Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Vài câu chuyện về nhà thơ Quách Tấn

Vài câu chuyện về nhà thơ Quách Tấn

- Nguyên Lạc — published 01/01/2011 01:00, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:36

Vài câu chuyện về nhà thơ
Quách Tấn


Nguyên Lạc

Tặng những người bạn của thi sĩ

Cuối năm 1989, nhân dịp nói chuyện về mấy bản dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du ra tiếng Việt, vài anh em bạn nói với nhau: chúng ta có trong tay hầu hết các bản dịch, nhưng tiếc chưa có bản dịch của Quách Tấn. Có thể có người có bản dịch đó ở Paris, nhưng cũng chẳng biết ai mà mượn.

Hè 1990, một chị bạn cho hay là chị đã tìm được Tố Như Thi, tức bản dịch của Quách Tấn nhân dịp chị vừa về thăm Việt Nam. Chúng tôi mừng lắm, đến kiếm ngay sách đó và làm photocopie cho vài anh em bạn. Sách này do An Tiêm xuất bản tại Sài Gòn năm 1973. Sách trình bày trang nhã, bìa dầy, có hình một bàn tay thuôn đẹp, giấy trắng, có phần chữ Hán do ông Trần Trúc Lâm viết, có phiên âm và có 72 bản dịch của Quách Tấn.

Anh N.H.T. đọc rất kỹ bản này và so sánh với sáu bản dịch khác mà chúng tôi đã có trong tay. Có thể tóm tắt là bản dịch của Quách Tấn rất hay vì đó là một nhà thơ lớn dịch một nhà thơ lớn. Khuyết điểm của cuốn sách này nằm ngay trong Lời Thưa của Quách Tấn ở mấy trang đầu.

Quách Tấn nói “ Năm 1966, bạn Thi Vũ ở Pháp gửi về cho tôi 245 bài đã sao được trong thư viện Ba Lê”. Ông chọn 72 bài dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi thắc mắc vì được biết không thư viện nào ở Ba Lê có một bản thơ chữ Hán của Nguyễn Du hết. Chúng tôi có gặp ông Thi Vũ tháng ba 1991 và hỏi ông về vấn đề trên. Ông trả lời là lâu quá rồi, ông cũng quên là đã sao mấy bài thơ trên từ tài liệu nào; nhưng ông cũng đồng ý là những tài liệu đó không nằm trong thư viện ở Ba Lê. Thế là nguồn gốc văn bản thơ Nguyễn Du ông Quách Tấn dùng để dịch không rõ ràng. Đáng tiếc.

Biết thơ muốn biết người. Chúng tôi được biết Quách Tấn vẫn sống tại Nha Trang và sống lẻ loi.

Đầu năm 1991, một người bạn lại thăm chúng tôi trước khi anh về chơi Việt Nam, hỏi chúng tôi có muốn mua bán gì ở Việt Nam không? Mua bán thì không, nhưng nếu anh có qua Nha Trang, nhờ anh đến gặp ông Quách Tấn và trao lại ông hai bức thư, một bức của tôi, một bức của anh N.H.T. Anh bạn ngạc nhiên hỏi có phải ông Quách Tấn làm thơ không? Ông ta còn sống à?

Anh bạn về tới Nha Trang, vất vả lắm mới tìm thấy nhà của thi sĩ, tuy có địa chỉ rồi.

Chúng tôi cẩn thận đã báo thư trước là sẽ có người đến thăm ông. Khách đi qua ngõ hẻm, tới ngôi nhà nhỏ cửa để mở, ghé vào căn phòng tối om cất tiếng hỏi: “ Đây có phải là nhà của cụ Quách Tấn không?” Tiếng một ông cụ già vọng lại “Ai đó? Đến có chuyện chi vậy?” Khách nói tên mình và nêu lý do cuộc thăm, chủ vẫn hỏi: “À ông từ xa lại. Có chuyện gì vậy ?” Khách hơi ngỡ ngàng, nhắc lại có hai bức thư do hai người bạn ở Pháp nhờ chuyển về cho cụ. Chủ vẫn bỡ ngỡ: “ Tôi không quen họ. Không hiểu có chuyện gì vậy?” Khách tiến lại chỗ giường cụ ngồi, đưa hai lá thư cho cụ. Cụ cầm lấy thư, song đưa lại khách: “Ông làm ơn đọc cho tôi.” Khách lúc đó mới quen bóng tối trong phòng và mới thấy cụ đã mù cả hai mắt rồi. Khách lại gần cửa đọc lá thư đầu. Thư hỏi xin cụ một tập thơ của cụ. Cụ tự nhiên niềm nở: “Á i chà, còn có người nhớ tới thơ tôi à? Hân hạnh lắm. Mà sao người ở gần tôi không mấy khi lại thăm tôi, hoặc có lại cũng chỉ để quấy rầy, còn người ở xa lại muốn gặp?”

Ngừng một lúc, cụ tiếp: “Tôi xin lỗi ông, lúc đầu không biết ông đến đây với lý do gì, nên rất ngại tiếp.”

Lại ngừng một lúc. “ Chắc ông ở xa không biết. Năm 1983, tôi đã bị một bọn người đến đe dọa tôi; họ lấy không biết là bao nhiêu sách báo, tài liệu của tôi. Bây giờ chắc cũng không còn bao nhiêu để biếu.”

Cụ xuống giường, rò rẫm từng bước, đặt tay trên chiếc rương ở đầu giường, mở nắp mò mẫm lấy ra một tập sách đưa cho khách: “ Đây tập thơ Đọng bóng chiều, phải không?” Khách cầm tập thơ ra gần cửa đọc tựa, đáp “ Thưa đúng”. Cụ nhờ khách biên hộ đôi ba chữ tặng người độc giả ở xa và nói: “Ông chỉ cho tôi phải ký ở chỗ nào?” Khách đưa cây bút vào tay cụ, tay cụ đã run, tay khách càng run hơn. Cụ ký.

Cụ nhờ khách đọc bức thư thứ hai. Bức thư anh N.H.T. dài, nói rõ những chữ nhầm trong bản chữ Hán, và vài câu dịch phảng phất giống câu của người khác đã dịch trước cụ. Cụ nghe kỹ, thỉnh thoảng lầm bầm “Phải rồi” hoặc “ Thế à”, thỉnh thoảng xin khách đọc lại một vài đoạn cho thật rõ. Nghe xong cụ nói: “Tôi phải cảm ơn ông này đọc rất chu đáo bản dịch của tôi. Cũng không ngờ đến hôm nay còn có bạn hâm mộ chiếu cố tới sách tôi như vậy”. Cụ rất tiếc là bây giờ mắt đã hết thấy đường, tài liệu lại mất mát quá nhiều, nay chỉ còn trí nhớ để bàn cãi. Cụ cho biết là các bản sao do ông Thi Vũ gửi về là phiên âm chứ không phải viết bằng chữ Hán. Cụ còn dùng, ngoài các bản kể trên, vài tài liệu khác. Phần chữ Hán do ông Trần Trúc Lâm viết trong tập Tố Như Thi có những chỗ sai, đã có học giả Lê phê bình trong báo Bách Khoa, tháng 12.73. Cụ chấp nhận là một vài câu thơ cụ dịch có thể giống vài câu thơ người khác đã dịch, nhưng vì cụ đọc nhiều có thể thơ người ta nhập vào hồn mình mà không hay.

Khách sợ cụ mệt, xin cáo từ. Cụ mò mẫm đến đầu giường, lấy một cuốn vở trao cho khách. Đó là một số bài thơ cụ viết tay, có bài đã in ra sách rồi, có bài chưa in. Khách đọc vài bài thơ, cụ lắc đầu: “Không được, không được.” Sau cùng cụ tạm chọn ba bài thơ trao cho khách, nói để tặng ba người bạn phương xa. Khách vui vẻ cám ơn cụ và xin phép lại thăm cụ lần nữa trong thời gian còn ở lại Nha Trang. Cụ niềm nở nhận lời.

Hai ngày sau, y hẹn, khách tới gặp cụ. Lần này thấy cụ đã ngồi trên ghế ngay bực cửa, có ý đợi khách. Khách lên tiếng, mặt cụ sáng lên một nụ cười, mời khách vào nhà. Phòng thắp một ngọn nến. Khách thấy tường quét vôi đã nhiều nơi hoen ố. Câu chuyện tiếp diễn tự nhiên như giữa những người đã quen biết nhau từ lâu.

Khách nói: “Tôi biết cụ qua Mùa cổ điển, tron g tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân đó (1942)”. Cụ cười: Mùa cổ điển bây giờ đúng là cổ điển rồi; gần 50 năm rồi, ông ơi.” Khách cũng cười: “Không, cụ ạ. Hồi đó tôi còn trẻ, đọc những Từ Ô Y Hạng rủ rê sang rất ngỡ ngàng. Lúc đó còn đang bồng bột với những yêu đương sôi nổi của Xuân Diệu, những oai hùng của con hổ Thế Lữ, những buồn vương vấn của Huy Cận, cụ bảo sao không ngỡ ngàng với thế giới Đường thi của cụ ? Sau này, chính vì đọc thơ Đường, đọc lại thơ cụ rất thích. Thơ cụ thành ra mới là vậy.”

Cụ nói: Mùa cổ điển lúc ra đời đem lại cho tôi vài chuyện bất ngờ, ông ạ. Hồi đó tôi ở Nha Trang. Một buổi sáng, tôi thấy trước sân nhà tôi có một gói giấy lớn phong kín. Mở ra, tôi thấy trong có một bản Mùa cổ điển, một bức thư và một chiếc roi mây cuộn tròn. Tập thơ bị gạch và bị phê bình với những lời bất nhã. Bức thư phán rằng “Dốt nát mà dám phổ biến thơ mình. Tội kiêu căng vô lễ ấy đáng đánh đòn, nên gửi trước chiếc roi mây, nay mai sẽ đến nọc đánh ba chục roi.” Tác giả chuyện hi hữu trên là Một nhóm người làm thơ ở Nha Trang. Nay tôi còn giữ kỹ những món kỷ niệm đó.”

Khách định lảng sang chuyện khác vui hơn: “Tôi nhớ trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân có trích vài bài thơ của bạn thân cụ là Hàn Mặc Tử và có nói là cụ giữ bản quyền in sách thơ Hàn Mặc Tử, nên không trích nhiều hơn.” Cụ đăm chiêu: “ Hàn Mặc Tử là bạn thân của tôi, ai cũng biết. Tôi đã khóc Lệ Thanh trong bài Mộng thấy Hàn Mặc Tử trong Mùa cổ điển. Tôi đã nói nhiều trên báo chí về Hàn Mặc Tử rồi. Còn chuyện này không vui gì cho tôi, xin cũng kể cho ông biết. Năm 1960, sau khi Mùa cổ điển được tái bản, ông Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm báo Nguyệt san phổ thông có gửi cho tôi một bức thư của một độc giả ở Nha Trang. Thư nói rằng tập thơ Mùa cổ điển là của Hàn Mặc Tử. Để đáp lại sự giúp đỡ của tôi, Hàn Mặc Tử mới đề tên tôi vào tập thơ và bảo Chế Lan Viên đề tựa chứ tôi chỉ là một ông phán toà sứ, chỉ biết oui cùng non chứ không biết gì về thơ cả. Nguyễn Vỹ yêu cầu tôi trả lời, nhưng tôi đã im tiếng luôn. Một quyển sách ra đời mà được để ý như thế tôi cho là thú vị chứ không phật ý.”

Khách sửng sốt: “Làm thơ mà cũng có người ghét đến như vậy à?”

Cụ chỉ mỉm cười không đáp. Một thời gian im lặng.

Khách nói tiếp: “Xin cụ cho biết cụ đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm rồi?”

Cụ nói: “Từ sáu mươi năm nay tôi đã hoàn tất được 15 tập thơ, dịch 3 tập thơ, làm 1 tập văn tế và viết thêm trên 50 tập văn xuôi. Nhưng mới xuất bản được 5 tập thơ, 1 tập thơ dịch và 8 tập văn xuôi.”

Khách vui mừng: “Cụ sáng tác khoẻ như vậy, thật đáng phục.”

Cụ cười nhẹ: “Cả đời tôi chỉ có biết viết, có gì mà phục với không phục? Nay đã mù rồi, chỉ tiếc là không được đọc thêm và viết thêm thôi.”

Cụ thở dài: “Viết như vậy, chẳng biết còn ai đọc mình nữa kh ông, chứ đừng nói là ai hơi đâu in sách tôi nữa?”

Khách lạc quan: “Cụ yên tâm. Còn nhiều người đọc sách cụ. Thời cơ in sách cụ rồi sẽ đến.”

“Tôi già rồi. Người ta để cho tôi yên là may lắm rồi.”

Trước khi từ biệt, cụ lấy ra một tấm hình mới chụp tặng khách “để ghi lại cuộc tri ngộ này.”

Tấm hình mầu được chụp ngay căn phòng chủ khách đang nói chuyện. Quách Tấn ngồi trên giường, mặc bộ quần áo trắng giản dị hàng ngày, tay phải đặt trên đầu gối, tay trái dựa trên đống sách quí để trên giường. Đôi kính đen che mắt nhà thơ. Nụ cười thật niềm nở, cởi mở.

Ngay sau lưng nhà thơ, một cái chổi tre lớn treo lủng lẳng trên bức tường vôi, chắc đã được tận dụng để quét bụi trần.

Khách từ giã lên đường. Bước ra khỏi căn nhà, ánh sáng làm khách hoa mắt. Ra khỏi ngõ hẻm lặng lẽ, đến phía chợ đã thấy ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hàng ngày.

Nguyên Lạc

(Paris 6.2.93)

Hạc điểm canh

Giọt lệ Tiên Điền khóc Tiểu Thanh
Mình riêng nhỏ lệ khóc riêng mình
Nửa đời ngọn thép un mây thẳm
Một nhoáng lòng dâu trút biển xanh
Trăng nước có thương vần độc tỉnh?
Lửa hương đành phụ giá Liên Thành
Tìm về núi cũ xem mai nở
Mong bén ngàn xa hạc điểm canh.

1975-76

Không đề

Ngày cũng như đêm chẳng thấy gì
Không làm thơ nữa biết làm chi
Cho còn ra sống cho tiêu muộn
Dẫu có vô duyên dẫu lỗi thì
Hạc rủ mộng sang thuyền Xích Bích
Én đưa tình tới ngõ Ô Y
Đàn ai tiếng vọng ngoài mây nước
Biết có còn ai nối Tử Kỳ?

1990-1991

 

          Bút tích Quách Tấn (Những chỗ chữa lại là do nhà thơ đọc cho con trai viết thay)

but-quach-tan


 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss