tên học ở các trường tư, số đông không sao mà có điều kiện để học hỏi.

– Thế thì nguy. Trong tương lai tiêu chuẩn thu hút các công ty xuyên quốc gia vào đầu tư ở một nơi nào là chính trình độ tri thức của người dân địa phương, là hạ tầng cơ sở giao thông, thông tin. Mà họ thì chuyển xưởng máy, đưa văn phòng đầu não từ châu này đi sang châu khác như ta thay áo. Với phương thức sản xuất hiện đại, tri thức là chính. Lớp trẻ mà bị giới hạn không được học những kiến thức cần thiết là bóp chết từ trong trứng điều kiện cốt yếu để cho đất nước dân tộc phát triển.

– Trong nước dường như đã ý thức được nguy cơ phân tách nghiên cứu và giảng dạy. Nghe đâu hiện đang tìm cách cải tổ hệ thống các viện nghiên cứu và các trường đại học thì phải?

– Nói từ cả năm nay rồi. Nhưng còn đang trong vòng bàn luận. Đúng vào thời điểm mà người trí thức được chính quyền tỏ vẻ vì nể hơn trước. Nào là hỏi ý kiến, nào là tạo điều kiện để cho được có đất có nhà. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng chẳng biết rồi có vì thế mà chậm đi đến được những cải tổ dứt khoát quá ư là cần thiết cho hệ thống nghiên cứu và giảng dạy của Việt Nam không?

– Mấy ông trí thức này cứ lo nói chuyện nghiên cứu với giảng dạy nghe mà bắt mệt! Xây dựng đất nước là sản xuất, là kinh doanh. Sao không thấy mấy ông nói tới?

– Mình ở Pháp không thấy mâu thuẫn giữa khoa học, giáo dục và kinh doanh, sản xuất mà trái lại thấy có dự phóng cho cả nước đặt trong viễn tượng phát triển của khối cộng đồng châu Âu, có chính sách nhất quán phối hợp hài hoà nghiên cứu và giảng dạy, khoa học và công nghiệp, nghiên cứu, đào tạo và phát triển. Thấy có chính sách, đặc biệt là chính sách thuế khoá, tạo điều kiện cho các xí nghiệp kể cả các xí nghiệp nhỏ (PME, Petite et Moyenne Entreprises) áp dụng thành quả nghiên cứu vào canh tân kỹ thuật.

– Chính đó là một điểm yếu của cấu trúc khoa học kỹ thuật và giáo dục của Việt Nam. Nghiên cứu tách rời với đào tạo. Khoa học kỹ thuật và giáo dục xa cách đời sống sản xuất. Thiếu phối hợp giữa đào tạo và sản xuất. Thiếu tổ chức, thiếu thể chế để dây chuyền đi từ nghiên cứu cơ bản qua nghiên cứu ứng dụng đến các xí nghiệp sử dụng kỹ thuật được thông suốt.

– Thôi! Sì tốp chuyện mơ màng xa vời đi. Đầu mối cuối cùng dù sao cũng là xí nghiệp sản xuất. Nói gì đến áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, chỉ riêng việc đứng ra lập xí nghiệp mình có cảm tưởng rằng người Việt đầu tư kinh doanh bị kỳ thị. Thoát qua khỏi bao nhiêu trở ngại phiền hà hành chính để có được phép mở xí nghiệp lại phải đơn thân đối phó với cạnh tranh bất chính, với đồ dỏm, với buôn lậu... Trong khi tư bản ngoại quốc lại được luật đầu tư ưu đãi hơn nhiều!

– Nghe trong hội nghị Việt kiều xuân Quý Dậu vừa rồi có nói đến những biện pháp khuyến khích người Việt định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo tinh thần "... Chính phủ CHXHCHVN tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước" của điều 39 Luật đầu tư đã có từ 9/1/88, cụ thể là về thuế lợi tức được hưởng mức ưu tiên trong Luật đầu tư...

– Nghĩa là có thể được hưởng như tư bản nước ngoài. Nhưng mà còn là lời hứa, còn kèm theo chữ "có thể" . . . Trên thực tế thì chưa thấy gì. Hãng Long Thành nguồn vốn là do Việt kiều bỏ vào, vừa rồi đầu tư cả triệu đôla để nhập về 15 máy ép nhựa mà nào có hề được giảm thuế lợi tức, chớ đừng nói là miễn thuế... Mà cần là chính sách khuyến khích đầu tư cho mọi người Việt, chớ còn riêng cho người Việt kiều....

– Mấy bác này thật quá là cạn tàu ráo máng. Chỉ thấy nói ách tắc và ách tắc... Giới hạn ở khâu tiếp thu khoa học kỹ thuật này, ngăn cách không qua được khâu đào tạo này, tắc nghẽn ở khâu chuyển giao kỹ thuật này, đến khâu kinh doanh sản xuất cũng bị chèn ép, kỳ thị nốt! Thế thì còn gì mà nói nữa không?

– Còn vấn đề tinh thần. Không phải là vấn đề nhỏ đâu. Trong buổi thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ Việt kiều hôm mồng một Tết vừa rồi, anh Trương Phước Trường ở Úc có nêu nhận xét rằng đó đây ở các cơ quan trong nước vẫn thấy tư tưởng chờ đợi Việt kiều "cho tiền, cho máy tính" hơn là thực tâm cộng tác khoa học kỹ thuật. Nhận xét đúng quá đi mất!

Mà tinh thần này thấy ở cả mọi cấp. Đã có lần anh em thấy một vị trách nhiệm khoa học kỹ thuật cấp cao trân trọng cái máy vi tính anh em đem về hơn là phần mềm mà anh em đã đem hết tâm trí ra thực hiện không kể đêm ngày. Nếu chỉ xem giá trị là tiền thì cái phần mềm này gấp trăm lần giá cái máy vi tính!

– Cũng phải nói có nơi chưa hiểu ra rằng cộng tác khoa học kỹ thuật cần phải liên tục lâu dài. Làm xong một đề án và nếu là đề án có triển vọng thật thì lại mở ra đề án khác tiến triển hơn, tiếp nối thành quả của đề án trước. Khoa học kỹ thuật là liên tục tiến triển không ngừng. Đằng này có cơ quan trong nước, khi người cộng tác nước ngoài ra về là hết chuyện, không có đến một cái thơ cám ơn. Trong báo Quê Hương của Ban Việt kiều trung ương thấy viết rằng nhiều chuyên gia trong chương trình TOKTEN " ... vẫn giữ liên hệ với đơn vị đã mời mình về làm việc, tiếp tục giúp đỡ vô tư và tự nhiên trở thành người cổ động cho dự án.". Theo nhà báo thì là vì lý do: "Đó cũng là đức tính thuỷ chung, yêu việc thiện, yêu đất nước, yêu con người của dân tộc Việt Nam, mà dù cho có tha phương cầu thực ở chân trời góc biển nào, mỗi con người của dân tộc cũng không bao giờ để phai mờ, mất hết." Hình như vị viết những câu ấy cũng không hiểu được rằng, bất cứ nhà khoa học người nước nào cũng sẽ xử sự như vậy. Đơn giản vì cộng tác khoa học kỹ thuật là liên tục, xong đợt này triển khai thành đợt khác.

– Nghe mấy bác nói thì cứ như là người Việt ở nước ngoài có đem tâm trí, đem kiến thức về cộng tác với anh em trong nước, kết quả cũng chẳng đi tới đâu, có đúng thế không nào?

– Không. Vì trong khi sấp ngửa còn chưa rõ ra sao, đôi khi đóng góp của người Việt ở nước ngoài, dù chỉ là giọt nước, nhưng là giọt nước làm nghiêng cán cân. Như vào thời còn tranh cãi chưa biết nên chọn máy vi tính hay là máy cỡ lớn hơn, người Việt ở Âu châu, ở Canada đem máy vi tính, đem phần mềm về, chứng minh khả năng của loại máy nhỏ. Đến nay thì hai năm đã rõ mười, những đóng góp lúc ban đầu ấy đã giúp phần quyết định cho công nghệ tin học bắt đầu nảy nở tại nước nhà ngay trong lúc Hoa Kỳ còn cấm vận...

– Đúng hơn là một vài đóng góp đã bén rễ, nảy mầm. Nhưng cứ vẫn là mầm non. Còn phải chờ một dự phóng cho đất nước, cho dân tộc. Chờ một chính sánh nhất quán và đồng bộ phối hợp hài hoà khoa học và công nghiệp, nghiên cứu, đào tạo và phát triển. Người dân được nâng đỡ trong kinh doanh sản xuất được quyền lập hội, được quyền trực tiếp quan hệ với nước ngoài...

– Vâng. Vấn đề giống như là gieo hạt, trồng cây. Tôi cứ nhớ mãi lần về thăm đất nước năm 1987. Mất mùa to. Trời lạnh gắt. Vùng Nghệ Tĩnh mạ gieo ba lần, ba lần đều bị chết lạnh cả. Chỉ thấy người nông dân lẳng lặng gánh đất về nhà, đổ lên bạt ni-lông căng trong phòng, gieo mẻ lúa giống cuối cùng, chờ ngày trời ấm lại. Có người Việt nào đã xa thế hệ làm nghề nông lắm đâu. Chúng ta kiên nhẫn gieo hạt cho dân tộc...

 
B.M.H. (tháng 3.93)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss