Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Trang kinh tế

Trang kinh tế

- Diễn Đàn — published 01/01/2011 00:20, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:22

Trang kinh tế


Những lâu đài trên cát

 

Mô hình kinh doanh một thời lừng lẫy của thành phố HCM, Công ty lương thực thành phố hiện đang “như một cỗ xe đồ sộ đứng chông chênh bên bờ vực của sự phá sản”, theo lời báo Tuổi Trẻ ngày 1.2.1993. Còn được gọi là “ Công ty của Bà Ba Thi”, xí nghiệp quốc doanh này đã nổi tiếng từ khi bà giám đốc Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) “phá rào” nền kinh tế bao cấp để đảm bảo cung ứng lương thực với giá cả ổn định cho thành phố HCM (đầu những năm 80). Từ thành công đó, Công ty lương thực thành phố phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn với 28 xí nghiệp trực thuộc.

Song hiện nay, nhận định chính thức cho rằng “ trong nhiều năm qua, hoạt động của công ty hầu như đặt ra ngoài cơ chế chung, thoát ly sự quản lý của các cơ quan nhà nước”. Hiện tại, Công ty lương thực đã mất khả năng chi trả nợ: 126 tỉ đồng nợ trong nước và nhất là 44 triệu đôla (440 tỉ đồng) nợ nước ngoài quá hạn. Vốn vay nước ngoài, chủ yếu là tín dụng thương mại (thời hạn ngắn) đã được công ty sử dụng vào một số đề án đầu tư bất chấp hiệu quả kinh tế. Chỉ tính những thương vụ lớn, con số thâm thủng tài chính do làm ăn thua lỗ lên tới 206 tỉ đồng. Đó là chưa kể phần tài sản của nhà nước đã bị thất thoát, chưa được đánh giá.

Bên cạnh sự phiêu lưu kinh doanh của bà Ba Thi, bài báo Tuổi Trẻ còn nói đến những tiêu cực của một số cán bộ được lãnh đạo công ty “ tiếp tay, dung túng” để “rút ruột” công ty. Như bà Trần Thu Hồng, trưởng trạm chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty, đồng thời là giám đốc của một xí nghiệp cạnh tranh với Công ty, xí nghiệp dịch vụ xuất khẩu EDC1 thuộc Công ty phát triển kinh tế Côn Đảo. Theo tài liệu điều tra, riêng những hợp đồng ký giữa Công ty lương thực và EDC1 đã làm thất thoát 9,3 tỉ đồng của Công ty.

Năm 1992 nhà cầm quyền đã khởi tố bà Trần Thu Hồng về tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn bà Nguyễn Thị Ráo thì chỉ bị đưa về hưu. Tuy nhiên vừa qua, người ta được biết Hội đồng giám định y khoa trung ương lại kết luận rằng bà Trần Thu Hồng bị “ tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”! Điều ấy đồng nghĩa với việc bà Hồng không chịu trách nhiệm về sự thất thoát tài sản nhà nước do bà gây ra. Bứt mây động rừng?

Tiếp theo sự phá sản của Cosevina (1991), rồi Công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh, báo chí trong nước đang đưa tin về nguy cơ sụp đổ của Liksin, một thời đã được xem là “mô hình làm ăn sáng giá của thành phố HCM”. Liksin là tên tắt của Liên hiệp khoa học sản xuất in thành phố HCM, “con chim đầu đàn của ngành in cả nước”, hiện nay là một tập đoàn gồm 13 xí nghiệp với tổng giá trị tài sản cố định lên đến 174 tỉ đồng. Tổng giám đốc Liksin, ông Phạm Quang Hưng cũng một thời đã được xem là một lãnh đạo xí nghiệp mẫu mực của thành phố. Song cuộc thanh tra tiến hành trong tháng chạp 1992, sau khi Liksin mất khả năng thanh toán nợ, cho thấy 94% vốn cố định của tập đoàn xí nghiệp này là vốn vay từ nhiều nguồn: 11 ,6 triệu đô la của Ngân hàng đầu tư quốc tế MIB (của cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa cũ), 2 triệu của Vietcombank và tiền tiết kiệm của dân huy động qua tín dụng. Vào cuối năm 1992, số nợ quá hạn đã lên đến 1 ,6 triệu đôla.

Theo báo Phụ nữ thành phố HCM (ngày 6.1.1993), các chủ nợ đang giành giựt nhau ưu thế: Vietcombank yêu cầu cấn trừ nợ một số mặt bằng nhà cửa của Liksin, trong khi sở tài chính rà soát các thiết bị của Liksin có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...

Không chỉ Liksin hay Công ty lương thực thành phố HCM, mà những công ty quốc doanh lớn khác như Đông lạnh Hùng Vương hay Legamex, đều là những “ toà lâu dài trên cát”, như chữ dùng của bài báo nói trên. Giải thích hiện tượng sụp đổ hàng loạt này, báo chí vẫn nhắc đi nhắc lại một số “nguyên nhân”: do giám đốc thiếu năng lực (sử dụng vốn không hiệu quả, sai lầm trong việc sử dụng cán bộ, v.v...), hoặc do giám đốc thiếu đạo đức (tham nhũng, vô trách nhiệm, v.v...) Hoặc người ta đổ mọi sự cho hai chữ “cơ chế” chung chung, vô hình, vô thể. Dễ hiểu, vì không ai được nói tới cái gốc của mọi căn bệnh: đó là cái được mệnh danh “chế độ sở hữu toàn dân”, trong thực tế là sự tập trung sức sản xuất của xã hội vào trong tay của một thiểu số nắm quyền lực nhưng không chịu trách nhiệm đối với xã hội. Cho đến khi nào gốc căn bệnh không được thừa nhận và thực tâm chữa trị, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục sẽ là những nơi bòn rút nhiều hơn là làm ra của cải cho xã hội.


Vietsov-petro ném hàng triệu đôla qua cửa sổ

 

Cuối tháng chạp vừa qua, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố một vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Vietsov-Petro), và bắt giam ông Đăng Hữu Quý, quyền phó chánh kỹ sư viện thiết kế của Vietsov-Petro.

Tài liệu điều tra cho thấy hàng triệu đôla đã bị thất thoát trong việc ký kết hợp đồng mua thiết bị vật tư ở nước ngoài: như là mua ống thép không đúng quy cách, gây thiệt hại 350.000 đôla; ký hai lần hợp đồng thử lực căng xích neo tàu chứa dầu, lãng phí 330.000 đôla; mua máy tính không giám định chất lượng, làm thiệt hại trên 100.000 đôla; mua hai lần xích neo để cố định tàu chứa dầu, lãng phí 292.000 đôla; điều động tàu đi Singapore nhận hàng đặt mua nhưng lại không có, làm mất mát khoảng 1 triệu đô la, v.v...

Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 14.2.93, phó tổng giám đốc Lê Quang Trung cho biết Vietsov-Petro, khi thành lập có 20% nhân viên Việt Nam, 80% là Liên Xô. Hiện nay tỉ lệ đã ngược lại và cán bộ Việt Nam đã thay thế dần các chức vụ quan trọng về quản lý “tuy nhiên cái yếu còn tồn lại là ở khâu thương mại”. Nguồn cung cấp thiết bị trước đây là Liên Xô. Sau 1991, Vietsov-Petro mua thiết bị từ nhiều nguồn khác và “không có kinh nghiệm trong việc này”. Các người trách nhiệm Vietsov-Petro đã ném những số tiền khổng lồ qua cửa sổ là do “ thiếu trách nhiệm” hay do “cố ý làm trái” vì tư lợi? Đó mới thực sự là vấn đề, tuy không mấy ai nghĩ rằng nó sẽ được chính quyền làm sáng tỏ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss