Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 18 / Việt – Nhật

Việt – Nhật

- Shiba Ryôtarô — published 01/01/2011 03:00, cập nhật lần cuối 06/02/2011 23:55
Người cộng tác: Vĩnh Sính

Việt – Nhật


Shiba Ryôtarô, Vĩnh Sính dịch

 

Lời giới thiệu: Shiba Ryôtarô (Tư-mã Liêu-Thái-Lang; sinh năm 1923) là bút hiệu của Fukuda Teiichi. Ông ta là một cây bút nổi tiếng ở Nhật. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1953; những tiểu thuyết lịch sử của ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn học danh tiếng ở Nhật. Các tác phẩm này dựa trên những nghiên cứu và điều tra tài liệu nghiêm túc, một lối nhìn nghiêm túc (thường được gọi là “sử quan của Shiba”). Độc giả ở Nhật, kể cả giới nghiên cứu sử học chuyên nghiệp, rất tán thưởng những tác phẩm có chiều sâu và chiều rộng của ông. Văn ông nhẹ nhàng, nhưng hàm súc, có lối chuyển ý độc đáo – làm người đọc liên tưởng đến văn Sơn Nam.

Ông Shiba đã đi Việt Nam và có viết một du ký rất sâu sắc về chuyến đi này. Bài tuỳ bút giới thiệu sau đây đã đăng trên tạp chí Bungei shunju (tháng 2. 1990), viết vào lúc những thuyền chở người Phúc Kiến giả dạng thuyền nhân Việt Nam đến Nhật Bản từ đợt này sang đợt khác.

Người dịch đã cố gắng giữ nguyên cách phân đoạn giống như trong nguyên tác tiếng Nhật, mặc dầu cách phân đoạn này có vẻ là lạ trong tiếng Việt.

Những chữ trong dấu ngoặc [ ] là lời chú thích của người dịch.

 

bandoTrong khu vực văn minh Hoàng Hà phát triển ở Hoa Bắc ngày nay – nơi ngày xưa dân Hán đã gọi bằng danh từ “Trung Nguyên” hoa mỹ – người ta không biết có lúa. Chữ “mễ” 米  [gạo] khi mới đặt ra dùng để chỉ tất cả các cốc loại tổng quát.

Trong khi đó, trên lưu vực Trường Giang ở Hoa Trung, con người đã chân lấm tay bùn trồng lúa nước, và gạo là lương thực chủ yếu.

Vùng lưu vực Trường Giang có nền canh nông trồng lúa này gọi là Sở, không có dân Hán cư ngụ. Nhìn từ góc độ của Trung Nguyên, Sở là man địa [đất mọi rợ].

Nguồn gốc xa xưa của nông nghiệp trồng lúa ở Trung Quốc phát xuất từ Vân Nam, một vùng cho đến thế kỷ III sau Công Nguyên vẫn còn được xem là man địa.

Sau lưng Vân Nam là những vùng trồng lúa mênh mông của Đông Nam Á và Ấn Độ. Nói một cách khác, khu vực trồng lúa trên lưu vực Trường Giang là biên giới tận cùng về phương Bắc của những dân tộc trồng lúa ở Đông Nam Á.

Đến khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 trước CN), thế lực của nước Sở trên lưu vực Trường Giang ngày càng trở nên hùng mạnh, uy thế áp đảo cả những nước Trung Nguyên. Lý do chắc hẳn vì lúa có thể nuôi được nhiều người hơn so với các cốc loại khác.

Thế rồi, ruộng lúa ngày càng nhiều ở khu vực hạ lưu Trường Giang; cư dân tụ họp ngày càng đông. Sở nằm trên địa phận tỉnh Giang Tô ngày nay, Tô Châu dần dà trở thành kinh đô nước Sở.

Nước Ngô thời cổ đại, nhìn từ Trung Nguyên thì cũng giống như Sở, chỉ là man địa. Trên thực tế, thời Xuân Thu, dân vùng này trong dáng dấp bên ngoài cũng đã khác dân Hán: đàn ông không búi tóc, lại thêm có tục xăm mình.

Cũng khoảng thời Xuân Thu, ở miền Nam nước Sở thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay, một quốc gia có nông nghiệp trồng lúa và dân số ngày càng đông gọi là Việt xuất hiện.

Việt giống Ngô, từ việc ăn cơm cho đến các phong tục. Người Việt xăm mình, để tóc ngắn, biết lặn xuống sông, hồ để bắt cá. Khu vực văn minh Trung Nguyên sợ nước, vì có nền văn hoá không gần gũi với nước nên nội chuyện người Việt biết bơi lội thôi thì hình như cũng gây nên ấn tượng Việt là dã man mọi rợ.

So với dân các nước Trung Nguyên, tính tình dân ba nước Sở, Ngô, Việt hình như có nhiều nét giống nhau.

Tỷ dụ như khuynh hướng dễ phát cáu hay gây gổ; thay vì lý trí, dễ bị tình cảm lôi cuốn.

Ngô Việt không mấy thích nhau. Khoảng năm 500 trước CN, Ngô Việt hầm hực đánh nhau hơn ba mươi năm.

Nói nửa đùa, chứ dân sống nhờ lúa vì phải ăn với thức ăn có vị muối, nên cuối cùng có lẽ vì lượng muối trong cơ thể quá nhiều nên dễ nổi nóng. Thêm vào đó, hình như họ lại thiếu canxi (calcium). Thiếu canxi hình như khiến người ta dễ nóng tính.

Tiện thể xin nói thêm là Việt có địa bàn ở Chiêu Hưng tỉnh Chiết Giang ngày nay, xưa gọi là Cối Kê.

Tiếng nói ở Sở, Ngô, Việt ngày xưa đều khác tiếng Trung Nguyên và thuộc ngữ tộc của các tiếng Đông Nam Á.

Vào thời Chiến Quốc, ngay ở man địa là nước Sở cũng đã xuất hiện nhà tư tưởng Hứa Hành.

Hứa Hành đề xướng chủ nghĩa giai nông, chủ trương là cấp thống trị từ vua chúa trở xuống đều phải cày cấy và phải sống đơn giản như thường dân. Chủ nghĩa giai nông nói một cách khác là chủ nghĩa bình đẳng, không phân nghiệp [division of labour], phủ nhận kinh tế thị trường và tôn trọng cần lao.

Người chống đối Hứa Hành mãnh liệt nhất là Mạnh Tử (372-289 tr. CN) của phái Nho giáo.

Mạnh Tử bắt những người đã bỏ Nho giáo đi theo Hứa Hành lại để thuyết pháp, bảo rằng thuyết của Hứa Tử (Hứa Hành) là mị dân, không tưởng (xem sách Mạnh Tử, chương “Đằng Văn Công”). Cuối cùng Mạnh Tử hoảng hốt la lối:

“Thằng đó (Hứa Hành) là dân man di mọi rợ”, rồi quở mắng: “ Các ngươi nghĩ xem, làm sao người văn minh lại để cho dân mọi rợ cảm hoá; huống nữa tiếng nói của nó là ‘ nam man quyết thiệt’ ”.

‘Quyết thiệt’ có nghĩa là tiếng kêu của chim quyết (‘nam man’ là miền Nam mọi rợ). Chửi người ta mọi rợ đến thế là cùng.

Việt , chữ Hán còn viết là . Vào cuối thời Xuân Thu, nước Việt được hình thành quanh vùng Cối Kê.

Phía Nam (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông) vào thời Mạnh Tủ cũng là man địa; có nhiều dân tộc trồng lúa gọi chung là Bách Việt ( ) cư ngụ.

Vùng cư ngụ của Bách Việt thật là rộng lớn. Theo Hán Thư vùng này “trải rộng từ Giao Chỉ (thuộc Việt Nam ngày nay) cho đến Cối Kê” . Tóm lại, nói theo danh từ địa lý ngày nay, vùng đất của người Việt bao gồm các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông cho đến [miền Bắc của] Việt Nam trên bán đảo Đông Dương.

Vương triều của Việt kéo dài không lâu. Thời hưng thịnh nhất hầu như tập trung vào thời Việt Vương Câu Tiễn (bắt đầu từ năm 496 trước CN) và dựa trên những sự nghiệp anh hùng của vị vua lừng danh này. Sau khi Việt vương Câu Tiễn mất, Việt càng ngày càng suy yếu, cuối cùng bị Sở diệt.

Phải chăng sau khi Việt bị diệt vong, một số di thần đã nương theo dòng hải lưu Tsushima [Đối Mã] để tìm đến Kyushu [Cửu Châu] và mang kỹ thuật trồng lúa sang Nhật? Từ lâu người ta đã hình dung như vậy.

Lý do là thời điểm Việt bị diệt vong và thời điểm nền nông nghiệp trồng lúa dựa vào Kyushu xảy ra cùng một niên đại.

Nói vậy không có nghĩa rằng chỉ có người Việt là tổ tiên của người Nhật: Trước thời đại Yayoi 1 là lúc nông nghiệp trồng lúa xuất hiện ở Nhật, có thời đại văn hoá Jômon [Thằng văn] 2 kéo dài từ khoảng vài ngàn năm cho đến một vạn năm.

Ông Egami Namio (một học giả ngành khảo cổ học) đã từng nói: “ Chủ nhân của văn hoá Jômon đã để lại các di tích khắp nơi trên nước Nhật”.

Những di tích này không chỉ tìm thấy ở Hokkaidô [Bắc Hải Đạo] mà còn được phát hiện từ phía Nam đảo Chishima ở miền Bắc cho đến ngay trên hòn đảo chính của quần đảo Okinawa và các đảo rời rạc khác ở miền Nam. Xem thế cũng đủ thấy là chủ nhân của văn hoá Jômon rất chủ động và hiếu kỳ. Nếu xem các đồ gốm hoa lệ có hình dạng như những ngọn lửa đang ngùn ngụt bốc cháy, được chế tạo vào khoảng 3000 trước CN, thì chúng ta cũng có thể hình dung được tinh thần năng động của họ.

Tuy nhiên, giả thử nếu nền nông nghiệp trồng lúa không được truyền sang Nhật thì khó lòng bảo đảm lương thực một cách thường xuyên và sinh hoạt sẽ không thể nào được ổn định nếu chỉ dựa vào săn bắn và hái lượm. Nếu nghĩ rằng chính hình thức định trú dựa trên nông nghiệp đã tạo điều kiện để văn hoá ngày càng phát triển thì quả việc bắt đầu nền nông nghiệp dưới dạng thức của văn hoá Yayoi là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Khó xác định được ai là những người đầu tiên đã đem lúa vào Nhật Bản. Phải chăng họ là người Việt? Hay phải chăng họ là những người đi từ miền Nam bán đảo Triều Tiên? Hay phải chăng họ là tập họp của cả hai nhóm đó?

Điều có thể khẳng định là đàng nào đi nữa thì họ cũng là những “thuyền nhân tỵ nạn”.3

Chúng ta cũng biết chắc là sau khi nước Việt bị diệt vong, phần đông người Việt đã đi về miền Phúc Kiến và Quảng Đông ngày nay.

Đặc biệt những người đi về vùng Phúc Kiến được gọi là “Mân” , sau đó họ dựng lên một nước thổ hầu đặt tên là Việt Quốc. Khu vực này mãi về sau mới bị Trung Quốc đồng hoá (vào khoảng cuối thế kỷ IX tức là cuối Đường).

Sách Nguỵ Chí Oa Nhân Truyện [của Trung Quốc] biên soạn vào thế kỷ III (sau CN) mô tả về “Oa nhân” [nghĩa đen là “người lùn”, dùng để chỉ người Nhật ngày xưa] có câu: “ Đàn ông xăm mình hình cá voi đủ các cỡ lớn nhỏ rất đẹp”.

Hoặc giả: “Họ thích lặn xuống nước để bắt cá bắt sò; nhờ có xăm hình nên không sợ những loài cá lớn gây tai hại”. Phần mô tả này giống hệt phần mô tả về người Việt trong thư tịch cổ [của Trung Quốc]. Thật là cảm động.

Đến đây chúng ta không khỏi không liên tưởng đến những tin tức [trên báo chí và đài truyền hình Nhật Bản] về việc những thuyền nhân Phúc Kiến vừa đến Nhật Bản [vào đầu năm 1990]. Họ giả dạng người tỵ nạn Việt Nam, tìm đến đất Nhật Bản xa xôi bằng những chiếc thuyền rách nát, từ đợt này qua đợt khác.

Theo dõi tin tức qua đài truyền hình, khi nhìn những chiếc thuyền rách nát trôi dạt trên Đông Hải, tôi không thể không liên tưởng đến chuyện này chuyện nọ về người Việt thời cổ đại, rồi tự dưng cảm thấy mình như đang say qua hơi men một ly rượu cổ.

Tuy nói là cổ đại, nhưng thực sự câu chuyện xảy ra mới chỉ khoảng có hai ngàn mấy trăm năm nay, nào có xưa gì so với thời đại đồ đá cổ!

Shiba Ryôtarô

1 Từ năm 250 trước CN đến năm 250 sau CN. Gọi theo tên của một khu vực ở Tokyo, ở đó di tích của nền văn hoá này được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1884.

2 Hình dây thừng.

3 Những người Triều Tiên di dân sang Nhật thời cổ đại cũng vì những biến cố chính trị xảy ra trên bán đảo Triều Tiên vào thời đó.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss