Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 19 - 05.1993 / Tào Mạt và bộ ba vở chèo bài ca giữ nước

Tào Mạt và bộ ba vở chèo bài ca giữ nước

- Hoàng Thanh — published 03/02/2011 01:10, cập nhật lần cuối 13/02/2011 16:02

Tào Mạt và bộ ba vở chèo
bài ca giữ nước


Hoàng Thanh

 

taomatTào Mạt tên thật là Nguyễn Đăng Thục, sinh trưởng trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ không được đi học. Năm 16 tuổi, đi kháng chiến, được dịp, ông hăng say lao vào học, học chữ Hán với thầy Đặng Thai Mai, học sân khấu với Thế Lữ...

Ông bắt đầu sáng tác kịch vào cuối những năm năm mươi, và nổi tiếng từ những vở chèo trong kháng chiến chống Mỹ. Việt kiều ở Pháp năm 69 đã được thưởng thức vở Đường về trận địa ông viết chung với Hoài Giao. Nhưng tác phẩm xuất sắc nhất của ông là bộ ba chèo lịch sử Bài ca giữ nước, gồm các vở Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước và Lý Nhân Tông học làm vua.

Mười giờ sáng ngày 13.4.1993, Tào Mạt đã vĩnh viễn ra đi sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh quái ác (ông từng bị 17 cái u bướu!), thọ 64 tuổi. Mới nửa tháng trước, chúng tôi vừa nói chuyện về Tào Mạt với Hoàng Thanh nhân dịp anh sang Pháp. Chuẩn bị tin dữ, anh đã cho phép trước Diễn Đàn đăng bài anh viết cách đây hơn một năm trên báo Đất Việt ( Canada) số 6&7, đông xuân 1992. Không ngờ, những sự ra đi vẫn cứ đột ngột! (Giờ chót, không kịp liên lạc với tác giả, chúng tôi phải mạn phép sửa những lỗi chính tả hiển nhiên trên bài ở Đất Việt).

Tào Mạt, người sáng tác bộ ba vở chèo lịch sử Bài ca giữ nước, được người trong giới coi là biên kịch chèo uy tín hiện nay. Tôi đến thăm Tào Mạt (tháng 12 năm 1991) khi ông đã tương đối khoẻ sau gần một năm chữa bệnh ung thư ở bệnh viện. Ông đang dùng phương pháp dưỡng sinh cổ truyền để chữa bệnh tại gia. Đang lúc nói chuyện với ông thì người thầy thuốc châm cứu đến, người thầy thuốc vạch lưng ông ra, để lộ những cục bướu ung thư khắp người. Mặc dù bệnh tật như thế, ông vẫn hút thuốc lá, vẫn say sưa nói chuyện về hoài bão của mình, là dùng phong cách chèo cổ xây dựng chèo mới. Ông nói, trong âm nhạc chèo, và âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, chưa có sử dụng kỹ thuật thanh nhạc lấy từ bụng để diễn đạt các “cao trào tình cảm” như giận dữ, thương xót, như trong opéra của Tây phương. Tuy vậy, thanh nhạc Việt Nam không phải là không có những kỹ thuật phát âm để xử lý “cao trào tình cảm” nhưng âm thanh phải đạt hiệu quả “tròn vành rõ chữ” để người nghe có thể nghe được lời. Ông mong muốn áp dụng những nghiên cứu của mình để làm mới chèo cổ dùng “phong cách” chèo cổ. Tào Mạt có dáng dấp của một nông dân, tóc rễ tre, cao lớn, khoác trên người một bộ đồ bộ đội cũ mèm, khi nói về chèo, ông có thể đứng dậy bất cứ lúc nào, ra điệu bộ, trình bày thử nghiệm qua tiếng hát khàn đục nhưng vạm vỡ của ông. Tào Mạt biết là ông không sống nổi bao lâu nữa. Nhưng ông vẫn hy vọng được dịp thực diễn một vở chèo theo ý hướng tìm tòi mới của ông. Tuy vậy ông lại nghèo. Nhà ở Nam Định, nhưng, là nghệ sĩ ông cần sống ở Hà Nội, vì vậy mà trở thành kẻ không nhà, lang thang, tối thường ngủ ở trụ sở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Vợ thường cắp rổ, buôn bán lặt vặt, kiếm thêm. Mới đây vì bệnh tật ông được nhà nước cấp cho một căn phòng.

Theo một số nhà nghiên cứu, chèo là một loại sân khấu ca múa kịch ít nhất là có từ thời Đinh, được vua quan ưa thích. Thời nhà Trần, có nhiều vị vua quan tham gia sáng tác. Điển hình là Trần Quang Khải. Đến thời nhà Lê, do ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, vua quan thích tuồng và lễ nhạc Trung Quốc, chèo bị đưa ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của nông dân. Chèo luôn luôn kết hợp nói lối, nói thơ, múa, hát và hề. Nếu muốn tìm hiểu những động tác múa hoàn toàn của người Kinh còn sót lại thì có lẽ phải tìm đến chèo. Chèo thường được diễn ở cửa đình, trên vài manh chiếu, với khán giả ngồi, đứng chung quanh. Chèo cũng dùng cách điệu, ở một số điệu bộ, vũ điệu, kể cả hát như để diễn tả người say, thư sinh, hề gậy, hề mồi, ... nhưng đây là những cách điệu gần đời sống thường ngày và không gò bó và chặt chẽ như tuồng. Diễn đạt tính cách nhân vật là hoàn toàn tuỳ thuộc vào người diễn. Xem chèo, người xem tìm được một sân khấu kịch hát hoàn toàn Việt Nam.

Khác với phương pháp kịch của Aristote, tức là tạo mâu thuẫn giữa nhân vật chính trong truyện, và đưa mâu thuẫn đến cao điểm để cuối cùng giải quyết mâu thuẫn ở cuối vở, chèo kể chuyện có tính tự sự, có đầu có đuôi, truyện trong chèo ít khi đả động đến vua chúa, thường là truyện dân gian. Những vở chèo cổ nổi tiếng là Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Từ Thức. Hát chèo là một chuỗi những ca khúc hoàn chỉnh có giai điệu, mỗi ca khúc thường phải gồm phần nhập đề, thân bài và đoạn kết; có dàn nhạc đệm, mỗi đoạn nhạc được nối bằng đoạn trống xuyên tâm. Tiếng trống chèo, với những đoạn lưu không là thiết thân của nghệ thuật chèo. Bắc cầu các ca khúc là lời nói lối, nói thơ và múa. Dù là nói, nói trong chèo cũng phải có vần có điệu. Hát trong chèo cũng gắn liền với vũ điệu. Ca khúc trong chèo dựa vào khoảng trên 100 làn điệu phổ biến diễn tả các loại nhân vật và tình ý khác nhau, được “bẻ làn nắn điệu” cho hợp với lời ca của từng kịch bản. Mỗi kịch bản thường lại có những đoạn vừa trò (múa, diễn, hề) vừa ca khúc độc đáo soạn riêng cho vở kịch và được coi là trung tâm nghệ thuật của vở. Trong khi đó ở opéra, ít có việc xử lý lại làn điệu quen thuộc, ca khúc hoàn chỉnh (aria) cũng được sử dụng diễn tả cao trào tình cảm, nhưng ít hơn ở chèo, vũ điệu nếu có cũng không gắn liền với hát nên kịch tính có thể đưa vào dễ hơn chèo. Nhạc không lời trong opéra cũng là phần chủ yếu, gắn liền với giá trị của nó trong khi nhạc trong chèo thường có tính cách phụ thuộc, làm đệm.

Tào Mạt đã mê chèo và chỉ một lần được coi kịch của Thế Lữ đã quyết gắn bó đời mình với chèo. Về chèo, chắc Tào Mạt cũng phải theo chân, học hỏi các bậc thầy chèo cổ. Ông không chỉ viết kịch bản chèo (ngoài ba tác phẩm trên là 8 tác phẩm khác), mà còn viết các làn điệu theo lối “bẻ làn nắn điệu” để thể hiện được ý đồ của ông, uốn nắn diễn viên tập, thiết kế mỹ thuật sân khấu. Để thể hiện quan điểm đổi mới nhưng giữ vững “phong cách” chèo cổ, chống lại “cải cách”, “đổi mới” chèo bằng sử dụng lại tạp nhạc, múa Tây phương. Trước đây, ông đã bỏ công xây dựng Đoàn chèo Tổng cục hậu cần với các diễn viên không chuyên nghiệp để thực hiện ý đồ của mình.

Đọc Tào Mạt, nghe tên ông, người ta có cảm tưởng là ông phải xuất thân từ một gia đình nho học truyền thống. Thực tế, sự thật lại khác xa. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nghề giữ nhà, quét dọn dinh cơ đất tổ ở nhà quê cho một gia đình quan lại giàu có, mà mỗi năm họ chỉ về một vài lần vào những ngày giỗ, ngày tết. Ông chưa hề cắp sách đến trường. Cái tên Tào Mạt, ông lấy làm bí danh khi đi theo hoạt động cách mạng chống Pháp năm 16 tuổi và sau đó làm bút hiệu chỉ vì khi đọc Đông Châu liệt quốc, ông cảm cái dũng khí của Tào Mạt, mưu thần vua Lỗ, khi thấy vua mình dù đã hội thề với vua Tề nhưng vẫn bị vua Tề cậy lớn lấn át, đã rút gươm quát mắng vua Tề, bắt vua Tề bỏ thói trịch thượng, xin lỗi vua Lỗ. Tào Mạt là đảng viên cộng sản, có hàm đại tá, đã từng theo bộ đội vào Trường Sơn. Ông được Thế Lữ chỉ giáo về kịch nghệ, và theo thầy Đặng Thai Mai để học hỏi Hán học, văn học. Ông tự học làm thơ chữ Hán, dịch thơ Đường. Nét chữ Hán hào hoa của ông cũng ít người bì kịp.

Bộ ba vở chèo lịch sử Bài ca giữ nước của Tào Mạt hoàn thành năm 1979, một năm mà đất nước sa sút cực kỳ, trong nội bộ kinh tế suy thoái, dân chúng kéo nhau vượt biên, hàng trăm ngàn người vẫn còn nằm tù cải tạo, ngoài biên giới thì Pol Pot, Trung Quốc đánh phá, Mỹ cấm vận. Trong tác phẩm, tác giả đã không đặt trọng tâm vào các chiến công lịch sử vẻ vang của thời Lý mà lại vào chữ đức, chữ nhân trong mối quan hệ giữa người và người, và đặc biệt là giữa người cai trị và kẻ bị trị.

Trong vở kịch, vua Lý Thánh Tông hỏi hoàng phi Ỷ Lan về phép trị nước, bà thưa “Đấng vương giả trị nước cốt ở một điều nhân nghĩa, sao cho dân nước ấm no mà láng giềng hoà mục” (tr. 69). Vua đã giao cho bà quyền chấp chính khi ông mang quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Lúc bàn việc chấp chính với thái sư Lý Đạo Thành, Ỷ Lan nói: “Ta thường nghe:

Được lòng người thì thịnh
Mất lòng người thì suy
Dựa vào đức thì bền lâu
Ỷ vào sức thì chóng mất.

Phép trị nước là phải có ân, có uy, rồi mới dần dần lấy ân thay uy, lấy lòng nhân thay sức mạnh” (tr. 90).

Lý Thường Kiệt bàn với sư cụ chùa Linh Xứng: 

“ Tôi đánh giặc Quách Quỳ, Triệu Tiết được xem là trí. Tôi vượt biên phá giặc ở Ung châu được coi là dũng, nhưng trí dũng theo tôi phải có gốc ở chữ nhân. Trí có thể được lòng dân, nhưng không có nhân không bền; dũng có thể khuất phục được dân, nhưng không có nhân thì dân không vui. Trí dũng mà có nhân thì có lợi cho thiên hạ; ta dũng mà không có nhân thì phiền nhiễu cho thiên hạ. Trị nước không cốt ở sự mang ơn. Nhân ví như sự vui, ân ví như nụ cười. Tâm thực vui thì cười hay không cười vẫn vui... Những việc làm động trời rợp đất, kích thích sự quái dị thì không bằng làm cho mọi nhà yên vui, hưởng phúc thái hoà. Cho nên tôi nghĩ tu pháp thuật thì không bằng tu đạo” (tr. 169-170).

Theo nhà văn Chu Văn viết trong lời bạt của ba vở kịch chèo Bài ca giữ nước in năm 1986, việc trình làng ba tập kịch trên đã làm Tào Mạt mắc bệnh nhức đầu, hoảng loạn tâm thần trong nhiều năm. Chu Văn viết:

“Người ta bắn tin, chất vấn:

– Lý Thường Kiệt là ai? Lê Văn Thịnh là ai?

Tào Mạt cười đau khổ :

– Là nhân vật trung và nịnh, triều Lý thế kỷ 11.

Người tò mò lại xoay:

– Tại sao anh chôn Hề Hoạn?

Tào Mạt trố mắ t, ngạc nhiên:

– Tôi không làm việc ấy. Lê Văn Thịnh chôn Hề Hoạn chứ. Vì lão ghét và sợ Hề Hoạn nói thẳng...

Người xoi mói chưa vừa ý:

– Ý đồ của anh khi viết Bài ca giữ nước?

Tào Mạt chắ p tay:

– Tôi phục vụ nghị quyết IV, nghị quyết V”. ( tr. 215-216)

Người ta chất vấn ý đồ của Tào Mạt, không cho ba vở Bài ca giữ nước được diễn tiếp. Tào Mạt thì lấy tư cách một người đảng viên cộng sản tin vào lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, đáp ứng sự kêu gọi của Đảng, nhắc lại phép cai trị đất nước của tổ tiên. Đọc Bài ca giữ nước, gặp ông, người ta thấy cái cổ học đã ngấm sâu vào con người ông. Cho nên tìm thấy triết lý về cái Nhân, cái Đức trong tác phẩm của ông không có gì là lạ cả. Tìm thấy những con người cộng sản chân chính giật mình, đánh giá lại mình, đánh giá lại chế độ mình như vậy cũng không có gì là lạ.

Nếu chỉ có thế thì Bài ca giữ nước chỉ là một tuyên ngôn chính trị. Không phải thế, Bài ca giữ nước là một bộ tác phẩm chèo hiếm có trong nền văn hoá đất nước. Tác giả đã xử lý phong cách của chèo cổ để xây dựng vở diễn.

Truyện Bài ca giữ nước gồm các nhân vật chính sử: vua Lý Thánh Tông, hoàng phi Ỷ Lan, hoàng hậu Thượng Dương, thái sư Lý Đạo Thành, thái uý Lý Thường Kiệt, thái sư Lê Văn Thịnh, người sau này thay Lý Đạo Thành sau khi Lý Đạo Thành mất. Cũng dùng nguyên tắc cơ bản của chèo cổ là kể chuyện có đầu có đuôi, Bài ca giữ nước gồm ba vở kéo dài hai đời vua.

Vở đầu Lý Thánh Tông chọn người tài, nói đến việc vua gặp và lấy Ỷ Lan làm hoàng phi khi nhà vua đi cầu tự ở chùa Dâu vì thấy nàng là người dân dã, nhưng có dũng, khi tâu vua về phép trị nước, lại hát hay, biết nghề nuôi tầm dệt lụa. Khi phải đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành cùng với Lý Thường Kiệt, vua Lý Thánh Tông đã cử Ỷ Lan làm nhiếp chính.

Vở hai Ỷ Lan coi việc nước, kể về hành động nhân nghĩa của Ỷ Lan lúc nhiếp chính như mở kho thóc cứu dân khi có nạn đói, về lòng dũng cảm của Ỷ Lan khi biết được giặc giã nổi lên là do cháu ruột hoàng hậu làm tri châu mượn thế hiếp đáp dân, ăn cướp cả thóc phát chẩn, bà đã thân chinh đem quân đi xét xử. Hoàng hậu Thượng Dương bực tức, nghe lời mưu thần nhà Tống vu oan hãm hại Ỷ Lan. Việc đổ bể, nhà vua muốn xử hoàng hậu nhưng Ỷ Lan can:

“Chuyện ghen ghét vốn dĩ thường tình
Thiếp không muốn đời sau lầm lẫn phẩm bình
Đức vua giết vợ già chỉ vì quá yêu vợ trẻ
Huống chi giặc Tống vẫn lăm le ngoài ải
Vua tôi thần dân cần trên dưới một lòng
Hoàng hậu còn có họ có dòng
Lấy đức cởi oán thì oán thù mới dứt
Thần thiếp nay dùi mài lễ Phật
Luyện điều không tham, không gian, không mê "
(tr. 130)

Vở cuối Lý Nhân Tông học làm vua, nói về thời kỳ sau khi vua Lý Thánh Tông mất, con là Lý Nhân Tông lên thay, ham mê săn bắn, việc triều chính giao cho thái sư Lê Văn Thịnh. Thịnh nịnh hót vua, và muốn người khác nịnh hót mình. Thịnh nghe lời mưu thần Tống, muốn tiếm quyền, đẩy Lý Thường Kiệt, tuổi đã ngoài tám mươi đi đánh trận phương xa, ở nhà cho quân giả làm cọp mưu giết vua lúc đi săn. Chuyện không thành, Ỷ Lan khuyên vua tha chết chỉ đầy đi xa.

Độc đáo trong vở hai và ba là nhân vật Hề Hoạn, một người bị bắt vào cung cấm, bị hoạn, để làm vui cho hoàng tộc. Tào Mạt hư cấu một nhân vật hề có tính cách bi tráng khi cho nhân vật Hề Hoạn bị chôn sống vì không uốn lưỡi ca tụng, tạo ra cao trào cảm xúc trong tác phẩm, và để lại những ấn tượng đẹp, kéo dài trong lòng người xem. Hề Hoạn ca tụng công đức của Lý Thường Kiệt, bị Lê Văn Thịnh ghét. Hề được vua thương, vua muốn phong hề làm “vua hề”, hề từ chối vì “ Tâu Đức Vua! Vua hề thì một mình Đức Vua phong cũng không được, bởi làm trò có hay thì dân mới gọi (là vua hề). Nay Đức Vua phong cho một chức quan thì được phần áo mũ, mất phần thảnh thơi. Huống chi làm quan thì phải coi việc, hề thì phải làm trò, vừa làm quan vừa làm hề mà không phải bậc đại tài thì quan dở, hề nhạt” (tr. 131). Hề xin được về làm thường dân, “ Làm trò để góp vui cho đời, chứ không phải tán nhảm lấy vui”...

“Làm trò có thanh thì có hưởng.
Có thông thì có vang.
Thanh là gốc mà hưởng là ngọn”
(tr. 146).

Trong tác phẩm, dân ca, ca dao được đưa vào kịch bản rất nhuần nhuyễn đã làm tôn lên những vần thơ đẹp. Những vần thơ của Tào Mạt qua tự sự của Hề Hoạn tưởng như ca dao, nhưng lại ngấm đầy chất phóng khoáng của một nhà nho vượt vòng kiềm toả:

“Dốc bầu ra, trăng hiện vàng tươi
Nhìn trong rượu, thấy hoa cười
Hỏi trăng, trăng hãy trả lời cho ta.

Đời người thoáng đi qua mấy chốc,
Mà nước non gấm vóc không cùng.
Cắp bầu chơi khắp núi sông
Ôm trăng làm bạn những mong đời đời
Biết không thể vật nài thế được
Thì hát vang gửi trước gió bay.
Đồng không, gió mát hây hây
Trăng treo vằng vặc, bầu đầy rượu tăm” (tr. 164).

Trong chèo nếu không có hề thì chèo đã đánh mất một nét đặc sắc của thể loại ca vũ kịch này. Chèo cổ đã sử dụng vai hề để phá những cái xấu trong làng xã, tạo ra những tiếng cười thoải mái như trong “ Xã Trưởng Mẹ Đốp”. Nhưng chủ yếu hề là những pha chọc cười, dùng làm chuyển cảnh, không ăn nhập vào đâu, ngay cả trong “Xã Trưởng Mẹ Đốp”, hề mượn cớ xuất hiện khi xã trưởng kêu vợ mõ đi báo quan viên trong làng họp xử vụ Thị Mầu chửa hoang, kéo dài 20 phút. Tác phẩm của Tào Mạt có nhiều loại hề, “Chim” khoét, “Chuột” đào là những loại hề theo kiểu “Xã Trưởng Mẹ Đốp”, ngắn gọn hơn, mục đích nói lên thói đục khoét của quan trong vở kịch. Hề là đặc trưng độc đáo của chèo. Hề đi liền với động tác, ngôn ngữ dân gian từ chơi chữ, nói lái độc đáo Việt Nam. Khó nói về cái hay của hề chèo, nếu không trực tiếp xem diễn.

Người xem tìm thấy trong tác phẩm của Tào Mạt không chỉ là tư tưởng dân gian về nhân nghĩa, mà cả một rừng văn hoá dân gian, từ những câu ca dao, những bài hát dân gian, tình yêu say đắm tự nhiên của trai gái đến những tư tưởng thấm nhuần đạo Phật, đạo Nho mà cao điểm được thể hiện thời nhà Lý.

Vở chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt cuối cùng cũng được công diễn. Theo nhà văn Chu Văn, “ buổi tối hôm ấy, người xem đến đông quá mức, chật đến vỡ Nhà hát Vinh... Người ta xem, vỗ tay đến vỡ trần nhà, hê hả, hào hứng.”“ Kịch bản Bài ca giữ nước được trăm phần trăm giám khảo nhất trí tặng Huy chương vàng” (tr. 217), một sự kiện chưa từng có trong các hội diễn kịch nghệ.

Hoàng Thanh

New York , 11.2.1992

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss