Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 20 / Nghề báo

Nghề báo

- Hoà Vân — published 01/02/2011 01:20, cập nhật lần cuối 20/02/2011 00:46

Ngược dòng


Nghề báo

 

1. Ba năm nay, ngày 3.5 được coi là “ ngày quốc tế vì tự do báo chí”. Trong bản tài liệu được phổ biến năm nay nhân dịp này, tổ chức “các phóng viên không biên giới” đã duyệt qua những trở ngại mà người làm báo trên khắp thế giới đã và đang gặp trong khi hành nghề. Theo những thống kê không đầy đủ, “61 nhà báo đã bỏ mình trong năm 1992 vì muốn tiến tới quá gần sự thật”, “ 123 người khác vẫn còn bị giam giữ ở thời điểm 1.1.1993” ở khắp năm châu. Nhân chứng “ khó chịu” của những cảnh tượng tàn bạo, hung ác, họ là những người phạm tội không chịu im lặng trước những sự lạm dụng quyền lực, trước sự cố chấp của những tổ chức cực đoan, hay trước sự thối nát của một chế độ... Riêng về châu Á, bản tài liệu viết (dịch thoát):

“Về phần mình, Trung Quốc đang giữ một kỷ lục buồn thảm : kỷ lục những nhà báo bị cầm tù. Vào ngày 1.1.1993, còn có khoảng 30 nhà báo vẫn bị giam giữ, phần lớn bị kết án nặng nề sau vụ Thiên An Môn năm 1989. Ở những mảnh đất châu Á khác, tự do báo chí cũng không tốt đẹp gì. Ở Philipin, mục sư Greg Hapalla, cộng tác viên của đài phát thanh DXAS bị bắn chết ngay khi đang phát thanh. Báo chí Sri-lanca thường xuyên bị đánh mắng nặng nề, cùng những hành động hung bạo khác. Những nhà báo Ấn Độ luôn luôn bị nguy hiểm chỉ vì đụng tới “tính khí bất thường” của các tay bạo chúa địa phương, các đảng chính trị (như đang BJP) hay những phong trào ly khai (của người Sikhs hay người Cachemiris). Ở Lào, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, và trong một chừng mực ít hơn, ở Việt Nam, tự do báo chí vẫn chỉ là một ước mơ của người dân chủ”.

Dĩ nhiên, sự đánh giá về cái “chừng mực ít hơn” kia thuộc trách nhiệm của những tác giả bản tài liệu. Trong phạm trù tự do, những sự so sánh thường khập khiễng và sự an ủi rằng số phận hẩm hiu của mình chưa phải là đen tối nhất chỉ có một ... giá trị an ủi rất tương đối! Có thể, sự đánh giá nói trên có phần nào khách quan chăng, khi người ta tính tới, trong mấy năm qua, sự hiện hữu của một phong cách báo chí “ đổi mới” nhiều khi vượt qua được những kềm kẹp của bộ máy quyền lực: Một Văn Nghệ thời Nguyên Ngọc, một Lang-Biang, Sông Hương, rồi Cửa Việt, một Tuổi Trẻ thời Kim Hạnh... (Nay thì Văn Nghệ đã được “ uốn nắn”, Sông Hương, Lang-Biang, Cửa Việt bị đóng cửa, Kim Hạnh bị “ đổi công tác”!). Có thể, người ta nghĩ rằng, dẫu sao Nguyên Ngọc không bị cầm tù, Kim Hạnh chỉ là bị cho ra rìa – như rất nhiều cuộc sa thải và cho ra rìa khác vẫn diễn ra ở nhiều nước có rất đầy đủ tự do. Có thể..., nhiều thứ lắm, trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống đúng là vẫn chẳng ai bằng mình!

Cho nên, thiết nghĩ cũng chẳng nên mất thì giờ nhiều hơn về cái “ chừng mực” ít hay nhiều kia. Chỉ xin nhân đây, gửi một lời chúc cho những “ ước mơ của những người dân chủ” sớm thành hiện thực. Có lẽ cần nói rõ hơn, những người dân chủ ở bất kỳ phương trời nào. Bởi chả riêng gì đảng cộng sản, những “tính khí bất thường” của các tổ chức chính trị chống cộng nhiều khi cũng ghê gớm lắm!

2. Hai ngày trước ngày tự do báo chí, cựu thủ tướng Pháp Pierre Bérégovoy bắn một viên đạn vào đầu tự tử, không để lại một tư liệu gì cho biết vì sao ông đi tới quyết định thảm khốc đó. Một cơn chấn động lan trong mọi giới dân Pháp. Sự thất bại chua cay của đảng xã hội trong cuộc bầu cử vừa qua không đủ để cắt nghĩa. Người ta bàn nhiều về những bài báo tấn công cá nhân ông, đặc biệt trong một vụ ông được một tỷ phú cho vay không lãi một triệu quan để mua nhà. Dù rằng, trong chính giới cao cấp của Pháp, chẳng ai ngoài Bérégovoy, ở tuổi 60, sau nhiều năm lĩnh những trọng trách của đất nước, lại thiếu tiền đến mức phải đi vay để mua nhà. Những người đã đạt tới trình độ ấy thường có những mối liên hệ, những thu nhập bảo đảm hơn nhiều!

Song, dù cuộc vay mượn đã diễn ra khi ông không còn là một bộ trưởng trong chính phủ , “Béré” vẫn là một nhân vật trong chính giới, do đó nhiều người cho rằng báo chí không có lỗi khi đưa ra những thông tin xác thực, về đời sống riêng của ông nhưng có những liên hệ tới đời sống công cộng (người cho ông vay cũng là một nhân vật có ảnh hưởng của đời sống kinh tế Pháp, và có liên quan tới một số vụ việc đang được luật pháp xem xét). Dẫu sao, câu hỏi về một quy chế nghề nghiệp, một thứ tiêu chuẩn đạo lý (éthique) của nghề báo vẫn được đặt ra... Đâu là giới hạn của cuộc sống riêng của những chính khách, những người đã chọn phục vụ cho công ích làm lẽ sống của mình? Làm sao để những tin tức, những bài điều tra, phóng sự phản ánh được sự thật một cách trung thực nhất, không bị “nhiễu” bởi bao nhiêu quyền lợi riêng tư – kể cả lợi ích vật chất hay tình cảm của chính người viết báo! –? Làm sao để những bài bình luận giữ được mức vô tư và công tâm cần thiết, dù cho người viết bình luận, dĩ nhiên, có quyền đưa ra các ý kiến chủ quan của mình? v.v...

3. Những câu hỏi đương nhiên không được đặt ra trong một thể chế độc đoán, nơi báo chí đã được chính thức định nghĩa là một “ công cụ” của đảng cầm quyền, nơi nhà báo được nhắc nhở hàng ngày phải “ tỉnh táo”, để không cho “kẻ thù và bọn xấu lợi dụng” (những cuộc đấu tranh xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, “tiêu cực”, v.v... được đưa lên mặt báo). Song hình như, ngay cả ở những nơi quyền tự do dân chủ của báo chí được bảo đảm rộng rãi nhất, hậu quả dai dẳng của những năm chiến tranh, cuộc đấu tranh chính trị bị đẩy tới mức cực đoan vẫn ngự trị tuyệt đối trên rất nhiều tờ báo mà tiêu đề đấu tranh cho tự do dân chủ chỉ đồng nghĩa với một chủ nghĩa chống cộng được thần thánh hoá. Đáp với “ yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, rõ ra là “ không chống cộng là không yêu nước”! Và người ta thản nhiên biến hai triệu người vì những lý do khác nhau đang sống ở nước ngoài thành những chiến sĩ của tự do . Và “hải ngoại” với “ tị nạn” trở thành tiêu chuẩn của đạo lý, đối lập với “ cộng sản” ở trong nước! Trong tinh thần đó, làm sao viết và đưa tin trung thực về những gì xẩy ra nơi “kẻ thù” đang cầm quyền, nhất là khi nó không chịu mau chóng tan rã như mình mong muốn?

4. Trên đây mới chỉ nói chuyện viết về chính trị. Còn xã hội, còn văn hoá, lịch sử, với bao nhiêu điều kiêng kỵ khác. Làm báo sao mà khó!

Ngày tự do báo chí muôn năm!

Hoà Vân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss